Ngô Tử binh pháp/I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

I

Đồ quốc


Ngô Khởi mặc áo nhà nho, vào kiến chúa Văn-hầu nước Ngụy, đem chuyện binh cơ ra thưa trình. Văn-hầu nói: Quả-nhân không thích về việc quân lữ. Khởi nói: Tôi lấy sự hiện mà xem sự ẩn, lấy việc trước mà xét việc sau, sao nhà vua lời nói lại trái với lòng như vậy? Nay nhà vua bốn mùa sai lột lấy những da giống thú, đem sơn đỏ vẽ xanh ở ngoài, mùa đông mặc thì không thấy ấm, mùa hè mặc thì không thấy mát; làm cây kích dài 2 trượng 4 thước, cây kích ngắn 1 trượng 2 thước, xe binh dàn cửa, sơn bánh phủ càng, ngắm nhìn thì không thấy đẹp đẽ, đi săn thì chẳng được nhẹ nhàng, không không biết nhà vua dùng những thứ ấy để làm gì? Nếu bảo rằng để phòng tiến đánh lui giữ mà lại không tìm lấy cái thứ dùng được, thật chẳng khác gì đem con gà ấp ra để đánh con cáo, đem con chó đẻ ra để vồ con hổ tuy rằng có bụng muốn chiến đấu nhưng sẽ phải chết ngay lập tức. Ngày xưa vua họ Thừa-tang sửa đức chính bỏ việc võ mà nước phải diệt, vua họ Hữu-hỗ cậy đông người ưa hung hăng mà xã tắc phải mất. Xin đứng minh chúa hãy lấy đó làm gương, tất phải trong thì sửa văn-đức, ngoài thì trị võ bị. Cho nên đối trước quân địch mà không tiến, chẳng đủ gọi là nghĩa, bên những cái thây chết trận mà thương xót, chẳng đủ gọi là nhân. Đó rồi Văn-hầu thân tự rải chiếu, phu-nhân thì nâng chén, bầy tiệc thết Ngô Khởi ở miếu, lập làm đại-tướng, Ngô Khởi giữ ở Tây-hà, cùng Chư-hầu đánh nhau 76 trận thì 64 trận toàn thắng, còn những trận khác thì hòa, khơi cõi bốn mặt, mở đất nghìn dặm, đều công của Khởi cả.

Ngô-Tử nói: Ngày xưa người ta muốn mưu đồ quốc gia, tất trước phải dạy trăm họ mà thân muôn dân. Có bốn điều bất hòa: bất hòa ở nước thì không thể ra quân, bất hòa ở quân thì không thể ra trận, bất hòa ở trận thì không thể tiến chiến, bất hòa ở chiến thì không thể quyết thắng. Bởi thế vị chúa có đạo, sắp dùng đến dân, trước phải hòa để làm việc lớn, không dám tin sự mưu tính riêng, tất phải cáo với tổ miếu, hỏi tới rùa thiêng, xen với thiên thời, hễ thấy tốt lành mới cử động. Dân thấy rằng vua yêu tính mệnh và tiếc cái chết của dân đến mực ấy, bấy giờ nếu cùng họ lâm nạn, kẻ sĩ sẽ lấy sự tiến vào để chết là vinh mà lui về lấy sống là nhục vậy.

Ngô Tử nói: Đạo là để trở lại gốc, quay lại đầu, nghĩa là để làm việc, lập công, mưu là để bỏ hại, tìm lợi, yếu là để giữ nghiệp, thủ thành. Nếu làm không hợp đạo, động không hợp nghĩa thì ở lớn, ngồi sang, tai nạn tất cũng sẽ đến. Cho nên thánh nhân yên bằng đạo, trị bằng nghĩa, động bằng lễ, nuôi bằng nhân. Bốn cái đức ấy, hễ tu sửa thì thịnh, mà bỏ ếp thì suy. Cho nên vua Thành-Thang đánh người Kiệt mà dân nhà Hạ vui mừng, vua Chu-Vũ đánh người Trụ mà người nhà Ân không trách, cử động thuận với giời và người, cho nên được như vậy.

