Bước tới nội dung

Ngày mai

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Không có tiếng tăm gì hết. - Thằng bé thế nào rồi?

Lão Củng mũi đỏ tay nâng chén rượu vàng[1] vừa nói, vừa nhằm bên kia vách bỉu môi. Năm da chàm bèn để chén rượu xuống, ra sức nện một đấm trên sống lưng hắn, ấp úng gào lên rằng:

Mầy... mầy mầy lại đang tơ tưởng gì đây....

Lỗ Trấn vốn là nơi hẻo lánh, còn có ít nhiều thói tục cổ: chưa hết canh một, mọi người đã đóng cửa đi ngủ. Đêm khuya mà còn chưa ngủ chỉ có hai nhà: một là tiệm rượu Hàm Hanh, mấy tay rượu thịt còn cứ vây lấy cái quày, tưng bừng ăn uống ; một là nhà mụ Tư Đơn ở cách vách, từ năm ngoái chồng chết rồi ở vậy, phải chuyên nghề kéo sợi, nhờ hai bàn tay nuôi sống chính mình với đứa con trai ba tuổi, cho nên cũng thức khuya.

Mấy hôm nay, quả thật không có tiếng kéo sợi. Song le, đã chỉ có hai nhà thức khuya, thì bên nhà mụ Tư Đơn có tiếng gì, tự nhiên chỉ có bọn lão Củng nghe thấy, mà không có tiếng gì, cũng chỉ có bọn lão Củng nghe thấy.

Lão Củng bị đấm xong, hình như lấy làm khoan khoái nốc một ngụm rượu lớn, giọng ồ ồ hát những câu hát vặt.

Lúc đó, mụ Tư Đơn đang ẵm thằng Báu của mụ, ngồi ở cạnh giường, cái xa kéo lặng lẽ đứng trên đất. ánh đèn mờ nặng nề soi trên mặt thằng Báu, trong màu đỏ nhạt có một chút xanh. Mụ Tư Đơn thầm tính: xăm cũng đã xin rồi, khấn nguyện cũng đã khấn rồi, thuốc thang cũng đã uống rồi, vẫn không thấy đỡ, làm thế nào bây giờ? - Chỉ có đi nhờ thầy Hà Tiểu Tiên bắt mạch thôi. Nhưng bệnh thằng Báu cũng có lẽ là nhẹ ngày nặng đêm, đến ngày mai, mặt trời mọc một cái là sốt cũng có thể lui, thở dốc cũng có thể đỡ: thực sự, người bệnh cũng thường có như thế.

Mụ Tư Đơn là một người đàn bà quê kệch, không biết cái chữ nhưng ấy là đáng sợ. Bao nhiêu việc xấu vẫn nhờ có nó biến nên tốt, bao nhiêu việc tốt lại cũng vì có nó mà hóa ra hư hỏng. Mùa hè đêm ngắn, giọng hát ồ ồ của bọn lão Củng vừa dứt chưa lâu, phương đông đã hừng sáng ; một chốc chi đó, khe cửa sổ đã dọi vào ánh ban mai.

*

* *

Mụ Tư Đơn chờ cho trời sáng, không phải dễ dàng như người khác, mụ thấy sao mà chậm quá, một cái thở ra thở vào của thằng Báu hầu như dài hơn một năm. Bây giờ thì đã sáng rồi ; ánh sáng trời xóa mất ánh sáng đèn, thấy rõ hai cánh mũi của thằng Báu cứ phồng ra núng vào theo hơi thở.

Mụ Tư Đơn coi mòi không khá, ngầm kêu một tiếng chao ôi!. Trong lòng lo tính: bây giờ làm thế nào? Chỉ có một con đường đi nhờ thầy Hà Tiểu Tiên thăm mạch. Mụ tuy là một người đàn bà quê kệch, chứ đã nghĩ được thì quyết làm, bèn đứng dậy, mò trong túi lấy ra 13 đồng hào và 180 đồng tiền dè dặt để dành hằng ngày, cho vào túi áo, khóa cửa, ẵm thằng Báu đi bươn bả đến nhà họ Hà.

