Bước tới nội dung

Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 1/Mấy nhời nói đầu

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

L'INFORMATION FRANÇAISE

LA FRANCE DEVANT LE MONDE — SON ROLE DANS LA GUERRE DES NATIONS

(Publication autorisée par arrêtè du 30 décembre 1916 de M. le Gouverneur Général de l'Indochine)


NAM PHONG

VĂN-HỌC KHOA-HỌC TẠP-CHÍ



MẤY NHỜI NÓI ĐẦU

I

Nhà buôn mới mở ngôi hàng tất phải đề ra ngoài biển chiêu khách : Bản‐hiệu « phát-đoái » những thức gì, thức gì, lại thêm một câu : cực rẻ ! cực tốt ! — Tòa Nội-các mới lập thành tất phải ra tuyên-cáo với nghị-viện : bản chính-phủ mưu-toan những việc này, việc này, rất là ích-quốc lợi-dân.

Muốn xét đồ hàng của nhà buôn có thực rẻ, thực tốt, thì phải thử dùng mới biết được ; muốn xét cái chính-kiến của tòa Nội-các có thực ích, thực lợi thì phải đợi thi-hành ra thực sự mới biết được. Song cái lệ thường là dù nhà hàng mới, dù chính-phủ mới, lúc khai-chướng, cũng phải có mấy nhời trình-bày với bạn-hàng, với quốc-dân,... rồi mà đến sau sự thực có trái với nhời hứa thì cũng là phó ư bất vấn !

Cái lệ hay mà tiện thay !

Bản-báo mới xuất-bản há lại không theo lệ thường ư ? Vả bản-báo cũng tự-phụ có một cái chương-trình riêng, thì há lại không lợi-dụng cái lệ thường ấy mà nói mấy nhời dông-giài với các bạn đọc báo, ư ? Trước là để làm quen với các ngài, sau là để các ngài biết chúng tôi định hiến các ngài thức hàng gì,... không dám thêm câu : « cực đẹp ! cực tốt ! » như nhà buôn kia, nhưng nếu đồ hàng được vừa ý các bạn hàng, thì chúng tôi cũng lấy làm vui lòng.

Trước hết xin nói bản-báo không phải là một cửa hàng « thập-cẩm », không dám đảm-nhận với quốc-dân rằng có đủ mặt hàng cho trẻ con người nhớn, cậu học trò, ông làm quan, nhà cầy ruộng, người bán buôn.

Bản-báo không dám tự-phụ đem ban-bố cái phổ-thông trí-thức cho khắp các hạng người trong xã-hội, như mưa xuân tưói khắp cỏ cây.

Bản-báo không dám có cái chí to-tát muốn vừa giúp cho cuộc kinh-tế trong nước được thêm phát-đạt, lại vừa giúp cho sự khai-hóa trong dân được càng tiến-bộ.

Bản-báo không dám tự coi như một cửa công-đường mà ra tay sử-đoán những thói ăn cách ở hay dở dại khôn của quốc dân.

Vậy thì bản-báo định làm gì ?

Bản-báo có một cái chuơng-trình riêng, một cái tôn-chỉ riêng.

Trước nhất bản-báo muốn đem sức nhỏ tài mọn mà giúp cho sự học trong nước. Ngày nay ai cũng biết rằng học-giới nước ta chống-chải suồng-sã là nhường nào. Dân có giầu, người có khôn, nhưng sự học xem như còn mơ-hồ lắm lắm. Mà có khôn, có giầu, ít học, thì tưởng cũng chưa gọi là tiến-bộ cho lắm.

Hoặc giả có người nói rằng : Ngày nay trường học dựng lên nhan-nhản, đứa trẻ mười tuổi cũng biết điện-khí hơi-nước là cái gì, cũng biết làm nổi bốn phép tính, viết được cái thư quốc-ngữ hỏi thăm bố mẹ anh em ; so với trước sự học chẳng phải là có tiến-bộ lắm dư ?

