Bước tới nội dung

Nam cực tinh huy/Hồi 20

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Xương-Cấp gần người vui giảm bịnh
Kiên-Trinh dưới cội nhác trao lời.


Sầm-Bích thấy Xương-Cấp té xỉu lật-đật ôm đỡ dậy rồi đem để nằm trên bộ ván. Mấy người trong tiệc đều xúm xít đứng chung quanh mà hỏi thăm rồi kẻ chạy đi gắp than đem lên hơ, người thì chạy đi kiếm thuốc đem về đổ.

Xương-Cấp nằm bất tỉnh nhơn sự, Sầm-Bích lo sợ hết sức. Cách một hồi lâu Xương-Cấp tỉnh lại, nhưng mà đầu thì nóng hổi, còn chơn thì lạnh ngắt. Mấy ông kỳ-lão thấy vậy khuyên Sầm-Bích ở lại đặng chờ Xương-Cấp mạnh rồi sẽ đi.

Hà-Mai lật đật biểu em dọn một cái phòng ở chái trên cho sạch sẽ lót giường trải chiếu giăng mùng, rồi đem Xương-Cấp vào đó mà nghỉ. Sáng bữa sau, lại sai em bắt ngựa cỡi qua làng Thường-An, ở cách đó chừng vài dậm, rước ông lương-y Trần-Đàng qua chẩn mạch hốt thuốc.

Ông Trần-Đàng tuổi đã 60 mà sức hãy còn mạnh mẽ. Ông có danh trị bịnh giỏi, mà lại có tài coi tướng hay. Trưa ông qua tới, Sầm-Bích với Hà-Mai thuật sơ chứng bịnh của Xương-Cấp phát ra làm sao cho ông nghe rồi mời ông vào phòng chẩn mạch.

Xương-Cấp nằm nhắm mắt, đầu mình thì nóng, còn tay chơn thì lạnh hoài. Trần-Đàng chẩn mạch rất lâu, rồi ra ngoài nói với Sầm-Bích và Hà-Mai rằng: “Bịnh của tiểu quan nhơn đây tuy không có chi nặng lắm, song trị cho mạnh được thì không dễ gì. Bịnh nầy là tâm bịnh, tại đa sầu đa não, uất-khí tích-tụ, nên mới sanh bịnh. Bây giờ có trị thì phải để cho bịnh nhơn an-tịnh, mà nhứt là đừng làm điều chi cho bịnh nhơn lo rầu, rồi tôi hốt thuốc cho uống lần lần thì chắc sẽ mạnh được”.

Sầm-Bích nghe nói thì buồn hết sức, mới hỏi Trần-Đàng vậy chớ phải uống thuốc chừng bao lâu mới mạnh. Trần-Đàng nói nếu bịnh nhơn trong lòng an-ổn thì trong mười bữa hoặc nửa tháng sẽ mạnh được, còn như bịnh nhơn cứ sầu-não hoài thì uống thuốc phải lâu hơn nữa.

Trần-Đàng đưa thuốc đặng cho bịnh nhơn uống đỡ, và dặn sai người qua nhà lấy thêm thuốc nữa. Sầm-Bích đem thuốc và phòng cho Xương-Cấp uống, còn Trần-Đàng thì từ mà về, Hà-Mai đưa lương-y ra tới sân, và kêu Hà-Liễu đi theo lương-y mà lấy thêm thuốc.

Khi Trần-Đàng gần lên ngựa, ông day lại hỏi nhỏ Hà-Mai rằng:

- Bịnh nhơn đó là ai?

- Người là học trò đi du học đến ở đậu nhà tôi.

- Té ra người ấy chẳng bà con chi với ông hay sao?

- Không.

- Tôi coi tướng người ấy quí lắm, tuy bây giờ bị tai nạn song chừng năm bảy năm nữa vinh hiển không ai bì kịp. Vậy ông phải ráng mà hoạn dưỡng.

