Nam cực tinh huy/Hồi 27
Tiếc tay chơn, thái-tử liều mình;
Rõ lý lịch, công-thần đổi ý.
Xương-Cấp dắt Kiên-Trinh và 7 người dân làng Thường-Phú hỏi thăm đường đi lần qua Đằng-châu mà tìm Sầm-Bích. Đi chừng còn mười dặm nữa tới Đằng-châu, bỗng thấy có một người ở xa cỡi ngựa chạy lại. Ai nấy đều ngó coi. Lý-hữu-Dư vừa ngó thấy liền nói rằng: “Anh Hồ-Lũy trở về đây mà ! Ủa, mà lạ nầy ! Lê-Khương với Hồ-Lũy đi tìm ân-sư, tìm được hay không mà sao có một mình anh Hồ-Lũy về còn anh Lê-Khương đi đâu.”
Ai nấy không tin, té ra khi ngựa chạy gần tới, nhìn quả thiệt Hồ-Lũy, mới biết Lý-hữu-Dư tỏ mắt. Hồ-Lũy thấy Xương-Cấp với cả nhà Hà-Mai và anh em trong làng liền xuống ngựa khóc mà nói rằng: “Anh em ôi ! ân-sư bị nạn lớn lắm ! “Sài Tấn nóng nảy chạy lại hỏi rằng: “Bị nạn gì ? Nói cho mau đặng anh em ta nghe một chút !” Hồ-Lũy đáp rằng: “Chẳng biết ân-sư làm việc chi, mà tôi với anh Lê-Khương qua đến Đằng-châu gặp một anh chủ quán cỡi ngựa của ân-sư đi chơi. Chúng tôi nom theo về quán hỏi dọ thì chủ quán nói rằng người chủ con ngựa ấy tên là Mã-Chiêu, vốn là bộ-hạ của Thái-tử ở trên kinh, lên đến Đằng-châu ám-sát quan tổng-trấn. Quan tổng-trấn bắt đem giam vào ngục rồi nửa đêm Mã-Chiêu lén vượt ngục mà trốn. Cách ít ngày Mã-Chiêu trở lại ghé quán mà nghỉ nữa. Chủ quán biết mặt bèn đến báo với quan nên bắt giam rồi đánh khảo bì-khai nhục-phá. Hai đứa tôi nhìn con ngựa thì đúng là ngựa của ân-sư, song nghe kêu tên Mã-Chiêu thì lấy làm lạ, nên lập mưu vào ngục mà xem phạm-nhơn cho tận mặt. Chúng tôi nhìn quả thiệt là ân-sư, ngặt vì có quan thủ-ngục nên không hỏi chi được hết. Ân-sư thừa lúc quan thủ-ngục dắt tôi ra ngoài, ân-sư lén trối với Lê-Khương rằng bề nào ân-sư cũng không sống được, nên dạy anh em tôi mau mau trở về Thường-Phú mà khuyên tiểu quan-nhơn phải kiếm nơi khác ẩn mặt, đừng có qua Đằng-châu, lại dạy môn đệ phải tận tâm mà tá trợ tiểu quan-nhơn, đừng để tiểu quan-nhơn thọ hại. Ân-sư dặn có bấy nhiêu đó mà thôi; anh Lê-Khương vì bối rối lại kế quan thủ-ngục trở vô nữa, nên không kịp tỏ sự tiểu quan-nhơn bị bắt lại cho ân sư nghe. Mà quan Tri-châu tha tiểu quan-nhơn hồi nào, và Anh em dắt nhau đi đâu ? Cha chả ! nó đánh ân sư rách da nát thịt, thấy thảm thiết không chịu nổi, anh em ôi !”
Xương-Cấp nghe Hồ-Lũy thuật chuyện dứt rồi khóc rống lên mà than rằng: “Ta còn mất chỉ nhờ có Sầm Tổng-binh, nếu Sầm Tổng-binh chết thì còn ai giúp khôi phục gian san lại được ! Sầm Tổng-binh ôi ! nếu nói với Bạch-Hổ không được thì đi qua trấn khác, sao lại ám-sát nó làm chi cho nó bắt rồi đánh khảo như vậy ?”
