Bước tới nội dung

Người Việt Nam đối với trẻ con

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Người Việt Nam đối với trẻ con  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 163 (11. 8. 1932)

Hay là vấn đề từ ấu giữa xã hội người Tây với giữa xã hội người mình[1]

Trong sách Nho ta thường hay nói "kính lão, từ ấu". Đó là mấy điều trọng yếu trong luân lý người ta giữ mà ở đời, trọng yếu cũng như những điều: hiếu thân, trung quân, uý thiên, pháp tổ cho đến ái nhân và ái vật.

Kính lão là kính trọng người già; từ ấu là hay thương con nít; hiếu thân là thảo với cha mẹ; trung quân là ngay với vua; uý thiên là sợ Trời; pháp tổ là bắt chước tiên tổ; ái nhân là yêu cả đến người dưng; ái vật là yêu luôn đến loài súc vật. Theo thánh hiền thì những điều ấy có cái là gốc, có cái là ngọn, nghĩa là có cái phải làm trước, có cái phải làm sau; nhưng hết thảy đều là việc mà bổn phận người ta phải làm cả, cho nên mới gồm hết lại mà kêu là luân lý.

Lại trong đó dầu có một vài điều hơi chống báng với tư tưởng đời nay, nhưng trừ một vài điều ấy ra thì cũng lại hiệp với luân lý đời nay cả. Đại để như những điều: hiếu thân, kính lão, từ ấu, ái nhân, ái vật thì luân lý đời nay cũng nhận cho là những bổn phận trọng yếu người ta phải giữ.

Đây tôi cốt nói về một sự từ ấu mà thôi, song lại nói luôn với những điều kia, là để tỏ ra rằng cái sự từ ấu là hệ trọng lắm, chẳng kém gì mấy cái kia, dầu xưa nay hay Đông Tây cũng phải coi là một sự trọng đại trong bổn phận loài người. Tư tưởng xưa nay dầu có khác, luân lý Đông Tây dầu chẳng đồng nhau, chớ cái bổn phận từ ấu thì hồi nào cũng coi như hồi nấy, ở đâu cũng coi như ở đó. Những tư tưởng trung quân, pháp tổ, có bị người đời nay phản đối chăng nữa, là cái tư tưởng từ ấu cũng vẫn đứng vững như trồng, chẳng ai phản đối được đâu.

Từ ấu, trong chữ "từ", có ý là yêu thương và đối đãi với một cách nhơn lành. Nghĩa là đối với trẻ con, mình phải yêu thương nó, lại còn tìm cách nuôi nó dạy nó cho phải đường nữa. Chữ "từ" đó cũng đồng nghĩa với chữ "từ" trong câu "vi nhân phụ chỉ ư từ" (câu trong sách Đại học, nghĩa là làm cha người, đỗ ở từ). Thế thì đủ biết rằng một người đối đãi con mình thế nào, thì cũng đem cái điều đối đãi với con mình đó mà đối đãi với hết thảy con nít trong thiên hạ. Cũng vì cái nghĩa chữ "từ" rộng rãi như vậy, không thể dịch ra mà nói bằng tiếng ta được, nên tôi để y mà nói bằng chữ Hán.

Cái nghĩa "từ ấu" đã ở trong sách Nho là sách mà người nước ta học theo hơn ngàn năm nay, lẽ thì cái thái độ chúng ta đối với trẻ con và các công việc chúng ta làm cho trẻ con, không nhiều thì ít, cũng hiệp với sách mới phải. Vậy mà, lạ làm sao, xem ra từ cá nhân cho đến xã hội, người mình đối với trẻ con, chẳng có một chút nào gọi được là "từ"!

Cái trình độ văn minh của một dân tộc hay của cả loài người thấy ra ở đâu? Có người cho rằng thấy ra ở trong sự người ta đối với đàn bà, đối với trẻ con, đối với loài vật. Hiện nay đàn bà còn là yếu đuối, luôn với trẻ con, loài vật, đều là thứ dễ bị coi rẻ; hễ xã hội nào không coi rẻ ba thứ ấy, tức là trong xã hội ấy có đầy dẫy sự nhân đạo (humanité) và chánh nghĩa (justice) mà xã hội ấy đáng gọi là văn minh.

