Bước tới nội dung

Nam Phong tạp chí/Quyển I/Số 1/Triết-học bình-luận

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

TRIẾT-HỌC BÌNH-LUẬN


CÁI VẤN-ĐỀ VỀ SỰ TIẾN-BỘ

Hai cái tỉ-lệ của sự văn-minh : cái « lượng » cùng cái « phẩm »

Thế-giới ngày nay có tiến-bộ hay không ? Mới hỏi câu ấy thì ai cũng nghĩ ngay đến ngày nay sự giao-thông tiện-lợi, các máy-móc phát-đạt, nghĩ đến hỏa-xa điện-khí, mà tất đáp lại rằng : thế-giới có tiến-bộ. Nhưng nghĩ kỹ đến phong-tục suy-vi, những thói cách phong nhã ngày xưa không còn nữa, những tính nết cao-thượng đã mất đi nhiều, thì lại ngờ rằng không biết thế-giới có tiến-bộ thực, hay là thế-giới suy-đồi. Xét như trên là xét theo cái lượng (quantité), tức là cái có thể đo-lường được, tức là cái hình-thức vậy. Xét như dưới là xét theo cái phẩm (qualité), tức là thuộc về « phẩm chất », thuộc về tinh-thần, thuộc về vô-hình mà không thể đo-lường được vậy.

Thế-giới ngày nay là thế-giới của cái lượng với cái phẩm cạnh-tranh nhau, kết-cục là sự chiến-tranh kinh-thiên động-địa này.

Guglielmo Ferrero tiên-sinh là một nhà làm sử có danh tiếng ở nước Ý-đại-lợi. Tiên-sinh thường chủ ý nghiên-cứu cái vấn-đề về phẩm lượng ấy. Mấy năm trước đã từng sang du-lịch Mĩ-châu, là nơi cái văn-minh thuộc về phần lượng thịnh-hành hơn nhất trong đời bây giờ. Khi về tiên-sinh có soạn một bộ sách bằng chữ Pháp, thuật-lại những sự kinh-lịch ở Mĩ-châu, so-sánh hai cái văn-minh thuộc về lượng cùng thuộc về phẩm mà kết-luận rằng thế-giới ngày nay thiên-trọng cái lượng hơn cái phẩm thì có hại mà không có lợi, hai cái phải điều-hòa ngang nhau thì sự văn-minh trong thế-giới mới thực là có tiến-bộ. Trước khi chiến-tranh, tiên-sinh có đọc một bài diễn-thuyết tóm-tắt đại-ý trong sách ấy tại trường đại-học Sorbonne ở Paris. Bài diễn thuyết ấy giải cái vấn-đề một cách rất rõ-ràng phân-minh ; nhời nhẽ bình-dị mà thuần-nhã, có cái hứng-vị riêng, dẫu chuyển sang nời nôm cũng còn phảng-phất ít nhiều. Bởi vậy chúng tôi dịch cả nguyên văn như sau này để hiến các nhà học-vấn nước ta một món tư-tưởng mới.

Vả cái vấn-đề về phẩm lượng ấy không phải là chỉ quan-hệ riêng đến các xã-hội Âu-châu, thực là quan-hệ đến cả thế-giới vậy. Các nước Đông-phương ta ngày nay đua nhau sô-đẩy vào trường sinh-tồn cạnh-tranh, cũng đã đến ngày sắp phải giải-quyết cái vấn-đề khốn-nạn ấy. Cái văn-minh cũ của ta ngày xưa là cái văn-minh thuần-phẩm, phần lượng rút lại không có mấy. Nên xưa nay ta chỉ thiên-trọng bề tinh-thần mà nhãng bỏ bề hình thức. Bởi thế mà ta không đủ tư-cách ra đua tranh trong cái thế-giới thuần-lượng ngày nay. Muốn có cái tư-cách ấy thì thế tất ta phải rút bớt cái phẩm cũ đi, mà tăng thêm cái lượng mới lên. Vậy thì buổi này là buổi rất quan-trọng cho ta ; ta phải nên cẩn-thận, khéo kén chọn, khéo điều-hòa, cho hai cái phương-diện phẩm lượng cân nhau, thì sự tiến-bộ của ta mới được vững-vàng chắc-chắn. Về phần lượng thì ta phải học lấy

những nghề khôn-khéo, khóe đua-tranh thời nay, mà chiếm lấy quyền-lợi trong trường kinh-tế. Về phần ấy ta còn thiếu-thốn nhiều ; ta phải bổ lấy sự thiếu-thốn ấy, phát-đạt cái năng-lực riêng của ta. Nói rút lại thì người ta phải khôn, của phải giàu, thì nước ta mới thịnh-vượng được. Về phần phẩm thì ta phải thâu-nhặt cái văn-minh tư-tưởng mới để bổ cứu cái văn-minh tư-tưởng cũ của ta. Ta phải mở-mang trí-thức, rèn đúc tính-tình, gìn-giữ những thói cao-nhã đời xưa, chớ nhiễm những lối thô-bỉ bây giờ, bảo-tồn lấy quốc-túy, bồi-dưỡng lấy quốc-hồn. Nói rút lại thì ta cần về cái lượng bao nhiêu, ta phải chăm về cái phẩm bấy nhiêu, chớ thiên-trọng một đường nào.

Như thế thì cái vấn-đề về phẩm lượng tưởng cũng có quan-hệ đến ta lắm vậy.

Bởi vậy dịch bài sau này.

Nhời người dịch.


I

Người Âu-châu sang Mĩ-châu, ngồi trong xe hỏa trông thì đất Mĩ-châu tựa hồ như một bãi sa-mạc mông-mênh. Như ở xứ Argentine thì bát ngát những đồng-điền xanh dì, chốc chốc đến một cái nhà ga, đằng sau có một dãy 4, 5 cái nhà đỏ một từng gác, thì mới gọi là nhớ rằng trong cái sa-mạc ấy có người ở. Ở xứ Brésil thì giời nắng trói lọi, chỉ thấy tịt-mịt những dãy núi tối, trong đám có mấy cái sáng hơn, là những cái đã đốt rừng để giồng cà-phê. Nhưng trong bấy nhiêu dãy núi, cái tối cũng chư cái sáng, mắt cố nhìn mà không trông thấy nhà cửa là cái dấu rằng có người ở. Phải đi hàng giờ mới gập được một làng. Ở Bắc-Mĩ cũng vậy, nhất là về tây-bộ, bát ngát những khoảng rộng vắng tanh, dần dần mới thấy nhiều thôn-lạc chơm chởm những ống khói ; làng nọ cách làng kia không xa nhau lắm nữa, rồi vụt chốc xe hỏa đi vào giữa đám nhà cửa ; nhà cửa cứ kế tiếp nhau mãi không rứt ; mặt nào cũng nhan nhản những ống khỏi ; giữa đám nhà nhỏ đột khởi lên những nhà lầu thật to, như người Khổng-lồ đứng giữa đám người Chim-chích; trong phố trông thấy những xe điện, xe tự-động chạy. Tức là một nơi đô-hội nhớn vậy. Một nửa triệu, một triệu, hai triệu người chồng chất nhau ở đấy, hàng nghìn cái ống khói rợp giời, chung quanh là khoáng-dã, vì xe hỏa lại đi thì lại chạy vào quãng đồng không mông quạnh, buồn rứt vắng tanh.