Hồ-Lũy nghe Xương-Cấp kêu Sầm tổng-binh thì lấy làm lạ, nên day qua hỏi nhỏ Sài-Tấn coi Sầm tổng-binh là ai. Sài-Tấn nói lại cho Hồ-Lũy biết Hồng-Phi đây là Thái-tử Xương-Cấp, còn Hồng-Dực đó là tổng-binh Sầm-Bích. Hồ-Lũy cả kinh liền quì xuống mà làm lễ và xưng hô Điện-hạ, Xương-Cấp dạy Hồ-Lũy đứng dậy rồi hỏi thăm việc Sầm-Bích nữa. Hồ-Lũy lúc ở Đằng-châu không dè Hồng-Dực là Sầm-Bích, lại không nói chuyện chi được, nên chỉ lập mấy lời của Sầm-Bích dặn Lê-Khương đó mà thôi, chớ không biết việc chi khác nữa.
Xương-Cấp ngồi dựa bên đường, hễ nhớ tới việc Sầm-Bích thì giọt châu lả chả, khóc rồi lại suy nghĩ, chẳng hiểu vì cớ nào Sầm-Bích lại đổi tên mà ám-sát Bạch-Hổ. Xương-Cấp tỏ ý muốn đi thẳng tới Đằng-châu đặng dọ nghe tin tức cho chắc rồi lo mưu giải cứu Sầm-Bích. Lữ-hà-Mai cản trở nói rằng đã có lời Sầm-Bích nhắn biểu phải kiếm nơi ẩn mặt chẳng nên qua Đằng-châu, thế thì đi thẳng tới Đằng-châu chẳng có lợi, mà lại có hại nữa. Xương-Cấp nghe lời can hữu lý nên không dám đi nữa, mà cũng không đành bỏ Sầm-Bích.
Mấy người đều bối-rối không biết tính phương nào. Lữ-kiên-Trinh chỉ tay ngay phía bên hữu mà nói rằng: “Thưa Điện-hạ, ngày nay Điện-hạ tấn thối lưỡng nan, vậy sự cần kíp hơn hết là phải kiếm chỗ ẩn thân rồi sẽ lo mưu giải nạn. Bên kia có dãy núi đó, nhắm xem u-tịnh, vậy xin Điện-hạ dắt hết đến đó đốn cây làm trại mà ở đỡ, rồi cho người xuống Đằng-châu thám dọ nữa thử coi lành dữ thể nào, chớ dắt nhau trôi nổi giữa đường như vầy, sợ e chẳng khỏi mang họa.” Xương-Cấp khen phải rồi dắt nhau nhắm dãy núi Kiên-Trinh chỉ đó mà đi. Khi đi dọc đường Lý-hữu-Dư hỏi thăm Lê-Khương thì Hồ-Lũy nói Lê-Khương giả đau ở lại quán đặng thám dọ tin tức.
Núi nầy là núi Trà-Hương, ở cách Đằng-châu không đầy hai mươi dậm. Núi tuy không cao cho lắm, nhưng mà cây cối sum-sê, lại không ai vãng lai, cảnh xem rất u nhàn thanh-tịnh. Xương-Cấp lên đến đó rồi phân phú cho mấy người đi theo, kẻ thì đốn cây làm trại, người thì đi xuống làng đổi gạo vát về mà ăn.
Xương-Cấp thương xót Sầm-Bích vì mình mà bị họa, nên ăn ngủ không được, cứ đòi đi xuống Đằng-châu đặng kiến thế giải cứu Sầm-Bích hoài. Lữ-hà-Mai cản trở nói rằng: nếu Sầm-Bích dặn đừng tới Đằng-châu thì chắc là Bạch-Hổ đã đầu hàng tân-vương rồi, hễ xuống đó sợ e chẳng khỏi nó bắt mà nạp cho triều đình. Hà-Mai khuyên Xương-Cấp phải ẩn mặt để cho thủ hạ đi dọ tin mà thôi, Xương-Cấp vì thương Sầm-Bích quá nên không nghe lời can gián, cứ biểu Hồ-Lũy dắt đường cho mình đi xuống Đằng-châu.
