Bước tới nội dung

Một việc hình như trái với nghĩa bảo hộ: Người An Nam bị ép phải chịu dưới quyền cai trị của người Lào

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Một việc hình như trái với nghĩa bảo hộ: Người An Nam bị ép phải chịu dưới quyền cai trị của người Lào  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 75 (15 Novembre 1935), trang 1.

Quan Khâm sứ Ai Lao có ra một tờ nghị định ngày 31 Mai, bắt từ nay những người An Nam kiều ngụ tại đất Lào phải chịu ở dưới quyền cai trị của người Lào.

Như ở Savannakhet, trong tờ nghị định ấy nói rằng sẽ do quan chánh công sứ ở đó quy tụ những người An Nam lại, đặt làm bốn phường, mỗi phường có một người phường trưởng đứng đầu, rồi trên nhiều phường trưởng có một viên tổng trưởng, đều lệ thuộc về quan “Châu mường” của Lào cai trị.

Xét cho thấu cái thâm ý của tờ nghị định ấy chẳng những ép người An Nam phải vâng phục dưới chánh quyền của một xứ chưa tiến hóa thôi đâu, còn hơn nữa, làm như thế lâu ngày rồi người An Nam cũng đến hóa ra người Lào mất!

Đã là người An Nam, trong mạch máu chảy rặt những máu An Nam, thì khi thấy được cái nghị định này, ai cũng phải lấy làm tủi nhục và lo ngại.

Trừ ra chỉ có một người đàn bà An Nam, người ấy đương còn trẻ tuổi, dường như chưa suy nghĩ kịp, nên mới dạn viết trên báo mà cho việc ấy là chánh đáng và không hại chi mà thôi (Ai muốn hiểu câu này trong khi đọc đến nó, xin giở lại Tràng an số 66).[1]

Chính trên tờ báo của chúng tôi cũng đã có hai bài phàn nàn về việc ấy: một bài ở số 66, một bài ở số vừa rồi. Coi đó đủ biết lòng người bất bình về việc ấy thế nào.

Lấy  nhiều việc đối chiếu với nhau, chúng tôi thấy ra như mấy năm gần đây Chánh phủ Bảo hộ ở đây có ý nghi kỵ người An Nam chúng tôi lắm thì phải. Nói như thế chưa đúng mấy: chúng tôi còn muốn nói Chánh phủ như có ý nghi kỵ cả một dân tộc An Nam chúng tôi.

Năm trước có một lần đày nhiều tù chánh trị An Nam lên Baméthuột. Những tù ấy nhà nước không để cho lính An Nam coi mà để cho lính mọi coi. Vì đó mới xảy ra việc lính bắn chết tù tại bọn này có ý phản kháng.

Lại trong nhiều đồn lính tập phòng ngự ở miền núi Trung Kỳ, người ta đã cất những tên mọi lên làm quản làm đội coi lính An Nam.

Lấy hai việc ấy đem gióng với việc sắp đặt ở đất Lào đây, chúng tôi thấy ra Chánh phủ có một ý là mượn tay các dân tộc hèn kém chung quanh đây để đè bớt cả nòi An Nam chúng tôi xuống được chừng nào thì hay chừng nấy.

Cái ý ấy chẳng biết thật có trong các ngài ở Chánh phủ không. Nhưng nhiều người An Nam chúng tôi thấy như vậy, xin nói toang ra cho các ngài biết.

Nếu cái ý ấy quả thật có thì cũng nên kể cho là một sự lầm: một sự lầm trong việc cai trị mà nếu nó đã trót rồi thì sau không còn vớt vát lại được nữa! Những cái khẩu hiệu “Pháp Việt đề huề” hay “Pháp Nam hợp tác” tuy vẫn biết khó thành ra sự thực nhưng chẳng phải câu nói để mà chơi. Nếu quả trên Chánh phủ có điều nghi kỵ tỏ ra cho người An Nam chúng tôi thấy được thì còn mong gì những cuộc đề huề hay hợp tác?

Ở thời đại này làm việc gì cũng phải cậy vào số đông cả. Người An Nam chúng tôi chiếm số đông trong cõi Đông Pháp thì không đáng cho Chánh phủ nghi kỵ mà kiếm cách gìm dập chúng tôi.

