Bước tới nội dung

Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/22

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI HAI. Tiếng đàn

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI HAI
Tiếng đàn

Rèm châu nửa cuốn, gió thổi rung-rinh, Quân-Thiến ngủ trưa chưa dậy. Lê-nương chợt vào thấy Quân-Thiến đương khoanh cánh gối đầu nằm ngủ, tay còn cầm một quyển sách đương xem dở, nhân có gió thổi, quyển sách ấy tờ-tờ bay múa trên bàn tay. Nhìn vào nét mặt, sóng thu không động, miệng mỉm như cười, tình-tứ mê say, trông tựa như chiều mỏi mệt lắm. Mà một cái vẻ ngủ tươi đẹp khiến người đáng thương đáng yêu vô hạn, cho dẫu Tây-tử dưới trăng, Dương-phi trước gió, cũng chẳng qua đến thế mà thôi. Đời dù có tay thợ vẽ khéo-léo đến đâu, e rằng cũng khó miêu tả nhập thần cho được. Ví khiến Hà-lang được trông thấy thì không biết sẽ phải tiêu hồn đến thế nào! Lê-nương sợ Quân-Thiến nằm đó mà cảm hàn chăng, bèn sẽ lay cho tỉnh mà rằng: « Cô mỏi mệt à? Sao lại nằm ngủ ở chỗ chống chải này? Gió lạnh vô tình, thấu vào thịt da, lỡ cảm thì sao? Chừng cô lại muốn nếm thử cái phong-vị hỏa lò siêu thuốc hay sao đó? » Quân-Thiến sực tỉnh, đôi mắt lim-rim, bèn chống tay ngồi dậy mà rằng: « Buồng văn thong thả, ôn tập văn bài, chợt vì mỏi mệt, nằm ngủ thiếp đi, thành ra không biết chị vào chơi, thực em đã vô lễ nhiều lằm. » Lê-nương nói đùa rằng: « Tình-tứ của cô, sâu xa tựa bể. Đương trong giấc ngủ, chẳng hay có sự vui mừng gì đó mà môi đào lại chúm-chím cười? » Quân-Thiến hơi đỏ mặt mà rằng: « Chị khéo nói đùa làm chi thế! À chị vào chơi có việc gì không? » Lê-nương cười mà nói: « Cô là người thông-tụê, vậy thử đoán xem có đúng không nào. » Quân-Thiến nghĩ ngẫm một lát rồi hỏi rằng: « Chị định vào bàn về văn-chương chăng? » Lê-nương nói: « Không phải. » — « Bàn về thời vụ hay xem sách vở chăng? » Lê-nương nói: « Cũng đều không phải ». — « Thế thì định cùng em đánh một ván cờ rồi. » Lê-nương mỉm cười mà rằng: « Nào có định đánh cờ, cốt vào đây báo hỷ. Cô vốn là người sáng suốt mà lại không đoán ra được ư? Nói thật để cô hay: hiện nay lão-phụ đã tìm được cho cô một người hữu-tình-lang, vậy tôi định vào đây để mừng cho cô đó. » Quân-Thiến nghe nói, đôi mày chau biếc, cặp má nhuộm hồng, tựa như thẹn, tựa như giận, mà rằng: « Có chuyện gì thì chị nói thật cho em nghe, sao cứ nói những chuyện bông phèo, làm cho em thêm khó chịu thế! »

