Bước tới nội dung

Nam Hải dị nhân liệt truyện/6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

* 6. — Bắc-bình vương

Bắc-bình vương tên là Nguyễn-văn-Huệ, người làng Tây-sơn tỉnh Qui-nhân, em vua Tây-sơn là Nguyễn-văn-Nhạc.

Bắc-bình vương tiếng to như chuông mắt sáng như điện, sức khỏe tuyệt trần, mỗi khi lâm trận, chỉ hai tay cầm hai dùi đồng, phi ngựa xông vào giữa trận, hàng mấy nghìn người cũng không địch nổi. Lại có trí mưu quyền biến, mẹo mực như thần.

Khi trước giúp anh khởi loạn ở trong Qui-nhân, về sau giữ từ Thuận-hóa giở ra, tự xưng là Bắc-bình vương.

Trong năm Bính-ngọ thời Cảnh-hưng (1786), đem quân ra Bắc-hà, mưu trừ họ Trịnh để giúp nhà Lê. Giết được Trịnh-Khải, lập vua Chiêu-thống nhà Lê, rồi đem binh về đóng ở Phú-xuân, mà sai bộ-tướng và Võ-Văn-Nhậm đóng quân ở Nghệ-an, để rình tin tức ngoài Bắc-hà.

Năm sau, nhân có Nguyễn-hữu-Chỉnh muốn giúp vua Chiêu-thống để cự nhau với mình, mới sai Văn-Nhậm đem quân ra đánh Hữu-Chỉnh, đuổi mãi đến núi Tam-tùng bắt được, giải thây giết chết. Rồi lưu Ngô-văn-Sở cùng Ngô-Nhậm ở lại trấn thủ Thăng-long, lập Sùng-nhượng công Duy-Cẩn giám-quốc.

Vua Chiêu-thống chạy sang Tàu cầu cứu. Vua Càn-long nhà Thanh sai Tổng-đốc lưỡng Quảng là Tôn-sĩ-Nghị đem quân lưỡng Quảng cùng Vân, Quí hơn 20 vạn chia làm hai đường kéo sang.

Ngô-văn-Sở đem quân lui vào đóng ở Tam-điệp, Biện-sơn, đưa tin vào cáo cấp.

Bắc-bình vương được tin cả giận nói rằng: « Những quân Ngô-cẩu này sao dám dông dỡ làm vậy! » Bèn hạ lệnh khởi binh, các tướng-sĩ đều xin trước chính vị hiệu, để hệ nhân-tâm, rồi sẽ đem quân ra. Ngày hôm 25 tháng 11 năm Mậu-thân (1788), Bắc-bình vương lên ngôi Hoàng-đế, kỷ-nguyên là Quang-trung. Rồi khởi hết cả quân Thuận, Quảng, Thanh, Nghệ đem ra Bắc-hà, ngày 20 tháng chạp, kéo đến núi Tam-điệp, khao-thưởng quân-sĩ, truyền cho ba quân tạm làm lễ tết nguyên-đán, hẹn đến mồng 7 tháng giêng, ra thu phục được thành Thăng-long rồi sẽ mở tiệc khai-hạ. Tức thì chia quân các đạo kéo ra. Mồng ba tháng giêng năm Kỷ-dậu (1788) kéo quân đến vây đồn Hà-hồi, (bây giờ thuộc phủ Thường-tín, Hà-đông), truyền loa gọi dạ ầm ầm, đến hàng vạn người; quân Tàu trong đồn sợ run cầm cập, bỏ tan mà chạy, bắt được giết sạch, không còn tên quân Tàu nào chạy lọt mà về báo Thăng-long được nữa.

