Bước tới nội dung

Nam Hải dị nhân liệt truyện/38

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

CHƯƠNG THỨ VI

Các vị thần linh-ứng

38. — Sử-đồng-Tử

Về đời vua Hùng-vương thứ ba. Vua có một người con gái tên là Tiên-Dong, mới 18 tuổi, nhan sắc xinh đẹp, không muốn lấy chồng, chỉ thường hay đi chơi các sông núi xem phong cảnh. Vua yêu nàng ấy, mặc ý cho đi chơi không cấm. Mỗi năm trong tuần tháng hai tháng ba, bơi thuyền chơi ở mạn sông làng Chử-xá, (tức là làng Chử-xá, huyện Văn-giang bây giờ).

Ở làng ấy có một người tên là Sử-cù-Vân và người con là Sử-đồng-tử. Hai cha con thiên tính từ hiếu, gặp khi nhà phải hỏa tai, của cải hết sạch cả, chỉ còn một cái khố vải, cha con thay đổi nhau, ai đi đâu thì đóng. Đến khi Cù-Vân phải bệnh, dặn con rằng:

— Tao mà chết đi rồi, thì cứ táng trần cho tao, còn cái khố đấy để cho mày.

Cù-Vân mất, Sử-đồng-tử không nỡ để cha chết truồng, lấy khố quàng cho cha rồi mới chôn. Còn mình thì trần truồng, đối rét khổ sở, ngày ngày đứng nán hình bên sông, chờ có thuyền buôn qua lại thì xin, hoặc là câu cá bán để độ thân.

Một hôm, nàng Tiên-Dong bơi thuyền đến chơi bến làng Chử-xá, chiêng trống om thòm, đàn sáo rầm rĩ, cờ tán rợp đất, lính tráng rất đông. Sử-đồng-tử trông thấy sợ hãi ẩn vào trong bãi lau sậy, cào cát lên nép mình xuống dưới, rồi lại lấy cát trùm lên trên.

Tiên-dong bơi thuyền đến bến ấy, nhìn trông phong cảnh vui đẹp, mới lên bãi cát đứng xem, thấy chỗ ấy sạch sẽ, giăng màn tứ vi trên bãi cát để tắm, Tiên-Dong vào màn, cổi áo xiêm tắm táp một hồi lâu, giội nước trôi cát, Sử-đồng-tử chồi lên. Tiên-Dong trông thấy giật mình, nhìn ra biết là người con giai. mới gọi hỏi căn cớ làm sao, thì Đồng-tử cũng thú thật cả đầu duôi làm vậy.

Tiên-Dong bảo rằng:

— Ta nguyên không muốn lấy chồng, nay sự đã thế này, tất là Nguyệt-lão xe duyên đây

Mới sai Đồng-tử tắm táp, ban cho quần áo, đem xuống thuyền ăn yến vui vẻ Người trong thuyền ai cũng cho là sự kỳ dị.

Đồng-tử nhất định xin từ, không giám lấy, Tiên-Dong bảo rằng:

— Thiếp với chàng là tự giời xe duyên, can gì mà từ.

Đồng-tử từ mãi không được phải nghe. Từ bữa ấy hai người kết làm vợ chồng.

Có người về tâu với vua Hùng-vương, vua nổi dận nói rằng:

— Tiên-Dong không biết tiếc danh giá, chơi bời đường-xá, lấy kẻ nghèo hèn, còn mặ mũi nào mà nhìn đến ta!

Tiên Dong vì thế sợ hãi không dám về, mới cùng với Đồng-tử lập ra phố xá buôn bán với dân. Buôn bán mỗi ngày một thịnh, dần dần thành ra một làng. Các khách buôn bán ngoại-quốc qua lại, ai cũng coi bà Tiên-Dong làm chủ cả vùng ấy.

Có một người lái buôn bảo với Tiên-Dong rằng:

— Nếu được trặm cân vàng, cho người đi với tôi ra ngoài bể, buôn những đồ quí sang năm tất được lãi gấp mười.

Tiê Dong mừng rỡ, bảo với Sử-đồng-tử rằng:

— Vợ chồng ta là tự giời dắt lại, cơm ăn áo mặc cũng là tự giời cho, vậy thì chàng nên đem vàng ra bể mà buôn.

