Bước tới nội dung

Nói về đảng Lập hiến ở Nam kỳ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nói về đảng Lập hiến ở Nam kỳ  (1930) 
của Phan Khôi

Tên chung của loạt bài này, 2 kỳ đầu đều đề là: Lấy tình đồng nghiệp nói chuyện cùng Đuốc Nhà Nam, từ kỳ thứ ba mới lấy đầu đề Nói về đảng Lập hiến ở Nam kỳ

I. CÁI CHỦ NGHĨA CỦA ĐẢNG LẬP HIẾN Ở NAM KỲ

Theo như lời Trung lập đã thanh minh trong số vừa rồi, hôm nay chúng tôi lại bắt đầu lấy tình bạn đồng nghiệp nói chuyện với tờ báo Đuốc nhà Nam cho hết câu chuyện.

Xin bạn đồng nghiệp, mà cho đến chư vị độc giả cũng vậy, phải biết cho rằng những lời chúng tôi sẽ nói về sau đây chẳng phải là công kích như trước đâu, song chỉ là lấy lòng thành thật cống hiến một vài chỗ sở kiến của chúng tôi. Chúng tôi nói đây chẳng những nhơn danh một nhà ngôn luận mà cũng nhơn danh cái cơ quan Trung lập nầy là một phần tử quốc dân nữa.

Hiện nay ở Nam kỳ ta có cái phong trào phản đối đảng Lập hiến và Đuốc nhà Nam cùng Tribune Indochinoise, là hai tờ báo cơ quan của đảng ấy. Cái phong trào ấy tuy gây nên trong lúc mới rồi bởi sự trễ nải của các ông trong việc can thiệp vào cuộc biến động, nhưng cái nguồn gốc của nó sâu xa lắm, ấy là bởi cái thái độ của đảng Lập hiến lúc bình nhựt mà ra.

Hôm nay đây chúng tôi phê bình cái chủ nghĩa của đảng ấy ra sao, rồi sau sẽ chỉ rõ cái chứng bịnh từ đâu mà bây giờ trở nên như một người đau liệt. Trong khi nói chuyện đây, chúng tôi không có ý châm chọc bươi móc mà nói một cách đường đường chánh chánh, cái mục đích là mong cho đảng Lập hiến nghe mà sửa mình, hoặc có làm được việc chi có ích cho quốc gia xã hội mà thôi. Mà nếu đảng Lập hiến thiệt biết sửa mình thì cũng chẳng khó chi mà vớt lại cái lòng người đã mất và làm cho dịu bớt cái phong trào phản động đương sôi nổi vậy.

Khi muốn xem đảng Lập hiến, lẽ đáng xét đến cái ngày giáng sanh của nó và cái lịch sử của nó mười năm trời nay đã làm ra được những việc gì. Nhưng thôi, muốn nghiên cứu đến cùng đầu triệt vỉ như vậy thì ít nữa cũng phải nói chạm vài người trong đảng, rồi nó sẽ thành ra cái vấn đề cá nhân, chúng tôi không muốn. Bởi vậy chúng tôi chỉ nói về cái chủ nghĩa của đảng ấy mà thôi.

Hôm trước chúng tôi có nói, nhiều năm về trước ông Albert Sarraut đặt tên cái đảng nói đây là Constitutionnaliste mà dịch ra tiếng ta là “Lập hiến”. Lập hiến, nghĩa là lập cho xứ nầy một cái hiến pháp. Làm sao lại đòi lập hiến pháp ? Lập hiến pháp để làm gì ?

Số là xứ Nam kỳ tuy thuộc dưới quyền nước Pháp là nước “dân chủ lập hiến” hơn 70 năm nay, song sự cai trị trong xứ lại không theo hiến pháp của nước Pháp, mà chỉ theo mạng lịnh của đức Tổng thống, của quan Toàn quyền và của quan Thống đốc Nam kỳ. Như vậy thì nhân dân xứ nầy chỉ có tiếng ở dưới quyền nước dân chủ mà thôi, chớ kỳ thiệt hễ đã tuân mạng lịnh của một vài người thì có khác gì ở dưới quyền dân chủ chuyên chế ? Nước Pháp, cứ như lịch sử, có tiếng là mẹ các nước dân chủ, đẻ ra dân quyền trong thế giới, há nỡ nào để cho dân thuộc dưới quyền mình vẫn còn mê man trong bóng tối sao ? Vì vậy nên mới nghĩ đến sự lập một cái hiến pháp riêng cho xứ nầy.

Hiến pháp ở nước nào cũng vậy, tự nhân dân khi nào biết là cần dùng thì tự lập ra hiến pháp chớ chẳng phải có ai lập thế cho dân. Ở Nam kỳ ta cũng vậy, nếu sau nầy có một cái hiến pháp, cũng sẽ tự quốc dân chúng ta lập lấy cho mình. Đùng có ai tưởng lầm rằng nước Pháp sẽ ban ơn lập hiến pháp cho chúng ta. Vì nếu vậy thì chẳng khác nào theo mạng lịnh một vài người cai trị, cần gì hiến pháp ?

Hồi mười năm về trước mà cho đến bây giờ nữa, trình độ dân Nam kỳ đã đủ mà lập lấy hiến pháp cho mình chưa ? Nước Pháp trả lời rằng chưa. Bởi vậy nước Pháp bấy giờ mới đem cái tương lai của 5 triệu dân An Nam mà phó thác vào tay các ông đảng Lập hiến, kèm thêm mấy lời như vầy : “Các ông khá hiệp những người cùng tin tưởng cùng một chủ nghĩa với nhau lập nên một cái đảng hành động ở dưới quyền của ta (nước Pháp) đây mà dạy dỗ cho dân các ông, ngõ hầu có một ngày họ đủ trình độ lập một cái hiến pháp, như là tờ giao kèo giữa ta với họ”.

Phải, cái chủ nghĩa ban sơ của đảng Lập hiến là vậy đó. Nếu cái chủ nghĩa của họ không phải vậy thì sao đặt tên là Lập hiến ? (Trời ôi ! vậy mà có một vài lần chúng tôi nói chuyện với mấy ông mà người ta kêu là đảng viên Lập hiến, hỏi thử họ cái đảng nghĩa của họ ra sao, thì có người hầu như chẳng biết chi hết, chỉ biết mình là đảng viên Lập hiến, bạn đồng chí với cụ Bùi mà thôi. Chúng tôi nói thêm câu nầy vào đây chẳng phải để cười đảng Lập hiến, nhưng để cho biết nhân tài nước ta còn kém lắm, gọi là hạng người trí thức mà cũng còn như vậy đó, huống lựa là ai !)

Hơn hai mươi năm nay cái ý kiến về chánh trị của người Việt Nam chia ra hai phái, là phái “ỷ Pháp” và phái “bài Pháp”. Hồi đó cụ Tây Hồ làm đại biểu cho phái trước, còn cụ Sào Nam làm đại biểu cho phái sau. Cái phái trước, phái ỷ Pháp, chẳng phải là không chánh đáng. Chúng tôi nếu chẳng biểu đồng tình với phái ấy thì thôi, còn ra mà viết báo quốc ngữ chịu đem cái tư tưởng cái ý kiến mình trải ngang qua tòa kiểm duyệt làm chi.

Nhưng ta phải rõ chữ “ỷ Pháp” nghĩa là gì. Ỷ Pháp nghĩa là trước hết phải nhìn nhận cái trị quyền nước Pháp tại đất nầy trong thời kỳ ta ở đây, rồi ta ở dưới quyền ấy mà hành động theo lẽ phải, để dìu dắt đồng bào có ngày lên con đường tự trị và độc lập. Tuy cái chủ nghĩa ấy trái với chủ nghĩa bài Pháp như nước với lửa, song le mỗi bên có một lý do, có một ý kiến, thì bên nào cứ việc đi đường nấy, miễn là có cái mục đích vì đồng bào, vì tổ quốc là nên chớ lại hà tất phải giống nhau làm chi ?

Bất luận đảng Lập hiến ai đẻ ra nó ra, vì cớ gì mà đẻ nó song cứ nội hai chữ “Lập hiến” mà luận thì chủ nghĩa của nó há chẳng phải là chánh đáng sao ? Chẳng phải chúng tôi nói trong nước Nam nầy có một mình cái chủ nghĩa Lập hiến là chánh đáng, song chúng tôi nói rằng nếu có cái chủ nghĩa nào khác là chánh đáng, thì cái chủ nghĩa Lập hiến cũng là chánh đáng như vậy.

Đó, về chủ nghĩa của đảng Lập hiến có ai chê trách chăng thì chúng tôi không biết, cứ như chúng tôi thì vẫn cho là chánh đáng. Vậy mà đảng ấy không mạnh được, bây giờ lại bị người ta công kích nữa thì cái cớ nó ở đâu ?

À, hay là tại không có thế lực chăng ? Bài kế đây sẽ nói về thế lực của đảng ấy.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, số 6186 (2.7.1930)

II. ĐẢNG LẬP HIẾN CÓ THẾ LỰC MÀ KHÔNG BIẾT DÙNG

Trong bài trước chúng tôi đã nói cái chủ nghĩa của đảng Lập hiến là đứng được, là chánh đáng ; không phải trong xứ nầy chỉ có một cái chủ nghĩa ấy là chánh đáng, song nếu còn cái chủ nghĩa nào là chánh đáng, thì cái chủ nghĩa của đảng Lập hiến cũng là chánh đáng, chớ chẳng kém chi.

Đã có chủ nghĩa chánh đáng mà nếu không có thế lực, thì đảng Lập hiến dầu có thất bại đi nữa cũng không nên trách. Cái nầy, đảng Lập hiến chẳng phải là không có thế lực ; thế lực lại có phần mạnh nữa.

Ta thử coi như cụ Bùi Quang Chiêu, ông Nguyễn Phan Long, là hai tay học thức đúng đắn nhứt ở Nam kỳ. Hai ông ấy lại còn có danh vọng đặc biệt là khác nữa. Sẵn có cái địa vị như vậy, khó gì mà chẳng kéo những hàng trí thức và tất cả dân chúng theo mình ?

Rồi ta lại thử coi …

Bây giờ ta nếu kể ra những người nào là đảng viên Lập hiến và kể ra trong đảng ấy có những tên người nào, thì thật một sự rất khó. Vì đảng Lập hiến chưa hề phát biểu những tên của đảng viên mình, cho đến cái số đảng viên bao nhiêu cũng chưa hề có một lần nào hô lên cho bà con biết nữa.

Tuy vậy, trải bao nhiêu năm nay, trải bao nhiêu lần cử hội đồng quản hạt, tờ báo cơ quan của đảng Lập hiến đã cổ động cho những người nào, thì những người ấy đã bị nhận là đảng viên Lập hiến cả. Cứ theo đó mà xét, thì trong mười năm nay, những người ra ứng cử hội đồng quản hạt mà đắc cử hầu hết là đảng viên Lập hiến. Những người ấy, về học vấn kiến thức của họ ra sao không biết, song nói về đồng tiền thì thật họ chẳng kém ai, mà có lẽ họ đều là tay tư bổn bực nhứt nhì ở xứ nầy.

Phàm trong việc chánh trị, cái tài giỏi, cái khôn ngoan, cái mánh lới vẫn là cần lắm, song những cái ấy là cần đến bậc nào thì đồng tiền cũng là cần đến bậc ấy, chẳng nhượng chi nhau. Hiệp các cái ấy với đồng tiền mới sanh ra thế lực.

Vậy thì đảng Lập hiến có đủ hết, đã có tài, lại có tiền, thế mà nói rằng không có thế lực thì còn ai tin được ? Khốn thay là chỉ tại có thế lực mà không biết dùng !

Cứ theo cái tên mà nói thì đảng Lập hiến rõ thật là một chánh đảng (parti politique). Song cứ coi như cung cách họ làm bấy nhiêu năm nay, thì chưa có đủ bằng cớ mà gọi là một chánh đảng được. Bởi vì họ không có hành động như một chánh đảng cho nên dầu có thế lực họ cũng bỏ luống đi mà không dùng.

