Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/17

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ MƯỜI BẢY. Vận đen

CHƯƠNG THỨ MƯỜI BẢY
Vận đen

Mộng xuân lận-đận không thành, mưu gian chốc đã vương mình vào trong. Trời xanh ghen với má hồng, làm cho điêu-đứng trong vòng cho coi! Nào khi ly-biệt, nào lúc ốm đau, đã đủ khốn-khổ nhau rồi! Thế mà bao nhiêu những thủ đoạn đó, hình như còn chưa được cam lòng, lại sinh thêm một kẻ chơi ác, tìm đường bịa-đặt dèm-pha, để cho nàng cùng chnàg lúc nào cũng nằm ngồi trong đám chông gai, không để cho có ngày nào là được đứng vững-vàng, là được ngồi yên-ổn! Đã sinh ra số long-đong, thì những tấn-kịch đau-đớn kia cứ lần-lượt mà diễn ra cho đến vô cùng vô tận. Mang tội với trời, kêu vào đâu được. Coi đó đủ rõ cái thân-thế của hai người ấy, thôi còn có mong gì mai sau. Mộng-Hà ốm ở nhà trọ, song cứ cách một ngày lại đi dạy một ngày. Lê-nương can không nghe, bèn sai người đi xin nghỉ hộ. Thầy giáo Lý có lúc nào dỗi, thường vẫn đến thăm, ra dáng săn-sóc lắm. Chàng tuy ngày thường vẫn cùng Lý như lửa với nước, song bề ngoài vẫn ra dáng tử-tế, chào hỏi chuyện-trò, vẫn theo phép-tắc, dù không thân cũng không hề ác-cảm với nhau. Nay công việc nhà trường bề-bộn, một mình Lý phải khó nhọc. Thế mà được chút thì giờ dỗi, còn bỏ ra để đến thăm chàng. Chàng lúc ấy cũng phải đổi tấm lòng ghét bỏ ra tấm lòng cảm-khích. Tự nghĩ: « Người này âu cũng giống đa-tình! Mình trước cứ coi là hạng người khinh-bạc, thực lầm không phải bé. » Tuy-nhiên, phàm kẻ bất-lương trong thiên-hạ, trong bụng dẫu gian-ngoan thâm-hiểm, song bề ngoài tất phải đeo cái mặt-nạ tử-tế khiêm-nhường, ngoài giả bộ thực-thà, trong bày trò trí-trá, để người đời mắc mưu mà không biết. Bởi vậy bấy giờ chàng cứ để cho Lý năng đi lại, thực chẳng khác gì rước voi dầy mả, mời trộm vào nhà. Ngày một ngày hai, không mấy lúc mà cái vạ tầy đình đã đến.

Một hôm trời đã xẩm tối, Lý mới đến chơi. Khi ấy Mộng-Hà đương nằm, Lý kéo ghế ngồi vào bên giường, lai-nhai nói những chuyện vô-vị. Chàng nghe đã rác cả tai, nhắm mắt không đáp mà Lý vẫn không ra ý muốn về. Bỗng rưng Bằng-lang chạy vào, tay cầm vật gì trông như một bức thư, gọi to lên rằng: « Thầy ơi, mẹ con bảo.... » Chàng giật nẩy mình, vội đằng hắng tỏ ý ngăn lại. Bằng-lang vội quay lại trông thấy Lý mới không nói nữa. Chàng nghiêm nét mặt bảo Bằng-lang rằng: « Mày đã lớn mà sao còn nũng-nịu như thế! Đây là thầy giáo Lý, bạn thân của ta. Trước mặt bậc tôn-trưởng mà hò-hét nhảy-nhót như thế, sao người ta khỏi cười mày là đứa trẻ mất dạy », Bằng-lang phải mắng nín lặng, mắt trừng-trừng nhìn Lý không chớp. Chàng quay lại bảo Lý rằng: « Thằng bé này tên là Bằng-lang, cháu ông nhà tôi ở đây. Anh tôi mất sớm, được có mình nó. Ông cụ giao cho tôi dạy nó. Dạy quá nửa năm mà còn nhâng-nháo như thế, coi đó đủ biết tôi dạy-dỗ chẳng ra gì! » Lý mỉm cười mà rằng: « Ông dạy quá làm chi vậy! Tôi trông cậu em mặt thông-minh mà tính lanh-lẹn, trẻ con mà như thế, là khá đấy! » Lúc Lý nói thì Bằng-lang đã đem phong thư cầm ở tay, nhân lúc bất ngờ, ném vào bên gối, dùng-dằng nửa muốn đứng lại nửa muốn lui ra. Lý cố làm ra bộ không trông thấy, vuôn vai đứng dậy mà rằng: « Thôi, trời tối rồi, tôi xin về, chào ông nằm nghỉ, mai tôi lại xin đến ». Lại gọi Bằng-lang mà bảo: « Cậu em đi ra cửa chơi với tôi, để cho thầy nằm nghỉ. » Vừa nói vừa dắt tay đứa bé bước ra.

