Một sự buồn trong báo giới

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Một sự buồn trong báo giới  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6201 (21.7.1930) ; số 6204 (24.7.1930) ; số 6211 (1.8.1930)

I. ÔNG NGUYỄN PHAN LONG ĐÃ BÔI LỌ CÁI TÊN CỦA ÔNG TRONG LÀNG BÁO

Từ lâu nay báo giới quốc văn ta thật là tối tăm. Vì cái quyền ngôn luận hẹp hòi, nên những người có danh trong xã hội, tự phụ là có học vấn uyên thâm, có tư cách cao thượng, không mấy người chịu ra làm. Mà phải những người ấy nên viết báo tiếng Pháp cho được tự do, chớ tội chi lại chen vào làng báo An Nam cho mệt. Cho nên, dầu có tối tăm cũng phải chịu, cái tình thế buộc phải như vậy thì mình biết trách ai ?

Vài năm nay mới thấy trong đám ấy có người chịu bước ra làm quen với xã hội An Nam trên đàn ngôn luận. Sự đó cũng lại tại cái tình thế xui nên, vì nếu những người ấy mà không viết báo quốc ngữ thì chẳng có thế nào trình bày cái ý kiến mình và liên lạc cái tình cảm mình với dân chúng An Nam cho đặng.

Nhờ đó mà báo giới An Nam ta nhứt là ở xứ Nam kỳ nầy có hơi rộng rãi hơn các nơi một chút, mới có khởi sắc ; công chúng đều thấy vậy mà có bụng mừng.

Ông Nguyễn Phan Long, là người làm báo Tây có tiếng nhứt xứ nầy hơn mười năm nay, trước kia chủ trương tờ báo Echo Annamite, độc giả rất hoan nghinh, ngày nay chủ trương tờ Tribune Indochinoise, tuy bị chúng[1] tẩy chay cũng chưa đến mất giá trị, thật là một trang đi trước bước xưa trong làng báo. Mấy năm trên, hồi ông xin được tờ Đuốc nhà Nam, ai cũng trông cho ông đứng xuất bản, đặng làm kiểu mẫu cho bạn đồng nghiệp noi theo. Trông hoài không thấy, ai cũng ngỡ rằng ông thật đã vô tình với báo giới ta rồi.

Có hay đâu ngày tháng tư năm nay ông lại cho tờ Đuốc nhà Nam tục bản mà chính ông làm chủ lấy. Đồng ban[2] thấy vậy đều khen ngợi ông mà cũng mừng cho đường ngôn luận của ta nữa. Nhiều người đã nói chữ mà hân hạnh cùng nhau rằng : “Thật là hỉ xuất vọng ngoại[3] !”

Nào những thế thôi, xưa nay ông Long chưa hề viết bài bằng tiếng mẹ đẻ, bây giờ ông bắt đầu viết trong tờ báo của ông. Phần nhiều nhà tây học viết quốc ngữ ít sành ! Vậy mà ông viết được ; mấy bài lúc mới ra, bài nào cũng nghe xuôi, đáng cho vào hạng khá.

Bởi vậy, ai nấy đọc văn của ông mà cũng lấy làm mừng, mừng cho báo giới, mừng cho quốc văn, mừng cho cái nền ngôn luận ta từ nay sẽ có một tay đứng chủ trương đúng đắn !

Cho nên, lời tục ngữ đã nói cái gì, có cái nấy, đã biểu rằng “thấy lá đừng có há miệng” thiệt là quả nhiên !

Có ngờ đâu ông Nguyễn Phan Long mới bước chưn vào làm báo quốc ngữ có mấy tháng mà đã đổ ra tình tệ lắm điều. Cứ như hiện tình ngày nay thì người ta – mà chính tôi đây chớ đừng nói ai làm chi – chẳng những đổ bao nhiêu cái mừng xuống sông xuống biển, lại còn lo lắm nỗi. Lo là vì một người có danh vọng như ông, thốt nhiên bôi lọ cái tên mình trong làng báo thì há chẳng phải là một sự quan hệ lắm dư ? Ông Long mà còn như thế thì mới nói làm sao được kẻ khác ? Ông Long mà còn không biết giữ đúng cái tư cách làm báo của mình, thì có mong người không bằng ông mà lại giữ đúng tư cách ấy sao ?

