Bước tới nội dung

Một ít nghiên cứu về văn học

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Một ít nghiên cứu về văn học  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số Xuân (4. 2. 1932)

Thần mùa xuân, của Babylon là đàn ông, của Hy Lạp là đàn bà

Bốn mùa trong một năm, có mùa xuân là tốt đẹp hơn hết, vui vẻ hơn hết, đáng yêu hơn hết. Xuân ví như một người lữ khách đi xa lâu lâu lại trở về nơi cố hương là trái đất một lần. Mỗi khi xuân về, hoa nở như gấm thêu, cỏ xanh mướt như khảm trải, chim kêu ríu rít như đờn như sáo, muôn vật hớn hở như đua nhau mà sống, cả trời đất như đầy dẫy sự vui sướng và trông mong. Chẳng bởi cái nghị định nào hay cái chỉ dụ nào hết, tự nhiên thủ tiêu cái cảnh âu sầm thảm đạm mùa đông mà ban bố cái chánh lịnh mới, đổi cả mày mặt non sông, làm một việc đại cải cách mà không khoe công, không kể ơn, ôi, như thế, loài người mới đáng cúi mình trước mặt tạo hóa!

Mà đừng trách. Loài người chẳng qua là một vật trong  muôn vật, đã gởi thân giữa trời đất thì trách sao được sự bủn xỉn nhỏ nhen? Bởi vậy, đối với xuân, loài người chẳng những không dám so bì, mà cũng như cái hoa, sợi cỏ, con chim, hễ gặp xuân thì đón rước tươi cười, ca tụng cái đức thi sanh, cảm tạ cái ơn phát dục.

Bởi cái tâm lý ấy mà trong văn học nước nào cũng vậy, hết một phần lớn là tài liệu của mùa xuân. Nào những xuân phong, xuân sắc, xuân tâm, xuân tình, xuân mộng... là chữ để điểm chuyết câu thơ câu phú, kể ra còn biết bao nhiêu. Cho đến đức thánh Khổng chính tay cầm bút dọn sử thành kinh, cũng mở đầu chép "Xuân vương chánh nguyệt". Lại cho đến cụ Tiên Điền ta hóa thân Phong tình lục ra ca lục bát, cho Kim Kiều gặp nhau trong mùa nào chẳng được, lại phải cho gặp nhau lúc Thanh minh trong tiết tháng ba? Vậy cho biết cái nhiệt tình của loài người đối với xuân lại còn đậm đà hơn muôn vật nữa, bởi đã đua nhau mà vịnh ca nó, xưng tụng nó, để nó choán một phần lớn trong văn học.

Các dân tộc bên Tây đối với xuân, tưởng lại còn sốt sắng hơn người phương Đông ta nhiều. Trong văn học Âu châu, những tài liệu mùa xuân lại còn phong phú và mỹ lệ đến đâu. Sự nầy ta phải nhìn cho cái quan hệ ở địa lý. Vì ở xứ lạnh chừng nào, người ta đã chịu khổ với mùa đông chừng nào, thì đối với mùa xuân lại có cảm tình nồng nàn hơn chừng nấy.

Học giả Âu châu đã từng nghiên cứu mà truy nguyên ra văn học đời nay là bởi những thần thoại đời xưa. Nói riêng về xuân, cũng có thần thoại của nó, mà rồi văn nhân đời sau thảy đều lấy tài liệu ra ở đó.

Cứ theo thần thoại Ba-by-lôn thì thần mùa xuân là đàn ông, là một chàng thiếu niên đẹp trai và phong nhã; khi chàng ở trên trái đất thì là mùa xuân vui vẻ, mà khi chàng đi khỏi, trái đất trở nên lạnh lẽo, buồn bã, thì là mùa đông. Vị thần thiếu niên của người Ba-by-lôn đó tên là Tammuz, thần coi việc sanh dưỡng, nên cũng gọi là Xuân thần.

Theo lời truyền thuyết đời xưa thì mẹ của Tammuz bởi hoang thai mà sanh ra chàng. Vì cớ ấy, cha của bà ấy không vui lòng, tính hễ đẻ ra thì bề nào cũng giết đứa con đi mới ưng bụng. Người mẹ lo sợ, mà chẳng dám tỏ cùng ai, chỉ có đếm ngày cầu đảo khấn nguyện với thần minh. Các thần thấy tội nghiệp, bèn cho bà hóa ra cây sanh, rồi từ trong thân cây nứt ra một đứa con trai xinh xắn và vạm vỡ, tức là chàng Tammuz đó vậy.

