Một ít sử liệu về phong tục Nam Kỳ độ trăm năm trước
Sĩ phu Việt Nam ta từ xưa đến giờ có một điều thua sút sĩ phu các nước rõ ràng lắm, không ai cãi được, là điều lười biếng trễ nải về sự biên chép, làm sách làm vở. Bởi tại người mình chuyên theo cái học khoa cử, thi đậu làm quan rồi thì thôi, không còn kể đến sự học vấn trứ thuật là gì. Mà dầu ai có chí trứ thuật đi nữa, thì hồi bình nhựt cái học đã không ra chi, có muốn làm sách cũng chẳng biết lấy gì mà viết ra cho thành sách được. Đi lại rồi cũng chỉ có ít trăm bài thi, ít chục bài văn thù phụng gì đó, lại mót thêm một mớ câu đối nữa, như thế đủ in thành ra một cái tập gọi là "gì gì văn tập" đó, là đã lưu truyền ngàn thu, trở nên một nhà văn học Việt Nam được rồi!
Cái kiểu trứ thuật của người mình là vậy đó, chớ còn lấy những việc đã xảy ra trước mắt đem mà viết thành sách thì thật là hiếm có. Đừng nói vói lên xa làm chi, nội khoảng một trăm năm trở lại đây, trong nước có nhiều việc lớn, như "Giặc thằng Khôi" ở Nam kỳ, "Giặc châu chấu" ở Bắc kỳ, "Giặc chày vôi" và việc "Nhập thành sát dậu" ở Huế… bây giờ nếu muốn biết cho tường tận cũng không biết tra cứu vào đâu.
Có người nói với tôi và chính tôi cũng từng nghiệm rằng những vật kỷ thuật ấy ở nước ta chẳng phải tuyệt nhiên không có, có điều tại trải qua nhiều cơn biến cớ, hay bị sự lục soát nghiêm nhặt xảy ra thình lình, làm cho tác giả sợ họa mà đốt đi hết. Như vụ "dân biến" ở Quảng Nam, Quảng Nghĩa năm 1908 có một bổn chép kỹ lắm mà đến nay không còn rồi. Tuy vậy, ta cũng phải thú nhận rằng cái người biết biên chép như vậy, ở xứ ta có ít lắm; nếu được nhiều người biên chép nhiều bổn, thì bổn ấy bị đốt, bổn khác cũng hãy còn, chớ có đâu tuyệt diệt hết như vậy dư? Những biến cớ ấy nước nào lại không có, họ lại còn bị cấm, bị thâu tiêu nữa kia, vậy mà sách vở của họ vẫn không khiếm khuyết, những sự tích trong nước họ lâu đến thế nào cũng còn tra cứu tường tế được, ấy là nhờ họ có đông tay biên chép, của người nầy mất đi, còn của người khác.
Lại thêm thuở trước ta lấy chữ Hán làm quốc văn, là một điều rất bất tiện. Bởi thứ chữ ấy khác với tiếng nói của ta, học nó mà cho đến bực xem sách được cũng phải mất công phu trên mười năm. Như vậy, chép sách bằng chữ Hán lại là điều khó cho tác giả rồi; đọc sách bằng chữ Hán là điều khó cho độc giả nữa. Không trách được, trong xã hội ta từ xưa ít có sách vở lưu hành là phải lắm.
Bây giờ muốn xét xem phong tục Nam kỳ ngang hồi Chúa Nguyễn, Tây Sơn cho đến đời Gia Long, Minh Mạng coi thử ra sao, thì ta sẽ dựa vào sách gì? Nếu người nào biết, họ sẽ chỉ cho tôi nên xem bộ Gia Định thông chí của ông Trịnh Hoài Đức.
Tôi cũng biết vậy, nhưng lâu nay tôi tìm mãi bộ Gia Định thông chí, mà tìm chưa được. Sách ấy hình như có ấn hành rồi bằng bản gỗ mà nay lưu lạc ở đâu mất cả, chỉ có như ở trường Viễn Đông Bác cổ Hà Nội thì mới chắc có mà thôi; còn ở nhà riêng người ta hoặc có ai còn giữ được, nhưng mình không biết thì cũng phải chịu. Tôi có thấy qua một bổn dịch ra tiếng Pháp, nhưng tôi không tin cậy cho bằng tìm được nguyên bổn chữ Hán là hơn.
