Bước tới nội dung

Nam cực tinh huy/Hồi 6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Vô-ý Nguyễn-Siêu bại trận
Hữu-Tâm Lê-Đạt đền ơn


Khi Ngô-Quyền sai Bạch-Hổ với Lữ-Đường đi rồi, liền phân binh mà kéo ra Đại-la-Thành, Trần-Lãm dẫn thủy quân do đường sông mà làm hữu dực, Nguyễn-Siêu dẫn bổn bộ binh đi trước mà khai lộ. Ngô-nhựt-Khánh dẫn bổn bộ binh mà đi kế theo sau đó mà tiếp-ứng. Còn Lý-Khuê thì cũng cứ làm tã-dực như cũ.

Ngô-Quyền đã dặn Nguyễn-Siêu đi tiền đạo phải lấy lời trung nghĩa mà khuyến dụ nhơn-dân, phải cấm quân sĩ đừng cho cướp giựt bạo tàn, bởi vậy cho nên binh kéo đến đâu dân chúng thảy đều hoan nghinh tùng phục.

Binh Ngô-Quyền đi còn vài ngày nữa thì tới thành Đại-La, Kiều-công-Tiện nghe tin hết sức lo sợ, nên nhóm chư tướng mà thương nghị. Công-Tiện lấy làm tiếc không có Công-Hãn ở nhà mà cầm binh, nên tính bế thành cố thủ... Có một tướng hình cao, mặt nám, lông ngực, râu rìa, nghe Công-Tiện phân như vậy liền đứng dậy nói lớn lên rằng: “Nhơn huynh phân như vậy thì nhục cho tướng-sĩ trong thành Đại-La nầy quá! Em tuy bất tài, song nguyện dẫn binh xuất thành chém lấy đầu Ngô-Quyền đem dưng trước bệ”.

Người ấy nói tiếng nghe rổn-rảng, Công-Tiện ngó ra thì thấy Kiều-Thuận, vốn là em đồng tâm với mình, nên trong lòng mừng thầm, ngồi suy nghĩ một hồi rồi kêu Kiều-Thuận vào đứng trước bệ mà nói rằng: “Em có tính khẳng-khái vậy cũng đáng khen. Nhưng mà em phải biết rằng Ngô-Quyền là người lược thao gồm đủ, đã có trí mà lại có tài; đã vậy mà nghe nói người lại có tướng giỏi binh đông, nhắm không phải dễ gì mà khinh địch. Ta tính bế thành cố thủ là ý ta muốn sai người qua Nam-Hán mà cầu cứu với Lưu-Cung. Nếu Lưu-Cung sẵn lòng giúp ta thì ta mới chắc thắng được”. Kiều-Thuận thưa rằng: “Nhơn huynh tính như vậy cũng phải nhưng mà em nghĩ trong thành binh đã hơn một vạn, dõng tướng kể được năm bảy viên; thế lực của ta như vậy mà đành bó tay cố thủ đợi người tiếp cứu thì hổ thẹn quá. Vậy em xin nhơn huynh để cho em cầm một đạo binh ra đối địch với Ngô-Quyền, chúng ta lấy sức riêng mà chống cự với kẻ thù, chừng nào chúng ta cùng thế rồi sẽ cần Lưu-Cung, nghĩ cũng chẳng muộn gì”.

Công-Tiện gặt đầu mà đáp rằng: “Lời em nói đó phải lắm. Song bây giờ muốn đánh với Ngô-Quyền thì phải dụng mưu, hoặc may mơi thắng được. Vậy đêm nay, lối đầu canh ba em phải dẫn hai ngàn binh ra khỏi thành rồi kéo đến cụm rừng lim mà núp. Tô-Cầu cũng dẫn hai ngàn binh ra truông ông Hổ mà núp. Phải cấm quân đừng cho nói chuyện, và phải cho thám tử leo lên ngọn cây mà thăm chừng hễ binh của Ngô-Quyền đi tới thì cứ để êm cho chúng nó đi, chừng nào quân qua khỏi rồi, thì đốt lửa ung khói mà làm hiệu lịnh, rồi hai bên xông ra mà đánh dồn tới chận đường đừng cho giặc thối lui được. Ta cùng các tướng khác sẽ mở cửa thành kéo binh ra mà đánh, làm như vậy ắt sẽ bắt được giặc”.