Ngô-Tử nói: Phàm trị nước coi quân, tất phải lấy lễ mà dạy, lấy nghĩa mà khuyên, khiến cho họ biết thế nào là xấu hổ. Người biết xấu hổ, thì lớn đủ để đánh, nhỏ đủ để giữ. Nhưng đánh mà thắng thì dễ, giữ được cái thắng mới là khó. Cho nên nói rằng: Những các chiến quốc trong thiên hạ, năm trận thắng thì tai vạ, bốn trận thắng thì tồi tệ, ba trận thắng thì làm nên nghiệp bá, hai trận thắng thì làm nên nghiệp vương, một trận thắng thì làm nên nghiệp đế. Ấy cho nên những người năng thắng mà được thiên hạ thì ít, chỉ mất thì nhiều.

Ngô-Tử nói: Phàm cái cớ khởi binh có năm: một là tranh danh, hai là tranh lợi, ba là tích ác, bốn là nội loạn, năm là nhân đói. Tên binh lại có năm: một là nghĩa binh, hai là cường binh, ba là cương binh, bốn là bạo binh, năm là nghịch binh. Trừ bạo cứu loạn là nghĩa, cậy đông mà đánh là cường, nhân giận dấy quân là cương, bỏ lễ tham lợi là bạo, nước loạn, người khổ, gây việc động binh là nghịch. Trong năm cái ấy mỗi cái đều có một cái đạo làm cho phải phục: Nghĩa tất phải lấy lễ để phục, cường tất phải lấy khiêm để phục, cương tất phải lấy nhời để phục, bạo tất phải lấy trá để phục, nghịch tất phải lấy quyền để phục.

Vũ-hầu[1] hỏi rằng: Xin được nghe cái đạo trị binh liệu người, vững nước? Khởi thưa rằng: Đấng minh-vương đời xưa, tất cẩn trọng cái lễ vua tôi, trang sức cái phép trên dưới, yên họp sĩ dân, thuận tục mà dạy. Kén mộ người có tài tốt, để phòng sự bất ngờ. Đời xưa Tề Hoàn-công mộ năm vạn binh sĩ rồi làm bá chủ Chư-hầu, Tấn Văn-công mộ bốn vạn người đi tiền-phong, rồi được toại chí. Tần Mục-công dùng ba vạn người quân hãm trận, rồi phục được kẻ địch láng giềng. Cho nên ông vua nước mạnh tất liệu xem dân, dân những người can đảm mạnh mẽ thì hợp làm một đoàn, những người thích sự đem sức chiến đấu để tỏ trung dũng hợp làm một đoàn, những người vượt cao nhẩy xa, nhanh chân dẻo chạy, hợp làm một đoàn, những người bề tôi mất ngôi, mà muốn dâng công vói người trên hợp làm một đoàn, những người rời thành bỏ đồn, muốn rửa sự xấu, hợp làm một đoàn. Năm hạng ấy và những hạng quân tinh nhuệ, có lấy ba nghìn người, thì ở trong ra có thể tung vây, ở ngoài vào có thể phá thành.

Vũ-hầu hỏi rằng: Xin cho được nghe cái đạo trận tất phải định, giữ tất phải vững, đánh tất phải thắng. Khởi thưa rằng: Giá được trông thấy ngay càng tốt, chứ há những chỉ nên nghe mà thôi ư? Nhà vua nếu khiến được người hay ở trên, người dở ở dưới, thì trận đã định rồi; dân yên với ruộng nương, nhà cửa, thân với quan chức, thì giữ đã vững rồi; trăm họ đều khen nhà vua mà chê nước láng giềng thì chiến đã thắng rồi.

Vũ-hầu thường mưu sự, quần thần không ai kịp được, lúc bãi chầu mặt có vẻ thích. Khởi tiến lên nói rằng: Ngày xưa Trang-vương nước Sở thường mưu sự, quần thần không ai kịp được, lúc lui chầu mặt có vẻ buồn. Thân-công hỏi rằng: Nhà vua có vẻ buồn là cớ làm sao? Trang-vương nói: Quả nhân từng nghe đời không hết bực thánh, nước không thiếu người hiền được thầy thì làm nên nghiệp vương. được bạn thì làm nên nghiệp bá. Nay quả nhân bất tài mà quần thần không ai theo kịp, nước Sở thật là nguy thay, ấy cái điều vua Sở-Trang buồn mà nhà vua lại vui, thần trộm nghĩ lấy làm sợ. Vũ-hầu nghe rồi có vẻ thẹn.

   




Chú thích

  1. Chúa nước Ngụy con của, Văn-hầu.