Nữ quốc dân tu tri/Phụ trương-1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nữ quốc dân tu tri của Phan Bội Châu
Phụ trương: Bài diễn thuyết của cụ Phan Bội Châu đọc tại hội Nữ công ngày khai giảng 28 Juin 1926
Phụ-trương

Bài diễn thuyết của cụ Phan-bội-Châu đọc tại hội Nữ-Công ngày Khai-Giảng 28 Juin 1926.

Thưa các bà, các ông, các cô,

Cái thân lưu ly trần trọc chân trời góc bể hơn hai mươi năm mà lại có một ngày được gặp chị em bà con đông đúc như thế nầy mà trong một ngày đó lại tức là hội nữ-công ở Huế vừa thành lập, thực là sự sung-sướng của chúng tôi không biết bao nhiêu mà nói. Những sự sung sướng vui vẻ, không những vì chúng tôi được gặp chị em bà con mà thôi đâu, thật chỉ vì được thấy hội Nữ-công thành-lập. Hội Nữ-công thành-lập là sự vui vẻ sung sướng chung, mà thứ nhất là sự vui vẻ sung sướng riêng của chúng tôi, bởi vì chúng tôi ở đất khách trông thấy đàn bà con gái nước người ta, hội nọ hội nầy, đoàn già đoàn trẻ, rần rần rộ rộ như cá nhảy chim bay, như những hội: Ái-quốc phụ nhân, hội, Phụ nữ lao động hội ở nước Nhật-Bản, Nữ-tử thanh niên hội, Phụ nhân liên-hiệp hội ở nước Trung-Hoa, Phụ nữ tham chính hội ở nước Anh nước Mỷ, đều là quần thoa kết đội, cân quắc lên đàng, cái sự-nghiệp hợp-quần e có lẽ xô đạp đám mày râu, mà mở mang một vùng tân thế giới. Tôi đương khi đất khách ngậm ngùi dưới ngọn đèn hiu hắc, giở pho lịch sử cổ của mình ra xem, từ xưa đến nay, không có một chữ nào mà kể đến người đàn bà con gái nước ta có việc gì hay nhóm họp, ở ngoài cạnh-buồm khóe-bếp, bỏ mấy cỗ tài-bàn tứ-sắc, không thấy một sự công gì. Trông người lại ngắm đến ta, chao ôi! con gái đàn bà thế thôi, đau đớn xót xa buồn rầu chua chát, giọt nước mắt rửa mặt hàng ngày suốt đêm. Nào hay đâu vừa về nước, chưa bao nhiêu ngày, mà thoạt thấy hội Nữ-công thành lập.

Hội Nữ-công thành-lập, mà ở chốn kinh-đô là một chốn mây mù man mát, gió thu ngục quỉ trong mấy nghìn năm, bỗng chốc mà hiện ra một tia sáng chói, thì bảo tôi không lấy làm vui sướng nào được đâu? Nhưng mà trong khi vui sướng lạ lùng, lại có chan chứa vô hạn những lý tưởng lo buồn, xưa nay của ngon là hiếm, của hiếm chắc là của khó khăn, đã trông thấy hội Nữ-công gầy lên, thì trông mong cho hội Nữ-công trường-thọ, trông mong cho hội Nữ-công trường-thọ, lại nên lo cho hội Nữ-công yểu-vong. Trình-độ dân nước mình đương lúc trẻ thơ, mà muốn so sánh lâu dài với người các nước văn minh kia, có nói đâu dễ dàng như thế được. Song le tôi nghĩ lại: Người ta có trí khôn hay tự-lập, mới có trí khôn hay hợp-quần, đã có trí khôn hay hợp-quần, tất có trí khôn lo tiến-bộ.

Tôi xem hội Nữ-công nầy thành lập, tôi chắc rằng đàn bà con gái nước ta ngày nay không như tư-tưởng đàn bà con gái ngày xưa đâu nữa, bởi vì vậy, nên tôi phát sinh ra vô số hi-vọng, mà tôi phải có mấy lời đinh ninh trịnh trọng với bà con chị em.

