Nữ quốc dân tu tri/Phụ trương-3
Bài đáp của cụ Nghị-trưởng viên
Nhơn-dân Đại-biểu Trung-kỳ
Thưa chị em,
Anh em chúng tôi chịu nhân dân nấy gánh mà dự kỳ hội đồng Trung-kỳ đại biểu nầy đã lấy làm thẹn, nay chị em lấy cái nghĩa đã làm đại biểu cho nhân dân, thì đàn bà cũng là nửa phần nhân dân mời chúng tôi tới Nữ công học hội, chị em mới lập đay, mà tỏ chút lòng hi vọng, chúng tôi lại thêm một lớp thẹn nữa.
Vậy có mấy lời xin ngỏ cùng chị em như sau nầy:
Người sinh ra đời có hai cái phạm vi to lớn không ai lọt ra ngoài được, một là thiên nhiên, hai là tập quán, tư chất có kẻ túi người sáng, kẻ mau người chậm, ấy là thiên-nhiên, mà tập rèn học hành, làm cho tối cũng sáng, chậm cũng mau được, ấy là tập quán, tập quán xấu chẳng nói làm gì, tập quán tốt thì có cái sức mạnh đánh hơn được thiên nhiên, mà làm cho xả hội được nên hạnh phúc.
Trước 20 năm, tôi đã có thấy người Nhật phát minh ra cái học thuyết Tả Thuận, nói rằng người trong đời theo cái lệ chung, thì tay mặt mạnh hơn tay trái, mà tay trái chỉ giúp cho tvy mặt mà thôi, (cũng có một số người thuận tay trái,) nếu cả loài người trong đời mà tay trái cũng thuận như tay mặt, thì công việc xả hội thêm được nhiều mà sự tấn tới trong nhân quần sẽ gấp bội vậy.
Lời nói nghe như mới mẻ quá, mà có lẽ có sự thật, xem như các nước văn minh Âu-Mỹ, công việc xã hội đàn ông đã đua bơi gánh vác, mà đàn bà cũng ra chen vai, không những học hành công nghệ, đàn bà cũng như đàn ông, mà lại đòi cái quyền tham dự như đàn ông nữa, đầu phiếu bầu cử, dự hội vân vân... tức như cuộc Âu chiến mới rồi, các công xưởng, các phòng giấy, nhiều chổ đàn bà làm chủ, thật là cái chứng cớ rõ rệt vậy.
Nước ta thuở xưa theo học thuyết nước Tàu nam tôn nữ ti nam ngoại nữ nội, có câu sanh nữ bất sanh nam, hoảng cấp bất khả sử. Và tục ta có câu: nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Lại có câu: vô phúc mới sinh ra con gái.
Những học thuyết chuyên chế của bọn đàn ông bày đặt ra, truyền nhiễm đã lâu, thành ra một cái tập quán xấu, gần như là việc xã hội là việc riêng của bọn mày râu mà bọn quần thoa không được dự... đã không được dự việc xã hội, nên không cần chi học hành, không cần chi giao thiệp, trí thức không trao đỗi nhau, công việc không liên hiệp nhau, tư cách càng đê hèn, mà công nghệ cũng không phát đạt, cái hại đầu từ trong gia đình mà ngầm ngầm tràng khắp trong xã hội. Hiện xã hội ta mà đến hư hại đê liệt thế nầy, từ bề ngoài mà xem thì hình như vì cái hư của đàn ông cả, mà xét kỹ bề trong, thì đàn ông hư năm sáu phần, mà đàn ba ba bốn phần, mà không có thễ chối cãi được (sự thực kể ra sau). Gần hai mươi năm nay, ngọn triều âu hóa đã tràn khắp nước ta, đàn ông đã hấp thụ tư tưỏng văn minh ít nhiều, mà cái sóng nữ quyền cũng dần dần nổi lên, làm cho cái học thuyết hủ lậu thủa nay, không thể tồn tại được, Trường nữ học đã khắp cả mọi nơi, mà báo giới văn đàn thỉnh thoảng đã thấy có bọn quần xoa xen vào một vài phần nghị luận, để tỏ lòng thương nòi yêu giống với quốc dân. Nữ giới nước Nam bị bọn đàn ông dang xảo đè ép đã mấy đời, nay mới mỡ mặt, dương mày, đem vai mà chen vào gánh xã hội, mới mẻ thật, mà cũng đáng trông thật.