Xin đáp rằng : Sự học có năm bẩy đường, người học có năm bẩy hạng. Khác nhau chỉ bởi cái trình-độ cao-thấp mà thôi. Nhất-ban quốc-dân đều biết chữ cả thì thực là một sự rất hay. Nước lấy dân làm gốc, trong dân nếu được nhiều người có cái thông-thường học-thức, thì cái gốc trong nước tất được bền-chặt, cái nền trong nước tất được vững-vàng thêm lên. Vả phàm sự tiến-bộ quan-hệ đến một dân một nước, tất phải bắt đầu từ dưới lên. Trước dễ sau khó là cái nhẽ thường vậy. Như sự học trước phải cốt cho phổ-thông, sau mới cầu được hoàn-bị. Nhà-nước Bảo-hộ thực đã thâm-hiểu nhẽ đó, cho nên trong việc khai hóa dân ta lấy sự phổ-thông giáo dục làm một sự yếu-cần. Mỗi ngày mở thêm trường Pháp-Việt để dậy-dỗ cho bọn thiếu-niên nước ta biết những điều cần-dùng nên biết. Nhờ đó ngày nay trong nước mới có nhiều trẻ đã biết điện-khí hơi-nước là vật gì, đã làm nổi bốn phép tính, viết được một bức thư. — Về phương-diện ấy thì có tiến-bộ hơn xưa thực. Sự tiến-bộ ấy hiển-nhiên ai cũng biết. Nhưng xét về một phương-diện khác, thì xem như sự tiến-bộ còn chưa được rõ lắm ; xét kỹ thì ngờ rằng không biết có tiến-bộ hay không. Nước cốt ở dân, dân chủ ở một bọn người gọi là bọn « thượng-lưu », hay là bọn « thức giả xã hội », như nhà có cái nóc vậy. Nhà không có nóc thi ở sao được ? Nước không có một bọn thượng-lưu trí-thức để giữ-gìn cái cốt-cách trong nước, để bồi-dưỡng cái quốc-túy, thì sao gọi là một nước được ? Có nhà danh-sĩ Pháp đã nói rằng : « Nước Pháp sở-dĩ là nước Pháp, cũng chỉ nhờ một bọn bốn năm mươi người đại-trí. Nếu không có bọn ấy thì nước Pháp không phải là nước Pháp nữa. » Xưa kia bọn thượng-lưu trong nước ta là bọn nho-học. Nước ta không có đẳng-cấp sai-biệt như các nước khác, song sùng-trọng riêng một bọn nho, là vì bọn nho là đại-biểu cái « cao-đẳng học-thức » trong nước. Ngày nay nho-học không thích-hợp với thời-thế như xưa, sự bài-bác cái cựu-học đã thành lệ, nhời bài bác đã thành sáo vậy. Nhưng bất luận cái cựu-học hay hay là dở, cũng phải biết rằng đương thời thực là hợp với cái tình-thế trong nước, hợp với cái trình-độ quốc-dân, mà lâu ngày di-truyền đã thành như cái nền cái gốc của sự sinh-hoạt người nước ta về đường trí-thức, về đường đạo-lý. Về đường trí-thức thì cái học-vấn cũ đã in sâu vào trong não ta những lối tư-tưởng cảm-giác, không bao giờ mất hẳn đi được. Về đường đạo-đức thì cái luân-lý cũ đã gây dựng ra xã-hội ta, mà làm nền làm gốc cho cái gia-tộc của ta, cùng các chế-độ nhớn trong nước. Nhờ cái học-vấn cũ, cái đạo-đức cũ ấy, mà nuớc ta đã sinh-tồn được đến ngày nay, đã có một cái lịch-sử cũ đến hai ba nghìn năm, đã chiếm-cứ được một khu-vực riêng ở cái bán-đảo trên bờ-bể Nam-Hải này.

Nhưng cái học-vấn ấy, cái đạo-đức ấy là học-vấn đạo-đức của một thời-đại người nước ta chưa có cái tư-tưởng, cái quan-niệm gì đến thế-giới. Ông cha ta đã đề tạo ra cái Tổ quốc ta, đã chung đúc thành cái quốc hồn ta, không ngờ rằng ngoài nước ta còn có nhiều nước khác, ngoài cái học-vấn đạo-đức của ta còn nhiều cái học-vấn đạo-đức khác nữa, mà có ngày ta không thể không biết được. Ngày ấy nay đã đến. Người nước ta nay đã tỉnh giấc mộng trăm năm mở cái mắt mơ-màng ra mà nhìn cái thế-giới mới. Trông thấy những cảnh-tượng lạ-lùng mà kinh mà sợ. Tưởng mình như người thầy-tu khổ-hạnh ở chốn già-lam mà hốt-nhiên ai đem ra giữa một nơi thành-thị nôn-nao, cho đứng xem một đám cờ-bạc hay một cuộc hội-hè. Trước còn thấy những tiếng xôn-xao dộn-dịp chưa giải ra làm sao, sau nhìn kỹ mới biết rằng cái xôn-xao dộn-dịp ấy là cái biểu-diện sự hoạt-động của loài người-ta trong thế-giới bây giờ. Sống ở trong thời-đại này tất phải có một phần trong sự hoạt-động ấy. Muốn có một phần trong sự hoạt-động ấy, tất phải biết cái cơ-quan nó thế nào. Muốn biết cái cơ-quan nó thế nào, tất phải biết cái nguyên-lý, biết cái cỗi-dễ nó, vậy thì tất phải nghiên-cứu cái học-thuật của các nước văn-minh bên Thái-Tây, là những nước chủ-động trong thế-giới bây giờ.