Mới sáng sớm mà nhà họ hà đã có bốn con bệnh ngồi đó rồi. Mụ móc ra bốn hào mua một cái thẻ, thẻ thứ năm là đến phiên thằng Báu. Hà Tiểu Tiên thò hai ngón tay bắt mạch, móng tay dài có đến bốn tấc, mụ Tư Đơn ngầm lấy làm lạ, nghĩ bụng: số thằng Báu chắc phải sống. Có điều thế nào cũng không khỏi nóng ruột, phải hỏi mới được, mụ bèn rè rè rụt rụt nói:

Thưa thầy, thằng con tôi mắc bệnh gì?

Nó bị nghẹt ở trung tiêu[2].

Có hề chi không? Nó....

Trước hãy uống hai chén đã.

Nó thở dữ quá, hai cánh mũi cứ phồng ra núng vào.

Đó là hỏa khắc kim...[3]

Hà Tiểu Tiên nói mới nửa câu, liền nhắm mắt lại ; mụ Tư Đơn cũng e thẹn không khỏi nữa. Một người chừng hơn ba mươi tuổi ngồi đối ngang Hà Tiểu Tiên, lúc đó đã khai xong cái đơn thuốc, lấy tay chỉ mấy chữ ở góc giấy nói:

"Cái vị thứ nhất là Bảo-anh-hoạt-mạng-hoàn này phải là tiệm Tế Thế nhà họ Giả mới có."

Mụ Tư Đơn cầm lấy cái đơn thuốc, vừa đi vừa nghĩa. Mụ tuy là người đàn bà quê kệch, chứ cũng biết rằng nhà họ Hà với tiệm Tế Thế với nhà mình cách nhau như cái hình tam giác, đi mua thuốc rồi về nhà tự nhiên lợi đường hơn. Thế rồi đi thẳng tới tiệm Tế Thế. Người bán tiệm cũng nhón móng tay dài từ từ xem đơn và từ từ gói thuốc. Mụ Tư Đơn bồng thằng Báu đứng đợi ; thình lình thằng Báu giơ tay lên, cố sức bứt một chòm tóc xơ rơ trên đầu nó, đó là cái cử động bấy nay chưa hề có, mụ Tư Đơn sợ đến sửng sốt.

Mặt trời mọc đã lâu. Mụ Tư Đơn ẵm đứa bé, đèo theo gói thuốc, càng đi càng thấy nặng ; thằng bé lại cứ cựa quậy mãi, đường lại thấy càng dài. Không đừng được, mụ ngồi nghỉ trên ngạch cửa của cái công quán bên đường một lúc, thấy áo dính lấy da hơi lạnh, mới biết cả người mình toát mồ hôi ; còn thằng Báu thì hình như ngủ yên. Mụ lại đứng dậy đi chậm rãi, cũng vẫn thấy không gắng gượng được nữa, bên tai bỗng nghe có người nói:

"Chị Tư Đơn, tôi bồng thế em cho chị!" Tiếng nói giống như là tiếng của Năm da chàm.

Mụ ngước lên nhìn, quả thật là Năm da chàm, con mắt ngái ngủ đang đi theo mụ.

Bấy giờ, mụ Tư Đơn tuy rất mong có một viên thiên tướng nào giáng xống, giúp mụ một tay, nhưng lại không muốn là Năm da chàm. Nhưng, Năm da chàm vốn có tánh hào hiệp, không luận thế nào, cốt giúp mụ cho kỳ được, cho nên sửa kho từ chối một lúc, rốt lại được nhận lời. Năm da chàm bèn chìa cánh tay ra, luồn ở giữa đứa bé và vú của mụ, luồn thẳng xuống, ẵm lấy đứa bé. Mụ Tư Đơn liền thấy trên vú mình phát nóng, tức khắc nóng thẳng lên đến mặt và tai.

