Bước tới nội dung

Nam Hải dị nhân liệt truyện/49

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

49. — Từ-đạo-Hạnh

Từ-Lộ tự là Đạo-Hạnh, người làng An-lãng, (tức là làng Láng) huyện Vĩnh-thuận (Hoàn-long), làm thầy cúng ở chùa Tiên-phúc, núi Phật-tích, (tức là chùa Thầy ở Sơn-tây). Khi xưa thân-phụ Từ-đạo-Hạnh là Từ-Vinh làm Tăng-quan đô-sát triều nhà Lý, thường vào chơi làng An-lãng, mới làm nhà ở đấy, lấy con gái họ Lăng, sinh ra Đạo-Hạnh.

Đạo-Hạnh lúc bé hay chơi bời, nhưng vẫn có chí, cùng với Phí-Sĩ, Phan-Ất, Lê Hoàn kết bạn, đêm thì cố công đọc sách, ngày thì đàn sáo đánh bạc làm vui. Cha vẫn thường trách mắng là biếng học, nhưng sau biết cứ đến đêm thì chăm học lắm, từ bấy giờ mới không nói gì nữa.

Về sau Đạo-Hạnh thi khoa Bạch-liên đỗ Tăng quan. Không bao lâu cha là Từ-Vinh dùng tà-thuật phản ông Diên-thành hầu, Diên-thành hầu nhờ thầy phù-thủy là Đại-Điên dùng phép đánh chết, quẳng xuống sông Tô-lịch. Thây ông Từ-Vinh trôi qua cầu Yên-quyết, đến bến nhà ông Diên-thành hầu, bỗng nhiên đứng lên trỏ tay vào trong nhà, suốt ngày hôm ấy không đi. Diên-thành hầu mời Đại-Điên đến. Đại-Điên đến nơi quát rằng:

— Thầy chùa giận không để cách đêm, dù sống dù chết, cũng là một giấc mộng mà thôi.

Nói dứt nhời thì thây ngã xuống trôi đi. Từ-Đạo-Hạnh muốn báo thù cho cha, rình khi Đại-Điên đi chơi, muốn. đón đường đánh, bỗng nghe trên không có tiếng ngăn rằng: « Chớ! Chớ! » Vì thế bỏ gậy mà chạy về.

Đạo-Hạnh nghĩ lấy làm tức giận lắm muốn sang nước Ấn-độ học phép, nhưng đi qua núi Kim-sỉ, hiểm trở lắm phải trở về, Đạo-Hạnh mới vào trong hang núi Phật-tích, kết thành hội Bạch-liên, để học phép Ngũ-giáo. Ngày nào cũng tụng kinh « Đại-bi-tâm » và niệm câu thần chú, « Bà-la-ni », cứ tụng 18 vạn lần mới thôi.

Một hôm thấy thần báo mộng rằng:

— Đệ-tử tức là Tứ-trấn thiên-vương đây, cảm công đức của thầy tụng kinh, cho nên lại hầu, tùy thầy muốn sai khiến gì, tôi xin vâng lệnh.

Đạo-Hạnh biết là đạo pháp mình đã thành rồi, có thể phục thù được cho cha, mới đến đầu bến sông Yên-quyết, cầm cái gậy ném xuống sông. Nước sông chảy xuôi mà gậy thì chôi ngược, trông tựa con rồng, đi mãi đến cầu Tây-dương mới thôi.

Đạo-Hạnh mừng nói rằng:

— Phép ta hơn Đại-Điên nhiều rồi!

Đạo-Hạnh mới dùng phép tàng-hình đến thẳng chỗ Đại-Điên ngồi chơi, bảo rằng:

— Mày có nhớ việc ngày trước không?

Đại-Điên ngẩng đầu lên trông, không thấy gì, Đạo-Hạnh cầm gậy đánh, Đại-Điên vì thế thành bệnh mà chết.

Đạo-Hạnh báo xong thù rồi, từ bấy giờ tan hết oán cũ, sạch nhẵn lòng trần, mới đi chơi khắp nơi rừng núi, hỏi tìm ấn chứng. Nghe có Kiều-tri-Huyền tinh thông đạo phép, đến hầu tận nơi, hỏi thế nào là chân-tâm.

Có câu kệ rằng:

Lâu nay vẫn đám hồng trần,
Vàng còn chẳng biết, biết chân-tâm nào!
Xin cho trỏ bảo làm sao?
Cho tìm thấy rõ kẻo nao lòng người.

Kiều-tri-Huyền cũng đọc một câu kệ đáp lại rằng:

Năm-âm bi quyết là vàng,
Trông ra đầy mắt rõ ràng thuyền-tâm.
Bồ-đề đạo phật u-thâm,
Muốn tìm tới đó muôn tầm chẳng xa!

Đạo-Hạnh thấy câu kệ như vậy, chưa hiểu ý tứ ra làm sao, mới đến hỏi ông Pháp-Phạm Sùng-Vân rằng:

— Thưa ông thế nào gọi là chân-tâm?

Sùng-Vân nói:

— Cái gì chẳng phải là chân-tâm?

Đạo-Hạnh bấy giờ mới tỉnh ra, lạy từ ông ấy rồi trở về. Tự bấy giờ pháp lực lại càng tấn tới, nội là rắn độc trong núi, hùm dữ trên rừng, cũng có phép sai khiến được cả.

Có một thầy tăng nói rằng:

— Khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, đó là phật-tâm.

