Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/25

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI NHĂM. Tin ốm

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI NHĂM
Tin ốm

Trước hoa đầm lệ, dưới sáp thề lòng, vội-vã người về, ngậm-ngùi kẻ ở. Mộng-Hà từ biệt ra rồi, Lê-nương còn ngồi một mình đối ngọn đèn tàn, nghĩ câu chuyện trước; xa nghe tiếng mõ ngoài tường, dục người trướng gấm đẩy gạt bóng trăng trước cửa, khép cánh song the. Song người đi tình vẫn quanh đây, sầu tuôn tựa suối, mắt cay như gừng. Tung chăn trỗi dậy, tựa án ngồi rù, nhìn vào những mảnh giấy biên thơ của Mộng-Hà, dấu mực hãy còn chưa ráo. Ngâm-nga một lượt, khêu động niềm thương, đối bóng ngẩn-ngơ, ôm lòng trằn-trọc, liền cầm bút tục 6 bài rằng:

I. — Trao thư mấy độ lỗi chim xanh,
       Khổ não vì chưng một mối tình;
       Tâm sự còn nhiều khôn giãi hết,
       Gặp nhau ngồi nhẫn lúc tàn canh.

II. — Gỡ sao ra được mối tơ tằm,
        Nghĩ nỗi đường xa những khóc thầm.
        Vàng úa lá thu thân yếu-ớt,
        Chắc gì dai-dẳng một đôi năm.

IV. — Mệnh bạc mong chi được thọ tràng,
          Đẹp đôi ghen với cập uyên-ương;
          Thương cho tổn biết bao tâm não,
          Mua được ngày nay khóc mấy trường.

IV. — Mênh-mang bể hận lấp khôn bình,
          Muốn chết đòi phen chết chẳng đành;
          Dữ-dội phong-ba kinh hãi thế,
          Thương cho ai đó vẫn si-tình.

V. — Phòng quạnh canh khuya khắc lậu tràng,
        Trông nhau ngồi đối ngọn tàn giang.
        Thiêu-thân đừng rập cho đèn tắt;
        Để chiếu cho nhau lệ bốn hàng.

VI. — Cầm tay họp mặt trước song sa,
          Hậu-hội mong gì lại có a?
          Cuốc hạ oanh xuân sầu mỗi cảnh,
          Còn thân chưa hết nợ đâu mà.

Than ôi, ai biết thơ sầu, biến thành sấm dữ! Gái bạc mệnh mong chi thọ mệnh, kiếp hồng nhan khó được khai nhan. Lê-nương vừa lo mình không chắc dai-dẳng được một đôi năm, ai hay trời cướp hồng-nhan, đã sắp sửa diễn ra tấn thảm-kịch nguyệt khuyết hoa tàn, dầu đôi ba tháng cũng không còn dai–dẳng được nữa. Những lời thơ chua xót ấy đã thành ra những bài ứng thù sau hết, mà cuộc hội họp đêm hôm ấy cũng chính là một cuộc giao-tiếp cuối cùng. Từ đó về sau, hai người không còn có dịp nào gặp mặt nhau nữa.

Tiết vừa đầu chạp, năm đến tàn đông, sau hôm họp mặt ba bốn tuần thì đã đến kỳ nghỉ rét. Bấy giờ Thạch-Si lại muốn đi học xa, Mộng-Hà thì sắp về quê, kẻ bắc người nam, bước đường vội-vã. Hai người đi khỏi làm cho trăng gió Dung-hồ phải giảm sắc đi nhiều. Thạch-Si và Mộng-Hà biệt nhau chuyến này, rồi cũng tăm hơi mờ mịt, tin tức xa xăm, mối cảm không cùng, kỳ về khó hẹn. Trước khi đi, Thạch-Si đã đem công việc sang năm ở nhà trường ủy thác Mộng-Hà chưởng-quản, Mộng-Hà có ý muốn từ chức, nhưng vì Thạch-Si khẩn-khoản, bất-đắc-dĩ lại phải nhận lời. Thạch-Si đi rồi, Mộng-Hà thu nép công việc nhà trường, song rồi cũng cất gánh về quê. Bấy giờ Lê-nương lại đã lâu chưa viết thư cho Mộng-Hà. Chàng vì nóng nẩy lòng quê, nên cũng chẳng dò thăm tin tức. Vả nghĩ kỳ khai trường, sang năm thoắt mắt đã đến, vài tuần tạm biệt, hà-tất gửi lời từ giã để thêm cho rối ruột ích gì. Không biết rằng bấy giờ Lê-nương bệnh đã vào tới cao manh, hồn đã chơi gần mộ-địa, cách cái ngày chôn ngọc vùi hương chẳng còn bao nữa. Một bước dời chân, nghìn năm cách mặt, há phải là việc Mộng-Hà kíp tính đến ư!

