Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/23

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI BA. Rứt tình

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI BA
Rứt tình

Dưới song sa biếc, ta vốn vô duyên, trong nấm đất vàng, minh sao xấu số! Câu ấy là lời của Bảo-Ngọc viếng Tình-Văn khi trước mà một ngày kia Mông-Hà cũng có thể đem dùng để viếng Quân-nương. Bởi vì từ khi hôn ước đã thành thì cái cơ chết của Quân-Thiến đã nằm phục sẵn. Cái địa vị của Quân-Thiến ở vào cũng giống với Tình-Văn lắm. Chỉ khác rằng Tình-Văn với Bảo-Ngọc thì hai người thâm tình với nhau, mà việc chửa kịp thành, bị người hãm hại phải đến nỗi chết; Quân-Thiến với Mộng-Hà thì hai người đều không tự-chủ, thực chưa thể nói được hai chữ ái-tình, đôi bên bị người toát hợp mà thành, một mối duyên ngang trái. Bấy giờ Quân-Thiến còn chưa biết tấm tình của Mộng-Hà sở thuộc vào ai, nhưng Mộng-Hà thì đã biết tấm tình của Quân-Thiến không thuộc vào mình. Trước khi chưa lấy nhau đã chếch-mếch như thế, thì sau khi đã lấy nhau hai tình sẽ đểnh-đoảng thế nào không cần hỏi cũng đã đủ biết; như vậy mà mong làm một cặp uyên-ương chắp cánh, làm một đôi loan-phượng hòa minh được sao! Mộng-Hà thẹn trông thấy Quân-Thiến, Quân-Thiến tất cũng không muốn trông thấy Mộng-Hà. Dụng tình thì khác với Tình-Văn mà kết quả thì cũng giống Tình-Văn như hệt. Ngày khác Mộng-Hà có viếng Quân-Thiến, âu cũng sẽ lấy câu « ta vốn vô duyên, mình sao xấu số » để tỏ tấm lòng xót thương mối tình tiếc nhớ đó chăng?

Từ đấy Quân-Thiến nghỉ học ở nhà, tuổi trẻ đương thì, lòng xuân đã nguội, các bài vở học tập khi trước đều bỏ không nhìn gì đến nữa, hằng ngày chỉ ngồi bên án sách làm thơ ngâm vịnh, dùng những lới ảo-não, tả cái ý bi-thương; lúc lại soi gương nhìn bóng mà thở ngắn than dài, nghiễm nhiên là Tiểu-Thanh hóa thân ra vậy. Đến như Lê-nương từ sau khi hôn-ước đã thành, thì không hỏi han gì đến Mộng-Hà nữa. Luôn mấy tuần nay hai bên chưa hề có lấy một mảnh giấy chuyện-trò, một bài thơ yêu dấu. Mộng-Hà như thể nhãng quên, Lê-nương cũng không nhắc-nhỏm, hai bên tựa như đều am hiểu, gửi tình vào trong chỗ không nói không rằng. Cái duyên cớ trong ấy, người ở ngoài cuộc không thể đoán biết được vì sao. Hoặc-giả họ đã có bụng hối chăng. Song việc đã thế rồi hối làm sao kịp. Sau ba ngày nữa thì hai bên đã sẩy nên hờn giận, bể tình đương lặng, bỗng nổi lên một trận kinh ba. « Ngọc-Lê Hồn », từ đó về sau đã do nồng nàn mà bước vào lạnh-lẽo, do mong mỏi mà bước vào kết cuộc đoạn-trường một khúc đã dần dần xướng lên đến những tiếng sau cùng.