Trần-Đàng lên ngựa đi về. Hà-Mai trở vào nhà nhớ mấy lời của Trần-Đàng thì nửa mừng nửa lo; mừng là mừng Sầm-Bích còn ở trong làng bảo-hộ lương dân, và mừng mình có dịp nuôi dưỡng một người quí tướng dầu ngày sau mình không được nhờ chút thơm rơi thì bây giờ cũng có thế muôn một đền bồi ơn cứu nạn; còn lo là lo người yếu đuối mà mang lấy chứng bịnh hiểm nghèo, ví như lương-y cứu khỏi thì không nói chi, chớ nếu cứu không khỏi thì uổng mạng một người học-sanh có tài có đức lắm. Xương-Cấp uống thuốc coi bịnh càng ngày càng giảm, nhưng mà giảm thì giảm chớ có bữa bịnh phục-phát không chừng. Cách vài bữa, Trần-Đàng qua tuần mạch một lần. Ông dặn Sầm-Bích đừng nói việc gì làm cho người bịnh lo rầu, và để người bịnh nằm an-tịnh trong phòng không nên cho đi đâu hết.

Sầm-Bích buồn chí, vì không biết bàn việc riêng của mình với ai, nên từ sớm mai cho đến tối cứ bỏ đi đến mấy nhà trong làng mà chơi cho khuây-lảng. Còn vài mươi tên trai trong làng thấy Sầm-Bích rảnh rang mới năn-nỉ xin Sầm-Bích dạy võ nghệ. Sầm-Bích thấy người ta hậu đãi, mà nghĩ mình ở không luống xương chớ không ích gì, nên khuyên dân dọn một cái sân lớn trước nhà Lý-Nhân để luyện tập mấy người còn trai. Sớm mai thì thầy trò dắt nhau vào rừng săn thịt, buổi chiều và ban đêm thì về, bữa tập quyền, bữa tập roi, bữa tập búa, bữa tập siêu.

Hà-Mai với Hà-Liễu phải lo cày ruộng đấp bờ, lại thấy bịnh Xương-Cấp đã nhẹ lần lần nên cũng bớt lo mới giao cho Kiên-Trinh ở nhà coi sắc thuốc men, nấu cơm nước mà nuôi dưỡng Xương-Cấp.

Bữa đầu Kiên-Trinh sắc thuốc rồi trong lòng ái ngại nên biểu con ở tên là Lý-Hạnh bưng vào phòng cho Xương-Cấp uống. Cách một hồi lâu Kiên-Trinh lại sai nó trở vào phòng coi như Xương-Cấp uống thuốc rồi thì bưng tô đem ra mà rửa. Lý-Hạnh vào thấy tô đã nguội lạnh mà còn y nguyên, liền trở ra ngoài tỏ lại cho Kiên-Trinh hay. Kiên-Trinh hỏi khách thức hay là ngủ, thì Lý-Hạnh nói khách thức, song không hiểu tại sao mà không uống thuốc.

Kiên-Trinh ngồi suy nghĩ một hồi rồi biểu Lý-Hạnh vào bưng tô thuốc đem đi hâm lại cho nóng. Khi thuốc ấm ấm vừa nóng rồi, nàng mới đích thân bưng vào phòng, thấy Xương-Cấp nằm day mặt vào vách, nàng bèn kêu mà nói rằng: “Thưa quí khách, ráng chỗi dậy mà uống thuốc, tiện thiếp đã hâm lại vừa nóng rồi đây. Ông lương-y có nói thang thuốc nầy hay lắm, hễ quí khách uống rồi thì thấy bịnh bớt nhiều”.

Xương-Cấp day mặt ra thấy Kiên-Trinh đương bưng tô thuốc đứng dựa bên giường, mặt sáng rỡ mà có mấy sợi tóc phất phơ, chẳng khác nào như lằn mây áng gương nga, môi đỏ lòm mà miệng chúm chím cười, chẳng khác nào như hoa đào vừa mới nở, thì trong lòng khoan-khoái nên gượng chống tay ngồi dậy rồi bưng tô thuốc mà uống liền. Kiên-Trinh rót một chén nước trà rồi hai tay bưng cho Xương-Cấp tráng miệng. Xương-Cấp cũng tiếp chén nước uống thêm rồi nói nhỏ nhỏ rằng: “Tôi đến làm khách, rồi lại còn đau ốm làm thêm nhọc công tiểu-thơ nữa, tôi nghĩ thiệt tôi ái-ngại quá”.