Nếu đã tự nhận là một chánh đảng, một chánh đảng gánh cái trách nhiệm dạy dỗ đồng bào cho có ngày đủ trình độ lập hiến pháp, thì phải hành động cách nào ? Chúng tôi thiết tưởng trước hết phải mất nhiều công phu để tuyên truyền cái chủ nghĩa của mình ; thứ đến là phải rủ cho được đông người vào đảng ; sau nữa là phải thiệt hành các công việc của đảng định làm để đạt đến cái mục đích cuối cùng là sự lập hiến.

Ấy vậy mà từ đó đến giờ, mỗi người hai con mắt, có ai thấy đảng Lập hiến đã làm lấy một điều nào trong ba điều ấy chưa ?

Như đã nói trong bài trước, thiệt trong các đảng viên Lập hiến mà cũng còn có người chưa rõ biết cái đảng nghĩa mình ra sao, huống chi là người ở ngoài đảng, huống chi là nhứt ban dân chúng. Ấy là tại đảng Lập hiến chưa hề có đem cái chủ nghĩa của mình mà tuyên truyền cho công chúng biết, đối với đồng bào dường như chẳng có quan hệ chi tự thỉ chí chung[1].

Còn đến sự cổ động cho có nhiều người nhập đảng, thì thôi, chớ đem lòng mong cho các ông lãnh tụ Lập hiến nhà ta. Kỳ quá ! Từ hồi nào đến bây giờ, quanh đi quẩn lại, cũng chỉ nghe có mấy người đó mà thôi, hoặc giả trong cái sổ đảng của họ cứ bỏ giấy trắng luôn, mình đâu biết được ! Điều nầy là quan hệ nhứt cho một chánh đảng nếu là chánh đảng thiệt, vì đảng mà chỉ có năm ba người thì đố có ai làm ra trò trống gì.

Bởi vậy xét đến sự thiệt hành[2] của đảng Lập hiến thì gần như chẳng biết xét vào đâu ! Về những việc cụ Bùi đi qua cổ động bên Pháp, chúng tôi đâu có dám bỏ qua, song để về sau sẽ nói ; nay nói nội trong nước đây thì thấy như chẳng có vết tích gì có thể gọi được là cái vết tích của đảng Lập hiến hết.

Cứ như cái chủ nghĩa của đảng ấy thì lẽ phải lấy sự giáo dục làm cần nhứt. Vậy mà người ta trông mỏi con mắt, có thấy gì đâu ! À ! An Nam học đường, ấy là cái công trình lớn nhứt sau khi cụ Bùi ở Pháp về mà anh em đón rước tưng bừng, cũng chỉ được mấy tháng đó thì đóng cửa. Khuyến học hội thì lập ra hầu khắp các hạt ở Nam kỳ, song thiệt ra có “học” gì đâu ! có “khuyến” ai đâu !

Trong tay có một cái chánh đảng, lại có tài, có tiền, đủ thế lực, mà chỉ tại một điều là không chịu nhận chơn, không chịu làm thiệt việc, thành ra có thế lực như trời đó cũng bỏ phí đi, trở nên vô dụng.

Cứ như cái hành trình của đảng Lập hiến đã đi trong mười năm nay đó, thì chúng tôi thấy ra họ chẳng hề ngó đến cái danh mà nhớ đến cái nghĩa, họ chẳng nhìn đến cái trách nhiệm dạy dỗ đồng bào, họ chẳng mong đạt đến cái mục đích của mình là sự lập cho xứ nầy một cái hiến pháp, mà họ chỉ làm những việc chi chi ở đâu, chẳng có xứng đáng gì với cái mục đích cao xa ấy.

Cứ thiệt mà nói thì đảng Lập hiến mà cho đến hết thảy đảng viên cũng vậy, chỉ có một cái mục đích là ra tranh hội đồng quản hạt cho đắc cử mà thôi. Cái mục đích ấy đã đạt đến rồi, thì họ không còn thèm nhìn bà con với hai chữ “Lập hiến” nữa. Như vậy mà cho có thế lực hỏi dụng vào đâu ? Dùng làm gì chớ ?

Bài kế sẽ nói đến những sự nhận lầm trong việc chánh trị của đảng ấy.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, số 6187 (3.7.1930)

III. CÁI SAI LẦM CỦA ĐẢNG ẤY TRONG ĐƯỜNG CHÁNH TRỊ

Về đề mục nầy Trung lập đã có ra hai bài rồi, nguyên mỗi bài đều có để cái phó đề (sous titre) là “Lấy tình bạn đồng nghiệp nói chuyện với Đuốc nhà Nam”. Nói như vậy là có ý làm cho câu chuyện nầy dính với cuộc bút chiến vừa rồi, tỏ ra rằng chúng tôi chỉ đem chuyện phải trái nói với nhau, chớ không công kích Đuốc nhà Nam nữa. Song le, mới rồi, tờ báo ấy ra ngày 2 Juillet, có tuyên bố rằng chính mình không phải là cơ quan của đảng Lập hiến, và ông Nguyễn Phan Long chủ nhiệm, cũng không phải là đảng viên. Bởi vậy, muốn nói tiếp về đảng Lập hiến, chúng tôi phải đổi cái đề mục lại như hôm nay[3].

Nếu còn để y như trước, thì thành ra vô nghĩa. Vì theo lời bá cáo của bạn đồng nghiệp, đảng Lập hiến với Đuốc nhà Nam không có quan hệ nhau, cớ chi chúng tôi lại đem chuyện của đằng nầy nói với đằng kia, làm như tuồng mắng vốn ? Vậy xin độc giả làm ơn xóa bỏ giùm cái phó đề trong hai bài trước, cứ coi như là chúng tôi phê bình đảng Lập hiến mà thôi chớ không có đem chuyện ấy mà nói với Đuốc nhà Nam.

Phân phô đâu ra đó rồi chúng tôi xin tiếp theo bài trước mà kể sơ qua những chỗ sai lầm của đảng Lập hiến về trong đường chánh trị.

Bài trước đã nói đảng Lập hiến không nhận chơn cái đảng nghĩa mình, không làm thiệt việc cho nên dầu có tiền tài thế lực cũng bỏ luống mà không dùng, đến bây giờ đảng ấy gần như muốn thất bại. Tuy vậy, đó chỉ là nói đại khái. Chớ nói cho kỹ ra thì mấy tay lãnh tụ đảng ấy như cụ Bùi Quang Chiêu, vẫn thiệt có chí về chánh trị, duy sự lấy đường mà đi hơi sai lầm đó thôi.

Thật vậy, cứ coi công việc họ làm thì thấy ra như họ nghĩ rằng đảng Lập hiến chỉ là một cái chánh đảng của người An Nam để đối với chánh phủ Pháp, đối với thực dân Pháp ở đây mà binh vực quyền lợi cho một bọn người An Nam thôi ; chớ đối với dân chúng An Nam, đảng Lập hiến chẳng có quan hệ gì mấy chút. Chúng tôi đề chừng như vậy mà chắc như vậy, chớ không phải chúng tôi nói quá đâu.

Cái ý của họ đó tỏ ra trong ba điều mà chúng tôi đã nói ở bài trước. Duy có họ nghĩ như vậy nên họ mới không cần cho dân chúng biết họ làm chi, không cần cho dân chúng giúp họ làm chi, mà họ cũng không cần làm ra công việc gì hầu có ích lợi cho dân chúng nữa. Nói vậy tức là nói đảng Lập hiến chẳng hề tuyên bố chủ nghĩa và chánh sách mình cho ai biết ; chẳng hề rao mộ đảng viên cho càng ngày càng đông ; chẳng hề thiệt hành những công việc có ích như là giáo dục quốc dân, là việc cần nhứt cho cái mục đích của đảng ấy vậy.

Chúng tôi cũng lấy làm đáng thương cho cụ Bùi lắm. Chẳng quản tuổi già sức yếu, lặn lội qua đến bên Tây, cọ vai chạm trán với những tay cừu địch mình trong chánh giới, tới chỗ nầy diễn thuyết tới chỗ kia tuyên truyền, để đem cái tình trạng xứ nầy tỏ cho quốc dân Pháp biết, hầu nhờ sự cứu viện của họ về sau. Nhưng than ôi ! về phương diện bên ấy cụ đã chẳng làm được cho mãn nguyện mười phần ; mà về phương diện bên nầy, tức là về phương diện quốc dân Việt Nam, cụ lại hầu như chẳng ngó tới một phần nào cả.

Có người nói với chúng tôi rằng ý cụ Bùi lập Khuyến học hội cho nhiều ra toàn lấy những hàng quan lại và hương chức vào hội, là định để nung đúc nội một đám ấy cho đúng tư cách cũng đủ vững cái nền lập hiến về sau. Ôi ! nếu quả vậy thì cụ Bùi cũng còn đương ở trong giấc chiêm bao ! Ở nước nào cũng phải lấy đại đa số nhơn dân làm căn bổn, nói rằng cái trình độ có đủ mà lập hiến pháp chăng, ấy là nói cả thảy cái trình độ của phần đông dân chúng, chớ nội một đám quan lại và hương chức, dầu cho họ có cao tới trời nữa, mà lại làm chi ? - Chỗ nầy còn chưa nói tới sự các nhà hội khuyến học lập ra các nơi, đều là hữu danh vô thiệt.

Bây giờ chúng ta thử đi khắp lục tỉnh, gặp ai cũng hỏi, hỏi họ có biết trong xứ nầy có một cái đảng kêu bằng đảng Lập hiến chăng ? Chắc nhiều người ngơ ngẩn mà không biết đường trả lời. Nếu có ai biết có đảng Lập hiến thì chúng ta lại phăng lấy mà hỏi luôn về chủ nghĩa và chánh sách của đảng ấy ra sao ? Khi ấy sẽ lại thấy nhiều người ngơ ngẩn nữa. Nói thì thêm buồn, chớ thiệt người ta cho cụ Bùi với ít nhiều ông hội đồng quản hạt kia đã lập cái hội lương bằng[4] hay là hữu ái chi đó mà chơi với nhau, chớ nào có ai ngờ là chánh đảng chánh điếc gì đâu !

Vậy nên bây giờ đảng Lập hiến các ngài mà có bị người ta phản đối, tẩy chay cũng là không trách được. Từ hồi đó đến giờ có cho ai biết mình là gì đâu, mình có tỏ ra là quan hệ chi với ai đâu, mà bây giờ hòng nhờ quốc dân làm hậu thuẫn cho mình ?

Đó, thiệt quả là do sự sai lầm trong khi đi đường chánh trị mà ngày nay đã thấy có cái cơ thất bại. Chớ phải chi trong mười năm nay, đứng trên cao mà kêu cho lớn, làm cho cả nước ai nấy đều biết đảng Lập hiến là gì ; lại rủ người vào đảng cho đông ; gây ra nhiều công cuộc có ích cho đồng bào ; thì ngày nay dầu có một phần phản đối đảng mình đi nữa, là cũng còn có mấy phần khác tin mình, nghe mình, binh vực cho mình ; có đâu đến nỗi đứng mồ côi giữa biển khơi, bốn bề sóng gió, mà lái đi đằng lái, bạn đi đằng bạn, đã có người ngảnh mặt đi lơ, không muốn nhìn tới đảng nữa !

Bài kế sẽ nói chỗ nầy thêm rõ hơn.

T. L.

Trung lập, Sài Gòn, số 6188 (4.7.1930)

IV. ĐẢNG VIÊN VÀ CƠ QUAN CỦA ĐẢNG ẤY

Trong bài trước đã chỉ rõ ra chỗ sai lầm của đảng Lập hiến về đường chánh trị là ở chỗ nào. Đại khái họ nghĩ rằng đảng Lập hiến chỉ là đối với chánh phủ Pháp cùng thực dân Pháp ở đây mà binh vực quyền lợi cho một bọn người An Nam, chớ đảng họ không có quan hệ gì với dân chúng An Nam mấy chút. Do sự sai lầm ấy mà cách hành động của họ không minh bạch, không hoạt bát, cũng đã nói qua ở bài trước rồi ; bài nầy lại xét riêng về đảng viên và cơ quan của đảng Lập hiến mà nói cho rõ thêm.