Xương-Cấp với Hồ-Lũy đi rồi thì bọn Đào-Quan lo sợ nằm ngồi không yên. Đào-Quan dặn Mai-tử-Phục, Huỳnh-Kiệm, Hà-Mai và Hà-Liễu ỡ lại trên núi mà bảo hộ Kiên-Trinh, còn anh ta với Sài-Tấn và Hữu-Dư chia ra mỗi người đi riêng một ngã, xuống Đằng-châu đặng bảo hộ Thái-tử.
Hồ-Lũy đã quen với chủ quán Lương-Túc, biết Lương-Túc không nghi ngại chi hết, nên cứ dắt Xương-Cấp đi ngay vào quán nói rằng Xương-Cấp là anh em bạn của mình, nghe Lê-Khương ngọa bịnh tại quán nên biểu dắt đến mà thăm. Lương-Túc thấy có thêm khách thì mừng, nên không gạn hỏi chi hết. Đã vậy Hồ-Lũy biết ý Lương-Túc hay tự cao, nên vừa vào quán thì đã đem sự Lương-Túc thân cận với quan lớn trong thành mà khoe cho Xương-Cấp biết, làm cho Lương-Túc khoái ý vui lòng nên tiếp rước bải buôi lắm. Duy có Lê-Khương thấy Xương-Cấp đến thì sợ hãi, nên ngó Hồ-Lũy bộ mặt giận lắm, trong bụng trách Hồ-Lũy sao dám cãi lời Sầm-Bích, đã biểu về Thường-Phú mà khuyên Xương-Cấp phải ẩn mặt sao lại còn dắt đến hổ huyệt làm gì.
Lương-Túc tiếp khách rồi thì bỏ đi xuống trù phòng lo nấu cơm nấu nước. Hồ-Lũy thừa dịp ấy mới tỏ thiệt cho Lê-Khương biết Hồng-Phi là ai, Hồng-Dực là ai, rồi hỏi mấy bữa mình đi khỏi, Lê-Khương có dọ nghe coi Sầm-Bích vì cớ nào mà ám hại Bạch-Hổ đến nỗi bị họa như vậy hay không. Lê-Khương nghe nói Hồng-Phi đó là Thái-tử thì biến sắc kinh tâm, lật đật quì xuống mà xin thứ tha tội vô lễ.
Xương-Cấp sợ chủ quán ngó thấy mà lộ việc riêng của mình, nên biểu Lê-Khương đứng dậy, rồi hỏi nhỏ Lê-Khương, vậy chớ có nghe vì cớ nào Sầm-Bích ám-sát Bạch-Hổ hay không và Bạch-Hổ bắt được rồi sao không giết, lại giam cầm mà đánh khảo như vậy. Lê-Khương đáp rằng hổm nay mình ở đây dọ nghe rõ ràng có lẽ có một người vì hờn riêng nên lén vào thành toan ám-hại Bạch-Hổ. Bạch-Hổ bắt được người ấy khai tên là Mã-Chiêu, lại khai là thủ-hạ của Thái-tử, vì Bạch-Hổ không phục triều, trộm xưng Sứ-quân, nên Xương-Cấp sai đến ám-hại. Bạch-Hổ là tướng của Ngô-chúa, không trọng dụng nên đã có ý hờn sẵn rồi, nay nghe Thái-tử sai người ám hại nữa thì sự hờn càng thêm nhiều, mới tính chiêu binh kéo vào triều đình đánh tân-vương mà cũng tru diệt luôn con cháu nhà Ngô nữa, nên giam Sầm-Bích đỡ lại đó đợi bắt được Thái-tử rồi sẽ giết luôn một lượt.
Xương-Cấp nghe nói cả kinh, liền té xỉu nằm ngay trên ván, bất tỉnh nhơn sự, tay chơn lạnh ngắt… Lê-Khương với Hồ-Lũy lính quýnh sợ hãi, vừa muốn kêu chủ quán mà xin thuốc, may Xương-Cấp tỉnh lại, mở mắt ngó hai người rồi giọt lụy tuôn ròng ròng. Hai người bớt sợ mới đỡ Xương-Cấp đem qua giường mà nằm.
Cơm dọn lên rồi mà Xương-Cấp nằm dàu dàu không chịu ăn. Hồ-Lũy sợ chủ quán nghi nên đặt điều mà nói rằng người anh em cũa mình đi đường bị cảm gió nên thọ bịnh ăn cơm không được. Lương-Túc tưởng thiệt nên dẹp cơm rồi lo đi nấu cháo thương hàn cho Xương-Cấp dùng.
