Nước dựt thì đá lòi ra

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nước dựt thì đá lòi ra  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6665 (25. 2. 1932)

Hôm nay người ta mới biết Trần Hữu Nhơn không có tư thông với Nhựt Bổn

Đời bây giờ trong xã hội nào, cái tôn nghiêm của trật tự giai cấp cũng muốn lung lay hết và ai nấy hướng chiều về bình đẳng; lại thêm ngôn luận được tự do, báo chí ra nhiều quá, ai muốn nói gì thì nói, chẳng ai được bụm miệng ai (ấy là nói ở các nước bên Tây bên Tàu); cho nên sự người ta nghi ngờ mà nói xấu nhau, hoạc vu vạ nhau cũng dễ quá, miễn là họ giữ mánh lới nói mà đừng hở cho người ta kiện được thì họ nói thả cửa thê!

Tôi nói mấy lời trên đó, không có ý than phiền đâu. Ý tôi vẫn mong cho loài người được Bản mẫu:Pop up note như vậy lắm chớ. Có điều xem coi cái hiện trạng xã hội của thế giới ngày nay, thì hình như đạo đức loài người còn chưa được đúng đắn lắm, nên ở đâu cũng vậy, người ta hay lạm dụng cái quyền bình đẳng tự do của mình.

Họ được quyền tư tưởng tự do thì họ dám nghi bậy; được quyền ngôn luận tự do thì họ dám nói liều, vu vạ cho người ta. Ấy là lỗi tại sự giáo dục chưa tới nơi, phần lý trí của loài người chưa phát đạt cho trọn vẹn, nên mới có cái hiện tượng như thế. Vậy thì nếu muốn chữa sửa cho khỏi cái hiện tượng dở dang ấy, tưởng chỉ có chăm việc giáo dục, nâng cao đạo đức của người ta lên, mở mang phần lý trí của họ cho thật phát đạt mới đặng chớ đừng có thấy vậy mà bảo rằng cái bình đẳng tự do là cái bậy, rồi kiếm phương mà làm cho nó tiêu diệt đi, nếu vậy thì ra bước giật lùi mà thế giới lại càng rối loạn thêm nữa.

Biết bao nhiêu người tài đức ở các nước, chớ đừng nói nước mình làm chi, cũng đã bị thiên hạ nghi hoặc cho thế nầy thế khác, thiếu điều nhổ nước miếng vào mặt họ, song nực cười thay, phần nhiều những người bị oan đó sau rồi cũng được minh tuyết. Sự ấy xảy ra ở xã hội – bất kỳ xã hội nào – nhiều lần lắm, người ta lầm một lần rồi tưởng nên dè dặt trong lần sau mới phải; vậy mà cũng không chịu dè dặt cho nên mới nực cười.

Như Trần Hữu Nhân, lúc dự vào ban Ủy viên chánh phủ Quảng Đông, có đi qua Nhựt một lần mà chẳng biết vì việc chi. Cái nghề nhà ngoại giao, họ đi có việc họ, thường phải giữ bí mật luôn, có ai tuyên bố ra làm chi. Người ngoài không biết đầu đuôi đâu hết, thấy đi như vậy thì đã nghi rồi. Thậm chí có nhiều tờ báo Tàu bấy giờ đề quyết rằng Trần đi qua Nhựt để thương thuyết cùng chánh phủ Nhựt giúp phe Quảng Đông cự lại với Tưởng Giới Thạch, nếu thành công thì sẽ chịu cho Nhựt những quyền lợi gì đó.

Thế rồi đâu đó nổi lên, đều hô rằng "Trần Hữu Nhân thông Nhựt, Trần Hữu Nhân bán nước", cho đến cái anh An Nam ở bên nầy chẳng dính dấp vào đâu hết cũng bắt chước họ mà hô lên! Người vô tình thì bắt chước hô lên cho rậm đám; còn kẻ có ý thì bắt chước hô lên để mai mỉa những kẻ "bán nước" ở chung quanh mình. Đó là tôi gióng cái ý họ mà nói ra như vậy, dầu không trúng phóc cũng chẳng sai xa.

Đến phen nầy Trần Hữu Nhân ra làm ngoại giao bộ trưởng Nam Kinh, làm cho những người nghi va hồi trước phải ngã ngửa. Nếu quả như Trần là tay phản quốc thiệt, thì 400 triệu dân Tàu họ dại hết sao mà lại để cho va cầm quyền ngoại giao? Chưa gì hết, nội chừng đó cũng đủ làm cái phản chứng rồi.

Huống chi, liền sau đó, Trần phát ra tờ tuyên ngôn rất cứng cát, lại gởi cho Nhựt Bổn một bức thơ cảnh cáo rất nghiêm trang. Kể đó va liền chủ trương tuyệt giao với Nhựt, muốn cho người Nhựt và khắp thế giới phen nầy phải để ý mà ngó đến người Tàu. Rồi người ta mới nhớ lại, hồi va cầm quyền ngoại giao ở chánh phủ Võ Hán (năm Dân quốc 16) cũng đã thâu lại được mấy cái tô giới, mở đường cho bọn Vương Chánh Đình về sau; thế thì Trần có phải là tay phản quốc đâu?

Hồi Tưởng Giới Thạch lại ra làm Hành chánh viện trưởng, cái chánh sách tuyệt giao của Trần bị Tưởng phản đối, thành ra Trần phải từ chức bộ Ngoại giao.

Sau khi từ chức, xuống Thượng Hải, Trần có nói với người ta rằng: "Họ Tưởng phản đối cái chánh sách của tôi, va khuynh hướng về tiêu cực, điều đó đáng lo lắm, nếu cứ như vậy hoài thì về sau có ngày người Nhựt yêu cầu giống gì, chánh phủ ta cũng phải nghe theo; và đối với nhân dân, chánh phủ ta còn sẽ đè nén họ về các cuộc vận động kháng Nhựt nữa..."

Mấy lời thanh minh của Trần trên đó người Tàu lấy làm chú ý lắm. Nhiều người trong chánh phủ đồng ý với Trần, nhưng thế lực của Tưởng lớn quá, nên sự chủ trương của va khó mà phản đối được.

Ta xem cái thái độ Trần Hữu Nhân trong khoảng hơn một tháng nay, đã thấy va ra sao rồi. Bây giờ còn có ai nói Trần là "bán nước" nữa không? Nếu họ còn nói nữa, cũng chẳng ai tài gì mà bụm miệng họ được; song người biết chuyện chỉ buồn cười và tội nghiệp cho họ thôi!

Trước mặt pháp luật, ai nấy đều bình đẳng. Hễ là công dân thì có quyền tư tưởng tự do, ngôn luận tự do, xuất bản tự do. Những điều đó là tốt hết, nhưng tại loài người phần nhiều còn dại hay ngớ nghết lắm, chưa biết dùng nó.

PHAN KHÔI