Hai người cùng đi, cách nhau một quãng chừng hai thước năm. Năm da chàm nói những gì gì, song hết già nửa mụ Tư Đơn không trả lời. Đi một lát, Năm da chàm trả thằng bé cho mụ, nói rằng hôm qua có hẹn với người bạn đi ăn cơm mà bây giờ đã đến giờ rồi ; mụ Tư Đơn bèn ẵm lấy thằng bé. May sao đi không xa mấy thì tới nhà, đã thấy bà Chín Vương trước cửa ngồi ở đường, xa xa nói với:

"Chị Tư Đơn, thằng bé thế nào? - Thầy đã xem chưa?"

"Xem thì đã xem xong. - Bà Vương, bà tuổi tác, thông thạo, chi bằng nhờ bà tinh mắt xem qua một chút, thế nào..."

"Hừm..."

"Thế nào?..."

"Hừm..." Bà Chín Cương nhìn kỹ một bận, rồi gật đầu hai cái, lại lắc đầu hai cái.

Đến xế, thằng Báu mới uống thuốc. Mụ Tư Đơn để ý xem thần thái nó, hình như cũng có tỉnh táo phần nào ; đến chiều, bỗng nó trợn mắt lên kêu một tiếng "má!" rồi lại vẫn nhắm mắt, như là ngủ đi. Ngủ đi một lát, trên trán và chót mũi nó đều đẵm mồ hôi từng giọt từng giọt, mụ sờ qua nhè nhẹ, như keo dính ở tay ; vội vàng sờ ở ngực, cầm lòng không đậu, bật lên tiếng thút thít.

Hơi thở của thằng Báu từ êm dịu biến đến mất hẳn, tiếng của mụ Tư Đơn cũng từ thút thít biến thành kêu gào. Lúc đó có mấy khóm người nhóm lại: trong cửa là hạng người như bà Chín Vương, Năm da chàm, ngoài cửa là hạng người như chủ quày tiệm Hàm Hanh và lão Củng đỏ mũi. Bà Chín Vương bèn ra lệnh, đốt một lề giấy tiền ; lại nhơn danh mụ Tư Đơn, đem cầm hai cái ghế ngựa và năm chiếc áo lấy hai đồng bạc để dọn cơm cho những người giúp việc ăn.

Vấn đề thứ nhất là cái săng. Mụ Tư Đơn còn có một đôi hoa tai bạc và một cái trâm bạc mạ vàng, đều đem giao cho chủ quày tiệm Hàm Hanh, nhờ hắn ta làm người bảo lãnh, mua một cái săng nửa mặt nửa chịu. Năm da chàm cũng giơ tay lên, tình nguyện mủng lấy việc, nhưng bà Chín Vương không chịu, chỉ cắt hắn vào việc ngày mai khiêng quan tài. Năm da chàm vọt miệng mắng "con chó già", rồi cứ hằm hằm bỉu môi đứng đó. Người chủ quày bèn đi một chắc ; đến chiều trở về, nói cái săng phải đóng mới có, gần sáng mới đóng xong.

Khi người chủ quày trở về, những người giúp việc đã ăn cơm xong, bởi vì Lỗ Trấn còn có thói tục cổ, cho nên chưa hết canh một, họ đã về nhà đi ngủ cả. Chỉ có Năm da chàm còn đứng tựa quày tiệm Hàm Hanh uống rượu, lão Củng cũng hát giọng ồ ồ.

Lúc bấy giờ, mụ Tư Đơn ngồi khóc ở ven giường, thằng Báu nằm ở trên giường, cái xa kéo lặng lẽ đứng trên đất. Một chặp lâu, mụ hết nước mắt, con mắt sưng lên, nhìn tình hình chung quanh, lấy làm lạ: những việc đã xảy ra đều là không thể xảy ra. Mụ nghĩ: chẳng qua là chiêm bao thôi, những việc ấy đều là chiêm bao. Ngày mai thức dậy, mình vẫn bình thường ngủ trên giường, thằng Báu cũng vẫn bình thường nằm ngủ bên cạnh mình. Khi nó thức dậy, cũng vẫn kêu một tiếng "má" rồi tinh nghịch nhảy xuống đi chơi.

