Nam Hải dị nhân liệt truyện/4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

4. — Lý Thái-tổ

Thái-tổ họ Lý tên là Công-Uẩn, người làng Cổ-pháp, tỉnh Bắc-ninh.

Tục truyền đời ông thân-sinh ra ngài, nhà nghèo khó, đi làm ruộng thuê ở chùa Tiêu-sơn, huyện An-Phong, phải lòng một người tiểu-nữ có mang,[1] nhà sư thấy thế đuổi đi chỗ khác. Hai vợ chồng mang nhau đi, đến chỗ rừng Báng, mỏi mệt ngồi nghỉ mát. Chồng khát nước, xuống chỗ giếng giữa rừng uống nước, chẳng may sẩy chân xuống giếng chết đuối. Vợ ngồi chờ lâu không thấy, đến giếng xem thì đất đã đùn lấp giếng rồi, ngồi khóc lóc một hồi, rồi vào ngủ nhờ trong chùa Ứng-tâm ở gần đấy.

Ông sư chùa Ứng-tâm, đêm hôm trước nằm mê thấy ông Long-thần báo mộng rằng: « Ngày mai dọn chùa cho sạch, có Hoàng-đế đến. » Nhà sư tỉnh dậy, sai tiểu quét dọn sạch sẽ, chực đợi từ sáng đến chiều, chỉ thấy một người liền-bà có mang xin vào ngủ nhờ.

Nhà sư lấy làm lạ hỏi rằng:

— Chồng con quê quán ở đâu?

Người liền-bà kể tên họ nhà chồng, và nói lại truyện sa xuống giếng. Nhà sư cho ở nhờ ngoài cửa tam quan. Được vài tháng, có một đêm, thơm nức cả chùa, nhà-sư thức dậy trông ra tam-quan, thì thấy sáng rực lên. Nhà-sư sai bà hộ-chùa ra thăm, thì người liền-bà ấy đã sinh ra một đứa con giai. Bà hộ-chùa bế đứa bé vào chùa cho nhà-sư xem thì thấy bàn tay có bốn chữ son: « Sơn-hà xã tắc 山 河 𡉹 稷 ». Xem rồi, bỗng nhiên giời nổi cơn mưa to gió nhớn. Đến lúc bà hộ-chùa trở ra, thì người liền bà đã chết rồi, nhà-sư sai đem chôn ở đàng sau vườn.

Từ đấy, nhà-sư nuôi người con giai, lên sáu tuổi đã có khí phách thông minh. Một hôm nhà-sư sai mang oản lên chùa dâng cúng, thì chú nhỏ đã khoét lấy ruột oản ăn trước. Sáng mai, nhà-sư gọi mắng chú nhỏ ấy. Chú nhỏ hỏi:

— Ai nói với ông như thế?

Nhà-sư kể sự ông Long-thần báo mộng, chú kia tức lắm, lên chùa đánh vào cổ ông Long-thần ba cẳng tay, rồi viết vào sau lưng bốn chữ rằng: « Lưu tam thiên lý ». Đến đêm ông Long-thần lại báo mộng cho ông sư rằng: « Hoàng-đế đã đuổi tôi rồi, thì ông nghỉ lại để tôi đi ». Nhà-sư thức dậy sớm, vội vàng lên chùa xoát xem, thì thấy sau lưng ông Long-thần có mấy chữ ấy, mới bắt tiểu lấy nước vào rửa, thì rửa làm sao cũng không sạch. Nhà-sư bảo chú nhỏ ấy rửa, thì chỉ nhổ ít nước bọt chùi đi sạch ngay.

Khi 8, 9 tuổi, nhà-sư cho chú nhỏ ấy theo học ông sư ở chùa Tiêu-sơn tên là Vạn-Hạnh. Một khi học không thuộc, phải ông thầy trói lại bắt nằm dưới đất một đêm, mới ngâm một câu thơ rằng:

Canh khuya không dám giang chân ruỗi,
Vì ngại non sông, xã tắc xiêu.

Vạn-Hạnh thấy có khẩu-khí thiên-tử, tự bấy giờ có lòng kính trọng lắm.

Ngài nhớn lên, khảng khái có chí khí to, nhân có công, làm quan thời vua Thiếu-đế nhà Lê. Khi vua Thiếu-đế bị giết, thì ngài nằm ôm lấy thây vua mà khóc. Vua Ngọa-triều khen là trung, nhắc lên làm Tứ-tương quân-chế chỉ-huy-sứ, thống lĩnh hết quân túc-vệ.

Bấy giờ ở làng Cổ-pháp có cây gạo cổ thụ, bị sét đánh tước lần da ngoài, trong thân cây có mấy câu sấm rằng:

Thụ côn liểu liểu,
Mộc biểu thanh thanh.
Hòa đao mộc lạc,
Thập bát tử thành
vân vân .............
.............................

樹 根 杳 杳
木 表 靑 靑
禾 刀 木 落
十 八 子 成
云 云......
..................

Vạn-Hạnh xem câu sấm ấy, biết rằng điềm nhà Lê đổ mà nhà Lý sắp lên, bảo riêng với ngài rằng:

— Xem câu sấm ấy, thì chắc nhà Lý lên làm vua. Thiên-hạ tuy cũng nhiều họ Lý, nhưng xem ra thì không ai bằng ngài có bụng nhân từ khoan thứ, vả lại lòng dân tin mến nhiều, thì phi ngài không ai làm nổi.

Ngài thấy nói làm vậy, sợ nói lộ truyện ra ngoài, phải giấu Vạn Hạnh ở chùa Tiêu-sơn. Đến khi vua Ngọa-triều mất vua kế tự còn nhỏ, ngài cầm quân túc-vệ trong chốn cung cấm. Có quan chi-hậu là Đào-cam-Mộc mưu với các quan triều, lập ngài lên làm thiên-tử.

Ngài đã lên trị vì, thấy chỗ kinh-đô Hoa-lư hẹp hòi lắm, mới thiên lên đóng đô ở Đại-la-thành, nhân có điềm rồng vàng hiện ra, mới đổi tên gọi là thành Thăng-long (tức thành Hà-nội bây giờ).

Ngài ở ngôi được 18 năm thì mất.

Xét ngôi huyệt chỗ giếng trong rừng Báng ấy, những gò ở chung quanh, trông hình như cái hoa sen nở ra tám cánh, cho nên nhà Lý truyền ngôi được tám đời, bây giờ thuộc về làng Đình-bảng huyện Đông-ngàn.

Vì ngài sinh ra ở chùa Ứng-tâm, cho nên chùa ấy bây giờ thành tên gọi là chùa Dặn.

   




Chú thích

  1. Ở sử nói là bà mẹ ngài nằm mơ thấy giao cảm với thần núi Tiêu-sơn, có mang sinh ra ngài. Ông sư chùa Cổ-pháp tên là Lý-khánh-Văn nuôi ngài làm con nuôi, cho nên theo về họ Lý.