Bước tới nội dung

Nên phân biệt tông giáo với sự mê tín

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nên phân biệt tông giáo với sự mê tín  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 19 (3 Mai 1935), trang 2. 

Cũng đồng là sự tin tưởng của người ta mà có chia ra tông giáosự mê tín.

Những đạo giáo có lập ra lý thuyết vững vàng, mà lý thuyết có ý nghĩa, khiến ai tin đến thường được ích lợi về tinh thần: ấy là tông giáo.[1]

Còn những điều do kẻ hiếu sự bày ra, lợi dụng sự ngu muội của người đời để kiếm tiền, cũng khiến người ta tin được, nhưng chính mình những điều ấy vốn là vô nghĩa lý: ấy là sự mê tín.

Sự mê tín ở xứ ta nhiều lắm, như đồng bóng là một. Mà đã là mê tín thì bao giờ cũng có hại, cái hại không xiết kể.

Sở dĩ có nhiều sự mê tín là tại dân ta từ trước kém bề giáo dục, phần lý trí của mọi người không được phát đạt mấy.

Vậy từ nay muốn trừ sự mê tín cốt phải chấn hưng giáo dục, đồng thời lại phải nhờ sức công kích của nhà báo.

Công kích sự mê tín là việc nhà báo nên làm và buộc phải làm, không có thể coi nó như là phạm đến tông giáo được, vì sự mê tín không phải là tông giáo.

Vì cớ đó bản báo số 17 có bài Một cuộc hầu bóng ở mục Tiểu phóng sự và số này còn tiếp theo[2]. Nhưng bài này mới là nói sơ để kẻ mê tín tự hiểu mà thôi, chưa phải công kích thật đâu.

Sợ có người đọc bài mà cáo chúng tôi phạm đến tông giáo nên có mấy lời cắt nghĩa này.

P. K.

   




Chú thích

  1. Chúng tôi nhận thấy Phan Khôi dùng cả 2 dạng viết “tông giáo” và “tôn giáo”.
  2. Một cuộc hầu bóng đăng ở mục Tiểu phóng sự của Tràng An là bài của tác giả Tiêu Diêu Tử (bút danh của Nguyễn Đức Bính)