Bước tới nội dung

Nam cực tinh huy/Hồi 15

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Đắc lũng Tam-Ca giành nghiệp cháu,
Thác cô Ngô chúa thử lòng em.


Xưa nay từ trên vương đế xuống tới dưới thứ dân, dầu ở bực nào cũng vậy, hễ lúc lâm nguy tao biến thì ít thấy mấy người nâng đỡ giúp giùm, còn đến thời hữu thế đắc thời, thì chẳng thiếu chi kẻ mến yêu xu phụ. Người quân tử vẫn biết nhơn tình lạt-lẽo, thế thái a-dua, nên trong cơn nguy biến thì kiên tâm trì chí, dầu không ai giúp đỡ cũng chẳng chút than phiền, còn trong lúc hưng sung thì cân thiện đo tà, sợ nghe lầm sàm ngôn mà sa bước đường suy bại.

Ngô-Quyền khi nghe tin nhạc-phụ bị người thích tử thì lấy làm bối rối, bởi vì nghĩ mình thế cô binh thiểu biết có sức rửa hờn báo oán hay không. May nhờ chư trấn cảm mến tình xưa nghĩa cũ Dương-diên-Nghệ, kẻ giúp sức, người giúp binh, mà thiệt cũng nhờ Ngô-Quyền trì chí kiên tâm, trót một năm trường, đêm lo mưu ngày tính kế, nên mới diệt được kẻ thù rồi dựng lên nghiêp cả.

Nhưng tiếc vì Ngô-vương đã thông thao lược, đã biết kiên nhẫn, mà lại không hay cận thiện viễn tà bởi vậy cho nên thân tình khắng khích của những người có công giúp đỡ ngày xưa lần lần lạt phai, rồi cơ nghiệp vương bá, lấy làm cực khổ mới dựng nên được, lần lần suy bại.

Trước khi Phạm-bạch-Hổ lãnh binh về trấn Đằng-châu, người vào bái biệt Ngô-vương có tâu một câu rằng: “Sáng nghiệp nan, thủ thành bất dị.” Câu ấy xét ra thiệt là thâm thúy, vì cớ nào Ngô-vương là một đấng anh tài có dõng, có lược trong lúc nguy biến, biết chước làm cho người qui phục mà đến chừng bình định rồi sao lại quên mưu bảo cơ đồ? Ấy là tại ý trời khiến xuôi, hay là ý người vụng tính? Xưa nay kẻ nói tại trời, người nói tại mình, ai nói nghe cũng có lý phải, mà vì có lý phải nên không biết chắc tại ai.

Vậy chúng ta đừng thèm bàn luận nữa mà uổng công, cứ nghĩ rằng những cơ trị-loạn hưng-vong là lẽ tự nhiên, hễ hết trị rồi loạn, hết loạn rồi tới trị, cái máy tuần huờn chạy hoài, không ai có tài nào mà ngừng lại được.

Ai xem mấy hồi trước thấy Ngô-Quyền có tài dẹp loạn ở trong, phá giặc ở ngoài, lấy nhơn mà đãi lê-dân, lấy nghĩa mà phục tướng sĩ, nên mới được lên ngôi quốc-vương, thì cũng tưởng từ ấy thạnh trị thái bình. Nào dè Ngô-vương tức-vị sai chư tướng đi trấn rồi, thấy An-trí-Công là Dương-tam-Ca, nhỏ nhoi chịu lụy hằng ngày thường xưng tụng tài đức, thường làm dạng trung thành, nên đem lòng yêu chuộng, rồi An-trí-Công tâu đều chi Ngô-Vương cũng đều phê cho hết thảy.

An-trí-Công thừa thế mới xin với vua phải hạ chỉ truy tróc dòng dõi họ Kiều mà chém hết đặng khỏi hậu hoạn. Vua nghe lời bèn truyền cho các trấn phải tìm bắt cho được Kiều-công-Hãn với Kiều-Thuận mà giải về kinh, làm cho hai tướng ấy sợ mà oán, song cô-thế không phương vẫy vùng, nên phãi rút vào núi rừng ở miền thượng du mà mai danh ẩn tích.

An-trí-Công lòng hờn riêng Phạm-bạch-Hổ, vì nhớ Bạch-Hổ trước đã không muốn mình làm vua, rồi sau lại còn muốn vua nghi kỵ mình nữa, nên khi được Ngô-vương yêu, mới dùng lời vô tiếng ra mà làm cho vua hạ chỉ giảm binh Đằng-châu, không cho quá số năm trăm.