Lê-nương chết, chết vì Mộng-Hà, thực cũng chết vì Quân-Thiến. Bởi vì nàng từ sau khi cùng chàng họp mặt lần thứ hai ấy, biết rõ tấm lòng chàng thề chết không chịu biến đổi, đáng cười mà thực cũng đáng thương, giọt lệ thương tâm, lã chã khôn ngăn từ đấy. Lại nghĩ đến việc hôn-nhân của Quân-Thiến, gây nên là do ở mình cả, những mong ngày khác họ được vuông tròn đôi lứa, hưởng phúc đoàn-viên, mình may nhẹ-nhõm tấm thân, cắt dây tình-ái. Không ngờ đến nay xem ra thì việc ấy không mong gì sau này được có kết-quả tốt lành. Ta vì yêu Mộng-Hà mà làm lỡ Mộng-Hà, vì yêu Quân-Thiến mà làm lỡ Quân-Thiến. Một người đàn bà như ta mà làm lỡ hai người như thế; huống lại vì tình mà gây nên những tội lỗi ấy, chẳng cũng là quá nặng lắm ư? Ta sống thì tấm tình của Mộng-Hà không bao giờ chịu dời đổi đi, Quân-Thiến sẽ phải sa đắm vào trường bi thảm. Ta chết thì tấm tình của Mộng-Hà đối với ta cũng chết, may ra chàng sẽ cùng Quân-Thiến vợ chồng được hòa hảo chăng! Vả ta đã làm lầm Quân-Thiến rất to, sống cũng không còn mặt nào đối với Quân-Thiến, thì thà rằng chết quách. Ta chết có thể bảo toàn được danh tiết cho mình, thành tựu được nhân duyên cho người, thì lại càng rất nên chết lắm. Từ đấy về sau, Lê-nương bèn định một tấm lòng quyết chết, ngồi cũng nghĩ chết, nằm cũng nghĩ chết, bụng giạ lúc nào cũng để vào đấy, mà không còn để một mối lòng gì ngang ngửa xen vào.

Chí định thác đi, mình khôn sống lại. Thương cho Lê-Ảnh chỉ mong cho mình chóng chết, vậy nên đem cái tấm thân gầy yếu tự đẽo vạt đi, cơm nước không chịu uống ăn, sương gió không lo kiêng giữ, bông hoa yếu ớt, chịu sao nổi đòi cơn giầy đạp tồi tàn. Người ta thấy nàng vẫn đi lại như thường, ai có biết đâu là mầm bệnh nàng đã ương sâu, chửa biết lúc nào nẩy mọc. Không bao lâu mà tâm huyết khô-khan, hình thần tiêu xấu, soi gương nhìn bóng, sắc mặt võ-vàng. Tự biết là kỳ chết đã gần đến nơi, bèn nằm bệt trên giường không trở dậy nữa. Bấy giờ Mộng-Hà cũng vẫn chưa về quê.

