Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/18

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ MƯỜI TÁM. Khóc đôi

CHƯƠNG THỨ MƯỜI TÁM
Khóc đôi

Lật-đật gót về, vội-vàng bước ruổi; bông hoa xấu số, mầm oan gieo tự bao giờ? Chiếc nhạn vô tình, tin lạ trao về một bức. Chẳng hay cái vật gì yêu quái khéo chêu-ghẹo người như thế ru! Chiếu hoa chưa kịp ấm chỗ ngồi, buồm gấm đã vội rong trước gió, bấy giờ Mộng-Hà đã lại là người khách trong thuyền. Non xanh đôi giải liền-liền, bâng-khuâng tiễn khách băng miền dặm xa. Khi ấy chàng cũng chẳng buồn chi về nỗi phải biệt nhà ra đi, chỉ những mong gió tiên thổi nhẹ cánh thuyền, đưa mình chong-chóng tới miền bồng-lai mà thôi vậy. Mây xanh nước biếc, cỏ lục hoa hồng, đều là những cái tài-liệu rất tốt cho các nhà làm thơ, song Mộng-Hà trông ra thì đều là những cảnh não người, tâm-sự ngổn-ngang, chính cũng tựa như muôn đợt núi non trồng-chập nhấp-nhô ở trước mắt, phỏng còn bụng nào mà nghĩ đến sự ngâm đề. Đáng giận thay trời nọ chêu người, sao chẳng cho thuận gió, xuôi buồm, luống để con thuyền những trì-trì chậm tiến, Mộng-Hà sốt lòng sốt ruột, bứt đầu bứt tai, thỉnh-thoảng lại ngó cố ra ngoài, dục-dã lái thuyền, tựa-hồ bụng nghĩ nếu lỡ ngày nay không tới nơi thì e cái ác-ma kia sẽ lại buông giảo-kế thế nào, một đóa hoa lê, chịu sao nổi đòi cơn mưa gió!

Bóng ác về non, thuyền lan tới bến. Mộng-Hà bước chân lên bờ, thần-hồn phấp-phỏng nghĩ không biết lúc mình đến nơi thì ở đây chừng đã diễn ra những tấn thảm-kịch như thế nào. Xăm-xăm bước tới cửa ngoài, nhưng lại dùng-dằng không dám tiến, một lát nữa thì bầu trời đã buông xuống một bức màn đen. Đêm lạnh sương sa, không thể cứ đứng ngoài cổng mãi, bèn đánh liều mà bước vào. Bằng-lang đương ở trong sân xếp những hòn gạch làm trò chơi, thấy chàng đến liền chạy ra đón mà reo rằng: « A thầy đã sang! Thầy về có việc gì mà vội-vàng quá, khi về không nói cho biết làm cho cả nhà con đều mong mỏi mắt. » Mộng-Hà không trả lời, kéo ngay Bằng-lang vào phòng đường-đột hỏi rằng: « Mợ con có được bình yên không? » Bằng-lang nói: « Sau khi thầy về được ba ngày thì không biết có ai ở trong trường đưa cho con Thu một bức thư bảo nó đem về cho mợ con, mợ con xem xong liền biến sắc mặt rồi khóc òa lên, chẳng còn thiết ăn uống gì cả, tựa như là sợ hãi mất cả hồn-phách. Con không biết trong bức thư ấy nói gì mà khiến cho mợ con đến nỗi như thế. Nay đã hai ngày đêm không ăn uống gì, hiện giờ đương nằm ôm gối mà khóc đấy. » Mộng-Hà nói: « Thôi con bất-tất nói nhiều nữa, nên chạy mau vào thưa với mợ rằng: thầy đã sang ». Bằng-lang vâng, rồi đi. Một lát chạy lại đưa cho Mộng-Hà một mảnh giấy. Mộng-Hà mở ra xem thì chỉ thấy nói: « Đêm nay sau khi mọi người ngủ im, sẽ cho Bằng-lang đón anh lại chơi », một câu đó mà thôi.