An-trí-Công lại còn muốn cho có đủ vi kiến, nên giao hảo với Đỗ-cảnh-Thạc và Dương-kiết-Lợi là hai vị đại thần ở lại triều, chừng biết chắc Kiết-Lợi có lòng yêu mình rồi, mới tâu với vua mà xin giao hết binh quyền cho Kiết-Lợi quản-đốc. Vua nghĩ vì Dương-kiết-Lợi tuy không trí lược song võ nghệ cao cường, nên cũng nhậm lời xin không ngăn trở chi hết.

Hai điều Phạm-bạch-Hổ xin với Ngô-vương đừng làm, mà nay Ngô-vương đã làm hết cả hai. 1- là trọng dụng Tam-Ca, 2- là giao binh quyền cho Kiết-lợi. Vậy để rồi đây sẽ biết Bạch-Hổ với Ngô-vương ai thấp trí ai xa lo.

Ngô-vương lên ngôi được vài năm rồi định mở hai hội thi, một hội thi võ, một hội thi văn, mà tuyển chọn dõng sĩ, văn tài, để nâng đỡ thành trì, trị an dân xã. Buổi ấy trong nước văn học còn thấp thỏi nên khoa thi văn thì chọn được có hai người thôi, một là Giang-hoài-Nhơn, gốc ở Hoan-châu tuổi vừa bốn mươi, hai là Tôn-nhựt-Lệ, gốc ở Bồ-hải, tuổi đã gần 60. Vua phong cho hai người làm chức Ngự-sử, ở lại triều mà giúp việc chánh.

Còn khoa thi võ thì chọn được 4 dõng sĩ là: Sầm-Bích, Lâm-Hổ, Triệu-Hùng và Hà-cảnh-Dực. Tuy sánh võ nghệ thì Sầm-Bích cao hơn hết, song Ngô-vương cũng phong cho bốn người đồng lãnh chức Tổng-binh.

Hai Hoàng-Tử là Xương-Cấp với Xương-Văn khôn lớn lần lần, mà càng khôn lớn anh em càng yêu nhau, ngủ thì ngủ chung một giường, mà chơi cũng chơi chung một chỗ, không hề rời nhau một bước. Vua muốn dạy hai Hoàng-Tử thông nghề văn nghiệp võ, nên truyền lịnh cho Tổng-binh Sầm-Bích với Ngự-sử Giang-hoài-Nhơn theo dạy dỗ hai Hoàng-Tử kẻ chuyên tập sử kinh, người chuyên luyện cung kiếm.

Xương-Cấp tánh tình nhu-nhược, ưa học văn chớ không ưa tập võ, còn Xương-Văn thì chí hùng hào, nên ít ưa đọc sách làm thi, chỉ ham cầm cương cỡi ngựa. Vua nghe chí hai trẻ khác nhau thì nghĩ thầm rằng Xương-Cấp là Thái-Tử, ngày sau nối nghiệp giữ giềng, nên tu văn phế võ là phải đạo; còn Xương-Văn là thứ-tử, ngày sau đấp lũy bồi thành, nên tu võ phế văn cũng là hiệp lý, bởi vậy vua để thong thả cho hai Hoàng-Tử mỗi người tùy thích mà học tập.

Ngô-vương trị vì được 5 năm, tuy là quốc-chánh trọng dụng Tam-Ca, binh quyền phú thác cho Kiết-Lợi mặc dầu, nhưng mà lân bang còn khiếp oai, chư trấn còn cảm nghĩa; bởi vậy ngoài biên mới thanh bình, trong nhơn dân khâm phục. Qua năm giáp thìn (năm 994), nhằm tiết xuân, trời trong gió mát, vua ngự giá ngoài thành săn bắn. Đến chiều phản giá nhập cung thì vua nhuốm bịnh, ngự-y điều trị hết sức, song bịnh đã không giảm mà lại ngày càng nặng thêm. Vua ngọa bịnh chưa đầy một tháng mà long nhan đồi-tụy khí lực suy giảm, không ra triều được. Việc quốc-chánh giao cho Dương-tam-Ca điều đình. Tam-Ca trộm lịnh mới cấm nhặt bá quan văn võ không cho ai được vào cung mà yết kiến để một mình anh ta thân cận với vua mà thôi. Hễ bá quan có tựu trước chánh điện mà vấn an, thì Tam-Ca cứ nói bịnh vua đã thuyên giảm nhiều rồi, song vua còn mệt nên chưa lâm triều cho bá quan bái yết được.