Như thế, thành ra cái lỗi không những ở người biên chép, tức là đám sĩ phu, mà cũng ở nhứt ban dân chúng là kẻ đọc nữa. Tại kẻ đọc không đọc được nên người in không dám in, sợ in ra không biết bán cho ai; mà cho đến kẻ viết cũng không dám viết nữa, có ai đọc được sách chữ Hán đâu mà còn dám viết sách bằng chữ Hán! Nội một chút đó cũng đủ thấy sự lấy Hán văn làm quốc văn là bất tiện.
Vì muốn biết phong tục Nam kỳ một trăm năm về trước mà không biết tra khảo vào đâu, nên mỗi khi đọc sách nào thấy có cái gì dính dấp với phương diện ấy, tôi rất lấy làm chú ý. Bổn tâm của tôi không có chi khác hơn là, nếu có thể được thì từ ngày nay ta nên thâu góp ít nhiều tài liệu để lại cho nhà làm sử đời sau về những việc cũ trong nước, bất kỳ ở địa phương nào, ở thời kỳ nào.
Trước đây có ông Lê Văn Ngọc, chủ nhà in Tam tông miếu cho tôi một bộ Minh Mạng chánh yếu, là một bộ sách nói về chánh trị nước ta, tuy mới xuất bản hồi Thành Thái cửu niên, đến giờ chưa được 40 năm, song những việc chép trong đó toàn là việc dưới trào Minh Mạng hết, vào khoảng một trăm năm về trước vậy. Nhờ đó tôi tìm biết được nhiều điều có ích, và đôi khi tôi đã lấy ra viết vào mục Tạp trở đăng lên báo nầy. Nay tôi lại xem qua sách ấy một bận từ đầu chí cuối, gặp những nơi nào nói có dính dấp với phong tục Nam kỳ, trúng vào cái chỗ tôi muốn tìm biết, thì gom lại mà viết thành bài nầy, để cho người nào muốn biết như tôi thì sẵn đây, khỏi mất công đi kiếm; và cũng giúp cho nhà làm sử về sau ít nhiều tài liệu vậy.
Phàm những điều dưới nầy sẽ dịch trong sách Minh Mạng chánh yếu ấy ra, là dịch y theo nguyên văn, vả tôi cũng dám bảo lãnh rằng dịch thật đúng không sai nữa. Gặp chỗ nào nguyên văn không được rõ thì thêm vào một vài câu cho rõ hơn; những chữ thêm ấy đều cho ở trong dấu ngoặc ( ). Chỉ làm vậy thôi, đến như phê bình cái hay cái dở mà buông lời khen chê, thì tôi không dám làm, vì tôi nghĩ rằng mình chỉ căn cứ có một bộ sách nầy thì không đủ vào đâu.
Minh Mạng chánh yếu cuốn 13, thiên Giáo hóa, tờ thứ 3, thuộc về Minh Mạng năm thứ 2: "Vua từng nói cùng quan Thượng thơ Nguyễn Hữu Thận rằng: "Người Gia Định (bấy giờ Gia Định còn gọi là thành, chưa gọi là tỉnh) sẵn có tánh trung nghĩa, chỉ duy ít học cho nên phần nhiều lấy sự khí khái làm cao với nhau[1]. Nếu đặng người đại nho túc học làm thầy họ, lấy lễ nhượng mà dạy họ, thì dễ hóa làm lành, và những kẻ thành tài ắt sẽ được nhiều lắm". Nói vậy rồi vua liền dùng Nguyễn Đăng Sở, Hàn lâm Tu soạn, làm chức Đốc học thành Gia Định, và Nguyễn Trọng Võ, học trò ở Nghệ An, làm Phó đốc học: ấy là theo lời các quan công cử ở giữa sân chầu".