Kiên-Trinh chúm chím cười và đáp rằng: “Xin quí khách đừng ngại chi hết. Quí khách ráng an nghỉ mà dưỡng bịnh, nếu quí khách mà mạnh được thì dầu cực cho mấy đi nữa tiện-thiếp cũng chẳng nài. Thôi quí khách nằm xuống mà nghỉ, đừng ngồi lâu và đừng nói nhiều mệt nhọc”. Xương-Cấp nằm xuống thì Kiên-Trinh bước ra liền.

Đến chiều Kiên-Trinh trở vào phòng hỏi rằng: “Quí khách uống thang thuốc hồi trưa đó, vậy mà nghe trong lòng có khỏe-khoắn hơn hôm qua hay chăng?”.

- Tôi khỏe nhiều lắm. Bịnh mười phần bây giờ đã bớt năm sáu phần.

- Nếu vậy thì lời ông lương-y nói thiệt, chớ không phải dối. Hôm quí khách mới đau, thiệt cũng lo sợ quá!

- Xin tiểu-thơ chớ lo nữa. Nếu uống thuốc được như vầy hoài thì chắc tôi mau mạnh lắm.

- Quí khách liệu thử coi chiều nay ăn cơm được hay chưa, hay là còn phải ăn cháo như hổm nay vậy nữa?

- Miệng tôi còn đắng quá nên sợ ăn cơm chưa được.

- Vậy thôi để tiện-thiếp đi nấu cháo cho quí khách dùng.

- Tôi chưa đói, vậy tiểu-thơ chẳng cần phải lo gấp.

- Không hại gì. Để tiện-thiếp đi nấu cháo cho sẵn rồi chừng nào quí khách đói thì tiện thiếp biểu con Lý-Hạnh nó bưng vào cho. Cháo nấu lâu chừng nào ăn dễ tiêu chừng ấy có can chi mà sợ.

Kiên-Trinh nói dứt lời liền xây mặt đi ra. Xương-Cấp muốn cầm ở lại đặng nói chuyên nữa, song không dám tỏ thiệt ý mình, nên bày chước nói rằng: “Xin tiểu-thơ làm ơn rót cho tôi một chén nước trà”. Kiên-Trinh liền trở lại rót nước trao cho Xương-Cấp, thấy Xương-Cấp khỏe khoắn nói chuyện như thường thì mừng thầm trong lòng nên đứng chúm chím cười. Chừng Xương-Cấp uống rồi mới chịu lui ra.

Từ đó về sau dầu Sầm-Bích, Hà-Mai và Hà-Liễu có ở nhà hay là đi khỏi cũng vậy, hễ đến bữa ăn thì Kiên-Trinh bổn thân bưng cơm hoặc cháo cho Xương-Cấp, mà chừng uống thuốc thì cũng Kiên-Trinh coi sóc, chớ cũng không để cho ai làm thế. Có bữa Kiên-Trinh cắc-cớ để cho Lý-Hạnh bưng cơm vào thì Xương-Cấp không chịu ăn, mà thuốc cũng không chịu uống. Kiên-Trinh thấy vậy, không cậy ai thế cho mình mà nuôi bịnh nữa.

Sầm-Bích tuy tài hay sức mạnh, song lòng dạ mắc đặt sệt sự trung quân ái chúa, trí ý mắc toan tính cuộc lập chánh trừ tà, nên mắt không thấy việc kỳ, bụng không nghi việc quấy. Còn Lữ-hà-Mai tuy là kính Sầm-Bích, trọng Xương-Cấp mặc dầu nhưng mà kính trọng khách cũng không quên thương yêu con, nên ông thấy con gần gũi Xương-Cấp thì ông không được vừa lòng; mà không vừa lòng thì buồn thầm chớ ông không tỏ ý ông ra, lại ông nhớ tới mấy lời của Trần-Đàng đoán tướng thì sự buồn thầm của ông đó lần lần cũng tiêu mất nữa.

Kiên-Trinh với Xương-Cấp mỗi ngày gặp mặt nhau ba bốn lần, lần nào Kiên-Trinh cũng hỏi thăm, lần nào Xương-Cấp cũng nói chuyện. Mà người hỏi thăm thì hỏi bịnh bớt nhiều bớt ít, còn người nói chuyện thì nói đều trước mắt bên tai mà thôi, chớ gái chẳng hề hỏi đến chuyện gia đình mà trai cũng chẳng hề tỏ lời hoa nguyệt. Bên thì giữ thói nghiêm nghị quân-tử, bên thì giữ nết trinh bạch thuyền-quyên, bởi vậy gần nhau đã mấy tháng trời mà gặp nhau không động dụng, nhìn nhau không thẹn mặt.