Mình là người Âu-châu, quen ở một xứ đông người nhất trong thế-giới, đâu đâu cũng có nhà cửa, từ bờ bể cho đến cùng những đỉnh núi người ở được, mà trông thấ những khoảng không vô cùng vô hạn như thế, thì thực là một cái cảnh-tượng kỳ lạ vậy. Nhưng mà những đồng điền núi non ấy trông ra vắng-vẻ mà thực không phải là bỏ không. Người ta đã kiệt-lực dùng những cơ-khí rất mạnh mà cày bừa, đào xẻ, bới móc cái đất ấy đủ mọi cách cho mỗi năm sinh-sản ra được vô-số là thóc lúa, bông thuốc lá, cà phê, lông chiên, thịt, vàng, bạc, đồng than, sắt, như cái kho vô-tận chàn ra khắp thế-giới như nước vỡ đê. Rồi những sản-vật ấy đem về các nhà máy những tỉnh nhớn ở bắc Mĩ mà chế-tạo ra nhanh chóng và nhiều biết chừng nào ! Âu-châu thường hay hoặc quá khen, hoặc quá chê Mĩ-châu, nhưng có một điều dễ sự thực còn quá hơn cái ý-tưởng người Âu-châu : là sự giàu có của châu Mĩ. Không bao giờ, không nơi nào người ta làm ra của nhanh bằng và nhiều bằng ở nước Hoa-kỳ cùng mấy nước nhớn ở Nam-mỹ, như nước Argentine, nước Brésil, kể từ nửa thế-kỷ 19 đến giờ. Đời xưa người ta còn mơ tưởng cái vườn hoa vàng quả bạc trong truyện thần-tiên, ngày nay tựa hồ như cái vườn ấy đã tìm thấy ở bên kia bể Đại-tây-dương rồi ; thực là nơi phúc-địa có thể cấp cho cái văn-minh ta trong mấy mươi thế-kỷ nữa những đồ ăn, đồ mặc, vàng, bạc, dầu, than, cần dùng cho cái thói xa-xỉ của ta ; thực là cái đất phong-đăng giời sinh ra để cứu cho thế giới khỏi cái tai-nạn đời đời kinh-sợ, là sự thiếu ăn vậy. Nói thế cũng đủ hiểu rằng từ năm mươi nhăm năm nay ở những nơi đồng điền núi non đô-thị châu Mĩ làm nên cái công việc nhớn nhao chừng nào, mà giải được cái địa-vị cao-trọng của các nước tân-thế-giới đã chiếm được trong thế-kỷ này. Song cái của cải Mĩ châu nếu chỉ giúp được cho người ta thêm cách làm ăn sung sướng hơn xưa thì cũng chưa là một cái hiện-tượng lạ lắm trong lịch-sử đời nay. Cái thế-lực của cái của ấy nó còn rộng hơn và sâu hơn, vì không mấy nỗi mà nó đem đến cực-điểm một cái phong-trào bắt đầu tự hơn một thế-kỷ này, cái phong-trào ấy có nhẽ lay động được cả cái cơ-sở của sự văn-minh ta ; cái của cải châu Mĩ ấy nó thiết ra cho ta một cái vấn-đề rất to nhớn, mà tôi thiết-tưởng là quan-trọng hơn cả các cái vấn-đề khác phát-hiện ra trong trí-não ta ; phàm những sự khó-khăn thuộc về luân-lý, thuộc về xã-hội mà ta không thể giải-quyết được, tựu-trung cũng có cái vấn đề ấy cả, nó thường đi với cái lòng ghét hay là phục những của cải của Mĩ châu : cái vấn-đề ấy là cái vấn-đề về sự tiến-bộ vậy. Nói thế dễ còn chưa được phân-minh lắm : tôi xin cố giải cho tường.

II

Bên Âu-châu ta hay nói đến cái của cải của Mĩ-châu nhiều, mà thường nói ra giọng ố-kỵ, tựa hồ như nó là cái của cải một dân giã-man, khinh rẻ những công việc cao-thượng của trí-thức, mà chỉ biết chăm chăm thu-hoạch lấy những sự lợi-lộc thô-bỉ. Nhưng chẳng cần phải đi du-lịch nhiều bên Nam Bắc Mĩ mi rõ rằng người Mĩ không phải là người giã-man chỉ biết chăm một việc kiếm tiền. Tôi chỉ xin kể mấy điều sau này ở Bắc-Mĩ để làm chứng ; tôi lấy cái chứng-cớ ở Bắc Mĩ vì ở đấy cái chứng-cớ nó nhiều hơn và rõ ràng hơn ; nhưng các nước nhớn ở Nam Mĩ đại-loại cũng như thế cả, tuy nhỏ kém mà thôi. Cứ xem một điều người Bắc Mĩ chịu khó lập bao nhiêu trường học khắp trong nước thì cũng là đủ minh-chứng được điều ấy. Các ông tất đã nghe nói những trường đại-học nhớn của Mĩ, như trường Harward, trường Columbia. Vậy thì những trường ấy tức như cái thành của sự học-vấn vậy, dinh-thấy nguy-nga, nào là vườn, nào là nhà biệt-viện, phòng thí-nghiệm, bác-vật quán, tàng-thư lâu, trường thể-thao, bể nước cho học trò tập bơi. Cứ xem cái nhà học to nhớn đẹp dễ như thế thì cũng đủ chứng rằng bên Mĩ biết trọng sự học-vấn chừng nào ; nhưng sét cái cách kinh-doanh sự học thì lại minh-chứng một cách hiển-nhiên hơn nữa. Dám quyết được rằng trong những trường đại-học nhớn ấy phàm cái gì có thể dậy được trong thế-giới là ở đấy có dậy cả : các tiếng nói đời xưa đời nay ; các văn-chương lịch-sử cổ kim đã có ảnh-hưởng ít nhiều đến cuộc văn-minh tiến-hóa ; các khoa-học thuần-lý cùng các khoa-học có ứng-dụng ra thực-tế. Giữ gìn những nhà học to nhớn như thế, giả lương biết bao nhiêu ông giáo, mỗi năm phải mấy mươi triệu bạc, thế mà đại-để gần khắp các trường đại-học lớn ấy, như trường Harward trường Columbia, không được nhà nước tư cấp cho một su nào. Chỉ trông vào tiền học-phí của học trò cùng sự hảo-tâm của các nhà phú-hào. Chính là những nhà chủ ngân-hàng, những nhà công-nghệ, nhà đại-thương xuất ra một phần tiền to cho những trường nhớn ấy, để giả lương biết bao nhiêu ôn giáo dậy tiếng do-thái, tiếng hi-lạp, tiếng lạp-đinh, dậy triết-học, số-học, v. v... Kể cái cái tiền của nhà nước cùng bọn phú-hào để riêng mà giúp cho sự học trong nước, các trường đại-học nhớn ấy cũng không dùng đến hết cả. Khắp các đô-thị, các địa-phương, những nhà đại-phú đều dựng những bác-vật-quán, thư-viện, lập các thứ trường học cho đàn ông, đàn bà, cho người thường dâ, cho các bọn trung-lưu, để ban-bố cái phổ-thông học-thức, tăng-tiến sự thực-nghiệp giáo-dục. Sự thực đã hiển-nhiên như thế mà nói rằng các bọn thượng-lưu bên Mĩ-châu, ngoài tiền bạc không thiết đến việc gì nữa thì thật là nói nhầm vậy. Nhưng mà có người lại nói rằng người Mĩ không biết thích cái mĩ-thuật ; những đô-thị của họ trông xấu lạ. Nói rằng những đô-thị của người Mĩ đẹp thì thật cũng khôn dám quyết như thế ; nhưng mà nói rằng người Mĩ không thiết cái đẹp, không biết công mà làm cho đất nước mình đẹp ra, thì là quá đáng vậy. Phàm những trường dạy nghề kiến-chúc ở bên Âu-châu, nhất là trường kiến-chúc ở Paris, là đầy những người Mĩ sang học chăm chỉ lắm. Cái số tiền của các đô-thị, các địa-phương, các nhà ngân-hàng, các công-ti bảo-hiểm, trường đại-học, sở hỏa-sa, xuất ra để sây dựng những nhà cửa trang-hoàng, thật là không thể tư-lượng được. Những nhà cửa ấy chắc chưa phải là những tuyệt-tác công-trình ; nhưng ai dám nói rằng bên Mĩ không có lắm nhà thật đẹp, không có những tay kiến-chúc đại-gia ? Bên Âu-châu ta lại thường nói người Mĩ có cái tính phàm đồ cổ hay mua thật đắt, bất cứ đồ gì, đồ mạo sưng là cổ cũng mua, không biết phân biệt cái sấu cái đẹp, cái thực cái giả. Nhưng ai đã có đi lại các nhà những bực giầu có bên Mĩ mới biết rằng ở bên Mĩ cũng như ở mọi nơi, tuy có kẻ hiếu kỳ, kẻ mắc lừa, nhưng cũng nhiều người sành biết mua những đồ đẹp.