Song the đôi bóng, lời gấm và câu. Quân-Thiến thấy Lê-nương vào nói bông phèo mãi với mình, ra ý tức mình khó chịu. Lê-nương cười tạ lại rằng: « Tôi nói đùa làm tức mình cô, xin cô thứ lỗi. Tuy nhiên, câu chuyện đó là chuyện thật, không phải là tôi bịa đặt mà bỡn cợt cô đâu. Lão-phụ vừa mới nói chuyện với tôi: Quân-nhi đã có chồng rồi, trong ít bữa nữa sẽ cho cưới; vừa rồi mối đến, ta đã nhận lời rồi đó, không cần phải hỏi ý nó làm gì. Tôi nghe nói giật mình, dịu lời thưa rằng: Việc ấy cha đừng nên vội vàng. Sự kén chọn ngày nay cẩn-thận hay không, rất có quan-hệ cho sự sướng khổ của một đời Quân-cô. Vậy để con hãy bàn với Quân-cô đã rồi sẽ quyết định. Tôi đương lấy làm bất bình cho cô về việc đó, cô lại còn giận tôi ư? » Quân-Thiến nghe nói, biết không phải là chuyện nói đùa, liền đổi vẻ thẹn ra vẻ sầu, hỏi rằng: « Thật ư? Hay chị lại vẫn nói đùa đấy? » Lê-nương cũng tức mà nói: « Ai nói dối cô! Chẳng tin thì thử hỏi ông xem, sẽ biết tôi nói dối hay nói thật. » Quân-Thiến hậm-hực mà rằng: « Nếu vậy thì ông lạ quá! Ông còn lạ gì tính-tình của tôi. Trước đây đã vì thế mà cha con xung đột mấy lần. Ông đã bảo tôi từ rầy mặc kệ, muốn lấy ai cho được tùy ở ý tôi, vậy mà sao nay lại như thế! Ông muốn đoạt quyền tự-do của tôi để đặt tôi vào chỗ hắc ám hay sao! Chị ơi, không phải là em nhiễm cái khí-tập trong làng học mới, thích nói tự-do mà cố trái ý cha già đâu. Chỉ vì em nghĩ việc ấy quan-hệ rất to trong cái ngục tối gia-đình bắt ép, xưa nay chôn chết biết bao bạn thoa quần. Em từ khi đi học đến nay đã từng phát nguyện sẽ đề xướng cái thuyết hôn-nhân tự-do, phá trừ cái tệ gia-đình bắt buộc, để cứu vớt lấy vô số những nữ đồng-bào đáng thương ở trong cái địa-ngục hắc-ám, chứ không phải là riêng vì một thân mình mà thôi. Em đương muốn lấy thân mình làm một kẻ tiên-đạo trong cuộc xã-hội cải-lương, vậy mà nay chính thân mình bị hãm thì còn gì đau đớn hơn nữa. Em đối với thân em đã vậy, nhưng đối với các bạn đồng-học thì em còn biết nói thế nào? » Vừa nói nước mắt vừa rưng-rưng muốn tràn qua mắt mà chảy xuống.

Lê-nương vì Mộng-Hà làm thuyết-khách, nghe một cuộc chuyện của Quân-Thiến, mà bất giác xúc động đến mối cảm về thân thế của mình. Nghĩ nếu ngày xưa mình cũng được kết hôn tự-do thì có lẽ không có cái ác-quả như ngày nay đó. Mười năm hận cũ, đưa đến cõi lòng, sắc mặt bỗng hiện ra cái vẻ âu sầu thảm đạm. Hai người trông nhau, lẳng-lặng hồi lâu, rồi Lê-nương thở dài mà rằng: « Nghe lời cô nói, lòng tôi thêm cảm. Tôi cùng cô ở chung đã lâu, yêu nhau đã lắm. Cái việc ngày nay tôi mong rằng cô nghe lời tôi. Về đường con cái, ông còn một cô. Đời có ai sinh được một chút con gái quý yêu như hòn ngọc trên tay, mà việc kết-hôn lại chẳng đắn-đo, để con mình phải chịu nỗi hồng ngâm chuột vọc. Cô nên biết rằng cái người mà ông định gả cô ấy, chẳng phải là ai, chính là Mộng-Hà. Người ấy văn-chương đạo-đức, siêu việt mọi người, thật là vợ phượng chồng loan, duyên lành trời định. Ông kén được người chồng cho cô như thế, tưởng cũng không còn uổng gì cho cái đời tài mạo của cô. Cô nếu lại cố chấp không nghe, thì lòng ông tất sinh phiền não. Ông tuổi già rồi, gần đây phải trải những việc tử táng ở gia đình, chịu đủ mọi nỗi đắng cay ở nhân thế. Nay gái ngọc đã được chồng vàng, lòng ông tất cũng được ít nhiều yên-úy. Vả Bằng-lang thơ dại không người dạy bảo, nếu việc ấy sau khi thành tựu, thì con côi mẹ góa, mẹ con tôi trông cạy vào vợ chồng cô còn nhiều. Vậy cô nên nghĩ đến cha già đầu bạc, nên thương đến anh khuất suối vàng, không tiếc hi sinh cái tự-do của một thân mình để chèo chống lấy cái đại cục đã hầu nguy đổ. » Lê-nương nói đến đấy, bất giác dòng lệ thương tâm theo với tiếng nói mà chảy xuống. Quân-Thiến đau xót quá, cũng rút khăn điều che mặt mà khóc thầm.