Tiếng hát của lão Củng đã dứt đi lâu rồi, cái đèn bên tiệm Hàm Hanh cũng đã tắt. Mụ Tư Đơn mở mắt, cũng không tin có những việc đã xảy ra. - Gà gáy, phương đông dần dần hửng sáng, khe cửa sổ dọi vào ánh sáng ban mai.

Ánh sáng trắng ban mai lại dần dần trở màu đỏ nhạt, rồi mặt trời dọi ngay lên nóc nhà. Mụ Tư Đơn trố mắt, ngồi như người hóa dại, nghe tiếng gõ cửa, mới giật mình ra mở cửa. Ngoài cửa có một người lạ mặt, vác một cái gì, đằng sau là bà Chín Vương.

Ồ, họ đem quan tài đến.

*

* *

Đến chiều, cái săng mới đậy nắp được: Bởi vì mụ Tư Đơn khóc một lúc, lại đòi nhìn một lúc, thế nào cũng không chịu hấp tấp đậy nắp ngay. May nhờ có bà Chín Vương không đợi dai dẳng được, tức mình chạy lại nắm mụ kéo ra, rồi mới mỗi người một tay đậy nắp lên. Song le, mụ Tư Đơn lo liệu cho thằng Báu của mụ như thế, thật đã hết lòng, không còn có gì thiếu sót đáng ân hận. Thì ngày hôm qua đã đốt một lề giấy tiền, buổi sáng hôm nay lại đốt bốn mươi chín quyển "Đại bi trú"[4] ; trong lúc nhập liệm, đã mặc quần áo mới cho nó, những đồ chơi mà thường ngày nó ưa thích - một con búp bê, hai cái bát nhỏ bằng gỗ, hai cái bình bằng pha lê - đều đã đem theo cho nó, để ở cạnh cái gối đầu. Sau cùng, bà Chín Vương bấm đốt ngón tay tính kỹ, cũng chẳng thấy có chút gì thiếu sót đáng ân hận.

Trong một ngày ấy, cả ngày mất mặt Năm da chàm ; chủ quày Hàm Hanh bèn thuê cho mụ Tư Đơn hai người khiêng, mỗi người là hai quan mốt, khiêng cái quan tài đến đặt ở cồn mả nghĩa trủng. Bà Chín Vương lại giúp mụ nấu cơm, hễ là người có mó tay vào việc gì, có mở miệng nói câu nào, đều ăn cơm tất. Mặt trời dần dần tỏ vẻ muốn chen núi, những người ăn cơm xong cũng tỏ vẻ muốn về nhà, - thế rồi rốt cuộc họ đều về nhà.

Mụ Tư Đơn thấy trong người choáng váng, nghỉ một lúc, lại có hơi bình tĩnh ngay. Song le, mụ cứ luôn luôn lấy làm lạ lùng quá: gặp cái việc mà cả đời chưa hề gặp, cái việc hình như không thể xảy ra, thế mà quả thật đã xảy ra. Mụ càng nghĩ càng sững sờ, lại cảm thấy một sự lạ lùng nữa: cái nhà này sao bỗng dưng vắng ngắt thế.

Mụ đứng dậy, thắp đèn lên, cái nhà càng thấy vắng ngắt. Mụ lừ đừ đi đóng cửa lại, trở vào ngồi trên ven giường, cái xa kéo lặng lẽ đứng trên đất. Bình tĩnh lại, xem bốn phía, mụ lại thấy ngồi đứng không yên, cái nhà chẳng những vắng quá, mà lại lớn quá, vật gì trong nhà cũng không có cả, trống trải quá. Cái nhà quá lớn bao vây lấy mụ, những đồ đạc không có, trống trải đè lên mụ, mụ thở không ra hơi.