Trống lầu ba tiếng, đêm tĩnh bốn bề, trong sân nhà họ Thôi có một chàng dón bước đi ra, quanh giải hành-lang mà sang phía tây, rồi gõ cửa, vào phòng; bấy giờ nếu có người trông thấy chắc phải đoán rằng đó hẳn là cậu Tống-Ngọc đêm khuya lén bước đến họp thầm ở Lục-đài chứ không còn sai nữa. Mộng-Hà là người nào nay cũng làm sự nhá-nhem như thế, bên liễu đợi chờ, dưới trăng hò-hẹn, há lại không biết sợ miệng đời tăm tiếng hay sao! Nhưng bởi vì lòng chàng có một sự oan phẫn rất lớn đương muốn tỏ bày, có một điều nghi-nan rất to, đương mong giải quyết, có một mối sợ hãi rất dữ, đương cần phá tán, vì một chuyến đi so với cái danh dự của mình có phần quan hệ gấp trăm gấp nghìn như thế, cho nên chàng phải quyết mạo-hiểm mà đi, chứ không còn ngẫn-ngự dùng-dằng gì nữa. Nửa năm mơ tưởng, một buổi xum vầy, trước án cầm tay, dưới đèn tỏ mặt, cứ lý ra thì tưởng hai người sẽ được vô hạn vui sướng mới phải. Thế nhưng hai người chuyến họp mặt này là do kẻ gian nó dắt mối, hai người đều nặng mang muôn nỗi căm hờn đau-đớn, thành ra không còn một chút gì là tình ý vui-vầy. Mộng-Hà lén bước vào phòng, Lê-nương đương khêu ngọn đèn xanh, gạt hàng lệ trắng, thần-tình thảm-đạm, nhan-sắc ủ-ê, so với khi trông thấy ngày xưa lại thêm lên mấy phần đáng thương đáng mến, Mộng-Hà trông thấy toan khóc òa lên.