Chư tướng nghe Công-Tiện bày binh bố trận như vậy, thảy đều kỉnh phục, nên lật đật bái mạng lui về mà sắp đặt việc xuất binh, không dám cãi lẽ chi hết. Đêm ấy, Kiều-Thuận với Tô-Cầu dẫn binh đi núp y lời của Công-Tiện dặn. Rạng ngày sau Công-Tiện nhóm bộ tướng là Lưu-Định, Phan-quế-Chi, Nguyễn-duy-Lang mà dặn hễ thấy ngoài thành ban đêm có lửa, ban ngày có khói, thì kéo binh ra mà đánh.

Nguyễn-Siêu dẫn 2 ngàn rưỡi binh đi tiền đạo, đã gần tới Đại-La mà không thấy binh của Kiều-công-Tiện ngăn cản chi hết, thì trong trí khinh khi, nên đốc quân đi riết tới hoài không đề phòng, chẳng dè vừa mới qua khỏi truông ông Hổ thì nghe sau lưng hai bên quân ó vang trời. Nguyễn-Siêu biết mình đã trúng kế rồi nên dừng binh lại, không dám đi tới nữa. Quân sĩ lại thấy trong rừng khói lên nghi ngút, không hiểu binh giặc nhiều ít thể nào, nên thảy đều kinh khủng, lao-nhao lố nhố, muốn lạc hàng thất thứ. Nguyễn-Siêu thấy vậy liền vượt ngựa ra trước đầu quân rồi đưa gươm mà nói rằng: “Quân sĩ ai nhút nhát ta chém đầu. Đã đi đánh giặc mà còn sợ giặc nỗi gì? Chừng nào ta chết rồi, thì các người mới bị hại, chớ ta còn đây mà các ngươi sợ làm sao?”.

Nguyễn-Siêu vừa nói dứt lời thì thấy bên hữu Tô-Cầu ở trong truông dẫn binh xông ra. Nguyễn-Siêu liền liền xốc ngựa tới rồi huơi gươm mà đối địch. Đánh chưa rồi một hiệp, sau lưng Kiều-Thuận lại kéo binh tới nữa. Nguyễn-Siêu thối lui tránh Tô-Cầu; vừa mới nhảy ra thì thấy có một tướng xông vào đánh. Lúc đương rối loạn, Nguyễn-Siêu không kịp ngó cho kỹ, coi tướng ấy là ai, liền quay ngựa tháo ra ngả khác đặng đón Kiều-Thuận mà đánh.

Hai bên đối địch với nhau binh ó vang trời, trống hồi dậy đất. Nguyễn-Siêu sức cự không nổi với Kiều-Thuận, mà lại thấy trong thành phất cờ dóng trống đại binh kéo ra nữa, thì anh ta rối loạn trong lòng, nên quyết liều chết đánh khai đường mà chạy. Nguyễn-Siêu nỗ lực mà chém, Kiều-Thuận phải dang ra mà tránh. Nguyễn-Siêu thừa dịp ấy mới quay đầu mà chạy, Kiều-Thuận giục ngựa đuổi theo. Lúc theo gần kịp Nguyễn-Siêu lại nghe sau lưng có tiếng kêu lớn rằng: “Thằng khốn kia, mi có giỏi thì trở lại đánh với ta đây”, rồi xốc tới đâm Kiều-Thuận, Kiều-Thuận đở vẹt mũi thương rồi mắc trở lại đánh với tướng ấy, Nguyễn-Siêu thoát mới khỏi được.

Nguyễn-Siêu một người một ngựa chạy ra khỏi vòng binh rồi đứng suy nghĩ rằng: mình làm tướng mà mình bỏ quân sĩ trốn chạy một mình như vầy thì hổ quá; thà mình chết với quân, chớ sống như vầy thì còn mặt mũi nào mà ngó quan Thứ-sử cùng chư-tướng. Nguyễn-Siêu nghĩ như vậy liền cầm gươm quất ngựa xông vào trong trận nữa. Lúc ấy đại binh Kiều-công-Tiện trong thành Đại-La đã kéo ra tới, nên đốc các tướng là Lưu-Định, Quế-Chi, Duy-Lang xông vào mà tiếp chiến. Nguyễn-Siêu trở lại ngó xa xa thấy Kiều-Thuận vừa mới đâm chết người cứu mình khi nãy, thì nổi giận, nên nổ lực mà đánh, chạy đến đâu chém đến đó, quân sĩ thất kinh phải vẹt đường không dám chống cự.