Quân-Thiến đối với Mộng-Hà trước đây vốn chưa từng quen biết, chỉ thỉnh-thoảng thường nghe Lê-nương khen ngợi thơ văn của Mộng-Hà là hay, nghĩ người ấy dù chẳng phải Tống-Ngọc Phan-An thì cũng là một trang thanh-niên tuấn-tú. Quân-Thiến tuổi xanh hai tám, đương như cành liễu trước gió xuân, vừa hiểu xuân tình đôi chút, nhưng phương tâm một tấm, chưa từng có chỗ gửi trao vào, vì vậy đối với Mộng-Hà trước đây tuy không có mối quan-hệ gì, nhưng trong bể óc sớm đã có ảnh-tượng hai chữ « Mộng-Hà » in vào trong ấy. Bấy giờ nghe Lê-nương nói, trong lòng sịch động, nghĩ việc đã đến như thế, chẳng khác như người bị vu phải giam vào ngục, giấy má đủ cả, khó lòng mà giải thoát được ra. Duy không biết việc này do ở Mộng-Hà chủ động chăng? do ở lão-phụ chủ động chăng? hay là lại có người nào ngấm-ngầm đứng giữa tác hợp chăng? mà người làm mối lại không biết đó là người nào? Mối ngờ trong bụng rất nhiều, chắc là Lê-nương biết tường được cả; nhưng đó là việc gì mà lại có thể đem ra bàn hỏi lôi thôi được, chẳng cũng thêm thẹn thùng xấu hổ lắm du! Những mối ngờ kia chưa thể hiểu được, đành hãy tạm để một bên, mà cần phải kíp biện mấy lời để đối phó Lê-nương mới được. » Lê-nương trông thấy Quân-Thiến nín im không nói, trong bụng tựa như còn đương suy nghĩ, bèn cũng thôi khóc để chờ nghe trả lời. Quân-Thiến trong lòng bực dọc, thở dài bảo với Lê-nương rằng: « Chị ơi, em chiếc thân cơ khổ lênh-đênh, người yêu em thật chỉ có cha và chị. Em không nỡ không theo lời chị, lại sao nỡ cố trái lòng cha. Thân em ngày nay đã tựa như cái bông rính bùn, không còn có năng-lực tự-chủ được nữa. Cái hạnh-phúc của em mai sau may chăng không vì thế mà phải giảm kém, nhưng cái tâm nguyện của em thì từ đây đã buông trôi cả xuống doành khơi; tấm lòng cầu học thôi cũng chết đứt từ đây vậy. »

