Một cuộc đảo chính lớn trong Việt sử: Giết vua

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Một cuộc đảo chính lớn trong Việt sử: Giết vua  (1936) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Sông Hương, Huế, số 13 (25 Octobre 1936), trang 2.

Trong sử nước ta có một việc lớn lắm, phi thường lắm, việc ấy đủ tỏ ra rằng người Việt Nam từ xưa vẫn biết chống lại với cái oai chuyên chế, vẫn biết làm cách mạng, vẫn biết và dám tru diệt một người bề trên vô đạo để cầu hạnh phúc cho quốc dân, việc ấy còn chép rành rành trong sử sách, thế mà đã lâu nay trong chúng ta ít ai để ý đến, ít ai nhắc đến.

Những việc tiên dân ta ngày trước đã làm ra và còn chép lại, chẳng những như việc Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ chống với quân thù mà độc lập, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ đuổi giặc mạnh để giữ lấy giang sơn là làm vinh diệu cho lịch sử chúng ta. Mà cả đến việc vừa nói trên đây cũng làm vẻ vang cho quốc sử lắm, vì hết thảy đều là phong công vĩ liệt để tỏ rõ cái đặc tính của một quốc dân, nêu cao cái tư cách của một chủng tộc.

Nhà sử học đối với những cái sử tích như thế, nên biểu dương ra, lại nên suy tìm cho biết đến cái tiền nhân hậu quả của nó mà nêu ra giữa quốc dân đời đời như một cái gương sáng.

Theo luân lý, giết vua là một cái đại ác; theo pháp luật cũng là một tội đại nghịch bất đạo nữa, xưa nay mấy ai dám làm việc ấy một cách đường đường chính chính mà chẳng đoái hoài đến dư luận đời sau? Thế mà người Việt Nam đã cương quyết để nó xảy ra hồi đầu thế kỷ XVI, giữa thời đại mà Nho giáo đương thịnh hành ở đất nầy. Cho biết con Hồng cháu Lạc từ trước vốn không có óc bảo thủ, không có tính đê hèn chịu cúi đầu dưới sự áp bách của luân lý và pháp luật, mà hay tùy thời, hay tiến thủ, dám làm việc phi thường, phạm một sự đại bất vĩ để mưu cầu hạnh phúc cho mình.

Việc phi thường đó, theo danh từ lưu hành ngày nay, gọi là một cuộc đảo chánh, hay hơn nữa, gọi là một cuộc cách mạng cũng được. Vì trong việc ấy, máu đã đổ ra làm thấm đến mấy trang lịch sử: một ông vua bị giết cả chồng lẫn vợ, luôn với bọn tay chân tôi tớ của ông.

Việc xảy ra đời nhà Lê.

Sau khi Thánh Tôn là một ông vua hiền thăng hà, con của ngài là Hiến Tôn được lập lên mới có bảy năm rồi mất, truyền ngôi lại cho con thứ ba là Túc Tôn; ông nầy ở ngôi được sáu tháng cũng băng, thì anh ngài, con thứ hai của Hiến Tôn được nối ngôi, tức là Uy Mục Đế; ấy, chính Uy Mục Đế đã gây ra và chịu lấy cái họa rất thảm, nói trong bài nầy.

Người đọc sử bao giờ cũng nên dò thăm cho biết cái nguyên nhân của sự trị, loạn, hưng, vong của một quốc gia, của một triều đại. Vả chăng, cái chính thể quân chủ chuyên chế từ xưa ở nước nào cũng vậy, là một chính thể khó giữ nền thịnh trị mà dễ vời đến sự họa loạn bại vong. Cái cớ chẳng có gì khác hơn là bởi quân chủ có quyền vô hạn; mà ở đâu cũng thế, bao giờ cũng thế, ông vua thánh triết thì ít, ông vua vào bậc trung tài giở xuống thì nhiều; hễ cái quyền ấy bị lạm dụng là tất nhiên gây vạ cho nước. Nhà Lê từ vua Thái Tổ truyền đến hết đời vua Thánh Tôn mới 70 năm, trong nước được gọi là yên ổn, thế mà sau vua Thánh Tôn chưa được mười năm đã đến ngày suy vi đốn bại rồi. Phải, hiền minh như Thánh Tôn chỉ có một người, mà đến các vua kế thế về sau thì đều là tầm thường vô dụng cả!

