Mười hai bến nước (thơ)
Mỗi lần tôi quá ưu buồn,
Đọc thơ tưởng những linh hồn phiêu lưu.
Chiều qua, cũng một buổi chiều,
Bò xoài, khăn mặt dở thêu, thở dài.
Tôi như là nhớ một ai,
Tuy chưa một bóng qua đời tôi đâu.
Người âu sầu, cảnh âu sầu,
Một lần gió động, bên lầu lá rơi.
Ô hay, sao thế, lòng tôi,
Thuốc nào chữa được bệnh người vẩn vơ.
Vì giời, bệnh gió và mưa,
Phiêu lưu, bệnh của người thơ muôn đời.
Đứng lên ngồi xuống lại ngồi,
Tương tư... đâu phải bóng người xa xăm.
Nhớ người, tôi đọc hàng trăm
Lời thơ tha thiết âm thầm qua đi.
Giời ơi, cam chịu biệt ly
Trước khi biệt mất, trước khi trao lòng.
Có tàn ác... số mệnh không?
Có tê tái đến tận trong tim lành?
Bảo tôi nín lặng sao đành,
Lòng ơi, người ấy vô tình đi qua.
Thì tôi sợ lắm, người ta
Không nhìn chăm chút sẽ ra thế nào.
Tôi ước ao, tôi ước ao
Đời người ấy để tôi vào được không?
Tưởng khơi sa mạc mênh mông
Lời tôi im lịm trôi trong cát vàng.
Đầu bù tóc rối tơ vương,
Tôi ngồi nhắc lại một trang thơ buồn.
Nửa chừng lệ đã trào tuôn,
Nghẹn ngào không thể đọc hơn một vần.
Nữa là như thế muôn lần,
Nhưng tôi, không kiếp phong trần như ai.
Tôi còn sướng nhất trên đời,
Dễ thường kẻ ấy phương trời lang thang.
Trưa nay ngồi nhặt nắng vàng,
Chiều nào đưa chị, đầu làng ngùi trông.
Mái Đoài nhớ lá cau Đông,
Nâng lời than thở thả lòng giếng khô.
Còn nhiều... nhưng chỉ tôi thừa,
Cuộc đời phiêu bạt bao giờ gặp tôi.
Hỡi người thơ mộng xa xôi,
Hay là để một quãng đời nào tiên.
Quãng đời trộn với ánh đèn,
Dưới trời có gặp chỉ phiền phức thêm.
Phồn hoa rộn rã áo xiêm,
Muốn bao hình ảnh có tìm như không.
Biết rằng thế lắm, nhưng lòng
Có tin đi một con đường khác đâu.
Vẫn buồn mới khổ mới đau,
Vẫn chờ, vẫn nhớ nơi đâu xa vời...
Vẫn theo ấy bóng một người,
Qua lời thơ lệ, qua lời gió mưa...
Tình vương trong mộng là THƠ
Nếu như thế quả tôi dư tài rồi.
Nếu là tim rạn máu rơi,
Là lời yêu mến, là lời khóc than.
Là tin tưởng, là quê hương
Là tròn, là góc, là vuông hay là
Một hàng chữ, ý vu vơ;
Than ôi, tôi biết bao giờ hiểu đây.
Vì làng thơ họp trên mây
Tôi, cô gái xấu đọa đày trần gian.
Hiểu làm sao được mà than
Nhớ sao não nuột cung đàn... mà ghen
Với người trong giấc mơ tiên
Của chàng thi sĩ quê trên mây hồng
Than ôi, có thể được không,
Lòng tôi từ độ... như dòng sông vơi
Lá vàng đã lắm lần trôi
U buồn đã lẫn thở dài đi qua
Lệ nhiều đã giết ngày thơ,
Môi hồng sẽ nhạt, má tơ phai đào
Còn gì nữa mà đổi trao
Cho người đuổi những mơ cao không trùng
Còn gì mà đợi, mà mong
Nhớ tôi thì nhớ, xin đừng có... yêu
Mơ đi tôi cũng mơ theo,
Họa chăng gặp một vài chiều của nhau.
Rồi tìm lấy bước khổ đau
Bạn đi trong lúc tôi rầu rầu trông.
Thế thôi tình cũng là xong
Người đời cát bụi, kẻ phòng cô đơn.
Viết đi, tôi dạo khúc đờn
Theo dòng linh lạc của hồn bạn đi.
Viết đi rồi nhớ gửi về
Bến mơ trong gió, mây se chiều buồn.
Hồi tôi viết trong Việt Báo văn chương đương lúc ốm nặng, có người ở Tòa soạn đưa đến cho bài thơ trên đây. Bài thơ không biết của ai vì tên ký tắt, và không biết từ đâu gửi lại vì mất phong bì.
Bài thơ ấy tôi nhận thực là hay: thực là chân tình, thực là điêu luyện. Người ở Tòa soạn tự tiện trả lời trong hộp thư một câu không được lịch sự mấy, nên từ đó tuyệt vô âm tín. Đến khi khỏi bệnh tôi đã tìm kiếm tác giả bài thơ đó nhiều lần, nhưng đều không được tin gì đích xác. Bóng chim tăm cá thật là đáng buồn vậy.
Nay tạ lòng tri âm, tôi xin trân trọng tặng người cuốn thơ này, là cuốn thơ tôi ưng ý nhất từ trước đến giờ. Mong người ở nơi chân trời nào đó vui lòng đón nhận tấm chân thành ấy.
Và sau cùng, tôi xin mượn hai câu của Nguyễn Du để nhắn gửi lại người:
- Bao nhiêu của, mấy ngày đường,
- Còn ta, ta quyết gặp nàng mới thôi...
N. B.
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)
Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 và tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)