Tuy bề ngoài đối với nhau thì hẫn-hờ như người vô ý, nhưng bề trong hễ nhớ đến nhau thì ngơ-ngẩn như kẻ hữu tình. Xương-Cấp bịnh nằm ở trong, mà trông cho mau tới bữa cơm bữa thuốc đặng Kiên-Trinh bưng vào; còn Kiên-Trinh lo làm ở ngoài, mà cũng trông cho mau tới bữa cơm bữa thuốc đặng bưng vào cho Xương-Cấp. Gặp mặt nhau không nói việc chi lạ, mà có lẽ không nói nên mới trông mau gặp nhau. Thấy dạng nhau không lợi ích chi, mà có lẽ không lợi nên mới vui thầm lúc thấy.

Xương-Cấp ngọa bịnh hơn ba tháng mới mạnh, đi ra đi vào được. Sầm-Bích hết sức mừng, mà người trong nhà ngoài xóm ai cũng mừng rỡ. Tuy vậy mà lương-y Trần-Đàng còn dặn đừng cho bịnh-nhơn mệt-nhọc hoặc buồn rầu. Xương-Cấp hết bịnh rồi thì Kiên-Trinh hết bưng cơm bưng thuốc nữa, nên có đêm thầm tiếc sao không còn bịnh đặng có dịp mà thấy mặt nhau. Mà tiếc rồi lại bắt tức cười thầm chẳng hiểu vì sao lúc đau lại vui còn lúc mạnh thì buồn bực.

Cách trọn mười bữa Xương-Cấp chỉ nghe tiếng mà thôi, chớ không thấy mặt Kiên-Trinh. Một đêm rằm, hai mươi tên trai học võ với Sầm-Bích nhờ công thầy luyện tập đã biết nghề chút đỉnh rồi, nên chung nhau làm thịt một con heo mà đãi thầy tại nhà Lý-Nhân. Sầm-Bích dắt Hà-Mai với Hà-Liễu đi dự tiệc.

Xương-Cấp đau mới vừa mạnh sợ phong sương nên xin ở nhà. Mà nằm nhà không ai nói chuyện thì buồn, lại dòm ra trước sân thấy trăng thanh gió mát, xem cảnh động tình nằm không yên, nên rảo bước ra sân xem trăng hứng gió. Vì mấy tháng bị đau nằm hoài trong phòng, không được thong-thả, nay ra sân thấy cỏ cây tươi tắn, bóng thỏ làu làu, thì trong lòng khoăn-khoái, nên lần lần đi vòng theo chái nhà mà ra sau vườn.

Xương-Cấp thấy có một cây đào lớn nhành lá sum sê, dưới gốc cây lại có một khúc cây khô, tròn gần một ôm, bèn lại đó mà ngồi. Trên đầu bóng trăng lúc lu lúc tỏ, dưới chưn ngọn cỏ chỗ xanh chỗ vàng; bên tai dế gáy tiếng ngâm nga, trước mặt gió đưa nhành lúc-lắc. Cảnh thanh tịnh mà người ngồi cũng thanh tịnh, song cảnh thì vui mà người ngắm cảnh lại chẳng vui.

Ban đầu Xương-Cấp nghĩ thân phận, khi trước vào cung ra điện, nay sao ăn gởi nằm nhờ; khi trước ngồi kiệu gấm có thị-vệ theo hầu, nay sao dựa cây khô một mình, duy có cây cỏ gió trăng làm bạn. Nghĩ thân phận đã buồn rồi mà rồi lại còn nhớ đến cha thăng-hà không được báo hiếu, ngôi vua quyền chúa người ta thâu đoạt tuy giận mà cũng chưa đủ sầu, thảm là thảm thân chìm nổi giữa trần-ai, không biết mẹ ở đâu, không biết em còn mất.

Xương-Cấp nhớ tới cha mẹ và em thì dằn lòng không được, nên khoanh tay trên đầu gối rồi úp mặt vào mà khóc rấm-rít.