Tờ 4, cũng thuộc về năm ấy :
"Các quan thành Gia Định lấy cớ rằng sau cơn dịch lớn (bị bịnh thời khí, chết nhiều), phần nhiều học trò phải chịu trọng tang (tang cha mẹ ba năm), nếu cứ theo phép trường thi (hễ có trọng tang) không được ứng thí, thì số thí sanh có ít quá, bèn tư về bộ để tâu vua biết (nhờ vua châm chước).
Vua xuống lời dụ rằng: "Dời cái hiếu đem làm cái trung, ấy là cái bổn lãnh lập thân của sĩ quân tử; nếu như quên tang cha mẹ đi mà nôn nả sự thi đậu làm quan, thì đã chẳng phải hiếu rồi. Vả muốn tìm tôi trung ắt phải tìm ở trong cửa con thảo, bằng chẳng hay thảo thì có trung đâu? Phép trường thi cấm (những kẻ có trọng tang không được ứng thí), thật là hiệp với lễ lắm, không có thể đổi được".
Tờ 17, thuộc về năm Minh Mạng thứ 10:
"Có người đàn bà tên là Dương Thị Ư, người Gia Định, huyện Vĩnh An, chồng nàng có ác tật (như bịnh cùi, bịnh bại… kêu bằng ác tật) mà lại nghèo nữa. Có người chủ nợ thấy nàng có sắc, lấy làm ưng ý, muốn tư thông cùng nàng, khi thì lấy lợi mà dụ, khi thì lấy oai mà hiếp, nàng trọn không khứng chịu, rồi bị người ấy đâm chết đi. Việc ấy tâu lên, vua troàn cấp cho nàng một tấm biển ngạch, khắc bốn chữ "Dương thị trinh phụ". Lại có xuống lời dụ như vầy: "Tục Gia Định, dâm là phần nhiều; việc (sinh biểu Dương thị) nầy là để khuyến khích kẻ trinh; chớ còn như ở về hạt khác thì như nàng ấy cũng chưa xứng đáng (mà sinh biểu) vậy".
Tờ 19, thuộc về năm Minh Mạng thứ 13:
"Vua xuống lời dụ cho thị thần nói rằng: "Người Gia Định thông minh sớm, dễ dạy cho họ làm lành. Sao gần nay lại nghe họ hay hút nha phiến, miệt mài trong sự ca hát, đánh bạc, đua nhau ham chuộng những sự ấy, cho là phong lưu. Nếu cứ để vậy mãi thì thế nào cũng phải đổ ra làm ăn trộm ăn cướp; còn đàn bà con gái thì làm sự dâm ô trong dâu trên Bộc, càng ghét đáng nữa! Bởi chồng họ đã chăm làm việc phóng đãng, thì còn lấy gì trách được vợ họ cho trinh khiết dư? Làm quan địa phương nếu hay dạy dỗ, khiến cho họ chừa hẳn những thói xấu đi, biết phương hướng mà đi tới, thì tự nhiên khỏi bị lưu tục nó dời đi vậy".
Đến chừng Lê Phước Bửu được bổ làm Tổng đốc Vĩnh Long – Định Tường, khi sắp đi tựu lỵ, vua ban lời dụ rằng: "Lúc đầu nhà nước ta mới khôi phục, nhân dân sáu tỉnh Nam kỳ đều hết lòng trung nghĩa; vậy mà gần nay nghe nói họ quen chuộng sự phù hoa, càng ngày càng đổ ra làm sự dâm đãng; nhà ngươi, chức vụ ở sự ban bủa đức ý của ta, vậy phải lấy giáo hóa làm việc gấp, cho khỏi phụ lòng trẫm trách thành nhà ngươi mới được".
Tờ 20, thuộc về năm Minh Mạng thứ 14:
"Thuở ấy, tặc đảng Phiên An (tức là Gia Định sau nầy) xâm phạm Biên Hòa (Nguyên chú: Năm 14, tháng 5, ngày 18, ban đêm, Lê Văn Khôi dấy binh, cứ thành Phiên An làm phản, sai đảng nó ra phạm Biên Hòa; rồi Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên, hết thảy sáu tỉnh nối nhau bị thất thủ), có mấy ông quan ở các tỉnh ngoài vô làm quan tại đó, cự với giặc mà bị tử trận (mấy ông quan nầy có tên họ hết, song lược đi, vì không quan hệ), thì vua đã có truy tặng và ban thưởng tiền bạc cho người nhà của họ nữa.
