Nam Hải dị nhân liệt truyện/48
48. — Phạm-Viên
Phạm-Viên người làng An-bài huyện Đông-thành tỉnh Nghệ-an. Đời ông tổ Phạm-Viên hiền lành phúc hậu, gặp được người Tàu để cho ngôi mộ, đoán rằng: « Ngôi này phát một đời Tiến-sĩ, một đời thành tiên ».
Đời con ông cụ ấy là Phạm-Chất đỗ Tiến-sĩ về thời vua Thần-tôn nhà Lê, làm đến Tả-thị-lang. Phạm-Chất sinh ra hai con, con cả là Phạm-Tán, con thứ là Phạm-Viên.
Phạm-Viên nhớn lên, 18 tuổi mà vẫn biếng học, chỉ ham sự chơi bời. Ông bố chửi mắng thì Phạm-Viên nói rằng:
— Người ta quí thích chi là hơn, phú-quí 80 năm, chẳng qua cũng là một giấc mộng hoàng-lương mà thôi.[1]
Từ đấy bỏ nhà đi, vào núi Hồng-lĩnh hái thuốc. Đi cùng kiệt 3 ngày, vào đến rừng sâu, gặp một cụ già chống cái gậy trúc, mặc áo thầy tu. Viên biết là người lạ, quì xuống trước mặt, kể lể sự mình. Cụ già đem Phạm-Viên về, đi nửa thôi đường, thấy có vài gian nhà gianh cụ già dắt vào trong nhà ấy. Vào đấy thì chỉ thấy trên bàn có một quyển sách con, bên cạnh có một vò nước, còn thì không có gì cả, và cũng không có một người đầy-tớ nào.
Phạm-Viên ở đấy, cụ già thỉnh thoảng múc cho một gáo nước, bảo phải uống hết, lại cho một cái túi, bảo rằng:
— Về cứ mở túi ra mà xem, tự khác biết.
Nói xong, cụ già và cửa nhà biến mất cả, Phạm-Viên trở ra tìm lối về, cứ trông về phía mặt trời mọc mà đi. Một lát đến đầu làng, về đến nhà thì đã được 12 năm rồi.
Bấy giờ Phạm-Viên đã 30 tuổi, họ hàng làng mạc ai cũng lấy làm kì, nhưng không ai biết Phạm-Viên đã thành tiên. Phạm-Viên ở nhà, có khi ngủ đến 10 ngày mới dậy, có khi 2, 3 tháng mới ăn một thìa cháo. Quan Thị-lang vẫn gọi Phạm-Viên là thằng dồ.
Phạm-Viên có bà cô ngoài 70 tuổi, không có con cái, Phạm-Viên cho bà cụ 21 đồng tiền, và dặn rằng:
— Nếu có mua gì, chỉ mua 20 đồng, còn để dành lại một đồng, tự nhiên lại có 20 đồng khác, có thể đủ dùng được trọn đời
Bà cụ nghe lời ấy, quả nhiên cứ mua buổi sáng thì buổi chiều lại đủ 21 đồng tiền. Được một năm, bà ấy mất, món tiền ấy cũng biến đi.
Thường một khi đến chơi núi Ngọc-sơn, nằm trọ trong nhà hàng, bảo với mụ già nhà hàng rằng:
— Ở gần đây sau tất có hỏa-tai, ta cho mụ kia một lọ rượu này, khi nào thấy cháy, thì lây rượu mà vẩy vào, kẻo gió to thì cháy lây mất cả.
Tháng năm, quả nhiên có hỏa-tai, bấy giờ đương mùa gió nồm, không tài nào cứu được. Mụ già nhớ đến lời Phạm-Viên, cầm lọ rượu rảy vào đám lửa, tự nhiên giời mưa xuống như trút nước, lửa phải tắt ngay, nước mưa sặc những mùi rượu ba ngày chưa tan mùi.