Lý dắt Bằng-lang ra đến cửa thì bóng tà thưa nhạt, còn gác ngọn cây; chim hôm bay liệng lượn-lờ, đương lác-đác tìm về rừng cũ; mười dặm đê dài, trông về còn chưa tối mấy. Đáng thương thay Bằng-lang! Nó có biết đâu cái người cùng đi với nó bấy giờ là hạng đại-gian đại-ác, sắp sửa đem đến cho mẹ nó một sự thảm-thương ghê-gớm; lại dắt-díu cùng đi để đùa nghịch cho có bạn, nguy-hiểm biết là bao nhiêu! Hai người vừa đi vừa nói chuyện. Trước hết Lý hãy đem những việc bâng quơ mà hỏi rằng: « Em học sách gì? thầy giáo có tử-tế với em không?... » Hỏi câu nào Bằng-lang đáp câu ấy. Một lúc, Lý bỗng đứng dừng lại, bất-thình-lình hỏi rằng: « Ta có một việc muốn hỏi em, em đừng nói dối nhé! » Bằng-lang hỏi: « Việc chi vậy? » Lý nói: « Cái phong thư em cầm lúc nẫy, của mợ em bảo đưa cho thầy giáo phải không? » Bằng-lang chợt nghe câu ấy đờ mắt ngọng mồm, nét mặt tái ngắt, hình như bộ thần-kinh non-nớt bị kích-thích mạnh quá, hồi lâu mới đáp: « Không phải. Bức thư ấy là ở bên nhà thầy giáo gửi sang, mợ tôi bảo tôi đưa cho thầy giáo thôi ». Lý cười lạt ra dáng không tin, lại hỏi: « Nhà em có mấy người? mợ em tên là gì? bao nhiêu tuổi? » Bằng-lang không bằng lòng mà nói: « Ông hỏi tỷ-mỷ đến việc nhà tôi làm gì vậy? Tôi không muốn nghe nữa. Trời tối rồi, tôi về kẻo mợ tôi mong ». Nói xong, quay mặt chạy thẳng về nhà. Lý chạy theo gọi lại, nhưng đứa trẻ về đã xa. Chàng liền theo ven đê ra về, lẩm-nhẩm nói một mình: « Thằng bé quái thật! Lại dám nói dối mình! Nếu mẹ nó quả không lôi thôi gì với Mộng-Hà thì trong khi nó đem thư vào, rống mồm gọi thầy gọi mẹ, bức thư đó có thể cho mọi người biết được, việc gì mà Mộng-Hà phải đằng-hắng để ngăn lại. Bằng-lang bất-thình-lình bị ta hỏi vặn, nín im không đáp được, một lúc mới nói là thư nhà; sự này chẳng phải hỏi cũng biết là tất có điều chi ám-muội. Bức thư ấy ta có thể đoán chắc là của mẹ nó viết. Ta đã tình cờ bắt được thì thế nào cũng dò cho ra mối, cho đứa gian-phu, con dâm-phụ biết thủ-đoạn ta. Thế nhưng muốn xét cho ra thì tất phải bắt đầu làm thân với Bằng-lang. Nay chẳng được thì mai, mai chẳng được thì ngày kia, vừa đe-dọa, vừa dỗ-dành, thằng bé dù ranh-mãnh đến đâu tất có lúc cũng mắc mưu ta, không sợ... »

Từ đó trở đi, nhà họ Thôi hôm nào cũng thấy Lý ra vào, tưởng mòn cả bờ cửa. Mượn tiếng thăm bệnh, đến dò chuyện riêng. Bao giờ đến cũng đem theo quà bánh và đồ chơi để dử Bằng-lang, mong được lòng yêu của đứa trẻ. Bằng-lang dẫu khôn-ngoan, song cái nghề trẻ người vẫn hay non dạ, nó có biết đâu Lý chịu tốn tiền mua quà bánh, mua đồ chơi cho nó, là có bụng dạ thả vỏ quít ăn mắm ngấu, cứ tưởng Lý thật bụng tử-tế với mình, nên thích chơi với Lý lắm, lân-la sinh bụng mến yêu. Lý thời thường đem lời nói ngọt để dỗ-dành, Bằng-lang buột mồm, bao nhiêu tin-tức đem nói với Lý tất cả. Sự đó là do cái mưu độc-ác của Lý, ta không nên trách Bằng-lang. Thế nhưng việc kín của hai người thì thực vỡ lở ra vì mồm đứa bé. Man-mác bể tình, mông-mênh sông ái, bỗng không gây nên cơn sóng gió ngất trời. Lý đã dò được chuyện, đủ hả-dạ rồi, từ đó không đi lại nữa.