Túng-sử có một nhà làm sách thích cái lối nghịch-thuyết mà muốn cố cãi rằng người Mĩ còn có nhiều cái « lý-tưởng chủ-nghĩa » hơn người Âu-châu, thì cũng dễ lắm ; nếu cho sự thích phàm cái mĩ-thuật nào, cái tư-tưởng nào, cái tôn-giáo nào, cũng muốn hiểu, muốn cảm, muốn lý-hội được cả, là thuộc về lý-tưởng chủ-nghĩa, thì người Mĩ thật có nhiều cái chủ-nghĩa ấy... Các ông thử đến chơi thành Nữu-ước : trong thành phố thì các ông thấy lối kiến-chúc nào cũng có, trong thư-viện thì sách văn-chương gì cũng có. trong nhà giáo-đường thì đủ các tôn-giáo, trong nhà diễn-kịch thì đủ các âm-nhạc, trong nhà ở riêng thì đủ các lối trang-sức trong thế-giới. Mà cái thành Nữu-ước ấy thật là biểu-hiệu được rõ ràng cái trí muốn điều-hòa hết thẩy, cái trí ấy tuy chưa được phân-minh mà còn nông nổi, nhưng thực là cái đặc-tính của người Mĩ ngày nay vậy. Về đường triết-học thì cái trí ấy nó phát-hiện ra cái « thực-nghiệp chủ-nghĩa ». Người ta thường nói cái « thực-nghiệp chủ-nghĩa » của người Mĩ lấy phàm lý-tưởng nào có thể dùng được việc là lý-tưởng chính-đáng, thực là muốn đem cái lý-tưởng làm nô-lệ cho cái thực-nghiệp, có phải hay không ? Tôi thiết-tưởngai đã sang hô-hấp qua cái không-khí đất Mĩ-châu thì không thể tin như thế được nữa. Không phải thế, cái « thực-nghiệp chủ-nghĩa » vẫn là một cái-lý-thuyết chủ sự điều-hòa hết thẩy, muốn đặt cho người ta một cái phương-kế để điều-hòa được mọi lý-tưởng, lý-thuyết phản-đối nhau mà chứng rằng phàm lý-tưởng dù trái nhau đến nỗi không thể dung nhau được, cũng có thể giúp cho người ta được khôn hơn, mạnh hơn, hay hơn lên. Như thế thì việc gì mà tranh-giành nhau cho cái lý-tưởng này thắng - đoạt được cái lý-tưởng kia, cứ để cho người ta được tự-do dùng mỗi cái cho hết lợi, chẳng hơn ư ? Phàm người nào đã quen biết đất Bắc Mĩ tất phải cho cái « thực-nghiệp chủ-nghĩa » ấy là một cái lý-thuyết rất hợp với tính-chất người Mĩ, một cái lý-thuyết như thế mà đem ra xét về đường triết-học thì có thể bác được nhiều điều ; nhưng mà dù thực dù hư, nó cũng đủ chứng rằng cái dân đã sáng nghĩ ra nó không phải khinh dẻ cái lý-tưởng, nhưng thực là biết trọng hết thẩy các lý-tưởng đến nỗi không dám bỏ bác một cái nào.

Nói rút lại thì ở bên Mĩ cũng có người giàu mà dốt ; nhưng mà cái anh mọi trát vàng vào người thì thật là một nhân-vật chuyện cổ-tích vậy. Vả sự đó cũng không lấy gì làm lạ. Cái cách tổ-chức các xã-hội ngày nay khiến cho người ta không thể tưởng-tượng được một dân giàu có mà dốt nát. Sự công-nghệ, sự buôn-bán, sự canh-nông ngày nay rất tinh-tường, cần phải có một cái thể-chế trong xã-hội rất hoàn-toàn, tức là phải có một sự hc-vấn về khoa-học, về pháp-luật cao cao mới được. Xét như thế thì biết bên Mĩ-châu không phải là không thiết đến những việc cao-thượng thuộc về trí-thức ; nói cho đúng hơn thì phải nói rằng nhất-ban dân Mĩ, trừ ra một phần ít người, còn thì đại-để có phần chuộng những sự công-nghệ, buôn-bán, canh-nông hơn sự trí-thức. Nhưng mà ở Âu-châu chẳng cũng thế ư ? Ai dám quyết rằng bên cựu thế-giới các chính-phủ cùng những bọn thức-giả xã-hội ngày nay hiện đương chuyên-cần nhất là sự tiến-bộ về đường mĩ-thuật, văn-học, khoa-học ? Ta thử nghe người ta nói chung quanh mình : chỉ thấy bàn cải-lương đồ khí-giới cho việc kinh-tế, khai-khẩn những mỏ than sắt, lợi-dụng những thác nước chẩy, khuếch-trương sự buôn bán. Các vua chúa được ơn giời trị dân cũng công-bố cho nhân dân biết rằng không gì mình lưu-tâm cố-ý bằng sự buôn bán trong nước. Nếu những sự ấy toàn là thuộc về cái lối giã-man của Mĩ-châu cả, thì phải chịu rằng Âu-châu hóa theo Mĩ-châu một cách nhanh lạ, mà khả kính vậy. Nhưng mà sự gắng-sức của Âu-châu về đường kinh-tế, có gì là lạ đâu, bất quá cũng là do cái phong-trào nhớn trong lịch-sử bắt đầu tự ngày có một người Ý-đại-lợi gan-góc mạo-hiểm [1] giương buồm vượt bể mà đi sang cõi tây phương tịch-mịch, cái phong-trào ấy ngày nay nó thổi mạnh rất kịch-liệt mà thôi. Thực thế, từ trước đến bấy giờ Âu-châu đã nghĩ ra những lối mĩ-thuật văn-chương rất hay, rất đẹp, triết-học rất sâu, những tôn-giáo rất khéo an-ủi lòng người, luân-lý cao, pháp-luật chỉnh-đốn khôn-khéo ; nhưng Âu-châu đời bấy giờ nghèo, sinh-sản được ít mà chậm, biết tôn-trọng quyền người trên, nền-nếp cũ, lấy pháp-luật, lấy tập-tục, lấy nhời răn bảo mà hạn-chế cái cường-lực của người ta ; dạy cho người biết đè nén cái lòng kiêu-căng của mình, mà biết rằng mình là giống yếu hèn, lòng bất thường, bụng dạ sằng, ở đời ví như người lái đò chở chiếc thuyền lên ngược dòng sông vậy. Chỉ nhỡ tay một tí, không chống lại được với sức nước thì hại thay ; nước tất trôi phăng thuyền đi. Nhưng may sao Âu-châu lại khai-tịch được ở giữa bể một cái đại-châu mới ; rồi mới xét ra rằng thần Prométhée ngày xưa ăn trộm lửa của Thiên-đế cũng là một tay ăn trộm vụng, vì chỉ ăn trộm được có một sợi lửa ; bởi thế mới tìm kiếm được mỏ than, phát-minh ra điện-khí ; chế-tạo ra cái máy bằng hơi nước cùng các máy khác do đấy mà ra ; lại tìm được cái cách tăng thêm của cải rất nhanh, ông cha ngày xưa chưa từng biết. Từ lúc bấy giờ người ta không một là mơ-tưởng cái cõi-phúc ấy nữa, mà lại muốn đến tận nơi ; phát đổ cả những nền-nếp cũ, những pháp-luật cùng chế-độ đã ngăn-trở cái sức mạnh con người ta không bành-trước ra được ; tập làm cho nhanh, cho được nhiều ; vừa chiếm được cái quyền tự-do lại vừa được sự giàu có ; bấy giờ mới xướng ra hai chữ tiến-bộ vậy.