Đêm ấy Kiên-Trinh nằm trong phòng thấy trăng thanh gió mát cũng khoăn khoái trong lòng, nên nhẹ bước lén mở cửa sau mà ra vườn đặng nhìn trăng ngoạn cảnh. Nàng lần đi từ bước, gặp hoa thơm thì hửi, thấy trái chín thì rờ, khi đứng dưới cội ngó trăng, khi dựa gốc cây nghe dế. Nàng ngoạn cảnh mà trong dạ ngổn-ngang, tính ra vườn xem trăng cho vui, té ra xem trăng dạ chẳng vui mà lại thêm buồn, mà nếu hỏi nàng buồn về nỗi gì, thì nàng cũng khó mà nói ra cho được.

Kiên-Trinh đương ngơ-ngẩn, bỗng nghe có tiếng khóc nhỏ nhỏ trong vườn. Nàng thất kinh muốn chạy vào nhà, song nàng nghĩ lại vườn nầy tư bề rào kín, người ngoài không ai mà lọt vào đây. Nàng mới làm gan bước tới lóng nghe thử coi ai có việc chi vào đây mà khóc. Nàng đi được vài chục bước thì thấy dạng một người đương ngồi dưới cội đào. Lúc ấy mây áng trăng lu, nên xem không rõ là ai, nàng mới núp dưới một nhánh mận đặng rình xem và lóng nghe cho rõ.

Cách chẳng bao lâu mây tan trăng sáng, nàng xem kỹ lại thì là Xương-Cấp, trong lòng nàng hồi-hộp, nửa sợ nửa mừng, nửa thẹn nửa thương. Nàng thấy khách sầu não thì động lòng muốn bước lại mà khuyên giải, song nàng nghĩ canh khuya cảnh vắng, trai với gái không nên gặp nhau dưới gốc đào gốc mận, bởi vậy nàng lật đật trở bước tính lui vào nhà, ngặt vì sự động lòng của nàng nó nặng nề hơn sự thủ lễ, nàng bước một bước ruột đau mấy lần, bởi vậy nàng không đành bỏ mà đi, nên phải trở lại mà an-ủi người sầu thảm.

Kiên-Trinh bước nhẹ nhẹ, Xương-Cấp không hay cứ ngồi úp mặt mà khóc. Nàng lại đứng ngay trước mặt rồi cất tiếng hỏi rất dịu ngọt rằng: “Thưa qúy khách, đêm đã khuya rồi mà bịnh chưa thiệt mạnh, qúy khách ngồi đây sợ cảm phong sương chăng?”.

Xương-Cấp nghe tiếng giựt mình ngước mặt ngó lên thấy Kiên-Trinh thì nửa hổ thẹn nửa vui mừng, không biết lời chi mà đáp, chỉ lật đật đứng dậy mà giọt nước mắt hãy còn chảy ròng ròng hai bên gò má. Kiên-Trinh liếc thấy bộ bợ ngợ mà sắc buồn thảm thì lấy làm tội nghiệp nên hỏi nhỏ nhỏ rằng: “Tiện thiếp xem tướng qúy khách hôm nay không được vui; chẳng biết qúy khách ở trong nhà thiếp mấy tháng nay có điều chi không vừa ý, hay là qúy khách có việc chi buồn riêng, xin tỏ lại cho thiếp rõ, kẻo để lòng thiếp ái-ngại quá”.

Xương-Cấp cúi mặt ngó xuống đất rồi thở ra mà đáp rằng: “Tôi nhờ lịnh-tôn ông yêu thương cho đùm-đậu mấy tháng nay, mà lại nhờ tiểu-thơ nuôi dưỡng nên mới hết bịnh, ơn của lịnh-tôn ông và nghĩa của tiểu-thơ nặng nề, tôi chưa trả được, tôi nào có dạ mà dám phiền trách điều chi. Thiệt hôm nay tôi chẳng được vui, mà tôi không vui ấy là vì tôi ra ngồi đây canh khuya cảnh tịnh, gió mát, trăng trong, làm cho tôi động lòng nhớ tới tiên-nhơn rồi tôi tủi phận lạc-lài mà buồn, chớ không phải buồn chi việc khác”.

