Bước tới nội dung

Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/26

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI SÁU. Hóa quyên

CHƯƠNG THỨ HAI MƯƠI SÁU
Hóa quyên

Đoạn trường chữ thảo, xa xăm gửi cánh chim xanh; bạc mệnh kiếp thừa, đau-đớn chôn tầng đất đỏ. Sau khi Mộng-Hà đọc bức thư ấy, kinh hãi hồi lâu mới định thần, trong bụng lại sinh nghi hoặc. Nghĩ lại cái đêm hôm ấy trăng lạnh đèn mờ, đài-trang họp mặt, tuy trông nàng ngọc-dung thảm-đạm, đầu mày cuối mắt, có chứa chan những nét u sầu; song phong thần ngọc đứng, tâm tích băng trong, trong cơn sầu tủi mà vẫn không giảm vẻ xinh đẹp thiên-nhiên, tuyệt nhiên không có gì là cái trạng thái yếu đau cả. Thế mà đến nay thấm-thoắt chưa bao, sao đã vội đến ốm, ốm sao vội đến chết, vậy thì cái tin tức đó hoặc cũng còn có chỗ nên ngờ: như trong thư nói thì khi ta về, nàng đã bị ma bệnh giầy-vò; ta vì bối-rối lòng quê, thành ra trong lúc lên đường cũng chẳng có một lời hỏi han và cáo biệt. Sơ tình quá đỗi, phụ lòng tri-âm! Nàng dù không trách ta, nhưng ta nghĩ lại mà há chẳng trong lòng tự thẹn! Có một điều lạ là thằng Bằng-lang đáng yêu kia, ngày thường nó vẫn chạy đi chạy lại, thông truyền tin tức cho hai người, phàm mẹ nó khi tắm khi gội, một nói một cười, nó đều kể cho ta biết hết; vậy mà lần này mẹ ốm, sao nó cũng bắt chước người vàng buộc miệng, mà không làm ả ngọc truyền tin? Hoặc-giả Lê-nương dặn nó đừng nói với thầy, tức như trong thư có câu nói sợ lỡ mất kỳ về của ta đó chăng? Than ôi chị Lê! Chị quả ốm ư? Chị quả ốm nặng ư? Chị nói ốm cũng không khổ lắm, có thật thế chăng, hay là nhịn khổ để yên-ủy ta chăng? Lúc mới ốm đã giấu không cho ta biết, nay bỗng báo cái tin dữ này, thì chắc hẳn là bệnh có phần quan-ngại. Than ôi chị Lê! Bệnh chị quả có cơ nguy ư? Tình duyên kiếp này chỉ vài lần gặp mặt mà kết liễu ư? Đạo trời mờ mịt, đến như thế ư? Mộng-Hà bấy giờ mắt nhìn tờ lệ, hồn ruổi buồng hương, than thở một mình, bàn-hoàn với bóng. Muốn thân sang thăm thì nói vì cớ gì cho tiện, hành động đâu đã được tự-do! Bỏ liều thì lòng những bồn-chồn, yên sao cho được! Từ đấy ủ mặt chau mày, quên ăn bỏ ngủ, ngày dài ngơ-ngẩn, đêm vắng bàng-hoàng! Nhân làm bài thơ để tả sầu rằng:

Giang hồ mái tóc điểm hơi sương,
Gượng-gạo cho qua kiếp đoạn-trường;
Tình nọ đã nên duyên vấn-vít,
Sầu kia còn nặng nợ đa-mang;
Chênh-vênh trăng nước chia đôi mảnh,
Mù-mịt mây trời cách một phương;
Đôi ngả người xa chung cảnh ấy:
Nương song khóc ngấm lệ muôn hàng.