Chúng tôi nói “binh vực quyền lợi cho một bọn người An Nam”, bọn người ấy là ai ? Mình có hề thấy chương trình và danh sách của đảng Lập hiến đâu mà biết rõ ? Chỉ lấy con mắt nhìn vào họ mà dò ra thì thấy một bọn người ấy là hạng người có học thức, có tư sản, nhứt là mấy ông có địa vị ở xã hội Nam Kỳ nầy và mấy ông điền chủ mà thôi.

Người ta nói rằng sau khi cụ Bùi Quang Chiêu được phép quan cựu toàn quyền Albert Sarraut cho lập đảng nầy thì nín lặng đi mà không tuyên bố cho ai biết hết, rồi thủng thẳng đi kiếm những người quen thuộc với mình, là người có nhiều tiền, nhiều ruộng, mà rủ họ ký tên vào đảng. Sự ấy chẳng biết có quả thiệt chăng, song cứ lấy việc trước con mắt mà xét, thì chừng như lời người ta nói đó cũng không sai mấy.

Bây giờ chúng ta kêu là đảng viên Lập hiến, thế là kêu bóng kêu dáng đó thôi, chớ có biết ai là đảng viên đâu. Nhưng chỉ tin trum trủm có một mình cụ Bùi Quang Chiêu là đảng trưởng. Còn như những ông Dược, ông Bền, ông Sâm cho đến các ông khác nữa, chúng ta cũng chỉ dám hiểu ngầm là đảng viên Lập hiến, chớ không dám nói ra hay là viết ra mà kêu cho sách hoạch[5]. Sợ khi kêu các ổng rồi các ổng lại chối dài đi, chửng mới lấy tang chứng đâu làm bằng, thành ra mình nói dối.

Như ông Nguyễn Phan Long, thuở nay ai cũng tưởng ổng là đảng viên Lập hiến, vậy mà mới bữa 2 Juillet đây trong báo Đuốc nhà Nam, đính chánh sự xưng hô ấy nói là người ta kêu lầm, thế mới biết đường đâu mà rờ.

Bây giờ thành ra đảng Lập hiến chẳng có ai là đảng viên hết, trong đảng chẳng có con ruồi con muỗi nào hết, chỉ có một mình cụ Bùi chen ngoẻn mà thôi ; hỏi trên thế giới có cái đảng nào như vậy không ? có cái chánh đảng nào mà trống lổng trống lơ như vậy không ? có cái đảng nào lấy một sự lớn tày trời làm mục đích mà trong đảng lạnh tanh như chùa bà Đanh như vậy không ?

Một chánh đảng (parti politique) mà xuôi cò[6] nguội ngắt, phổng ruột tầm ruồng[7] như vậy, còn nói chuyện với ai chi ? Dầu các người trong đảng chỉ muốn đối với chánh phủ Pháp, thực dân Pháp binh vực một cái quyền lợi cho bọn họ, cũng còn chẳng đặng thay, huống chi là mong nhấc cái trình độ dân chúng cho cao lên hầu lập cho Nam kỳ nầy một cái hiến pháp.

Chúng tôi nói đảng Lập hiến chỉ trọng về cái phương diện đối với Tây mà thôi, còn về phương diện đối với An Nam, không lấy làm quan hệ mấy, sự đó xin độc giả chớ nghi ngờ, cứ coi cái cơ quan của đảng ấy thì đủ biết.

Thật, mười năm nay đảng Lập hiến chỉ lấy nội một tờ báo Tây làm cơ quan cho mình, trước kia là tờ Tribune Indigène, sau nầy là tờ Tribune Indochinoise. Trong ý họ nói rằng chỉ dùng một tờ báo chữ Pháp mà binh vực quyền lợi cho mình, được rồi, không cần có tờ báo quốc ngữ. Mà phải, đảng Lập hiến có quan hệ gì với dân chúng An Nam đâu, có nhận chơn cái trách nhiệm dạy dỗ đồng bào nhấc cao trình độ họ lên để có ngày lập hiến pháp đâu, mà hòng mở ra cái cơ quan bằng tờ báo quốc ngữ !

Nói như vậy, không phải là chúng tôi không kể hai tờ báo Tây của đảng Lập hiến ra chi hết, không phải là chúng tôi bạc bẽo, phụ ơn hai tờ báo ấy đâu. Chúng tôi vẫn nhìn nhận rằng hai tờ báo ấy thật có sức mạnh lắm, lâu nay thật đã có công ơn đối với đồng bang chẳng ít. Song chúng tôi nói đây là cốt muốn cho đảng Lập hiến, trong khi đi đường chánh trị, chú trọng về phương diện đối với người Pháp đã đành, mà cũng không nên bỏ phương diện đối với An Nam. Nghĩ kỹ ra, có lẽ phương diện sau nầy lại càng nên chú trọng hơn, vì ở nước nào cũng vậy, hễ là một chánh đảng thì phải lấy quốc dân làm hậu thuẫn. Như vậy, tờ báo tiếng An Nam của đảng Lập hiến là một cái cơ quan cần phải có ; không có, không được ; lẽ đáng có từ hồi đầu mới lập đảng kia.

Vậy mà từ hồi đó đến giờ, đảng Lập hiến chẳng hề nghĩ đến sự cần kíp của mình, chẳng hề tổ chức một cái cơ quan ngôn luận bằng tiếng mẹ đẻ để làm quen với 5 triệu đồng bào từ Biên Hòa, Bà Rịa, đổ lên Hà Tiên, lộn về Cà Mau. Như vậy, tỏ ra rằng đảng Lập hiến chẳng cần chi người An Nam hết, chẳng cần chi quốc dân làm hậu thuẫn cho mình hết, cứ đối cãi với mấy ông Tây là được việc rồi, là đủ rồi. Đó rồi bây giờ trong 5 triệu đồng bào đó mới có người nổi lên mà phản đối, mà tẩy chay, đã thấy chưa ?

Nói làm vậy thì độc giả sẽ có người cho là bỏ sót tờ báo Đuốc nhà Nam mà lâu nay đã bị nhìn là cái cơ quan của đảng Lập hiến. Vậy số tới chúng tôi sẽ tiếp luận về tờ báo nầy, coi cái thái độ của nó trong mấy lần xuất bản ra sao.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, số 6190 (7.7.1930)

V. MỘT ĐIỀU THẤT SÁCH LỚN NHỨT, LÀ TẠI HỒI ĐUỐC NHÀ NAM XUẤT BẢN LẦN ĐẦU

Cái điều dễ chịu cho ông chủ nhiệm Đuốc nhà Nam hiện thời, là khi thấy cái đầu đề trên đây, biết ngay rằng Trung lập không có nói đến mình.

Phải, chúng tôi không nói đến Đuốc nhà Nam ngày nay, vì cứ như lời tuyên bố của ông chủ nhiệm nó, thì nó có dính dấp gì với đảng Lập hiến đâu mà nói ? Tuy vậy, bứt giây sao khỏi động rừng,

để nói rồi chuyện hết đã, sẽ châm chót vào cho nó vài câu.

Bài trước đã nói đảng Lập hiến thuở đến giờ chỉ chăm về mặt đối phó với mấy ông Tây, cho nên chú trọng có tờ báo Tây mà thôi, còn cái cơ quan bằng tiếng bổn quốc thì không có, cái đó thật là một sự đại bất lợi cho đảng Lập hiến.

Chẳng phải đợi đến bây giờ chúng tôi mới nói như vậy, chính hồi đó, hồi đôi ba năm về trước, dư luận ở ngoài cũng đã xấm xi xấm xải với nhau mà lấy làm lạ, sao đảng Lập hiến lại không có một tờ báo An Nam ?

Năm 1926, sau khi cụ Bùi Quang Chiêu ở Pháp về một vài tháng chi đó thì chánh phủ cho phép ông Nguyễn Phan Long lập tờ báo Đuốc nhà Nam. Bấy giờ ai cũng tưởng tờ báo ấy sẽ xuất bản ngay, nhưng chẳng biết làm sao, chờ hết hơi mà chẳng thấy đuốc kia bén lửa. Đâu đến một vài năm, sau khi ông Dương Văn Giáo ở Tây về, chừng lúc gần cuối năm 1928 thì phải, Đuốc nhà Nam mới bắt đầu ra đời.

Hồi đó, chớ không phải là từ ngày 2 Juillet 1930 về sau đâu, ai ai cũng ngỡ rằng ông Nguyễn Phan Long là đảng viên Lập hiến. Còn nói chi ông Dương Văn Giáo, ông nầy chính là người đã đứng cặp kè với cụ Bùi mà khai sanh cho đảng Lập hiến tại bên Tây. Lại trong khi thắp đuốc lên, còn nghe ông hội đồng nầy bỏ ra mấy ngàn, ông hội đồng kia bỏ ra mấy ngàn nữa, mà những ông hội đồng đó, người ta cũng đề quyết cho là đảng viên Lập hiến. Như vậy, cái người sáng lập tờ báo là đảng viên Lập hiến, cái người làm chủ nhiệm tờ báo – ông Dương – là đảng viên Lập hiến, những người nuôi tờ báo cũng lại là đảng viên Lập hiến, đồng bang chúng tôi thấy vậy, phải nói rằng Đuốc nhà Nam ở dưới quyền ông Dương Văn Giáo làm chủ nhiệm, tức là cơ quan chánh thức của đảng Lập hiến nhà ta. Mà các ông nghĩ coi, chỉ có dại là một, điên là hai, thì mới không nói như thế.

Có ngờ đâu, Đuốc nhà Nam ra mấy số đầu chưa thấy nói chi, sau lại, các ông tuyên bố rằng báo ấy không có quan hệ gì với đảng Lập hiến hết, mà mực đen giấy trắng đành rành, nào có phải chiêm bao mơ ngủ đâu, ai nấy đều ngã ngửa !

Ban đầu lấy làm lạ, sau rồi thấy ra có lẽ lắm, có lẽ là Đuốc nhà Nam không dính dấp gì với đảng Lập hiến thiệt chẳng chơi. Bởi vì Đuốc nhà Nam bấy giờ nhiều bài kịch liệt, có bài muốn phản đối hẳn với cái chủ nghĩa lập hiến. Thứ nhứt là có đôi bài công kích mấy ông điền chủ dữ lắm, chúng tôi thấy vậy phải hỏi nhau rằng sao mấy ông điền chủ lại bằng lòng bỏ tiền ra để mua lấy sự công kích mình. Sau thấy có người nói rằng Đuốc nhà Nam đình bản lần thứ nhứt là chính vì cái sự không thể bằng lòng được đó. Lời ấy có đúng hay không thì chẳng biết, chúng tôi chỉ biết rằng cái thái độ Đuốc nhà Nam bấy giờ thiệt làm cho nó khó sống quá.

Hồi đó trong chúng tôi có người muốn đem một vài cái ý kiến hèn mọn đến phân trần cùng ông Dương, song ngặt vì có điều không tiện. Bây giờ có lẽ tiện, xin cho nó được bày giãi ra đây.

Chúng tôi không hiểu làm sao ông Dương làm người đứng khai sanh cho đảng Lập hiến, lẽ thì nên mừng cho đảng có cái cơ quan bằng quốc ngữ để làm quen với đồng bào, rồi cái cơ quan ấy, mà vun trồng binh vực cho đảng mới phải, sao lại mới đó mà đã giả làm mặt lạ với nhau ? Còn như ông Dương lấy cớ rằng mình không đồng ý kiến với các bạn mình, thì thôi, lại chủ trì tờ Đuốc nhà Nam hồi đó làm chi, để thành đến nỗi kèn xuôi sào ngược ? Chuyện đã cũ rồi, nhưng “việc trước là thầy việc sau”, chúng tôi nhắc lại vì thấy là có ích, chớ không phải dám hỏi ngặt ông Dương và nài cho được trả lời đâu, xin ông Dương rộng lượng mà bỏ qua những lời của chúng tôi.