Kiên-Trinh lặng thinh một hồi rồi nói rằng: “Người ở đời chẳng ai mà chẳng vương lấy nỗi sầu, tiện thiếp đây cũng vậy, tiện thiếp mồ côi mẹ từ hồi 7 tuổi, mỗi khi nằm đêm nhớ đến mẹ thì giọt lụy cũng dầm-dề. Trong đời ai thương mình cho bằng mẹ, ai lo cho mình cho bằng cha, nên mẹ mất rồi thì còn ai thương mình nữa, ví như cha mất luôn theo nữa thì còn ai lo cho mình”. Kiên-Trinh nói tới đó rồi động lòng nhớ tới mẹ nên cũng rưng rưng nước mắt. Xương-Cấp đã thương tâm về niềm riêng, mà còn nghe mấy lời hiếu nghĩa như vậy thì dằn không được, nên ngồi lại trên gốc cây mà khóc nữa.

Kiên-Trinh vẫn tưởng giải sầu giùm cho người, chẳng dè làm cho người càng sầu nhiều hơn nữa, nên ngơ-ngẩn đứng đó, không đành dứt mà đi, mà cũng chẳng biết làm thể nào cho người vui được.

Xương-Cấp khóc một hồi rồi nói với Kiên-Trinh rằng: “Chẳng biết tôi với tiểu-thơ có duyên nợ gì hay không, mà mấy tháng nay hễ tôi thấy mặt thì vui, còn vắng mặt thì buồn. Đêm nay tình-cờ hai ta gặp nhau đây, vừa tỏ ý nhau thì cả hai đều đau lòng về nghĩa cha tình mẹ, ấy là bạn đồng tâm, chẳng còn nghi ngại chi nữa.

Chung quanh đây chẳng có ai, chỉ có mặt nguyệt tròn, với cội đào lớn làm chứng cho đôi ta mà thôi. Vậy tôi xin hỏi tiểu-thơ một điều, là tôi xin nguyện kết tóc trăm năm với tiểu-thơ, chẳng biết tiểu-thơ có vui lòng mà nhận lời tôi chăng?”.

Kiên-Trinh nghe mấy lời mừng mà sợ, thẹn mà lo, nên đứng ngơ-ngẩn, tay níu lá đào, chưn khều ngọn cỏ, cúi mặt mà đáp rằng: “Duyên nợ trăm năm tại cha mẹ định, tiện thiếp đâu dám tự chủ”. Xương-Cấp liền đáp rằng: “Phận tôi tuy bần-sĩ, song đâu dám trái lễ nghi. Tôi hỏi tiểu-thơ ấy là muốn dọ ý tiểu-thơ trước mà thôi; nếu tiểu-thơ đoái tình thì tôi sẽ cậy mai nói với lịnh nghiêm-đường chớ tôi đâu lẽ đi ép liễu nài hoa, làm thói trên bộc trong dâu mà tiểu-thơ ngại”.

Kiên-Trinh liếc ngó Xương-Cấp thì lấy làm hổ thẹn song cũng vì chữ đồng-tâm nó xuôi cho nàng quyết đoán, nên nàng đáp rằng: “Phận thiếp là gái quê mùa dốt nát, còn qúy khách là đứng chí sĩ trượng phu. Nếu qúy khách chiếu cố phận hèn thì thiếp đâu dám phụ bạc”.

Xương-Cấp đã tương-tư Kiên-Trinh mấy tháng nay, nhưng vì sợ thất lễ nên không dám hé môi. Hôm nay vì thấy canh khuya cảnh vắng, lại thấy Kiên-Trinh đương thương tâm như mình, nên đánh liều ướm dọ thử lòng. Xương-Cấp trao lời mà không biết nàng có chịu lời hay không, nên đương đứng trông đợi, bỗng nghe nàng nói như vậy thì trong lòng vàng hớn hở, liền đưa tay lên chỉ mặt trăng mà nói rằng: “Lời ước hẹn của hai ta hôm nay xin mảnh nguyệt rạng trên đầu kia dưới cội đào lớn trước mặt nầy làm chứng. Ví dầu gian-nan cùng khổ cũng đừng quên, mà dầu ngàn tứ muôn chung cũng phải chờ”.