Nhưng phải nên nghiên-cứu ra làm sao ? Đó là cái vấn-đề mà bọn thượng-lưu trí-thức trong nước ta phải giải-quyết. Cái vấn-đề ấy rất quan-trọng, vì-giải quyết vấn-đề ấy tức là định cái thái-độ người nước ta đối với cái văn-minh học-thuật mới, cùng đối với đại-quốc đã đảm-nhận cái trách nhớn-nhao đem ban-bố cái văn-minh học-thuật ấy trong cõi Việt-Nam này để đưa rắt dân ta lên đường tiến-bộ.

Cái vấn-đề ấy xem như bọn thượng-lưu trí-thức trong nước chưa từng lưu-tâm đến lắm. Bởi thế cho nên dân ta theo đòi tây-học đã ba bốn mươi năm nay mà trong tân-học giới hãy còn vắng-vẻ như không. Về đường phổ-thông thì cũng có tiến-bộ một đôi chút, nhưng về mặt cao-đẳng thì xem ra chậm-chạp quá chừng. Đến như cựu-học giới thì bởi thời thế mỗi ngày một eo-hẹp mãi đi. Một mai rồi cũng mai-một đi mất. Đến bấy giờ thì cái công-phu bồi-dưỡng quốc-hồn phó mặc cho ai ?

Hiện nay cái công-phu ấy đã trễ-nải lắm rồi; quốc-dân đã sụt xuống mấy bậc trên cái thang đạo-đức, mà cái thang trí thức cũng chưa từng thấy bước lên được bước nào. Phong-tục đã thấy suy-vi, nhân-tình đã thấy kiêu-bạc. Đã hay rằng cái buổi này là buổi giao-thời, cái nền-nếp cũ đã mất mà cái nền-nếp mới chưa thành, nhưng nếu không vượt qua buổi này cho an-toàn chót-lọt thì cái tương-lai ra làm sao ?

Mấy anh em đồng-chí chúng tôi băn-khoăn về cái vấn-đề ấy, mới mở ra tập báo này để cùng với các bực trí-thức trong nước tìm cách giải-quyết cho an-thỏa.

Chúng tôi thiết-tưởng rằng đương buổi bây giờ không gì cần-cấp bằng gây lấy một cái cao-đẳng học-thức mới để thay vào cái học thức cũ đã gần mất. Vì một dân một nước không thể giây phút bỏ qua được một cái phương-trâm thích-đáng về đường trí-thức, về đường đạo-đức, mà cái phương-trâm ấy phi tìm ở một cái cao-đẳng học-thức thì không đâu thấy được. Muốn gây lấy một cái học-thức như thế thì chúng tôi lại thiết-tưởng rằng không gì bằng khéo điều-hòa dung-hợp cái học cũ của ta với cái học mới thời nay. khiến cho sự học của ta sau này vừa không đến nỗi thất-bản mà vừa không đến nỗi trậm thời. Vì sự học cũng như mọi sự « hiện-tượng » khác trong cuộc sinh-hoạt một dân một nước, phải có gốc mà phải có ngọn. Cái ngọn là cái phần tăng-tiến lên được mãi, cái gốc là cái nền vĩnh-viễn của lịch-sử đã sây dựng lên. Có gốc thì mới vững được, có ngọn thì mới sống được. Có gốc mà không có ngọn thi là cái cây đã già cỗi, sắp đến ngày mục nát ; có ngọn mà không có gốc thì như cái dải giây leo tự mình không mọc thành cây được.

Trong nước ta ngày nay không những là những người thuần cựu-học mà không thích-dụng với thời-thế, những người thuần tân-học cũng là không ứng-thuận với quốc-dân. Người nọ thiếu cái gốc mà người kia thiếu cái ngọn vậy. Chi bằng ta tiếp ngọn nọ vào gốc kia mà gây lấy một giống cây riêng cho cái vườn Nam-Việt ta ?