Lê-nương ra nói với Thôi-ông rằng: « Vừa rồi con nói với Quân-cô, cô đã bằng lòng, vậy thì việc thành được đấy. » Thôi-ông mừng mà rằng: « Quân-nhi bằng lòng việc ấy, thôi thế là ta cũng yên lòng từ đây. Ta rất mừng rằng lần này nó lại không trái ý ta. Thôi cũng chẳng cần phải bảo trước Thạch-Si, Mộng-Hà vốn chẳng phải người ngoài, đợi hắn về đây ta sẽ cùng hắn đính định hôn ước, rồi sẽ chuyển bảo Thạch-Si, ủy việc đứng mối, như thế sẽ rút bớt được thủ tục mà công việc được chóng vánh hơn. Thôi-ông ngày thường vốn rất yêu Mộng-Hà, song trước là một người cháu xa, nay là một người rể thân, thì tấm lòng yêu tất lại tăng lên gấp mấy. Bấy giờ trời đã chiều tối, đoán tất Mộng-Hà sắp về, lòng càng mong mỏi; vậy mà mắt già muốn thủng, bóng trẻ nào đâu, đợi đến tối nhọ mặt trời, ngoài cổng vẫn không nghe thấy tiếng gót giầy lộp-cộp. Nực cười thay Mộng-Hà dáng chừng lại học thói cô-dâu-mới thẹn thò chi hẳn, chẳng thế cớ sao lại không về mà để người nhà sốt lòng mong mỏi như thế du!

Đêm ấy Mộng-Hà sở-dĩ không về là vì Thạch-Si mời đến chơi nhà, bày tiệc khoản đãi. Tình vui bạn ngọc, rượu chuốc chén vàng, hai người đều uống rượu quá say, đến lúc hứng cạn tiệc tàn, thì đêm đã khuya canh, trời như nhuộm mực, Mộng-Hà đương say không thể về được. Thạch-Si bèn sai người đến nhà họ Thôi, nói Mộng-Hà hôm nay say rượu ngủ chơi bên này, xin nhà cứ tắt đèn đi ngủ không cần chờ đợi. Hai người đều say, cười nói ran như pháo nổ, cùng nhau lại ngồi uống nước trà mãi, đến khuya mới phẩy giường đi nằm.

Buổi sáng hôm sau trở dậy, Thạch-Si muốn cùng Mộng-Hà cùng đến yết kiến Thôi-ông để hỏi về việc ngày hôm qua. Mộng-Hà sợ việc hoặc không thành, cùng e thêm sượng sĩu, vả thế-gian làm gì có sự chú rể cùng đi với mối đi cầu-hôn bao giờ, dù chẳng thẹn-thùng thì cũng là người trơ-tráo quá, bèn thác lời mà từ chối với Thạch-Si rằng: « Tôi còn phải đến trường dạy học, không thể đi kèm với anh một chân được. » Mộng-Hà nói thế là vì Thạch-Si hơi có tật chân, vậy nên nói bỡn chơi. Thạch-Si không nghe, theo đến nhà trường chờ cho dạy học xong, rồi kèm cùng về nhà họ Thôi. Đến nơi, trước hết vào chơi trong nhà học của Mộng-Hà còn đương nói chuyện thì chợt Thôi-ông đã chống gậy đến. Bởi vì khi hai người về đó thì thằng nhỏ đã liền lên báo cáo với Thôi-ông. Mộng-Hà đón rước Thôi-ông vào, cười mà tạ rằng: « Hôm qua vì anh Tần con mời lại chơi nhà uống rượu, bất-giác say quá không về được, để phiền lòng bác ở nhà chờ mong, xin bác thứ lỗi cho ». Thạch-Si liền nói bông rằng: « Thưa cụ, hắn nói dối đấy, hôm qua tôi có mời hắn đến uống rượu đấu! Chỉ vì hắn thẹn không dám về, mới đến đàng tôi nằm kề-cà đòi uống rượu, rượu xong lại giả say không chịu về, tôi thúc-dục bốn năm lần, hắn cứ van xin cho hắn ngủ nhờ một đêm, tôi thương hại mới cho nằm ngủ ở ngoài hiên, hôm nay tan học, hắn lại định trốn không về, tôi phải kèm mãi mới đem được hắn về đây đấy. » Mộng-Hà tức giận rồi cười mà rằng: « Anh rõ bịa ra mới khéo chứ! Tôi chịu cái tài nói lém của anh ». Thạch-Si nét mặt có vẻ đắc-ý mà rằng: « Ấy tôi báo thù sáng ngày anh nói sỏ tôi đấy ». Thôi-ông cũng cả cười mà nói: « Hiền-điệt thật là người khéo nói khôi-hài. Về việc liên nhân nói chuyện hôm qua, lão-phu vốn rất bằng lòng, hỏi ý tiểu-nữ, y cũng không nói gì khác. Vậy xin phúc đáp để hiền-điệt biết. » Vừa nói mắt vừa nhìn vào Mộng-Hà, Mộng-Hà cúi đầu không nói gì cả. Thạch-Si đứng dậy cười mà rằng: « Cụ đã nhận lời cho việc ấy thì may cho tiểu-điệt không đến nỗi luống công. Con gái nhà họ Thôi kết duyên với con trai nhà họ Hà, thật là một mối mỹ-mãn nhân-duyên ngày nay dễ mà được mấy! Chỉ tiếc tiểu-điệt bất tài, không được xứng đáng cái chức băng-nhân mà thôi. Lại ngoảnh bảo Mộng-Hà rằng: « Ông nhạc đã bằng lòng rồi đấy, sao không bước xuống lạy tạ đi? » Mộng-Hà tức đưa mắt lên nhìn, sắc mặt ra chiều hổ thẹn lắm.