Bây giờ mụ mới biết chắc chắn thằng Báu của mụ chết hẳn rồi, mụ không muốn thấy cái nhà, thổi tắt đèn, đi nằm. Mụ vừa khóc vừa suy nghĩ: nhớ lại hồi nào, chính mình thì kéo sợi, thằng Báu htì ngồi bên cạnh ăn đậu hồi hương, nó trợn cặp mắt nhỏ mà đen nghĩ một lát, rồi thỏ thẻ: "Má! Cha đi bán bánh rán, con lớn rồi cũng đi bán bánh rán, bán được nhiều nhiều tiền, con đều đưa cho má". Lúc đó, thật cả đến những sợi chỉ kéo ra, mỗi tấc đều có ý nghĩa, mỗi tấc đều sống. Nhưng bây giờ thì thế nào? Cái việc bây giờ, thật tình mụ Tư Đơn lại chẳng nghĩ thế nào cả. - Tôi đã nói rồi, mụ là người đàn bà quê kệch. Mụ nào có nghĩ ra thế nào đâu? Mụ chỉ thấy cái nhà vắng quá, lớn quá, trống trải quá mà thôi.

Song le, mụ Tư Đơn tuy quê kệch, chứ cũng biết rằng hễ chết thì không thể sống lại, thằng Báu của mụ không thể lại thấy nữa rồi. Thở dài một cái, mụ lẩm bẩm một mình: "Báu của má ơi, con còn vơ vưởng đâu đây, cho má thấy chiêm bao đi". Thế rồi mụ nhắm mắt, toan ngủ nhanh lên cho gặp thằng Báu, chính mụ nghe mồn một hơi thở khó khăn của mình thông qua cái vắng ngắt, cái lớn và cái trống trải.

Rốt lại mụ Tư Đơn lơ mơ ngủ lúc nào không biết, cả cái nhà đều rất lặng lẽ. Lúc đó lão Củng đỏ mũi cũng đã hát xong câu hát vặn rồi, đi loạng choạng ra khỏi tiệm Hàm Hanh, lại nhu mỏ lên hát:

"Của nợ ta ơi! - Đáng thương thay - trùm trũm một mình..."

Năm da chàm bèn giơ tay níu lấy bả vai lão Củng, hai người vừa cười vừa ngả qua ngả lại chèn nhau đi.

Mụ Tư Đơn ngủ đã lâu rồi, bọn lão Củng cũng đã đi rồi, cửa tiệm Hàm Hanh cũng đã đóng rồi. Cả Lỗ Trấn lúc đó bèn rơi trụm trong vắng lặng. Chỉ có cái đêm tối tăm kia vì muốn biến thàng ngày mai thì còn cứ bôn ba trong cái vắng lặng ấy ; ngoài ra có mấy con chó cũng núp trong tối gâu gâu sủa.

Tháng 6 năm 1920
(Dịch ở Nột hám)

   




Chú thích

  1. Rượu ở Trung Quốc đại khái chia ra hai loại. Một loại gọi là "hỏa tửu" hay "khiêu tửu", tức là rượu cất của ta ; một loại là "hoàng tử" (vì nước nó vàng), tức là rượu dầm, như rượu dâu rượu cẩm của ta. Ở đây nguyên văn là "hoàng tửu", đáng lẽ dịch "rượu dầm", nhưng sợ lộn với rượu dầm thuốc, nên dịch nghĩa đen là "rượu vàng".
  2. Y học Trung Quốc cho rằng đầu cuống dạ dày, quãng giữa dạ dày, đầu cuống bong bóng ba bộ phận ấy là con đường của cơm và nước, gọi chung là "tam tiêu", tức là thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu. Trung tiêu là quãng giữa dạ dày.
  3. Theo thuyết ngũ hành tương sinh tương khắc: Tương sinh là mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc ; tương khắc là mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc. Y học Trung Quốc lại lấy ngũ tạng: tâm, phế, can, tỳ, thận phối nhau với ngũ hành: hỏa, kim, mộc, thổ, thủy, cho nên nói hỏa khắc kim, tức là nói tâm khắc phế.
  4. Đại bi trú: Là một thứ kinh Phật, tục Trung Quốc ngày xưa hay dùng để đốt cho người chết.