Xưa nay đạo loài người là gầy mối ở đàn bà con gái, mà đạo làm đàn bà con gái, lại cần thứ nhứt là luân-lý. Luân-lý đời xưa thì chỉ có luân-lý Đông phương, luân-lý ở đời nay lại có luân-lý Tây phương. Hiện đời bây giờ người Tây phương với người Đông phương giắt nhau lên con đường tiến hóa, vậy nên chúng ta muốn nghiên cứu cái vấn-đề luân-lý, tất phải họp cả Đông-phương với Tây phương lại mà bàn, Luân-lý Đông-phương có điều hay thì ta phải giữ chặt, luân-lý Đông-phương có điều dở, thì ta phải bỏ đi, luân-lý Tây-phương có điều hay thì ta phải học theo, luân-lý Tây-phương có điều dở thì ta phải biết đường kén chọn. Luân-lý Đông phương trọng về sự phục-tùng, phục-tùng vẫn là một lẽ hay, mà những người đàn bà con gái lại là nên tuân thủ, nhưng mà nói cho đúng lẽ phải thì phục-tùng theo, về đạo đức, chớ không phải phục-tùng theo về oai-quyền nếu nhứt thiết cậy có oai-quyền, mà không kể đến đạo đức, thì cha lấy oai-quyền áp chế con, chồng lấy oai-quyền áp chế vợ, mà người con người vợ đó chỉ ngày ngày đêm đêm gông cùm ở dưới cái vòng oai-quyền, mà chỉ biết phục-tùng là bổn-phận, thì gia-đình đã hóa ra mù mịt tối tăm, mà cái nghĩa phục-tùng kia lại là một cái dây-xiềng sắt buộc người ta thành ra một tuồng nô-lệ.

Tôi xin nói tắt, xưa ông thánh nói rằng: phụ phụ, tữ tữ, phu phu, phụ phụ, nghĩa là cha phải hợp đạo làm cha, con phải hợp đạo làm con, chồng phải hợp đạo làm chồng, vợ phải hợp đạo làm vợ, mà cũng nghĩa là: cha phải có nghĩa vụ làm cha, con phải có nghĩa vụ làm con, chồng phải có nghĩa vụ làm chồng, vợ phải có nghĩa vụ làm vợ. Nói tóm lại cha có nên cha, thì con mới nên con, chồng có nên chồng, thì vợ mới nên vợ. Mấy câu ấy thật là cái gương cho sự phục-tùng đó vậy. Vậy nên chúng ta phải biết phục-tùng về đạo-đức, thì phục-tùng là thánh-thần, phục-tùng về oai-quyền thì phục-tùng là trâu ngựa. Điều gì phải lẽ, mà không phục-tùng, vẫn là người dở, điều gì trái lẽ, mà cứ phục-tùng thì cũng không phải là người hay, ấy là luân-lý Đông-phương, người ta cũng không có thể lấy tai mà thay óc được vậy. Luấn-lý Tây-phương trọng về bề độc-lập, nghe đến hai chữ độc-lập, người ta chắc gai góc rụng rời, tưởng rằng độc-lập là ai nấy chỉ lo lấy một mình, thế tất đến nỗi cha lìa con, con lìa cha, vợ bỏ chồng, chồng bỏ vợ, anh em bầu bạn ai nấy bỏ nhau, gia-đình bao giờ có đoàn tụ, xã-hội bao giờ có kết-hợp. thế thì cái lưu-tệ chữ độc-lập, chẳng là tai hại lắm ru? Ôi! thế thì nhận hai chữ độc-lập sai lầm rồi đó. Nghĩa chữ độc-lập, là bảo người ta không nên ỷ-lại mà thôi.

Hai cột đứng vững hai đầu, mới trụ chung một cái nhà mà dựng được, hai chèo đứng vững hai mái, mới đẩy chung một cái thuyền mà lên được. Cha làm sự nghiệp cha, con làm sự-nghiệp con, chồng làm sự-nghiệp chông, vợ làm sự-nghiệp vợ, ai nấy không phiền lụy đến ai, mà ai nấy cũng không thắt buộc được ai. Không ai phiền lụy ai, không thắt buộc ai, mà cũng không ai có ỷ-lại ai; tuy ai nấy không ỷ-lại ai, mà thực là ai nấy cũng giùm giúp cho ai, bởi vì ta hết bổn phận ta, ta xong nghĩa-vụ ta, tức là dùm giúp sự-nghiệp cho người kia, kia hết bổn phận kia, xong nghĩa-vụ kia, tức là giùm giúp sự-nghiệp cho mình ta? Danh là độc-lập, thực thì không trái chống với nghĩa phục-tùng, nhưng, vì lẽ phải như mực thẳng đường ngay, ai nấy cứ đó mà đi, vẫn là phục-tùng, nhưng vẫn là độc-lập, nếu một mai bỏ vất hai chữ độc-lập, mà chỉ biết sự phục-tùng, thì phục-tùng tức là ỷ-lại. Làm con chỉ nương dựa vào cha mà ăn, làm vợ chỉ nương dựa vào chồng mà ăn, con chỉ biết lấy thân con mà bận bịu cha mẹ, vợ chỉ biết làm thân vợ mà bận bịu cho chồng, thế thì con là cái dây trói cha, vợ là cái xiềng khóa chồng, sự hạnh-phúc trong gia-đình, còn mảy may gì trông mong được? nếu người nào người nấy, ai cũng biết đường lo độc-lập, thì có sự khốn nạn như trên kia nữa đâu. Vậy mới biết luân-lý Tây-phương cũng có đều rất hay, người ta chớ nghe sự độc-lập mà run sợ mới phải!