Thực thế, cái lý-tưởng về sự tiến-bộ mới phát hiện ra vào khoảng cuối thế-kỷ thứ 17 sang đầu thế-kỷ thứ 18, là lúc người ta mới thấy mình có cái thế-lực đi chinh-phục được thế-giới, khai-khẩn được những của cải trên mặt đất. Cái lý-tưởng ấy phát-đạt truyền-bá ra trong thế-kỷ thứ 19, người ta càng khuếch-trương được cái thế-lực trong thế-giới, càng chiếm được nhiều của cải, càng lay động được cái quyền bó buộc của những phép-tắc cũ, thì cái lý-tưởng ấy lại càng phá đổ được những sự bài bác của các nhà triết-học, cái tính nhu-nhược của bọn thường dân, cái lòng tôn-giáo, cái tính thủ-cựu, thường phản-đối với nó. Kịp đến khi các nước nhớn bên Mĩ-châu phát-đạt lên rất dữ, thì cái lý-tưởng ấy được toàn-thắng ; ngày nay nó làm chủ-động cho sự văn-minh ta, không những là chủ-động mà nó lại như ông vua áp-chế nữa, vì mỗi ngày nó bắt ta phải gắng-sức thêm lên, phải mạo-hiểm thêm lên, phải chịu khó chịu nhọc thêm mãi lên ! Dù thế mà giả sử đem những người mỗi ngày đọc cái tiếng thần-bí ấy đến trăm lượt ra mà hỏi : sự tiến-bộ là cái gì, thì hồ dễ đã mấy người đáp lại được cái câu hỏi ấy cho phân-minh. Còn những người đáp lại cái câu hỏi ấy thì biết bao nhiêu là câu giả nhời khác nhau ! Cứ xem những sách vở, những bài báo, những tập biên chép của các hội-nghị về xã-hội-học bàn riêng về cái vấn-đề ấy, thì biết rằng cái ý-kiến của các nhà bác-học mập-mờ mà phản trái nhau là chừng nào. Tựa hồ như cái lý-tưởng về sự tiến-bộ nó càng mập-mờ không rõ bao nhiêu thì nó lại càng có sức mạnh, được nhiều người tin bấy nhiêu. Ai cũng nói đến mà không ai biết rõ nó là cái gì. Lại còn một điều lạ nữa, là trong cái thời-đại tiến-bộ này ma ai cũng than rằng thế-giới suy-đồi. Người thợ thuyền, người làm công, người lính tráng, người học trò, người làm con, người làm cha, người làm mẹ, người tôi tớ, nhất là bọn tôi tớ ngày nay, đều là không bằng người ngày xưa ; đồ ăn ngon, câu văn hay, đồ chơi đẹp, mĩ-nghệ, mĩ-tục, mỗi ngày một mất dần đi. Làm sao mà trong cái thời-dại tiến-bộ lại thấy sự gì vật gì cũng suy-bại đi thế ? Thế thì ta có tiến-bộ hay không, có hay không ? Ta lấy làm tự-cao cái sự tiến-bộ của ta như thế, mỗi ngày ta mất ăn mất ngủ, liều cả cái tính-mệnh ta cho sự tiến-bộ ấy, thì nó có thực hay không, hay nó chỉ là một cái hư-tưởng mà thôi ?

III

Không cần phải giải ai cũng hiểu cái vấn-đề ấy là quan-trọng, Có thể gọi là một cái vấn-đề căn-bản được, vì muốn xét đoán cho đích-sác cái giá-trị của sự văn-minh ta, xét xem nó là một sự hay hay là một sự cuồng nhớn, thì cũng là phải do tự cái vấn-đề ấy vậy. Ấy thế mà thời-đại ta không biết giải-quyết được cái vấn-đề ấy. Làm làm sao vậy ? Làm thế nào mà giải được một cái tình-trạng xem ra phản trái nhau như thế ? Đó là cái cứu-cánh vấn-đề nó đã bầy ra cho tôi trong những sự tôi kinh-lịch ở Mĩ-châu, những sự tôi đã trông thấy, nhận thấy, học được ở Bắc-Mĩ Nam Mĩ. Hoặc giả vì lúc khởi hành sang Mĩ-châu tôi mới làm xong bộ La-mã toàn-sử, mà trong cách tôi xét đoán cái vấn-đề tân-thế-giới ấy tôi không lấy cái tỉ-lệ ở Âu-châu ngày nay mà lại lấy cái tỉ-lệ ở những đời đã qua rồi trong lịch-sử cũ chẳng ? Cũng có nhẽ như thế. Song tôi tưởng hình như đem so sánh cái cảnh-tượng các xã-hội Mĩ-châu, nhất là ở Bắc Mĩ, với cái cảnh-tượng những xã-hội đời cổ-đại mà tôi nghiên-cứu đã lâu năm, thì cái vấn đề ám-muội ấy nó cũng rạnh tỏ ra được ít nhiều. Thực thế, những văn-minh tổ của văn-minh ta đời xưa là những văn-minh nghèo cả ; người đời xưa phải hạn-chế cái lòng tham-dục, cái trí phát-khởi, cái tính mạo-hiểm, cái tài tân-tạo của mình ; sinh-sản được ít mà chậm, khổ về sự thiếu thốn những đồ vật-liệu, mà lại coi cái việc làm tiền của là một sự bất-đắc-dĩ. Nhưng nhất-thiết mọi sự khác, hoặc là về mĩ-thuật, về văn-chương, về luân-lý, về tôn-giáo đều cố công cho tới một cái tuyệt-phẩm mô-phạm rất khó. Cứ xét như đại-để các công-nghệ ngày xưa đều có một cái tính-cách thuộc về mĩ-thuật, xét các thuật trang-sức ngày xưa quan-trọng là nhường nào, cùng xét những cách thuộc về tu-thân, lễ-nghi, hình-thức, thì cũng đủ chứng được điều ấy. Thời bấy giờ cái phẩm cao hơn cái lượng, mà những văn-minh ấy sở-dĩ phải chịu bấy nhiêu sự hạn-chế ngày nay ta lấy làm lạ, chẳng qua cũng là chịu cái đại-giá tất-nhiên của bấy nhiêu sự khôn-khéo mà thôi.... Nay ta đã phá đổ cái thế-giới của ông cha ta ngày xưa. Ta đã lấy sự tăng nhiều của cải làm mục-đích ; ta đã chiếm được cái quyền tự-do, phá được gần hết những sự hạn-chế ngày xưa ; nhưng mà ta lại phải bỏ gần hết những cái lý-tưởng tuyệt-phẩm cũ về mĩ-thuật, luân-lý, tôn-giáo mà tổ-tiên ta tôn-trọng ngày xưa, mà nhất-thiết cái gì ta cũng phải đem cái phẩm làm hi-sinh cho cái lượng. Thử xét cái nguy-cơ của sự «cổ-điển học-vấn» ngày nay. Làm sao người đời xưa ham học sách Homère sách Cicéron [2] như thế ? Vì rằng các nhà đại văn-gia Hi-lạp Lạp-đinh, thời bấy giờ coi là cái mẫu của sự tuyệt-phẩm về văn-chương, bọn tai mắt trong dân sùng-phụng lắm, chớ không những là một cái trang-sức của trí-thức mà thôi đâu. Cái văn-chương hay đời bấy giờ nó làm cho được lòng yêu chuộng của chúng, được nổi danh tiếng, có khi được vinh-hiển, được ngôi cao chức trọng. Nhưng mà những bậc mô-phạm về văn-chương ấy, trong thế-kỷ mới rồi đã mất thế lực đi nhiều lắm ; hoặc là bởi có nhiều người đã biết thưởng-giám nhiều lối văn-chương khác, hoặc là bởi đời nay cần phải nói nhanh quá, viết nhanh quá mà lấy những cái mô-phạm ấy là một sự phiền... Thử lấy một nhà ra ứng bầu làm chức Tổng-thống nước Mĩ, mỗi ngày phải độc đến mươi mười lăm bài diễn-thuyết dài, mà muốn cho mỗi bài phải theo cho đúng mực những lề lối nhà diễn-thuyết như ông Cicéron, ông Quintilien ngày xưa đã đặt ra, thì thể sao được ? Nhưng mà đến ngày cái « cổ-điển học-vấn » đã không coi là cái mẫu cho sự thưởng-giám về văn-chương nữa, thì tất là phải suy-đồi đi ; các sách vở ngày xưa đã không coi là sách mô-phạm nữa thì tất cũng hạ xuống bậc như mọi sách khác, có nhẽ nhiều người xem lại không thích bằng những sách văn-chương mới thời nay. — Người ta cũng lại thường nói đến cái nguy-cơ của các nghề mĩ-thuật, son phải phân-biệt mới được. Phàm các mĩ-thuật có thể chia ra làm hai hạng : một hạng là những nghề làm cho vui người ta, làm cho người ta qua thì-giờ cho có hứng-vị, như nghề âm-nhạc, diễn-kịch, nghề văn-chương cũng có một ít ; hai là những nghề làm cho đẹp đẽ thế-giới, nhưng nghề kiến-chúc, điêu-khắc, hội-họa cùng đại-để các nghề trang-sức. Tuy hết thẩy các nghề mĩ-thuật ngày nay là vào buổi nguy-cơ cả, nhưng cái nguy-cơ nó còn sâu hơn cho những nghề thuộc về hạng thứ nhì. Không thời-đại nào tiêu nhiều tiền bằng đời ta để trang-sức cho thế giới được đẹp ; không thời đại nào nuôi đến một đội quân những người chuyên về nghề kiến-chúc, điêu-khắc, hội-họa, trang-sức, nhiều rất dữ bằng đời ta, không có thời-đại nào xây dựng được nhiều bằng đời ta những đô-thị, lâu-đài, vườn-hoa, cầu-cống, đường-phố... Cớ sao mà ta lại không bằng lòng những cái công-trình đã thành được ? Cớ sao mà người Mĩ-châu tiêu biết cơ man nào là của để trang-sức cho những nơi đô-thị của mình, mà vẫn không tài nao dựng được một cái nhờ thờ đẹp bằng nhà thời Saint-Marc ở thành Venise, hay là nhà Đại-giáo-đường ở thành Paris ? Ta đã nói rằng đời này cái gì cũng có : tiền, người thợ làm, cái lòng sở thích muốn làm những sự đẹp đẽ : vậy thì còn thiếu cái gì ? Chỉ thiếu có một cái : là cái thì-giờ vậy. Một ngày tôi nói chuyện với một nhà kiến-chúc có tài ở Nữu-ước, tôi có khen cái nghề kiến-chúc ở nước Mĩ. Ông ta cười mà giả nhời tôi rằng : « Phải, phải, các ông đồng-bào tôi túng-sử phải xuất một trăm triệu bạc để dựng một cái nhờ thời đẹp bằng nhà thờ Saint-Marc ở thành Venise, thì cũng bằng lòng bỏ tiền ra ngay ; nhưng mà các ông ấy bắt tôi một điều là phải làm xong trong 18 tháng ». Cái câu nói thực là có ý-vị vậy. Làm thế nào mà trang-sức được một cái thế-giới biến-cải luôn luôn, không có cái gì nhất-định, cái gì cũng muốn làm cho nhiều, nhà cửa cũng vậy, đồ dùng cũng vậy ? Muốn xây dựng được những lâu-đài đẹp, chế-tạo những đồ dùng đẹp, muốn cho đạt tới một cái tuyệt-phẩm lý-tưởng, tihf phải có thì-giờ, phải biết khoan-khoan chầm-chậm, phải có một sự hạn-chế phải chăng. phải có sự yếu-cần riêng về đường vật-liệu, phải cho cái lòng sở thích bền bền mới được. Không thể xây một cái nhà thờ Saint-Marc hay một nhà Đại-giáo-đương trong 18 tháng được, mà nước Pháp về thế-kỷ thứ 18, nếu cái thời-thượng lúc bấy giờ đã hay bất-nhất như đời bây giờ, ai ai trong hạn 10 năm cũng phải thay đổi đồ dùng một lần, thì thể nào mà sáng tạo được những lối trang sức đẹp có tiếng trong thế-giới ?

