Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/16

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ MƯỜI SÁU. Hội đèn

CHƯƠNG THỨ MƯỜI SÁU
Hội đèn

Mái chèo rẽ gió, cánh buồm đẫm mưa. Lúc chàng lên thuyền thì mặt trời mới lên, nhà cửa quanh bờ, in xuống nước thành ra nhiều vẻ lạ. Vừa khỏi bến ra, bóng ác đã mờ, gió mưa kéo đến, trời rộng mông-mênh, một mầu ảm-đạm; bốn bề mờ-mịt, trông không còn rõ đâu là mầu núi, đâu là bóng cây. Tiết thu mới đến, mưa nắng không thường, Giang-nam vốn là miền thấp khí nặng-nề, đầu hè thì có « mưa mùa mơ », đầu thu thì có « mưa mùa đậu »; mà lúc nắng hạ vừa tàn, tiết trời mới đổi, thì lại thường có mưa bụi gió may, đòi cơn tầm-tã, để quét hơi nồng, để đưa khí mát, gọi là « mùa gió gây thu ». Chàng đi chuyến ấy, vừa phải ngày dông, mưa gió vô-tình, hãm người nhiều nỗi; trông lại quê nhà, càng nhìn càng mất; khói mây mờ-mịt, sóng nước mênh-mang; đưa mắt bốn bề, như lạc vào trong đám sương mù buổi sớm. Than ôi! ra cửa gặp mưa, dễ sinh lòng cảm, huống chi là mình ở trong thuyền, mà thuyền lại đi trên mặt hồ nước cả trắng băng!.... Lúc ấy mưa rào gió giật, áp đến bên mình, thân thuyền lao-đao, khi nghiêng khi ngửa, thế gió vừa mạnh lại vừa ngược, có lúc đánh xiêu đánh giạt, không biết rằng sang nam hay sang bắc, sang tây hay sang đông. Lái đò tái mặt nhìn nhau, ba thước buồm con, đã nhiều chỗ rách, gió cứ lùa vào chỗ rách ấy hết sức dằn vật, ù-ù thành tiếng, như hổ thét, như rồng gầm!.... Thế mà thần mưa lúc ấy, chừng cũng đương căm hơi tức tiết, như Nễ-chính-Bình, lấy buồm làm mặt trống rồng, đập đánh lung-tung, ôn lại điệu Ngư-dương thuở trước! Tiếng mưa hòa lẫn với tiếng gió, đưa vào tai chẳng khác gì cử một bài nhạc đủ cả bát-âm!... Ra giữa hồ, gió lại càng to, thuyền vừa không đi được lại vừa lúng-liếng dữ. Bỗng nghe « rắc » một tiếng, một tay lái đò kêu lên rằng: « Trời ơi! gẫy cột buồm rồi! » Lại nghe một người nữa kêu: « Hạ buồm mau! hạ buồm mau! Không mau thì đắm! » Buồm hạ rồi, mà thuyền vẫn tròng-trành như trước, mưa với sóng xô-đẩy nhau, hắt vào gần ướt hết cả thuyền. Chàng ngồi tròn trong thuyền, không nhúc-nhích mình, vì ngó cổ ra ngoài mui, thì giọt mưa vô-tình kia, đã chờ sẵn để đưa vào mặt!... Một lúc, lái đò vào trong khoang nói rằng: « Gió mưa dữ-dội, sóng nước mông-mênh; đường trước khó đi, thuyền sau không có. Đến chịu thôi, đi chả được đâu. » Chàng không nghe bảo cứ việc đi liều, sẽ trả gấp đôi số tiền trước. Lái đò thở dài mà nói: « Cậu đã cố ý đi thì chúng tôi cũng chiều ý, lỡ có thế nào thì đành là béo cá cả một lũ thôi. » Nói thế rồi cắm cổ đi liền. Đầu gió đã ngớt, chân mưa còn dài, một tiếng « hồ-khoan » non thu mất sắc, mưa đập ngoài mui, giọt sa lộp-độp, kém gì một khúc đoạn-trường bên tai....