Nếu lấy cái đó làm như cái thước để đo văn minh thì tôi phải nhìn nhận rằng các xã hội phương Tây văn minh hơn các xã hội phương Đông ta nhiều lắm. Vì ở xứ họ, đối với loài vật, người ta còn biết thương, còn lập ra những hội để bảo hộ, mà ở xứ ta thì đối với trẻ con, là bạn đồng loại với ta, cũng vẫn còn lắm cái dã man.

Vậy mà lúc nào nói thiệt sự ấy ra cho người ta biết thì người ta lại hô lên rằng mình nịnh Tây, nhè bổn quốc mà nói xấu! Kẻ khác lại đặt ra, nói có hai thứ văn minh: văn minh phương Tây là văn minh vật chất, còn văn minh phương Đông là văn minh tinh thần. Để rồi dưới đây tôi cho họ thấy sự ngược đãi trẻ con rất vô lý rất dã man đã coi là thường ở giữa xã hội ta từ trước đến nay, rồi coi họ còn dám nhìn đó là cái văn minh tinh thần nữa không cho biết!

Kỳ thiệt văn minh chỉ y nguyên một cái, nó khác là khác ở trình độ chớ không phải khác thứ. Chẳng có văn minh nào là văn minh vật chất, cũng chẳng có văn minh nào là văn minh tinh thần. Tinh thần vật chất cũng lại là một. Hễ tinh thần cao thì thấy ra trong sự văn minh về vật chất cũng cao; còn tinh thần thấp thì thấy ra trong sự văn minh về vật chất cũng thấp.

Người ta có chuộng sự tinh khiết, thích ở sạch, thì mới bày ra xà-bong để mà tắm giặt; có siêng năng, biết quý thì giờ, thì mới bày ra các thứ máy. Trái lại, ai ưa ở dơ và làm biếng thì không cần có xà-bong và máy móc làm chi.

Cũng vậy, đối đãi trẻ con tử tế, nuôi dạy chúng nó phải đường, là vì giữa xã hội họ đầy dẫy cái tinh thần từ ấu. Còn ta, cái tinh thần ấy kém sút, hay là đến tuyệt nhiên không có, thì tự nhiên đãi trẻ con bằng một cách thô bỉ, dại dột, chẳng biết nuôi dạy chúng nó đúng phép để tỏ ra cái lòng ái tuất của người lớn.

Nói ngay từ hồi đứa trẻ mới đẻ ra, đã thấy người lớn như là có ác cảm với nó rồi. Đến thế kỷ hai mươi nầy mà trong bọn học thức ở xứ ta còn có hết một phần đông coi sự đàn bà đẻ là ô uế. Theo thứ đồ sách vở hủ bại của họ, họ coi cái máu của người đàn bà trong khi sanh đẻ là đồ bất khiết, đến nỗi làm cho ông thần ông tiên nào đương giáng cơ nói chuyện với họ cũng phải bỏ mà thăng! Bởi họ gớm cái đó mà họ gớm lây đến đứa trẻ mới đẻ.

Hiện nay có nhiều người học thức hễ nghe vợ chuyển bụng là ôm đầu đi trốn. Con của họ chính là tinh khí của họ đúc ra mà hồi còn trong tháng họ không dám ngó đến. Hỏi vì cớ gì, họ nói: "Thấy nó đỏ hoen hoét, bắt nhờm!".

Do cái tâm lý ngu nguội ấy, người đàn ông xứ ta mới ít hay săn sóc đến sự đàn bà sanh đẻ. Phó cho thứ bà mụ dốt nát, lấy mảnh sành cắt nhau, đốt tàu cau như đốt đình liệu trong buồng cữ, toàn là sự có thể giết vợ giết con mình như chơi, mà họ chẳng quản chi. May đôi chục năm nay người Pháp có bày ra dạy cô mụ, lập nhà thương hộ sanh, có đỡ hại đi một ít; nhưng hễ người đàn ông Việt Nam còn gớm sự đẻ đến bao giờ thì cái hại trong khi sanh sản của người đàn bà Việt Nam cũng phải còn đến bấy giờ.