Lại một khi Phạm-Viên đi qua huyện Hoằng-hóa thấy một người già ngoài 70 tuổi còn phải đi ăn xin, Phạm-Viên thương tình, cho một cái gậy dặn rằng:
— Hễ đi đến chợ nào thì cắm cái gậy ấy bên cạnh đường, không phải van gì, tự nhiên người ta phải lấy tiền cắm vào đầu gậy, cứ đủ 100 đồng thì nhổ đem đi chỗ khác.
Ông già kia y nhời ấy, quả được dư ăn thừa mặc, khi ông già ấy chết thì cái gậy cũng biến mất.
Phạm-Viên thường dạy một người học trò, chỉ học hai chữ « cát cao » nghĩa là cái gầu múc nước. Người học trò xin học chữ khác, Phạm-Viên bảo rằng:
— Ngày sau phú quí, chỉ hai chữ ấy đủ rồi, can gì phải học nhiều cho mệt?
Về sau, người ấy phải đi lính, canh thuyền, xảy khi chúa Trịnh đi chơi, bắt khai các đồ trong thuyền, đến cái gầu múc nước, không ai biết biên chữ gì. Bấy giờ cả quan Tham-tụng là Hà Tôn-Mục ở đấy, cũng không nhớ chữ gì là cái gầu.
Người ấy nhàn canh ở đấy mới nói rằng:
— Khi trước tôi đi học, còn nhớ được hai chữ cát cao là cái gầu múc nước. Quan Tham-tụng cho là người học rộng, tâu với chúa Trịnh, vì thế được cất lên làm quan lục phẩm.
Đến năm Phạm-Viên 40 tuổi, ông thân-sinh đang được vua chúa yêu đùng, làm quan tại kinh. Phạm-Viên ở nhà, một hôm bỗng dưng sai người nhà sắm sửa đồ thờ, may áo chế, sắm gậy chúc. Được vài ngày, quả nhiên có tin quan Thị-lang mất tại kinh.
Phu-nhân làm ma, toan đem xuống thuyền, để đi đường hải-đạo về Nghệ. Phạm-Viên không nghe, sắm đủ minh tinh nhà táng, áo quan võng vì, và đủ các đồ nghi vệ đi đường, xin đến gà gáy thì rước ma đi bộ từ Thăng-long về Nghệ. Ai cũng cười là người gàn. Không ngờ đi tự gà gáy, mới đến lúc mặt giời mọc, đã về đến đầu làng An-bài chúng bấy giờ mới tin Phạm-Viên có phép tiên.
Tống táng đâu đấy, Phạm Viên từ mẹ lại đi. Được năm năm thì phu-nhân mất. Chiều hôm cất ma xong, Phạm-Viên về khóc ở trước mồ, rồi để một hòm ở lại đấy mà đi. Sáng hôm sau, người nhà trông thấy mở hòm ra xem, thì thấy đủ cả trâu bò lợn gà, và các thứ giò nem bánh trái, không biết bao nhiêu mà kể. Lại có 500 quan tiền, 100 cân bạc. Trên mặt hòm đề rằng: « Của cô ai tử là Phạm-Viên kính-tế ».
Từ đấy trở đi, hoặc khi có người gặp ở Thăng-long, hoặc khi có người gặp ở cửa bể Thần-phù. Trong năm Bảo-thái, có ông Trương-hữu-Điền mở tràng học ở Hà-nội, có người ăn mặc lam lũ vào làm văn, chỉ chớp mắt song bài văn rồi biến mất. Ông kia xem văn rồi nói rằng: « Văn chương này cách cục nhà tiên, lại ông Phạm-Viên đùa ta đây! » Biến hóa không biết đâu mà lường được.
Chú thích
- ▲ Hoàng-lương là kê vàng. Xưa có người nằm mộng làm quan phú-quí hơn 20 năm giời, lúc tỉnh dậy, nhà chọ vẫn chưa thổi chín nồi kê.