Sử-đồng-tử đem vàng đi với người lái buôn ra ngoài bể, đến núi Quình-lãng, trông lên trên núi có một am nhỏ. Đồng-tử trèo lên xem phong cảnh. Trong am có một nhà sư còn trẻ, tên là Phật-Quang, thấy Đồng-tử có cách điệu thần tiên, muốn truyền phép cho Đồng-tử. Đồng-tử ở liền ngay đấy học đạo Được hơn một năm, Đồng-tử trở về, Phật-Quang tặng cho một cái gậy, một cái nón, và dặn rằng:

— Phép linh thông ở cả cái gậy và cái nón này.

Đồng-tử vâng lĩnh từ về, đem đạo Phật về dậy Tiên Dong, Tiên-Dong tỉnh ra, mới bỏ cửa hàng buôn, hai vợ chồng rủ nhau đi học đạo Một hôm đi xa, giời đã tối mà chưa đến chỗ dân cư, mới tạm c ống gậy và che cái nón ở dọc đường đề nghỉ. Canh ba đêm hôm ấy, bỗng dưng hiện ra thành quách, lầu ngọc, điện c âu, kho, tàng, dinh, phủ, vàng bạc, châu, báu, giường, sặp, màn, trướng, lại có tiểu-đồng, ngọc-nữ tướng-sĩ thị vệ, hầu hạ xung quanh.

Sáng ngày mai, ai ai trông thấy cũng lấy làm lạ lùng kinh hãi, tranh nhau mang hương hoa ngọc-thực đến dâng, Lại có đủ văn-quan, võ-tướng, chia quân canh giữ các cửa thành, tựa hồ một nước.

Vua Hùng-vương thấy truyện làm vậy, cho là làm loạn, sai quan quân đến đánh. Khi quan quân sắp đến nơi, chúng tâu xin đem binh ra cự.

Tiên-Dong cười nói rằng:

— Việc này không phải tại ta làm ra, bởi tự giời xui nên thế. Ta dù sống chết đã có giời, dám đâu cự nhau với cha? Ta chỉ thuận theo lẽ phải, mặc ý cha ta giết chết cũng cam tâm.

Khi quan quân tiến đến, đóng ở châu Tự-nhiên, (bây giờ gọi là Khoái-châu-phủ), còn cách bên này một con sông Giời đã tối, quân chưa kịp sang sông. Đến nửa đêm, bỗng nhiên giời nổi dông gió, bay cát đổ cây, rồi thì cả một khu bà Tiên-Dong ở, cửa nhà, người, giống súc vật, trong một lúc bay cả lên giời; chỉ còn bãi đất không ở lại trông đằm mà thôi. Bởi thế bãi ấy gọi là bãi Tự-nhiên, đằm ấy gọi là đằm Nhất-dạ (một đêm).

Dân ở đấy thấy sự lạ lùng, mới lập miếu để thờ. Về sau, vua Triệu-việt-vương đóng binh trong đằm, cự nhau với quân nhà Lương. Tướng nhà Lương là Trần-bá-Tiên đánh mãi không được. Đến lúc Bá-Tiên trở về, ủy cho tì-tướng là Dương-Sàn vây đánh. Triệu-việt-vương thiết đàn trong đằm cầu khấn, xin thần giúp cho. Bỗng thấy một ông thần (tức là Sử-đồng-tử) cưỡi rồng xuống đàn, bảo rằng:

— Ta tuy-đã lên giời, nhưng uy linh vẫn còn ở đây, ngươi có lòng thành cầu đến ta, vậy ta xuống giúp.

Nói đoạn, nhổ một cái vuốt chân rồng, trao cho Triệu-việt vương và dặn rằng:

— Ngươi lấy cái vuốt rồng này, cắm lên chỏm mũ đâu-mâu, thì đi đến đâu, giặc phải tan đến đấy.

Nói vừa rứt nhời, rồng bay vụt lên giời biến mất Triệu-việt-vương nghe nhời, cắm vuốt rồng lên trên chỏm mũ, tự bấy giờ sức khỏe mạnh hơn trước, thanh thế mỗi ngày một to, mới đem quân ra đánh nhau với Dương-Sàn, chém được Dương-Sàn tại trước trận, quân nhà Lương phải tan chạy hết về Tàu.