Đứa trẻ đẻ ra rồi, người Tây nuôi nó làm sao, còn người mình nuôi nó làm sao, coi một chút nầy đủ biết ai là thương trẻ con hơn.

Con nít mới đẻ ra, đứa nào cũng ngủ chung với mẹ cho tới khi có em mới hết. Làm vậy kêu là thương con đó, còn sự thở thán khí ra cho con hút thì không quản. Ngủ chung để tiện sự cho bú: hễ khóc hồi nào là nhét vú vô miệng nó hồi nấy. Thấy nhét vú vô nó nín, nói rằng nó khát sữa, được bú rồi nín đi; chớ kỳ thiệt không phải lúc nào nó cũng khát sữa mà khóc hết, có điều nhét vú vào tràm họng nó rồi, bảo nó không nín sao được? Ngộ khi nhét vú nó không nín, khi ấy mới thoa hoặc ru; nhưng đến chừng thoa hoặc ru nó cũng không nín thì lại phát trên đít nó mấy phát, nó càng khóc dữ!

Cho ăn, không có giờ mà cũng không có chừng đỗi. Hễ có đồ ăn là cho ăn. Hầu hết sự bịnh hoạn của trẻ con là do ở đó.

Mình làm cho con sanh bịnh, khi nó có bịnh, không biết xét mà chừa sửa cách nuôi nấng dại dột của mình đi, lại nhè đổ cho nó sanh ra nhằm giờ hung ngày dữ, những là mắc "kim thiết", mắc "quan sát", rồi cúng quảy nhương trừ, hoặc đem bán cho thầy chùa, cho thầy phù thủy. May ra nó lành mạnh thì quy công cho thần cho thánh; rủi ra nó chết thì đổ cho số mạng, hay là nói: "Con nít như trái bí trái bầu!".

Người Tây họ nuôi con họ thế nào, kể ra thì thành cái bài nầy dài quá, chỉ nói đại khái là mỗi một việc họ đều trái với ta: Con với mẹ ngủ riêng, cho bú cho ăn có giờ và có chừng theo với tuổi; đau ốm thì rước thầy uống thuốc.

Đến chừng đứa trẻ hơi trộng, bốn, năm cho đến sáu, bảy tuổi, khi còn ở nhà với cha mẹ mà chưa vào trường học, chính là khi nên uốn nắn nó bằng cách giáo dục tốt trong gia đình, thì người mình lại hết sức mà làm cho nó hóa hư hóa hèn ra. Hồi một vài tuổi nó chưa biết sợ thì thôi; chớ đến ba bốn tuổi, biết sợ rồi, thì ai ai cũng trước hết đem những ông Bị ông Bò-mo mà nhát nó. Chừng năm tuổi trở lên, coi bộ chịu đòn được, đã đánh nó lần đi, tay quất lia quất lịa, mà trong bụng thì nhớ đinh ninh câu "thương con cho roi cho vọt" là cái phương pháp dạy con theo tổ truyền.

Người ta đã quen kêu mẹ là "từ mẫu", cha là "nghiêm phụ" trong xứ nầy. "Từ" là đút nhét miếng ăn; ba chặp lại cho xu cho cắc; có chuyện gì bậy bạ thì giấu cha nó, không cho hay. Còn "nghiêm" là trợn dộc con mắt, con hỏi gì nạt nấy, la những vô phép, hỗn. Bởi vậy, con nít mười đứa hết chín, đối với mẹ thì khinh lờn, muốn xỏ cẳng lỗ mũi; còn đối với cha thì sợ mất vía mà không ưa.

