Một cái sử liệu về chuyện Tôn Văn ngộ nạn ở Luân-đôn

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Một cái sử liệu về chuyện Tôn Văn ngộ nạn ở Luân-đôn  (1937) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Dương tạp chí, Hà Nội, số 25 (30 Octobre 1937), trang 12- 14.

Trong các sách kể lịch sử Tôn Văn[1] đều có kể đến chuyện ông ấy bị nạn ở Luân-đôn năm 1889, vì là một chuyện lớn trong đời cách mạng của ông, không thể nào bỏ sót được. Chính ông Tôn sau đó cũng có viết một cuốn sách nhỏ kể đầu đuôi việc ấy bằng tiếng Anh, lại có dịch ra chữ Tàu, nhan đề là “Luân-đôn sứ quán bị nạn ký”. Đại khái chuyện thế này:

Lúc bấy giờ ông Tôn đã cử sự nhiều lần mà đều bị thất bại; đối với triều đình Mãn Thanh, ông đã thành ra một yếu phạm về cách mạng đảng. Vì họ nã bắt khắp nơi, ông Tôn thường phải trốn ở các nước ngoài.

Tháng chín năm ấy ông Tôn ở Mỹ sang Anh, chằng lành trở lại mạo hiểm chơi trong sứ quán Trung Hoa ở kinh thành nước ấy. Viên Công sứ biết hẳn đó là đích thân Tôn Văn, bèn lập mưu nhốt lại trong một cái phòng kiên cố. Khi ấy ông Tôn đã tự nguy lắm rồi, may nhờ có một tên bồi trong sứ quán nhận thông tin cho y sĩ Khang-đức-lê, người Anh, thày dạy ông hồi trước. Rồi ông nầy ở ngoài đăng báo và vận động trong mấy hôm thì ông Tôn được thả.

Đó là kể lược qua câu chuyện như thế, chứ còn trong các sách nhất là sách ông Tôn viết thì chép tường hơn. Nhưng dù tường đi nữa cũng chỉ tường được một bên người bị nạn là ông Tôn; còn bên viên công sứ hay là bên triều đình Mãn, trước sau mưu mẹo và đối phó với việc ấy thế nào thì không ai được biết, vì những sử liệu ấy ta không thấy.

Nay xem được cuốn sách “Tùy thiều bút ký”, người viết là Ngô Liêm, một viên tùy phái trong sứ quán, giúp việc cho công sứ Củng Chiếu Viên bấy giờ, có một bài chép chuyện ấy rõ ràng lắm. Ấy là một cái sử liệu rất hiếm có, xin đem cống hiến cho bạn đọc.

Đây nhẫn xuống dịch theo một đoạn trong sách bút ký của họ Ngô.

“Quang Tự năm 22, tháng 7, tiếp tờ tư của công sứ Trung Quốc ở Mỹ tư sang nói rằng: “Tôn Văn, một yếu phạm người Quảng Đông, sau khi bị phát giác một cuộc mưu loạn đã trốn sang nước Mỹ. Vừa rồi có được điện tín của chính phủ, bảo phải dò la tông tích tên phạm ấy ở đâu cho thật đích xác; và điện sang cho quý công sứ, nhờ ngài viện theo cái điều ước dẫn độ phạm nhân ở Hương Cảng và Diến Điện mà xin chính phủ Anh nã bắt Tôn Văn giùm cho”. Phụ theo tờ tư ấy có một bản yếu lược kể diện mạo, nguyên quán niên canh của tên phạm.

Sang ngày 19 tháng 8 lại tiếp được một tờ tư của tòa công sứ ấy nữa, đại khái nói rằng: “Tôn Văn trong ngày 23 tháng 9 tây tức là ngày 17 tháng 8 ta đã từ Nữu-ước đáp tàu sang cửa biển Lê-hoa-phố nước Anh và sẽ từ đó lên bờ”.

Lúc đó quan công sứ (Củng Chiếu Viên) tuy đã nằm lâu trên giường bệnh nhưng tinh thần vẫn còn sáng suốt lắm. Ngài liền sai quan tham tán Mã-cách-lý (người Anh, làm quan trong sứ quán Tàu) vào bộ ngoại giao nước Anh, thương thuyết một cách khéo để nhờ tầm nã giùm Tôn Văn theo như có giao hẹn trong điều ước Hương Cảng và Diến Điện. Bộ ngoại giao trả lời rằng cái điều ước ấy chỉ thi hành được ở Hương Cảng và Diến Điện mà thôi, chớ không thể thi hành ở nơi khác được.