Sau đó, vua có sai thị vệ là Lê Kim Trợ vào Nam kỳ (thám thính tình hình), khi Trợ về, tâu cùng vua rằng lúc Lê Văn Khôi trộm cứ thành Phiên An, trong thành có một con voi nhịn ăn mà chết. Vua liền phán rằng: "Con vật không biết chi mà nó còn như thế, huống chi tôi đối vói vua, nhờ ơn hồi bình nhựt đã nhiều lắm, có lẽ nào chẳng lo mà báo đáp dư? Vậy mà sáu tỉnh kế nhau luân hãm, chẳng hề có một người ôm lấy thành cự với giặc mà chết; rất đỗi có kẻ đành lòng theo giặc, chịu nó nuôi nấng mình, con người như vậy thì thua con voi ấy xa lắm!"
Tờ 32, thuộc về năm Minh Mạng thứ 16:
"Vua ban lời dụ xuống cho hết thảy sĩ dân Nam kỳ, dụ rằng: Nhân dân sáu tỉnh lâu nay nhờ Liệt thánh vỗ an nuôi nấng, ơn dày nhơn sâu; thảy đều ăn đức uống hòa, hơn hai trăm năm nay. Lúc đức Cao hoàng ta long hưng, họ lại đều đã đồng đức đồng lòng, xuất tài xuất lực để mà giúp nhau trong cơn khốn khó. Khi bấy giờ thảy đều theo thói thuần phác, không có tập theo sự gian dối bao giờ. Gần nay nhơn vì các quan địa phương chẳng lo lấy đạo lành dạy dân, để chúng tập quen điều phi lễ và phạm thượng, lần lần đến sĩ thì lười nhác, dân thì kiêu sa, làm gian phạm phép, luôn luôn vỡ án. Rất đỗi tập quen thành tục, tự nói mình ở chốn biên viễn, chỉ biết có soái khổn (chỉ Tổng trấn Lê Văn Duyệt, bấy giờ Duyệt làm Tổng trấn Nam kỳ, cũng như ông vua) mà không biết có triều đình. Lòng người đã chẳng như xưa rồi, và đạo trời cũng ghét sự tự mãn; nhơn đó mới có cái biến Nghịch Khôi, cũng là lý thế ắt đến vậy.
Mới rồi, một phen biến loạn, trong đó vẫn chẳng thiếu gì người khích vì nghĩa phẫn, ra sức cho triều đình; song cũng có những đứa hung hoang, a phụ chúng nó mà làm điều bạo ngược. Tiếc cho cái phong tục trung hậu rực rỡ từ xưa, một mai lại có sự ngu dại như thế nầy! Cho đến khi cái thành mồ côi đã hạ, phép nước khôn dung, bèn đến cùng chúng nó sắp hàng chịu giết để hả lòng giận của thần và người, ấy thật là việc cực chẳng đã mà làm, song nghĩ đến lòng người như thế, cũng đáng giận mà đáng thương lắm vậy! Nhớ lại trong lúc phiến biến đó, kẻ ứng nghĩa thì được trao cho chức quan, kẻ quyên tiền cũng được tưởng thưởng; còn những kẻ trước kia bị nó hiếp mà sau lại hay trở giáo đánh nó thì đều đã được lục dụng rồi; đến những người trung nghĩa chẳng chịu khuất, mắng giặc mà chết, thì lại tặng truất theo bề ưu hậu, chết rồi còn có tiếng thơm. Coi đó thì một bên kiết, một bên hung, theo bên nào, lánh bên nào, đủ làm gương sáng.