Đêm ấy chủ quán nghỉ rồi, Xương-Cấp mới hỏi nhỏ Lê-Khương rằng: “Ta nghe Hồ-Lũy nói Sầm tổng-binh bị đánh bì-kai nhục-phá, sao Sầm tổng-binh không kêu oan để chịu đòn như vậy ?” Lê-Khương đáp rằng: “Thưa Điện-hạ,việc ấy tôi không hiểu duyên cớ làm sao. Song tôi nghĩ quan Tổng-binh thấy Bạch-Hổ oán hận Điện-hạ, sợ khai thiệt ra rồi họa lây tới Điện-hạ nữa, nên cắn răng chịu chết, đặng cứu Điện-hạ. Vả ông đội thủ-ngục, vì để tội nhơn trốn mất ổng phải bị đòn, nên ổng oán hận mới đánh quan Tổng-binh rách da nát thịt như vậy. Tôi thấy vích tích rõ ràng, sợ quan Tổng-binh chịu không nổi.”
Lê-Khương nói tới đó động lòng nên khóc mước. Xương-Cấp với Hồ-Lũy thương tình nên, cầm giọt lụy cũng không được. Ba người khóc một hồi rồi Xương-Cấp nói rằng: “Sầm Tổng-binh vì ta phãi thọ hại, ta đã đến đây, không lẽ ta đành để cho Sầm Tổng binh chết. Vậy sáng mai ta sẽ vào thành mà tỏ thiệt mọi việc cho Pham Bạch-Hổ biết; ví dầu Bạch-Hổ không tin lời bắt chém ta đi nữa ta cũng vui lòng chớ ta sợ chết lo lánh thân, bỏ Sầm Tổng binh cho chúng giết, thì ta dầu có sống cũng nhơ danh xú tiết.”
Hồ-Lũy với Lê-Khương nghe Xương-Cấp tính như vậy thì cả kinh, nhìn nhau không biết lấy lời chi mà can gián.
Qua ngày sau, Xương-Cấp thức dậy sửa soạn y-phục. đợi trong thành mở cửa mà vào. Lương-Túc bưng rổ đi chợ đặng mua thịt cá về dọn cơm cho khách ăn. Lê-Khương thấy Lương-Túc đi rồi mới khóc mà thưa với Xương-Cấp rằng: “Thưa Điện-hạ, quan Tổng-binh dặn Điện-hạ phải kiếm nơi ẩn mặt đừng đến Đằng-châu, thế thì Điện-hạ có cái họa chi đây chớ chẳng không. Nay Điện-hạ lén đến đây, rồi lại còn tính vào khai thiệt với quan Tổng trấn nữa, tôi sợ chẳng khỏi bị hại. Vả Điện-hạ cãi danh diệt tánh bấy nay là có ý kiếm vi-kiến rồi dấy nghĩa binh về triều mà khôi phục cơ nghiệp của tiên-đế. Cái thân của Điện-hạ là thân hữu dụng, hễ thân của Điện-hạ còn thì dân chúng còn mong có ngày tru-diệt gian-tà mà khuôn phò chơn chúa. Nếu Điện-hạ đem thân quí báu ấy mà thử với mạng số, thoảng như chẳng may Phạm-bạch-Hổ giết Điện-hạ đi rồi thì dân chúng còn biết ai mà phò tá; vậy xin Điện-hạ hãy xét lại, chẳng nên hốt tốc mà hư việc lớn.
Xương-Cấp nghe can ngồi tư-lự, trong bụng nghĩ thầm Sầm-Bích là cánh tay mặt của mình, dầu mình có thâu phục giang-san lại được cũng là nhờ Sầm-Bích, nếu Sầm-Bích mà chết rồi, thì mình co tay, chớ còn ai đủ tài lược mà chống cự với triều đình được. Nói cùng mà nghe, dầu mình vào thành, Bạch-Hổ không nghĩ niềm tôi chúa, bắt giết mình đi nữa, thì chết vẫn còn yên thân hơn là phiêu lưu ngoài ải không ai cậy nhờ, không nơi nương dựa. Trong bụng thì như vậy, mà đáp với Lê-Khương lại rằng: “Lê huynh can gián như vậy cũng phải lắm chớ. Nhưng mà ta với Sầm Tổng-binh tuy là chúa tôi, song có nghĩa thầy trò, mà lại có tình anh em nữa vì vậy nên thà là ta chết với Sầm Tổng-binh, chớ ta không đành lánh thân mà bỏ cho Sầm Tổng-binh chết một mình”.