Khi Tammuz ra đời đoạn, mẹ chàng thương yêu báu xót, coi như ngọc như vàng; chỉn e cha mình mưu hại lần nữa, bèn đóng một cái rương, bỏ đứa bé vào mà gởi cho Hoàng hậu ở Âm phủ, nhờ nuôi giùm cho mình.

Tammuz ở dưới Âm phủ càng ngày càng khôn lớn nên người, thì quả là một chàng thanh niên, mọi vẻ mọi được, chẳng ai bằng. Hoàng hậu khi ấy trở yêu mến chàng, rồi đoạt làm của mình mà không chịu trả về Dương gian cho mẹ đẻ. Người mẹ tức mình không chịu, đem đầu đuôi công việc mà kiện trước mặt Thượng đế. Thượng đế cũng muốn cho hai bên đều được việc và huề với nhau, bèn phán dạy Tammuz mỗi năm ở với mẹ đẻ trên đất bốn tháng, và ở dưới Âm phủ với hoàng hậu bốn tháng, thế là êm chuyện.

Theo thuyết ấy thì còn bốn tháng nữa Tammuz ở vào đâu? Nên lại có một thuyết khác nói rằng Tammuz ở Dương gian nửa năm, ở Âm phủ nửa năm, người mẹ đẻ với bà hoàng hậu chia đôi mùa xuân với nhau.

Bởi vậy, đời xưa, mỗi năm đến ngày Tammuz sắp lìa thế giới sáng sủa nầy mà xuống nơi âm gian mờ tối, thì người ta cử hành một cái lễ rất là ai thảm để tỏ tình quyến luyến, không nỡ biệt xuân thần. Trong lúc cử hành cái lễ đó, cả con trai con gái đều khóc mà hát bài Ai ca Tammuz (Lamentation de Tammuz). Trong bài Ai ca ấy có một câu hát lặp như vầy: "Tammuz!... chẳng còn sống ở nhân gian nữa!" Vả lại, cái tục ấy cũng còn sót dấu trong Kinh Cựu ước, sách E-xê-chi-ên đoạn 8, câu 14 nói rằng: "Ngài dẫn ta đến lối vào cửa nhà Đức Giê-hô-va, cửa ấy về phía bắc; nầy, tại đó ta thấy những đàn bà ngồi mà khóc Tammuz!"

Song đến mùa xuân, là lúc Tammuz trở lại dương gian, tức thì mặt đất tiều tụy kia liền có sanh khí, bao nhiêu cái mặt sầu thảm đều đổi ra vui cười; người ta ai nấy lại cao hứng, mở ra những yến tiệc linh đình mà khánh chúc Xuân thần trở lại, ấy là "Tiết nghinh xuân".

Còn cứ theo thần thoại Hy Lạp, thì Xuân thần là đàn bà, là nàng thiếu nữ nhân từ và mỹ lệ, tên gọi Proserpine.

Proserpine là con gái của nữ thần Cères, hằng ngày giúp mẹ mình rải ánh sáng mùa xuân ra cho dân gian, làm cho lúa thóc và mọi thứ trái cây được sai tríu, để mà vẽ vời cho trái đất được đẹp đẽ, giúp cho loài người được ấm no. Mỗi khi nàng làm công việc xong rồi thì đi tìm các nữ thần là bạn của mình, như thần Núi non, thần Sông suối, mà thưởng hoa và hát xướng làm vui. Sau khi đó lại trở về với mẹ.

Một hôm, nàng làm xong công việc, đương chơi với các nữ thần, hái các thứ bông mà cắm trên mái tóc, và cười reo nơi khe suối. Bỗng có vua Âm phủ là Pluto, nhơn đi tuần trên đất, đi ngang qua đó, thấy nàng lịch sự thì bắt mà chở trên xe mình. Khi bấy giờ Proserpine sợ hoảng, vùng vẫy đã không thoát khỏi, mà kêu la cũng chẳng được chi, bèn bị Pluto đem luôn về dưới đất, ép làm hoàng hậu.

Mẹ nàng ở nhà trông càng ngày càng tối mà chẳng thấy con về, bèn cất thân ra đi kiếm. Vẫn có nhiều vì thần biết sự nàng thần kia bị bắt hiếp, nhưng ai nấy đều sợ oai thế Pluto, chẳng dám nói ra. Bà Cères lên hỏi đến thần Mặt trời, vị nầy có gì mà chẳng biết, thế mà cũng lắc đầu nói không. Bà đi kiếm con đã cùng khắp cả mà không thấy; trong lòng như nung như nấu, và công việc cũng bỏ bê, khi ấy trên đất đã đổi ra vẻ đìu hiu, khác nào như người mẹ lành mất con, buồn rầu khôn xiết!