Sau ba ngày nữa, Mộng-Hà không cáo biệt mà về, thời bệnh của Lê-nương cũng đã dần nặng. Người nhà đều vào hỏi thăm, trông thấy dong nhan tuy giảm, nhưng cũng vẫn tỉnh-táo như thường, thì đều cho là bệnh yếu soàng, vài hôm sẽ khỏi, vậy nên cũng không chú ý lắm. Duy Quân-Thiến thì lo sợ hiện ra sắc mặt, nhìn Lê-Ảnh khóc mà nói rằng: « Bệnh chị nặng lắm, chị phải nên hết sức bảo trọng mới được ». Ta nên biết rằng Quân-Thiến đối với Lê-Ảnh tịnh không có điều gì oán giận hết cả, chẳng qua hai người đều có cái tâm sự khó nói ra được, cho nên tựa như hững-hờ đểnh-đoảng với nhau đó thôi. Nay Lê-Ảnh ốm, ốm lại rất nặng, Quân-Thiến đối với Lê-Ảnh vốn vẫn có một tấm lòng yêu thương chân thật, há lại chẳng hết lòng săn-sóc hay sao. Song Quân-Thiến tuy săn-sóc, mà Lê-Ảnh lại hững-hờ, tựa như không tự biết là bệnh mình trầm trọng. Quân-Thiến vốn không biết nàng lập chí quyên trần như thế, bèn mưu sự thuốc thang chạy chữa, nói với cha là bệnh chị Lê rất nên quan ngại, phải kíp tìm thầy chữa thuốc mới xong. Thôi-ông vội sai người mời thầy thuốc đến. Thầy thuốc họ Phi tức là người đã chữa cho Mộng-Hà khi trước, là một tay danh-y ở trong vùng. Thầy thuốc chẩn mạch xong, châm chước lúc lâu mới thảo thành một đơn mà rằng: « Hãy thử uống xem, nhưng tôi quyết là vô hiệu. Bệnh này là do ở trong lòng ưu uất, thuốc thang không thể chữa được. Vả ngoại cảm cũng nặng lắm, trước khi ốm, ăn uống thức ngủ đã để cho thất thường; thể-chất phu-nhân lại vốn yếu ớt sẵn, thuốc chữa e rằng cũng khó thành công được. »

Người nhà nghe thầy thuốc nói mới biết bệnh nàng có cơ nguy hiểm, ai nấy lo sợ đều vào hầu hạ cả chung quanh. Bởi vì Lê-Ảnh ngày thường thờ trên hết lễ, đãi dưới có ân, một tay chống vững gia-đình, trọn đời làm điều phúc thiện. Cái môn đình nhà họ Thôi người hiếm cảnh suy, tiêu-điều rời-rạc, nhờ ở một tay chủ-phụ giỏi-giang ấy chủ trì hết mọi công việc, thật chẳng khác như một cây gỗ ở nhà lớn một cột đá ở giữa dòng.

Cha già em nhỏ con thơ, giang sơn gánh vác biết nhờ cậy ai? Những công việc còn phải lo lắng của Lê-Ảnh còn nhiều, lúc này đã đâu nên vội chết. Song nàng sống không thiết nữa, chết đã quyết rồi, trước khi chưa ốm đường chết vẫn tìm, sau lúc đã đau, cơ nguy càng tỏ, không những Thôi-ông và Quân-Thiến lòng lo bối-rối, lễ bái bói toán không thiếu cách gì, tức đến con nụ vú già cũng đều mặt ủ mày chau, kẻ thì thở ngắn thở dài, người thì khóc ngầm khóc ngấm, kẻ chạy suôi, người chạy ngược, ai nấy đều muốn đem hết tâm lực để mong cho nàng được lành như cũ đã như xưa. Chạy chữa mấy ngày, bệnh không thấy bớt. Lê-nương lại không chịu uống thuốc, Thôi-ông phải bách mới chịu gượng uống hết một chén. Song thuốc vào trong bụng cũng chẳng có ảnh-hưởng gì cả, thân thể trông càng thấy héo-hắt đi dần, đành chỉ những cùng nhau than dài thở ngắn mà thôi.

Mộng-Hà về quê đã được 10 ngày rồi. Đi lâu con mới trở về, mẹ già hớn-hở bông huê tươi cười. Huống lần này Mộng-Hà về lại đem theo cả tin mừng về, cảnh nhà càng thêm nhiều lạc-thú. Mộng-Hà nghĩ việc hôn-nhân với Quân-Thiến đã thành thì cuộc xum họp với Lê-nương còn dài, đi đâu mà vội. Hay đâu hữu tình nguyệt nọ, mong chi lên đến giữa trời; vô chủ hoa kia, đã sắp vùi sâu nấm đất. Một dịp đã lỡ đi như thế, trăm thân còn chuộc lại được sao. Khi về chưa rõ bệnh tình, lúc vắng không nguôi mộng tưởng. Lê-nương bấy giờ đã thành ra nửa người nửa quỷ, mà Mộng-Hà khi ấy hãy còn đương như dại như ngây, Sau ba ngày nữa, Mộng-Hà mới tiếp được cái tin kinh hãi lạ lùng. Tin ấy tin gì? tức là một bức thư vĩnh quyết của Lê-nương vậy.