Ốm dở đi xa, giữa đường lại khổ vì sóng gió, nằm khoèo trong khoang, lòng riêng phấp-phỏng, không biết rằng thân mình đã xiêu dạt đến đâu. Cửa bồng đóng kín, giọt mưa từ kẽ cửa bắn vào, các hành trang đều hơi ướt. Gió thổi đã to, nước chảy lại mạnh, hai người lái đò, chèo cả bốn mái, mái chèo đập nước, tiếng nghe sốt ruột váng đầu. Vì thuyền đi chậm lắm, dù có hết sức chèo chống, song cũng chẳng khác gì chín trâu chạy lồng mà một tay kéo ngược. Chàng vừa mệt nhọc, vừa bồn-chồn nóng-nảy. Lắng nghe nước réo quanh thuyền, ngồi không nhân lại giải phiền bằng thơ:

I. — Thân ốm còn mang lấy nợ sầu,
       Tưởng già mà thực đã già đâu!
       Tương-tư chỉ tại đôi hàng chữ,
       Mưa gió sui nên phải giãi-giầu.

II. — Một lá thuyền con mặt sóng thu,
        Nước trôi mây nổi dạ như vò;
        Núi bao nhiêu ngọn sầu bao khố,
        Cửa ngỏ nhờ ai khép hộ cho.

III. — Sóng gió sông ngân khéo bất kỳ,
         Mênh-mang khói nước mất đường đi;
         Giọt mưa tầm-tã trên hồ rộng,
         Như khóc cho đời nỗi biệt-ly.

IV. — Mưa rào đổ xuống mái mui bồng,
         Ngơ ngác non xanh mấy vạn trùng;
         Thuyền chở khách tình thường ngược gió,
         Thừa hơi khấn vái với thần sông.

Từ Tô-đài sang Vô-tích, không đầy trăm dặm, nay vì gió bắt mưa cầm, thuyền đi suốt ngày, vẫn chưa được nửa. Đi quanh đi quẩn, bóng hoàng-hôn đã bảng-lảng bốn bề. Trời dài sắc chết, đò cổ người thưa; đường trước trông vời, một mầu man-mác. Một lát thuyền áp vào một cái bến, trơ-vơ cầu gẫy, nghiêng ngả cây già. Trên bờ là một xóm thủy-cơ, nhà làm liền như bát úp; khói bốc bốn bề, tiếng người xao-xác, đôi ba chiếc thuyền đánh cá, đậu lại bên bờ. Bóng đèn le-lói, soi xuống mặt hồ, xa trông nhấp-nháy như mấy bóng ma chơi. Lái-đò nói: « Chỗ này chính là chỗ nên cho thuyền đậu. » Thuyền đã áp bến rồi, lái-đò róm bếp làm bữa. Bấy giờ mặt nước trăng soi, nóc bồng mưa tạnh, hồ thu trải lụa, cảnh đẹp như tranh. Lái-đò ăn xong ngủ ngay, chưa cởi áo tơi đã lên tiếng ngáy. Chàng nằm không yên giấc, đẩy cửa bước ra, ngồi ở đầu thuyền, ngắm-nghía cảnh đêm trên mặt hồ sâu. Một vầng trăng bạc, soi suốt quanh bờ, mưa mới tạnh xong, sáng lại càng tỏ. Tiếng sáo cách sông, lứu-lo đứt nối giọng nghe réo-rắt, đưa vào tai như gợi mối sầu, mấy đôi đom-đóm lập-lòe ở trong đám cỏ lau, hình như muốn tranh sáng với ngọn đèn mặt nước. Chàng ngồi ngắm cái cảnh ưa nhìn đó, bất-giác động mối thương tâm, rơi đôi hàng lệ, thật có cái cảm của khách trong thuyền trên sông Xích-bích. Lòng này biết ngỏ cùng ai, mỹ-nhân cách một phương trời mông-mênh! Tuy thú chơi không giống, mối cảm khác nhau, song nhân cảnh sinh tình, thì xưa nay cũng thế. Nhìn nước trông mây hồn thơ lai-láng, nhân đọc một bài Đường-luật cho vợi bớt dạ sầu.

Đêm tối con thuyền đậu bến ai,
Quê hương xa cach một phương trời;
Sang thu đóm sáng soi theo cỏ,
Vỡ tổ chim bay động sợ người;
Ngoài mạn sương sa ngồi thấy lạnh,
Ngọn cây trăng mọc ngắm mà chơi;
Mông-mênh đường thế nhìn như mộng,
Ước hẹn nguyền xưa đã lỡ mười!

Dước vầng trăng sáng, khí lạnh dợn người. Hiu-hiu gió lướt ngọn lau, buốt như cắt thịt. Đêm đã khuya người đã vắng, chàng mới yếu dậy, nhịn rét ngồi sương, đến bấy giờ không thể chịu được nữa, liền vào thuyền nằm ngủ. Tiếng mõ tuần trên bến, bấy giờ vừa điểm canh ba. Đặt lưng nằm, thấy chân lạnh như đồng, chập-choạng không sao ngủ được. Nào nỗi nhớ nhà, nào lòng thương bạn, lúc ấy đều dồn cả lại trong óc, mắt trơ như gỗ, mình mệt hơn dần.