Mộng-Hà tĩnh-dưỡng ít lâu, tinh-thần đã dần dần hồi phục. Con ma sốt rét đa-tình kia, sớm hôm quấn-quít cùng chàng, bấy giờ mới biết rằng không thể ở lâu với chàng được, từ đó dần dần xa chàng, sắp sửa bỏ chàng mà đi. Chàng bỏ dạy đã lâu, bấy giờ khỏi ốm, bụng đinh-ninh vẫn muốn ra trường để dạy bù lại. Một hôm dậy sớm, đương xốc áo bước xuống đất thì bỗng thấy thằng nhỏ chạy vào thưa thầy rằng: « Ngoài cửa có một tên lái-đò, tự nói rằng: bên nhà sai hắn sang chở thầy về, vậy xin thầy ra thuyền ngay cho. Cụ bảo thể nào hôm nay cũng mời cho được thầy về đến nhà. » Chàng giật mình, đoán chắc ở nhà có việc gì bất-ý sẩy ra, vội cho gọi lái-đò vào. Lái-đò nói cũng như lời thằng nhỏ nói. Chàng liền hỏi: « Lúc anh sang, cụ vẫn mạnh khỏe chứ? » Lái-đò đáp: « Thưa vẫn mạnh. » Hỏi: « Người nhà cũng bình-yên cả chứ? » Đáp: « Bình yên cả! » Hỏi: « Thế thì vì cớ gì lại cho tìm tôi về ngay làm vậy? » Đáp: « Thưa không biết. Hôm qua cụ cho người đến thuê thuyền tôi, bảo tôi chèo ngay đêm sang bên này. Chỉ thấy dặn rằng nếu sáng hôm nay chở được thầy về đến nhà thì trả gấp đôi tiền đò, ngoài ra không thấy nói gì cả. » Chàng rất lấy làm nghi-hoặc, không biết duyên cớ ra làm sao. Đang lúc ngẫm-nghĩ ngược xuôi, thì lái-đò cứ dục-dã mãi. Chàng bấm bụng không đi cũng không được, liền đem những giấy ráp ở trên bàn, thu xếp qua-loa lại viết hai phong thư, một phong để từ biệt với Thôi-ông, còn một phong để xin phép nghỉ với nhà trường. Bấy giờ còn sớm, người nhà họ Thôi còn chưa dậy. Thằng nhỏ đưa chàng ra cửa, tất-tả xuống thuyền đi, thuận buồm xuôi gió, thuyền chạy như tên; gà vừa gáy trưa, đã vừa đến cửa. Chàng vội chạy vào hầu bà mẹ. Bà mẹ trông thấy lấy làm lạ mà nói: « Con ươn đã khỏi rồi ư? Sao hôm qua lại viết thư nói mệt nặng muốn về nhà? » Chàng ngẩn người ra mà rằng: « Quái lạ! Con có viết thư đâu! Tất nhiên là có kẻ mạo tên con mà viết. Không biết đứa nào lại nghịch tinh như vậy, để mẹ già phải sốt ruột nóng lòng. » Lấy thư mở ra thì nét chữ thấy non-nớt, cố bắt chước chữ chàng, song vẫn không giấu hết bản sác, xét kỹ ra thì là thư của Lý-Mỗ viết mạo ra. Chàng nghĩ thầm: « Ta mắc mưu quân gian rồi! Thế nhưng nó viết thư này, để làm trò gì vậy? Thôi ta biết rồi! Trong khi ta mệt, ngày nào nó cũng đến thăm; sau bỗng thấy mất mặt. Lòng ta khi ấy đã ngờ lắm, nay lại có bức thư giả-mạo này, bụng dạ thằng cha bất-trắc lắm đây. Có lẽ nó đã dò ra việc kín của ta, nên bày mưu lừa ta về để làm hại Lê-nương chăng? Nếu vậy thì tất nhiên nó lại lập mẹo để đánh lừa Lê-nương nữa. Thương hại thay Lê-nương đã sắp sửa phải tay quân gian vùi dập! » Chàng nghĩ thế thì suýt nữa đến buột mồm cất tiếng kêu trời. Thế nhưng điều đoán phỏng ở trong lòng vẫn không thể đem thưa rõ để mẹ hay, thì kiếm cách nói bịa ra rằng: « Bức thư này là của ông bạn đồng sự họ Lý viết mạo ra, con trông chữ đã đủ rõ. Ông ta với con chơi thân lắm. Hôm trước thấy con yếu chưa khỏi hẳn, có khuyên con về nhà để ông ta dạy đỡ, con không ưng lời, nên viết bức thư này để mẹ sai đón con thì con không về không được đó thôi ». Bà mẹ nói: « Thế thì cũng là do tấm lòng tốt của bạn hiền, không thể bảo ông ta là kẻ bày trò chơi ác được. Con đã về đây thì hãy nghỉ ngơi mấy bữa. Mẹ trông mặt con vẫn còn ra dáng chưa khỏi hẳn đấy mà! » Mộng-Hà xin vâng.

