Nam Hải dị nhân liệt truyện/17

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

CHƯƠNG THỨ III

Các bậc danh-hiền

17. — Mạc-đĩnh-Chi

Mạc-đĩnh-Chi tự là Tiếu-phu, người làng Lũng-đỗng, huyện Chí-linh (Hải-dương), nguyên về dòng dõi quan Thượng-thư Mạc-hiển-Tích về triều nhà Lý, (Hiển-Tích đỗ Trạng-nguyên đời vua Trung-tôn nhà Lý, làm đến Lại-bộ Thượng-thư).

Tục truyền làng Lũng-đỗng có một thung rừng rậm, cây cối bùm tum, lắm giống hầu (con khỉ) ở. Mẹ ông ấy thường khi vào rừng kiếm củi, phải con hầu to bắt hiếp. Về nói với chồng, chồng ăn mặc giả làm đàn bà, giắt sẵn con dao sắc vào rừng, con hầu quen thói lại ra, bị ông kia chém chết bỏ thây ở đấy. Sáng mai ra xem thì thấy mối đã đùn đất lấp hết, thành một gò mả.

Bà kia từ đấy thụ thai, đủ tháng, sinh ra Mạc-đĩnh-Chi, mặt mũi xấu xí, người nhỏ loắt choắt tựa như giống hầu.

Ông cha đến lúc gần mất, dặn lại táng lên trên mả con hầu, vì biết chỗ ấy là chỗ đất kết. (Ngôi mả đến giờ vẫn còn)

Mạc-đĩnh-Chi nhớn lên bốn năm tuổi, tư chất thông minh hơn người. Bấy giờ Hoàng-tử là Chiêu-quốc-công mở trường dạy học-trò. Đĩnh-Chi vào học. Đến năm gần 20 tuổi, là năm Giáp-thìn đời vua Anh-tôn nhà Trần, Đĩnh-Chi thi đình, văn đáng đỗ đầu cả mọi người, nhưng vua trông thấy người hình dạng xấu xa, toan không cho đỗ Trạng-nguyên. Đĩnh-Chi làm một bài phú « Ngọc-tỉnh-liên » để ví vào mình, vua mới lại cho đỗ Trạng-nguyên.

Khi Đĩnh-Chi phụng mệnh sang sứ nhà Nguyên bên Tàu, đã hẹn ngày với người Tàu đến hôm ấy thì mở cửa ải, vì gặp phải giời mưa gió sai hẹn, người Tàu đóng cửa không cho vào. Đĩnh-Chi nói tử tế xin cho mở cửa. Người Tàu ra một câu đối tự trên ải ném xuống, và bảo hễ đối được thì mở cửa.

Câu ra:

« Quá quan trì, quan quan bế; nguyện quá-khách quá quan. »[1]

Đĩnh-Chi viết ngay một mảnh giấy đối lại đưa lên:

« Xuất đối dị, đối đối nan; thỉnh tiên-sinh tiên đối. »[2]

Người Tàu khen có tài nhanh nhẩu, mới mở cửa ải cho vào. Khi đến cửa Yên-kinh, người Tàu thấy xấu xa, có bụng khinh bỉ. Một hôm, quan Tể-tướng Tàu mời vào phủ-đường ngồi chơi. Đĩnh-Chi trông thấy trên bức trướng có thêu con chim-sẻ vàng đậu trên cành trúc, tưởng là con chim thực, đứng dậy chạy lại bắt. Người Tàu cười ầm cả lên, Đĩnh-Chi xé tan ngay bức trướng ấy ra.

Chúng ngạc nhiên hỏi cớ làm sao thì thưa rằng:

— Tôi có nghe người ta thường vẽ chim-sẻ đậu cành mai, không ai vẽ đậu cành trúc bao giờ. Nay Tể-tướng sao lại cho vẽ thế? Trúc là giống cây quân-tử, chim sẻ là loài vật tiểu-nhân, vẽ thêu như thế, thì cho tiểu-nhân ở trên quân-tử, tôi e rằng đạo tiểu-nhân mỗi ngày thịnh lên, mà đạo quân-tử mỗi ngày mòn đi, nên tôi trừ giúp cho thánh-triều đấy thôi.

Chúng chịu là biện bác có lẽ.

Đến khi vào chầu, nhân có ngoại-quốc dâng một đôi quạt quí. Vua sai Đĩnh-Chi và một người sứ Cao-ly, mỗi người đề một bài tán vào quạt.

Sứ Cao-ly làm xong trước.