Mộng-Hà trong khi vô ý nghe trộm được một khúc phong-cầm, dẫu không phải là khách tri-âm (nghe hiểu âm nhạc), nhưng cũng đã hiểu được ý tứ. Nghĩ việc hôn-nhân ở nàng đã không có chủ-quyền, ở mình cũng là do cưỡng chế, hai người ngày nay đã oán thán duyên nài phận ép, mai sau tất ngậm-ngùi trăng tủi hoa sầu. Cưỡng đào thay mận, dắt-díu bỗng dưng, ép phượng theo gà, lôi-thôi còn lắm. Xem ý trong bài hát thì nàng đã dự biết là cái nhân-duyên sau này sẽ chẳng ra sao. Nghĩ như tấm tình của ta đã không thể lại trút vào nàng, thì ta cũng không muốn cho tấm tình của nàng nghiêng trút vào ta; nếu như tấm tình của nàng lại nghiêng trút vào ta thì ta phạm tội lại càng sâu, gây hờn lại càng lắm. Ta rất may rằng trong tâm não ta tịnh không có hai chữ Quân-Thiến, nhưng chẳng hay rằng nàng có biết việc ấy tự đâu đưa đến hay lại lầm tưởng là do ở ý ta; bảo ta là kẻ đại gian, khinh thị nàng là người con gái mồ-côi, mưu cướp hạnh-phúc của người ta, để thỏa sắc dục cho một mình, như vậy thì nàng sẽ oán ta biết bao mà nói. Ta đối với việc này tuy không phải là toàn nhiên vô tội, nhưng nếu lại buộc tội cho ta như thế thì ta dù muốn chết cũng xin chống cãi đến kỳ cùng. Quân-Thiến nàng ơi, chẳng hay có biết việc ấy đứng trong tác hợp, là bởi có người, nàng hóa người đi lấy chồng thay, ta cũng kẻ phải mang lỗi mướn không? Tuy nhiên, việc đó không thể không nói cho Lê-nương biết được.

Quân-Thiến với Lê-nương xưa nay vốn thân yêu nhau không khác gì tình chị em ruột. Lần này nàng về nghỉ mười ngày, hết hạn không thấy sắp sửa đến trường học nữa, đầu đông năm ấy lại đến kỳ thi tốt-nghiệp, công phu đắp núi, chỉ còn thiếu sọt đất là xong, Lê-nương lấy làm tiếc, mấy lần thúc dục. Quân-Thiến nhất định không đến trường nữa, than rằng: « Thôi chị đừng dục em chi nữa, lòng em đã nguội lạnh cả rồi. Từ đây đóng cửa tạ khách, không còn muốn hỏi chi đến việc nhân-gian, pho tượng cổ, ngọn đèn xanh, bầu bạn sớm hôm, em sẽ là ả Tích-Xuân ở trong truyện « Hồng-lâu-mộng » chị ạ. » Nói xong lại thở dài ầm-ầm. Lê-nương nghe nói rất là ngạc-nhiên. Quân-Thiến ở trong trường, học hành rất giỏi, thầy giáo vẫn lấy làm ngợi khen, bè bạn cũng thẩy đều yêu kính, nay thấy nghỉ lâu không đến, ai nấy đều lấy làm lạ, thư thăm giấy hỏi, gửi đến luôn luôn. Quân-Thiến đều thác lời tạ từ và viết một bức thư xin thôi học trình với ông đốc-giáo. Mảnh đất Nga-hồ từ đấy không lại thấy tung-tích của Quân-Thiến nữa; một trường nữ-học có tiếng, nay mất một người học-trò hiếu học, cũng làm cho giảm sắc đi nhiều. Người trong trường biết tin nàng thôi học, ai cũng đều tiếc nhớ phàn-nàn, mà duyên cớ vì sao thì phần nhiều không ai hiểu rõ.