Từ đó chàng lại ăn cơm nhà. Ngồi không nghĩ quẩn, áy-náy không yên. Thời thường đem bức thư giở ra xem đi xem lại để tìm xem chủ ý kẻ viết là thế nào. Tự nghĩ! « Lý thật là một đứa chúa xỏ-xiên, ở với nhau nửa năm trời, tuy không ý hợp tâm đầu, song cũng không ngờ bụng dạ lại hiểm sâu như thế. Ví phỏng nó biết đến việc kín của ta thì nó dò được ta, chứ ta không dò được nó, nó hại được ta, chứ ta không hại nổi nó, nuôi ong tay áo, ta quyết không dong cho cái quái này để nó quấy-rầy mà phá hỏng cái duyên kỳ-ngộ của ta. Lúc Thạch-Si đi, có đem việc trông coi cả trường phó-thác cho một mình ta, ta đối với cái trường này, bao nhiêu trách-nhiệm, phải chịu hết cả. Cái quyền dùng hay đuổi thầy giáo là ở tay ta. Cái nhân-cách của Lý, cứ một bức thư này đủ rõ là vào hạng thế nào. Trong nhà trường mà có hạng thầy giáo bất-đạo-đức như thế cũng là cái không hay cho con trẻ trong làng. Đuổi cổ đi, Đuổi cổ đi! Ta quyết đuổi cổ nó đi! Nửa vì công lại nửa vì tư, thật là nhất cử lưỡng tiện. Nó ở trong tay ta lại muốn bày mưu hại ta để rứt tình với ta, có lẽ nó sợ ta không tống nó cút sớm hẳn! Thế nhưng nó đã lừa ta về nhà thì trong mấy hôm nay khó lòng cho khỏi lôi-thôi sinh chuyện được. Lấy một đứa gian-giảo trăm khoanh như nó mà lừa dối một người con gái yếu-ớt nhút-nhát, thì có khó gì. Nguy thay cho Lê-nương! Nếu nó không có bụng hại nàng thì sao lại có bày ra cái trò quỉ-quái này. Ta đã bị nó lừa, thì nàng tất không khỏi cũng mắc mưu gian của nó. » Nghĩ đến thế thì lòng chàng không thể yên được lấy nửa phút. Nào tức, nào sợ, nào chau mày, nào nghiến răng, tự nghĩ: « Nếu Lý mà quả làm đến nước nhẫn tâm hại ta như thế, thì ta quyết cùng Lý không đội trời chung. Trong khi mối nghĩ lan-man, những bực mình không mọc thêm hai cánh, bay thẳng đến trước buồng thêu, để hỏi thăm người ngọc có bình yên chăng tá!... Thế nhưng chợt nghĩ lại thì lại mong rằng sự thực hoặc giả không đến nỗi như điều mình đoán, việc kín của ta có lẽ Lý còn chưa biết, hay biết rồi mà không hề có bụng phá nhau. Hai chăng nữa Lê-nương vốn có con mắt tinh đời, hoặc-giả cũng trông được suốt mưu-gian mà không đến nỗi bận mình vì nó. Tuy nhiên, cái tia hy-vọng muôn phần không chắc một đó, kể ra thực trái hẳn với sự-lý, nghĩ như thế có mong gì tất trúng, chẳng qua chỉ đủ để tự lòng lại yên-ủi lấy lòng đó thôi. Tấc lòng bứt-rứt, trong giây lát mà mưa sa gió táp, biến huyễn trăm bề. Càng nghĩ càng phiền, buồn rầu tưởng chết. Một mình trong phòng vắng mà như nằm trên đanh ghim; ngồi trong gai góc; ma quỉ hiện ở trước mặt, hùm beo săn ở sau lưng. Đứng lên, ngồi xuống, cất chân, nhắc tay, động một tý đều tưởng như có sự nguy-hiểm phi thường sẩy đến. Mất ngủ quên ăn, suốt đêm trằn-trọc, cứ như thế mãi, thì mấy lúc mà thành ra chứng điên-cuồng....

