Muốn trừ cái tệ hối lộ phải có dân quyền
Dân quyền của Trung Kỳ sẽ sản sanh bởi cuộc lập hiến sắp tới
Đông tây số 116, ra ngày 21 Octobre 1931, chúng tôi có bàn về sự nhà nước trừng trị quan lại ăn hối lộ, và kết luận rằng sự trừng trị ấy chỉ bớt được cái tệ hối lộ đi một ít thôi, chứ không trừ hẳn đi được, vì hễ dân còn sợ quan quá thì cái tệ hối lộ cứ còn hoài.
Chúng tôi chỉ nói thế mà không nói đến làm cách nào cho dân hết sợ quan (Sợ đây là nói sợ cái uy thế của quan mà thôi). Độc giả hẳn cho điều đó là điều khuyết điểm của chúng tôi. Nhưng không phải vậy đâu. Bởi chúng tôi thấy nhà nước đã có lo trước đến chỗ đó rồi, nên chúng tôi không cần bày ra cái kế sách nào, hôm nay chỉ cần có đem ra mà cắt nghĩa.
Như bài trước đã nói, dân còn sợ uy quyền thế lực của quan lại, thì trong quan lại, kẻ nào bất lương, cứ ỷ vào chỗ đó mà ép dân, cho nên cái tệ hối lộ không bao giờ trừ được. Nhưng vì cớ gì mà dân sợ quá như vậy? Là vì theo lối chánh trị cũ của ta, dân không có một chút gì trong tay để làm hộ phù, nghĩa là dân không có quyền. Thế thì bây giờ muốn cho dân đủ cậy ở cái lẽ phải của mình mà không đem tiền đút cho quan nữa, còn gì hơn cho dân có cái hộ phù ấy nhiều ít trong tay họ dư? Phải vậy, dân phải có quyền thì mới chừa được cái thói sợ phi lý như những lúc trước.
Độc giả chớ thấy chúng tôi nói tới dân quyền mà lấy làm lạ. Ấy là việc rất tầm thường trong nước ta ngày nay, không đủ lạ gì. Chẳng những chúng tôi nghĩ rằng dân ta ngày nay phải có quyền hoặc nhiều hoặc ít, mà chính nhà nước Bảo hộ cũng phải nghĩ như vậy. ấy là cuộc lập hiến cho Trung - Bắc kỳ sắp tới đây mà các ngài Đại hiến của Chánh phủ Bảo hộ đã nhiều lần hứa cùng chúng ta bấy lâu đó.
Cuộc lập hiến ấy hồi đầu do một nhà học giả xứ ta xướng ra, dư luận có nhiều lời dị nghi. Đứng về phương diện học lý thì lời dị nghị ấy chẳng phải là không có lẽ. Vì hiến pháp nào cũng như tờ giao kèo của hai bên, là vua với dân, hoặc Chánh phủ với dân. ở nước ta, ngoài vua với dân ra, còn có Chánh phủ Bảo hộ nữa, sợ e rồi vì đó mà cái hiến pháp sẽ mất thăng bằng đi; bởi vậy mới có người đặt tên nó là hiến pháp tam giác.
Tuy vậy, cái học lý không hẳn là bao giờ cũng phù hợp với sự thực hành. Nhiều khi sự thực hành đã chiếm hẳn một địa vị nào trong không gian và thời gian, thì cái học lý phải tháo lui để nhường chỗ cho nó.
Gần một năm nay, lời dị nghị ấy phải tiêu trầm cho đến cái thuyết trực trị là thuyết tương phản với lập hiến cũng thất bại, bởi sao? Bởi chúng nó đều là học lý, trước mặt sự thực hành, chúng nó phải dụt đi!
Hiện nay chúng ta không nên đem những cái học lý nào mà làm cho trong đầu mình mơ hồ vơ vẩn nữa; song hãy ngó chăm sự thực hành sắp tới trước con mắt chúng ta, ấy là cuộc lập hiến đã được hứa.
Quan Toàn quyền, quan Thống sứ, quan Khâm sứ, ít nữa mỗi một ngài đã có nói đến việc này một lần rồi. Cuộc lập hiến cho Trung - Bắc kỳ là việc chắc sẽ có, không còn nghi ngờ gì nữa.
Không nói đến lập hiến thì thôi, không nói đến hiến pháp thì thôi, chứ đã nói đến, thì hai chữ dân quyền không còn chạy chối đi đâu được. Vì trong hiến pháp, chẳng nhiều thì ít, dân cũng phải có quyền; nếu dân không có quyền, thì sao gọi là hiến pháp?
