Người An Nam nên viết chữ An Nam
Nước Nam xưa nay vẫn có tiếng-nói, mà tiếng An-nam lại hay được một điều là cả nước nói có một thứ tiếng, chừ Mán, Mọi ở nơi rừng rú không kể.
Nhưng vốn chỉ có tiếng nói, không có chữ viết: đến khi học chữ tầu, rồi mới lấy chữ tầu ghép ra thành một lối riêng, gọi là chữ nôm. Chữ nôm tuy viết quấy quá cũng thành ra giạng chữ, nhưng không có mẹo mực gì, ai muốn viết thế nào thì viết, thường phải cao-đoán mới đọc được thông. Vả, vốn trước khi có chữ nho, thì nước mình văn-chương không có, hóa cho nên vẫn gọi chữ mới ấy là nôm na, người nào có tài thường không thèm dùng đến. Học hành, luận lý, vẫn phải dùng chữ tầu; luật phép trong nước, giấy má việc quan đều dùng chữ tầu cả. Ai không biết chữ tầu nghe như vịt nghe xấm. Một người học chỉ học được một mình mà thôi.
Và học được thông chữ nho thì thật là khó lắm: chữ là như dấu bịa ra để viết ý nghĩ người ta, mà từ xưa nay An-nam bao nhiêu người học chữ nho, dễ hồ đã mấy người, bụng nghĩ thế nào lại viết ngay ra được thành chữ như thế? Thế ra chỉ học để ngâm-nga mà thôi. Nói cho phải, thì là chỉ học để đi thi đỗ làm quan là mãn nguyện.
Than ôi! Tiếc thay! khi nước ta mới trông thấy chữ tầu, cả nước chẳng ai có tài mà bắt-chước đặt ra chữ mình theo như tiếng nói: lại phải làm ngay sự dản tiện: mượn chữ người làm chữ nhà. Rõ ra lối làm biếng, chỉ đợi người làm sẵn mà dùng!
Thôi cũng may! bây giờ nhờ có người Phương tây đến, bày ra chữ quốc-ngữ, chắp vần theo như chữ các nước Phương tây; có mẹo mực, ba là ba, bốn là bốn, không thể sai được mà học dễ biết là bao nhiêu! Sáng ý thì chỉ vài ngày, ngu đần thì trong một tháng cũng phải thông.
Chữ quốc-ngữ có đã non nửa thế-kỷ mà vẫn ít dùng, vì văn chương từ trát vẫn cứ theo lệ cổ dùng chữ nho. May bây giờ nhà nước bảo hộ, đã nghĩ ra, định dùng chữ quốc-ngữ làm quốc-tự. Thế mà còn có kẻ không ưng ý, còn tiếc phẩy mác khi xưa. Điều hay học lấy một mình, tự hồ còn lấy làm thích hơn.
Thường có kẻ binh chữ nho nói rằng: chữ nho nghĩa lý sâu-sắc, có thể làm ra văn-bài hay. Ta tưởng cái sâu-sắc bởi ở sự dùng chữ mà ra. Vì ta có được vài trăm chuyện, hay bằng chuyện Kim-Vân-Kiều, thì xem tiếng ta có kém gì chữ nho đâu!
Cũng có người vì trọng đạo đức Khổng-tử cho nên muốn dữ chữ nho. Ta thiết tưởng: trong một ông Thánh người, thì mình nên cố làm lấy thánh mình mới phải: đạo đức Khổng thực là hay, nhưng nên dịch ra tiếng bản-quốc, để cho cả nước, đàn-ông, đàn-bà, con-trẻ cũng nghe được cả mới phải; hà tất phải cứ giữ chữ nho mấy học được, có phải chỉ ai biết chữ nho thì mới hiểu được du?
Nay ở Chương-trình Tân-học, nhà-nước đã định ai cũng phải học chữ quốc-ngữ, thế là một cái ơn to nhà-nước làm cho nước Nam đấy.
Chữ nho hay, cũng nên học, nhưng trước hết phải thông chữ nhà. Còn chữ người học thêm cho rộng, như thể người Âu-châu, học phụ thêm chữ Hi-lạp, chữ Latin.
Ông nào có tài, làm sách, làm chuyện bây giờ, nên làm ra bằng chữ quốc-ngữ. Có nhiều sách hay tất tiếng nôm cũng hóa ra hay.
Ngẫm mà xem! Thơ phú đời sau dùng điển Thúy-Kiều, Nhị-Độ-Mai, hay là điển trong các sách hay khác sắp làm ra, kém chi sâu-sắc bằng điển lấy trong Tứ-thơ, Ngũ-kinh.
Áh-Mồ