IV

Còn biết bao nhiêu điều khác nữa có thể kể ra làm chứng được ! Ta thử xét quanh mình ta ; đâu đâu cũng thấy cái lượng với cái phẩm cạnh-tranh nhau, mà sự cạnh-tranh ấy tựa hồ như là cái phần cốt-chính trong văn-minh ngày nay. Thực thế, trong thời-đại ta có hai cái thế-giới nó tranh-cạnh nhau ; nhưng hai cái thế-giới ấy không phải như nhiều người tưởng nhầm là Âu-châu với Mĩ-châu đâu, thực là cái lượng với cái phẩm vậy ; mà hai cái nó tranh giành nhau làm cho rối-loạn khổ-sở cả Mĩ-châu lẫn Âu-châu. Người ta sở-dĩ không giải được sự tiến bộ là cái gì, sở-dĩ phải chịu cái sự trái ngược lạ lùng là lúc nào cũng vẩn tin rằng thế-giới có tiến-bộ, mà bao giờ cũng thấy than rằng thế-giới suy-đồi, cũng là do sự cạnh-tranh ấy cả. Đời ta đã tăng cái lượng của nhiều vật, mà làm hủy-hoại mất cái phẩm của nó đi ; thành ra nếu xét về phương-diện cái lượng thì xem như tiến-bộ được nhiều lắm ; mà xét về phương-diện cái phẩm thì xem như lại suy-đồi vậy. Ta không biết lấy cái phương-trâm ở đâu nữa, vì ta cứ nhầm lẫn luôn hai cái tỉ-lệ với nhau, là cái lượng cùng cái phẩm, khi thì dùng cái này, lúc thì dùng cái kia. Thử đem một nhà « kiến-chúc-thuật chuyên-môn » với một người thầu khoán xây nhà bằng « xi-mo sắt » (ciment armé), cho hai người nghị-luận về cái thời-đại ta ; nhà chuyên-môn tất cãi rằng ngày nay xây vội-vàng cẩu-thả lấy cho thật nhiều những tỉnh những thành, là cái triệu suy-đồi, vì bây giờ không tài nào xây được một cái lâu-đài giống như những lâu-đài tuyệt đẹp của đời Trung-cổ ; nhà thầu khoán thì tất trong bụng cũng nhiệt-thành như thế mà cãi lại rằng không có thời-đại nào tiến-bộ nhanh bằng đời ta, đâu đâu cũng thấy những đô-thị mới dựng lên nhan nhản, mà những đô-thị cũ thời mở rộng ra thật nhanh. Nhà chuyên-môn thì xét về phương-diện cái phẩm mà nói rằng một nhà Đại-giáo-đường hay là một nhà thờ Saint-Marc cũng đáng giá bằng cả một đô-thị nước Mĩ, cũng là có nhẽ phải ; nhà thầu khoán xét về phương-diện cái lượng mà nói trái lại cũng là có nhẽ phải nữa. Từ nay phàm mọi sự xét-đoán của ta về điều hay điều dở, tựu-trung cũng có cái sự ngộ-giải bi-thảm ấy cả, tôi đã được từng trông thấy ở Mĩ-châu một cái minh-chứng hiển-nhiên. Khi tôi tới đấy thì cái sự vận-động phản-đối với những hội « doanh-nghiệp đồng-minh » (trusts),những nhà ngân-hàng nhớn, những công-ti hỏa-xa, công-ti bảo-hiểm, khởi hành tự mấy năm trước, bấy giờ đương kịch-liệt lắm. Họ làm báo, diễn-thuyết, soạn những sách có chứng-cớ để cáo-tố bọn giàu to buôn nhớn là những tay làm bại-hoại phong-tục, gây lên một cái áp-chế chủ-nghĩa lối mới cũng tệ-hại bằng cái áp-chế chủ-nghĩa cũ, lại đặt ra những thể-chế ám-muội để cướp công làm ăn của những kẻ lương-thiện. Sự vận-động ấy đã thm nhập vào những bọn trung-lưu hạ-lưu , mà đã có một phần to trong việc phá-đổ đảng cộng-hòa. Nhưng người dân thì nao-nao tức-giận như thế, mà ra ở Mĩ-châu cũng như ở Âu-châu, bọn kinh-tế-gia, doanh-nghiệp-gia cứ điềm-nhiên như không, trách những khởi ra sự vận-động ấy là đi rật lùi về những lối tư-tưởng đời Trung-cổ, mà đồng-thanh khen cái phép lý-tài đời nay, biết kinh-doanh to-tát, đắc-lợi nhiều, gây dựng nhớn. Thế nào mà trong một thời-đại sáng suốt học giỏi như đời ta, có một cái vấn-đề quan-trọng như vậy, mà ý-kiến người ta khác nhau đến thế ? Hay là một phần thế-giới ngày nay mắc phải cái bệnh mù không thể chữa được, mà chỉ có một phần là có cái đạc-quyền được trông sáng thôi ? Không phải thế. Không có người mù mà cũng không có người sáng, chỉ có những người yêu-cầu hai sự khác nhau mà dùng hai cái tỉ-lệ để đo-lường một vật. Như thế thì đồng-ý với nhau sao được ? Nếu lấy cái tỉ-lệ thuộc về lượng, nếu lấy rằng cái cứu cánh mục-đích của đời người là làm ra thật nhanh được thật nhiều của cải, thì các nhà kinh-tế có nhẽ phải. Những sự không công-bằng, những điều tệ-hại mà bọn phản-đối cái phép lý tài ngày nay đã cáo-tố ra, bất quá cũng là những sự bất-tiện nhỏ trong cái cuộc kinh-tế tự-do mà thôi, mà thế-giới bây giờ sở-dĩ được giầu có thực là nhờ cái cách kinh-tế tự-do ấy mới được. Nhưng cái lý-tưởng rằng sự lợi hại của mỗi người phải để cho sự vận-động tự-nhiên của cái sức kinh-tế vô-tri vô-giác nó định, thì những văn-minh đời xưa sinh ra văn-minh ta chưa từng biết cái lý-tưởng ấy bao giờ. Những văn-minh ấy vẫn là tìm cách để chữa lại sự vận-động kia, cho nó hợp với đạo nhân đạo nghĩa. Dù phải hạn-chế sự phát-đạt về công-nghệ, về thương-nghiệp mới làm được, như cấm không được đặt tiền lấy lãi thì cũng không ngại. Những văn-minh ấy lấy sự kinh-tế phát-đạt phải tùy theo một cái lý-tưởng thuộc về luân-lý ; tức là lấy cái lượng phải tùy theo cái phẩm vậy. Ngày nay nếu lấy cái tỉ-lệ phẩm mà xét cái thế-giới bây giờ, thì là những người phản-đối sự lý-tài có nhẽ phải ; sự lý-tài ngày nay dùng lắm cái phương-kế, có khi dùng cả cách hối-lộ, để mà tăng-tiến sự sinh-sản của cải, thì thật là được việc, nhưng phàm người có lương-tâm cao-thượng cũng vẫn lấy những phương-kế ấy làm đê-tiện, Hai bọn người phản và người phục sự lý-tài ngày nay có thể cãi nhau đến vô cùng, cũng không bao giờ hòa ý nhau được, vì mỗi bên đứng một phương-diện khác nhau, không lấy cái nọ mà phá cái kia được.