Thôi-ông lại bảo với Mộng-Hà rằng: « Hiền-điệt đừng lạ, vì lão-phu đường-đột, lão-phu muốn nói một lời này: Nửa đời góa bụa, còn nay một chút ngây thơ, dưới gối tới lui, đỡ lúc tuổi già tịch mịch, vì vậy lão-phu vẫn không muốn gả nó đi lấy chồng xa; huống chi cháu Bằng thơ dại, cảnh lão sế tà, lão chẳng mong gì kịp thấy cháu đến lúc thành nhân được, xa nghĩ đến cái cảnh sau khi lão-phu tạ thế, cửa nhà hưu quạnh, nghĩ bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu! Nay hiền-điệt không nề hàn lậu, muốn kết Châu-Trần, thực đã làm cho nhà lão-phu được thêm sinh-sắc. Chọn rể được người, là may cho em Quân đã vậy, mà cũng là may-mắn cho cả họ Thôi. Cháu Bằng được nhờ hóa-vũ, mai sau có thể được nên người, mong hiền-điệt hết lòng dạy bảo. Ý của lão-phu muốn hiền-điệt vui lòng theo như Thuần-vu-Khôn[1] thủơ trước thì việc sẽ được lưỡng toàn. Chẳng hay hiền-điệt có sẵn lòng nghe thế cho không? » Thạch-Si trông vào Mộng-Hà cười mà rằng: « Thế nào? » Mộng-Hà trù-trừ một lúc rồi đáp rằng: « Tiểu-điệt ở nhà còn có mẹ và anh, việc ấy chưa dám tự ý quyết định, vậy hãy xin cho viết thư về hỏi ở nhà đã, nếu được đồng ý, tiểu-điệt rất sẵn lòng tuân vâng. » Thôi-ông nói: « Việc đó chí phải, lão-phu đâu lại dám gàn, vậy hiền-điệt nên viết thư về ngay hỏi mẫu-phu-nhân, nếu được tin tốt thì bảo ngay cho lão-phu biết ». Mộng-Hà vâng lời. Thôi-ông liền cáo từ đi ra. Thạch-Si lại cùng Mộng-Hà nói khôi-hài lúc lâu; chợt trời đã tối, Mộng-Hà muốn mời ngủ lại chơi, nhưng Thạch-Si không nghe, cáo từ ra về.