Nữ thần Cères đi đã mỏi quá, phải ngồi trên một hòn đá luôn chín đêm; ngày thì mặt trời dọi vào gò má có những nước mắt chứa chan, đêm thì các ngôi sao ló mặt ra hầu làm bạn trong cơn vắng vẻ. Đoạn lại đứng dậy đi, đi đến một con sông, mới phăng lần được tông tích con gái mình ở đó.

Nguyên lúc Pluto cướp Proserpine đi ngang qua sông nầy, có làm rớt một sợi giây lưng của nàng. Người mẹ nhìn được cái di vật ấy của con mình, lại nghe thêm được cái tin của một nữ thần khác báo cho, bèn biết hết đầu đuôi, con gái mình đương làm hoàng hậu vua Âm phủ, tiếng là tôn quý cao trọng mà kỳ thiệt là bị giam trong chốn âm ế thảm sầu.

Nữ thần Cères bèn tốc thẳng lên thiên cung mà kiện với Đại thần Zéus, và xin hết sức cứu con gái mình ra khỏi tay Pluto. Zéus lập tức sai sứ giả xuống Địa phủ, khuyên Pluto thả hoàng hậu mình về Dương gian. Pluto nghe mạng lịnh của Zéus, không dám trái đã đành, nhưng đối với mỹ nhân, có lẽ nào cắt đứt mối tình cho được? Bèn lập ra mưu chước làm cho nàng phải mắc.

Lúc sửa soạn đưa đi, Pluto bày tiệc, toàn là các thứ hoa quả. Proserpine không chịu ăn. Nhưng Pluto ép riết, nàng phải ăn hết bốn hột lựu. Vừa khi ấy thì nàng đã tỉnh biết là mình mắc mưu rồi! Bởi vì mỗi hột lựu, tức là một tháng, mà nàng nhận lễ vật của Pluto bốn hột lựu, thế là phải ở với Pluto bốn tháng.

Từ đó mỗi năm Proserpine ở với mẹ mình tám tháng đặng giúp việc nông tang; còn bốn tháng kia, thì phải về ở với vua Âm phủ. Hễ khi lá ngô đồng thứ nhứt ở trên cây vừa rụng xuống, thì Pluto đem chiếc xe đen lên rước vợ mình về chốn âm cung mà vầy duyên kháng lệ.[1] Còn khi cái mầm thứ nhứt trong đất nứt lên, thì sứ giả trên trời liền xuống rước Xuân thần về nhân gian. Khi ấy muôn vật đều hớn hở mầng: cái hoa cười, con chim kêu, sâu bọ nhảy nhót để rước xuân về đến. Ví dầu hai mẹ con nữ thần không lấy làm vui lòng, mà vì số mạng đã định, có Đại thần Zéus làm chủ, thì cũng chẳng biết làm sao!

Ai có đọc văn Tây, bất kỳ của nước nào, cũng đã thấy hai cái điển trên nầy được dùng ra nhiều lần rồi. Hai điển, một nói Xuân thần là đàn ông, một nói Xuân thần là đàn bà, tuy cái tượng trưng (symbole) khác nhau mà dụng ý thì có một. Bởi mùa xuân đối với sự sanh hoạt của loài người, có ảnh hưởng lớn lắm; mà trong một năm không phải là xuân hết, vậy thì khi nó đi, khi nó ở, loài người đối với nó, nên có tình quyến luyến là dường nào! Thần thoại của các dân tộc bên Tây kể cho Xuân thần là nam hoặc nữ, cũng có ái tình như người ta, hầu cho người ta được tỏ cái tình quyến luyến ấy với xuân một cách trực tiếp vậy; không như Xuân thần của ta, nói là thần Câu Mang, ở phương Đông, mình chim, mặt người, cỡi hai con rồng (thấy trong Sơn hải kinh), thì đã ra dị loại, khó mà mật thiết với loài người!

Ông Lý Hậu Chủ có câu rằng:

"Lưu thuỷ lạc hoa xuân khứ dã! Thiên thượng? nhân gian?"

Ấy là lúc mùa xuân qua rồi mà tỏ ý bi cảm và kinh ngạc, đại khái nói như vầy: "Xuân đi mất rồi, như nước trôi hoa rụng! Mà đi đâu? đi về trên trời hay là đi về nhân gian?" Cái ý bi cảm kinh ngạc ấy tỏ ra trong lúc xuân đi, cũng như cái ý ca tụng hoan nghinh trong lúc xuân tới, vì vậy mà bởi cái xuân đã sanh ra một mớ thần thoại, một mớ tài liệu về văn học.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Kháng lệ (cổ văn): cặp vợ chồng (theo Trần Văn Kiệm, sđd.)