Nói rút lại thì cũng vì cái nhẽ ấy mà mọi sự so sánh Âu-châu với Mĩ-châu, muốn biết trong hai thế-giới ấy cái nào hơn cái nào, tất không bao giờ quyết hẳn được. Cái khuyết-điểm của mọi sự so sánh ấy, vẫn là nhầm lẫn hai cái tỉ-lệ. Mĩ-châu quyết không phải là cái đất quái gở người dân chỉ biết nghĩ đến tiền bạc, mà cũng không phải là cái đất kỳ-dị có nhiều sự lạ vật lạ như những người quá phục Mĩ-châu thường ngợi khen. Tức là cái đất mà trong khoảng 155 năm cuối này, cái lượng nó trở nên mạnh quá, được cái thắng-lực nhớn nhao vô cùng. Vào giữa lúc văn-minh ta phát-minh ra cái khí-giới có thể khai-khẩn được những đất rộng, sinh sản của cải được nhanh, là cái máy hơi nước, thì bấy giờ có một dân siêng năng, có khí-lực mạnh mẽ, đã chiếm được một cái lĩnh-thổ mông mênh, phần thì đất thật tốt, phần thì nhiều mỏ nhiều rừng. Quanh mình là một cái đại-châu mới mở mang, không bị những nền-nếp cũ nó bó buộc, tựa hồ như trước mặt có con đường mới của lịch-sử cứ bước vào mà đi, tha hồ mà đi nhanh, không cái gì cản được bước chân lại ; cái cảnh-tượng thực xưa nay chưa từng trông thấy bao giờ ; Trong khoảng một thế-kỷ mà tăng thêm số dân, đặt thêm đô-thị, phàm những của cải người ta ham muốn, đều tăng lên đến 10 lần, 15 lần, 30 lần hơn ; vội-vàng hỗn-độn mà dựng một xã-hội lấy lý-tưởng ngày xưa phải tùy theo một cái phương-trâm mới : là cái gì cũng làm cho to mà nhanh hơn mãi lên... Không phải rằng Mĩ-châu không thiết những việc cao-thượng về trí-thức, quyết không phải thế ; nhưng mà cái công-phu của Mĩ-châu về đường mĩ-thuật khoa-học cũng phải tùy theo, mà không thể không tùy theo một cái mục-đích mới này được :-là lấy máy móc mà khai-khẩn cái đất đại-châu cho rất nhanh, cho kiệt lực. Đến như nói rằng Âu-châu là biểu cái tinh-hoa của văn-minh đối với cái giã-man của Mĩ-châu, hay là nói trái lại mà bảo rằng cựu-thế-giới đã già-cỗi hủ-bại lắm rồi không thể cứu vớt được nữa, thì cũng đều là nói nhầm cả. Các xã-hội già ở Âu-châu cũng đã vào cái tuần có thể gọi là cái tuần thuộc về lượng của lịch-sử rồi : ở Âu-châu cũng như ở Mĩ-châu nhân-dân đều muốn được ăn sung ở sướng hơn trước ; những tiền kinh-phí về việc công việc tư tăng thêm lên nhanh quá chừng, cần phải sinh-sản của cải ra thật nhiều mới được. Nhưng mà cái công-nghiệp ấy lại khó cho Âu-châu nhiều hơn là MĨ-châu. Dân Âu-châu đông đúc hơn Mĩ-châu nhiều. Một phần đất đã kiệt cái sức sinh-sản rồi ; lại trong châu chia vụn ra nhiều nước, nhiều thứ tiếng nói thì lại thêm ngăn-trở nhiều cho sự khai-khẩn nhớn ; những nền-nếp khuôn-phép cũ của những thời-đại trước người ta sinh-sản chậm và ít, chỉ cốt cho kịp được một cái tuyệt-phẩm lý-tưởng khó đến được, thì ngày nay cũng vãn còn mạnh lắm. Âu-châu hơn Mĩ-châu trong những việc cao-thưng thuộc về trí-thức ; nhưng đến những sự-nghiệp về kinh-tế thì rất là rụt rè, bủn sỉn, chậm chạp, bị bó buộc đủ cách, không có thể làm nhanh làm to được bằng Mĩ-châu. Vậy thì Mĩ châu cùng Âu-châu, hoặc lấy cái tỉ-lệ lượng hay cái tỉ-lệ phẩm mà xét, thì có thể cho bên nọ hơn bên kia được. Nếu một cái văn-minh càng sinh-sản của cải được nhanh bao nhiêu càng cho là hoàn-toàn bấy nhiêu, thì Mĩ-châu thực là cái mẫu văn-minh ; nếu trái lại mà nói rằng sự hơn kém chỉ có thể đo lường bằng những việc cao-thượng về trí-thức, thì Âu-châu được phần hơn...