Ngọn bức nhả đen, hạt châu bay đỏ, tấm lòng của hai người đương nóng muốn được cùng nhau gặp mặt, đến bấy giờ bỗng trông nhau mà không nói được một lời. Bằng-lang dẫn Mộng-Hà đến, rồi liền đi nằm, một lát đã khè-khè tiếng ngáy. Bấy giờ trong phòng ngoài tiếng ngáy của Bằng-lang thì trên vách có chiếc đồng-hồ tiếng kêu tích-ta tích-tắc. Tấm lòng của Mộng-Hà lúc ấy cũng sôn-sao lên xuống không một phút nào được yên-tĩnh, tựa hồ cùng ứng-họa với cái tiếng đồng-hồ kia một cách vô tình. Ba canh bốn canh, trời cao đêm quạnh, trong chỗ vắng-vẻ đó duy có hai bộ mặt ủ-rũ cùng đối chiếu ở dưới ngọn đèn mờ, cảnh-tượng thật vô cùng thảm-đạm. Ngậm lệ nhìn nhau một lúc, rồi Lê-nương bỗng thở dài một tiếng mà cũng không nói lời nào, tựa-hồ căm tức Mộng-Hà lắm. Mộng-Hà bấy giờ mới đem cái mưu gian của Lý kể cho Lê-nương nghe để tỏ mình là vô tội. Lê-nương kinh ngạc nói rằng: « Chết nỗi! Thế ra tôi với anh đều mắc vào gian-kế của nó, nếu vậy tôi cũng chẳng oán gì anh. Song bởi đâu mà nó lại biết được việc riêng của chúng ta mà chêu chúng ta như thế ». Mộng-Hà đáp: « Không biết ». Lê-nương nghĩ ngẫm một lát rồi chợt nói rằng: « Không, không, bức thư hắn đưa cho tôi, tôi nhận ra chính là chữ của anh kia mà! Nói rồi giở trong cái túi ra lấy một tờ giấy đưa chàng mà rằng: « Đây anh xem, chữ viết này chẳng phải là chữ anh viết ư? bài thơ này chẳng phải là thơ anh làm ư? Gã Lý hắn dù quái ác đến đâu cũng không bắt chước được nét chữ và lối thơ của anh được in hệt như thế ». Chàng đón lấy xem rồi ngạc-nhiên mà rằng: « Lạ chưa! Thế có còn tờ nào nữa không? » Nàng nói: « Hắn chỉ đưa có thế đấy thôi, nhưng hắn nói còn có một phong nữa. Tôi cho con Thu đến lấy thì hắn cố ý không đưa, nói là phong thư ấy quan trọng lắm, tôi có thân đến thì hắn mới đưa, bằng không thì thà hắn giữ lại để lại giao trả anh vậy. Anh tính tôi phỏng mặt mũi nào lại đến nhà một người lạ để nặc bức thư của tình-nhân, tôi dù vô-sỉ đến đâu cũng không đến nỗi thế. Vả tôi nghĩ rằng câu chuyện của chúng mình đã biết hết cả rồi thì bức thư ấy dù lấy về hay không lấy về cũng chẳng làm gì nữa. Tôi chả giận gì gã kia nó tệ, tôi chỉ oán anh không cẩn-thận, để đến nỗi danh-dự hai người đều mất hết; suy đi tính lại chỉ còn có một chết là xong. Nhưng chỉ nghĩ còn ngờ mà chết thì chết cũng không cam, vả nghĩ thương đứa mồ-côi mồ-cút. Vì thế tôi mới phải viết thư vội mời anh đến để chứng xem hư thực thế nào. Lòng tôi đã tan-nát đi rồi, thôi còn nói năng gì nữa! » Lê-nương vừa nói vừa ra vẻ chua xót, nước mắt tuôn xuống ròng-ròng, Mộng-Hà cũng sùi-sụt, đáp rằng: « Oan quá! Chị cho việc ấy là thực ư? Tờ giấy này thì chính chữ tôi viết thật, nhưng thơ không phải của tôi làm, mà cũng không phải là viết để đưa cho chị. Tôi ngồi nhàn thường hay táy-máy viết lách, tờ giấy này là khi tôi ở trong trường, nhân lúc giờ nghỉ mới cầm bút viết chơi 4 câu thơ không vần của một người bạn là Mỗ-Quân, viết xong tôi đã ném vào thùng giấy lộn, chẳng ngờ hắn lại nhặt lấy giấu đi để dùng làm cái vật đánh lừa người bạn tri-kỷ của tôi. Trong khi tôi viết mấy bài thơ ấy chẳng qua là một sự trò chơi, biết đâu lại chính là gieo một cái mầm vạ. Thế mới biết kẻ gian dùng kế hiểm độc, người ngay không biết đâu mà kịp suy lường. Nay đã sẩy ra thế này thì dù sao cũng là tự tôi vô ý, tôi còn mặt mũi nào mà trông thấy bà chị nữa đây! Lê-nưong nghe nói mới như trong mộng tỉnh ra, gạt lệ mà rằng: « Tôi cũng vẫn nghĩ rằng chả có lẽ anh lại xốt nổi như vậy! Nhưng không biết đâu ở trong lại có sự quỷ-mỵ đến thế! Nay đã vỡ ra như vậy thì việc đó cũng chẳng tại gì anh, tôi cũng chẳng oán gì anh nữa. Nhưng có một điều lạ rằng không biết lại sao hắn tại tỏ biết được sự bí-mật của hai ta mà bày kế chêu-ghẹo chúng ta? » Mộng-Hà nói: « vâng, cũng lạ thật, để tôi nghĩ xem ».