« Muốn thân cầu chẳng được thân, thâu canh luống những bần-thần không yên », cái giấc ngủ đêm ấy của chàng, âu cũng gần-gần như thế! Mãi đến lúc tiếng gà lao-xao, bóng sáng tờ-mờ, lọt vào kẽ cửa, bấy giờ ma ngủ mới đến, nằm thiếp người đi. Bọn lái-đò lúc ấy vừa dậy, cởi dây buộc thuyền; chiều gió đã xuôi, giương buồm cho chạy. Gió giật dây lèo, tiếng nghe kẽo-kẹt, thuyền đi cứ đi, người ngủ cứ ngủ. Mãi non trưa thuyền đã đến bến. lái-đò mới gọi chàng tỉnh dậy mà bảo: « Đến nơi rồi! Mời cậu dậy thôi! » Chàng đẩy gối ngồi dậy, rửa mặt xong, vén áo lên bờ. Lái-đò quẩy gói đi theo, đến thẳng nhà họ Thôi. Chủ khách gặp nhau, vui mừng khôn siết. Người nhà lại quét dọn lại nhà cũ, kê sập cho chàng nằm. Lái-đò được tiền, xuống thuyền đi thẳng. Thôi-ông hỏi qua tình-trạng chàng sau khi ly-biệt. Một lúc, dọn cơm ra thết khách. Ăn xong, chàng liền đi một mình ra nhà trường.

Độ trước người sang, đêm nay trăng sáng. Chàng đi dọc đường, thấy những phố xá vắng-vẻ ngày trước, bấy giờ bỗng náo-nhiệt khác hẳn với ngày thường. Rạp hoa la-liệt, treo đủ thức đèn, trai đỏ gái xanh, kẻ đi người lại; cung đàn tiếng hát, vang động từng mây. Quái lạ thay! Họ làm gì thế này? Hỏi các cụ-già mới biết rằng hằng năm cứ sang đầu thu, trông chừng được mùa, thì người làng tất góp tiền vào đám, sắm lễ tế thần; mùa màng trông cả một năm, tế bái suốt trong ba buổi. Ơn trả nghĩa đền, đã thành lệ sẵn, mà hôm ấy mới là hôm đầu. Chàng nghe nói, tuy cười cái thói mê-tín của người nhà quê, song uống nước nhớ nguồn, tục-lệ vẫn còn trung-hậu; trông trăng bày cỗ, phong-quang như vẽ cảnh thái-bình; dịp đâu may-mắn, lại vừa vào lúc khai trường; xem đám chơi đèn, cặp mắt âu cũng không phải là không có phúc. Chẳng bao lâu đã đến gần trường; trước cửa thấy lá quốc-kỳ treo cao, phất-phới ngoài rèm, cũng thấy treo năm ba chiếc đèn lồng đèn xếp. Người làng cúng thần, dự gì đến trường học, thế mà cũng đua sơn đua thủy kể ra cũng đáng nực cười. Thế nhưng làng ấy mê-tín còn chưa phá hết, phong-khí còn chưa mở-mang; việc giáo-dục muốn cho lan rộng thật là khó-khăn, không làm thế không chiều được ý người làng, công cuộc nhà trường không khỏi chịu nhiều ảnh-hưởng. Chàng dậy trong nửa năm đã rõ cả những tình-tệ ấy, nên điềm-nhiên cũng không lấy làm lạ. Trước hết vào trường thăm thầy giáo Lý, may sao Tần-ông cũng ở đấy, không phải sang chào. Nói chuyện hồi lâu, biết rằng nhà trường đã làm lễ khai-trường rồi, nay nhân hội đèn, cho học-trò nghỉ chơi ba buổi. Tần-ông mời chàng đến ăn cơm chiều, có thư của Thạch-Si sẽ đưa nhân thể. Còn Lý-Mỗ thì hẹn chàng ăn xong đi xem hội. Chàng nhận lời cả đôi bên.