Những việc sai lầm của ông trong nghề báo mới rồi hình như nó rủ nhau mà tuôn ra từng mớ, kể e không xiết ! Ấy lại là sự người ta không có thể ngờ đâu như vậy.

Bắt đầu hết, ông mắng tờ Trung lập nầy là nói bậy, nói dối. Trung lập chúng tôi viết bài phản đối sự ông vô lễ, rồi ông làm thinh về chỗ đó chẳng hề nói một lời. Như vậy thật là lỗi phép lịch sự trong làng báo.

Kế đến ông vu cho Trung lập là về phe với cọng sản ; ông đặt ra hai câu hỏi rất buồn cười, mà chúng tôi đã đặt tên cho là hai câu hỏi phỉnh người ta xuống giếng. Về hai câu hỏi đó, bạn đồng nghiệp chúng tôi là Công luận báo cũng tỏ ra thái độ quân tử mà can thiệp vào, làm cho ông cũng làm thinh lần nữa. Thiệt ông Long giỏi làm thinh quá ! Ông tính hễ làm thinh rồi qua việc thì thôi, chớ có ai chém giết chi đâu mà sợ !

Tuy vậy, cái sự ông làm mà mới vừa nhắc lại trên đây, là quan hệ cho cái tâm đức của ông lắm, người ta coi ông ở chỗ đó ; ông làm thinh đi bao nhiêu thì người ta lại ghi vào dạ bấy nhiêu.

Chúng tôi thì trước kia vẫn kính nể ông, nên thấy sự ông làm đó cũng lượng tình mà cho rằng ông túng rồi làm bướng, toan để gỡ rối cho mình. Nhưng người ta có hề nghĩ như vậy đâu. Người ta thấy ông đặt hai câu hỏi ấy ra thì cho rằng ông có lòng hiểm độc, gian ác, là cái lòng của kẻ tiểu nhân, lập mưu gài bẫy mà toan hãm hại chúng tôi, dầu có chi cũng bạn đồng nghiệp và đồng bào với ông đó.

Sau khi cuộc bút chiến yên rồi, bên Trung lập chúng tôi lấy lòng thành thật, lẽ phải chăng ra mà công kích đảng Lập hiến. Ông có viết mấy bài trả lời mà ra tuồng lúng túng, chẳng đâu vào đâu. Sự đó chúng tôi cũng chẳng trách chi, vì ông đứng vào cái địa thế không lợi thì ông phải vậy.

Vậy mà ông Long lại nhè bươi móc đến chỗ người ta chẳng ai thèm bươi móc ! Ông hỏi chớ chủ nhiệm Trung lập có nắm được nghị định nào của chánh phủ chăng ? Bên nầy, bổn báo chủ nhiệm viết lại, hỏi chớ “có không mặc người ta, ông hỏi làm chi ?” Rồi ông Long lại làm thinh nữa !

Làm những việc vô ý thức như vậy, tỏ ra là một người tầm thường quá, chẳng xứng đáng chi hết.

Ông biết những bài viết mà công kích trong Trung lập đó là do kẻ viết bài nầy đã viết ra, bây giờ ông tính day hướng, nhè tôi mà bới móc.

Tôi dám nói rằng tôi là một người đúng đắn, quân tử, xưa nay tôi chẳng hề làm điều chi bậy bạ bao giờ. Tôi đây cũng dám tự phụ như ông Nguyễn Phan Long.

Cái sự người ta đặt điều vu hãm tôi, há ông chẳng biết ? Vậy mà trong tờ báo của ông mới rồi, toan lợi dụng cái lời phao vu ấy để hãm hại tôi như vậy, ông Long thử hỏi lương tâm của ông, có lấy làm hổ thẹn không ?