Trong chế độ quân chủ lại còn ngậm sẵn một cái mầm họa loạn nữa, là giữa anh em cật ruột với nhau hay giành nhau cái ngôi báu. Do sự giành nhau đó mới có sự chia bè chia đảng, chực báo phục nhau, làm cho nhân dân chịu lây sự thống khổ. Cuộc đảo chánh này cũng có bởi căn do ấy mà ra.

Uy Mục Đế con vua Hiến Tôn mà con dòng thứ, vả lại bà mẹ vốn người hèn hạ, nên trong lúc Hiến Tôn băng, cũng có kẻ bàn nên lập Uy Mục mà bà Thái hậu và mấy ông đại thần không chịu. Nhân cái hiềm khích ấy, sau khi Túc Tôn mất, tới phiên Uy Mục lên nối ngôi, thì ông ta chăm việc trả thù. Ông cho đánh thuốc độc bà Thái hậu và giết Thượng thư Đàm Văn Lễ cùng Ngự sử Nguyễn Quang Bật. Sự tình nghi đầy rẫy ra giữa những người trong hoàng phái, nên vua cứ luôn luôn giết hại người nầy, bỏ tù người khác. Chẳng những thế thôi, vua lại còn hoang dâm, bạo ngược, làm ra những chánh sách bóc lột nhân dân không xiết kể. Bởi vậy ở ngôi mới có năm năm mà trong nước nhân dân ca thán, kết quả vỡ ra cuộc đảo chánh.

Tôn Thất nhà Lê bị giết và cầm tù nhiều lắm. Trong số bị cầm tù đó có Giản tu Công tước tên là Oanh, chính người nầy cầm đầu cuộc cách mạng, nghịch cùng vua Uy Mục.

Ở trong tù, Giản tu Công đem tiền của đút lót cho chủ ngục mà đi trốn. Không kịp báo cho mẹ, vợ và anh em mình biết, Công tước một mình lẻn vào Thanh Hóa, họp với Nguyễn Văn Lang cùng các vị cựu thần, bọn Nguyễn Diển, Ngô Khế âm mưu việc khởi binh. Bấy giờ nhân lòng người ai cũng căm hờn vua Uy Mục, nên đâu đó đều rủ nhau hưởng ứng.

Tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1509), ngày mồng tám, Giản tu Công, cháu nội vua Thánh Tôn, anh em chú bác với Uy Mục, kéo quân từ Tây Đô (Thanh Hóa) ra kinh thành (Hà Nội). Ngày 23 đánh với nhau một trận, quân cách mạng được toàn thắng. Ngày 26 họ bách tới sát kinh thành. Khi ấy lính của nhà vua trốn đã hầu hết. Ngặt lắm vua phải mở cửa kho ra và cũng mở luôn cửa ngục giam tù nữa, cứ cho mỗi tên tù ba quan tiền để họ đi đánh giặc giúp cho; nhưng chúng nhận tiền xong rồi ai về nhà nấy. Vua vội vàng xuống chiếu trưng binh ở các tỉnh mạn ngược, nhưng không kịp, quân bên địch đã vào tận trong thành rồi.

Bà hoàng hậu chạy trốn ra làng Hồng Mai gần thành, liệu bề không thoát được nên phải thắt cổ ở trong một cái chùa mà chết. Còn vua Uy Mục, ngày 28, chạy đến Nhật Chiêu phường, bị quân vệ sĩ bắt được, đem nộp cho Giản tu Công. Ngày mồng một tháng chạp, Uy Mục uống thuốc độc tự sát. Giản tu Công giận vì đã giết cả cha mẹ anh em mình nên bảo dùng súng bắn xác vua cho tan nát ra, đoạn lấy một nắm tro tàn đem về chôn nơi làng mẹ của vua.