Hai người to nhỏ hẹn hò với nhau mới bao nhiêu lời, bỗng nghe chó nhà gần sủa vang rân, làm cho chung tình vỡ tan, rồi nàng thì bươn-bả chung vào cửa sau, còn chàng thì thung-dung đi vòng vào cửa trước.

Qua ngày sau Hà-Mai với Hà-Liễu dắt nhau đi thăm ruộng. Xương-Cấp thấy Sầm-Bích ngồi ngoài nhà trước có một mình, bèn bước ra to nhỏ mà kể hết nỗi lòng cho Sầm-Bích nghe, rồi cậy anh làm mai trao lời giùm với Hà-Mai. Sầm-Bích nghe nói biến sắc lắc đầu mà đáp rằng: “Cha chả! Điện-hạ tính như vậy thì trái lễ quá, tôi đâu dám can dự! Tuy nay Điện-hạ linh-đinh lánh nạn, nhưng mà Vương-hậu hãy còn tại cung. Nếu Điện-hạ muốn kết-tóc xe tơ nơi nào thì trước phải thưa cho Vương-hậu hay rồi sẽ tính, chớ sao Điện-hạ lại tự chủ như vậy? Lại còn một điều nầy nữa: Điện-hạ mất ngôi mất nước, lẽ thì Điện-hạ phải để lòng mà thâu phục xã-tắc, mở rộng giang-san, chớ sao Điện-hạ lại quên việc trung-hưng là việc lớn, mà đi nịch cái ái-tình là việc nhỏ như vậy?.

Xương-Cấp nghe mấy lời chánh đáng thì hổ thầm, nhưng vì tình của chàng đối với Kiên-Trinh đã lỡ nặng nề mấy tháng nay rồi, bây giờ không thể nào mà dứt cho được, nên chàng phải gượng mà nói với Sầm-Bích rằng: “Tướng-quân trách ta như vậy thì phải lắm, nhưng vì ta nghĩ mấy tháng nay ta đau ở đây nhờ có nàng Kiên-Trinh nuôi dưỡng ta lành bịnh, lại khuyên giải ta bớt buồn. Đã vậy mà nàng tuy con nhà lê-thứ song trí ý không phải như gái tầm thường, bởi vậy ta mới tính ước hẹn trăm năm với nàng, trước là đáp nghĩa dưỡng nuôi, sau nữa phỉ tình thương tưởng. Tướng-quân đừng ngại sự ta trộm lịnh Vương-mẫu và sự ta lo khôi phục giang-san; ta cậy tướng quân đây là cậy nói minh bạch với Lữ-ông đặng cho nàng Kiên-Trinh hứa hôn cùng ta mà thôi, chừng nào ta trở về triều lên ngôi cửu-ngũ rồi, ta thưa lại với Vương-mẫu rồi sẽ rước nàng mà dầy duyên cầm sắc, chớ không phải là ta cậy nói dặng cưới liền bây giờ mà tướng-quân sợ”.

Sầm-Bích ngồi suy nghĩ một hồi rồi ngó Xương-Cấp cười mà hỏi rằng: “Điện-hạ là nhành vàng lá ngọc, còn Kiên-Trinh là bần-nữ thường dân. Nay Điện-hạ thương nên Điện-hạ hứa hôn, mà biết ngày sau Điện-hạ được ngôi cao quyền cả rồi, Điện-hạ còn thương nữa hay không. Nếu trước hứa mà sau quên lời, thì càng tội nghiệp cho thân phận nàng, mà sợ e Điện-hạ cũng giảm đức nữa”.

Xương-Cấp trợn mắt đáp rằng: “Một lời ước hẹn dầu sanh tử cũng phải nhớ hoài. Sao tướng-quân lại khinh tình ta quá vậy?”.

Sầm-Bích thấy Xương-Cấp đã quyết định, mà nghĩ Kiên-Trinh cũng là gái lành, nên khi Hà-Mai đi thăm ruộng về, Sầm-Bích mới bày lời xin ông hứa Kiên-Trinh cho Xương-Cấp, hễ chừng nào lập được công danh rồi sẽ tương lục lễ mà nghinh hôn.