Tôi nói thiệt, ông cứ việc lợi dụng cái lời phao đồn năm kia năm kỉa đó mà công kích tôi đi. Tôi chẳng hề rúng chút nào. Đó là ông muốn bôi lọ cái tên ông trong làng báo đó thôi.

II. QUẢ NHIÊN ÔNG NGUYỄN PHAN LONG LÀM XẤU TRONG TRƯỜNG NGÔN LUẬN

Bài trước tôi nói ông Nguyễn Phan Long mới bắt tay chủ trương một tờ báo quốc ngữ, tưởng là ông theo khuôn phép nhà nghề đúng đắn, làm mẫu mực cho bạn đồng nghiệp coi mà noi theo, ai ngờ ông trổ ra nhiều cái thủ đoạn tiểu nhân mà tôi đã kể giăng giăng ra trong bài trước, thì khác nào ông đã bôi lọ cái tên của ông trong làng báo vậy.

Việc rõ ràng và gần đây thứ nhứt là việc ông đã công kích cá nhân tôi trên báo của ông.

Đại phàm kẻ tiểu nhân nói ra rồi nuốt lời đi, ngôn bất cố hạnh, hạnh bất cố ngôn[4], là sự thường. Bữa trước ông nói trong tờ Đuốc nhà Nam rằng ông không hề công kích cá nhân ; bữa nay ông nhè việc riêng tôi mà công kích. Cái đó tôi chẳng hề lấy làm lạ.

Tôi lấy làm lạ là cái chỗ tôi không ngờ.

Phải chi cái việc cá nhân đó là hiện thời đây và là việc thiệt, tờ báo của ông lấy lẽ công bằng mà công kích, tôi chẳng nói làm chi. Cái nầy, việc đâu năm kia năm kìa việc người ta phao vu cho tôi, có lẽ ổng cũng biết là tôi oan ức, vậy mà ngày nay tờ báo của ổng bới móc ra mà nói cho được, thiệt là tôi không ngờ vậy. Tôi không ngờ là không ngờ đâu tiểu nhân đến thế !

Mà phải ! Nếu khi không thì thôi ông có công kích tôi đâu. Vì tôi đã viết trong Trung lập nầy mà trách ông và đảng Lập hiến, chừng như ông khuất lý thì phải, nên ông mới kiếm đường mà gỡ.

Theo người quân tử, khi người ta trách mình một cách đường đường chánh chánh như vậy, nếu mình có đủ lẽ binh vực cho mình thì đem ra mà binh vực ; bằng không thì nên tỏ dấu phục thiện mà cảm ơn người ta mới phải cho. Mà chẳng được vậy đi nữa, thì làm thinh, chờ có dịp rồi sẽ trả thù. Cái nầy, nhè trong lúc người ta đương đem lẽ phải nói với mình, mình lại vọt miệng chưởi người ta một cách như hàng tôm hàng cá, như vậy, thôi còn cầm viết mà viết báo sao được ? làm Directeur politique một tờ báo sao cho xứng đáng ?

Nói thiệt, cái chuyện ông Nguyễn Phan Long làm đó, đây tôi không thèm làm.

Trong khi tôi viết bài công kích ông và đảng Lập hiến, thiếu chi người đem những chuyện riêng của ông mà nói với tôi. Họ nói những là ông Long đã ăn cắp giấy má gì của mấy ông phái viên của một đảng nào đó ở Trung kỳ trong năm 1926, lại có những chuyện ám muội gì đó trong vụ thương khẩu, họ còn kể những việc trong gia đình và việc nợ nần của ông cho tôi nghe ; rồi họ nói rằng những chuyện đó đủ bằng cớ hết, đem mà phô ra thì ông Long nguy lắm. Song tôi đã bác đi hết.