Thật ra thì tờ Đuốc nhà Nam hồi đó là nhờ các ông đảng viên Lập hiến bỏ tiền ra mà châu cấp thật, chỉ duy các ông không dám nhìn nó là cơ quan của đảng. Sự đó chúng tôi cho là chỗ thất sách lớn nhứt của đảng các ông. Mà có lẽ cái chỗ thất sách ấy nó vẫn còn đọng lại đến bây giờ.

Bài thứ nhứt của mấy bài về đảng Lập hiến nầy, chúng tôi đã phê bình cho cái chủ nghĩa của đảng ấy là chánh đáng. Nếu các ông có đủ tài, có đủ can đảm, thì hồi đó cứ việc đề xướng cái chủ nghĩa ấy lên, nhận tờ Đuốc nhà Nam là cơ quan của đảng đi, có việc gì đâu mà ngại ? Chỗ nầy chúng tôi nói thẳng quá, sợ mích lòng các ông một chút : thiệt các ông không có đủ tài, không có đủ can đảm !

Chẳng có gì bí hiểm mà khó biết hết. Hồi bấy giờ ở Nam kỳ - mà cả nước bấy giờ cũng vậy – đương có cái phong trào của bạn thanh niên, tư tưởng họ hơi kịch liệt hơn các ông, các ông không dám đương đầu ra mà chống lại cái phong trào ấy, thành ra phải thậm thà thậm thụt, ông nào cũng làm lơ đi mà không dám nhìn bà con với hai chữ Lập hiến. Chẳng những vậy thôi, tờ Đuốc nhà Nam hồi đó lại muốn khuynh hướng về cái phong trào ấy nữa, nên mới đến nỗi bị cấm ở Trung Bắc kỳ.

Anh Đuốc nhà Nam ngày nay ơi ! Trung lập ỷ quen hỏi anh : chớ cái kiếp nầy của anh có phải cũng là một ma với kiếp trước không ?

Số tới, tại chỗ nầy sẽ có câu chuyện kỳ quái nhứt mà lý thú nhứt, ấy là câu chuyện đảng Lập hiến với thanh niên.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, số 6191 (8.7.1930)

VI. ĐẢNG LẬP HIẾN VỚI THANH NIÊN

Trong đường chánh trị chỉ có lý trí mà thôi, xen cảm tình vào là hư việc

Trong bài vừa rồi, chúng tôi cho câu chuyện đảng Lập hiến với thanh niên là câu chuyện kỳ quái nhứt và lý thú nhứt, quả thiệt như vậy. Nó kỳ quái, là ở tại cái chỗ hai bên không đồng ý kiến với nhau mà lại muốn dính dấp nhau ; nó lý thú, là ở tại cái chỗ sau khi ngã nghiệp rồi, hai bên đều lần lần giang ra xa nhau mà không ai nói được nửa lời, vì bên nào cũng có điều nói ra không tiện.

Cái chuyện trang nghiêm trên đàn chánh trị mà lại đem thí dụ với cái chuyện trăng gió vật vờ, thì sao cho khỏi có người trách là khiếm nhã ? Chớ thiệt, cái thí dụ nầy hay quá, bỏ đi, tiếc thiếu điều đứt sợi tóc !

Người ta nói rằng cái hồi cụ Sào Nam về, cụ Tây Hồ chết, kế cụ Bùi đi thụng thịnh ở dưới tàu bước lên bến Sài Gòn, cái hồi ấy, ở Nam kỳ nầy, cái cảnh tượng rộn rịp khác nào một rạp hát cải lương ? Trong rạp ấy có một cặp trai gái đương bắt nhơn tình với nhau, ấy là chú Thanh niên với cô lỡ thì Lập hiến.

Chú nầy ngớp ngớp tưởng cô kia má nhăn vú xệ mặc lòng chớ trong tay có những mấy chục ngàn, âu là chi lấy đại. Còn cô kia, ưng thì chẳng ưng là mấy, mà không thì cũng chẳng nói cho dứt khoát rằng không. Hai bên cứ ừ ừ è è với nhau trăng gió vật vờ đâu mấy tháng, đã toan dọn nhà về ở chung, tới một bước nữa đã toan làm hôn thú, mà té ra rồi thành câu chuyện hão. Ấy là vì chú kia thì nóng tánh, mà nặn vọt[8] cho mấy, cô kia cũng chẳng chịu lòi tiền. Rồi đó duyên một ngày một lợt, tình một ngày một phai, tự nhiên đánh chữ làm thinh mà bẻ gãy chữ đồng, ra tuồng hai bên đều mắc mớp[8].

Thật vậy, hồi đó có một bọn thanh niên, chừng như họ mượn tờ Đ.P.T.B. làm cơ quan thì phải, trước khi cụ Bùi về, họ la lối om sòm, biểu đồng bang phải kéo cả tòa ra bến tàu mà rước. Ấy là họ “ve” cụ Bùi chơi đó, chớ có gì đâu ! Họ có lòng sốt sắng thiệt, có tư tưởng cấp khích thiệt, song bọn thơ sanh chỉ có hai bàn tay trắng mà làm gì, thì họ muốn nhờ thế lực cụ Bùi cũng phải. Rồi đó hai bên nói với nhau làm sao chẳng biết, ở ngoài chỉ nghe phong thanh rằng rồi đây đảng Lập hiến sẽ hiệp tác với đảng Thanh niên (bấy giờ có đảng Thanh niên thiệt), nhưng rồi không thành. Trời ôi ! khéo nói ! người ta đã biết thừa đi, hiệp tác làm sao đặng mà mong hiệp tác ?

Nếu muốn nói kỹ thì chỗ này nên nói đến những chuyện ông Nguyễn Phan Long đi Tây Ninh trong ngày làm mê-tin ở Xóm Lách, những chuyện ông Đốc phủ Bảy có ngồi thình thình trong đám mê-tin ấy, những chuyện ông Nguyễn An Ninh vào là .. . . . . . nhưng mà nhận lớp bớt đi, thứ tuồng dở mà hát dai, có làm chi ?

“Mặt trời đi chung quanh trái đất” mấy vòng chẳng biết, thì có cuốn Gỡ mặt nạ thượng lưu ra đời. Ấy khoan ! Đừng thấy có người nói cuốn sách bé con nầy xuất bản nhờ có kẻ nghịch với đảng Lập hiến cho tiền mà khinh nó. Nó linh thiêng lắm đa, nó có thế lực lắm đa, nó nói có lý lắm đa. Mấy ông Lập hiến xếu mếu đi là cũng vì nó, chẳng phải dỡn, đừng khinh.

Đó là tới cái ngày kết quả của đảng Lập hiến đối với Thanh niên rồi đó. Chỉ nói sơ sơ vậy cũng đủ. Rồi mới cho phép chúng tôi hỏi : cái kết quả dở tuồng như vậy là tại ai ?

Khỏi ai trả lời hết, để chúng tôi trả lời luôn thể : Tại mấy ông Lập hiến, chớ tại ai ? Tại mấy ông dầu không phải Lập hiến mà cũng như Lập hiến, chớ tại ai ?

Theo cái mực thẳng băng trên con đường chánh trị, việc gì cũng phải cứ lấy lý trí (raison) mà phán xét, chớ nhứt định không được xen vào một mảy cảm tình (sentiment). Nên thuận chánh phủ hay là nên nghịch chánh phủ, nên ôn hòa hay là nên kịch liệt, mình đã quyết đi đường nào rồi, thì cứ đi một đường ấy, chớ không có thể bước cẳng hàng hai. Nếu người nầy nói thế nầy, mình cũng ừ một cái, người kia nói thế kia mình cũng ừ một cái, ừ chẳng có mục đích chi cả, ừ kẻo mích lòng, ấy là xen cảm tình vào rồi, hư việc là ở đó.

Giá hồi cụ Bùi ở Tây về chi hậu, cho ngay tờ Đuốc nhà Nam ra đi, hai tay bợ cái chủ nghĩa Lập hiến giơ lên cao cho thiên hạ thấy, rồi nói hẳn với mấy ông thanh niên rằng chúng tôi làm như vầy đây, các ông có bằng lòng đi một đường với chúng tôi thì đi, không thì đi đường khác. Như vậy, cứ trắng ra trắng, đen ra đen, ai nấy cho biết mà tự xử, có phải khỏi làm khó cho người mà cũng dễ cho mình nữa không ? Cái nầy, chừng như ấp úng với nhau sao đó, cho nên mới có câu chuyện bất bình trong cuốn Gỡ mặt nạ.

Kỳ quái quá ! như chuyện lập mê-tin ở Xóm Lách, có phải là chuyện êm thấm dịu ngọt như chuyện diễn thuyết trong các nhà hội khuyến học đâu mà mấy ông Lập hiến lại dự vào ? Hễ đã dự vào thì phải thủy chung kỳ sự, chớ có ai cho phép rút dù sau khi thất bánh và bể luôn cả dĩa ? Vậy mà bữa đó, ông Lê Quang Liêm tức Bảy ngồi chủ tọa, rồi đến khi ông Ninh bị bắt, ông Bảy chẳng hề được một tiếng chi. Chỗ nầy cũng nên trách tới ông Long nữa, mà trách ông là trách ông, chớ không nói ông là đảng viên Lập hiến : Ông đi Tây Ninh thì cứ việc đi, hà tất phải để thơ lại biểu đồng tình với cuộc mê-tin ấy ? (Còn sự ông đi Tây Ninh thì quả thiệt, vì chúng tôi có nhận được bút tích ông đề nơi hòn đá sau bếp ông Nhứt Thiện, đúng ngày có hội mê-tin).

Tóm lại mà nói, như lời chúng tôi trong bài trước, thiệt các ông không có đủ tài, không có đủ can đảm để chống lại với cái tư tưởng bọn thanh niên. Hồi kỳ thủy các ông cũng chè chè, cũng mầy mà cho qua việc, không ngờ đến sau đổ bể việc nầy việc khác, làm cho các ông mang tiếng ; mangtiếng thì sự đã đành !

Hoặc giả có người sẽ lấy lẽ nầy để binh vực mình, nói rằng trong đồng bang nên hiệp lại cho mạnh chớ không nên chia ra. Xin chớ có ai nói câu ấy ra mà nghe nó vô lý quá. Vô lý là vì : nếu như vậy thì thôi còn lập đảng ra làm chi ? Lập đảng là có ý chia rồi. Mà chia là phải. Trong đường chánh trị có nhiều ý kiến không đồng nhau, duy có những người đồng nhau mới nhập làm một đảng. Bởi vậy ở các nước, mỗi một nước có đến mấy cái chánh đảng.

Xin độc giả coi cho kỹ, trong bài nầy chúng tôi không có ý phê bình đảng Lập hiến là phải hay Thanh niên là phải. Chúng tôi chỉ nói bên nào có cái chánh kiến bên ấy thì cứ việc mình mà làm, đừng có ghét gẫm với nhau. Nhứt là bên Lập hiến, đã không cản ngự được cái phong trào thanh niên thì thôi, nên xa họ ra, đừng có léo[9] tới mà mang tiếng.

Muốn cho rõ nghĩa trên nầy, số tới sẽ nói về sự hiệp quần và phân đảng.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, số 6192 (9.7.1930)

VII. HIỆP QUẦN VỚI PHÂN ĐẢNG

Nếu trong xứ có nhiều đảng, thì đảng Lập hiến kình địch với đảng khác cũng vô hại.

Bài trước chúng tôi nói đảng Lập hiến với bạn Thanh niên trí tưởng khác nhau, chủ nghĩa khác nhau, nếu đảng Lập hiến không đủ sức nuôi được Thanh niên thì thôi, cứ nên giữ mình vững vàng, đừng có dính dấp vào làm chi cho mang tiếng. Nói vậy sẽ có người lấy nghĩa hiệp quần làm hộ phù, bảo rằng mọi người trong nước nên hiệp lại với nhau cho mạnh sức chớ không nên chia ra ; rồi lấy cớ ấy mà binh vực cho sự đảng Lập hiến mầy mà với bạn Thanh niên là phải.