Cõi đất Đông Pháp bây giờ đã thành ra đất chung của người Pháp và người Nam chúng tôi; các dân tộc bé tý khác không đủ kể. Sau này nếu có một ngày lăn ra mà chết để giữ lấy cõi đất này, người ấy sẽ là ai? Chúng tôi dám mạnh mẽ đáp rằng sẽ là người An Nam, chớ những Mường, Mọi, Lào, Cao Miên, sẽ không có được cái vinh dự ấy.

Thế thì làm sao người Pháp lại có ý ngờ vực chúng tôi mà bắt chúng tôi luồn cúi dưới các dân tộc bé tý ấy cho đành!

Bảo hộ! Bảo hộ nghĩa là gì? Theo cái nghị định quan Khâm sứ Ai Lao, chúng tôi tưởng còn không đúng với nghĩa hai chữ “bảo hộ” nữa.

Nước Pháp đến đây, đem cả pháp luật công bằng đến. Người An Nam chúng tôi lấy làm vui lòng mà được pháp luật nước Pháp che chở cho, nhất là trong khi bước khỏi cái ngạch cửa nước nhà mà đi ra ngoài. Chúng tôi nhìn hai chữ “bảo hộ” nếu có nghĩa là có nghĩa ở đó. Trong khi người An Nam chúng tôi qua ở đất Thượng Hải là đất Tàu, chúng tôi đã nhờ pháp luật nước Pháp che chở chúng tôi, thì sao khi lên đất Lào, quan Khâm sứ lại bắt chúng tôi vâng phục dưới quyền người Lào cho đáng?

Người Nam Kỳ ra trú ngụ tại Kinh đô Huế, vẫn được kể là thần dân Pháp, mọi sự thưa kiện được do tòa án Lang Sa, không bị quan An Nam cai trị, thì sao khi người An Nam lên đất Lào, quan Khâm sứ lại bắt phải thần phục vua Lào? Làm như cái nghị định của quan Khâm sứ Lào đó, đố ai cắt nghĩa hai chữ “bảo hộ” cho xuôi thì cắt!

Chúng tôi rất ước mong quan Toàn quyền thủ tiêu cái nghị định ấy đi, để cho người An Nam ở đất Lào hoặc đất Cao Miên, cứ thuộc ngay dưới quyền bảo hộ là hơn. Như thế chúng tôi mới có lòng tin cậy ở Chánh phủ. Chúng tôi mới tin rằng Chánh phủ không có ý gìm ếm chúng tôi mà mới hết lòng trong cuộc đề huề hay hợp tác.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Chỗ này ý muốn nhắc đến bức thư bạn đọc Thuận Lương đăng Tràng an số 66 (15 Octobre 1935) nhan đề Báo “Đàn bà mới” với xứ Lào, phản đối một số nội dung trong bài phóng sự của nữ tác giả Thụy An nhan đề Một ít lịch sử giữa người An Nam và người Lào (đăng báo Đàn bà mới, Sài Gòn số 33, ngày 19/8/1935), trong đó Thụy An có ý mỉa mai tâm lý của một số khá đông người Việt (viên chức, dân thường) ở Lào đương thời “vẫn tự kiêu là người Lào ngày xưa phải triều cống nước Nam nên ngày nay quan Khâm sứ Marty ra đạo nghị định bắt người Nam ở Lào phải thuộc quyền các Châu mường (cũng như tổng đốc, tri phủ tri huyện ở ta) cai trị, cho là mất thể diện”. Thuận Lương chê trách nhiều nội dung trong bài báo nhưng lại thừa nhận hiện tượng Việt kiều ở Lào có tâm lý khinh thường người Lào, hơn thế, còn đồng tình và biện hộ cho tâm lý cảm thấy bị hạ nhục của họ trước quy chế mới do Khâm sứ Pháp ở Lào ban hành, đặt Việt kiều dưới sự quản lý hành chính trực tiếp của quan chức các cấp địa phương của Lào. Trong sự việc này, chủ bút Phan Khôi tỏ ra đồng tình với bạn đọc Thuận Lương và những kiều dân Việt đó, theo lời bạn đọc này, phản đối nội dung nghị định của Khâm sứ Pháp ở Lào. Vấn đề quyền lợi kiều dân Việt ở nước ngoài tất nhiên phải là mối quan tâm của dư luận báo giới trong nước.