Mộng-Hà cúi đầu trầm-ngâm một lúc, rồi chợt nghĩ ra mà rằng: « Thôi phải rồi, trong hồi tôi ốm, gã ấy thường đến thăm tôi, lần nào đến cũng đem quà bánh cho Bằng-lang, nhân thế Bằng-lang thường quấn-quít với hắn, buổi chiều nào cũng cùng hắn ra chơi ngoài cổng, tôi vô-tình nên cũng chẳng cấm-đoán gì. Sau hắn bỗng tuyệt-tích không thấy đến nữa, tôi cũng đã lấy làm ngờ-vực. Chắc hẳn trong mấy hôm ấy, Bằng-lang trẻ dại bị hắn dỗ-dành ngon-ngọt mà tiết lậu sự bí-mật ra chăng. Hắn đã hỏi dò trẻ con mà biết được chuyện rồi, bèn định dùng kế để lừa dối chúng ta, vì thế mới thôi không lại nữa. Bức thư giả dối mà tôi tiếp được, chính phát hiện ra vào sau đó ba ngày; tình-tiết thật đã rõ-ràng lắm. Tôi không ngờ cái trận ốm vô-tình của tôi đó lại là một dịp dẫn lối cho quân-gian, mà thằng em ngoan-ngoãn Bằng-lang, lại là đứa làm cho vỡ chuyện! Thôi nhưng cũng là tại tôi mờ tối, hằng ngày cùng với giống hổ lang bầu-bạn mà không tự biết, cho nên mới mắc phải vạ ấy, chứ Bằng-lang kia cũng chẳng tội gì; xin bà chị đừng quở-mắng cháu tội-nghiệp. » Lê-nương thở dài mà rằng: « Tôi đâu lại nỡ quở-trách con tôi, tôi chỉ tự trách tôi mà thôi. Gái góa chồng không biết cắt dây tình-ái, giữ tiết nuôi con, tay chưa thuyền khác ôm đàn, nhưng cũng đã mắc tiếng hiềm-nghi, trong dưa dưới mận, làm nhơ cho nữ-giới, để nhuốc đến gia-thanh, kẻ thác có hay, hẳn cũng không sao thứ lỗi được. Nay nếu lại còn vì cái việc khuất-khúc của mình đó mà quở-trách đến đứa con yêu-giấu của chồng nữa thì chẳng cũng là làm cho thêm nặng tội ra ư! sau này còn mặt mũi nào mà trông thấy mặt chồng ở nơi chín suối! » Mộng-Hà nghe nói, khôn siết bẽ-bàng, nghĩ Lê-nương đã tự ăn-năn thì mình sao khỏi tự hổ-thẹn, trong lòng lúc ấy như kim đâm gai sóc, phảng-phất như thấy chồng Lê-Ảnh hiện hồn lên ở dưới bóng đèn sáng, giương cặp mắt căm giận mà nhìn; rồi tiếng ngáy của Bằng-lang, tiếng khóc của Lê-nương, tiếng tiếng lại như sói vào tai, làm cho Mộng-Hà thêm nhủn cả người, không còn nói được lời nào nữa; thiên-hạ những việc khó an, bình-sinh những cảnh khó xử, còn có bao giờ hơn lúc ấy nữa không? Một lát rồi Mộng-Hà nói rằng: « Tôi làm lầm chị! tôi làm lầm chị! xin chị tha-thứ cho tôi và xin chị quyết-tuyệt tôi đi, đừng quyến-luyến gì đến tôi nữa. Ân-tình một mối, rứt đứt từ nay, để chị được toàn thân ngọc trắng băng trong và yên chí thờ chồng nuôi trẻ. Từ đây tôi cũng xin từ-giã đất này. » Lê-nương nín khóc mà nói rằng: « Mộng-Hà! Mộng-Hà! Anh nói như là oán tôi đấy ư! Tôi không oán trách gì anh đâu, xin anh tha-thứ đi cho tôi. » Lê-nương nói xong lại khóc, Mộng-Hà cũng khóc mà rằng: « Không phải, tôi cũng chỉ tự oán mình tôi đấy thôi. Nhưng hai tình đã đến thế này cũng chẳng làm sao được nữa. Trời xanh độc-địa, cố ý làm cho mình phải chia rẽ, nên mới để cái ác-ma kia được toại mưu gian, nỗi ngăn-trở sau này chắc hẳn sẽ còn nhiều lắm. » Kế lại hậm-hực mà nói rằng: « Thằng giặc này quyết không để được, tôi sẽ phải khu-trừ nó đi cho tuyệt mối lo về sau này. » Lê-nương biến sắc mà rằng: « Không nên thế, không nên thế. Anh muốn một mình hắn biết chuyện hay muốn cả mọi người cùng biết hay sao? Hắn đã dò biết được chuyện bí-mật của mình, nay hắn chỉ nhích lưỡi hé môi là chuyện của mình vỡ-lở. Vậy anh lại cần phải lấy đạo-nghĩa mà giao-thiệp với hắn, cùng hắn vẫn thân-mật như ngày trước, tựa-hồ như không biết chuyện gì. Nếu hắn mà còn có lương-tâm, tất chịu sức cảm-hóa của anh mà sinh ra lòng hổ-thẹn, cho việc đi dò-dẫm chuyện kín của người là việc không nên; nhân thế mà sẽ bưng kín miệng bình để chuộc lỗi trước. Chứ nếu anh lại định đuổi hắn để rửa giận thì hắn càng thù anh lắm, chắc chẳng bao lâu sẽ sẩy ra những việc không hay; anh xa được mình hắn đã đành, nhưng anh không thể bưng được miệng hắn, e rằng giáo-chức của hắn vừa cách thì tiếng xấu của chúng mình đã đầy rẫy một vùng. Vậy trước khi sẩy việc, ta đã không biết phòng ngừa, thì sau khi sẩy việc ta cần phải lo hàn-gắn; chứ muốn cho thỏa giận một lúc thì còn mối hậu-hoạn làm sao? » Mộng-Hà nói: « Lời nói của chị phải lắm, thật là biết lo tính kỹ càng.... Nhưng từ đây trở đi tôi cũng không dám mơ-tưởng gì đến sự thăm dòng hỏi bến nữa. Phải cung chim nọ, thấy Vương-tôn cắp nỏ mà kinh; thoát lưới cá kia, trông ngư-phủ giơ cần đã sợ. Tấc lòng tự hỏi tuy không thẹn, trò đời như thế biết làm sao? Việc tốt hay ngang, duyên lành khó vẹn. Nếu còn cứ mê luyến nhau mãi thì chửa biết còn phải kinh-lịch những bước thảm-khốc như thế nào! Tôi dù không quản hy-sinh danh-dự, ném bỏ hạnh-phúc, để đổi lấy một tấm lòng liên-tài của chị, nhưng thực không nỡ lại hãm chị vào cái cảnh khổ não, làm chị đeo lấy tiếng không hay. Than ôi chị Lê! còn nói gì ru! Từ đây ly-biệt, gặp nhau chưa biết có ngày nào! Song lời vẫn bên tai, thề còn để dạ, chị đành đã trọn đời chiếc lẻ, tôi cũng xin mãn kiếp cô-đơn. Thương nhau chẳng được cùng nhau trọn, xin hẹn cùng nhau kiếp tái-sinh. Tôi xin về trước mà dọn đường mở lối ở dưới suối vàng, để đợi chị kỳ cho được đến ngày gặp gỡ. » Nói đến đấy thì cổ như tắc nghẹn. lệ đã đầm-đìa, lại cố đè nén nỗi thương đau mà đọc lên bốn bài thơ tứ-tuyệt; tiếng ngâm hòa lẫn với tiếng khóc, thực ve kêu vượn hót nào tầy. Thơ rằng:

I. — Bình tan trâm gẫy thế thì thôi,
       Cay-nghiệt làm chi mấy hỡi trời!
       Cảnh đẹp từ đây khi đối cảnh,
       Tròn đầy sợ thấy bóng trăng soi.

II. — Khổ não vì chưng một chữ tình,
        Thà đem thân ấy quyết quyên-sinh;
        Thác đi e nỗi hờn còn nặng,
        Thân thác lòng kia chửa được đành.

III. — Trao tặng thơ hơn sáu chục bài,
         Xin đem mớ lửa đốt đi hoài;
         Kiếp này dấu tích nên thu vén,
         Xót mướn, đời sau chớ để ai.

IV. — Khuyên ai trút sạch mối phiền lo,
         Tái-thế nhân-duyên quyết hẹn-hò;
         Hồn thác cũng chưa bầu-bạn được,
         Hoa-đôi xin chớ mọc bên mồ.

Mộng-Hà đọc xong, khóc ngút-ngát, không cất đầu lên được, Lê-nương cũng che mặt mà khóc rung-rúc, lệ rơi tầm-tã, tiếng điểm nhỏ to, một ngọn đèn khêu cao, vì lệ hoa nó chườm-ướm đôi bên mà cũng phải dần-dần kém sáng. Trong phòng lúc ấy trình ra một cái cảnh-tượng rất sầu-thảm, tưởng chừng như ở một cái trời đất nào vậy, chứ không phải là chốn nhân-gian. Oan thay! Khổ thay! không sống không chết, như họp như tan, một khoảng trời tình, ai ngờ lại có sự biến-huyễn mê-ly dường ấy! Tình ấy cảnh ấy, kẻ bàng-quan cũng còn não ruột, người đương-cục sao khỏi tan hồn. Một lát, Mộng-Hà sẽ đứng dậy khêu ngọn đèn tàn, giở giấy lấy bút mà làm bốn bài thơ tám câu; bởi bấy giờ trong lòng đau-đớn, khó nói nên lời, chỉ mượn câu thơ mà giãi tình thôi vậy. Thơ rằng:

I. — Ngược gió con thuyền đến chẳng mau,
       Tình sâu nên nỗi vạ càng sâu;
       Sầu không bút mực nào ghi hết,
       Mộng có đèn xanh họa biết nhau;
       Chuyện cũ xóa tan cờ một cuộc,
       Lầm to đúc lại sắt năm châu;
       Mông-mênh bể ái muôn trùng sóng,
       Bánh vẽ nhìn xuông khỏi đói đâu!