Nhời tán rằng:

« Uẩn long trùng trùng, Y-Doãn, Chu-Công, Vũ tuyết thê thê, Bá-Di Thúc-Tề. »[3]

Bấy giờ Mạc-đĩnh-Chi chưa nghĩ ra ý tứ làm sao, nhác trông sang quản bút bên kia viết, biết là nhời nhẽ như thế, mới suy ra mà đề một bài như sau này:

« Lưu kim thước thạch thiên địa vi lô; nhĩ ư tư thời hề, Y Chu cự-nho! Bắc phong kì lương, vũ tuyết tái đồ; nhĩ ư tư thời hề, Di, Tề ngã-phu; Y! dụng chỉ tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ hữu thị phù? »[4]

Đề xong dâng lên, vua Tàu cầm bút khuyên chữ Y, phê rằng: « Lưỡng quốc trạng-nguyên » (Nghĩa là trạng-nguyên hai nước.)

Thường khi cưỡi lừa đi đường, chạm phải ngựa của người Tàu. Người kia đọc lên một câu rằng:

« Súc ngã kị mã, Đông-di chi nhân dã! Tây-di chi nhân dã! »[5]

Đĩnh-Chi ứng khẩu đối rằng:

« Át dư thừa tư, Nam phương chi cường dư! Bắc phương chi cường dư! »[6]

Lại thường đối đáp với người Tàu, Tàu ra rằng:

« An, nữ, khứ; thỉ nhập vi gia. »[7]

Đối rằng:

« Tù, nhân xuất; vương lai thành quốc. »[8]

Người Tàu phê rằng:

— Con cháu về sau, tất có người làm đến đế vương, nhưng hiềm về chữ quốc đơn, thì hưởng nước không được tràng cửu mấy nỗi.

Lại ra:

« Nhật hỏa vân yên; bạch chủ thiêu tàn ngọc thỏ. »[9]

Đối:

« Nguyệt cung tinh đạn; hoàng hôn xạ lạc kim-ô. »[10]

Người Tàu phê rằng:

— Con cháu về sau, tất có người cướp nước. (Mạc-đăng-Dung giết vua Lê cướp nước.)

Lại ra:

« Li, vị, võng, lưỡng, tứ tiểu quỉ. »[11]

魑 魅 魍 魎 四 小 鬼

Đối:

« Cầm, sắt, tì, bà, bát đại vương. »[12]

琴 瑟 琵 琶 八 大 王

Tàu phê rằng:

— Đời sau được làm phúc-thần, hưởng người ta tế bái. (Về sau quả nhiên làm thành-hoàng làng Cổ-trai.)

Lại ra:

« Điểu tập chi đầu đàm Lỗ-luận: Tri chi vi tri chi, bất trí vi bất tri, thị tri! »[13]

Đối:

« Oa minh trì thượng độc Châu-thư: Lạc dữ tiểu lạc nhạc lạc dữ chúng lạc nhạc, thục lạc? »[14]

Lại ra:

« Lạc-thủy thần-qui đan ứng triệu, thiên số cửu, địa số cửu, cửu cửu bát thập nhất số, số số hỗn thành tam đại đạo, đạo hợp Nguyên-thủy thiên-tôn, nhất thành hữu cảm. »[15]

Đối:

« Kì-sơn minh phụng lưỡng trình tường, hùng thanh lục, thư thanh lục, lục lục tam thập lục thanh, thanh thanh ưởng triệt cửu trùng thiên, thiên sinh Gia-tĩnh hoàng-đế, vạn thọ vô cương. »[16]

Một khi bà Hoàng-hậu ở Tàu mất, vua Tàu sai ông Mạc-đĩnh-Chi vào đọc văn-tế. Đến lúc quì xuống cầm bản văn đọc thì chỉ thấy một tờ giấy trắng, có bốn chữ nhất (一) mà thôi. Đĩnh-Chi không nghĩ ngợi gì, đọc ngay rằng:

« Thanh thiên nhất đóa vân, hồng-lô nhất điểm tuyết, ngọc uyển nhất chi hoa, giao-trì nhất phiến nguyệt. Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết. »[17]

Bài văn ấy còn chép vào sử Tàu. Người Tàu ai cũng chịu tài ứng biến nhanh.

Tục truyền rằng Mạc-đĩnh-Chi ở Tàu, ai cũng chịu là người tài, mà xét đến tướng mạo, thì không có gì làm quí cách, mới cho người rình, lúc đi đại-tiện thấy tiện ra hình vuông, mới biết có ẩn tướng ở đấy.

Đến lúc đi sứ về, người Tàu lại theo sang xem địa-lý, xem đến ngôi mộ thân phụ ông ấy, chịu là ngôi đất hay và có nói rằng ngôi mộ ấy hình thế rất đẹp, chỉ hiềm không có nước tụ, thiếu mất hổ-thủy, cho nên quí mà vẫn nghèo.