Luân-lý Đông-phương trọng về thủ cựu, thủ cựu là giữ nền cũ, cơ đồ sản nghiệp của cha ông ta, nòi giống dòng họ của tổ tiên ta, ta vẫn khăng khăng giữ chặt, muôn kiếp ngàn đời, quyết không dám viết khế đoạn mãi cho người nào, quyết không dám mở cửa hoan nghênh khách nào: Như thế thiệt cái công hai chữ thủ cựu, nhưng hai chữ thủ-cựu, nghĩa là gìn-giữ lấy cơ nghiệp dĩ thành của tiên nhân mà thôi, đến như phong tục tập quán nghề nghiệp làm ăn, người ta càng tấn lên, mà dân chúng mình y nhiên bước cũ. Như thế mà bảo rằng thủ cựu chắc là một đống mả chôn sống người ta mà thôi, như nhà đã hủ dột mưa gió không chỗ đứng ngồi, áo đã rách tươm lam lũ không khác gì rợ mọi, mà khiến cho thay nhà mới áo mới, thì lại nói rằng: tôi cứ thủ cựu. Ôi! có người đâu mà ngu như thế, tức như tục con gái bó chân nước Tàu, tục một vợ nhiều chồng ở đất Tây-tạng, có lẽ nào mà thủ-cựu mãi ru? Phong tục tập quán người nước ta kể nghìn trăm năm, lâu ngày tích tệ, cái tình hình nhà-dột áo-rách, ngày ngày ngan ngác ở trước mắt người, như lời tục ngữ ta có câu rằng: gái có chồng như gông mang cổ, trai có vợ như nhợ buộc chân. Xem như lời tục ngữ đó thì biết cái giây sắt-buộc ở trong gia-đình, đủ làm cho trai giỏi gái tài phải bó tay mà chịu chết. Lại như những câu tục ngữ rằng; ông ăn chã bà ăn nem; lại có câu rằng: một miếng giữa làng bằng một tràng trong bếp! Lại có câu rằng: ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau. Xem như những lời tục-ngữ đó, thì đủ biết rằng tư-tưởng người nước ta chỉ cạnh tranh về đường ăn uống, ngoài phần ăn uống thiệt không có một tư-tưởng gì là rộng lớn cao xa, như thế mà bảo rằng: thủ-cựu được mãi hay sao? nhà dột lâu ngày mà không thay tất phải chết với mưa gió, áo rách lâu ngày mà không đổi, còn nói gì vệ-sinh. Vậy nên cái luân-lý thủ-cựu Đông-phương nhà mình cũng không thể nhận làm nhất định bất dịch được. Đến như luân-lý Tây-phương trọng về canh-tân, canh-tân nghĩa là đổi thay theo cách mới: Đời bây giờ trăm nghề khoa học, càng ngày càng phát minh. Ngày nay xem ra mới, ngày mai xem ra đã cũ. năm nay xem ra mới, năm sau xem ra đã cũ. mỗi một thời-đại tất đổi một hạng nhu-cầu, ví như súng cò máy đá, hoặc là xe gỗ một bánh, đều là không thích dụng đời bây giờ. Bởi vì cách mới đã hợp thời, nếu muốn không canh-tân cũng không thế nào được. Song le những việc canh-tân đó, tức phải theo lịch sử, tập quán của nước nào, thì có một cách mới của nước ấy, như tục con gái ôm con trai mà nhảy đầm, nước Anh, nước Mỹ thì nhạn là văn minh, nhưng cứ đạo lý Đông-Phương thì việc ấy là dã man rất mực, lại như con gái với con trai đều làm quan-lại nước Nga-La-Tư, thì nhận làm văn minh, nhưng cứ trình độ dân ta thì việc ấy là cao xa quá mực.