Nhà làm vườn vẫn lấy việc tiếp cây là một việc khó. Nhưng nếu cái « nông-phố học-vấn » của ta còn thiếu-thốn nhiều thì ta đã có ông thầy chuyên-môn ở cạnh mình vạch đường chỉ lối cho ta.

Nhà-nước Bảo-hộ tất sẵn lòng mà giúp cho ta gây nên một cái tư-trào mới. Cái thiên-chức của nước Đại-Pháp xưa nay vẫn là đi dạy cho các dân các nước biết phát-siển cái quốc-túy của mình, khiến cho mỗi dân mỗi nước biết mình có một cái « nhân-cách » riêng mà sống theo cái « nhân-cách » ấy, chớ nước Pháp chưa từng bao giờ lấy sự đồng-hóa các dân khác theo như mình làm một cái lương-hảo chính-sách. Nước Pháp vẫn biết rằng mỗi dân cũng tức như mỗi người, không người nào giống người nào, không dân nào giống dân nào, nếu cưỡng-hóa cho giống nhau thì chỉ có hại mà không có lợi. Bởi thế cho nên từ khi sang cầm quyền chính-trị ở nước ta, nước Đại-Pháp vẫn tôn-trọng những lề-lối phong-tục của ta, không hề phạm đến cái thể-chế trong xã-hội ta, phạm đến cái giường-mối của luân-lý ta. Không những thế, mà nhà-nước có khi lại còn phải ngăn cái lòng nóng nảy quá đáng của nhiều người đồng-bào ta muốn cấp-tiến mà phá-đổ cả cái nền-nếp của ông cha. Ta nên thể cái chính-sách khôn-ngoan ấy, mà trong sự nghiên-cứu cái học-thuật mới nên khéo kén-chọn điều-hòa cho quốc-dân được một cái « đồ ăn của tinh-thần » thích-đáng.

Vậy thì cái trách-nhiệm của bọn trí-thức trong nước ta ngày nay thực là to-tát lắm thay ! Ta phải đưa đường chỉ lối cho quốc-dân trong buổi giao-thời này. Ta phải hiểu rõ cái nghĩa-vụ của ta đối với nước ta, đối với cái đại-quốc đã nhận trách bảo hộ cho ta mà dạy cho ta biết cái thuật sinh-tồn trong thế-giới bây giờ.

Cái trách-nhiệm của ta ngày nay có nặng, nhưng cái kết-quả mai sau tất được thập-phần lương-hảo. Nhờ có nước Đại-Pháp binh-vực cho ta ở ngoài, trị-bình cho ta ở trong, ta được yên-ổn tiện-lợi mà tập lấy cái nghề khó làm một dân-quốc trong cái đời sinh-tồn cạnh-tranh này. Bọn học-thức thì mở mang tri-thức cho dân, cho hiểu biết cái phép tiến-hóa các dân các nước, cái nhẽ trị-loạn đời xưa đời nay, mà lượng biết cái địa-vị mình cho khỏi sai nhầm. Bọn nông, công, thương, thì hết sức khai-khẩn, chế-tạo, vận-chuyền, cho nước được thêm giàu có, thêm thịnh-vượng mãi lên. Hết thẩy quốc-dân đều một lòng khuynh-hướng vào một cái mục-đích chung, thì sao chẳng có ngày đạt tới được ? Biết đâu ? đến ngày ta có đủ tư-cách mà quản-trị lấy công-việc ta thì nhà-nước hẹp gì mà chẳng cho ta được quyền tự-trị. Cái lượng nhớn ấy không phải là trái với chính-sách của nhà-nước Bảo-hộ, mà thực là hợp với cái lý-tưởng, cái lịch-sử của nước Đại-Pháp.

Nhưng trước hết ta phải cố công cùng sức mà làm-ăn học-hành, cho sứng đáng cái lòng hi-vọng kia, cái lượng nhớn-nhao này.

Bản-báo cũng muốn giúp một phần nhỏ trong cái công-cuộc nhớn ấy. Bản-báo muốn vun giồng lấy cái gốc học ở trong nước mà đưa cái tư-tưởng của quốc-dân vào đường chính-đáng.

Cái tôn-chỉ của bản-báo rất là thiết-thực, cái ý-hướng của bản-báo rất là phân-minh. Còn sự thực-hành được hay chăng thì không dám nói trước.

