Bước tới nội dung

Nam Hải dị nhân liệt truyện/15

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

15*. — Đào-duy-Từ

Đào-duy-Từ người Ngọc-sơn tỉnh Thanh-hóa, cha là Đào-tá-Hán vốn dòng con hát. Khi Duy-Từ sinh ra, thông minh dĩnh dị, học thông kinh sử; làm văn hay, thuật-số, sấm-vĩ, đều tinh hiểu cả. Ra ứng hương-thi đời nhà Lê, quan trường cho là con nhà hát xướng đánh hỏng. Duy-Từ bực mình trở về. Nghe đức Thái-tổ triều Nguyễn ta có lòng yêu kẻ hiền-sĩ, nhiều người về theo, bèn quyết chí vào trong Nam.

Nghe thấy quan Khám-lý Trần-đức-Hòa ở Qui-nhân là người nhà chúa thân tin, mới đi vào Qui-nhân, ở chăn trâu cho một nhà giàu ở Tùng-châu.

Một hôm, phú-ông mở tiệc rượu, mời các danh-sĩ đến uống rượu làm thơ. Xế chiều, Duy-Từ chăn trâu về, thấy các danh-sĩ đương bàn luận, Duy-Từ cầm roi vào đứng trước án, cùng các danh-sĩ bàn luận cổ, kim, cùng là bách gia kinh sử, đều thông suốt cả; cả tiệc đều thất kinh. Phú-ông lấy làm kỳ dị, mới nói truyện với Đức-Hòa. Đức-Hòa đến hỏi truyện Duy-Từ thấy là người học-vấn rộng, kiến thức nhiều, bèn mời đến nhà dạy học, gả con gái cho.

Duy-Từ thường ngâm bài ca Ngọa-long-cương, diễn ra ca quốc-âm, là có ý tự tỉ với Gia-cát-Lượng. Đức-Hòa trông thấy nói rằng: « Duy-Từ có lẽ là Ngọa-Long đời nay chăng? »

Triều đức Hy-tôn thứ 14 năm Đinh-mão, Đức-Hòa vào yết kiến, dâng bài ca Ngọa-long-cương, tâu rằng: « Bài ca đó là của thầy đồ dạy học nhà tôi có tên là Đào-duy-Từ làm ra. »

Đức Hy-tôn xem lấy làm lạ, lập tức cho đòi vào yết kiến.

Khi Duy-Từ vào, thấy đức Hy-tôn mặc áo trắng, đi giầy xanh, đứng đợi ở cửa dịch-môn. Duy-Từ lùi lại không vào. Đức Hy-tôn biết ý, bèn chỉnh áo mũ đòi vào yết kiến. Duy-Từ trần thuyết, đức Hy-tôn cả mừng nói rằng: « Ngươi lại đây sao muộn vậy? Liền cho làm Nha-úy nội-tán, tước Lộc-khê hầu, kiêm quản cả việc quân cơ trong ngoài, thường triệu vào hầu trong, bàn định quốc chính.

Năm Kỷ-tị, Trịnh-Tráng mưu muốn vào xâm trong Nam, bèn sai Nguyễn-khắc-Minh cầm tờ sắc-thư vào trước tấu phong đức Hy-tôn làm Thái-phó quốc-công, và giục ngài ra Đông-đô, để đi đánh giặc. Đức Hy-tôn hội quần-thần lại bàn. Duy-Từ tâu rằng: « Đó chẳng qua là họ Trịnh mượn sắc mệnh vua Lê, để lừa ta ra. Nếu nhận sắc-thư mà không ra, thời kẻ kia có lẽ bẻ mình được; nếu không nhận, thời kẻ kia ắt động binh vào đánh. Đã sinh hiềm khích ra, thì không phải là phúc cho đâu. Vả lại ta thành quách chửa bền, quân sĩ chửa luyện, lấy gì mà chống chế với quân thù địch. Không gì bằng hãy nhận lấy sắc-thư, cho họ không ngờ; để ta được chuyên ý sửa sang bờ cõi cho kiên cố; rồi sau dụng kế trả lại sắc-thư, thì kẻ kia không làm gì ta được nữa. »

Đức Hy-tôn theo lời, nhận lấy sắc-thư hậu đãi sứ-giả cho về.