Chúng tôi đã bác cái thuyết ấy đi rồi, chúng tôi nói rằng : Nếu vậy thì còn lập đảng ra làm chi ? Lập đảng tức là có ý chia rồi. Tuy vậy, chỗ nầy quan hệ lắm, chỉ nói chừng ấy không đủ, chúng tôi

phải nói thêm về nghĩa hiệp quần với phân đảng cho càng rõ hơn.

Người mình có cái thói kỳ quá, cứ hễ thấy ai có nói lẽ gì hơi khác một chút, ấy là đã lật đật bụm miệng họ lại, sợ làm như vậy là chia rẽ nhau ra. Chúng tôi thì nghĩ khác, dầu chia rẽ cũng vô hại, thế nào cũng phải cho cái lẽ phải - nếu nó là phải - được phô bày ra, huống chi đã có chuyện gì mà đến nỗi chia rẽ ! Lại huống chi trong đường chánh trị, làm thế nào tránh cho khỏi sự chia rẽ ?

Tức như mới rồi ông Nguyễn Phan Long nói trong Đuốc nhà Nam rằng : “Anh em đồng bào ta, đáng lý đừng nên chê trách chi người nầy kẻ khác do ở các sự họ dự vào đảng nầy đảng kia làm gì, mà hết thảy anh em ta nên xét đến cái chỗ hèn yếu chung của mình, mà kiếm phương thế đặng bổ cứu đi mới phải. Ngồi mà bình phẩm chê bai vốn là dễ hơn cái sự làm sao cho có ích.

Còn cần chi phải đổ tội cho nhau, việc gì đã qua rồi thì thôi, còn băn khoăn về những sự thở than hay ân hận làm chi vô ích. Tốt hơn là cùng nhau hòa bình thân thiện, mà kiếm cách chung vai ra sức, để mưu cái cuộc tương lai tốt đẹp cho mình…”

Những câu ông Nguyễn nói đó toàn là câu sáo, trình độ dân An Nam ngày nay có mong đâu những vai đàn anh mình tuôn ra những cái ý kiến tầm thường như vậy ?

Chỗ hèn yếu của mình thì trong anh em đồng bào còn ai chẳng biết ? Kiếm phương thế bổ cứu thì ai chẳng kiếm ? Có hềm thù chi đây mà chẳng hòa bình thân thiện cùng nhau ? Ai lại chẳng toan chung vai ra sức mưu cái cuộc tương lai tốt đẹp ? Song le, phải biết rằng những sự ấy là riêng ra một việc, còn sự mỗi phe một ý kiến đây, sự chúng tôi trách các ông đây, lại riêng ra một việc.

Mỗi phe một ý kiến mà đều lấy tổ quốc làm mục đích, thì cũng chẳng hại chi đến nghĩa hiệp quần. Nói phải nói quấy mà nghe, ai có điều sai lầm thì sửa đi, chớ có chuyện gì mà kêu là đổ tội ? Việc đương hiện tại trước con mắt, nếu đã sai lầm thì cứ sai lầm mãi, sao gọi là đã qua ? Chúng tôi cầu cho người ta dự vào đảng nầy đảng kia, chớ có hề chê trách bao giờ ? Duy có đảng không nên đảng thì chúng tôi mới dám chê trách. Đã biết làm là khó, song chúng tôi không làm mà chúng tôi cứ việc bình phẩm, lại không được sao ? Nếu chúng tôi bình phẩm là đúng, phô bày lẽ thật cho đồng bào được biết, thì há lại không có ích sao ?

Đối với cái trình độ quốc dân ngày nay – nói vô phép, có lẽ họ đã đi tới trước các ông xa rồi – mà người cao minh như ông Nguyễn Phan Long còn đem những cái giọng cảm tình ấy ra để khỏa lấp cái lý trí, thậm chí lấy nước mắt giới với đồng bào (sự nầy thấy trong bài của ông), thì thật là vô vị quá ! Theo chúng tôi, đã tự mạng là nhà chánh trị, thì cứ đi thẳng một mực theo chủ nghĩa mình, một thành một bại, thành thì tốt, bại về nằm nhà, chớ tội lệ gì mà khóc ?

Theo như mọi sự đã trình bày ra trước con mắt, chúng tôi tin rằng cái quốc gia tư tưởng của người Việt Nam ngày nay đã lên đến cực độ rồi. Chúng tôi chẳng còn sợ gì sự không đồng tâm, sự phân Nam rẽ Bắc nữa. Duy có về ý kiến, về sự tấn hành trong đường chánh trị, thì mỗi người một ý, mỗi phe một thế, không nhứt trí cùng nhau. Mà nhứt trí làm sao được chỗ đó ? Nếu nhứt trí được thì nước Pháp làm gì có đến già nửa chục chánh đảng, còn nước Tàu sao chẳng đứng về một mái mà hiệp tác dưới quyền đảng Quốc dân ?

Phải, hiệp quần thì cứ việc hiệp quần, còn phân đảng thì cứ việc phân đảng. Trong đường chánh trị, mỗi đảng đi một ngả, song cái chỗ mục đích muốn đến thì chỉ có một mà thôi. Vậy thì sự phân đảng chẳng có hại gì đến nghĩa hiệp quần. Không những là chẳng hại thôi đâu, mà đã chia đường mà đi như vậy, thì lại giúp sự tấn bộ cho nước mình được mau chóng nữa.

Cái nầy có bao nhiêu người đồng một ý kiến đã đứng lập ra một cái đảng, cốt để noi theo chủ nghĩa của mình lần dắt quốc dân lên đường tấn bộ, gánh cái trách nhiệm sẽ lập cho xứ nầy một cái hiến pháp mà đã chẳng làm đúng trách nhiệm ấy, lại còn mầy mà với đảng khác, là kẻ không đồng chánh kiến với mình để cho sanh sự nầy kia, làm mất lòng tín nhiệm của đồng bào, rồi bây giờ biểu rằng việc qua rồi thôi đừng trách là đừng trách làm sao cho được chớ ?

Theo ý chúng tôi thì chúng tôi cầu cho các ông Lập hiến phất cờ gióng trống mà rao cái chủ nghĩa của mình ra đi, cứ đứng trong vòng pháp luật mà hành động đi, cứ ở dưới quyền chánh phủ Pháp mà nhấc cao trình độ dân An Nam lên hầu cho lập một cái hiến pháp đi. Rồi nếu trong xứ nầy có nổi lên bao nhiêu cái đảng khác hoặc minh hoặc ám đi nữa, đảng Lập hiến cứ một mực theo chủ nghĩa mình mà kình địch lại với họ, miễn là đừng vì tư lợi của mấy người mà thôi, thì chẳng có ai trách được hết.

Thất vọng thay ! Ông Nguyễn Phan Long ổng kêu dài, ông nói làm như vậy không được !

Đại khái ông nói như tuồng chánh phủ không cho làm. Để rồi một số sau xa nữa, chúng tôi sẽ thuật lại lời ổng nói cho độc giả biết. Và nếu quả vậy thì chúng tôi cũng sẽ có lời phân trần lợi hại cùng chánh phủ, xin chánh phủ trong cơ hội nầy nên đỡ đầu cho đảng Lập hiến. Song việc đó còn chưa tới ; số tiếp đây chúng tôi sẽ theo ý mình giãi bày cái chỗ làm được cùng không làm được xem thử.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, số 6193 (10.7.1930)

VIII. ĐẢNG LẬP HIẾN DẦU CHƯA PHẢI CHÁNH THỨC MÀ CŨNG NHƯ CHÁNH THỨC, DẦU KHÓ HÀNH ĐỘNG MÀ CŨNG CÓ PHƯƠNG HÀNH ĐỘNG

Ông Nguyễn Phan Long có viết trong Đuốc nhà Nam ngày 3 Juillet, đại ý để phân giải mấy lời trách thiện của Bổn báo, có đoạn như vầy :

Ông Bùi Quang Chiêu cùng ông Dương Văn Giáo đứng dựng nên đảng Lập hiến tại bên Pháp, có đem điều lệ của đảng trình tại dinh quận Seine. Đến khi trở về bên nầy, ông Bùi có đem điều lệ ấy trình ở chánh phủ Nam kỳ. Từ lúc đó đến giờ không thấy chánh phủ trả lời cho ông về sự đó ra sao hết. Nhơn vì chánh phủ chưa tuyên bố rằng đã nhận được điều lệ của đảng, chưa nhìn nhận là có đảng, nên đảng Lập hiến như là chưa thành lập một cách chánh thức. Đó vì còn thiếu cái điều khoản quan hệ ấy mà đảng Lập hiến không có đủ danh nghĩa đặng họp hội đồng, lựa đảng viên, v.v…

Coi mấy lời tóm tắt của ông Long trên đó rồi rút lại cho thật ngắn thì có cái ý như vầy : Đảng Lập hiến chưa phải là chánh thức thành lập cho nên khó bề hành động.

Vả lại theo mấy lời đó mà suy diễn ra thì cái cớ mà đảng Lập hiến chưa chánh thức thành lập là tại chánh phủ chưa tuyên bố, chưa nhìn nhận.

Về phương diện quan hệ với chính phủ xin để sau đây chúng tôi sẽ có một bài tỏ bày sự lợi hại về chỗ ấy. Hôm nay đây, chúng tôi chỉ cứ theo cái hiện tình đảng Lập hiến, nghĩa là cứ chúm hai chưn lại mà đứng trong cái địa vị của đảng ấy như ông Long nói đó, rồi xét thử ra sao.

Dẫn chúng tôi quê mùa đến đâu đi nữa cũng không đến nỗi chẳng biết rằng ở thuộc địa nầy, nếu trời cho có một cái chánh đảng, là cũng chớ nên mong được tha hồ tự do như các chánh đảng bên Pháp. Vậy thì sự làm thinh không trả lời, sự chưa tuyên bố, chưa nhìn nhận đó, cũng chẳng phải là sự ở ngoài ý liệu chúng tôi. Dẫu vậy, được chừng nào ta hay chừng nấy, nếu khéo múa ra[10], thì cái đất ấy cũng chẳng phải là lệch !

Duy ở thuộc địa thì mới có cái “ca” như cái “ca” của đảng Lập hiến. Nói rằng chưa chánh thức thành lập, phải, bởi vì chánh phủ chưa tuyên bố, chưa nhìn nhận. Song nếu nói rằng đã chánh thức thành lập, cũng có thể được. Bởi vì đảng Lập hiến đã đẻ ra Tribune Indochinoise, tờ báo nầy làm cơ quan chánh thức (organe officiel) cho đảng Lập hiến, vậy nên mẹ nó chưa chánh thức thì sao con lại chánh thức được ư ? Huống chi nhiều khi thấy trong giấy mực việc quan, cụ Bùi Quang Chiêu, chỗ ký tên, nêu cái chức mình là đảng trưởng đảng Lập hiến (Chef du parti Constitutionnaliste), vậy nếu đảng chưa chánh thức thành lập thì sao viên đảng trưởng đã nêu cái chức mình lên một cách chánh thức ? Lại nói cho ráo lẽ mà nghe nữa, nếu chánh phủ không biết có đảng Lập hiến, thì tờ Tribune Indochinoise mà xưng như vậy, có lẽ bị đóng cửa, và những giấy má nào cụ Bùi có ký tên kiểu trên đó chắc đã bị trả về rồi. Nay những sự ấy chưa hề xảy ra, có ai cả gan dám nói đảng Lập hiến chưa chánh thức thành lập thì nói đi !

Nhưng mà thôi, các ông vậy mà chúng tôi cũng vậy, chúng ta thảy đều ở trong cái bầu không khí nầy, mọi sự nên hiểu ngầm nhau và lượng giải cho nhau, còn thách đố nhau làm chi ? Cái sự nửa nạc nửa mỡ như vậy, nó có thể xảy tới cho mọi người, riêng gì một mình các ông mà chúng tôi lại nỡ đi hạch nhọt.