Đĩnh-Chi làm quan liêm quá, vua Minh-tôn biết tính ông ấy; thường sai người đem 10 quan tiền, rình lúc tối bỏ vào cửa nhà ông ấy. Sớm mai, Đĩnh-Chi vào tâu ngay với vua, xin bỏ tiền ấy vào kho.

Vua bảo rằng:

— Tiền ấy không có ai nhận, thì cho ngươi cứ việc mà tiêu.

Bấy giờ Đĩnh-Chi mới lấy, đại để thanh liên như thế cả. Đến triều vua Hiến-tôn, làm nên đến chức Tả-bộc-xạ (Tể-tướng). Văn-chương lưu truyền lại về sau rất nhiều, mà bài nào cũng vui thích cho tai mắt người ta cả. Vả lại có đức hiền-hậu, cho nên để phúc mãi đến đời con cháu. Con ông ấy là Khản, Trực, cũng làm đến Viên-ngoại-lang. Cháu là Địch, Toại, Viễn, cùng có quyền thế làm quan đương lúc nhà Minh cai trị. Đời cháu chắt thiên sang ở làng Cổ-trai huyện Nghi-dương, thì có Đăng-Dung là cháu bảy đời ông ấy làm vua nhà Mạc.

Nhà Mạc lên làm vua, truy phong Đĩnh-Chi làm Huệ-việt linh-thánh đại-vương, bây giờ ở làng ấy còn thờ làm phúc-thần.

   




Chú thích

  1. Quá ải chậm, người coi ải đóng ải, mời khách qua đường qua ải mà đi.
  2. Ra đối dễ, làm lại đối khó, xin ông sinh trước đối trước đi cho.
  3. Đang lúc nắng nẫu nực, thì như ông Y-Doãn, ông Chu-Công (ý là đắc dụng với thời). Đến khi mưa tuyết lạnh ngắt, thì như ông Bá-Di, ông Thúc-Tề (ý là xếp xó một chỗ).
  4. Nắng chẩy vàng tan đá, giời đất như lò lửa, người về lúc ấy ví như Y, Chu hai ông quan to, gió bắc lạnh lẽo, mưa tuyết lấp đường, người về lúc ấy ví như Di, Tề hai người chết đói. Than ôi! Khi dùng đến thì ra, khi không dùng đến thì cất đi, chỉ ta với ngươi được thế thôi.
  5. Chạm vào ngựa của ta cưỡi ấy là người Đông-di hay người Tây-di?
  6. Chắn đường lừa của ta đi, thử xem người phương Nam khỏe hay là người phương Bắc khỏe?
    Câu ra thì dùng chữ sẵn ở sách Mạnh-tử, câu đối thì dùng chữ ở sách Trung-dung cho nên hay mà tài.
  7. Chữ an (安) bỏ chữ nữ (女), chữ thỉ (豕) vào thì là chữ gia (家).
  8. Chữ tù (囚) bỏ chữ nhân (人), chữ vương (王) đến thì là chữ quốc (囯).
  9. Lửa mặt giời, khói đám mây, ngày trắng đốt tàn con thỏ ngọc.
  10. Cung mặt nguyệt, đạn ngôi sao, chiều hôm bắn rụng cái ô vàng.
  11. Bốn chữ LI VỊ VÕNG LƯỠNG cùng có chữ QUỈ
  12. Bốn chữ CẦM SẮT TÌ BÀ mỗi chữ đều có hai chữ VƯƠNG thành tám.
  13. Chim đậu cành đọc sách Luận-ngữ, có câu chi-tri... (Nghĩa là điều gì biết thì cho là biết, điều gì không biết thì cho là không biết, thế mới là biết). Có ý chê là tiếng nói như tiếng chim.
  14. Ếch kêu trong ao học sách Mạnh-tử, có câu: Lạc dữ... (Nghĩa là nhạc cùng với nhiều người vui nhạc cùng với ít người vui, thì đằng nào vui?) Có ý chê lại người Tàu nói như tiếng ếch.
  15. Con rùa sông Lạc báo triệu tốt, số giời chín, số đất chín, chín chín thành tám mươi mốt số, số số hợp thành ba đạo nhớn, đạo hợp với Nguyên-thủy thiên-tôn, bởi một bụng thành cảm cách lên.
  16. Con phụng núi Kì trình điềm hay, tiếng đực sáu, tiếng cái sáu, sáu sáu thành ba mươi sáu tiếng, tiếng tiếng suốt đến chín từng giời, giời sinh ra Gia-tĩnh hoàng-đế, cho muôn tuổi thọ dài lâu mãi.
  17. Một đám mây trên giời xanh, một giọt tuyết trong lò đỏ, một cành hoa vườn thượng-uyển, một vầng giăng ao Giao-trì. Than ôi! Mây rã, tuyết tan, hoa tàn, giăng khuyết.