Tô-Cầu thấy Nguyễn-Siêu hùng hào thái thậm, thì giận quá, nên xốc tới đón đường mà đánh. Chẳng dè mũi thương qua, lưỡi gươm lại mới vài hiệp, thì Tô-Cầu đã bị Nguyễn-Siêu chém đứt đầu. Kiều-Thuận, Lưu-Định, Quế-Chi, và Duy-Lang áp vô một lượt mà đánh Nguyễn-Siêu, Nguyễn-Siêu đánh với một mình Kiều-Thuận còn không thấy thắng được thay, huống chi với bốn tướng thì làm sao mà đối địch cho nổi, nên phải tháo mà chạy nữa. Bốn tướng vừa muốn đuổi theo đặng vây bắt Nguyễn-Siêu thì đạo binh của Ngô-nhựt-Khánh đã kéo tới.

Nguyễn-Siêu thấy có binh ứng tiếp thì mừng rỡ vô cùng nên trở lại mà cự chớ không chạy nữa, Ngô-nhựt-Khánh đốc quân xông vào mà tiếp Nguyễn-Siêu, hai bên hỗn chiến với nhau, quân sĩ kẻ đổ ruột người đứt đầu, thấy nằm lểnh-nghểnh giữa chiến trường xem rất gớm ghê. Vả binh tướng của Kiều-công-Tiện đông hơn nên đánh tới giờ ngọ thì Nguyễn-Siêu với Nhựt-Khánh bị vây chặt không thể nào thoát ra cho khỏi được, Nguyễn-Siêu mệt đuối, đỡ gạt không lẹ làng nữa được nên bị Duy-Lang đâm một thương trúng nhằm tay mặt rớt gươm té nhào xuống ngựa; may nhờ có Nhựt-Khánh chạy lại tiếp cứu chớ không thì chắc đã bị giặc bắt.

Ngô-nhựt-Khánh và đánh và lo điều độ Nguyễn-Siêu, một mình tả đục hữu xông, quân sĩ lớp thì chết lớp thì tản-lạc hết. Lúc đương bối rối tưởng mình ắt sẽ bị bắt, bỗng nghe phía đông bắc ngó chừng thấy một đạo binh kéo tới, có hai chiến tướng cỡi ngựa đi đầu. Nhựt-Khánh không biết là binh của ai, trong lòng hồi hộp, nên đứng mà ngó. Kiều-công-Tiện và mấy tướng của Công-Tiện cũng chưng hửng nên ngừng lại mà coi.

Khi hai chiến tướng ấy lại gần tới Nhựt-Khánh với Nguyễn-Siêu xem kỹ thì Phạm-bạch-Hổ với Lữ-Đường, Nhựt-Khánh mừng quính, liền kêu lớn rằng: “Vào tiếp chúng tôi cho mau, bớ nhị vị tướng quân”. Bạch-Hổ hét lớn lên rằng: “Có ta đây”, rồi quất ngựa xông vào trận với Lữ-Đường, đánh Nam dẹp Bắc chém chết Duy-Lang và đánh thối bọn Kiều-Thuận rồi điều độ Nhựt-Khánh với Nguyễn-Siêu đem ra khỏi trùng vây.

Kiều-công-Tiện ngồi trên một cái nổng cao mà đốc quân, xem thấy đạo binh của Bạch-Hổ và Lữ-Đường có chừng vài ngàn quân, còn binh của mình kể hơn một vạn, nên không có chút chi lo sợ, trong bụng nói thầm rằng: hai đạo binh trước đã nát rồi đạo binh nầy đem mình mà nạp nữa. Đến chừng ngó thấy Duy-Lang vong mạng. Bạch-Hổ với Lữ-Đường cứu Nhựt-Khánh với Nguyễn-Siêu đem ra khỏi vòng vây rồi đốc quân xông vào hổn chiến, hai tướng đến đâu quân ngã lăn, tướng thối lui đến đó, thì Công-Tiện lo sợ nên dóng chiên thâu quân. Nhựt-Khánh thấy Công-Tiện binh đông tướng nhiều sợ Bạch-Hổ với Lữ-Đường thọ hại như mình nữa, nên dóng chiên thâu quân, tính đợi Ngô Thứ-sử đến rồi sẽ liệu kế báo thù.