Quan Toàn quyền, quan Thống sứ hứa rằng Chánh phủ Bảo hộ sẽ lập cho Trung - Bắc kỳ một cái hiến pháp, ấy là các ngài nhìn nhận rằng dân Trung - Bắc phải có quyền, và sẽ đem cái quyền ấy mà trao cho dân trên giấy trắng mực đen. Thế thì hai chữ dân quyền trong đất nước ta từ rày về sau, là do Chánh phủ xướng ra, do Chánh phủ cầm mà trao cho dân, nào có phải ở dưới đất nứt lên đâu mà lấy làm lạ.
Ngày nay chỉ có cái vấn đề là dân Trung - Bắc có biết dùng cái quyền ấy hay không mà thôi. Chúng tôi muốn bàn là bàn về chỗ ấy. Chứ còn, hễ đã có hiến pháp thì ít nhiều cũng phải có dân quyền, sự đó không cần bàn.
Nếu một ngày kia - ngày ấy không lâu - hai xứ Trung - Bắc kỳ có chung một cái hiến pháp, thì cái hiến pháp ấy dầu thế nào, quý hồ trong ấy có định ra ít nhiều quyền lợi cho dân là đủ.
Dân không có quyền xưa nay, mà hốt nhiên ngày nay có quyền, họ sẽ dùng cái quyền ấy thế nào, ấy là sự đáng lo. Chúng tôi rất mong các nhà pháp luật học, các nhà ngôn luận, hết sức tuyên truyền cho đồng bào ta điều đó, hầu cho họ dự bị để làm người dân có quyền trong một vài năm tới đây.
Hôm nay trong bài này, chúng tôi chỉ muốn cắt nghĩa tại sao có dân quyền rồi thì trừ được cái tệ hối lộ.
Theo lối chánh trị cũ của ta, nhất là ở Trung kỳ, quan phủ, quan huyện, hay là quan tỉnh các ngài coi bên chánh mà cũng coi luôn bên hình có quyền xử kiện mà cũng có luôn quyền bắt giam người ta và làm án hay là tha ( )[1]. Sự hối lộ sinh ra vì đó, vì quyền quan thì rộng mà dân không chút quyền gì để bảo hộ lấy mình.
Nếu có hiến pháp - tức là cái hiến pháp sẽ lập cho Trung - Bắc kỳ - thì không còn như vậy nữa. Chúng tôi không dám đoán trước những cái điều, mục trong hiến pháp ấy sẽ ra sao, nhưng cứ theo nguyên tắc thì dầu hiến pháp nào cũng phải có những điều dưới này.
Cần nhất là sự phân quyền (séparation des pouvoirs). Nghĩa là bên chánh với bên hình chia rẽ hẳn ra, bấy giờ một ông quan không có thể vừa bắt người lại vừa xử phạt được; như vậy, ông quan ấy không còn lấy cái gì để doạ dân mà lấy tiền.
Bên dân thì nhờ có pháp luật bảo chướng cho. Theo như hiến pháp các nước thì thế nào cũng phải có điều này: Một người dân, nếu không y theo[2] pháp luật thì không hề khi nào bị bắt, bị giam, bị soát nhà cùng bị những sự thiệt hại khác. Như vậy thì kẻ có máu mặt mà không phạm tội, không còn bị quan bắt ngay để sách tiền.
Dân có quyền, mà quyền ấy bởi hiến pháp ban cho, lại nhờ pháp luật bảo hộ, thì tự nhiên không còn sợ .. như lúc trước và không đem tiền cho quan ăn, sự hối lộ đến ngày ấy sẽ trừ đi được.
Nếu trong mấy năm nữa, khi Trung - Bắc kỳ có hiến pháp rồi, dân có quyền rồi mà cái tệ hối lộ vẫn còn chưa dứt, thì lại là tại dân có quyền mà không biết dùng quyền mình. Bởi vậy chúng tôi mới mong có sự tuyên truyền hầu để ai nấy dọn mình dự bị làm người dân có quyền và biết dùng quyền trong khi nhà nước đã lập hiến.
Phan Khôi
Chú thích
- ▲ Chỗ này bản gốc để dấu chấm chấm ( ) liền 4 dòng, có lẽ có một đoạn bị bỏ.
- ▲ Chỗ này ở bản gốc có lẽ có lỗi viết hoặc lỗi in : Lẽ ra phải là "nếu y theo", tức là "nếu không vi phạm" thì mới đúng với ý của toàn bộ câu này. Còn viết "nếu không y theo" thì nghĩa là "không tuân thủ", tức là "vi phạm" thì lại sai với ý của toàn câu.