Nam Hải dị nhân liệt truyện/37
37. — Lê-văn-Duyệt
Lê-văn-Duyệt tổ-tích nguyên người Quảng-nghĩa, cha là Toại, thiên cư vào ở Định-tường, sinh được 4 giai, Duyệt là con trưởng. Khi sinh ra vốn người ái-nữ, hình thể ngắn ngủi, nhưng có tài tinh nhanh, sức khỏe mạnh. Khi 14 15 tuổi, thường than rằng: « Sinh ở đời loạn, mà không hay kéo cờ gióng trống làm đại-tướng, để lưu công danh ở sử sách, thì không phải là tài giai. »
Năm Canh-tí, đức Thế-tổ lên ngôi vua tại Gia-định, Duyệt mới 17 tuổi, được sung vào làm Thái-giám nội-đình, sau được thăng làm cai-cơ, quản hai đội quân thuộc-nội, theo hầu đức Thế-tổ sang Xiêm-la.
Năm Đinh-mùi, đức Thế-tổ về thu phục Gia-định, Duyệt thường theo đi chiến trận, cùng chư-tướng bàn-luận việc binh, đức Thế-tổ thấy vậy lấy làm trọng, thung dung hỏi rằng: « Ngươi cũng biết việc binh à? » Duyệt thưa rằng: « Biết ». Đức Thế-tổ nói: « Binh-cơ là việc lớn, ngươi sao nói khinh dị làm vậy? » Duyệt thưa: « Sơn-tặc là quân vô-đạo không bao lâu nữa cũng tự-diệt mà thôi. Nay ta lấy người nhân mà đánh kẻ bạo, thế như chẻ tre, tôi không cho gì làm khó cả ».
Nhân xin mộ binh theo về cánh Tả-quân, rồi phụng mệnh ra đánh Qui-nhơn, được thăng làm thuộc-nội vệ-úy, theo về quân Thần-sách.
Năm Kỷ-mùi, đức Thế-tổ sai Duyệt và Tống-viết-Phúc đem quân ra án ngữ Bình-đề. Khi ấy đức Thế-tổ nghe tin có mấy vạn quân Tây-sơn kéo vào đánh, ngài sai Trung-sứ ra hỏi tình trạng Duyệt cùng Viết-Phúc tâu rằng: « Có hai chúng tôi ở đây, chẳng lo sợ gì giặc. » Lại trỏ núi trước mặt nói rằng: « Đây là chốn hai chúng tôi cùng liều sống thác với giặc đó. » Trận ấy quả nhiên thu phục được Qui-nhơn.
Năm sau, tướng Tây-sơn lại vào vây Qui-nhân, quan quân ra cứu viện chỉ lênh đênh ngoài bể, không đánh vào được cửa bể Thi-nại. đức Thế-tổ muốn dùng chước hỏa-công, bèn sai Duyệt cùng Võ-di-Nguy đem thủy-quân xông vào đánh, quân giặc ở trên đồn bắn xuống như mưa, Di-Nguy bị đạn ngã lăn xuống nước. Duyệt cũng không đoái lại nhìn chi, chỉ gia sức xông vào mà đánh. Đức Thế-tổ thấy tướng-sĩ chết hại nhiều, ba lần cho tên tiểu-sai truyền dụ bảo Duyệt tạm lui quân. Duyệt nhất định xin liều chết mà đánh, bảo tên tiểu-sai rằng: « Tôi xin cứ tiến vào, chớ không lui. » Liền thúc quân xông vào cửa bể, thuận gió tung lửa ra đốt hết thuyền giặc. Trận này ở sử cho là một trận võ-công đệ-nhất, khi ấy là 19 tháng riêng năm Tân-dậu.
Bấy giờ các tướng khuyên đức Thế-tổ đem quân ra đánh úp Phú-xuân, nhưng ngài còn dùng dằng chửa quyết, Duyệt tâu rằng: « Việc binh quí hồ thần tốc, mưu mô cốt phải quả quyết. Nay đóng quân mãi ở đây, thời mỏi mệt mà vô công; tiến ra lấy được Phú-xuân, thời thành Bình-định này không phải đánh mà tức khắc giải vây; đó là một trước đánh cờ thí xe vậy ». Đức Thế-tổ nghe lời, quả nhiên thu phục được Phú-xuân.
Năm Nhâm-tuất, Gia-long nguyên niên, Duyệt được thăng làm Khâm-sai chưởng Tả-quân doanh Bình-sơn tướng quân, tước quận-công, cùng Lê-chất đem binh-bộ đi tiên phong, dẹp yên Bắc-hà.
Khi ấy có vua Chân-lạp là Nặc-chân phải Xiêm-la đánh đuổi, chạy sang Gia-đinh. Đức Thế-tổ cho Duyệt vào làm Tổng-chấn Gia-định, để điều đình xử chí việc Xiêm, Lạp, và đưa Nặc-chân về nước. Duyệt tâu xin đắp thành Nam-vang (Pnom-Penh), thành Lư-yêm để lưu quân bảo hộ Chân-lạp.