II. — Réo-rắt kêu sương mấy tiếng nhàn,
        Đêm khuya quạnh-quẽ đỉnh hương tàn;
        Đương khi trước gối ta trằn-trọc,
        Là lúc bên đèn bạn khóc than;
        Non nước xa-xăm thư chẳng đến,
        Gió mưa ầm-ã ngủ không an;
        Cách sông riêng khổ người mong đợi,
        Hờ-hững thuyền không đậu bến lan.

III. — Bèo nổi mây chìm trải mấy đông,
         Cùng nhau chung một kiếp bình-bồng!
         Phải cung chim nọ đà ghê vía,
         Cắn bóng trùng kia khéo dụng công;
         Nhạn bắc vô tình trao mảnh giấy,
         Gió đông cố ý đập cành hồng;
         Vì ta vội-vã khi lâm-biệt,
         Hối lại ngày nay những giận lòng.

IV. — Rừng động cây nào đứng được yên,
         Thu sang lòng khách biết bao phiền;
         Bể tình dễ khiến ai chìm đắm,
         Cuộc thế sao nhiều sự đảo-điên;
         Ngán lẽ trăng trong mây phủ tối,
         Vì đâu nước đứng sóng tung lên;
         Kiếp này đã thế âu đành vậy,
         Muôn thủơ thề xin vẹn ước-nguyền.

Đầm-đìa lệ rỏ, thấm giấy không hay; dằng-dặc đêm tàn, tính giờ đã gấp, Mộng-Hà ném ngòi bút xuống mà thở dài. Lê-nương khoan thai cầm lấy xem, lệ châu lại tầm-tã trên tờ giấy, nức-nở mà nói rằng: « Sao mà anh thương-xót quá làm vậy! Tôi là người thế nào mà nghe được những câu đau-đớn dường này! Anh sở-dĩ đến nỗi như thế, đều là vì kẻ bạc-mệnh này để lụy cho anh. Nhưng anh cũng không khỏi dụng tình không được chính-đáng, sao anh cứ vì tôi mà trầm-mê không tỉnh, tôi đâu nỡ để anh phải cô-độc một đời. Việc hôn-nhân của cô Quân nó thế nào? Tôi định đem nó mà đền-bồi anh đấy. Dù anh không thuận; tôi cũng định cưỡng anh phải thuận, để được xong một mối tâm-sự của tôi. Bằng-lang trẻ dại, nay về sau được anh dạy bảo bù-trì mà nó được nên người thì đó cũng tức là anh đền bù tôi đấy. Anh nên biết cho rằng tôi ngày nay sở-dĩ còn ngậm hờn nuốt tủi, nhịn nhục sống thừa là chỉ vì có một mụn ấy đấy thôi ». Mộng-Hà nói: « Xin hãy thong-thả để chờ Thạch-Si về, tôi sẽ nhờ hắn làm mối. Nhưng việc ấy thật là bày sự quá. Tôi tuy phải gượng theo ý chị, nhưng trong lòng quả là không muốn chút nào. Tôi đã tự làm lầm tôi, làm lầm chị rồi, nay sao lại còn nỡ làm lầm đến người khác nữa ». Lê-nương nói: « Anh cho việc ấy là bày sự, vậy thế anh giao-thiệp với tôi bấy nay chẳng cũng là bày sự hay sao? Việc đã đến thế này thì còn nói gì nữa. Tôi hết lòng chúc vọng cho anh gieo cái nhân hư xâu mà được thu cái quả tốt lành. Việc đêm hôm nay chỉ có thể một lần, chứ không có thể hai lần; trời sắp sáng rồi, mời anh trở về, không nên ở lâu trong này nữa ». Nói đến đấy nàng lại sẽ hát câu: « Trời kia! Trời kia! Vội thả bóng sáng đến! Vội đuổi bạn tình đi! » trong một vở kịch tây kia để dục chàng đứng dậy. Mộng-Hà không tiện ngồi dai nữa, bèn đứng dậy cất tiếng trân-trọng chào nàng rồi lủi-thủi ra về.