Tôi trả lời cho họ rằng Trung lập công kích ông Long đây là công kích những việc làm lời nói nào của ông có quan hệ với xã hội chớ còn việc riêng của cá nhân ông, chúng tôi có mắc mớ chi ? Huống chi chuyện ăn cắp giấy tờ, chuyện ám muội về vụ thương khẩu, tôi vẫn biết là người ta phao vu cho ông Long, chớ theo cái nhân cách của ông có đâu làm những việc ấy ? Tôi nói vậy rồi tôi từ chối những người đến xúi giục tôi, tôi không nhận lấy của họ một lời nào làm tài liệu cả.

Mà cho đến bây giờ đây, ông Long công kích cá nhân tôi, theo thường tình thì tôi cũng dùng cái ngón tiểu nhơn ấy mà trả nua[5] lại song tôi thề, tôi gớm ghiếc những cái thủ đoạn đê hèn như vậy lắm tôi không thèm làm. Dầu người ta công kích tôi đến nỗi bị bao vây tứ phía như mấy năm trên đi nữa, cái sức tôi có đứng nổi thì đứng không thì ngã, chớ tôi nhứt định khạc nhổ trên cái thủ đoạn ấy cho đến chết. Tôi nói với lương tâm tôi, dầu tôi nguy tới nơi cũng mặc, cái chuyện vu cáo cho ông Nguyễn Phan Long là ăn cắp, đút túi tiền vì vụ thương khẩu, cùng là bới móc việc riêng của ông ra là tôi không nỡ làm.

Tôi chẳng phải thánh hiền chi, vậy mà cái việc tôi không thèm làm, ông Nguyễn Phan Long lại làm, thế ông không biết rờ lên ngực mà thấy là hổ thẹn cùng tôi hay sao ?

Sau cuộc bút chiến Đuốc nhà Nam–Trung lập êm rồi, tôi có viết mấy hàng trong tờ báo nầy rằng : “Chúng tôi vẫn kính nể ông Nguyễn Phan Long, có điều đương hồi hai bên công kích nhau, việc hành binh lợi hướng nào, đi hướng nấy, cho nên có nhiều lời đùa bỡn ông, nghe ra tuồng khiếm nhã, hôm nay hòa bình rồi, xin độc giả hãy bỏ những câu ấy ở ngoài tai”. Đó, người ta lấy quân tử để đối với ông như vậy đó, sao ông lại lấy ngón tiểu nhân đối lại ?

Đến ngày nay, tôi thấy tờ báo ông bươi móc chuyện cá nhân của tôi mà công kích một cách vô lý, tôi biết rằng ông Long khinh miệt tôi quá tệ, chẳng còn kể chi tôi nữa, thì tôi lại kể chi ông, cho nên tôi mới viết ra mà thống trách ông cho tới cùng.

Rõ thiệt ông Long đã không treo gương tốt cho làng báo chúng tôi mà đã làm gương xấu

Tôi nghe hình như có kẻ định đem chuyện Đuốc nhà Nam đi công kích tôi đó mà phô diễn thêm ra để làm nhục tôi. Chẳng làm nhục thôi, họ còn định làm cho tôi điêu đứng đi và không chỗ dung thân nữa. Được lắm, cứ rủ nhau mà làm tiểu nhân đi ! cứ ngậm máu mà phun người đi ! rồi ra chi đó nó ra !

Vài ba năm nay báo giới ta đã vắng sự công kích bậy bạ nầy. Nay nếu có trở lại, tui thiệt phải kể ông Nguyễn Phan Long là người thủ xướng.

Báo giới như vậy, đáng buồn hay không đáng buồn ?

III. TÔI CÔNG KÍCH ÔNG NGUYỄN PHAN LONG CŨNG NHƯ TÔI CÔNG KÍCH ÔNG PHẠM QUỲNH. – “HỘI ĐỒNG PHIỆT” CŨNG NHƯ “HỌC PHIỆT”

Trung lập tiếp luôn mấy số vừa rồi, có bài “Cảnh cáo các nhà học phiệt” của tôi, chắc độc giả liệt vị đã đọc kỹ mà nhận ra lời lẽ của tôi là chánh đáng lắm. Trong đó tôi chỉ rõ những cái dấu chuyên chế dư luận của một người đại biểu đám học phiệt là ông Phạm Quỳnh, rồi tôi xin các ổng chừa cái kiểu chuyên chế ấy đi, đừng có giữ mãi mà làm hại cho đường học vấn của xã hội Việt Nam sau nầy. Tôi chẳng có ý gì khác hơn là dọn đường cho đồng bào ta hầu tiếp rước lấy ánh sáng của chơn lý.