Đến mùa hạ bịnh vua càng nặng hơn nữa. Bữa nọ vua mệt quá liệu trong mình không thể sống lâu nữa được, nên thấy Vương-hậu vào đến long sàng vua bèn hỏi rằng: “Hai Hoàng-tử đi đâu sao hổm nay không thấy vào viếng trẩm?” Vương-hậu đáp rằng: “Bữa nào hai Hoàng-tử cũng xin vào, nhưng vì An-trí-Công nói rằng có lịnh của Bệ-hạ cấm không cho vào, nên chúng nó không dám trái lịnh”.

Vua day mặt qua chỗ khác mà thở dài, Vương-hậu biết ý vua bèn lui ra cho đòi 2 Hoàng-tử rồi dắt vào thăm vua. Hai hoàng-tử thấy cha suy nhược mặt ốm mình gầy không phải lẫm liệt oai nghi như ở Ái-châu thành xuất binh, hay là như khi làm lễ tế trời mà lên ngôi cửu ngũ vậy, thì động lòng không dằn được, nên đứng ngó cha mà khóc. Có lẽ vua thấy đủ mặt vợ con vua cũng động lòng, nên vua nằm lặng thinh không thốt chi hết, song nếu xem kỹ thì thấy hột lụy rưng rưng theo khóe con mắt. Cách một hồi lâu vua mới phán rằng: “ Ta biết trong mình ta yếu lắm, sợ qua không khỏi ngày nay. Vậy nếu chẳng may mà ta có thăng-hà đi rồi thì Xương-Cấp là Thái-tử nối ngôi, con phải lấy đức mà trị dân, lấy nghĩa mà đãi tướng. Còn Xương-Văn, phần con là em, dầu con không đặng ngôi báu, con chẳng nên sanh lòng ganh ghét, phải lấy câu thuận thảo mà phò trợ anh con; hai anh em phải nương đỡ nhau thương yêu nhau đặng giữ gìn võ trụ, bồi đắp cơ đồ, cho khỏi uổng công cha sáng-lập”.

Vua nói tới lời đó thì có sắc mệt nên ngừng lại mà nghỉ. Vương-hậu với hai Hoàng-tử quì trước long-sàng cúi đầu mà khóc. Vua nghỉ một hồi rồi nói tiếp rằng: “Còn Vương-hậu thì phải hết lòng lo dạy con, đừng để chúng nó ganh-ghét nhau, bởi vì hễ anh em mà ganh-ghét nhau, thì hư nhà mà cũng đừng để chúng làm đều vô đạo, bởi vì hễ làm vua vô đạo thì mất nước.

Nếu con biết nghe lời cha, nếu vợ biết kế chí chồng, thì ta mới vui lòng nơi chín suối”. Vương-hậu nghe vua di-ngôn như vậy thì đứt ruột nát gan, dằn lòng không được, nên nắm tay vua mà khóc òa, còn hai Hoàng-tử thì thương cha, nên không kể triều nghi, xúm lại ôm vua mà than khóc.

Ngô-vương nằm tỉnh táo như thường, thấy vợ con đồng khóc thì động lòng, nên khuyên mẹ con dắt nhau về cung, để cho vua an nghỉ. Vương-hậu dắt hai Hoàng-tử ra rồi, vua bèn dạy hoạn quan là Triệu-Bình đi đòi Đỗ-Cảnh-Thạc nhập cung đặng cho vua dạy việc. Triệu-Bình vâng lịnh ra đi, vừa tới cửa bỗng gặp Dương-tam-Ca đương đứng chực tại đó. Tam-Ca hỏi Triệu-Bình xuất cung có việc chi. Triệu-Bình tỏ thiệt rằng vua dạy đi đòi Cảnh-Thạc. Tam-Ca cản lại nói rằng: “ Cảnh-Thạc đi Tề-Giang chẩn bần chưa về, vậy ngươi hãy vào tâu với Bệ-hạ đặng cho ta yết kiến.”