Mộng-Hà bấy giờ liền đến ngồi dưới đèn viết hai bức thư, một bức gửi về thưa trình với mẹ, và một bức gửi đi phúc đáp cho anh. Lời trong thư nói thì tức là lời của Thôi-ông nói lúc ban ngày. Nguyên bà mẹ ở nhà đối với Mộng-Hà vốn rất báu yêu, trước đây Mộng-Hà đã từng có lần cự hôn, bà mẹ biết là ý con muốn tự chọn lấy lứa đôi của mình, bèn đã thuận cho được quyền hoàn-toàn tự-do về việc kết hôn, vì vậy việc hôn-nhân chuyến này, Mộng-Hà được quyền tự-chủ; cái điều cần phải thương lượng chỉ là việc xin ở rể, hoặc chăng ý lão-mẫu không thuận, vì vậy còn phải viết thư hỏi xem thế nào. Nhưng lấy ý mà suy, mẹ chàng đã cho chàng được tự-do về việc hôn-nhân, thì việc gửi rể hay không cũng chẳng quan-hệ là bao, vậy mười phần đã có thể chắc được tám chín phần là cũng đồng ý. Đến như Kiếm-Thanh thì lại biết rõ sự bí-mật, đương mong việc tốt được thành tựu, nay tiếp được tin mừng đưa đến, thì vui mừng chẳng xuể, há lại còn có cái lý phá hoại nữa sao! Vậy thì tự mặt ngoài mà xem, việc ấy tựa như còn ngăn trở một tầng, nhưng do thực tế mà xem thì tuy chàng còn chưa tiếp được tin đồng ý ở nhà, nhưng cũng đã có thể chắc hẳn chàng là một người chuế-tế nhà họ Thôi rồi vậy.

Mặt bể người về, trên hồ khách trọ, mây tan độ ấy, trăng sáng tuần này. Thạch-Si từ sau khi du-học, trăng gió Dung-hồ, bấy lâu tịch-mịch, đến nay chàng lại trở về chốn cũ, nước mây vượn hạc, vồn-vã đón chào, non sông y cựu, tùng cúc hãy còn, cảnh cũ là đây, người xưa vẫn đó. Rồi mà chưa giãi ly tình, vội bàn hôn sự, đã thành hôn sự, lại giở ly tình. Cõi đất mênh-mang, tri-âm dễ mấy, đời người lận-đận, khoái sự được bao; tấm sầu của Mộng-Hà đã vơi, hứng vui của Thạch-Si đương thịnh, thôi thì cuộc rượu câu thơ, thỏa tình mài miệt, đầu non bến nước, phỉ chí ngao-du, phóng lãng ở ngoài cõi hình hài, lưu liên ở trong vùng thủy thạch, luôn đến hơn mười ngày như thế, Mộng-Hà đã ốm vì rượu mà Thạch-Si cũng đã mệt vì chơi.

Mộng-Hà cùng Thạch-Si sớm tối lưu liên, hầu không hỏi đến việc nhà họ Thôi nữa. Tin tức Lê-nương cũng như vắng lặng, Mộng-Hà dẫu có khi nhớ đến, nhưng cũng không đến nỗi nóng nẩy mong chờ. Trong mấy ngày đó không có việc gì đáng chép. Một hôm kia là ngày chủ-nhật thứ ba, sau khi Thạch-Si về, mọi chủ-nhật trước thì hai người vẫn dắt nhau đi chơi, nhưng hôm nay Mộng-Hà hơi thấy mệt nhọc trong mình nằm mãi đến quá trưa mới dậy. Mộng-Hà đã dậy, tâm tình biếng nhác, không thiết đi đâu, bèn dóm đốt lò trầm, ngồi một mình ở chốn thư-trai để chờ cho Thạch-Si đến. Một lúc lâu, cũng chẳng thấy Thạch-Si đến, buồn tanh đứng dậy, đi ra tán bộ ở ngoài sân. Khắp đất bóng vàng, đầy trời mây trắng, viện sâu thăm-thẳm, người vắng teo-teo; mấy cái chim con làm tổ trên cành cây, thấy người đến tiếng kêu ríu-rít; thỉnh-thoảng có ngọn gió hây-hây thổi động, lắc-rắc năm ba chiếc lá rơi, ngoài ra thì im lặng như tờ, không còn có một chút hơi tiếng gì nữa. Thẩn-thơ một lát, hứng vị buồn teo, đương toan quay bước vào nhà, chợt nghe có tiếng ở bên trong hành-lang, theo gió dặt-dìu, đưa lọt vào tai. Mộng-Hà lấy làm lạ mà rằng: « Ô lạ thay! đó là tiếng phong-cầm. Chẳng biết là ai gẩy thế! » Tìm tiếng lần đi, trong hành-lang lúc ấy không có ai, chàng quên cả sự tỵ hiềm, cứ đi liều-lĩnh. Đi hết cái hành-lang thì đến cái hậu-viện, phía đông viện là phòng của Lê-nương mà tiếng đàn thì thấy ra từ một cái nhà con đàng phía tây, không biết là nhà ai ở. Mộng-Hà dừng bước ngoài song, sẽ lắng tai nghe, chỉ nghe thấy tiếng, không trông thấy người, mà cũng không biết là ai gẩy bài gì cả. Một lát, thấy trong song có tiếng sẽ hát rằng:

Thơ ngây em biết chi sầu,
Trăng trong gió mát mặc rầu thảnh-thơi;
Thêu chim ngại chẳng thêu đôi,
Khi nương án sách, khi ngồi dưới hoa;
Tự-do gì sướng hơn là,
Em ca một khúc êm-hòa như ru;

Tiếng hát lanh-lảnh họa với tiếng đàn, y như tiếng loan tiếng phượng hòa xướng với nhau vậy. Lại nghe, lại thấy hát rằng:

Cha em tóc bạc như sương,
Tới lui ai kẻ lo đường thần-hôn?
Sáu mươi tuổi tác suy mòn,
Cửa nhà hưu-quạnh chẳng buồn lắm sao!
Than ôi công đức cù-lao!
Khúc hai em hát em ngao-ngán sầu.

Lại hát rằng:

Mẹ em một nấm cỏ phong,
Nắm xương mẹ lạnh tấm lòng con đau;
Biệt ly chốc bảy năm lâu,
Chiêm-bao nào có thấy đâu mẹ về!
Gió rung cành liễu lê-thê,
Khúc ba em hát em tê-tái lòng.

Lại hát tiếp rằng:

Anh em sớm vội qua đời,
Xuân xanh vừa độ đôi mươi tuổi đầu;
Theo anh, em biết anh đâu,
Suối vàng cách tuyệt dễ hầu thông tin;
Nhạn đâu réo-rắt trung-thiên,
Khúc tư em hát nhạn chen tiếng sầu.

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài, tiếng mau sầm-sập như trời đổ mưa. Từ khúc thứ hai đến thứ ba thứ tư, tiếng đàn càng cao mà tiếng hát lại càng thảm, nghe ra như oán như sầu, như than như khóc, chứ không còn như khúc thứ nhất lanh-lảnh vào tai. Mộng-Hà nghe thấy những tiếng bi ai ấy, bất-giác tê-tái cả người, không nỡ nghe nốt mà lại không nỡ không nghe nốt. Bấy giờ bụng người hòa theo với tiếng đàn, toàn thân như là mềm nhũn, không thể đứng được, nhân cạnh đấy có một hòn đá, liền trèo lên ngồi, mà tiếng ở trong song cũng đã lại nổi lên kế tiếp:

Chị dâu yểu-điệu xuân dong,
Thương thay chiếc bách giữa dòng lênh-đênh;
Má hồng đương thuở đầu xanh,
Trăm hoa ủ-rũ một cành đường-lê;
Nỗi đời tưởng đến mà ghê,
Khúc năm em hát trăm bề ngổn-ngang.