Vua Quang-trung thừa thắng đánh tràn đến đồn Ngọc-hồi, Văn-điển, Yên-Quyết, giết được tướng Tàu là Đề-đốc Hứa-thế-Hanh, Tổng-binh Trương-triều-Long, Thượng-duy-Thăng, Tri-phủ Điền-châu Sầm-nghi-Đống. Tôn-sĩ-Nghị đóng quân ở bến sông Nhị, nghe tin báo vội vàng lên ngựa qua phù-kiều chạy sang bắc, quân sĩ tranh cầu đổ xô nhau mà chạy, cầu đổ, chết hàng mấy vạn người, nước sông Nhị đến nỗi không chảy đi được; hôm ấy là mồng 5 tháng giêng, vua Quang-trung mặc áo chiến bào xông pha trong trận, thẳng vào thành Thăng-long, mà áo chiến bắt hơi thuốc súng sám đen cả lại. Vua Quang-trung lại sai quân đuổi theo quân Tàu đến cửa Nam quan tỉnh Lạng-sơn, nói phao lên rằng: sắp kéo tràn qua cửa quan đuổi giết, để theo tìm vua Chiêu-thống. Người Tàu cả sợ, già, trẻ, nhớn, bé, cõng nhau mà chạy, từ cửa Nam-quan giở về bắc, trăm dặm, vắng ngắt, không còn có hơi khói lửa người ở.

Vua Quang-trung đánh được trận ấy, sai người nhặt thây quân Tàu chất lại thành đống, rồi đắp đất lên, tục truyền là gò đống Đa ở huyện Vĩnh-thuận (bây giờ là huyện Hoàn-long, Hà-đông).

Khi Tôn-sĩ-Nghị bỏ chạy, vua Quang-trung bắt được những tờ sắc dụ của vua Tàu, biết được ý Tàu chỉ giả dạng đồ lợi, chứ chẳng có ý gì phù Lê. Nhân khi ấy Tàu đã sai Phúc-khang-An ra thay Sĩ-Nghị làm lưỡng Quảng Tổng-đốc, chuyên ý giảng-hòa. Vua Quang-trung mới sai sứ sang giảng hòa, và cấp lương ăn cho những quân Tàu bắt được hơn 800 người mà đưa sang giả Tàu.

Vua Tàu dụ phải thân sang chầu. Năm Canh-tuất, vua Quang-trung đổi tên là Nguyễn-quang-Bình, sai cháu là Phạm-công-Trị trạng mạo giống mình, đội tên sang thay mình để triều cống; ngoại thức cống-phẩm lại đưa sang cống hai cặp voi đực, quân Tàu phải đưa đón đi dọc đường rất là khổ sở. Khi đến nơi hành-tại trên sông Nhiệt-hà, vào chầu vua Tàu. Vua Tàu tưởng là thực vua Quang-trung, thưởng cho rất hậu, ngự bút lại đề bốn chữ đại-tự và thơ, câu đối ban cho. Khi vào bệ-kiến từ về, lại ban cho áo mũ đồ đạc, bằng các vị thần-vương, và vời đến gần sập-ngự, vỗ vai phủ dụ ôn tồn, lại họa ngự-cảnh ban cho.

Vua Quang-trung từ đấy lập Ngệ-an làm Trung-đô, đổi Thăng-long làm Bắc-thành, dựng sổ đinh, điền; đinh chia làm ba hạng, điền chia làm ba đẳng. Lại lập ra tín bài, đề bốn chữ: « Thiên hạ đại tín 天 下 大 信 » bắt dân-đinh nộp thuế phải đề rõ tên họ, niên canh, quán chỉ, cặp chỉ làm tin, nếu người nào không có thẻ thì là lậu-đinh, bắt phải sung dịch, mà lý-trưởng phải phạt. Lại-dịch nhân thế xét bắt quấy dân, có kẻ phải chui vào hang để trốn rất là khổ sở.

Vua Quang-trung lại muốn thừa cơ, lấy lại đất Quảng-đông, Quảng-tây, Vân-năm của nước Nam khi xưa, đã mộ binh đóng tàu chiến, sắp sửa làm biểu sai sứ sang Tàu cầu hôn, để dò ý vua Tàu, mượn chuyện để khởi binh, chẳng may gặp phải bệnh mất, việc ấy lại phải dìm đi. Vua Quang-trung lên ngôi được 3 năm, thọ 40 tuổi.