Nay tập thứ nhất mới xuất-bản, gọi là có mấy nhời phiếm-luận để cùng với các bạn đọc-báo giãi chút lòng si.

Ôi ! trong sách có câu : Gió phương nam ấm-áp, khá lấy giải được cái lòng hờn giận của dân ta ! Ước gì bản-báo cũng khiến được các bạn đọc-báo có cái cảm-giác như cái cảm-giác gió Nam Phong ! Bởi thế đặt tên báo.

Sau này xin liệt qua cái chương-trình của bản-báo.


II


1. — Cái mục-đích của bản-báo là muốn gây lấy một nền học mới để thay vào cái nho-học cũ, cùng đề-xưóng lên một cái tư-trào mới hợp với thời-thế cùng trình-độ dân ta. Cái tính-cách của sự học-vấn mới cùng cái tư-trào mới ấy là tổ-thuật cái học-vấn tư-tưởng của Thái-Tây, nhất là của nước Đại-Pháp, mà không quên cái quốc-túy trong nước.

2. — Bản-báo không chủ sự phổ-thông mà muốn làm cái cơ-quan riêng cho bọn cao-đẳng học-giới nước ta, gồm cả những bậc cựu-học cùng tân-học mà dung-hòa làm một.

3. — Cái phạm-vi của bản-báo là gồm những sự học-thuật tư-tưởng-đời xưa đời nay cùng những vấn-đề quan-trọng trong thế-giới bây giờ. Nhưng trong cách diễn-thuật bình-phẩm những học-thuật tư-tưởng cùng những vấn-đề ấy, bản-báo vụ theo lấy cái phương-diện dản-dị hơn nhất, cho thích-hợp với trình-độ người nước ta.

4. — Bản-báo theo thể « tạp-chí », mỗi tháng xuất-bản một tập, vừa bằng quốc-ngữ, vừa bằng chữ nho, mỗi phần ước 50, 60 trang, chia mấy mục như sau này :

1) Luận-thuyết.
2) Văn-học bình-luận.
3) Triết-học bình-luận.
4) Khoa-học bình-luận.
5) Văn-uyển.
6) Tạp-trở.
7) Thời-đàm.
8) Tiểu-thuyết.

— Mục « Luận-thuyết » là những bài bàn chung về các vấn-đề quan-hệ với thời-thế, nhất là những vấn-đề quan-hệ riêng với dân ta. Cái mục-đích những bài luận-thuyết ấy là cốt khiến cho người nước ta có một cái quan-niệm phân-minh chính-đáng về những vấn-đề ấy, để lý-hội thông-hiểu được việc nhớn trong thế-giới cùng trong nước nhà.

