Nam Hải dị nhân liệt truyện/16

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

16*. — Trịnh-hoài-Đức

Trịnh-hoài-Đức trước tên là An, tên chữ là Chỉ-sơn, hiệu là Cấn-trai. Tổ tiên trước là người Phúc-kiến, vốn dòng dõi họ nhà quan, đời ông tổ gặp lúc nhà Thanh mới khai sáng, không chịu theo kết bím, để tóc sang nước Nam ở đất Trấn-biên. Cha là Khánh, học giỏi, chữ đại-tự tốt, đánh cờ tướng cao, có danh tiếng ở đời bấy giờ. Triều đức Thế-tôn, Khánh quyên làm chức cai-thu ở An-trường, sau thiên làm cai-đội ở trường Qui-nhân, Qui-hóa, Bản-canh, rồi mất.

Khi ấy Hoài-Đức mới lên 10 tuổi, dốc lòng chăm học, bấy giờ gặp thời buổi nhiễu-nhương, người mẹ mới đem Hoài-Đức đến ở Phiên-trấn, cho theo học ông xử-sĩ Võ-trường-Toản, học càng ngày càng giỏi.

Năm Mậu-thân, đức Thế-tổ về thu phục được thành Gia-định, Hoài-Đức bèn cùng với Lê-quang-Định ra ứng-cử, được bổ làm Hàn-lâm viện chế-cáo. Sang năm sau, làm quan Điền-tuấn huyện Tân-bình, khuyên dân chăm chỉ việc nông, tang. Sau lại theo làm việc bộ Hình, xét nghĩ văn án, luyện tập chính sự, càng ngày càng giỏi.

Rồi lại sung làm Đông-cung Thị-giảng, theo Đông-cung ra trấn-thủ thành Diên-khánh, (tức Khánh-hòa). Đến khi Đông-cung tiến binh ra Phú-an, Hoài-Đức dự bàn giúp việc cơ-mật.

Năm Giáp-dần, Hoài-Đức làm Ký-lục doanh Trấn-ninh, rồi lại thăng làm Hộ-bộ Hữu tham-tri. Năm Tân-dậu, Hoài-Đức coi việc thu thuế thóc ở Quảng-nam, Quảng-nghĩa để cấp cho quân, sau lại cùng Nguyễn-văn-Thành coi về việc Hộ. Tháng năm, được thăng làm Hộ-bộ Thượng-thư (Nguyễn triều ta có lục bộ Thượng-thư bắt đầu từ đấy), sung chức chính-sự, cùng với Binh-bộ Tham-tri Ngô-nhân-Tĩnh, Hình-bộ Tham-tri Hoàng-ngọc-Uẩn sang sứ nhà Thanh, đệ tờ quốc-thư, phẩm vật, và đem nộp cả ấn sách của Tàu phong cho Tây-sơn, cũng giải nộp lũ tướng giặc bể là Đông-hải vương Mạc-quan-Phù, Thống-binh Lương-văn-Canh, Lương-văn-Tài. Tháng bảy mới sang đến Hổ-môn quan; quan Tổng-đốc lưỡng Quảng là Giác-Là-Cát-Khánh tâu lên vua Tàu, vua Tàu truyền dụ cho đưa sứ-bộ đến Quảng-tây, rồi vào Bắc-kinh.

Khi ấy đức Thế-tổ vừa ra bình định xong Bắc-hà, lại sai Binh-bộ Thượng-thư Lê-quang-Định sang sứ cầu phong. Bọn sứ bộ Trịnh-hoài-Đức còn đợi ở Quảng-tây, tháng tư năm Gia-long thứ hai, cả hai bọn sứ bộ, cùng tự Quảng-tây đi thuyền qua Hồ-bắc đến Hán-khẩu, rồi lên bộ qua Vạn-lý tràng-thành, qua cửa Cổ-bắc, tháng tám đến sông Nhiệt-hà (thuộc Mãn-châu, các sứ bộ đời nhà Lê chửa từng đến đấy bao giờ), vào bệ kiến vua Gia-khánh ở nơi hành-tại. Rồi lại cùng với sứ Tàu sang tuyên-phong là Án-sát Quảng-tây Tề-bố-Sâm, tự cửa Nam-quan trở về nước. Khi về lại vẫn lĩnh chức bộ Hộ, rồi vào làm Hiệp-trấn Gia-định, lại thăng làm Lễ bộ, Lại bộ Thượng-thư.

Đến năm đức Thánh-tổ lên ngôi, Hoài-Đức thường nhân việc ngăn gián tỏ lòng trung thành, Thánh-tổ đều nghe theo cả. Rồi lại được thăng làm Hiệp-biện đại-học-sĩ, kiêm lĩnh Lại-bộ, Binh-bộ Thượng-thư. Bấy giờ các quan văn chửa có ai được thụ hàm nhất phẩm bao giờ, Hoài-Đức mới được thụ hàm Hiệp-biện là một. Khi tại chức bàn tán giúp việc quân quốc rất nhiều.

Hoài-Đức là người cẩn thận, phong độ trầm tĩnh, học vấn rộng rãi, bàn bạc điều gì vẫn giữ đại thể. Đức nghiệp văn chương ông ấy, người đời đều tôn trọng cả. Hoài-Đức có làm sách Gia-định thông-chí, Cấn-trai thi-tập, Bắc-sứ thi-tập, Gia-định Tam-gia thi-tập.[1] Khi mất 61 tuổi, truy tặng Thiếu-phó cần-chính điện đại-học-sĩ, thực là một bậc danh-thần, trải hai triều vua đều quyến cố cả.

   




Chú thích

  1. Trịnh-hoài-Đức và Lê-quang-Định, Ngô-nhân-Lĩnh, là ba nhà làm thơ.