Đạo-Hạnh đọc câu kệ rằng:

Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Thử xem bóng nguyệt dòng sông.
Ai hay không có, có không là gì?

Bấy giờ vua Lý Nhân-tôn chưa có con, có người ở Thanh-hóa ra tâu rằng:

— Ở ngoài bãi bể, có đứa con giai lên 3 tuổi, tự xưng là Hoàng-tử, gọi là Giác-hoàng. Nhà vua có những sự gì, y cũng biết cả.

Vua sai sứ đến xem tận nơi, quả nhiên có đứa trẻ ấy, mới đem về kinh, cho ở trong chùa Báo-thiên. Vua thấy đứa trẻ ấy thông minh thần dị lắm, muốn nuôi làm con.

Các quan can rằng:

— Nó tuy linh dị, nhưng tất phải thác sinh vào trong cung cấm mới được.

Vua nghe nhời, thiết tuần chay to bảy đêm ngày, để cho nó làm phép đầu thai.

Đạo-Hạnh nghe chuyện làm vậy, bảo riêng với chị rằng:

— Đây tất là Đại-Điên, muốn đầu sinh vào cửa nhà vua để báo thù đây, kẻ kia dùng tà thuật, làm hoặc người ta đã nhiều, tôi sao nỡ ngồi nhìn mà không cứu, để nó làm càn hay sao?

Mới bảo chị ăn mặc giả nhà sư, cầm giấu vài quả ấn pháp-sư, giắt lên mái nhà chỗ đàn chay. Cúng được ba hôm, Giác-hoàng phải bệnh, bảo với người ta rằng:

— Khắp cả thế giới, chỗ nào cũng chăng lưới sắt, không có đường nào mà đầu thai được.

Nói xong thì mất. Vua sai tìm các nơi có bùa bèn gì không, thì bắt được mấy quả ấn kết lại, có tên Từ-đạo-Hạnh. Vua giận lắm, sai bắt Đạo-Hạnh vào lầu Hưng-khánh đánh trượng, rồi hội các quan lại nghị án.

Xảy có Sùng-hiền hầu đi qua, Đạo-Hạnh kêu rằng:

— Xin ngài rủ lòng thương mả cứu cho tôi, tôi sẽ xin đầu thai vào cung để báo ơn ấy.

Sùng-hiền hầu gật đầu. Đến lúc hội nghị, Kim-hầu xin đem Đạo-Hạnh chính-pháp. Sùng-hiền hầu cười nói rằng:

— Giác-hoàng nếu có thần lực, thì dù Từ-Lộ giải chú thế nào cũng không việc gì. Nay vì thế mà phải chết, thì Giác-Hoàng còn kém Từ-Lộ xa lắm. Tôi thiết tưởng bắt tội hắn, thà rằng cho hắn thác sinh còn hơn, xin bệ-hạ nghĩ cho.

Vua nghe nhời, tha tội cho Đạo-Hạnh, Đạo-Hạnh trở ra, vào hầu nhà riêng Sùng-hiền hầu, nhân thấy phu-nhân đang tắm, đến sát tận nơi đứng xem. Phu-nhân giận lắm, bỗng thấy một đứa trẻ con chạy vào trong thùng tắm, phu-nhân kinh hãi, nói truyện với chồng. Sùng-hiền hầu đã biết rồi, không trách hỏi gì đến. Từ đấy phu-nhân có mang.

Đạo-Hạnh dặn Sùng-hiền hầu rằng:

— Khi nào phu-nhân sắp ở cữ, thì phải bảo cho tôi biết trước.

Đến khi phu-nhân ở cữ, giở dạ đã lâu mà chưa sinh được, Sùng-hiền hầu sai người ruổi mau đến bảo Đạo Hạnh.

Đạo-Hạnh vội vàng tắm gội thay áo, dặn học trò rằng:

— Bụng ao ước của ta vẫn chưa thỏa, nay lại thác sinh vào cửa đế-vương, tạm làm thiên-tử 23 năm. Nếu khi nào thân kiếp sau ta thác đi, thì mới thực là chìm vào bể sâu, không bao giờ sinh diệt được nữa.

Học trò nghe câu ấy, ai nấy cùng rỏ nước mắt. Đạo-Hạnh nói an ủy học trò vài câu, rồi lột sác ra mà hóa. Người làng lấy làm lạ, để cái sác ấy vào trong khám phụng thờ.

Giờ ngọ Đạo Hạnh nhập tịch, đến giờ mùi thì phu-nhân sinh ra đứa con giai, đặt tên là Dương Hoán, bấy giờ là tháng sáu năm Bính-thân niên hiệu Hội-trường-đại-khánh thứ bảy (1116).

Dương Hoán lên hai tuồi, thông minh lắm, vua yêu mến nuôi ở trong cung cho làm con, rồi lập lên làm Hoàng-thái-tử. Khi vua mất, thái-tử lên ngôi, tức là vua Thần-tôn, đó là kiếp sau ông Từ-đạo-Hạnh.

Khi xưa Đạo-Hạnh mới vào chùa Thiên-phúc, thấy có một vết chân người ở trong hang đá, Đạo Hạnh lấy bàn chân in vào thì vừa bằng nhau, tục truyền hang ấy tức là chỗ Đạo-Hạnh lột xác.

Mỗi năm mồng bảy tháng ba, thiên hạ đến chùa ấy lễ bái đông như hội. Thây Đạo Hạnh đến mãi lúc nhà Minh sang cướp quân sĩ đốt mất, về sau dân đấy lại tô tượng để thờ như xưa.