Triệu-Bình nghe lời trở vào cung tâu với vua, Ngô-vương nằm lặng thịnh một hồi lâu rồi mới dạy cho Tam-Ca vào. Tam-Ca bước vào quì tựa long sàng mà khóc. Vua dạy đứng dậy rồi phán rằng: “Trẩm lâm bịnh nặng, sợ không còn sống nữa được. Bình sanh phận sự của trẩm vuông tròn, công danh của trẩm rực rỡ, bởi vậy ngày nay dầu trẩm có thăng hà đi nữa, trẩm không hổ với nước non, nên trẩm rất vui lòng mà nhắm mắt. Tuy vậy mà trẩm còn lo một việc, là trẩm lao tâm mệt trí lắm mới dựng được cơ nghiệp đồ sộ như vầy; mà hai hoàng tử thì đức bạc tài sơ, nên trẩm sợ không đủ sức mà gìn giữ giang san cho được muôn năm bền vững. Vả Vương-hậu đệ tuổi cao sức trọng, vậy trẩm muốn...”

Vua nói tới đó rồi lại ngừng mà ngó Tam-Ca. Còn Tam-Ca nghe vua nói tới đó thì không khóc nữa, đứng lóng tai mà nghe. Vua mới nói tiếp rằng: “Trẩm muốn cho vương-đệ nối ngôi cho trẩm mà bảo thủ biên-cương, trị an thiên hạ, không biết ý vương-đệ liệu lẽ nào?” Tam-Ca vừa mới khóc đó, chừng nghe vua phán như vậy thì sắc mặt tươi cười mà tâu rằng: “Sách có chữ: phụ truyền tử kế, ví dầu chẳng may Bệ-hạ có xa băng án giá thì hoàng thái-tử nối ngôi; ấy là lẽ tự nhiên. Tuy kẻ hạ thần bất tài, không dám bì với Châu-Công-Y-Doản, song kẻ hạ thần cũng phải tận tâm kiệt lực mà khuôn phò Thái-tử, dẫu tan xương nát thịt kẻ hạ thần cũng chẳng dám phiền hà. Nhưng nếu Bệ-hạ quyết nhường ngôi trời lại cho hạ thần, thì kẻ hạ thần cũng phải hết lòng mà gìn giữ giang-san, đợi cho hoàng Thái-tử lớn khôn rồi kẻ hại thần sẽ nhường ngôi lại.”

Ngô-vương ngó ngay Tam-Ca rồi day mặt vào phía trong, nằm thiếp không nói chi nữa hết. Cách một hồi lâu vua day ra thấy Tam-Ca còn đứng đó, vua lấy tay mà khoát tỏ ý muốn biểu Tam-Ca ra ngoài. Tam-Ca vừa mới lui ra thì vua sai Triệu-Bình đi đòi Vương-hậu vào cho vua dạy việc. Vương-hậu nghe có lịnh vua đòi lật đật nhập cung, vừa tới cửa thì Tam-Ca cản lại mà nói rằng: “Bệ-hạ bịnh nặng lắm, sợ sớm muộn nội ngày nay bệ-hạ thăng hà, bệ-hạ mới đòi tôi vào mà di ngôn rằng hai cháu khờ dại không thể truyền ngôi được, nên bệ-hạ dạy tôi phải nối ngôi cho bệ-hạ. Hiền-tỉ vào nghe coi bệ-hạ phán lẽ nào rồi nói lại cho tôi biết…”

Vương-hậu còn nhớ lời vua dặn con khuyên vợ khi nãy, bởi vậy nghe Tam-Ca nói vua di-ngôn truyền ngôi cho Tam-Ca thì chưng hửng, không biết sao mà đáp được. Vả Vương-hậu là người đàn bà tánh tỉnh táo, trí lẹ làng, dầu gặp việc hiểm nguy cũng chẳng hề chộn rộn, nên vừa mới chưng hửng thì tỉnh lại liền, rồi nói với Tam-Ca rằng: “Nếu như thiệt bệ-hạ có nhường ngôi cho em, thì em cũng phải từ đi, chớ sao em lại mừng? Vậy chớ em quên cái ơn của bệ-hạ báo thù cho cha rồi sao?”

- Mấy lời chị nói em đã hiểu rồi, bây giờ em mới biết bụng chị thương con hơn em.

- Em đừng nói lếu, hễ em nói nhiều thì quấy càng nhiều, ở đời phải noi đường nghĩa nhơn, chớ luận chi tình thương ghét.

Vương-hậu nói mấy lời rồi bỏ đi thẳng vào cung, lại đứng dựa long-sàng.