Hà-Mai kính trọng Sầm-Bích nên lúc đầu muốn gả con cho Sầm-Bích mà đền ơn, ngặt Kiên-Trinh không chịu nên ông không nỡ ép. Từ ngày Trần-Đàng khen Xương-Cấp quí tướng, thì ông lại để ý muốn gả con cho Xương-Cấp nữa; nhưng vì ông xét phận hèn lại trước định gả cho anh rồi, sau không lẽ tính gả cho em, nên ông muốn thì để bụng mà thôi, chớ không nói cho con hay. Nay thình lình Sầm-Bích lại xướng ra mà cầu hôn cho em, thì ông mừng rỡ hết sức nên ông hứa liền. Tuy vậy mà tối lại ông cũng còn hỏi dọ ý con; chừng ông thấy con thuận tình, chớ không phải kháng cự như trước nữa, thì ông chẳng xiết nỗi mừng. Xương-Cấp cởi cục ngọc đeo trong tay mà giao cho Hà-Mai xin đưa lại cho Kiên-Trinh mà giữ làm tin.

Dân trong làng Thường-Phú hay tin Kiên-Trinh đã hứa hôn cùng Xương-Cấp thì ai cũng vui lòng, mừng vì khách còn ở lại mà bảo hộ cho dân làng, nên kéo nhau đến Lữ-gia-trang mà cung hạ.

Cách ít ngày Sầm-Bích và Xương-Cấp bàn tính việc riêng với nhau, Sầm-Bích khuyên Xương-Cấp đi với mình qua Đằng-châu mà cầu Phạm-bạch-Hổ hưng binh vấn tội Tam-Ca. Chẳng hiểu Xương-Cấp quyến luyến Lữ-gia-trang hay là vì thiệt thương em nhớ mẹ mà nghe Sầm-Bích khuyên qua Đằng-châu thì ngồi buồn xo một hồi rồi nói rằng: “Ta lưu-lạc mấy tháng nay không biết Vương-mẫu ở đâu, không hay Vương-đệ còn hay mất. Ta nằm đêm hễ nhớ đến thì thổn thức không yên. Ta muốn cậy một người trong làng vào kinh dối rằng: mượn hỏi thăm Giang-hoài-Nhơn mà kỳ thiệt thì dọ tin tức Vương-mẫu và Vương-đệ. Còn sự qua Đằng-châu mà cầu cứu với Bạch-Hổ ta nghĩ có chỗ khó lắm; bởi vì không biết Bạch-Hổ có lòng yêu ta hay là đã qui-thuận với Tam-Ca rồi. Nếu đã phản tâm thì ta qua đó chắc chẳng khỏi người bắt mà giải ta về triều. Vậy ta tưởng tướng-quân nên tạm để ta ở lại đây, tướng-quân đi một mình qua Đằng-châu mà dọ ý Bạch-Hổ coi có chịu giúp ta hay không. Nếu Bạch-Hổ chịu thì tướng-quân trở về đây mà rước ta, nghĩ chẳng muộn gì. Chừng tướng-quân trở về thì người đi vào kinh dọ tin có lẽ cũng về tới. Ta biết chắc Vương-mẫu với Vương-đệ còn mất thể nào rồi thì ta mới yên lòng mà lo việc lớn được”.

Sầm-Bích nghe nói hữu ý nên thuận tùng. Hà-Liễu lãnh đi vào kinh mà dọ tin Giang-hoài-Nhơn. Trước khi ra đi Xương-Cấp dặn hỏi thăm luôn coi việc triều chánh bây giờ ra thể nào, Vương-hậu ở đâu và hai Hoàng-tử còn mất. Hà-Liễu ơ-hờ tưởng là Sầm-Bích và Xương-Cấp bà con chi với Hoài-Nhơn, chớ không dè chi hết.

Hà-Liễu đi rồi Sầm-Bích gởi Xương-Cấp ở lại với Hà-Mai nói rằng mình qua Đằng-châu thăm bà con ít ngày rồi trở về. Dân trong làng nghe Sầm-Bích đi thì buồn, song bây giờ bọn trai võ nghệ đã giỏi không sợ ăn cướp nữa, mà thấy Xương-Cấp ở lại chắc sao Sầm-Bích cũng trở về, nên không cầm cho lắm. Sầm-Bích lại dặn học trò ở nhà phải luyên tập, nhứt là phải bảo hộ giùm em mình, rồi mới cỡi ngựa ra đi.