Lê-nương thấy Quân-Thiến thoắt đổi tính trước, rầu ủ không vui, cũng tự lấy làm kinh nghi, mà không biết lấy lời gì yên-ủy. Hai người đối với nhau tịnh không có điều gì ác-cảm, thế mà khi ngồi với nhau lạnh như sương tuyết, chẳng nói mà cũng không cười, cái ái tình viên-mãn của hai chị em, dần-dần giảm kém mãi đi hầu như đến hết, Nghĩ như Quân-Thiến trước đây tính-tình sai lạc, khí-độ ung-dung, tưởng không đến như thế mới phải. Huống nàng với Lê-nương vốn vẫn thân yêu nhau lắm, ngày thường mỗi khi Lê-nương sầu muộn, nàng lại cố bày ra cách vui đùa cười cợt, khiến Lê-nương cũng phải đổi sầu làm tươi; thế mà ngày nay dịch địa đến nàng, Lê-nương cũng muốn dùng cách khuây giải mà lại không thấy có hiệu-lực. Hỏi cái cớ đến nỗi như thế thì trước khi vấn-đề hôn-nhân chưa phát khởi, Quân-Thiến vốn vẫn là Quàn-Thiến ngày xưa. Lê-nương ban đầu vẫn tưởng việc ấy đôi bên thỏa thuận thì sẽ được tốt đẹp mười phân, về phần Mộng-Hà cố nhiên là may mà về phần Quân-Thiến phải đâu không tốt! Lấy mạo mà nói thì Hà-lang đáng sánh Phan-lang, lấy tài mà nói thì Thôi-nữ thua gì Tạ-nữ. Hai người sau này êm chăn ấm gối, lứa đẹp uyên-ương, uống nước nhớ nguồn, ơn ghi mối lái, dùng hết bao nhiêu tâm lực, giúp thành một lứa lương-duyên, dẫu mình vô phận mặc rầu, nhưng lòng cũng được phần yên-úy. Hay đâu người lại khác lòng, tình không chung lệ, tơ điều mới dắt, đầu bạc đã ngâm, duyên lành mà hóa duyên ôi, bụng tốt mà ra bụng xấu, xoay khéo nên vụng, biến vui thành sầu, Quân-Thiến không có một khắc nào tươi cười, Lê-nương còn có một ngày nào hỷ-hả! Ở về Quân-Thiến chẳng qua nghĩ thân mình chủ-quyền không có, tự giận tự thương, đối với Mộng-Hà vốn không có chi căm hờn mà đối với Lê-nương cũng chẳng có gì oán-giận. Nhưng ở về Lê-nương thì một mảnh lòng si, chỉ mong sớm thành việc tốt, không ngờ việc vừa ra mối thì đã có ngay cái trạng-thái bực mình ấy in vào trong mắt, phí biết bao nhiêu tâm-cơ, đổi lấy một trường phiền não, bảo rằng không đau lòng não ruột được sao! từ đó về sau hai người tuy thường vẫn một nhà xum họp, nhưng tịnh không nửa khắc chuyện-trò, một bên thì ôm giận bất bình, một bên thì nỗi lòng khó tỏ, chẳng cười chẳng nói, như gần như xa. Than ôi Lê-nương! lại thêm ra một cái kỳ-khổ vậy. Thế mà ngờ đâu bức thư của Mộng-Hà lại đương trong lúc khổ cực ấy, mà đưa ngay đến trước trang-đài!...

Lê-nương lúc nhận được thư của Mộng-Hà, nghĩ trong thư tất không có việc gì khác, hẳn là chàng đã tiếp được thư nhà mà báo tin tức cho ta biết để ta được đỡ buồn chứ gì? nếu không thì lại là dăm bảy bài thơ gửi đến đòi ta họa lại đó chăng? Hà-lang! Hà-lang! có biết gần đây ta vì việc chàng mà tấc lòng phiền-não, không lúc nào yên? phỏng còn bụng đâu mà giở trò xướng họa thơ văn với chàng được nữa. Lê-nương cầm thư tự nói một mình như thế, yên chí rằng bức thư ấy là cái chổi quét sầu, thang thuốc thêm tuổi cho mình. Hay đâu khi bóc thư ra bất-giác rất là thất-vọng. Bởi vì lời nói trong thư hết thẩy đều ra ngoài ý nàng tưởng-tượng mà là những lời như xiên vào gan ruột của nàng. Lời trong thư thế nào? Lời oán vọng chăng? Lời quyết tuyệt chăng? Lòng người đen bạc, có cam phụ quít, thấy bí quên bầu, phần nhiều như thế, Mộng-Hà là kẻ nhẫn tâm thật, được Thục đã bỏ Lũng đấy ư? Song một người thâm tình như Mộng-Hà lại ăn lời cho béo mà muốn làm một kẻ bạc hãnh thì không có lẽ. Chàng sở-dĩ viết bức thư ấy là vì có điều khích-thích mà phải viết, chứ tấm tình đối với Lê-nương thì dù sống chết cũng không hề đổi thay. Nguyên từ sau khi chàng nghe bài đàn, trong lòng vừa hối vừa hận, kíp muốn viết thư nói cho nàng biết. Trong khi đặt lời, bất-giác thốt ra những lời oán phẫn. Bởi chàng vẫn không biết nàng với Quân-Thiến đã mất cảm-tình với nhau như thế, nếu biết thì có lẽ cũng không cần viết làm gì, mà có biết tất cũng không nỡ nói nặng lời để đến nỗi làm cho nàng càng thêm thống khổ. Toàn thiên bức thư ấy, ký-giả không được nhớ hết, chỉ nhớ một đoạn giữa nói rằng:

« ..........Người ấy không phải là lứa đôi của tôi; tôi lầm nghe lời chị, hối lại không kịp. Xem ra người ấy rất không mẫn-ý đối với việc này, tôi đã dò biết hết; chị sớm tối ở chung, chẳng hay đã dò biết được ý ấy chưa? Việc này đều do ở một mình chị chủ-trương, tôi sợ phiền lòng chị nên phải gượng theo, nay mới biết là chị làm lầm tôi quá. Tôi tự oán tôi, tôi càng không thể không oán đến chị, tôi tự tiếc tôi, tôi lại không thể không tiếc cho người. Tôi vốn không quen, chịu người lấy con mắt lạnh mà đãi tôi, lại cũng không muốn cho ai vì tôi mà phải mất hạnh-phúc........ Chị muốn vo tròn việc ấy là vì ý gì? Há chẳng phải là muốn thoát mối qnan hệ cho mình mà hãm hại người vào cái cõi không chịu nổi ư?..... Tôi yêu chị, tôi quyết không để chị tự-do, tôi quyết không chịu chị ngu lộng. Thôi đi chị ơi! Chị yêu tôi chăng? tuyệt tôi chăng? tôi đều không hỏi. Muốn giải quyết xong điều khó tính, trừ phi thân đến chết thì thôi......... »

Lời thư như thế thực đã rất là sống sượng, bảo rằng Lê-nương chịu nổi ư? Đương khi chàng viết thư, tuy cũng tự biết là quá nặng lời nhưng nghĩ đều là những lời chí tình, tất nàng cũng thể lượng cho được. Giá ở ngày thường thì bức thư ấy cũng không đến nỗi... Nhưng đương lúc trong lòng bứt-rứt về việc ấy, đương mong được có người yên ủy, ngờ đâu lại đều là những giọng oán hờn! Không xét thấy ngoài lời đầy những tình sâu, chỉ nhận thấy trong chữ toàn là gai nhọn. Lê-nương xem hết bức thư ấy, mắt đờ miệng cứng, phát ra cái cảm-giác nước hết non cùng. Quân-Thiến mất quyền tự-chủ mà đem lòng oán vọng đã đành; chứ như Mộng-Hà thì đã biết rõ cái ủy-khúc ở trong, ta đã tổn phí biết bao tâm cơ để mưu cho thành tựu việc này, không vì hắn thì còn vì ai nữa! Thế mà hắn không biết lượng xét, lại còn viết thư trách móc ta! Thử nghĩ việc chung thân của Quân-Thiến thì có việc gì đến ta không? Chỉ vì ta không biết lấy chi đền lại cái thâm tình của chàng, cho nên phải hết sức vo tròn như thế. Nếu ta sớm biết ra nông nỗi ấy thì hơi đâu mà mua lấy những điều oán trách vào mình! Than ôi Mộng-Hà! Anh có phải tim gan là sắt mà nỡ thế ư? Vũ trụ mênh-mang, ta thật không có chỗ nào mà dung thân được nữa. Nghĩ đến đấy lòng đau như cắt, giọt lệ tuôn đầm, càng nghĩ càng khóc, càng khóc càng đau, một bức tờ mây, chỉ chớp mắt đã bị lệ hoa nhuốm khắp, nét mực lèm-nhèm, không còn trông ra chữ gì nữa.