Trong xã hội ta có một cái thói quen không tốt, là hay vị tình nể mặt. Người nào với mình có tình tri thức giao hảo thì người ấy dầu đối với xã hội có điều lỗi chi, mình cũng không nói. Lại cũng có một cái quan niệm không tốt nữa, là khi người nào công kích ai một điều gì lỗi lầm đối với xã hội, thì kẻ bàng quan liền cho rằng người ấy với kẻ kia có ác cảm sao đó nên mới công kích. Tôi nhận cho cái thói quen và cái quan niệm ấy không tốt, là vì : nếu vậy thì cứ giữ gìn về chỗ tư tình giữa cá nhân với cá nhân mà bỏ cái công lý trong xã hội. Nếu xứ ta đây mà ai nấy cứ như vậy mãi, thì rồi những lời ngang lẽ trái, những việc chướng tai gai mắt tràn khắp giữa chúng ta mà chẳng hề có ai vỉ sử đến, rồi chúng ta ở đời với nhau làm sao cho đặng ! Vì vậy tôi mới đương đầu ra mà phá cái thói quen và cái quan niệm ấy đi.

Tôi đối với ông Phạm Quỳnh, vẫn được dịp biết nhau hồi mười năm về trước, khi tạp chí Nam phong mới ra đời. Về sau tôi dầu không giúp cho tạp chí ổng nữa, song vẫn ở Hà Nội đi lại với ông luôn. Nói tóm lại, tôi đối với ông Phạm, thật không có một mảy may ác cảm nào hết.

Chỉ duy tôi thấy cái thái độ của ông Phạm, như đã giãi bày ra trong bài đó thì thật là bất lợi cho sự học vấn nước ta mai sau nầy, nên tôi mới đứng ra mà công kích cái thái độ ấy, cầu có một ngày kia ông bỏ đi để mở đường công khai về sự học vấn cho đồng bào chúng ta đó thôi.

Tôi công kích ông Nguyễn Phan Long, cũng một ý ấy.

Ông Nguyễn cũng là một nhà văn học trứ danh, nhưng ông chuyên trị về Pháp văn, sự học của ông không có dính dấp thẳng với người Việt Nam chúng ta, hoặc ông có chuyên chế đi nữa cũng không gọi là “học phiệt” được. Tôi mới tặng cho ông Nguyễn và những người như ông, một cái huy hiệu mới, là “hội đồng phiệt”.

Theo như ở các nước, thì kiểu các ông đó nên gọi là “chánh phiệt”, nghĩa là chuyên chế trong đường chánh trị ; song ở xứ ta đây, các ổng đã đến được cái địa vị ấy đâu, các ổng chỉ ỷ mình làm hội đồng quản hạt rồi vùi dập dư luận đi hết đó thôi, như thế kêu bằng “hội đồng phiệt” là vừa.

Thật vậy, ông Phạm Quỳnh đã chuyên chế trong sự học vấn thế nào, thì ông Nguyễn Phan Long cũng chuyên chế trong đường chánh trị thế ấy.

Do cuộc biến động ở Nam kỳ vừa rồi mà mới tỏ ra các ông hội đồng quản hạt ta là bất tài và kiêu căng. Sự ấy Trung lập là tờ báo vô tư nầy đã chỉ liều chút ra mà công kích dạo trước dữ lắm, chắc độc giả cũng còn nhớ.

Những bài ấy do tay tôi viết ra. Ông Nguyễn Phan Long thấy như vậy mà không làm thế nào được, bèn lấy tờ Đuốc nhà Nam của ông làm cơ quan, kiếm cách phỉ báng tôi để rửa hận. Như vậy tỏ ra ông là có ý chuyên chế.