Lê-Khương với Hồ-Lũy nghe mấy lời nhơn nghĩa động lòng, nên khóc mà thưa với Xương-Cấp rằng: “Thưa Điện-hạ vì tình vì nghĩa nên quyết chết sống với quan Tổng-binh. Hai đứa tôi đây là thần dân của Điện hạ, mà lại là đệ tử của quan Tổng-binh, há chúng tôi sợ chết không dám theo Điện-hạ hay sao ? Vậy nếu Điện-hạ vào thành xin Điện-hạ cho hai đứa tôi theo với, đặng cho hai chúng tôi dầu chết cũng trọn nghĩa thầy trò, vẹn niềm tôi chúa.”
Trong lúc hoạn-nạn mà nghe lời trung thành như vậy ai cũng bớt buồn, Xương-Cấp nghe mấy lời thì phấn chí, nên biểu hai người sửa soạn rồi đi với mình. Khi vừa bước ra cửa Xương-Cấp sực nhớ tới Kiên-Trinh với mấy người ở trên núi Trà-Hương thì ủ mặt châu mày liền đứng lại mà nói rằng: “Chúng ta vào thành, 10 phần chắc chết hết 9 phần. Ví như chúng ta chết thì còn ai lên núi Trà-Hương mà thông tin cho mấy người ở trên ấy hay. Vậy xin Hồ-huynh hãy trở về núi mà nói cho mấy người ấy hay, để ta với Lê-huynh vào thành mà thôi.”
Hồ-Lũy không chịu về núi, nằn nằn quyết một đi theo Xương-Cấp mà thôi. Xương-Cấp day lại biểu Lê-Khương đi, Lê-Khương cũng không chịu. Ba người còn đang dan ca, bỗng thấy Đào-Quan bên đông xâm xâm đi lại, rồi bên tây thấy Sài-Tấn, bên nam thấy Hữu-Dư cũng tới nữa. Xương-Cấp đợi ba người đi tới rồi hỏi đi đâu. Ba người nói rằng Xương-Cấp xuống Đằng-châu, ba người ở trên núi lo sợ nằm ngồi không yên, nên chia ra một người đi một ngả xuống mà dò nghe tin tức. Xương-Cấp đem sự mình muốn vào thành khai thiệt với Bạch-Hổ mà tỏ lại cho ba người ấy nghe và khuyên trở lên Trà-Hương báo tin và biểu phải dắt nhau đi kiếm chỗ làm ăn, đừng bận bịu đi theo mà lây họa. Đào-Quan, Sài-Tấn, Hữu-Dư cũng đòi theo Xương-Cấp vào thành chớ không ai chịu trở lên núi. Xương-Cấp không biết liệu lẽ nào cho được, mà cần phải có người về Trà-Hương mà báo tin cho Kiên-Trinh, nên định lấy năm cọng cỏ mà bắt thăm, cắt 4 cọng bằng nhau, có một cọng vắn hơn hết, hễ ai rút nhằm cọng vắn thì phải về núi. Sài-Tấn rút nhằm cọng vắn nên phải đi về, mà trước khi tánh mình thì khóc lóc thở than, không đành lìa Thái-tử với bốn anh em bạn học.
Sài-Tấn đi rồi Thái-tử mới dắt bốn người kia đi lại cửa thành. Lính giữ cửa thấy người lạ mặt nên gạn hỏi, không chịu cho vào. Thái-tử bèn nói rằng: “Ngươi vào dinh thưa với quan trấn rằng: có Thái-tử Xương-Cấp đến xin ra mắt ngài.”