Liền đó, viên tùy phái Củng Tâm Trạm (cháu gọi viên công sứ bằng chú) thuê một bọn thám tử đến Lê-hoa-phố dò xem. Kế được bọn này bắn tin, nói Tôn Văn hớt tóc, mặc đồ Tây, đã lên bờ hôm 24 tháng 8. Trong ngày ấy y đã ngồi xe hỏa đi Luân-đôn, trọ trong một khách sạn, có hai người Tây đi theo.

Đến ngày mồng 4 tháng 9, chính mình Tôn Văn đi ngang qua cửa sứ quán, gặp Tống Chi Điền, một học sinh trong sứ quán, hỏi có người Quảng Đông nào ở trong đó không. Tống đáp rằng có. Tôn xin gặp mặt người ấy, bèn vào sứ quán, đến ngồi nơi phòng khách.

Đặng Đình Khanh, một viên thông dịch trong sứ quán, là người Quảng Đông, ra tiếp chuyện với Tôn. Tên phạm này gặp được người đồng hương ở nơi đất khách thì ra ý lấy làm hả dạ lắm. Nó xưng mình họ Trần, hiệu Tải Chi.

Nói chuyện một chặp rồi Tôn lấy đồng hồ vàng ra xem giờ. Đặng nhìn qua thấy trên vỏ đồng hồ có khắc chữ “Soun” (tức là chữ Tôn) thì hiểu ngay, nhưng không hề nói gì, cũng không đổi sắc mặt. Tôn hẹn hôm sau lại đến nữa để cùng nhau đi chơi ở bờ biển, thì Đặng nhận lời cách vui vẻ.

Sau khi Tôn đi rồi, Đặng đem việc ấy bảo kín cùng Tâm Trạm, để chuyển bẩm cho công sứ biết. Công sứ bèn cùng hai quan tham tán Mã-cách-lý và Vương Bằng Cửu bàn luận với nhau, ai nấy đều quyết định bắt Tôn.

Buổi sáng ngày mồng 5, Tôn quả lù lù đến. Cơm xong, Đặng mời Tôn lên lầu xem. Trước đến tầng thứ nhất, xem phòng khách của công sứ và các phòng khác. Kế đến tầng thứ nhì, vào phòng riêng của Lý Thịnh Chung, ngồi nói chuyện hồi lâu. Vừa khi ấy Mã-cách-lý đến, Đặng bèn bảo Tôn rằng: “Ông có thể lên một tầng nữa thăm phòng của tôi không?” Tôn trả lời: “Được lắm”. Rồi mấy người cùng lên, Mã-cách-lý đi trước.

Nguyên ở tầng thứ ba đã có một phòng dọn dẹp sẵn sàng rồi. Mã-cách-lý vào đó mở cửa, làm bộ đứng chờ khách. Hai người vừa đến, Đặng đưa tay nói cùng Tôn rằng: “Đây là phòng riêng của tôi, mời ông vào”. Tôn vừa bước vào, có hơi rùng mình, thì Mã-cách-lý đã đóng ập cửa lại, bảo ngay rằng: “Vâng lệnh chính phủ bắt yếu phạm Tôn Văn, tức là anh. Anh đã đến đây, hãy ở lại đây một ngày một đêm, chờ lệnh chính phủ”. Khi ấy Tôn không còn biết làm cách gì được nữa, chỉ vâng vâng dạ dạ.

Củng công sứ bèn giao cho thông dịch Đặng Đình Khanh, hai quan binh Xạ Hoán Chương, Tạ Bang Thanh cùng học sinh Tống Chi Điền với hai người bồi tây thay phiên nhau canh giữ. Ngày mồng 7 tiếp được điện tín của chính phủ Bắc Kinh gởi sang, dặn làm việc phải cho cẩn mật, đừng để người Anh biết mà đến nỗi bị ngăn trở. Lại nói nên xử trí cách nào thì tùy ở sứ quán liệu lấy mà xử trí.