Bây giờ cứ nói ngay vào cái địa vị đảng Lập hiến hiện tại của các ông đó thì nên làm làm sao. Chúng tôi thiết tưởng tại các ông không làm, chớ đừng bảo ở trong cái địa vị ấy thì không làm được.

Nội một tờ báo Tribune Indochinoise nếu nó đã là cơ quan chánh thức của đảng Lập hiến thì cũng đủ cho các ông có chỗ mà làm mọi công việc rồi. Nếu muốn đăng chương trình của đảng lên báo, hay là muốn tuyên truyền chủ nghĩa, muốn lựa lấy đảng viên thì ai lại cấm các ông ? Huống chi nếu các ông lại có một tờ báo quốc ngữ làm cơ quan, như người ta đã ao ước, thì lại càng dễ lắm. Không cần phải có nhà tổng bộ của đảng không cần phải nhóm hội hè gì, chỉ trên hai tờ báo, nếu khéo làm ra thì thế lực của đảng cũng đã mạnh tới đâu rồi, điều ấy thật chẳng phải chúng tôi nói dóc.

Lại một cái cơ quan khuyến học nữa. Cái cơ quan nầy nếu chẳng phải là chánh thức của đảng Lập hiến, thì cũng ở trong tay các ông chớ chẳng lọt đàng nào. Phải chi các ông nhận chơn cái đảng nghĩa của mình mà có lòng thiệt hành, cái cơ quan nầy cũng được việc lắm chớ. Đừng chi lắm, cứ mỗi tuần lễ được lấy một buổi tối diễn thuyết chừng một giờ đồng hồ, mà làm cho thường luôn luôn, thì có ích đến đâu. Bây giờ người ta ham học lắm, những mấy thầy làm việc các sở, những kẻ làm thợ thuyền, đều đương trông mong tìm kiếm sự tri thức, như đói kiếm cơm, như khát kiếm nước, các ông có thể chẩn cấp sự ấy cho họ được mà các ông làm lơ. Ai có đời khuyến học hội chi mà bỏ vắng luôn cả năm trông thiếu điều rớt tròng con mắt mới thấy có làm chấm câu một bữa.

Như vậy đó mà đổ cho ai ? Đổ cho trời ! Hèn chi người ta nói phải : Vụng múa chê đất lệch !

Như trong mấy số trước đã nói, các ông không có đủ tài, không có đủ can đảm, đã run-en[11] trước mắt cái phong trào thanh niên rồi cũng dẹp luôn cả phận sự của mình, không làm chi hết. Chớ có phải là tại địa vị hẹp hòi đâu, có phải là tại hành động khó khăn đâu. Mà hễ hẹp thì làm theo hẹp, khó thì làm theo khó chớ.

Ngoài cái cớ trên đó, các ông lại còn một điều dở nữa, là không chịu hạ mình xuống mà gần với dân chúng, làm quen với dân chúng. Ở đất nầy làm chánh trị mà làm theo lối công tử sao được ? Phải dễ dãi với mọi người phải vào lọt các giai cấp trong xã hội thì mới xét biết được dân tâm và lấy được cảm tình của họ. Điều đó số sau chúng tôi sẽ nói.

Hôm nay chúng tôi có một điều hả lòng. Vì sự công kích một đảng phái như vậy, xưa nay trong báo giới ta chưa có. Thấy chúng tôi bắt đầu chắc có người phải ngờ thế nọ thế kia. Song càng ngày càng thấy cái thái độ và cái luận điệu của chúng tôi, thì đã có nhiều vị độc giả tin rằng chúng tôi vì việc nước mà nói, lấy lòng thành thật, lẽ công bằng mà nói chớ không phải như có tờ báo năm ngoái năm kia đã công kích đảng Lập hiến một cách thù vơ oán chạ. Mà có lẽ mấy ông Lập hiến cũng biết cho chúng tôi như vậy nữa.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, số 6194 (11.7.1930)

IX. ĐÔI LỜI BIỆN BẠCH CÙNG ÔNG NGUYỄN PHAN LONG

Trung lập số vừa rồi có hứa rằng hôm nay sẽ nói tiếp về sự các ông Lập hiến không chịu hạ mình xuống mà gần với dân chúng, làm quen với dân chúng. Song Đuốc nhà Nam ngày 9 Juillet, ông Nguyễn Phan Long lại có viết bài trả lời cho bổn báo. Mà bài của ông đó chúng tôi coi là quan trọng, không thể bỏ qua hay là để trễ rồi mới biện bạch. Bởi vậy hôm nay xin ngưng câu chuyện nói trên đó, để lại số tới, mà có đôi lời ngỏ cùng ông Nguyễn trước đã.

Mấy hôm trước Trung lập có trích lục bài của ông Nguyễn trả lời cho bổn báo, vì đảng Lập hiến mà phân giải song chúng tôi chỉ trích đăng từ đoạn mà thôi. Hôm nay xin đăng nguyên văn cả bài của ông ở số Đuốc nhà Nam nói trên cho chắc gốc. Rồi sau xuống dưới nầy chúng tôi sẽ nói chuyện.

Nguyên văn bài ấy như vầy :


Dẫn bài của ông Nguyễn như trên đó, bây giờ chúng tôi xin nói cùng ông hai điều : Một là xin ông hiểu cho cái ý thành thật của chúng tôi từ hôm nói về đảng Lập hiến đến nay chỉ là đem một chuyện đã qua ra mà bàn hơn thiệt lợi hại, chớ không phải là công kích như trong cuộc bút chiến hôm trước ; hai là xin ông nếu có trả lời cho chúng tôi thì trong khi ông viết, ông phải coi cho kỹ những cái yếu điểm trong bài chúng tôi.

Đại ý hai điều như trên đó, dưới nầy chúng tôi xin nói rõ ra.

Ông nói : “Mấy bữa nay Trung lập vẫn cứ làm án đảng Lập hiến hoài”. Chữ “làm án” đó, ông dùng khí nặng quá, sai với ý chúng tôi. Chúng tôi muốn chỉ ra những điều lỗi lầm về trước, mong có ích lợi cho sự sẽ làm về sau, chớ chúng tôi không có làm án ai hết.

Kế đó ông lại nói : “Báo ấy đem nhiều điều vu cáo bất công ra công kích đảng nầy”. Như vậy chúng tôi lấy làm khó nghe lắm. Những lời vu cáo ấy ông chưa hề chỉ ra minh bạch, song ông có nói tiếp : “những điều ấy sẽ có lúc đem ra cải chánh”, thì thôi, cũng để đợi xem, chẳng nói làm chi. Bây giờ đây chúng tôi chỉ xin ông đừng dùng những chữ như chữ “vu cáo” đó mà thôi.

Nầy là khi chúng ta nên bình tình[12] mà nói chuyện với nhau về sự thiệt hơn lợi hại, có phải toan để khuynh hãm nhau đâu mà ông hòng nói chúng tôi vu cáo ? Nếu trong lúc chúng tôi nói về đảng Lập hiến mà có điều chi thất thiệt chăng nữa, thì sự đó cũng bởi thiệt tình lầm lỗi mà ra, chớ ai lại đi đặt điều nói xấu cho nhau làm chi ? Huống gì những lời chúng tôi nói trước rày, chưa hề có lỗi nào mà cho là thất thiệt được.

Tóm lại Trung lập lần nầy công kích Lập hiến là công kích bằng một cách quân tử ; chẳng những một mình ông, ai nấy đọc bài của chúng tôi cũng đủ thấy lời lẽ ra sao rồi. Vậy xin ông từ rày trở đi có viết về vấn đề nầy, xin đừng dùng những chữ nặng nề như chữ “làm án, vu cáo” đó nữa, e khi có người thấy vậy mà hiểu lầm, tưởng chúng tôi cũng vào một phồn với bọn tiểu nhơn đố kỵ mà công kích đảng Lập hiến chăng ?

Nhẫn lên nói rõ điều thứ nhứt, đây sắp xuống về điều thứ hai.

Sự chúng tôi trách ông Nguyễn Phan Long là trách ở chỗ đã đi Tây Ninh mà còn để thơ lại, biểu đồng tình với cuộc mê-tinh. Nhưng trong khi trách, chúng tôi phải tỏ mình ra là quân tử, chuyện có làm sao nói làm vậy, không có nói thêm hay là dấu bớt. Bởi vậy chúng tôi mới chua thêm câu “nhìn bút tích của ông trên hòn đá” để làm chứng rằng ông có đi Tây Ninh trong ngày ấy thiệt.

Sự đó không quan hệ lắm trong bài của chúng tôi, không phải là chánh văn, nên chúng tôi có để cái “entre parenthèses[13]”. Nói cho rõ hơn nữa, câu đó chẳng qua để tỏ sự ngay thiệt của tờ báo Trung lập, chớ chẳng có đỡ bớt gì cho sự trách ông Nguyễn và chẳng có làm vinh diệu gì cho ông như ông đã nói đâu.

Chúng tôi trách ông tại chỗ nầy : Đã đi Tây Ninh thì cứ đi, hà tất để bức thơ lại, biểu đồng tình với cuộc mê-tinh làm chi ?

Theo như ông nói trên đây thì chẳng những biểu đồng tình thôi, mà chính đã đỡ đầu cho cuộc mê-tinh ấy nữa. Vậy thì trong cuộc mê-tinh ấy ông có trách nhiệm lớn hơn ai hết, có phải không ? Vậy thì khi cuộc ấy đổ bể ra, có người bị bắt bị tù, ông mới tính sao ? Ông làm thinh đi, nghe có nhã không ? Chúng tôi trách ông là trách ở chỗ ấy. Là cái chỗ để bức thơ lại biểu ông Dejean de la Bâtie đem đọc giữa công chúng, phô ra rằng ông là người đỡ đầu, ông chịu trách nhiệm, rồi sau đó ông Nguyễn An Ninh vô khám, chẳng thấy ông có được một tiếng nào.

Ông không có phép nói rằng đó là tại ông Ninh làm bậy, ông Ninh chịu. Vì sao ? Vì ông đã biết cuộc mê-tinh ấy là phản kháng một việc chi rồi mà. Ở thuộc địa nầy nếu có sự phản kháng thì cái kết quả của nó ra làm sao, ông há lại chẳng biết hay sao mà ông dám đỡ đầu ?

Bởi vậy, chúng tôi ép ông phải nghĩ lại chỗ nầy cho kỹ mà về sau đừng làm như vậy mới được. Trong “ca” ấy, ông có hai cách : một là ông liệu đảm đương sự đổ bể được, thì ông hãy đỡ đầu cho cuộc mê-tinh ; một là ông liệu không đảm đương được thì đừng dính vào, đi Tây Ninh cứ việc đi, đừng để thơ từ lại chi hết, là xong chuyện. Nhưng ông đã làm nửa nạc nửa mỡ nên mới mang tiếng, và bây giờ chúng tôi viết ra minh bạch để cho ông thấy chỗ sai lầm của mình. Ấy vậy mà trong bài của ông trên đây, ông nói đâu đâu, chẳng ăn nhập với chỗ yếu điểm của chúng tôi chút nào hết.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, số 6195 (12.7.1930)

X. NHÀ CHÁNH TRỊ ĐỜI NAY CẦN PHẢI GẦN VỚI DÂN CHÚNG, HIỆP MỘT VỚI DÂN CHÚNG[14]

Đảng Lập hiến không làm như vậy !

Trong mấy bài trước có nhiều chỗ tỏ ra rằng đảng Lập hiến trong khi đi đường chánh trị, không hay đi thẳng theo chủ nghĩa mình ; khi gặp đảng khác không đồng chủ nghĩa với mình lại hình như có ý nhường bước ; sự ấy là không hiệp với cái cách thức chánh đảng đời nay. Vì đó mà trì hồi hưỡn đãi[15] không hành động ra được việc gì, hoặc hành động không minh bạch. Vậy mà ngoài sự ấy ra, lại còn có điều khác nên trách nữa.