Phạm-bạch-Hổ bịnh tuy thiên giảm nhiều, nhưng cũng còn ở trong phòng chớ chưa ra khách. Phó tướng là Lương-chánh-Tôn đương ngồi tại thích đường, nghe quân báo có Thái-tử Xương-Cấp đến xin ra mắt lịnh Sứ-quân, thì chưng hửng, nửa tin, nửa nghi, không hiểu vì cớ nào Xương-Cấp đã thuần phục Tam-ca rồi sai bộ hạ đến ám hại Bạch-Hổ, mà nay lại đến Đằng-châu xin vào ra mắt. Chánh-Tôn liền dạy quân dắt Thái-tử đứng trước cửa dinh, còn mình thì đi thẳng vào hậu đường mà báo tin lại cho Bạch-Hổ hay. Bạch-Hổ nghe có Thái-tử Xương-Cấp đến thì nổi giận quên đau, xâm xâm đi riết ra ngoài rồi thăng đường dạy dẫn Thái-tử vào.
Phạm-bạch-Hổ vừa thấy Xương-Cấp thì nạt lớn rằng: “Ngươi sai bộ-hạ đến lén giết ta không được, bây giờ ngươi đích thân đến đây mà giết ta phải hay không? Võ-sĩ đâu mau trói Thái-tử Xương-Cấp lại đặng ta gia hình mà răn kẻ bất hiếu bất nghĩa”.
Võ-sĩ áp lại trói Xương-Cấp. Đào-Quan, Hữu-Dư, Lê-Khương, Hồ-Lũy đứng ngoài nghe nộ nạt om sòm, chờn vờn muốn vào chẳng dè cũng bị quân tứ hướng áp lại bắt trói hết.
Thái-tử bị trói chẳng chút chi sợ sệt, đứng ngó ngay Bạch-Hổ mà hỏi rằng: “Ta với tướng quân có thù oán chi nhau mà ta sai thủ-hạ đến ám sát tướng-quân ? Từ ngày ta bị gian tặc cướp ngôi, thì Tổng-binh Sầm-Bích phò ta mà trốn. Bấy lâu nay ta với Sầm-Bích cải danh diệt tánh ẩn mặt trong chốn thôn-quê, thường toan đến Đằng-châu cậy tướng-quân giúp sức đặng thâu-phục cơ-đồ, diệt tru gian tặc, ngặt vì ta có bịnh nên đi không được. Mới đây ta sai Tổng-binh Sầm-Bích đến cầu tướng quân chẳng hiểu vì cớ nào tướng quân lại vu cáo Sầm-Bích là thích-khách nên bắt giam rồi đánh khảo đến nỗi bì-khai nhục-phá. Tướng quân là công-thần của tiên-vương, nay tướng quân trở lòng xu phụ gian ác thì tướng quân đem ta mà chém đi. Ta đã mất ngôi rồi, dầu có thác cũng chẳng tiếc gì, ta tiếc là tiếc cho tướng-quân là một vị quấc-công mà phụ lòng tiên-vương để xu phụ theo ngụy tặc.”
Bạch-Hổ với Chánh-Tôn nghe nói ngó nhau chưng hửng, Bạch-Hổ hỏi rằng: “Nếu vậy từ khi Tam-Ca soán ngôi đến nay ngươi không có ở tại kinh hay sao ?”
Thái-tử đáp rằng: “Ta với em ta nghe loạn thì lính quýnh, nhờ có Tổng-binh Sầm-Bích với ngự-sử Hoài-Nhơn phò đem ra khỏi thành rồi tìm đường lánh nạn. Quân nghịch rượt theo bắt được em ta với Hoài-Nhơn, còn ta với Sầm-Bích thoát khỏi.”
Bạch-Hổ hối quân mở trói, mời Thái-tử ngồi rồi xin Thái-tử thuật hết mọi việc lại cho mình nghe. Xương-Cấp kể hết đầu đuôi, nào khi Ngô-vương bịnh nặng, nào khi Tam-Ca soán ngôi, nào khi lạc đến Linh-Sơn, nào khi gởi thân Thường-phú, nào khi hứa hôn cùng Lữ-thị, nào khi sai thám dọ kinh thành, nào khi cậy Sầm-Bích đi viện binh, nào bị Trầm-Khuê lập mưu bắt. Bạch-Hổ nghe rõ mọi việc rồi liền đứng dậy bước ra xin tội, nói rằng bấy lâu nay mình có lòng hờn tiên-vương ngày trước không nghe lời can, trọng dụng gian-thần nên mới sanh rối loạn, mà cũng có lòng hờn Thái-tử vì nghe Thái-tử thần phục Tam-Ca, không dè Thái-tử biết giận biết hổ, thế thì ngôi của Ngô-vương chẳng lo gì lấy lại không được.