Ngày mồng 8, quan công sứ bảo tôi (Ngô Tôn Liêm tự xưng) thảo các điện tín đánh về Bắc Kinh, đại ý nói duy có thuê riêng một chiếc tàu giải thẳng về Quảng Đông là tiện. Còn không thế thì chỉ có nước thả ra, rồi mật phái thám tử đi theo cho đến cùng. Nếu làm theo cách nào trong hai cách ấy thì xin phúc diễn lại cho biết mà làm. Nhưng cái điện văn này đánh đi rồi, không thấy trả lời.

Ngày 9, sứ quán lại đánh đi một bức điện nữa, đại ý nói nếu đành thả thì phải thả gấp đi, để lâu e lọt vào tai mắt người ngoài. Cũng vẫn không được trả lời.

Lúc đó trong sứ quán ngày đêm canh phòng rất nghiêm nhặt. Ngày 16 bỗng dưng thấy một tờ báo Anh đăng chuyện này lên, lại công kích sứ quán đã làm một việc trái phép. Rồi các báo kế tiếp nhau cho phóng viên đến hỏi. Đặng thông dịch hết sức biện bạch rằng không hề có việc như thế xảy ra trong sứ quán; nhưng Mã tham tán lại nhận ngay là có mà không thèm giấu giếm chi hết. Sáng hôm sau, các báo đều đăng một loạt, khống cáo sứ quán đã bắt cóc và giam cấm người ta. Có báo vẽ hình các phòng trong sứ quán lên trên báo; có báo lại nêu những chữ đề mục rất lớn để độc giả chú ý. Ngay ở cửa sứ quán, từ sáng đến trưa chật ních những người là người, có đến hàng trăm.

Quan Thượng thư bộ Ngoại giao nước Anh nghe tin ấy liền đưa thiếp mời Mã tham tán vào bộ, bảo rằng: “Cái điều ước dẫn độ phạm nhân của Trung – Anh hai nước, trước đã có bàn đến mà chưa ngã ngũ về đâu; bây giờ không có điều ước nào viện dẫn được cả. Như cưỡng mà giải lén người phạm đi trong phần đất nước Anh, thế là không hợp với công lệ của vạn quốc. Vậy phải thả Tôn Văn ra trong nội ngày hôm nay”.

Mã-cách-lý vâng vâng dạ dạ mà trở về bẩm lại với Củng công sứ. Liền đó có viên tổng biện của bộ Ngoại giao đi với viên chánh cảnh sát đến sứ quán, đòi đem Tôn Văn ra giao cho họ. Mã tham tán bèn dẫn Tôn ra giao; rồi bọn họ kéo nhau ra cửa sau lên xe mà đi, vì muốn tránh những người đến xem đông quá ở cửa trước.

Liền đêm đó có mấy tờ báo đăng ngay việc Tôn Văn được thả, thuật lại những lời Tôn đối đáp rất là láo xược. Cứ như chúng nói: Đặng thông dịch bảo rằng định bỏ Tôn vào thùng, đóng đinh lại rồi chở lên tầu; hoặc là đánh thuốc độc cho Tôn chết đi rồi giải về Tàu xử bá đao.[2] Đó chẳng qua những điều Tôn Văn đè chừng hay bịa đặt ra mà nói để ai nghe cũng phải khiếp. Các nước bên Tây lâu nay đã không có những cách hành hình như thế, họ thấy nói thế, họ càng chê cười Trung Quốc là nước không có giáo hóa.

Ngày 18 tiếp được điện tín của chính phủ, nói thuê tầu giải về Quảng Đông là rất phải. Và theo điện, có gởi qua sáu ngàn đồng vàng Anh do nhà băng Hối Phong chuyển giao. Tiếc lúc đó Tôn Văn đã bị chính phủ Anh đòi trả ra mất rồi, không còn đâu mà giải nữa! Sứ quán bèn cứ sự thực mà phúc diễn lại.

Ngày 19, Củng Tâm Trạm tiếp được một bức thư của người bồi tây tên Tra-nhĩ gởi đến, trong đó nói rằng: Hồi đầu đã mấy lần Tôn Văn cậy hắn thông tin ra ngoài và hứa cho nhiều tiền thì hắn đều có đem mách cho quan tham tán Mã-cách-lý biết, thế mà chẳng hề được ban thưởng một xu nào. Kế sau Tôn hứa cho hắn năm trăm đồng vàng tiền Anh để đưa một phong thư bí mật, và hứa hễ nên việc thì hắn sẽ được đi theo Tôn sung sướng. Vì vậy mà hắn đã nhận lời, đem bức thư bí mật của Tôn đưa cho hai viên thầy thuốc Khang-đức-lê và Môn-sum đều là bạn của Tôn. Thế rồi hai người này ở ngoài kiếm cách vận động, thuê người giữ riết ở sứ quán và đi báo cho bộ Ngoại giao và sở cảnh sát đều hay. Các nhà báo nghe được, tranh nhau đăng việc ấy lên, vì vậy mà sứ quán buộc phải thả Tôn Văn ra đó. Lúc bấy giờ quan tham tán có ngăm dọa rằng hễ ai làm lậu việc này ra, ngài sẽ bắt bỏ tù; cho nên bây giờ hắn khai thật đầu đuôi ra như thế, muốn bỏ tù hắn thì bỏ!