Vừa đi đường mệt, may gặp ngày vui. Chàng cùng Lý-Mỗ dắt tay nhau đi xem hội đèn. Gió vàng không độc, vừng ngọc mới lên; nhạc nổi vang-lừng, người đi chen-chúc. Trong chớp mắt, các đèn thắp cả lên một lượt, xa trông như hàng vạn ngôi sao. Đường lối sáng như ban ngày, người làng tuy hủ-lậu, song cũng biết thi khôn thi khéo, khoe đẹp khoe dòn, các kiểu đèn không mấy cái giống nhau, cũng đủ khiến người xem choáng mắt. Đêm không phải là đêm trung-nguyên, đất không phải là đất đô-hội, mà tiếng người sôn-sao, bóng đèn la-liệt, cũng hiện ra cái cảnh-tượng sáng soi muôn trượng, vui-vẻ mười phần. Phí bao nhiêu tiền bạc, phó cho một mớ lửa hồng, mà người làng xem ra cũng không có ý tiếc rẻ gì, không mê-tín thì sao có xa-hoa như thế?.., Hai người đi quanh một vòng, bao nhiêu chỗ vui mắt, tìm xem gần hết. Chợt thấy một chỗ, trên lộ-đài, người đứng xem toàn là các bọn quần-thoa. Tiếng oanh trong-trẻo, bóng hồng thướt-tha, chắc toàn là nhưng con nhà khá cả. Chàng đưa mắt nhìn qua, trong chỗ hương trầm thoang-thoảng, bóng tóc rườm-rà, thấy có một người trông giống Lê-nương, thấp-thoáng ở dưới bóng đèn lấp-lánh. Vì có Lý-Mỗ đứng bên, nên không tiện nhìn kỹ. Bông hoa bạc-mệnh, thoáng mắt qua đã vắng bặt tăm-hơi. Thần-hồn chàng khi ấy đã đi theo với người trên lộ-đài, không còn lòng nào chen-chúc ở trong đám khách chơi để thưởng đèn xem hội nữa. Lý-Mỗ lúc đó xem đương mải, chàng bèn nói thác là người mệt, rồi chia lối ra về.

Người chàng trông thấy đó, có quả là Lê-nương không? Thưa rằng: chính phải! Nguyên khi nàng được tin chàng yếu, luồng điện trong tim, giật luôn không lúc nào yên! Nay nghe tin chàng đến, biết rằng bệnh đã khỏi, nóng muốn gặp mặt, cho được yên lòng. Biết chắc rằng chàng ra trường tất có người mời đi xem, cho nên mượn tiếng xem đèn, tô son điểm phấn, dắt Bằng-lang ra đi. Nào có thiết gì đèn, chẳng qua chỉ cốt ngóng ý-trung-nhân sao cho đắt được một cái liếc nghiêng thành là đủ thỏa! Lúc chàng thoáng nhìn, chính là lúc nàng đang mong-mỏi. Bóng đèn lẫn bóng người, tia sáng lồng tia mắt, tấm-tình của hai người lúc ấy kể còn nồng-nàn gấp mấy câu thơ cổ: « Xem đèn xem cả khách xem đèn! » Khi chàng về trọ rồi nàng cũng cụt hứng ra về. Được nhìn người ngọc, đủ thỏa tấc vàng, cảnh đẹp đêm lành, thôi để nhường lại cho những khách ham chơi suốt sáng. Canh khuya người mệt, chàng còn chưa ngủ ngay. Khêu đèn cầm bút, tay thảo mấy bài để chép lại tình-hình khi xem hội:

I — Nào phải mua vui phải giải phiền,
      Cũng vì nể bạn phải đua chen;
      Lửa sầu đã đốt buồng gan héo,
      Còn có lòng đâu thưởng hội đèn.

II — Vắng cảnh phồn-hoa lâu cũng quên,
       Bỗng rưng lại đến hội thi đèn;
       Phải đâu muốn gặp người trong ý,
       Cô-độc thân này chịu đã quen.

III — Muôn ngọn đèn hoa thắp sáng choang,
        Vui chơi bao kẻ lúc đêm sương;
        Vang tai đàn sáo vui là thế,
        Mà khúc nào không khúc đoạn-trường!

IV — Đinh-ninh còn nhớ lúc lên đường,
         Dặn đến đầu thu liệu sớm sang;
         Gặp mặt vì đâu nhìn chẳng được,
         Buồn tình càng nghĩ, nghĩ càng thương.