Đêm đến hai canh, đèn khêu một ngọn. Bằng-lang học xong trở ra, Mộng-Hà tự đứng lên đóng cửa, rồi ngồi một mình xem sách. Đêm khuya người mỏi, chưa vội đi nằm, còn nương án mà ngồi ngủ gá. Đương lúc chập-chừng, chợt nghe thấy tiếng gõ cửa rất gấp, hỏi ai thì không thấy trả lời. Cửa vừa mở ra, Bằng-lang chạy vụt ngay vào, đặt một phong giấy ở trên án, rồi lại quay mình ra, không nói một câu nào cả. Mộng-Hà ngạc nhiên liền cầm lấy phong giấy bóc ra thì thấy trong có một bức thư và một quyển sách, lại có một miếng là trắng bọc một vật gì. Trông quyển sách thì tức là quyển thơ « Hồng-lâu ảnh-sự » Lê-nương cầm về xem khi trước. Tập thơ ấy chính nó giới-thiệu cho cuộc tình ái của hai người, Mộng-Hà khi trước có bảo Lê-nương cất đi cẩn-thận để làm vật kỷ-niệm lâu dài, nay tịnh chưa đòi mà trả lại thì chắc là có ý thế nào, khiến người không thể hiểu được. Lại xem đến miếng là thì ra nửa miếng khăn là cũ, những vết lệ lấm-chấm vô số, mà những vết mới hãy còn ướt, sờ ngoài thì thấy mềm nhũn như bông, không biết là trong bọc vật gì. Kíp mở ra xem thì thấy có một vật bóng nhoáng lộ ra ở trước mắt, chính là một mớ tóc mây mới cắt xong. Mộng-Hà chợt trông thấy vật ấy rất là kinh hãi, kế mới nghĩ ra mà rằng: « Lê-nương dễ quyết tuyệt ta đây! Chiếc kéo vô tình, đưa vào mái tóc, nỡ lắm thay! nỡ lắm thay! » Nói thôi liền khóc, nước mắt rơi xuống ướt miếng là, cùng với ngấn nước mắt của Lê-nương hỗn hòa làm một. Một lúc, Mộng-Hà chùi ráo nước mắt, cầm thư mở xem, vừa đọc vừa khóc, chưa hết bức thư mà đã tái xám mặt đi, trông không còn ra hồn người nữa. Bấc thư ấy là Lê-nương phẫn uất lắm mà phải viết, mực nhạt lờ-mờ, dòng thưa chểnh-choảng, khác hẳn với thể cách những bức thư mọi ngày, đủ biết trong khi cầm bút viết can trường rối loạn là thế nào vậy. Thư rằng:

« Anh thật là một người đa tình. Lê-Ảnh này đã được đầm-thấm về tấm tình của anh, dù sống chết vì anh cũng không dám tiếc. Chỉ nghĩ thân mình đã như bông hoa nổi chìm trên mặt sóng, không thể nhờ ngọn gió đông thổi bốc lên cho được nữa, bất-đắc-dĩ mà phải dùng đến chước ấy, mong để đền tấm tình cho anh, và được nguôi chút lòng của tôi hai bên đều lợi, kế ấy chính là hay lắm! Không ngờ vì thế mà đã phải sa lạc vào giữa đám sương mù tối tăm mờ mịt, lúng-túng hầu không có đường lối mà ra. Song còn có một điều có thể tự yên ủy cho mình, là vẫn chắc rằng anh biết lòng cho, vậy nên dù bị oán trách dù phải khó nhọc cũng không dám quản. Nay đọc bức thư của anh làm cho tôi đau lòng vô hạn. Anh nói như thế thì ra anh vẫn chưa biết lòng tôi, vả lòng anh lại chưa từng để tôi vào chỗ nào nữa. Anh nên biết rằng nếu tôi không phải vì anh thì mặc ai lấy vợ, thây kẻ lấy chồng, can-gì đến tôi mà tôi phải làm cái việc đem cành tiếp cây như thế! Chao ôi! Anh với tôi đều vì tình nó làm lầm cả, anh có làm lầm chi tôi mà tôi cũng chưa từng làm lầm chi anh. Nay anh bảo tôi làm lầm anh, tôi còn biết nói làm sao nữa! Tôi lầm anh, tôi không dám lại lầm anh nữa, anh oán tôi, tôi cũng chẳng dám oán anh nào. Nửa năm ân-ái, một giấc chiêm-bao! Chao ôi Hà-lang! Từ đây quyết-tuyệt. Tập thơ « Hồng-lâu ảnh-sự » kính xin trao trả, để rứt mầm tình. Một món tóc xanh, tặng anh lưu làm kỷ-niệm; không phải dám bắt chước Đào-mẫu lưu khách, lại đâu dám học đòi Dương-thị mong yêu, chẳng qua để chém đứt tơ tình, tuyệt hẳn lòng si của tôi mà thôi đó. Tôi thật là con người phụ bạc, phụ sống phụ chết, phụ bạn phụ em; phụ người đã nhiều, phụ mình cũng lắm. Từ nay về sau, kinh Phật sớm khuya, ngồi yên sám-hối, việc đời hay dở, không muốn hỏi han. Mong anh khéo liệu tính toan, Bằnh-lang cũng không dám trọng phiền lắm nữa. Sắc là không, không là sắc, tu trì nên sớm liệu từ đây; duyên hay nợ? nợ hay duyên? đền trả hãy xin chờ kiếp khác. »