V

Nhưng nói thế thì hoặc-giả có người bác lại rằng : « Không thể để do-dự bất-quyết mãi thế được. Trong hai cái tỉ-lệ ấy nên chọn cái nào ? Cái cảnh-tượng trong thế-giới bây giờ là cái cảnh-tượng một bài anh-hùng-ca kỳ-diệu của sự tiến-bộ, hay là một bài bi-kịch sầu-thảm của sự suy đồi ? Trong hai cái thế-giới ngày nay, Âu-châu với Mĩ-châu, thì cái nào là hơn cái nào, cái nào có thể làm mẫu cho cái nào được ? Không có phép thiết bấy nhiêu cái vấn-đề ra mà lại không giải-quyết, mà nếu ông không thể giải-quyết được, thì thiết tưởng chẳng nên sang du-lịch Mĩ-châu làm gì cho nó mất công, hoặc có sang du-lịch thì nên nghĩ đến cái khác mà đừng nghĩ đến cái vấn-đề ấy, đến khi giở về cũng đừng nên soạn làm gì một quyển sách dài như thế về sự cạnh-trạnh hai thế-giới. » Nhời bài-bác ấy tưởng cũng là thuộc về nhẽ cố-nhiên vậy. Song người ta còn thuộc vào cái tuần văn-minh ngày nay thì chưa chắc đã ra khỏi được cái sự « do-dự bất-quyết » khốn-nạn ấy, vì sự do-dự bất-quyết ấy là cái đại-giá của sự chinh-phục thế-giới của loài người ta cùng sự phát đạt dữ dội của Mĩ-châu ngày nay. Muốn chinh-phục thế giới cùng những của cải của thế-giới thì loài người ta đã phải bỏ hoài mất nhiều những cái tuyệt-phẩm lý-tưởng về đường mĩ-thuật, đạo-đức, tôn-giáo, của ông cha để-lại cho ; nhưng có thể bỏ hoài được tất cả những cái lý-tưởng ấy không ? Ta có thể tưởng-tượng được một cái thế-giới chỉ thuần là lượng cả, không có mĩ-thuật, không có đạo-đức, không có điều đẹp điều nghĩa gì nữa không ? Thiết cái vấn-đề ra là giải quyết cái vấn-đề vậy. Nhưng trong cái cuộc chinh-phục thế-giới này, cái lòng kiêu lòng tham của người ta đã lên đến cực-điểm, thì có nhẽ cái thế-giới ngày nay phen này quyết đi đến cùng đường. Ngày nay chưa chắc đã xướng lên được một cái phong-trào về đường tôn-giáo, luân-lý hay là chính-trị, có thể khiến cho mọi hạng người trong xã-hội biết hạn-chế những sự cần dùng, sự xa-xỉ của mình cho vừa phải ; mà cái dân số, sự yếu-cần của mọi hạng người, sự kinh-phí về việc công việc tư còn tăng lên mãi thì cái thế-lực của cái lượng còn bành-trương ra khắp mặt địa-cầu ; ta còn phải đem mĩ-thuật luân-lý mà tùy theo vào sự yếu-cần phải chế-tạo ra máy móc càng ngày càng nhanh, khai khẩn thêm rừng ruộng, tìm kiếm thêm những mỏ nọ mỏ kia ; mỗi ngày sự sinh-sản ra của cải lại càng lấy làm cái thước đo của sự tiến-bộ ; mỗi ngày thời-thế lại càng thuận-tiện cho những dân có lĩnh-thổ rộng, đế-quốc to, mỏ sắt mỏ than nhiều ; cái thần lửa rồi lại làm chúa-tể cho thế-giới như đời thượng-cổ mới có lịch-sử ; cái cảnh do-dự bất-quyết trong lòng trong trí ta không biết đến bao giờ là cùng tận. Không có cái triết-học nòa, không có cái khoa-học nào là có đủ sức mà đem một cái quan-niệm phân-minh về điều hay điều dở, cái đẹp cái xấu, sự thực, sự hư để thế vào sự do-dự bất-quyết ấy. Phàm những sự hơn kém nhau thuộc về phẩm trong sự-vật, rồi sẽ hỗn-tạp trong trí ta. Ta không thể giải nghĩa cho phân minh được sự tiến-bộ, cũng tức như là ta không thể phân biện được rõ ràng cái gì là cái yếu-cần chính-đáng, cái gì là cái thói quan xằng, thế nào là sự tiêu tiền phải chẳng, thế nào là sự lãng-phí. Mỗi năm ta phải đổi cái quan-niệm của ta về sự « thẩm-mĩ », trước cho làm đẹp nay cho làm xấu, nay cho làm xấu mai cho làm đẹp ; ông cha ta ngày xưa không dám xét đến cái nhẽ huyền-bí của sự-vật, nay ta đã thấu suốt được cái nhẽ ấy, nên đến ngày cái khoa-học đã được toàn-thắng cực thịnh rồi, thì tất bây giờ ta phải tự vấn trong bụng rằng cái khoa-học ấy nó là thực hay hư, nó có cho ta biết được cái chân-tướng của sự-vậy, hay nó chỉ bầy cho ta những cái ảo-tượng mà thôi ; có phải là ta biết thực hay là ta mơ mộng ! Đó là cái đại vấn-đề nó khiến cho các nhà triết-học ngày nay phải chuyên-tâm chú-ý mà xét. Người ta bây giờ giờ cường mạnh qúa vượt qua cả mọi sự giới-hạn, thì xem như quanh minh cái gì cũng tựa hồ xiêu đổ cả, đến cái thế-giới này cũng không chắc thực hay hư nữa !