Giữa đất Huế này chưa có hội gì mới, nay mới có Nữ-công-học-hội ra đời mấy tháng nay, nội-dụng chưa biết ra thế nào, song chĩ thấy cai tên, mà bọn mày râu đã sinh thẹn, tấm lòng sốt sắng của bà hội trưởng, cùng mấy chị em hội viên thực đáng quí hóa thay!
Song việc thiên hạ khỏi đầu thì khó, mà trì-cửu lại càng khó, muốn được hiệu quả về tương-lai, thì phải biết cái nguồn cơn dĩ-vãng cùng hiện-tại. Tôi nói ra có lẽ trái tai chị em, song thuốc đắng đỡ tật có lẻ chị em cũng sẵng lòng mà thứ cho. Trên nói hủ bại xã hội ta đàn ông sáu bãy phần, mà đàn bà cũng ba bốn phần là thế nầy:
Chị em nghĩ thử, có một cái xã hội mà mẹ không biết dạy con vợ không biết khuyên chồng chị không biết bảo em. cô không biết răn cháu, cái hại ra thế nào? con muốn làm đều phải, mà mẹ lại ngăn đi. chồng muốn làm đều phải mà vợ lại ngăn đi, em cùng cháu muốn làm đều phải mà cô với chị lại ngăn trở đi, cái hại ra thế nào?
Thậm chí làm con, làm chồng, làm em, làm cháu, bởi cái hành vi, cái tình thế của mẹ, của chị, của vợ, của cô, mà đến nỗi bại-tiếng hư-danh, việc ấy tôi cũng tầng thấy thế, mà ai có qui tội cho bọn quần thoa đâu? cũng là bọn mày râu chịu lấy cả. Gần đây lại thêm một cái phong thói mới, kìa bà nọ cô kia, nàng nầy, ả nọ, xuyến vàng đeo chật tay, thủy soạn đeo đầy ngực, hàng tây hàng tàu, sớm chay chiều bội, tam-hường tứ-sắc xì-lác bài-cào, của tiền tiêu như nước, của tiền ấy có phải là mồ hôi nước mắt của nòi giống, ta không?
Thế mà không những không ai nói đến, mà trong bọn thanh niên nữ-giới, đem lòng hâm mộ, muốn đeo đuổi theo nữa, có phải là một điều đáng buồn cho xã hội ta không?
Đương lúc nữ giới mới cũ dở-dàng như ngày nay. nên-nếp đạo-đức cần-kiệm tiết-hạnh của mấy Bà ta xưa, đã ngày một tiêu mòn, mà cái thói dở Á dở Âu, xa hoa lòa lẹt, lại càng ngày càng thạnh, nay chị em có lòng xã hội, mà lập ra hội nầy. Bạn chăn yếm mà có khi mày-râu. không khác nào đi dữa miền sa-mạc mà thấy một vùng cây cỏ tốt xanh, đi chưa tới nơi mà trông thấy sinh lòng vui vẻ vậy, chúng tôi mong rằng hội của chị em mỗi ngày mỗi tấn tới, lấy cái tập quán tốt đánh hơn cái thiên nhiên, để thêm một tay chủ trì giúp công việc cho xã hội, thì hội nầy không những làm gương cho bọn quần thoa, mà chính lại là bồi đắp trong nền nhân dân đại biểu của chúng tôi vậy.
Nghị trưởng Trung-kỳ nhân-dân-đại-biểu-viện.
HOÀNG-THÚC-KHÁNG soạn
Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng ở Hoa Kỳ vì nó được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929.
Tác giả mất năm 1947, do đó tác phẩm này cũng thuộc phạm vi công cộng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền là cuộc đời tác giả và 75 năm sau khi tác giả mất hoặc ngắn hơn. Tác phẩm này có thể cũng thuộc phạm vi công cộng ở các quốc gia và vùng lãnh thổ có thời hạn bảo hộ bản quyền dài hơn nhưng áp dụng luật thời hạn ngắn hơn đối với các tác phẩm nước ngoài.