Bước tới nội dung

Nói cùng Xuân Đình nào đó về cái nguyên tắc dùng Hán văn

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nói cùng Xuân Đình nào đó về cái nguyên tắc dùng Hán văn  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6680 (14. 3. 1932)

Phàm viết báo phải hiểu phép ký tên. Ký biệt hiệu tên mít tên xoài gì đó, hay là ký tắt như A.X.D.E., v.v. là khi viết một bài phiếm luận, không động chạm tới ai kia; chớ còn khi có động chạm tới kẻ khác, tốt hơn là phải ký tên thiệt. Nhứt là khi viết ra mà muốn biện luận cùng ai hay là muốn cho ai đối đáp với mình, lại càng phải ký tên thiệt hơn nữa.

Chỉ nói vậy mà thôi cũng đủ, chớ bảo tôi giải cái cớ tại sao ra, thì dông dài quá. Tôi xin tỏ bày cái tâm lý của tôi một chút ở dưới đây thì biết lời tôi nói đó có lẽ lắm.

Giả sử có người họ muốn chọc tôi trên báo, họ viết về vấn đề gì có quan hệ với tôi rồi họ ký tên bậy bạ chi chi, thì thiệt tôi chẳng muốn trả lời chút nào hết. Như năm trước có tên "Trần Chùy" nào đó viết nói bá xàm trong Công luận, có người hỏi tôi sao không trả lời; tôi từng đáp lại cùng họ rằng: "Tôi tội gì đem cái tên của tôi mà nói chuyện với Trần Chùy là cái tên không thiệt sao?"

Anh em nghĩ có phải không? Họ giấu tên đi, còn cái tên mình thì họ đem ra làm như vai hề trên báo; ai dại ngộ gì mà mắc điếm họ? Tôi chả thèm chơi!

Chuyện cũ không đáng nhắc làm chi. Tôi đã nhắc là vì thấy trong báo giới ta hay có cái thói "lỡm" ấy quá, tôi phải nói để người ta chừa đi, và người bên kia thì nhớ mà tự trọng, hầu khỏi bị lỡm.

Lần nầy ai viết trong Công luận không biết, mà ký là Xuân Đình, Xuân Đình là ai? Phải chi cái bài đó có vẻ đúng đắn thật tình thì dầu ký tên xoài tên mít cũng vô hại. Nay tôi thấy rõ ra là viết mà chọc ghẹo. Bằng như không phải chọc ghẹo thì người viết là tầm thường quá, không biết gì hết; hai lẽ ấy phải có một.

Đại ý Xuân Đình nói tôi đã lập ra cái nguyên tắc về sự dùng Hán văn vào Quốc ngữ như bài đã đăng trong P.N.T.V. đó, thì sao còn dùng nhiều chữ Hán văn?

Vả, cái nguyên tắc tôi đã nói rằng chữ nào nói tiếng ta không được, hoặc được mà không ngộ, không hết ý, không gọn thì dùng Hán văn. Thế thì trong khi thấy tôi dùng Hán văn nào, Xuân Đình cứ đem so với cái nguyên tắc ấy đi, mà phải so một cách cho thật nghiêm, bao giờ thấy trật đã, sẽ nói, sẽ công kích tôi; chớ vội gì mà viết như vậy ư?

Tôi nói thế, nghĩa là, theo như bài Xuân Đình đó thì hình như người ấy chưa từng so sánh gì cả, cứ đụng đâu nói đó. Có lẽ nào cái người đã cầm bút viết mà lại khinh suất như thế ư? Bởi vậy tôi mới cho rằng người ấy chỉ kiếm điều chọc ghẹo tôi chơi, chớ chẳng phải thiệt tình muốn bàn luận với tôi vậy.

Tức như Xuân Đình cử ra một mớ Hán văn tôi đã dùng mà nói là có thể dùng tiếng ta được, thì tôi phải cho là người ấy nói diễu. Mà nếu không phải nói diễu thì cái tri thức của người ấy đương còn tiểu học hay ấu học, mà nói chuyện gì!

Những chữ mà ông ấy cho là dùng tiếng ta được, tôi nói dùng tiếng ta không được cho nên tôi mới dùng chữ Hán. Không có thể giải từng chữ ra đây, tôi chỉ nói sơ vài chữ là đủ.

Chữ "nguyên tắc", ông bảo nói tiếng ta là "khuôn phép". Tôi không cãi ông làm chi. Tôi chỉ hỏi lại ông rằng: Khi ông khen một trò nhỏ nào là "có khuôn phép", khi ấy ông có thể đổi mà nói rằng "trò nhỏ ấy có nguyên tắc" không? Hễ ông nói vậy được thì tôi mới dùng chữ "khuôn phép" mà thay cho chữ "nguyên tắc" được!

Nguyên tắc là principe, khuôn phép là modèle, ông không có thể nói modèle tức là principe được đâu.

Chữ "phân tích" ông nói tiếng ta được, song không chỉ rõ chữ chi. Chắc ông cũng nói chữ "chia" chớ gì! Không phải đâu ông! Khi tôi nói "phân tích", ấy là có ý nói analyser; mà analyser, ta không có tiếng gì cho xứng hết, tôi phải dùng chữ "phân tích". Nếu ông bảo dùng chữ "chia", thì là diviser hay partager, khác với ý tôi rồi, tôi dùng sao được? Thật cái óc tôi nó có ý nghiêm nhặt hơn cái óc ông nhiều lắm.

Tôi chỉ nói hai chữ mà thôi. Còn những chữ khác ông chịu khó suy tìm mà hiểu, nếu ông không diễu với tôi.

Đến như những chữ tổng mạo, là tiếng thường lắm trong khi còn học khoa cử, có thể dùng nó mà dịch chữ chapeau (chữ chuyên nghề trong việc làm báo), bằng không thì chẳng biết dùng chữ gì. Lại còn những "ngoại quốc", "mãn nguyện" thì tuy chữ nho mà nó đã thành ra tiếng ta rồi, cũng như bất nhân ác nghiệp, trần ai khổ hạnh, và trăm ngàn chữ khác nữa, chỉ có ông Xuân Đình muốn diễu, muốn chọc ghẹo cho tôi ra miệng chơi thì mới đem mà nói đó thôi.

Nếu ông diễu thì từ rày xin đừng có diễu như vậy nữa, vì là sự có hại cho tôi; bằng chẳng diễu mà vì ông chưa biết thì ông hãy học thêm, có làm sao mà ngại!

PHAN KHÔI