Vì như con nhà nghèo đói, đổi bữa cháo lên bữa cơm thế là vừa phải, nếu tức khắc cầu cho cửu khỗng, bát-trân, mà đua đuổi những đều quá phận với người ta, thế chắc là người điên, hoặc là người dại. Vậy nên canh-tân vẩn là sự rất hay, nhưng mà canh tân không hợp thời thì cũng đủ làm trở ngại cho con đường tiến bộ, vả lại canh tân về đường học vấn trí thức, thì sự nghiệp càng đổi mới, mà dân càng mạnh, nước càng giầu, canh tân về sự xa xí chơi bời, thì bề ngoài càng đổi mới mà dân càng nghèo nước càng khốn.

Tức như nước bông, sáp. phấn vẫn xưa nay nước ta có đâu, mà thứ nhất lại là những bực. Cỗ can ta ngày xưa không một tí gì biết đến, mà tới bây giờ những tiền mua nước bông, sáp, phấn, một năm kể đến tốn biết bao nhiêu là đồng tiền, quái gở thay, chán ngán thay! Cái giống đói không nhờ mà no, rét không nhờ mà ấm, mà chỉ tuôn hết máu mủ mình về đường vô ích, mà lại làm nặng túi cho ai đâu,? Ôi! cái nguyên cớ ấy là bởi vì các chị. em ta quá nóng nãy canh tân mà đến thế. Thôi! xin các chị em bỏ hết những cái việc canh tân dở, mà trau về việc canh tân hay, thì tôi thiệt lấy làm khẩn nguyện lắm.

Lại một lẽ: nhà luân lý học càng nên nghiên-cứu lắm, mà thứ nhất quan-trọng là con gái đàn bà, luân lý Đông-Phương trọng về hạng-chế, luân-lý Tây-Phương trọng sự tự-do! cứ nguyên lý loài người mà nói, thì cái quyền tự-do đó, là khi đầu trời đất sinh ra người, đã phú đủ cho ta,

Đã có tai thì có quyền nghe, đã có mắt thì có quyền dòm, đả có miệng thì có quyền nói, đã có tay chân thì có quyền hành động. Nhưng mà lại có một cái quyền rất là cao quý, tức là cái quyền thẫm phán. Cái quyền ấy trời đã dao phó cho vị thần óc rồi, vị thần óc bảo rằng phải là phải, vì thần óc bảo rằng trái là trái, đều gì trái thì chúng phải tránh, đều gì phải thì chúng phải nghe.

Vị thần óc đó là một vì chúa tể trong tòa pháp luật, người ta tự do ở trong vòng pháp luật ấy là chân chính tự-do, người ta tự-do ở ngoài vòng pháp luật, ấy thì không phải là chân-chính tự-do, vậy nên biết hạn chế cũng là đều hay, nhưng chỉ hạn-chế những đều trái lẽ, tức là chống cãi pháp luật vị thần óc đó mà thôi.

Tự-do vẫn là phúc chung, nhưng chỉ được tự-do ở những đều hợp lẽ tức là phục-tùng pháp luật vị thần óc đó mà thôi.