Nhạn kêu một tiếng lưng trời, đưa tin đau đớn rụng rời cho ai! Bức thư ấy là bức thư Lê-nương gượng bệnh cố viết để đưa cho Mộng-Hà làm cái vật kỷ-niệm quyết-biệt. Mộng-Hà đương khi hy vọng tiếp được bức thư tuyệt vọng ấy, chẳng khác như con hươu non xô vào bụng, gáo nước lạnh dội vào lưng, kinh hãi vạn phần, gân óc thẩy đều rung động, trong một phút đồng-hồ không biết là mấy trăm nghìn bận. Đau xót quá mực, đôi mắt trơ ra, không còn có lấy một giọt lệ, chỉ ngồi nhìn bức thư ngay như tượng gỗ, miệng thì lẩm-nhẩm cầu trời khấn đất, xin phù hộ cho nàng nạn khỏi tai qua. Lời thư rằng:

« Lê-nương ốm đấy, ốm đã hơn 10 ngày nay rồi. Khi anh lên đường, Lê-nương đã vừa nhuốm bệnh, sở-dĩ không bảo cho anh biết, là vì sợ anh nghe tin sẽ không yên tâm mà lỡ mất độ về của anh. Anh về cũng không có một lời nào cáo biệt, chắc hẳn cũng vì công việc gấp vội mà nên. Tôi không báo tin bệnh với anh, anh không báo tin về với tôi, hai bên thôi cũng bằng nhau, không còn ai trách ai gì nữa. Lê-Ảnh trong cơn ốm, cũng không có gì là khổ lắm, chẳng qua một phen cảm-mạo, chưa đến mười phần hiểm-nguy. Anh nghe tin này, vì Lê-Ảnh thương thì nên, vì Lê-Ảnh sầu thì không nên lắm. Song tấm thân yếu ớt, đã bị ma tình dần-vật, lại thêm quỷ bệnh giầy-vò, dầu nhuốm bệnh soàng, cũng hay lo sợ. Dù chết không tiếc; đến chết mới xong. Lúng-túng lưới tình, không hay lối gỡ, đắm chìm bể ái, chẳng biết đường lên, như thế chẳng khác gì người chui vào nằm trong quan-tài mà cầu sống vậy. Cứ cái tâm tình lúc ngày thường của Lê-Ảnh, vốn đã sớm biết rằng tất chết, vậy nên lâm vào ốm yếu thì đã thấy toàn-đài chẳng cách bao xa. Rất e trong buổi sớm chiều, hoa rụng trăng tàn, mối tình thiếp hãy vấn-vương tơ, mạch hận chàng tuôn man-mác bể. Huống chi Lê-Ảnh sống dẫu không chi đáng tiếc, chết còn có mối khôn yên: Bảy tuần thân lão, sáu thước con côi, giúp đỡ trông nom, trừ tri-kỷ ra phỏng còn trông cạy vào ai nữa! Ấy là những việc chưa rồi của cái đời Lê-Ảnh này đó, Lê-Ảnh nếu chết, mong anh sẽ vì Lê-Ảnh mà cáng-đáng hộ cho. Trong cơn mê-mệt, nhớ kẻ thâm tình, tựa gối viết thư, lệ hòa với mực. Hà-lang! Hà-lang! e rằng tôi sắp cùng anh vĩnh biệt mất. Tôi về tiên-giới, anh ở nhân-gian, Tân-di một gốc, cũng đủ tiêu sầu, xin đừng tiếc đến bông hoa Lê chi nưa. Nghiệt duyên đã hết, diện-phúc còn dài, kính xin trân-trọng ».

« Ngày 9 tháng chạp năm Kỷ-dậu,

« Bạch-Lê-Ảnh tựa gối khóc viết ».