Mình làm hội đồng quản hạt mà làm sai đi, người ta nói là mình có lỗi thì đổi[6], mình không lỗi thì viết mà binh vực lấy mình, chớ sao được phỉ báng người ta ? Như vậy, có phải tỏ ra rằng ông Nguyễn Phan Long cùng các bạn đồng liêu mình làm quấy mà không muốn bị ai nói đến, cấm kẻ khác nói đến chăng ? Như vậy, chẳng phải chuyên chế là gì ?

Cải cách chuyên chế ấy nếu mà còn mãi trong xã hội Việt Nam, thì đồng bào ta không biết bao giờ ngóc đầu lên cho đặng ? Bởi vậy tôi mới viết tiếp cãi hoài trên tờ báo nầy, cầu cho ông Nguyễn Phan Long cùng các ông hội đồng khác bỏ cái cách ấy đi, hầu cho dư luận người Nam ta có một ngày được phấn khởi lên đặng mà khu chế sự hành vi của những kẻ thay mặt cho mình. Ấy là bổn ý của tôi đó.

Xin độc giả chư quân phải rõ cái sự tôi đương làm đây là có ích lợi lắm cho đồng bào, chớ không phải là sự xoi bói nhau như ông Ngô Quý Hòa đã nói ở bài “Độc giả diễn đàn” một số báo trước.

Tôi ở trong xã hội nầy chẳng có một chút danh vị gì như các ổng hết. Ở trong làng báo, tôi cũng chỉ là một anh viết báo dạo, chẳng có được cái địa vị chủ bút hoặc trợ bút như người ta. Nhưng tôi có cái óc độc lập tự do, tôi lại có chút can đảm đủ mà mở miệng làm thông ngôn cho chơn lý, cho nên, hễ tôi thấy trái thì tôi nói.

Tôi biết tôi làm việc nầy là cái nguy hiểm cho tôi. Đó, chưa chi đã thấy họ ó lên mà gieo tiếng dữ, toan làm hại tôi rồi. Dầu vậy, tôi tha hồ cho họ làm gì thì làm, tôi chẳng hề kêu van họ mà cũng chẳng hề cầu cứu với ai. Tôi đã nói, tôi đứng được thì tôi đứng ; không thì tôi ngã. Tôi mà đáng ngã thì cũng nên để họ xô ngã cho rồi, tốt hơn là đưa cái mặt dày ra mà đứng trong vũ trụ !

Trong một bức thơ của ông thánh Paul, có câu rằng : “Chúng tôi dùng chính tay mình làm việc khó nhọc, mà khi bị vu oan, khi bị rủa sả, chúng tôi giống như rác rến của thế gian, cặn bã của loài người cho đến ngày nay !”. Phải, hễ là sứ giả của ánh sáng (Messager de la lumière) thì phải bị như vậy, chẳng trách ai mà cũng chẳng trách mình làm chi. Tôi đây cũng dám nói như ông thánh Paul, và tôi coi những sự vu oan rủa sả ấy là dịp tiện để thử thách cái sức của tôi có đứng vững được hay là phải ngã.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Chúng : được H.T. Paulus Của ghi nghĩa là đông, nhiều, là từ trỏ phần đông, số đông ; phiếm chỉ chứ không xác chỉ
  2. Đồng ban : có lẽ là “đồng bang” (dùng tương tự “đồng bào”)
  3. Hỉ xuất vọng ngoại” : cái việc mừng mà mình chưa từng hy vọng đến ; mừng quá chừng (theo Đào Duy Anh)
  4. Ngôn bất cố hạnh, hạnh bất cố ngôn” : nói và làm không tương ứng (theo H.T. Paulus Của)
  5. Trả nua : có lẽ như “trả nủa”, nghĩa như “trả đũa” (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)
  6. Chỗ này, tác giả viết hơi kiệm lời : “có lỗi thì đổi” nghĩa là nếu thấy mình có lỗi thì sửa đổi