Trước kia nhiều lần đã nói, phàm một chánh đảng thì phải lấy quốc dân làm hậu thuẫn. Cho nên ở hồi bình nhựt, đảng phải làm cách nào cho mình gần với dân chúng ; khôn khéo hơn nữa thì làm cách nào cho mình hiệp một với dân chúng. Nếu được vậy, nếu dân chúng đã cùng mình làm một, thì đến khi cần kíp, họ mới chịu đứng lên mà làm hậu thuẫn, cứu viện cho mình.

Nay ta thử xem đảng Lập hiến có làm được như vậy chăng ?

Muốn làm được vậy thì cần nhứt phải có tờ báo tiếng bổn quốc làm cơ quan. Mà nay đảng ấy đã không có cơ quan ấy rồi thì còn trông mong nỗi gì ? Vậy nay chúng tôi không nói về sự ấy nữa mà chỉ xét xem cách cử chỉ của mấy ông đảng viên họ đối với dân ta ra làm sao.

(Kiểm duyệt bỏ một đận)

Đảng Lập hiến có lập ra nhiều nhà khuyến học hội ở các nơi, là cái cơ quan dùng mà diễn thuyết rất tiện lợi, thì lại không mấy khi dùng đến như đã nói mấy lần rồi ở mấy bài trước. Lại còn nghe như điều lệ của khuyến học hội định rằng diễn thuyết phải dùng tiếng Lang Sa, nếu quả vậy lại lạ lùng khó hiểu nữa ; cái cơ quan ấy có dùng cũng chẳng ích lợi chi cho dân chúng An Nam vậy !

Vậy thì các cơ quan chánh thức của đảng Lập hiến chẳng còn mong gì dùng mà tiếp cận với dân chúng được. Bây giờ chỉ còn mong có mấy ông đảng viên có dịp tiện đứng ra trước mặt dân chúng mà thôi.

Cái dịp tiện ấy khó thay ! Dân An Nam ta có mấy khi mà nhóm nhau lại cho được cả trăm cả ngàn người ? Có chăng, chỉ là trong các cuộc biểu tình cách hơn một tháng trước.

Hồi bấy giờ ta mong rằng trong khi có một cuộc biểu tình nhóm lại xong, định kéo nhau đến chỗ mục đích, trong khi ấy mà có một ông đảng viên Lập hiến cho to gan, tới tại chỗ đó đứng trước mặt anh em dân mà diễn thuyết lợi hại, nói điều hơn sự thiệt cho họ nghe, có lẽ họ nghe được mà giải tán ngay lập tức ! Nhưng hết đám nầy tới đám khác, mong hoài mà chẳng thấy mặt ông nào hết, sau người ta biết mong như vậy là vô lý rồi không mong nữa !

Năm khi mười họa mà có gặp được dịp tốt để các ông Lập hiến đứng ra trước mặt hằng ngàn người An Nam, cũng lại vô ích ! Tức như hồi cụ Bùi ở Tây về, sau đám tang cụ Tây Hồ, đồng bào An Nam mở tiệc trà mừng cụ giữa thành phố Sài Gòn, dầu mỗi người mất một vài đồng bạc mới được vô cửa, họ cũng lăn mà vô cho được đến những hai ba ngàn mạng để nghe cụ nói. Nói gì ? Hôm ấy cụ có đọc một bài văn vắn bằng tiếng An Nam, còn cái bài dài bằng đây ra Ô Cấp kia, văn hay như rồng bay phụng múa, lý cứ như chặt sắt đóng đinh, thì lại bằng tiếng Pháp. Ấy là ông Bùi… Còn ông Nguyễn Phan Long thì nói tinh bằng tiếng Pháp như ông Colonel Sée, mà lại nói hay hơn ông Colonel Sée nữa !

Chẳng kể làm chi cho lôi thôi nhiều chuyện, đại để các ông ấy khi nào nói với người An Nam, đông mấy cũng mặc, trong đó có phần nhiều không hiểu tiếng Tây cũng kệ, ổng cứ việc nói tiếng Tây.

Chuyện nghịch quá mà các ổng làm được ! Giả sử anh sớp-phơ của các ổng, trong khi chủ biểu đi Thủ Đức mà ảnh lại vặn tay bánh nhắm hướng Chợ Lớn mà đi chắc bị rầy to bởi các ổng không khéo đòi cúp luôn tiền lương nữa là khác. Vậy mà các ổng, trong khi muốn gần dân chúng An Nam, muốn cùng dân chúng An Nam hiệp một, các ổng nhè nói tiếng Pháp, thì lại không ai rầy ! Có, người ta rầy lắm chớ, có điều các ổng không nghe đó thôi.

Chẳng có gì lạ hết. Các ông đảng viên Lập hiến chỉ có một ý là xem thường xem khinh dân chúng mà thôi. Chắc các ổng nghĩ rằng hạng người An Nam nghèo hèn, nghĩa là hạng không có tư bổn, không có chức phận, thì các ổng không cần. Hạng nầy không nghe được thì kệ họ ; miễn hạng có tư bổn chức phận nghe câu chuyện các ổng được thì thôi ; mà hạng nầy đều là có ăn học, nói tiếng Tây như bắp rang, thì có mắc mớ gì đâu mà các ổng không nói tiếng Tây ?

Đó là cái cớ hệ trọng nhứt làm cho đảng Lập hiến với dân chúng An Nam như mặt trăng với mặt trời. Ông đảng trưởng sắp xuống cho tới các đảng viên, chẳng hiểu tình ý của dân ra sao ; mà anh em dân cũng chẳng hề biết đảng Lập hiến là giống nào, đực hay là cái. Có đời nào nước nào lại có cái chánh đảng kỳ cục như vậy ? Nếu là chánh đảng thật, thì sao lại có được cái hiện tượng kỳ cục như vậy ?

Có lần cụ Bùi đã nói ra trên báo mà rằng mình không có thạo tiếng An Nam. Chỗ nầy, chúng tôi phải tin là cụ nói thật tình. Sự đó chẳng hại chi cho cụ về việc riêng ; song thật là một điều bất lợi cho cụ trong đường chánh trị.

Hiện nay có tiếng đồn rằng cụ Bùi Quang Chiêu toan bề cáo thối[16] mà nhường cái địa vị đảng trưởng đảng Lập hiến lại cho ông Nguyễn Phan Long, ông nầy sẽ ra đảm đương việc đảng chánh thức. Ai, chớ ông Long thì chúng tôi dám chắc là ông sẽ tránh được sự bất lợi của cụ Bùi nếu ông làm đảng trưởng Lập hiến, vì ông thạo nói và viết tiếng An Nam.

“Nói không định đô”, ấy là điều mà người ta không ai ưa. Chánh tôi nói về đảng Lập hiến đến bữa nay chừng cũng đã vỡ ra được nhiều lẽ rồi ; bởi vậy, chúng tôi định thúc lại trong ít bài nữa rồi cũng định đô cho rảnh.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, số 6199 (18.7.1930)

XI. “TẬP DÂN VỌNG” VỚI CUỘC BIẾN ĐỘNG VỪA RỒI

Theo lời chúng tôi trong 11 bài trước thì thành ra đảng Lập hiến không xứng đáng một chánh đảng, vì chẳng có làm ra việc gì có ích lợi cho dân cho nước cả. Nói vậy chẳng là chúng tôi bỏ sót Tập dân vọng (Cahier des Voeux) mà ông Nguyễn Phan Long đã đứng đầu sáu trăm người An Nam dâng cho quan Toàn quyền Varenne cuối năm 1925 hay sao ? Không đâu, chúng tôi sẽ nói sự đó trong bài nầy.

Dẫu rằng ông Nguyễn Phan Long xưng mình không phải là đảng viên Lập hiến, chỉ có cái chánh kiến giống với đảng Lập hiến, thành ra ông cũng là đảng viên Lập hiến, dầu vậy đi nữa, chúng tôi cũng phải nói rằng sự đưa Tập dân vọng là sự của đảng Lập hiến đã làm ra. Vì nếu không nói như vậy thì thiệt là trong mười năm nay, từ hồi đảng Lập hiến thành lập đến giờ, đảng ấy chưa hề có làm ra việc gì cả ! Chúng tôi phải kể việc nầy vào cho của đảng ấy, kẻo vắng vẻ quá.

Trước khi chúng tôi đã chỉ ra những chỗ yếu đuối của đảng Lập hiến, khi gặp kẻ không đồng ý kiến với mình, không dám đối địch mà lại chiều theo. Dầu cho ông Nguyễn Phan Long cũng không khỏi sự yếu đuối ấy, tức như sự ông không đối phó với cuộc mê-tin ở Xóm Lách. Tuy vậy, về sự đưa Tập dân vọng, chúng tôi phải chịu ông Nguyễn là có cái thái độ cương quyết trong việc nầy. Giá mà bất kỳ việc nào trong đường chánh trị từ trước đến giờ, đảng Lập hiến cùng ông Nguyễn Phan Long đều xử như vậy hết, thì chúng tôi không còn chỗ trách nữa.

Cái nội dung của Tập dân vọng và về sự đưa Tập dân vọng cho quan Toàn quyền là một đảng viên xã hội đang ở Pháp mới qua, - cái đó hay dở, phải chăng thế nào, lại là một vấn đề khác, chúng tôi không nói ở đây. Ở đây chúng tôi chỉ nhìn cho cái thái độ của ông Nguyễn Phan Long hồi đó thiệt là cương quyết, thiệt là đúng với kiểu cách một nhà làm chánh trị.

Chúng tôi biết hồi đó có mấy người trong đám thanh niên phản đối việc nầy gắt lắm. Mà cũng có một ông An Nam già, có danh tiếng trong chánh giới ở Sài Gòn, phản đối như họ nữa. Những người phản đối ấy nói rằng quyền lợi của người Pháp với quyền lợi của người Việt Nam, hai cái không dung nhau, cho nên mình muốn tranh quyền lợi với người Pháp thì tranh bằng cách nào kia, chớ tranh bằng lời nói, nghĩa là viết đơn mà xin họ, thì nhứt định là không được. Họ chủ trương cái lý thuyết ấy rồi họ đi khuyến dụ người ta, biểu đừng theo ông Long làm việc ấy. Sự phản đối của họ đó cũng có ảnh hưởng khá khá, cho nên về sau trong lúc ông Long đứng đầu đưa Tập dân vọng, chỉ có sáu trăm người đồng hành mà thôi, nếu không thì cuộc nầy chắc có đến mấy ngàn người dự vào, chẳng ít.

Người ta phản đối như vậy đó mà ông Long cũng không núng, cứ việc tấn hành, vậy chúng tôi mới khen ông là đã tỏ ra cái thái độ cương quyết trong việc ấy.

Phải lắm, ông Long vậy, hay là đảng Lập hiến cũng vậy, nếu đã lấy “ỷ Pháp” làm chủ nghĩa, thì những việc như việc đưa Tập dân vọng cho quan Toàn quyền Varenne là việc không có thể mà bỏ đi không làm. Ai phản đối mặc ai, theo chủ nghĩa các ổng thì thế nào cũng phải làm những việc như việc ấy, vì nó hiệp với chủ nghĩa các ổng.

Việc đáng làm thì dầu người ta phản đối cũng cứ làm, cái chỗ chúng tôi khen các ổng là ở đó. Rồi chúng tôi cũng trách các ổng ở việc nầy.

Cứ như Đuốc nhà Nam nói mới rồi, thì những điều thỉnh cầu trong Tập dân vọng, chánh phủ chỉ mới thi hành có một phần ít mà thôi, còn nhiều việc quan hệ trong tập ấy thì chánh phủ chưa thi hành.

Vì làm sao mà chánh phủ chưa thi hành hoặc không thi hành, cái đó, chúng tôi không cần biết đến, mà dầu có biết cũng không cần nói đến. Chỉ duy chúng tôi nghĩ rằng sự chánh phủ chưa thi hành đó là một điều giúp cho các ông mạnh miệng mà trả lời với chánh phủ với kẻ đối địch các ông trong chánh giới, và với đồng bào An Nam trong các cuộc biểu tình mới rồi nữa. Vậy mà các ông không lợi dụng điều ấy để đối phó, trở đi nói chi chi ở đâu, làm cho phần đông không phục tình các ông, và hôm nay chúng tôi phải nói rõ cho các ông nghe.