VI

Nhưng hoặc-giả lại có người hỏi rằng : nếu cái cảnh-huống ấy không có đường giải-thoát thì lưu-tâm chú-ý đến làm gì ? Như người ta có cái tật không thể chữa được thì làm ngơ đi, không muốn biết đến cái tật ấy nữa. Dù vậy tôi cũng thiết tưởng rằng không phải là mất công mà bầy tỏ cái cảnh-huống kỳ lạ ấy ra, thực là trong lịch-sử chưa từng có bao giờ ; nhưng trong những nước cũng người cũ ta, ngày nay còn là đại biểu cái « phẩm-đích-thế-giới », như trong bọn những nhà văn-học, nhà pháp-luật, nhà tôn-giáo, muốn hiểu rõ cái cảnh-huống ấy cũng không phải là một sự vô ích. Trừ ra nghề học thuốc phải có mà chữa khỏi các tật bệnh, trừ những khoa-học có ích cho các công-nghệ, trừ những nghề chơi làm cách tiêu-khiển cho người ta, còn các công việc khác thuộc về trí-thức ngày nay như sai lạc phương-hướng cả. Thử hỏi ngày nay có nhà giáo-sư thành-thực nào, gặp những buổi chán nản ngã lòng, lại không hề tự-vấn trong bụng rằng ở trong một thời-đại chỉ biết lấy cái lòng kiêu-căng, cái lòng tham-dục đem đến cực-điểm, đến bực gần như điên-cuồng, mà gọi là sự cường mạnh, trong cái thời-đại như thế mà đem diễn cho người đời những đức-tính của đạo Cơ đốc, thì còn có bổ-ích gì ? Thử hỏi có nhà lịch-sử không-khéo nào mà thời hồ lại không có lúc tự nghĩ rằng mình ở trong một thời-đại chỉ biết trông thằng trước mặt, như cắm đầu mà sô nhẩy vào cái tương-lai, hăng như thế, mạnh như thế, thì mình có cố công kể những việc đời xưa cho người đời nghe làm gì nữa ? Thử hỏi có nhà triết-học nào trông thấy cái thời-thế chỉ biết chăm chút những sự thiết-thực thuộc về đường kinh-tế, lại không có lúc tưởng mình như ở trên một vì hành-tinh nào mới giơi xuống mặt địa-cầu ư ? Lại thử hỏi có nhà mĩ-thuật nào sở nguyện trong bụng không một là lấy kiếm được nhiều tiền, mà cốt là cho đến được một cái tuyệt-phẩm lý-tưởng, lại không từng đến trăm lần rủa thầm cái thời-thế hỗn-độn táp-nhan này nư ? Phải, vẫn biết rằng thời-hồ cũng có lúc xem người đời lại có ý hồi cổ ; như đột-nhiên thấy nhiều người lưu-tâm chú-ý đến sự cải-lương tôn-giáo, đến cái tương-lai của luân-lý, đến những truyện cũ đời xưa, những vấn-đề về đạo-đức, những vết-tích của các văn-minh cũ đã tàn rồi. Nhưng bất quá là những sự đua vui nhất-thời mà thôi, không đủ khiến cho những nhà mĩ-thuật nhà học-vấn có cái quan-niệm phân-minh rằng mình có một cái công-việc nhất định có ích trong thời buổi bây giờ. Một cái nhẽ vì đất mà những công việc thuộc về tri-thức ngày nay thiên thành ra những nghề hoặc là kiếm tiền được, hoặc là thuộc về « cục-chế » của nhà-nước, là những công việc ấy ngày nay không thấy cái mục-đích ở mình nữa, phải tìm cái mục-đích ấy ở ngoài, ở sự kiếm tiền kiếm bạc, hay là ở cái ngôi vị trong xã-hội. Trong khi du-lịch, đi qua những nơi đồng-điền vắng vẻ ở hai châu Mĩ, trông thấy ở bên giọc đường hoả xa, hết ngày nọ đến ngày kia, những cây lúa mì cùng cây ca-phê mọc xanh dì cho đến tận tịt mịt giời xanh, trong khi ấy biết mấy mươi lần nhà học sử đời cổ-đại chạnh nghĩ đến những miếng đá hoa nho nhỏ người thợ Hi-lạp ngày xưa chạm khắc chải-chuốt tinh-tế là dường nào, ngày nay thấy bầy trong những nhà cổ-vật-quán ta còn phải nức lòng cảm-phục ! Người Hi-lạp sở-dĩ đến được cái bực tuyệt-phẩm trong mĩ-thuật như thế, chẳng phải là đương vào lúc biết cầm lòng không đi chinh-phục địa-cầu để thu lấy những của cải trên địa-cầu ư ? Mà người đời sở-dĩ lấy cái đường hoả-xa mà chiếm-cứ được những khoảng đất tịch mịch mênh mông, chẳng phải là đã đành lòng chịu bỏ những cái tuyệt-phẩm về mĩ-thuật luân-lý của ông cha ta sùng chuộng ngày xưa ư ? Lấy cái tư-tưởng ấy mà xét thì nhà làm sử tựa hồ như hiểu rõ hơn vừa những văn-minh cổ đời xưa, vừa cái thời-đại mới ngày nay. Những văn-minh đời xưa đã đem xa quá cái lòng ham muốn sự tuyệt-phẩm, đến nỗi cái khí-lực mình theo đuổi mãi một cái mục-đích vừa hẹp quá vừa cao quá cũng phải tiêu mòn đi mất, thì những văn-minh ngày nay mê cuồng những sự to, nhanh, nhiều, cái số-mệnh chẳng phải là có ngày sẽ chìm đắm vào một sự giã man mới, thô-bỉ mà tàn-bạo ư ? Muốn cho một dân được sống vui vẻ, làm ăn có lợi, thời phải cho cái lượng với cái phẩm nó quân-bình nhau, mà sự quân-bình ấy thì nếu những cái tuyệt-phẩm lý-tưởng về đường mĩ-thuật đạo-đức tôn-giáo có còn đủ thế-lực mà hạn-chế được cái lòng ham muốn của cải, thì sự quân-bình ấy mới có thể có được. Ví những nhà mĩ-thuật, nhà lịch-sử, nhà triết-học, nhà tôn-giáo, nhà văn-học cùng với bọn thượng-lưu xã-hội hiểu mà cảm biết cái nghĩa-vụ nhớn nhao của mình trong thời-thế bây giờ là phải cầm giữ trong lòng người những cái đê đã dựng lên để ngữ cái sóng dữ dội quá của sự tiến-bộ ngày nay, ví ai cũng cảm biết như thế, thì biết bao nhiêu những công việc thuộc về trí-thức ngày nay hoặc nhãng bỏ, hoặc khinh rẻ, hoặc biến hẳn thành những nghề nghiệp thường, rồi có ngày hồi-phục lại mà thành những thiên-chức cao-thượng ! Mà nếu đã có cái quan-niệm rằng cái nghĩa-vụ ấy trong xã-hội nhớn nhao là nhường nào, thì phàm những công việc thuộc về trí-thức ấy, ngày nay còn đương suy-vi, đến bấy giờ cái thế-lực tất tăng lên biết bao nhiêu ! Ta lại thử xét cái vấn-đề về « cổ-điển học-vấn », cái vấn đề ấy trên tôi đã nói quá, nay tôi lại nói đến nữa, vì trong khi du-lịch Mĩ-châu tôi hằng nghĩ ngợi đến, các ông tất cũng hiểu vì cớ gì ; vậy thì cái cổ-điển học-vấn ấy ngày nay có chịu rút lại cho vừa phải những cái hình-thức của mình thuộc về khoa-học, mà hồi-phục lấy cái tính-cách cũ thuộc về mĩ-thuật, về văn-chương, tức là sự học-vấn ấy có biết bồi-dưỡng cho trong trí người ta bao giờ cũng có một cái tuyệt-phẩm lý-tưởng về sự tốt đẹp, có thế thì mới có cái cơ lại thịnh-hành như xưa được. Nhưng ngày nay cũng không có thể giở lại hẳn cái « cổ-điển chủ-nghĩa » như đời xưa được nữa. Hi-lạp cùng La-mã không thể coi là cái mô-phạm tối cao, cái mẫu độc-nhất-vô-nhị của sự tốt đẹp nữa. Thời-thế đã thay đổi đi rồi, thế-giới không thể chịu được một cái kỷ-luật về sự « thẩm-mĩ » chật hẹp mà nghiêm ngặt như thế nữa. Nhưng mà Hi-lạp cùng La-mã vẫn phải coi mà vẫn nên coi là một cái mô-phạm cổ nhất, danh-dự nhất trong nhiều cái mô-phạm khác nữa. Những mẫu của Hi-lạp cùng La-mã đã sáng nghĩ ra, cái thế-lực nó trong lịch-sử thế-giới đã to nhớn vô cùng, nó đã từng giúp được bao nhiêu lần, bao nhiêu quốc-dân ra khỏi vòng giã-man, biết lấy sự hạn-chế mà quan-niệm được những điều tuyệt-mĩ, chân-lý, công-nghĩa ; bởi thế cái nghĩa-vụ ta ngày nay là phải gìn giữ cho những cái mẫu ấy nó khỏi mòn mõi mất ở trong trí ta, để khi nào có cần đến nó, nó còn giúp cho ta được việc nữa. Mà muốn giữ cho nó sống bền thì phải đặt ra những trường học dạy cho người biết hiểu nó, biết cảm nó. Vì rằng không có cái lý-tưởng nào là tuyệt-đích, là vĩnh-viễn, là tất-yếu cả ; cái nào cũng do một sự hạn-chế người ta tự đặt ra, mà bởi thế chỉ có được nhất thời ; nó cũng tựa hồ như những cái tia sáng nhỏ, tự cái ánh sáng nhớn vô cùng nó bao bọc ta mà bắn ra vậy. Nếu người ta không biết cố giữ lấy nó thì nó được một chốc nó lại qua đi.... Ngày nay ta cẩn trọng mà sưu-tập lấy những vết tích đời xưa, nhưng ngày xưa có lắm đời phá tượng đốt sách ; cái sự phá-hoại ấy ngày nay cũng có thế tái-hành lại được, tuy không đến nỗi dữ bằng đời xưa mà thôi. Đến ngày thế-giới không còn biết cảm cái đẹp của những tượng Hi-lập nữa, thì chất đầy những tượng Hi-lạp vào các nhà Cổ-vật-quán mà làm gì ? Đến ngày chỉ trừ mấy nhà chuyên-môn còn không ai đọc đến sách cổ nữa thì in lại những sách cổ cho thật kỹ lưỡng đẹp đẽ mà làm gì ? Chính là bởi ngày nay ở đất Mĩ-châu to nhớn, cái thần lửa lại sắp làm thần chúa-tể của loài người ta như về đời thượng-cổ mới có lịch-cử, chính là bởi thế mà vì cái phép quân-bình thì ở Âu-châu cùng ở Mĩ-châu tất phải có một bọn ít người cao-thượng kính trọng mà thờ những vị thần văn-nghệ, khiến cho trong cái đám xôn xao những tiếng máy móc om sòm cả thế-giới còn có một bọn người ấy biết cảm thú cái tiếng đàn êm-ái trong câu thơ ông Virgile.

Ph. Q dịch.


   




Chú thích

  1. Tức là ông Kha-luân-bố (Christophe Colomb).
  2. Homère là nhà làm thơ Hi-lạp ; Cicéron là nhà hùng-biện La-mã.