Thái-tử thấy Bạch-Hổ không quy thuận Bình-vương thì trong bụng chẳng xiết nỗi mừng. Bạch-Hổ dạy quân xuống ngục mở trói rồi bắt Sầm-Bích lên. Sầm-Bích đau đớn đi không được, quân phải kề vai mà cõng. Thái-tử với bốn người thủ hạ thấy thân thể của Sầm-Bích như vậy thì thảy đều rơi lụy. Hôm nọ Bạch-Hổ dạy giam mà thôi chớ không dạy đánh mà Trần-Hỉ trộm lịnh đánh Sầm-Bích như vậy, nên Bạch-Hổ giận cách chức Trần-Hỉ, đuổi đi không cho ở trong quân đội nữa.
Lương-Túc nghe nói quân thả Sầm-Bích và phạt Trần-Hỉ thì sợ tội lây đến mình, lại sợ Sầm-Bích ra khỏi ngục rồi trả thù, nên lật đật thâu góp vài vật rồi bỏ quán cỡi ngựa của Sầm-Bích mà trốn mất.
Đào-Quan và bọn đệ-tử của Sầm-Bích xin lãnh Sầm-Bích đem ra ngoài mà lo điều trị thương tích. Bạch-Hổ nhận lời xong cầm Thái-tử ở lại trong dinh đặng luận bàn Quốc-sự. Bạch-Hổ với Chánh-Tôn nhắc tới chuyện Mã-Chiêu làm thích khách thì không hiểu Mã-Chiêu là người ở đâu. Thái-tử cười mà nói rằng: "Nhị vị tướng-quân không rõ hay sao? Tuy tôi không thấy mặt Mã-Chiêu, song tôi dám chắc nó là thủ-hạ của Tam-Ca. Trong chư trấn, Tam-Ca chỉ kỵ có một mình Phạm tướng-quân mà thôi, nên mới lập mưu ám-sát đặng trừ hậu hoạn. Còn một lẽ nầy nữa là Tam-Ca thấy ta ở ngoài sợ ta hiệp với tướng-quân nên lập mưu mà vu oan cho ta đặng ta không có chỗ nương cậy. Lấy hai lý ấy mà suy thì đủ nghi Mã-Chiêu là kẻ thủ hạ của ngụy-vương. Có một điều nầy ta không rõ là chẳng hiểu vì cớ nào Phạm tướng-quân lại bắt giam Sầm-Bích".
Lương-chánh-Tôn đáp rằng: “Khi bắt được Mã-Chiêu nhằm lúc ban đêm nên coi mặt không rõ. Có lẽ Sầm Tổng-binh tướng mạo giống Mã-Chiêu nên mới bị bắt lầm”.
Chuyện vãn một hồi rồi Bạch-Hổ cáo bịnh xin phép vào trong mà nghỉ, dạy Chánh-Tôn thế mà tiếp đãi Thái-tử.
Bọn Đào-Quan đem Sầm-Bích ra quán thì chủ quán đã trốn mất. Mấy người đệ tử kẻ lo cơm nước, người chạy thuốc men lăn xăn. Đến chiều thấy Sài-Tấn dắt Kiên-Trinh và Hà-mai, Hà-Liễu, Tử-Phục, Huỳnh-Kiệm đến quán, Kiên-Trinh khóc hai con mắt đỏ trạch, còn mấy người kia mặt mày nhăn nhó, coi bộ buồn thảm vô cùng. Đào-Quan chạy ra tiếp rước, hỏi thăm mới hay Sài-Tấn về Trà-Hương mà báo tin, Kiên-Trinh đau đớn nỗi lòng nên quyết xuống Đằng-Châu dọ nghe nếu Thái-tử bị giết thì liều chết theo chồng cho trọn đạo. Đào-Quan thuật sơ sự Bạch-Hổ tha Sầm-Bích và trọng đãi Thái-tử thì ai nấy vui lòng nên lật đật chạy vào mà thăm Sầm-Bích.