Trước kia Duyệt vốn là tì-tướng, thường phải theo tiết chế Nguyễn-văn-Thành. Lúc lâm trận, tính Thành hay trì trọng, mà Duyệt thì quả cảm hăng hái, thường lập được công to, uy danh lừng lẫy cũng bằng Thành. Nhưng Thành ghét Duyệt là người quyến giới, bởi thế hai người không hòa với nhau.
Khi ấy có người Thanh-hóa là Nguyễn-hựu-Nghi trước làm môn-khanh Nguyễn-văn-Thành, vì phải quở trách, trốn sang làm môn-hạ Duyệt. Nghi lại sai tên Nguyễn-trương-Hiệu sang theo hầu Thuyên là con Thành, để rình xem Thuyên làm những điều gì. Sau Hiệu lấy được một bài thơ đem đưa cho Nghi. Nghi nói với Duyệt rằng: « Con Thành là Thuyên làm thơ chiêu dụ người đồng quận, lời rất bội nghịch. » Duyệt tin lời Nghi, mật đem bài thơ ấy tâu vua; việc án Thuyên gây ra từ đó.
Năm Minh-mệnh nguyên niên, Duyệt lại vào trấn thủ Gia-định, dẹp yên giặc sư Kế ở Chân-lạp.
Năm Minh-mệnh thứ 13, Duyệt thấy ngoài Bắc-thành, chia thành tỉnh, bãi chức Tổng-trấn; chỉ duy Thành Gia-định còn có Duyệt cho nên chưa bãi. Duyệt nghĩ mình già yếu, dâng sớ xin từ chức, vua không cho.
Ngày 30 tháng 7 năm ấy, (1832) Duyệt mất, thọ 69 tuổi. Duyệt làm việc hay tự chuyên, dụng hình hay quá lạm. Nhưng một lòng báo quốc, phấn chấn chẳng nghĩ chi đến mình, vậy nên được lòng kẻ tướng-sĩ, đem quân đi đánh, không thua trận nào.
Thủy chung bốn lần đi dẹp giặc mán Vách-đá ở Quảng-nghĩa, quân mán rợ đều khiếp sợ uy phong, hễ kéo quân đến thì giặc mán đều tan trốn cả.
Khi ra kinh lược Thanh, Nghệ, những kẻ đào-phạm ở Bắc-thành cùng kẻ thổ-tù ở mặt thượng-đạo đều về đầu thú.
Hai lần trọng trấn Gia-định, hưng lợi, trừ hại, dẹp giặc, yên dân, uy danh lừng lẫy, người Xiêm khiếp sợ, hễ khi nào có sứ bộ sang, thì người Xiêm lại hỏi thăm rằng: « Lê-công có được mạnh khỏe không? »
Duyệt mất rồi, thành Gia-định đổi tên là Phiên-an, đặt ra Tổng-đốc, Bố-chính, Án-sát, Lãnh-binh. Khi ấy Bố-chính là Bạch-xuân-Nguyên sách nhiễu tham lam, tự xưng là phụng mật-chỉ truy xét việc riêng của Duyệt, sai bắt lũ Lê-văn-Khôi[1] là bộ-hạ Duyệt để tra hỏi. Khôi sợ phải tội, mưu làm phản; đêm hôm 18 tháng 5 năm Minh-mệnh thứ 14, Khôi ngầm dụ đảng lính Bắc-thuận[2] 27 người vào thành giết Bố-chính Bạch-xuân-Nguyên, và Tổng-đốc Nguyễn-văn-Quế, chiếm giữ thành Phiên-an. Quan quâ đánh mãi không phá được, đến năm Minh-mệnh thứ 16 mới dẹp yên. Đức Minh-mệnh truy trách là tại Duyệt nuôi lũ phỉ-đảng để gây nên vạ. Các quan nội-các đều dâng sớ kể tội Duyệt. Đình-thần nghĩ xử kết án Duyệt đáng tội chảm 7 điều, tội giảo 2 điều. Sau xử án Duyệt phải truy đoạt quan tước, cuốc phẳng mộ-địa, dựng bia đề tám chữ: « Quyền yêm Lê-văn-Duyệt thụ pháp xứ. » Con nuôi và cháu là Hán, Yên Tề đều phải xử tử.
Mộ Duyệt ở Gia-định, từ đấy thường khi giời tối, đêm khuya, trong mộ hình như có tiếng quỉ khóc, hoặc tiếng người, tiếng ngựa ồn ào, nhân dân ở đấy không ai dám đến gần. Đến sau sai quan địa-phương bỏ cái bia dựng ngày trước đi, và cho con cháu được xây mộ lại, thì tiếng khóc ban đêm mới thôi.
Chú thích
- ▲ Là thổ-mục Cao-bình, mộ binh theo Duyệt vào Gia-định, làm Phó-vệ-úy.
- ▲ Là những thú-đinh ngoài Bắc, Duyệt mộ làm lính cơ ở Bắc-thuận.