Thế thì bây giờ hết thảy đều nên tỉnh ngộ, giữ phép thường của mình, lấy hiếu đễ trung tín mà sửa mình, lấy danh nghĩa cang thường làm rất trọng. Kẻ làm sĩ phải tắm mình gội đức, lo cho nên tài kinh tế; kẻ làm nông phải cày sâu cuốc chín, lo cho được mùa màng; kẻ làm công phải lo làm nghề mình cho càng tinh; kẻ làm thương phải lo siêng năng để được nhiều của cải; kẻ làm dân phải an phận giữ phép; kẻ làm lính thì chớ có mới điền liền trốn. Phàm những việc bội nghịch, phải dứt bỏ mà chớ làm; những điều cấm răn, phải kính lánh mà chớ phạm. Cha anh lấy điều ấy mà xướng xuất, con em chăm điều ấy mà phục hành, hầu cho kéo trở về cái gió đời xưa mà dài rước cái phước sẽ đến: Trẫm thật có lòng trông mong lắm đó!"
Tờ 38, thuộc về năm Minh Mạng thứ 18:
"Định các điều lệ về sự ca hát ở dân gian trong các hạt Nam kỳ. Vua chuẩn cho từ nay phàm các xã thôn hát bội để tạ thần thì trong một năm chỉ cho hát một lượt, một ngày đêm mà thôi. Con hát thì cho kêu con hát ở các làng gần đó, hạn nội 5 người, nếu quá số ấy thì luận theo tội "vi chế". Vả lại do các quan địa phương tra xét lại những con hát ấy nếu còn ở ngoại tịch (chưa trục vào dân tráng) thì bắt phải trục vào chịu xâu thuế".
Tờ 43, thuộc về năm Minh Mạng 19:
"Các quan tỉnh Vĩnh Long tâu rằng, thuộc về hạt ấy có bốn huyện là Vĩnh Bình, Vĩnh Trị, Tuân Nghĩa, Trà Vinh, đều có chữ và tiếng nói của dân đằng Thổ (Cao Miên), khác nhau với đằng Hán (Đời xưa, khi đối với các dân tộc khác, như Chàm, như Cao Miên mà nói, thì xưng người Việt Nam mình là Hán). Nay xin lựa dân Hán cho học chữ Thổ, và khiến con em đằng Thổ tới các quan Huấn đạo, Giáo thọ mà học tập chữ Hán, hầu cho lần lần trở nên phong tục người Hán. – Vua xuống lời dụ rằng: "Dân Thổ đã về bản tịch ta, muốn cho chúng nó ra hang thẳm mà lên cây cao, phải lần lần mới được, vậy mới hiệp với cái nghĩa "dụng hạ biến di". Nay chuẩn cho mấy tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, đều phải mở dạy cho đằng Thổ thuộc về hạt mình, con em chúng nó phải tới trường giáo trường huấn của phủ huyện mà học tập chữ Hán, chớ không được quen theo thói cũ, chỉ theo học thầy tu đằng Thổ mà thôi. Ai mà thông hiểu được văn nghĩa chữ Hán, thì sẽ được tùy sức đặt cho làm cai tổng lý trưởng, cho chúng nó có chỗ mà khích khuyến. Lại khiến chúng học tập tiếng nói và phong tục của người Hán, hễ dầm nhuộm đã lâu thì có thể tùng hóa được, chớ chẳng nên làm gấp quá. Nhưng lại phải chọn người đằng Hán, người nào sáng láng biết chữ rồi thì miễn lính và xâu cho họ, khiến họ học luôn chữ đằng Thổ, ngõ đặng tình ý thông nhau, cho tiện việc sai khiến. Như vậy đó mà làm cho có thứ lớp, sẽ thấy tục lạ thói lạ mà thành ra đồng hóa đồng văn vậy".
(Còn nữa)[2]
P. K.
Chú thích
- ▲ Nguyên văn là "dĩ khí sử tương thượng" 以 氣 使 相 尚 , “khí sử” nghĩa là làm việc gì theo tánh nóng của mình, sự nóng nảy trong một lúc xui mình làm thế nào thì làm thế ấy (nguyên chú của PK).
- ▲ Không thấy phần tiếp theo của bài này trên các số P.N.T.V. về sau.