Trước ngày 6 Juin mới rồi, khi De Lachevrotière khống cáo hai ông Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long cùng cả đảng Lập hiến trong báo La Dépêche, nói rằng các ông là người vi thủ[17] trong cuộc biến loạn nầy, xin nhà nước chỉ bắt giam các ông là yên việc khi ấy, nếu các ông trả lời bằng một cách cương quyết nữa thì thôi, đâu có sanh chuyện ?

Chúng tôi tiếc ông Long đã trả lời cho ông De Lachevrotière một cách mềm mỏng quá, khác nào khi người ta đánh mình bằng cái búa mà mình đỡ bằng cái khăn ! Phải chi hồi đó ông Long nói rằng : Chúng tôi biết lòng dân muốn những gì rồi, chúng tôi đã đem những điều ấy mà trình cho chánh phủ biết rồi. Đã ba bốn năm nay mà chánh phủ chưa chịu thi hành những điều ấy thì dân họ nổi lên mà xin chánh phủ lần nữa ; cái đó là mặc ý chánh phủ với dân, chúng tôi đã làm xong phận sự mình, nghĩa là đã đem nguyện vọng của dân mà trình cho chánh phủ rồi, bây giờ xảy ra điều chi, chúng tôi đâu có biết.

Nói vậy rồi, các ông lại tỏ ra mình vui lòng phó số mạng mình trong sự khoan hồng hay là nghiêm khắc của chánh phủ, nếu nghe lời ông De Lachevrotière tố cáo mà xử mình cách nào đi nữa mình cũng bằng lòng – thì nói thiệt, trong cuộc biến động mới rồi, các ông Lập hiến đã khỏi mang tiếng chi hết. Mà không chừng, trái lại, các ông lại sẽ được công chúng khâm phục nữa kia, sẽ được đồng bào tín nhiệm nữa kia.

Vậy mà các ổng đã không làm như lời nói trên, thành ra Tập dân vọng hóa ra một vật vô dụng, đã chẳng ích chi cho chánh phủ, cho nhân dân mà cũng không ích chi cho phần riêng các ổng nữa.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, số 6200 (19.7.1930)

XII. Ý KIẾN CHÚNG TÔI VỀ ĐẢNG LẬP HIẾN NAY SẮP SAU

Trước rày chúng tôi chỉ trách thiện đảng Lập hiến hỏi sao không làm thế nầy lại làm thế nọ, hỏi sao không đi con đường chánh trị theo chủ nghĩa mình. Trừ ra những việc riêng của đảng viên mà người ta hay dùng làm cớ để phi nghị, chúng tôi không nói đến, còn những lẽ gì có quan hệ đến quốc gia đồng bào thì chúng tôi nói lược lược cũng đã đủ. Vậy, nếu có người hỏi bây giờ đảng Lập hiến nên làm thế nào thì chúng tôi sẽ trả lời làm sao ?

Phải, chúng tôi đã trách người ta, thì chúng tôi cũng phải tỏ ra cái ý kiến của mình. Hôm nay, bài nầy chính là chúng tôi tỏ ra cái ý kiến ấy. Dầu hay dầu dở, dầu phải dầu chẳng, nó cũng là một cái ý kiến, nên đem mà phát biểu.

(Kiểm duyệt bỏ một đoạn)

Chúng tôi tưởng thứ dân quê mùa dốt nát, chỉ biết cấy lúa và nấu cơm mà thôi, thì có đem ra mà làm việc gì đi nữa cũng hư. Thứ dân ấy mà biểu nói chuyện tự trị độc lập làm sao cho đặng ? Vậy bây giờ sự cần nhứt ở nước ta mà là sự người mình có thể làm được, thì chẳng có chi hơn là giúp chánh phủ sửa sang việc nội trị, nghĩa là dạy dân cho khôn và làm cho dân bớt khổ đi.

Những việc ấy, nếu do ý kiến của cá nhân hay là ý kiến của một hội đồng nào cũng không có thế lực mạnh mà thiệt hành ra được cho bằng của một đảng.

Còn như nói rằng những việc quan hệ về nội trị ấy thì chánh phủ đã làm rồi và còn cứ làm nữa, hà tất phải đảng nào làm chi ? Nếu nói vậy thì bên nước Pháp lại có đảng làm chi ? Sao nước Pháp không để một mình chánh phủ cai trị ?

Ở đây lại có một lẽ cần phải có chánh đảng hơn bên Pháp nữa. Chánh phủ ở đây là người Pháp, dân là dân An Nam, chánh phủ dầu thông thuộc mấy đi nữa, làm thế nào hiểu hết sự lợi bịnh trong dân đặng ? Được nhiều càng hay, không thì ít nữa cũng phải có một đảng để bổ trợ điều thiết sót của chánh phủ trong việc hành chánh. Vậy sau cơn biến động nầy, đảng Lập hiến nếu có thiệt bụng làm chánh trị, lo việc dân việc nước, thì nên tổ chức lại theo như chương trình cũ, - vì từ hồi đó đến giờ chưa tổ chức đúng như chương trình hay là châm chước sửa đổi chương trình ấy mà bắt đầu lập đi. Nguyên năm xưa, giấy má chương trình chi nghe đã đưa lên trình chánh phủ rồi ; bây giờ chỉ cần chánh phủ trả lời cho là được. Người ta chỉ sợ có một nỗi là chánh phủ lại không cho, . . . . . . . . . . . . .[18] Chúng tôi tưởng, hồi nầy đây, có ở đâu chánh phủ lại thờ ơ như vậy được ? Những việc biến động mới yên rồi đó chẳng đã tỏ ra cho các quan thấy rằng cuộc cai trị xứ nầy cần phải sửa đổi hay sao  ? Những việc biến động đó, vẫn biết rằng không làm chi nhúc nhích chánh phủ nổi, song há lại không nhọc lòng đối phó, và cũng có lẽ nhơn đó mà giảm bớt lòng tín nhiệm của dân đi hay sao ? Chúng ta phải hết lòng tin rằng dạo nầy tuy chánh phủ đương lo sửa sang việc nội trị xứ nầy cho hiệp với tình thế hiện thời, chớ không thể làm lơ bỏ lún như mấy năm trên được. Mà nếu vậy thì tưởng chánh phủ cũng cần cho có một hạng người An Nam đủ tài đủ trí để giúp sức cùng mình.

Nếu sự chúng tôi đoán đó mà trúng thì đảng Lập hiến có khó gì mà chẳng chánh thức thành lập ngay từ đây.

Ở xứ Nam kỳ ngày nay cần có một cái đảng chánh trị thật. Nếu cần như vậy mà phải lập ra một cái mới thì chánh phủ có lẽ sẽ bảo là khó. Chớ cái nầy sẵn có một cái đảng cũ có tên có tuổi rồi bây giờ chỉ có việc tổ chức lại và thủng thẳng thiệt hành các chánh kiến ra mà thôi, có hại gì mà lại chẳng cho ?

Chúng tôi tưởng nếu chánh phủ có ngại sao đó, đảng Lập hiến sẽ nài xin được một cái quyền gì cho rộng bề thi thố rồi đứng mà nhận lấy trách nhiệm trị an trong xứ nầy thì chánh phủ còn nghi gì nữa.

Chúng tôi nói “quyền” đó nghĩa là cái quyền gì hoặc như là quyền ngôn luận vậy ; có cái quyền ấy thì mới có thể cổ động cho phần đông theo một chủ nghĩa, đi một đường chánh trị theo với đảng được.

Mà chánh phủ há lại không nghĩ tới cái hiện tình trong cả nước nầy sao ? Bất kỳ dân nào trên trái đất nầy cũng có cái óc về chánh trị hết, hễ không làm thế nầy thì làm thế khác, bề nào họ cũng có một phần đổ về chánh trị mới nghe. Làm sao mà trong ba kỳ, chỗ nào cũng có những hội kín hết là vì đâu ? Chúng tôi nói, sự đó dầu có nhiều cớ chăng nữa, không có một cái chánh đảng minh bạch cũng là một cớ.

Đừng nói ở đâu, nói Nam kỳ đây nếu đảng Lập hiến lâu nay mà thành lập một cách cho hẳn hòi, hành động việc nầy việc khác cho có hiệu quả, nhân dân thảy đều biết tiếng, thì họ đổ nhau về một đàng với đảng, nương cậy chánh phủ để noi lên đường tấn hóa, chớ ai lại lập hội kín nầy hội kín nọ ra làm chi ?

(bị kiểm duyệt bỏ)

Chúng tôi dám chắc rằng nếu chánh phủ để cho Nam kỳ nầy có một cái chánh đảng, - Lập hiến hay đảng nào cũng được, - đứng trong vòng pháp luật, giúp chánh phủ về mặt nội trị, thì trong xứ sẽ yên lặng, không có hội kín nào khuấy rối cho mệt chánh phủ hết, vì họ đã thỏa cái “lòng dục chánh trị” của họ rồi.

Bên đảng Lập hiến cũng vậy mà bên chánh phủ cũng vậy, nếu có làm cho ra bề ra thế ít nữa cũng như chúng tôi nói trên đây thì hãy nên để còn cái tên Lập hiến. Bằng không làm như vậy được thì chúng tôi tưởng các ngài cũng nên kiếm cách mà giải tán đi, thủ tiêu cái tên đảng đi. Chớ còn để nửa sống nửa chết, dật dờ dật dưởng, hữu danh vô thiệt như vậy thì chẳng ích chi cho dân cho nước, mà hễ có việc chi, ấy là các ngài mang tiếng, thiệt vô ích quá.

Vậy là dứt câu chuyện đảng Lập hiến.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, số 6205 (25.7.1930)

   




Chú thích

  1. Tự thỉ chí chung : tự thủy chí chung, từ đầu đến cuối
  2. Bản gốc là “thiệt thành”, có thể có lỗi in, đây tạm sửa là “thiệt hành
  3. Từ kỳ này, loạt bài này dùng đầu đề chung : Nói về đảng Lập hiến ở Nam kỳ
  4. Lương bằng : như “lương hữu”, bạn hữu tốt
  5. Sách hoạch : rạch ròi, thông suốt (theo H.T. Paulus Của)
  6. Xuôi cò : mệt mỏi, bải hoải (theo H.T. Paulus Của)
  7. Phổng ruột : rỗng ruột, trống rỗng (theo H.T. Paulus Của). Tầm ruồng : lung tung, không cách thức, hoặc : bậy bạ, hư hỏng (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)
  8. a ă Nặn vọt : nài xin hết cách ; mắc mớp : bị lừa gạt (theo H.T.Paulus Của)
  9. Léo : tới gần, lại gần (theo H.T. Paulus Của)
  10. Câu nầy đặt do câu “vụng múa chê đất lệch” là tục ngữ ta (nguyên chú)
  11. Run-en : phát rét, run lạnh vì cảm sốt (Theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)
  12. Bình tình : công bình, không thiên vị (sans parti pris) ; khác với bình tĩnh nghĩa là yên lặng (calme, tranquille) (theo Đào Duy Anh)
  13. Entre parenthèses: trong ngoặc đơn
  14. Việc tác giả và tòa soạn đánh số loạt bài này có lẽ có sơ xuất nên không có kỳ X. Các số báo 6196 (15.7), 6197 (16.7) và 6198 (17.7) không đăng gì thuộc loạt bài này, chỉ đến số 6199 (18.7.1930) mới đăng tiếp kỳ thứ 10, nhưng lại đánh số XI
  15. Trì hồi : dùng dằng không nỡ ra đi (theo Đào Duy Anh) ; huỡn đãi (hoặc hoãn đãi) : chậm rãi, thong dong (theo H.T.Paulus Của)
  16. Cáo thối : như “cáo thoái
  17. Vi thủ : làm đầu, cầm đầu ; phân biệt với vi tùng : tòng theo (theo H.T. Paulus Của)
  18. Chỗ này bản gốc chấm lửng (...) một dòng, có thể tòa soạn bỏ một đoạn ngắn