Đối đãi với trẻ nhỏ, người Việt Nam ta đại để chỉ có phỉnh nó là một, dọa nó là hai, đem nó làm trò chơi cho vui mình là ba; chớ chẳng có chút gì tỏ ra là biết nuôi dạy nó phải đường hết, chẳng có chút gì đáng gọi là từ ấu được hết. Ấy là nói theo sự thiệt, chẳng phải nói thêm nói thừa đâu.

Ở nhà chịu cái giáo dục bất lương của gia đình rồi, đến vào trường học cũng vậy. Hồi còn học chữ Hán, ông thầy nào hay đánh học trò thì cha me lại ưa cho con đến học, vì nói ông thầy ấy "nghiêm", có "nghiêm" thì học trò mới sợ mà chăm học. Bởi vậy ông thầy nào cũng thi nhau lấy sự đánh làm cần nhứt trong việc dạy, đến nỗi ba tiếng "gõ đầu trẻ" đã thành ra cái đợi danh từ dùng để chỉ sự dạy trẻ con.

Theo người Việt Nam ta hiểu, dạy trẻ con là thế nào? Chẳng có gì hết, đánh tức là dạy đó, cầm roi hay thước gạch mà "gõ" trên "đầu" chúng nó là được rồi, là trọn cái bổn phận làm thầy chúng nó rồi!

Cho đến ngày nay, từ cách học đến phép dạy trong các nhà trường đều đổi hết. Nhà nước lại cấm thầy giáo đánh học trò nữa, lẽ thì ba tiếng "gõ đầu trẻ" đã đào sâu chôn chặt đi mới phải, vậy mà thấy người ta cũng còn dùng. Người ta còn dùng ba tiếng ấy tức là tỏ ra người ta còn thích đánh trẻ con. Chẳng vậy mà cách đây không lâu, ngoài Bắc có ông thầy đã thù vặt vì sự đi lễ tết sao đó, đá một cậu học sanh 13 tuổi nhào lăn đến nỗi chết?

Nói tóm lại, người mình đối với con đẻ cũng vậy, hay là đối với con nít láng giềng cũng vậy, nói rằng họ không biết thương chúng nó thì quá, nhưng nói cho đúng, thì là họ không biết thương cho phải đường. Thương con nít mà thương không phải đường, thì cũng chẳng khác nào hại chúng nó, cho nên trên kia tôi nói người mình đối với trẻ con, như là có ác cảm gì với chúng nó.

Nhưng nếu nói cho quá, nói người mình không biết thương trẻ con trơn, thì cũng chẳng phải là chẳng có cớ đâu. Biết bao nhiêu nhi đồng đói rách, mất nuôi mất dạy, hằng ngày làm trơi đời[2] trước mắt chúng ta. Giá như ở giữa xã hội người Tây thì họ đã lập ra sở nầy sở nọ để thâu dưỡng chúng nó; thế mà ở giữa xã hội ta thì chẳng có chi hết; cũng đã có người bắt chước xướng lập ra những Ấu trĩ viên, Dục anh đường, nhưng biết bao giờ cho thấy có thiệt hiệu!

Cái khổ trạng và cái khuyết điểm ấy không phải mới thấy ra từ bây giờ. Từ ngày trong sách thánh hiền có hai chữ "từ ấu" đến nay, trẻ con đói rách vẫn đầy đường mà cũng vẫn chưa thấy có cái cơ quan nào thâu dưỡng hết; trong Lễ vận, đức Khổng Tử nói "trẻ con phải có chỗ nuôi" (ấu hữu sở dưỡng), cũng chẳng qua một cái lý tưởng mà thôi, từ đó tới giờ chẳng thấy trên lịch sử có chỗ nào là chỗ nuôi trẻ con.