— Ba mục « Văn-học », « Triết-học », « Khoa-học » là cái phần cốt trong bản-báo. Cái thể là thể bình luận, nghĩa là bàn rộng để mà lĩnh-hội lấy cái nghĩa nhớn. — « Văn-học » là gồm những khoa văn-chương, lịch-sử, cùng đại-để các môn-học thường gọi tổng-danh là văn-học. Mục này thường nhân những sách hay, hoặc sách cũ, hoặc sách mới, mà bàn rộng ra để thâu-nhặt lấy những tư-tưởng ý-kiến mới mà hay ; lại hoặc lược, hoặc dịch, hoặc diễn-thích mà giới-thiệu cho người nước ta biết những sách-vở có danh tiếng trong văn-chương các nước đời xưa đời nay, nhất là văn-chương nước Pháp là cái văn-chương ta có thể trực-tiếp mà lĩnh-hội cùng thưởng-giám được. — « Triết học » là nghiên-cứu các lý-tưởng, lý-thuyết, đời xưa đời nay, so-sánh cái tư-tưởng của Tây-phương với cái tư-tưởng của Đông-phương, mà giúp cho sự đề-xướng một cái tư-trào riêng cho nước ta. Trong những bài bình-luận về triết-học này chúng tôi lấy cái « triết-trung chủ-nghĩa » làm cốt, nghĩa là không thiên về một cái học-thuyết nào, cái nào hay cũng thâu nhặt lấy. Nhưng cái tôn-chỉ của chúng tôi là giúp cho sự tiến-bộ của quốc-dân về đường trí-thức, về đường đạo-đức, thì tất khuynh-hướng về cái « duy-tâm chủ-nghĩa » hơn là cái « duy-vật chủ-nghĩa », « duy-tha chủ-nghĩa » hơn là cái « duy-kỷ chủ-nghĩa ». Vậy về đường tư-tưởng chúng tôi thiên-trọng cái triết-học của nước Pháp, vì cái triết-học Pháp thực là gồm cả bấy nhiêu cái khuynh-hướng « duy-tâm », « duy-tha », mà thực là đáng làm mẫu cho cái tư-tưởng mới của ta. « Khoa-học » tức là gồm cả các khoa-học chuyên-môn (vật-lý học, hóa-học, bác-vật học, sinh-lý học, số-học, thiên-văn học, địa-chất học, v. v.), cái phạm-vi rất là rộng. Cái mục-đích của chúng tôi không phải là muốn chuyên-luận riêng về từng khoa một, mà làm như một lớp dạy cách-trí đâu. Các khoa-học, ngày nay mỗi ngày một nhiều, mỗi ngày một thêm phức-tạp, dẫu người đại-trí dụng công nghiên-cứu suốt đời cũng không thể biết khắp được. Bởi thế các khoa-học mới thành những khoa chuyên-môn, nhưng vì chuyên-môn quá lắm khi các nhà chuyên-môn lạc mất cái nguyên-lý, cái phép-tắc nhớn, mỗi người có cái thiên-ý xét sự-vật theo phương-diện riêng của môn học mình. Chúng tôi muốn bàn chung về cái nguyên-lý, cái phép-tắc ấy, bàn chung về cái phương-pháp của các khoa-học, nghiên-cứu những nguyên-nhân nó đã khiến cho các khoa-học phát-đạt thịnh-hành như thế, thuật lại cái lịch-sử các khoa-học sinh-thành tiến-hóa ra làm sao, cùng cái lịch-sử của các sự phát-minh chế-tạo nhớn trong khoa-học giới. Mục này cũng có những bài chuyên-luận về những vấn-đề riêng của một khoa-học nào, nhưng đều là theo một cái tôn-chỉ cai-quát như thế cả.

— Mục « Văn-uyển » là để riêng cho những bài vận-văn, tản văn, từ-phú, ca-khúc, v. v. bằng quốc-âm cùng bằng chữ nho. Mục này sẽ rộng mở để hoan-nghênh các nhà văn-sĩ mới nước ta, nhất là những nhà đã khéo đào-luyện cái chất nôm mà mở đường cho một lối văn-chương riêng bằng quốc-ngữ. Chúng tôi mong ở các nhà văn-sĩ mới ấy lắm, vì bao giờ nhời nôm ta có được « bằng nhập-tịch » vào cõi văn-chương thì sự học trong nước mới có cơ phát-đạt lên được, văn-chương vốn là cái máy truyền-đạt tư-tưởng rất nhậy !

— Mục « Tạp-trở » là gồm những bài nho nhỏ, những truyện vụn vặt, không thuộc vào các mục trên, những bài giới-thiệu các sách mới, những nhời danh-ngôn trích-lục các sách, những tin-tức về học-giới, v. v.

— Mục « Thời-đàm » là mục bàn về thời-sự, về các việc nhớn trong ngoài. Bản-báo sẽ bình tĩnh mà thuật những việc quan-hệ về chính-trị trong nước, khiến cho quốc-dân hiểu rõ cái chính-kiến của nhà-nước, cùng những sự nhà-nước mưu-toan ích-lợi cho dân ta. Trong mục này sẽ để riêng một phần để thuật cái đại-thế cuộc chiến-tranh trong một tháng.

— « Tiểu-thuyết » thì dịch những tiểu-thuyết hay ở tiếng Pháp ra. Trong sự kén-chọn những tiểu-thuyết hay để dịch, chúng tôi sẽ chủ nhất một điều : là chọn những sách văn-chương hay, kết-cấu khéo, khả lấy làm mẫu cho cái lối tiểu-thuyết của ta về sau này.

— Sau hết, mỗi số sẽ thêm mấy tờ « Tự-vựng » để diễn-thích những tiếng mới. Từ-vựng có ba phần : một phần quốc-ngữ, một phần chữ nho, một phần chữ pháp. Tưởng cũng là một việc có ích, có thể giúp được những người hoặc biết chữ tây mà không biết nghĩa ta, hoặc biết chữ nho mà không biết nghĩa tây ; cốt nhất là để định nghĩa những chữ mới cho dùng khỏi sai nhầm, mà đặt cái cơ-sở một bộ « Pháp-Nam đại tự-điển » về sau này.

Phạm Quỳnh