Vương-hậu chưa kịp hỏi vua coi thiệt có truyền ngôi lại cho Tam-Ca hay không, thì vua phán rằng: “Hai con còn khờ dại, trẩm muốn nhường ngôi cho Tam-Ca, ý hậu nghĩ lẽ nào?” Vương-hậu và khóc và tâu rằng: “Muôn tâu bệ-hạ, lời bệ-hạ phán, tiện tỳ đâu dám cãi, nhưng mà tiện tỳ nghĩ rằng Tam-Ca là đứa bất-hiếu, cha chết không dám báo cừu lại là đứa bất tài, bệ-hạ báo cừu nó không có công giúp đỡ, bệ-hạ vì tiện-tỳ mà cho nó hưởng lộc triều đình, tiện tỳ tưởng cũng đã thái quá rồi có lý nào lại truyền ngôi cho nó nữa. Thái-tử nay đã được 18 tuổi rồi mà ví dầu Thái-tử còn dại khờ đi nữa, thì việc triều chánh cũng còn có bá quan phò tá, xin bệ-hạ đừng tính như vậy mà chinh lòng bá quan và trái ý chư trấn.”

Ngô-vương gặt đầu rồi phán rằng: “Vẫn biết nếu trẩm truyền ngôi cho An-trí-Công thì chẳng những chư trấn bất bình, mà sợ lân bang xâm lấn nữa, nhưng vì khi nãy trẩm muốn thử lòng An-trí-Công, nên phán như vậy coi An-trí-Công liệu lẽ nào. Chẳng dè An-trí-Công mừng rỡ, coi ý muốn lãnh ngôi nầy lắm, bởi vậy trẩm sợ thăng hà rồi thì triều đình chẳng khỏi lộn-xộn.”

Vương-hậu tâu rằng: “Xin bệ-hạ an tâm mà tiếp dưỡng mình vàng, việc ấy để tiện tỳ điều đình, không sao đâu mà sợ.” Vua gặt đầu rồi dạy Vương-hậu lui ra, Vương-hậu ra tới cửa gặp Tam-Ca còn đứng đó bèn biểu Tam-Ca đi theo về cung đặng cho Vương-hậu tỏ mật sự. Tam-Ca mừng rỡ lật đật đi theo, tưởng là vua cũng tỏ việc truyền ngôi ấy cho Vương-hậu biết nữa, chẳng dè về tới cung Vương-hậu mời Tam-Ca ngồi rồi nói rằng:

- Chị hỏi bệ-hạ thì bệ-hạ nói rằng không có di-ngôn truyền ngôi cho em, vậy em không nên nói quấy như vậy nữa mà náo động quần thần.

- Chị không muốn cho em làm vua nên chị nói như vậy, chớ hồi nãy bệ-hạ di ngôn có hoạn quan là Triệu-Bình nghe, nếu chị không tin thì hỏi lại thử coi.

- Bệ-hạ muốn thử lòng em nên nói chơi coi em chịu hay không, chớ không phải quyết định đâu.

- Ủa! Thiên-tử nhứt ngôn, làm vua mà nói chơi sao được.

- Mà dầu Bệ-hạ có nói thiệt đi nữa, chị cũng không chịu để em làm vua.

- Chị nói sao vậy? Ngôi quốc-vương nầy là ngôi của cha. Khi cha thăng hà, Bệ-hạ có công báo cừu nên em nhượng lại ngôi cho Bệ-hạ làm vua. Nay nếu Bệ-hạ thăng hà thì em đòi ngôi ấy lại, vì cớ nào chị không chịu?

- Chị không khứng cho em làm vua.

- Hứ! Em làm vua thì chị cao sang, tổ tông vinh hiển, sao chị lại không chịu?

- Không lẽ chị nói cho hết lời với em được, chớ thiệt nếu em lên ngôi cửu ngũ thì đã trái nhơn tâm, mà lại phạm đại nghĩa lắm.

- Thôi, chị chớ nói nhiều lời, em hiểu rồi. Chị muốn giành ngôi cho con chị làm vua đặng chị lãnh chức Thái-hậu, chớ nếu để em làm vua thì chị lãnh chức Hoàng-tỉ nhục chị, chớ không phải là chị vì nghĩa nhơn nào hết.