Từ đầu bài đến đây tôi chỉ có ý chứng minh ra rằng ở xứ nầy người ta đối với trẻ con chẳng những hờ hẫng bơ thờ mà lại có nhiều điều thấy ra là tàn khốc vô đạo nữa. Trái nhau với người Tây, họ đối với trẻ con, khéo nuôi khéo dạy, làm cho chúng nó chóng phát dục cả thân thể và tinh thần. Ấy là tại người mình kém người Tây về cái tình thương yêu con nít. Ấy là tại cái nghĩa từ ấu ở giữa xã hội ta không phát đạt và thiệt hành bằng ở giữa xã hội họ. Tôi lại cũng muốn lấy một sự đó làm chứng rằng về trình độ văn minh ta còn kém họ xa, bởi trước hết kém về tinh thần nên sau mới kém về vật chất. Thế không phải tôi muốn nói xấu người mình làm chi; nhưng bới ra cái chỗ sở đoản, cốt muốn cho người mình tỉnh ngộ mà noi theo gương họ đó thôi.

Chừng mươi năm nay, bạn thanh niên ta, bất kỳ nam nữ, hay phải một cái bịnh truyền nhiễm là bịnh chán đời. Có nhiều kẻ chán đời đến nỗi tự sát để giải thoát lấy mình. Trước mặt cái hiện trạng ấy, nhiều người vẫn lấy làm lo, nhưng rút câu lại cũng chỉ đổ cho là "cái bịnh của thời đợi", không phương cứu chữa.

Ở đâu thì sao chẳng biết, chớ ở xứ mình, muốn cắt nghĩa cái bịnh chán đời của thanh niên tưởng cũng chẳng lấy gì làm khó. Ai nấy thử nghĩ coi, một người con trai con gái bất kỳ, từ lúc đẻ ra đã bị kẻ lớn đối với mình như có ác cảm; rồi trộng lên, mỗi ngày bị phỉnh, bị dọa, bị đánh, cha mẹ cũng như thầy giáo, ở nhà cũng như ở trường, tồi tàn chẳng biết bao phen, cái sanh cơ đã gần như tuyệt diệt hết, thì bảo sao chẳng coi người ta là cừu thù, chẳng cầm sự sống mình như giép rách? Mà cho đến những người không chán đời, không tự tử, thì cái mặt cũng buồn dười dượi, con người cũng yếu như con bún, tuy còn bởi những cớ khác nữa, nhưng sự bị ngược đãi từ hồi nhỏ, há chẳng phải là một cái cớ lớn ư?

Thế thì chúng ta phải đổi cái cách đối đãi nhi đồng đi. Bao giờ ở xứ nầy cái cách đối đãi nhi đồng đã đổi, mà thanh niên cũng còn chán đời tự sát, bấy giờ sẽ đổ cho là cái bịnh của thời đợi.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Trang đầu bài này có in ảnh Gandhi (ở trần, bế một đứa trẻ) với ghi chú: Đây là hình ông Gandhi trong lúc đi qua Anh quốc dự Hội nghị bàn tròn, ở dưới tàu, ông bồng một đứa trẻ con nhà ai không biết và đương dỡn với nó. Xem đây thấy ông Gandhi đối với trẻ con dễ dãi là dường nào; cũng thấy luôn rằng trẻ con ngoại quốc dạn dĩ lắm nữa. Giá như con nít Việt Nam mà thấy bộ tướng ông Gandhi thì nó khóc ré lên chớ đố dám cho bồng! Bởi lúc bình nhựt nó hay bị nhát những “ông Kẹ, ông Bò-mo” đã khiếp vía đi, đến khi thấy người dị hình dị dạng như ông Gandhi, nó phải nhớ lại sự người lớn phỉnh nó mà tưởng rằng đây là “ông Kẹ, ông Bò-mo” đây, thảo nào nó chẳng sợ.
  2. Từ “trơi” này đã gần như biến mất trong tiếng Việt hiện đại, tuy còn sót lại ở “ma trơi”. H.T. Paulus Của (sđd.) ghi nhận “trơi”  鬼台 với nét nghĩa chính là “dối dối, không thiệt” và nêu 3 ví dụ: “ma trơi” (lửa dại, leo lét, thường thấy bốc lên ban đêm ở các chỗ mồ mả hoặc đất sình lầy); “trơi đỉa” (lếu láo, dối giả, quấy quả); “làm trơi đỉa” (làm dối giả quấy quả khó coi).