Sớm hôm sau, chàng đương ngồi ăn cơm sáng thì thấy phu trạm đưa đến một phong thư. Cầm lấy xem, mặt sám ngăn-ngắt, tay run lật-bật. Bức thư quái-lạ đó, từ đâu mà đến, chính là của Lê-nương viết sang. Tuy chưa mở đã đoán chắc là không phải tin lành, vội-vàng xé ra đọc. Thư rằng:

« Anh về chuyến này thật bất ngờ quá! Lúc đi tuyệt-nhiên không nói một câu gì cho biết. Dù có mệnh trên nữa, nhưng sao mà vội-vàng thế? Anh không phải là rồng thần biến hóa mà đi về vì-vụt như vậy, có lẽ sợ tôi cầm tay kéo lại hay sao? Thế mà về thì về chứ đã phải tuyệt-tích không đến nhà tôi nữa đâu, thăm nhà ít bữa rồi lại sang ngay, hà-tất phải giấy má lôi thôi, chẳng bõ buồn tai cho kẻ đọc. Vả chăng có muốn viết thư thì viết thẳng cho tôi mới phải, sao lại nhờ ông giáo Lý đưa hộ? Việc ấy là việc gì mà có thể mượn tay người khác được sao? Anh làm thế thực chẳng khác gì đem chuyện kín mà nói vung ra với mọi người. Thầy giáo Lý là người thế nào, biết đâu họ chẳng bóc thư của anh ra mà xem, tôi thực không hiểu bụng dạ anh ra làm sao cả. Anh dù không thiết danh-dự anh, song lại không nghĩ đến danh-tiết của tôi sao? Tôi vốn biết anh là người tài-hoa, song ý-tứ, phàm việc gì làm cũng thận-trọng, thế mà nay cẩu-thả khinh-xuất đến thế, có lẽ là mới mắc bệnh thần-kinh đó sao? Tấm thân góa-bụa, sự đời đã tắt lửa lòng; cùng anh làm bạn văn-chương, không hề có điều chi là trái phận. Anh cũng giữ mình cho cẩn-thận, chứng minh đã có quỷ-thần. Tuy-nhiên, hỏi lòng dù chẳng thẹn lòng, miệng đời thêu-dệt dễ hòng không lo? Nay anh không tiếc bức thư kín giao cho người ta, để người ta lấy bức thư kín đó bày trò trêu tôi, danh-tiết một đời, vì một bức thư của anh mà đi đời hết cả, chẳng rõ anh tự nghĩ thế nào, và nghĩ cho tôi như thế nào? Việc đã quyết-liệt rồi, tôi còn mặt mũi nào mà sống ở đời được nữa. Tuy vậy, cứ ý riêng mà xét, thì đem việc gửi thư này, so với sự giao-tế của anh với tôi từ trước đến nay thì như việc làm của hẳn hai người. Vậy trong đó có lẽ còn có những tình-tệ khác chăng? hoặc là phu trạm đưa lầm, hoặc là quân gian tinh-nghịch, một mình tôi không dám tự quyết. Nay không nói chuyện gì khác hết, mong anh sang ngay để chứng minh việc đó ra sao đã, bấy giờ sẽ hay. Tấc lòng đã rối, viết chẳng nên lời, xin gượng sống để chờ khi giáp mặt ».

Chàng đọc xong, lấy làm lạ quá! Về nhà hai ba hôm, chưa từng cầm đến bút, làm gì có thư gửi trạm? Việc này chắc hẳn lại tự tay Lý-Mỗ giả thác ra rồi! Nó lại đem cái độc-kế ấy để hại Lê-nương, còn thương thế nào được nữa. Nàng bị nó lừa gạt, uất tức để đâu cho hết, bông hoa héo dở, lại gặp thêm một trận mưa sa gió táp, không biết bây giờ lại ra cái tình-trạng thế nào. Đã viết thư dục ta đi thì giây phút ta cũng không thể ở lại nhà được. Vội vàng bỏ thư vào túi, nói với bà mẹ rằng: « Bệnh con đã khỏi hẳn, muốn sang trường dạy kẻo học-trò đợi ». Bà mẹ ưng lời, chàng bèn thu xếp ra đi.