« Xuân về hờ-hững không nhìn, xuân đi để lại muôn nghìn nỗi thương ». Đêm thu lạnh-ngắt, phải giá đâu một khắc nghìn vàng; cảnh lạ buồn tanh, xót mình những năm ngày ba tật. Chỉ chớp mắt mà cái hạn nghỉ ba ngày đã hết. Phồn-hoa độ ấy còn đâu nữa, tịch-mịch thân này lại thấy đây. Từ đấy trở đi, một mình chàng, ngày dài đêm vắng, trả không sạch nợ tương-tư; dậy sớm thức khuya, làm những mệt thân hình-dịch. Lúc ốm nằm ở nhà, tơ sầu rối tung, lửa lòng nung-nấu, mắt ngắm mây bay, mịt-mờ dặm liễu; hồn theo trăng sáng, lẩn-quất buồng-đào; tất-tả ra đi, mệt-mê quên nhọc; coi quê nhà như quán trọ, lấy đất khách làm non tiên, hình như đến được đào-nguyên; là có thế phỉ được lời nguyền vàng đá. Đến lúc nhẹ bước đến nơi, giật mình ngoảnh lại, thì rêu xanh lá đỏ, cảnh thê-lương còn gấp mấy ngày xưa; gió mát trăng thanh, lòng buồn-bực lại thêm dăm phần nữa. Sương che tuyết rủ một tường, gang tấc mà ra muôn dặm; thỏ bạc ác vàng mấy lúc, lần-lữa đã qua nửa thu. Chàng uống liều thứ thuốc công phạt, ma bệnh tuy tạm lánh, song gốc bệnh vẫn còn sâu, lại thêm nỗi đêm trăng ngồi nhẫn đầu thuyền, sương gió thừa cơ chêu ghẹo. Khi đến trường hôm sớm đi về, chưa hề nghĩ đến việc điều-dưỡng, chẳng bao lâu mà không đủ chống với mệt nhọc, lại làm duyên với thuốc thang. May sao sốt cũng không nặng, cứ hai ngày mới lên một cơn. Không muốn bỏ dạy để làm hại học-trò, hôm nào cũng gượng ốm ra trường, rất là khổ-sở mà bệnh lại càng nặng. Lê-nương thời thường vẫn sai Bằng-lang sang hỏi thăm, muốn mời thầy thuốc hộ. Chàng từ-chối, chỉ dặn tìm mua hộ mấy gói thuốc hiệu « Gà vàng ». Khốn một nỗi thứ thuốc ấy là đem tự Tây sang, người nhà quê không ai biết cả. Thuốc tìm không được thì thôi, chàng cũng đành liều vậy. Thế nhưng nàng vẫn nghe người ta nói chuyện: sốt lâu không khỏi, sẽ thành ra bệnh lao, vì thế nên lại càng ái-ngại cho chàng. Một hôm sai Bằng-lang sang hỏi chàng rằng: « Thầy yếu như thế mà không uống thuốc thì ngồi mà đợi chết hay sao? Ở đây không có thầy giỏi, không chữa nổi bệnh thầy. Vả chăng hầu-hạ thiếu người, lại thêm khổ cho thầy lần lữa. Mợ con định ngày mai thuê thuyền đưa thầy về, thầy nghĩ thế nào? » Chàng lắc đầu nguây-nguẩy mà rằng: « Thầy không về! Thầy không về! Đành ốm thì chết ở đây thôi ». Bằng-lang nghe nói thương quá cất tiếng khóc lu-loa. Chàng thấy thế tự hối mình đã nói quá để làm đau lòng đứa trẻ-thơ, liền yên-ủi mà rằng: « Bằng-lang! Bằng-lang! đừng khóc nữa con. Thầy dẫu ốm, song đã làm gì đến nỗi chết ngay mà sợ. Về bảo mợ con, đừng nên quá nghĩ, bệnh thầy đã sắp khỏi, không cần phải về quê. Đi đi lại lại mãi, chẳng qua chỉ thêm vất-vả và vô-ích ». Nói xong ngồi dậy viết một mảnh giấy đưa cho Bằng-lang. Chữ trong giấy, tức là bốn bài thơ chàng ngâm trong khi « phải lại ».

I. — Thuốc nào đo được mảnh tình sâu,
       Thu khéo gây cho chứng bệnh sầu;
       Hồi trước ruột đem vò đứt hết,
       Nay dù muốn đứt ruột còn đâu!

II. — Ốm đấy mà đi phải đúng giờ,
        Hàng châu trước ngực rỏ như mưa;
        Khổ này dễ nín sao cho được,
        Miệng muốn kêu ra mắt lại mờ.

III. — Bâng-khuâng gối chiếc ngủ không say,
         Đừng trách bên tai dế quấy dầy;
         Ví phỏng dế kia im tiếng nữa,
         Mắt nào mà nhắm được đêm nay!

IV. — Vì ai quấn-quít lấy tơ buồn,
         Thân những hao gầy dạ héo-hon!
         Lác-đác gió tây đêm rụng lá,
         Cầm sao cho đậu mảnh tàn hồn!