Cuộc đảo chánh đến đây là hạ màn. Trừ được ông vua hoang dâm bạo ngược rồi, tự nhiên Giản tu Công tước là người thủ xướng và đứng đầu công, phải lên ngôi thiên tử.

Sở dĩ cuộc đảo chánh được thành công mau chóng và vẻ vang như vậy là nhờ lòng công phẫn và cái sức phản động của quốc dân lúc bấy giờ. Khi nghĩa binh dấy lên, có cậy tay thám hoa Lương Đắc Bằng làm tờ hịch truyền đi khắp nơi, trong đó kể bao nhiêu tội trạng vua Uy Mục và tuyên bố cái tôn chỉ cuộc khởi binh là chỉ vì dân vì nước. Việc đã là việc lấy danh nghĩa cả nước mà làm, cho nên dù phạm một tội to mà chẳng hề có ai coi là tội. Cả nước lại còn reo mừng nhảy nhót khi việc lớn đã thành.

Người đọc sử còn nên chú ý ở chỗ này nữa. Ở dưới cái chế độ quân chủ, dù có trải qua bao nhiêu lần cách mạng, xảy ra bao nhiêu cuộc đảo chánh cũng chẳng qua một ít người ở trên giành các ngôi cao với nhau mà thôi, còn dân chúng ở dưới, cái địa vị và cái tình trạng sinh hoạt của họ bao giờ cũng vẫn cứ y nguyên như cũ. Vì chỉ thay người mà không thay chế độ, thì, nếu người sau mà rồi cũng một môn với người trước, có ích gì đâu? Mưu cầu hạnh phúc cho quốc dân, cái khẩu hiệu ấy rốt lại chỉ là câu đầu lưỡi!

Giản tu Công lên làm vua, tức về sau gọi là Trương Dực Đế.[1] Hồi ở ngục trốn về Thanh Hóa cử binh, vua mới có mười bảy tuổi. Con người còn trẻ mà có cái chí to, cái tài giỏi như vậy, ai cũng tưởng là trở nên một đấng hiền quân; chứ có ngờ đâu Uy Mục Đế đã mang cái hiệu "Quỷ Vương" thì Trương Dực Đế cũng mang cái hiệu "Trư Vương" chẳng kém! Ở ngôi được tám năm, vừa 24 tuổi thì vua cũng bị quyền thần Trịnh Duy Sản giết chết vì cớ đã làm nhiều điều dâm loạn.

Chữ Révolution của Tây mà ta dịch là cách mạng, nó cùng một họ với chữ évolution mà ta dịch là tiến hóa. Bởi vậy, sự cách mạng ta có thể bảo là sự tiến hóa. Cách mạng mà không tiến hóa được, ấy là tại không cách cái mạng của chế độ mà chỉ cách cái mạng của người. Ta ca tụng cuộc đảo chánh của nhà Lê bao nhiêu thì ta lại phàn nàn cho cái chế độ quân chủ của nhà Lê bấy nhiêu. Cũng từ lúc này mà cơ nghiệp vua Thái Tổ đã gây dựng trong mười năm bị suy đốn mãi cho đến hồi Trang Tôn trung hưng về sau thì quyền chính lại về tay họ Trịnh.

THẠCH BỔ THIÊN[2]

   




Chú thích

  1. Các tài liệu khác thường phiên âm tên nhân vật này là Tương Dực đế; ở đây tác giả phiên âm là Trương Dực đế.
  2. Bài này ký Thạch Bổ Thiên, một bút hiệu khá lạ, nhưng về ý tưởng, giọng điệu, văn phong thì bài này tỏ rõ là thuộc ngòi bút Phan Khôi. Phải chăng vì tên họ Phan Khôi đã chiếm khá nhiều ở Sông Hương số 13, vả lại vì bài này tỏ rõ ý tưởng chống quân chủ một cách quá hào hứng nên Phan Khôi ký một cái tên ít dùng?