Nếu những đều hợp lẽ đó mà hạn chế người ta, thật là cướp mất cái quyền tự do của người ta, mà bắt người ta thành ra một bộ cơ khí, đều phải muốn làm mà không được làm, đều trái muốn cự mà không được cự, thế thì cái vận mạnh của mình ta, hoàn toàn ở trong tay ai đâu, mà mình chỉ ra một cái bồ nhìn ở trong trò rối, chẳng những tinh thần không mong hoạt động mà hình chất cũng đến nỗi tiêu hao, ác độc thay! Cái ma hạn chế kia. người ta phải biết cái óc luân lý người Đông phương phải pha vài giọt nước của người Tây phương mới là thập phần trọn vẹn. xin thử xem bông hoa sen ở trên án nầy. (Tay cụ chỉ bình hoa sen mà nói) khi nó ở ao sâu hồ rộng, hô hấp cái không khí tự do của trời cho, từ khi nứt mộng cho đến lúc nở bông, lá tự nhiên mà xanh, hoa tự nhiên mà trắng, mợ màng tươi tốt ở trong ấy biết bao nhiêu là khí tượng tinh thần, ấy đủ chứng cho tự do là lòng tạo hóa. Bây giờ chúng ta bắt nó nhốt lại trong một cái bình, thì cành bông rực rỡ tươi tốt kia. bỗng chốc mà rụng rời tan tác, rằng vì không có nước cho nó dội hay sao? không phải, rằng vì không có gió cho nó hứng hay sao? không phải, chỉ vì nó không được tự do phát sinh, nên đến nỗi nó héo mòn như thế. Ôi thần tự do ở đâu tất phải vì bông sen nầy mà nhỏ đôi hàng nước mắt, Cho nên biết những đều hạn chế quá chừng đó, không phải đạo lý thật chánh đáng đâu, chẳng qua hạn chế mà cứ trong lẽ phải, thì hạn chế mà cũng là tự do. tự do mà vừa lẽ phải, thì tự do mà không phải, là không hạn chế. Theo như lời đó, thì luân lý đông phương và tây phương, nên cân nhắc cả hai đường mà quyết định một cái phương châm cho chính đáng.

Nói tóm lại, thì chỉ lấy đạo lý trời cho mà tự do, chớ lấy tình dục người ta mà tự do, ấy là phải lắm, Vậy nên người ta phải cần cầu cho vị thần óc ta làm sao cho thiên liên khôn khéo, mới có thể nói được tự do đó vậy.

Như những đều tôi nói trên ấy, là vì ngày nay là ngày giãng luân lý ở hội nầy, nên tôi có nói về luân lý quá nhiều rồi đó.

Nhưng tôi không dám quên bản đề nên lại phải có mấy lời để tỏ rõ việc Nữ-công là trọng yếu rất.

Nữ công là làm sạo? nghĩa là công nghệ các người con gái, xưa nay thánh hiền khen con gái kể có bốn đức, rằng nữ dung, rằng nữ ngôn, rằng nữ hạnh, mà quý trọng nhứt là nữ công. Nữ công chẳng những làm lợi ích cho gia đình, mà xã hội với quốc gia cũng cần phải có bọn nữ công mới được. Tôi xin kể hết lý gio như sau nầy; hễ một sự nghiệp gì, cần có kinh tế mới nên, mà gia đình thực là gốc nguồn cho đường kinh tế, nếu trong một gia đình nào con trai có công nghệ, con gái thì ngồi không, đàn ông có công nghệ, mà đàn bà thì ngồi không, thì gia đình ấy có thễ dựng nên kinh tế được không? Chắc là không hẳn. Bởi vì người đàn bà con gái đó tất cũng có ăn mới no, có mặc mới ấm, có tiêu phí mới qua được ngày tháng, mà thử hỏi sự ăn đó cậy vào đâu? sự mặc đó cậy vào đâu? sự tiêu phí đó cậy vào đâu? thì chỉ cậy ở trong tay mấy người con trai đàn ông tính dùm cho cả. Huống hồ những việc ăn tiêu phí tổn một người con gái đàn bà, lại nhiều hơn con trai đàn ông có một bà quí phụ, lại thêm mấy con hầu, có một vị lệnh nương, lại thêm mấy con ở, nếu cứ ngồi ăn núi lở tối tháng quanh năm, thì tâm-huyết những món con trai kia cũng rày mai mà tũy khô huyết kiệt, một gia đình đã như thế, e trăm gia đình nghìn gia đình cũng bị cái độc truyền nhiễm đó mà thịt nát xương tan, thôi xã hội còn mong gì, quốc gia còn mong gì. Mới biết rằng vì một cớ nữ công suy đồi, mà tai hại đến như thế. Bây giờ ta phải gấp lo một phương pháp, đễ đắp nên một nền kinh tế ỡ giữa gia đình, thì không việc gì cần hơn việc công nghệ các người con gái: nào là canh cửi, nào là tơ tằm, nào là trổ gấm thêu hoa, nào là đường kim mũi chỉ, những việc gì, những người con trai không làm được, thì xin các chị em ta đua nhau hết sức khôn khéo trau chuốt dùi mài cho càng ngày càng phát đạt thế thì những kẻ ngồi không trong gia đình, bổng hóa ra vị thần đúc tiền ông tiên điểm sắt, một người giỏi, lây đến mười, mười người giỏi lây đến trăm người, nghìn người vạn người, chẳng bao lâu thì nền kinh-tế của xã-hội quốc-gia, cũng có thể tiếp nối gia đình mà gây nên nền phú hậu, ấy chẳng phải là có nữ công mà đẻ ra gia đình kinh tế, có gia đình kinh tế mới đẻ ra quốc gia xã hội kinh tế đó rư. Nữ công học hội thành lập đó, chẳng phải là một sự rất vinh hạnh hay sao?