Tam-Ca nói dứt lời liền bái Vương-hậu mà lui ra. Vương-hậu biết được ý em toan làm việc bất trung bất nghĩa thì tức giận, song không biết nói sao được, nên ngồi chống tay trên trán mà khóc. Đến lúc chạng vạng tối, Vương-hậu lén sai thế nữ đi đòi hai Hoàng tử. Hai Hoàng-tử bước vào thấy mẹ ủ dột, không hiểu bịnh vua lành dữ thể nào, muốn hỏi mà sợ nghe tin bất tường nên không dám hỏi, cứ đứng khoanh tay rơi lụy mà đãi lịnh. Vương-hậu thấy con liền lau nước mắt rồi hổi rằng: “Hai con có biết trong hàng bá quan ai trung ai nịnh hay không?” Xương-Cấp tâu rằng: “Hai con mắc lo học tập, không rõ được việc trào chánh. Nếu mẹ muốn biết, xin hỏi quan Ngự-sử Giang-hoài-Nhơn thì rõ.”

Vương-hậu bèn dạy Xương-Văn đi đòi Giang-hoài-Nhơn.

Khi Hoài-Nhơn vào rồi thì Vương-hậu kiếm lời khôn khéo mà thử bụng, chừng biết là người chơn chánh, mới đem việc em mình là Tam-Ca muốn soán ngôi mà tỏ thiệt cho Hoài-Nhơn với hai Hoàng-tử nghe và hỏi Hoài-Nhơn coi liệu kế nào mà sớm trừ đứa nịnh. Hoài-Nhơn nghe nói biến sắc. Xương-Văn thì giận đỏ mặt, còn Xương-Cấp thì đứng ngó mẹ chưng hửng. Hoài-Nhơn đứng suy nghĩ một hồi rồi tâu rằng: “Muôn tâu lịnh Vương-hậu, hạ thần xem bá quan văn võ tại triều bây giờ phần nhiều là phe đảng của An-trí-Công, đến nỗi đại thần như Đỗ-Cảnh-Thạc, Dương-kiết-Lợi chấp chưởng binh quyền, bởi vậy nếu An-trí-Công sanh tâm phản nghịch thì dầu trong hàng bá quan có ông nào trung thành cũng không dám chống chỏi. Hạ-thần nghĩ bây giờ chẳng có kế chi hay cho bằng kế nầy; một là lịnh Vương-hậu cho đòi Dương-kiết-Lợi vào cung, rồi kiếm lời phủ húy, khuyên đừng có xu-phụ An-trí-Công; nếu Kiết-Lợi mà không giúp thì An-trí-Công không dám rụt rịt; hai là lịnh Vương-hậu sai người lén đưa hai Hoàng-tử ra Đằng-Châu và mật chiếu dạy Phạm-bạch-Hổ hiệp-chư trấn đem binh về triều mà bắt An-trí-Công; dùng hai kế ấy thì có lẽ cơ đồ mới vững được.”

Vương-hậu đáp lại rằng: “Khanh bày hai kế thiệt là hay nhưng Dương-kiết-Lợi là chú họ của ta, tức cũng là chú họ của An-trí-Công, nếu người đã xu-phụ theo An-trí-Công rồi thì ta có nói sợ cũng vô ích. Còn Phạm-bạch-Hổ tuy là đứng trung thần nghĩa sĩ, có lẽ ta cậy được, ngặc vì lịnh Bệ-hạ trọng bịnh không lẽ ta để cho hai Hoàng-tử đi; đã vậy mà ta biết An-trí-Công muốn phản, chớ nó cũng chưa phản nên không lẽ chư trấn xuất binh cho được.” Vương-hậu với Hoài-Nhơn đương bàn tính, bỗng đâu hoạn-quan Triệu-Bình vào cung mà báo cho Vương-hậu hay rằng Ngô-vương đã thăng-hà rồi. Hai Hoàng-tử nghe nói liền ôm nhau mà khóc. Vương-hậu chết điếng trong lòng, song gắng gượng mà hỏi Triệu-Bình rằng: “Bệ-hạ thăng-hà rồi, vậy bá quan có ai hay rồi chưa?”

Triệu-Bình đáp rằng chưa ai hay biết. Vương-hậu liền dặn Triệu-Bình kín miệng đừng cho ai hay, rồi dắt hai Hoàng-tử với Giang-hoài-Nhơn vào long-sàng mà lạy vua. Làm lễ xong rồi Vương-hậu dặn Triệu-Bình cấm ngặt đừng cho ai vào cung, và dạy Hoài-Nhơn dắt hai Hoàng-tử về dinh mà bảo hộ. Vương-hậu trở vào ngồi dựa long sàng mà khóc, chồng còn nằm đó, con dại còn đây, em lại tính soán ngôi, một đàng là con, một đàng là em, lấy làm khó liệu.