Khúc thứ năm hát xong, chợt chuyển đi một điệu cấp, nhịp mau tiếng rậm, rộn-rã vào tai, chẳng khác như gió giật mưa rào đưa đến. Song điệu đàn dẫu cấp mà tiếng hát rất khoan, bởi hát một chữ thì đàn gẩy đến mấy chục tiếng, cao hạ ức dương, chiền-miên uyển-chuyển, tiếng đâu tiếng ấy, dẫu ve ngâm vượn hót nào tầy. Khúc hát rằng:

Thương ai, bỗng hóa thương mình,
Vì ai dắt-díu dây tình cho nên;
Hoa tươi thẹn chẳng muốn nhìn,
Trăng tròn ngắm bóng thêm phiền với trăng;
Nhân-duyên việc lớn chi bằng,
Chủ quyền đã mất ấy rằng duyên hư;
Cao dầy đã thấu cho chưa?
Em ca khúc sáu lệ mưa tuôn đầm.

Hát đến đấy, nhịp đàn bỗng thấy dừng lại, tiếng thừa chưa rứt, từ trong song đưa ra hãy còn, lẩn quất bên tai chàng. Khúc quạn người không thấy, ngoài song bóng sế tà, Mộng-Hà nghe thấy tiếng ca tuy chưa trông thấy người, nhưng cũng đã đoán mà thừa biết. Nhớ lại sáu bài ca, chữ chữ như in sâu vào óc, nghĩ ngẫm ý vị, bất-giác sinh ra phẫn hận vô cùng, giận không thể chết ngay đi, để giãi tỏ cái tâm tích của mình đây, đền trả cái hạnh-phúc cho người ấy. Nên biết hoa rơi dầu có ý, nước chảy vốn vô tình, Tiêu-lang nguyên vẫn khách qua đường, thiên-hạ hãy còn người đẹp lứa. Đã phát ra bài ca oán thán mong gì nên đôi lứa vuông tròn. Chi bằng cởi mối tơ lầm, đốt tờ ước lỗi, há chẳng hay ư? Mộng-Hà một mình, suy nghĩ gần xa, quên bẵng là mình đứng ngoài song, không phải là nơi mình đang đến, cũng không phải là sự mình nên nghe. Đương lúc bồi-hồi thì chợt nghe có tiếng người ở ngoài vào nói rằng: « Cô đấy ư? Tôi vừa nghe thấy tiếng đàn, biết rằng ở đây không có ai gẩy được thế, chỉ có cô mà thôi, vì vậy sang đây để được nghe một vài khúc. Cô đừng chê tôi không thẩm-âm mà đuổi ra ngoài cửa nhé. » Một người đáp: « Lâu em không đánh đàn, hôm nay song lạnh ngồi buồn, không có cách gì tiêu-khiển. Nhân mới phổ được mấy khúc mới giận nỗi chưa được nhập diệu, nhân mới thử xem ra thế nào, chẳng ngờ nhàm đến tai chị. Ca phổ còn đây, nhờ chị xem có chỗ nào hỏng thì làm ơn chữa sửa hộ em ». Một người lại nói: « Những điệu « bạch-tuyết » « dương-xuân », những tiếng « cao-sơn » « lưu-thủy » tất phải người thông hiểu âm luật thì mới biết được. Cô là một người giỏi về âm nhạc; tôi đã không sáng suốt được như Sư-Khoáng, lại không hiểu biết được bằng Ba-Nhân, cô nói thế chẳng cũng là nói dỡn tôi ư! » Một người lại đáp rằng: « Chị nói quá khiêm làm chi vậy! Hôm nọ chị ngồi dưới nguyệt thổi khúc ly-loan, khiến người nghe luống phải tiêu hồn; sáo với đàn tuy có khác nhau, nhưng cái lý nó cũng tương thông, một người mẫn tuệ như chị thì chỉ học độ ba ngày là biết được cả. » Hai người cùng nhau nói chuyện mãi. Mộng-Hà đứng nghe lâu sợ bị trông thấy, bèn phải sẽ rón bước trở về thư-phòng.

  1. Gửi rể.