Củng Tâm Trạm cầm bức thư ấy đưa cho Mã-cách-lý coi, Mã-cách-lý chỉ căm giận mà thôi, không thò ra ngón gì được hết.

Sau đó luôn mấy ngày, các báo ở Luân-đôn còn nghị luận ồn ào mãi, báo nào cũng công kích Mã-cách-lý và sứ thần của Trung Quốc. Còn Tôn Văn thì gởi thư cho các báo, cảm ơn chính phủ Anh và quốc dân Anh, giấu tội che lỗi của mình, nói văn này thế kia để mua chuộc lòng người ngoại quốc. Trong đám nghị viện nước Anh, những kẻ không rõ sự lý gì cả, lại còn đem việc này ra cật vấn chính phủ họ, xin yêu cầu sứ quán đừng dùng Mã-cách-lý nữa. May nhờ có quan thượng thư Ngoại bộ biết giữ thể thống, đứng giữa điều đình mới yên.

Sau đó Củng công sứ tư giấy cho bộ Ngoại giao Anh xin chuyển sức cho quan tổng đốc Hương Cảng nghiêm tra bọn phiến loạn ở đó để dứt sự họa hoạn về sau, thì bộ Ngoại giao phúc y và làm theo như lời, thật là may lắm. Còn tên Tra-nhĩ tức là đứa đày tớ gian tà nhận đưa thư bí mật cho Tôn Văn, vì cớ Tôn hứa cho hắn năm trăm đồng vàng mà sau cho có 25 đồng, nên hắn đưa đơn kiện ở tòa án, kiện chẳng được gì thì đến nay hắn còn cứ uất ức mãi.

Nhờ quan tổng đốc Hương Cảng ra lệnh nghiêm cấm nên Tôn Văn khi được thả rồi không dám trở về nước nhà hầu dâng mình cho pháp luật. Nó chui nhủi lẩn lút, lẻn sang Nhật Bản. Nhờ đó mà cả một miền đông nam của Trung Quốc được hưởng sự bình an. Một là công văn của Củng công sứ có công bảo toàn cho tổ quốc, lớn là dường nào! Dân Quảng Đông nếu biết ra thì đúc tượng mà thờ phượng ngài cũng nên. – Quang Tự năm thứ 25,[3] tháng 8, Ngô Tôn Liêm chép ở Hán Cao.

*

* *

Theo cái sử liệu này chẳng những chúng ta biết rõ được đầu đuôi việc Tôn Văn bị nạn rất tỷ mỷ, mà còn biết được lối ngoại giao của triều đình Mãn Thanh lúc bấy giờ là hủ bại đến bực nào. Nhân tiện tôi nói thêm rằng cái người tên là Củng Tâm Trạm trong bài này, cũng gọi là Củng Tiên Châu, về sau làm tổng trưởng bộ nội vụ của Dân Quốc trong lúc Đoàn Kỳ Thụy làm chấp chánh. Lúc đó ông Tôn Văn chết ở Bắc Kinh, thi thể còn để nằm trên giường bệnh, thì họ Củng làm người đại biểu cho họ Đoàn đến cúi mình ba lần trước cái thi thể ấy ra dáng cung kính vô cùng!

Việc đời gẫm thật oái oăm thay!

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Tôn Văn (12/11/1866 – 12/3/1925) tức Tôn Dật Tiên, Tôn Trung Sơn, người lãnh đạo cuộc cách mạng Tân hợi (1911) lật đổ triều đình Mãn Thanh, lập ra Trung Hoa Dân Quốc (1911-1949).
  2. bá đao: xử phân thây (H.T. Paulus Của: sđd.)
  3. Quang Tự năm thứ 25: tức là năm 1899.