Khi Bạch-Hổ với Lữ-Đường trở lại vòng binh mình thì Đỗ-cảnh-Thạc cũng vừa đến nữa. Lữ trách Ngô-nhựt-Khánh rằng: “Hai anh em tôi đương hổn chiến, vì cớ nào mà ông lại dóng chiên mà thu quân về? Ông tệ quá! Phải ông để hai anh em tôi đánh riết, rồi binh của Đỗ tướng quân tới sẽ tiếp mà đánh luôn nữa thì chắc là bắt được Kiều-công-Tiện rồi”. Nhựt-Khánh nói rằng: “Tướng quân nói nghe coi dễ quá! Binh của chúng nó kể hơn một vạn, binh của tôi và Nguyễn tiên phuông đã nát hết, còn binh của tướng quân có vài ngàn mà sao thắng được”. Bạch-Hổ với Cảnh-Thạc nghe Nhựt-Khánh nói như vậy thì khen phải, rồi tính với nhau nhứt diện định truyền lịnh đồn binh hạ trại, nhứt diện sai người trở lại đón mà báo tin cho Ngô Thứ-sử hay.

Các tướng thấy Nguyễn-Siêu bị thương thì lo kiếm thuốc điều trị, rồi mới biểu Nguyễn-Siêu thuật rõ sự mình trúng kế lại cho các tướng nghe. Lữ-Đường cũng thuật cho Nhựt-Khánh với Nguyễn-Siêu hiểu việc mình đánh đuổi Kiều-công-Hãn, cứu được Đỗ-cảnh-Thạc, rồi dắt nhau xuống Đại-La tính hiệp binh với Ngô Thứ-sử, chẳng dè đến đây Ngô Thứ-sử chưa tới mà lại gặp giặc đương vây hai tướng nên lật đật xông vào mà cứu. Các tướng lo tom góp tàn quân, thì binh của Nhựt-Khánh còn được một ngàn rưỡi, còn binh của Nguyễn-Siêu còn không đầy 500 người.

Nguyễn-Siêu nhớ lại hồi sớm mơi có một tướng tiếp mình mà đánh Tô-Cầu chừng mình bị Kiều-Thuận rượt nà tướng ấy xốc tới đánh với Kiều-Thuận đặng cho mình thoát nạn, chừng mình trở vào trận lại còn thấy tướng ấy đánh với Kiều-Thuận nữa, một mình tả đột hữu xông, mà không chịu đầu hàng, cứ đánh hoài cho đến đổi bị Kiều-Thuận đâm chết. Nguyễn-Siêu không rõ người ấy là ai, kêu quân sĩ mà hỏi thăm, mới hay người ấy là Lê-Đạt, tháng trước mình đi mộ binh trong Hoan-Châu, thấy anh ta vô tội mà bị đày nên ra tay giải cứu, rồi cho làm đội-trưởng trong đạo binh của mình.

Nguyễn-Siêu nhớ tới Lê-Đạt thì cảm xúc vô cùng, vì ngày trước mình vì sự bất công bất chánh mà nổi giận nên giải cứu người mà thôi, chớ không phải làm ơn, mà ngày nay người ấy tận tâm mà báo đáp, đến đỗi phải vong thân tán mạng. Nguyễn-Siêu nghĩ chừng nào càng thương tiếc Lê-Đạt chừng ấy mà chư tướng ai nghe rõ sự tích như vậy cũng đều mủi lòng. Người thuật chuyện nầy viết đến đây cũng động tâm cảm nghĩa nên phải tả một bài thi:

Vì nghĩa xưa nay chết thiếu gì,
Cảm thương Lê-Đạt sử quên ghi.
Nặng ơn giải cứu hồi tai nạn,
Liều thác đền bồi lúc hiểm nguy.
Vợ trẻ ôm mền buồn bạc phận,
Mẹ già dựa cửa khóc cô nhi.
Làm trai muốn vẹn niềm ngay thảo,
Vì nghĩa xưa nay chết thiếu gì.