Tuy nhiên; có một điều tôi rất lấy làm lo lắm, xưa nay con đẻ lần đầu thường hay là con so, trai sinh lần đầu thường hay là trái bói, nước Nam xưa nay việc hội hè rất là hiếm mà hiếm thứ nhứt lại là hội về đoàn con gái đờn bà. Hội, Nữ công thành lập ở giữa chốn Kinh-đô, ấy là việc lạ lùng ít ỏi, đã mấy nghìn trăm năm mà bây giờ mới phát hiện thật là con hiếm mà lại là con so, thiệt là con so, mà lại là con rất đáng quí. Một đứa con báu quí đó, mà muốn cho bạo mạnh lâu dài, cho thỏa tấm lòng người ta mong mỏi, thì tất phải nhờ cậy người làm mẹ đẻ, và người vú nuôi của đứa con ấy mà thôi, người mẹ đẻ và người vú nuôi ấy là ai đấy? Tức là các bà, các cô các ông ỡ trong hội nữ công đó, đứa con nầy tuy là đứa con hiếm, nhưng cũng có thể nuôi nấng cho nên, khi còn đùm bọc, thì cần thứ nhứt là bầu sữa nhiệt thành, khi đã hay lật hay bò, thì cần thứ nhứt bát cơm nghị-lực, đã có bầu sữa ấy, và bát cơm ấy, thì đứa con nầy còn lo gì không trưởng thành: chẳng những đứa con ấy trưởng thành mà thôi, mà có lẽ cháu lũ chắc đoàn giòng đông họ đúc, sẽ để hạnh phúc cho gia đình ta ngày càng viên mãn.

Vì vậy nên tôi mới phát sinh ra vô cùng hi-vọng, mà tôi lại chắc cái hi vọng đó không phải là mơ tưởng mà thôi. Tuy nhiên lại có kẻ nói rằng, hễ lập hội thì có nhiều người, mà nhiều người thì hay nhiều ý kiến, hoặc là tham điều tiểu lợi, hoặc là tranh cái hư danh: khi trong lúc nhóm họp vui vầy, mà thường thường núp một con ma phá hoại. Tục ngữ có câu rằng, gà ghét nhau tiếng gáy, những việc ấy không nên sợ hay sao? Tôi dám thưa rằng, những việc ấy không có gì phải sợ.

Thưa bà hội trưởng, và các bà hội viên. hễ việc thiên hạ có tinh thành, thì không sợ gì hiểm nghèo, đều tay chân, thì không lo gì gánh nặng, hội nữ công nầy đã có người nhiệt thành nghị lực như bà Hội-Trưởng và các cô, các bà hội viện mà đã tán thành mọi việc, để cho một đứa con rất báu quý đã được sớm ra đời, đã chứng được tinh thần đã sẵn, tay chân đã đều, những truyện tham tiểu lợi tranh hư danh, quyết không phải quá lo cho những người trong hội nầy nữa, vì những người trong hội nầy, đều là những người nhiệt tâm công ích cã mà có lo gì sự phá hoại đâu, Tôi chỉ mong cho bà hội trưởng, và các cô các bà hội viên, giữ chặt lấy bốn chữ Nhiệt thành, Nghị lực, mà gắng sức tự thĩ chí chung, đồng lao hợp tác, ai cũng thề một tấm lòng rằng: thà là chết theo đứa con báu quý, nầy, mà không nỡ đứng dòm đứa con báu quý non yếu, tạo nhân đã bền vững, thì kết quả ắt cũng lâu dài. chắc hội Nữ công nầy là một ngọn đèn sáng cho giời đêm chốn Kinh đô nầy, một nguồn suối cho bể gái nước Nam ta.

Bấy nhiêu lời tôi xin kính chúc các bà các ông các cô được mạng giỏi,

Kính chúc Nữ-công-học-hội vạn tuế
Phan-Bội-Châu
Soạn