Duy-Từ lại khuyên đức Hy-tôn từ rầy không nộp thuế má cho họ Trịnh nữa, và tâu xin phái dân-binh đắp lũy Trường-dục, tự chân núi Trường-dục đến bãi Hạc-hải, để phòng thủ bờ cõi.

Duy-Từ lại tâu xin làm một cái mâm đồng hai đáy, để tờ sắc-thư vào giữa, rồi sắp phẩm-vật đựng trên mâm, sai Lại-văn-Khuông đem ra Đông-đô tạ ân, Duy-Từ lại nghĩ sẵn mười điều vấn, đáp, dặn Văn-Khuông trước.

Khi Văn-Khuông đến Đông-đô, Trịnh-Tráng đòi vào hỏi, Văn-Khuông biện bác không chịu khuất; Tráng cả sợ, đãi Văn-Khuông rất hậu. Văn-Khuông hiến mâm phẩm-vật, rồi lẻn ra về.

Đến khi Trịnh-Tráng sai tách đáy mâm, thấy có một tờ sắc-thư và một cánh thiếp đề chữ rằng: « Mâu nhi dịch , mịch phi kiến tích , ái lạc tâm tràng lực lai tương địch 敵. »

Tráng hỏi các bày tôi, không ai biện ra nghĩa gì, chỉ có quan Thiếu-úy Phùng-khắc-Khoan đoán ra là chữ « dư bất thụ sắc  ».[1]

Tráng cả giận, sai người đuổi theo Văn-khuông, thì đã đi xa rồi. Tráng muốn đem binh vào đánh, gặp khi ấy Cao-bình, Hải-dương có giặc, bèn thôi.

Năm ấy Duy-Từ lại tâu xin đem quân ra lấy Nam-bố-chính châu, chiếm đất từ sông Linh-giang giở vào, tuyển dân đặt ra binh-thuyền 24 đội.

Năm Tân-mùi, Duy-Từ lại tâu xin đắp một cái lũy dài tự cửa bể Nhật-lệ đến núi Đâu-mâu, cao 1 trượng 5 thước dài hơn 3000 trượng, (tục gọi là lũy Thầy) tiệt nhiên là một chốn hiểm yếu ngăn trong Nam ngoài Bắc.

Duy-Từ lại đặt ra phép tuyển-duyệt, để kén kẻ đinh tráng, lập ra phép khảo-thí, để thu kẻ nhân-tài.

Một hôm, Duy-Từ nằm mộng thấy có con hổ đen tự phương Nam chạy vào, chợt lại sinh hai cánh mà bay lên được. Sực tỉnh dậy thì thấy Nguyễn-hữu-Tiến mặc áo thâm, cầm quạt cánh từ ngoài vào, đứng hầu ở dưới thềm. Duy-Từ thấy người trạng mạo phi thường, hỏi bao nhiêu tuổi, thì nói là tuổi Nhâm-dần. Duy-Từ mới hỏi truyện, lấy làm trọng lắm, cho là hợp với mộng, rồi tiến lên làm đến Tiết-chế, tướng lược rất giỏi, ngoài Bắc-hà vẫn gọi Nguyễn-hữu-Tiến là Nam-triều hổ tướng.

Duy-Từ phụ chính 8 năm, huân nghiệp rỡ rệt, có làm ra sách Hổ-tướng su-cơ tập, Ngọa-long-cương ngâm, thọ được 63 tuổi, thực là đầu bạc công-thần triều Nguyễn ta.

   




Chú thích

  1. Nghĩa là chữ mâu mà không có phẩy (ノ) là chữ dư (予), chữ mịch (覓) mà bỏ chữ kiến (見) là chữ bất (不), chữ ái (愛) mà bỏ chữ tâm (心) là chữ thụ (受), chữ lai (來) ngang cùng chữ lực (力) là chữ sắc (勅).