Bước tới nội dung

Luật Sở hữu trí tuệ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022)/Phần thứ năm/Chương XVI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Phần thứ năm
BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Chương XVI
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Điều 198. Quyền tự bảo vệ

1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

a)[1] Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

b)[2] Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

1a.[3] Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

2.[4] Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả, quyền của người biểu diễn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền quy định tại khoản 4 Điều 19 và điểm b khoản 2 Điều 29 của Luật này.

3.[5] Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202 của Luật này.

4.[6] Tổ chức, cá nhân là bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu được Tòa án kết luận là không thực hiện hành vi xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án buộc nguyên đơn thanh toán cho mình chi phí hợp lý để thuê luật sư hoặc các chi phí khác theo quy định của pháp luật.

5.[7] Tổ chức, cá nhân lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên lạm dụng thủ tục đó phải bồi thường cho những thiệt hại do việc lạm dụng gây ra, trong đó bao gồm chi phí hợp lý để thuê luật sư. Hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm hành vi cố ý vượt quá phạm vi hoặc mục tiêu của thủ tục này.

Điều 198a. Giả định về quyền tác giả, quyền liên quan[8]

Trong các thủ tục tố tụng dân sự, hành chính, hình sự về quyền tác giả và quyền liên quan, nếu không có chứng cứ ngược lại thì quyền tác giả, quyền liên quan được giả định như sau:

1. Cá nhân, tổ chức được nêu tên theo cách thông thường là tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng, nhà sản xuất tác phẩm điện ảnh, nhà xuất bản được coi là chủ thể quyền đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đó;

2. Nêu tên theo cách thông thường quy định tại khoản 1 Điều này được hiểu là được nêu tên trên bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các tài liệu liên quan (nếu có) hoặc trên các bản sao tương ứng được công bố hợp pháp trong trường hợp bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các tài liệu liên quan không còn tồn tại;

3. Cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng quyền tác giả hoặc quyền liên quan tương ứng.

Điều 198b. Trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian[9]

1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian là doanh nghiệp cung cấp phương tiện kỹ thuật để tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ đưa nội dung thông tin số lên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet; cung cấp kết nối trực tuyến cho công chúng tiếp cận, sử dụng nội dung thông tin số trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể quyền thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet.

3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet liên quan đến việc cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ của mình trong các trường hợp sau đây:

a) Chỉ thực hiện việc truyền dẫn nội dung thông tin số hoặc cung cấp khả năng truy nhập đến nội dung thông tin số;

b) Khi thực hiện chức năng lưu trữ đệm trong quá trình truyền dẫn thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải thực hiện một cách tự động, tạm thời nhằm mục đích trung chuyển thông tin và làm cho việc truyền dẫn thông tin hiệu quả hơn, với các điều kiện sau: chỉ biến đổi thông tin vì lý do công nghệ; tuân thủ các điều kiện truy nhập, sử dụng nội dung thông tin số; tuân thủ các quy tắc về cập nhật nội dung thông tin số được quy định cụ thể theo cách thức được ngành công nghiệp thừa nhận và sử dụng rộng rãi; không ngăn cản việc sử dụng hợp pháp công nghệ được thừa nhận rộng rãi trong ngành công nghiệp để lấy dữ liệu về việc sử dụng nội dung thông tin số; gỡ bỏ nội dung thông tin số hoặc không cho truy nhập đến nội dung thông tin số khi biết rằng nội dung thông tin số đó đã được gỡ bỏ tại nguồn khởi đầu hoặc nguồn khởi đầu đã hủy việc truy nhập đến nội dung thông tin số đó;

c) Lưu trữ nội dung thông tin số của người sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ với các điều kiện sau: không biết rằng nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; có hành động nhanh chóng gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập đến nội dung thông tin số đó khi biết rằng nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan;

d) Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được miễn trừ trách nhiệm pháp lý theo quy định tại khoản 3 Điều này không phải tự giám sát dịch vụ của mình hoặc chủ động tìm kiếm các bằng chứng chỉ ra hành vi xâm phạm.

5. Nội dung thông tin số quy định tại Điều này là tác phẩm và các đối tượng quyền liên quan được bảo hộ theo quy định của Luật này được thể hiện dưới dạng số.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 199. Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 200. Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

2. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

3. Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.

Điều 201. Giám định về sở hữu trí tuệ[10]

1.[11] Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Việc giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

1a.[12] Giám định về sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Giám định về quyền tác giả và quyền liên quan;

b) Giám định về quyền sở hữu công nghiệp;

c) Giám định về quyền đối với giống cây trồng.

2.[13] Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật có ít nhất một cá nhân có Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ được thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2a Điều này.

2a.[14] Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được kinh doanh dịch vụ giám định sở hữu trí tuệ.

3. Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ:

a) Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Thường trú tại Việt Nam;

c) Có phẩm chất đạo đức tốt;

d) Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp thẻ giám định, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ năm năm trở lên và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định.

4.[15] Nguyên tắc thực hiện giám định bao gồm:

a) Tuân thủ pháp luật, tuân theo trình tự, thủ tục giám định;

b) Trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời;

c) Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu;

d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định;

đ) Chi phí giám định được xác định theo thỏa thuận giữa người có yêu cầu giám định và tổ chức, cá nhân giám định.

5.[16] Kết luận giám định là một trong các nguồn chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết vụ việc. Kết luận giám định không kết luận về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc kết luận về vụ tranh chấp.

6. Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ.

  1. Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 76 Điều 1 của Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
  2. Điểm này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 76 Điều 1 của Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
  3. Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 76 Điều 1 của Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
  4. Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 76 Điều 1 của Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
  5. Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 76 Điều 1 của Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
  6. Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật số 42/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019.
  7. Khoản này được bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 2 của Luật số 42/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019.
  8. Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 77 Điều 1 của Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
  9. Điều này được bổ sung theo quy định tại khoản 77 Điều 1 của Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
  10. Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 26 Điều 1 của Luật số 36/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.
  11. Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 78 Điều 1 của Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
  12. Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 78 Điều 1 của Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
  13. Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 78 Điều 1 của Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
  14. Khoản này được bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 78 Điều 1 của Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
  15. Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 78 Điều 1 của Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.
  16. Khoản này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 78 Điều 1 của Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.