Tiên thơ xếp đống, sứ nhạn tuyệt mù, muốn gửi người xa, khôn tìm lối tiện. Bởi vì bấy giờ Lê-nương đương nằm trên giường bệnh, nếu mình do trạm gửi thơ đến thì mong chi thẳng tới trang-đài! Lỡ ra bị người khác dòm thấy cái bí-mật ở trong, họ sẽ vin lấy mà cho là cái duyên cớ Lê-nương phải ốm, thì nàng biết nói làm sao được. Như vậy là mình muốn yên-ủy lại thành ra làm khổ cho nàng. Huống chi lời thơ lại đều là những giọng thương tâm chứ không phải là lời thăm bệnh, nàng đương cơn bệnh khổ, sao nên đem những lời sầu giọng thảm ấy, để làm cho thuốc thêm mùi đắng, gối đầm giọt châu. Nghĩ đến như thế, chàng lại gác bút ngừng thơ, không viết một chữ nào đáp phúc. Chỉ đem bức thư của Lê-nương mà đọc đi đọc lại, có lúc đập bàn vùng dậy, ngửa cổ kêu trời, có khi suốt buổi ngồi rù, chẳng cười không nói, điên chẳng phải ốm cũng chẳng phải, người nhà đều không hiểu duyên cớ làm sao. Luôn thế 3 ngày, chàng không một khắc nào quên nàng, những mong bạn vàng mạnh giỏi, chóng được tin tốt đưa sang, để yên-úy cho mình trong cơn sầu muộn. Hay đâu mộc bút khoe xuân, ngòi viết đề-hồng vừa dạm thử, Lê-hoa chôn nguyệt, bức thư phi-bạch vụt đưa sang. Vừa khi nguyên-đán tiết lành, gặp khoảng trời tình tin dữ. Pháo ran khắp đất, chẳng báo bình an; bùa rán đầy nhà, không trừ tai ách. Than ôi Lê-nương chết mất rồi!

Lê-nương chết rồi! Kẻ viết đến đây cần phải thuật rõ bệnh tình trước khi nàng chết và thảm trạng trong khi nàng chết. Song đến lúc này, kẻ viết cũng không nỡ đang tay hạ bút, viết chưa thành chữ mà giọt châu đã thấm khắp tờ hoa; bởi vì cái tình-trạng ấy là cái tình-trạng chí thảm ở nhân-gian vậy. Việc dẫu đối với mình tuyệt không quan-hệ, nhưng làm người ai chẳng có tình! Trời già độc-địa làm sao, đa tình như Lê-nương, đa tài như Lê-nương, mệnh mỏng như mây, thân khinh tựa lá, sầu đè hận ép, ruột não lòng đau, một sớm ngọc nát châu chìm, hương tiên hồn hóa, bước vĩnh-biệt vội vàng người bạc mệnh, buổi trùng lai hờ-hững khách thư-sinh; kiếp sau mờ-mịt, uyên-ương uổng chúc đời dài; duyên trước lỡ-làng, hồ điệp vội tàn mộng ngắn; thực đã đáng thương xót biết là bao nhiêu! Lấy một bác Giang-lang tài kém, tả một thiên hận-sử thương tâm, bảy sầu vẽ hận, xót mất thương còn, cầm bút ngậm-ngùi, ruột khô muốn đứt. Tình căn chửa chết, đem đầu muốn lạy bên hoa; văn tự không thiêng, gửi giận chỉ nhờ ngọn cỏ. Ai kia kết cục, rất giống Tần-nhi; ký-giả bất tài, muốn làm Ân-Hạo. Trời biếc hỏi không thấy nói, bể biếc mênh-mang; đất vàng đào được lên đâu, bụi vàng mờ-mịt. Bởi nghĩ được bao tri-kỷ huống trong làng hồng phấn phiêu linh, đừng rằng việc quái chi tấm mình, mà để thanh sam tầm-tã! Vì Lê-nương khóc, lại vì hết thẩy những người con gái bạc-mệnh trong thiên-hạ như Lê-nương khóc, tiếng tiếng đeo hờn, câu câu đứt ruột; tưởng các bạn độc-giả, cũng muốn cùng tôi góp chung giọt nước mắt đồng-tình.

Lê-nương chết đi, việc rất đáng lạ, mà tình rất đáng thương. Bởi vì Lê-nương không nên vội chết, vả lại có cái thể không chết. Không nên vội chết mà đã chết, có thể không chết mà lại chết, chỉ vì cái tình nó làm hại mà nên. Từ xưa đến nay những người gái si phải chết về tình cũng nhiều, nhưng chưa có ai dụng tâm quá khổ đến như nàng vậy. Trước khi chưa ốm, tự biết tất ốm, sau khi đã ốm, tự biết tất chết. Chết đi lại còn lo những công việc chưa rồi còn lại, vậy nên phải gượng ốm viết thư đưa cho Mộng-Hà, ân-cần đem việc sau ủy thác. Nhưng lời nói lại ngăn đi đón lại, tựa như vị tất đã chết hẳn. Bởi vì ý nàng vốn không muốn cho chàng biết mình ốm, lại không muốn cho chàng biết mình chết. Bức thư ấy ở người khác thì là một bức bệnh-trung-thư, ở nàng thì là một bức tuyệt-mệnh-thư.

Từ đó về sau, bệnh-thế ngày càng nguy kịch, lúc thì tỉnh-táo, lúc lại mê-man, trong khoảng sớm chiều, biến đổi không biết bao nhiêu trạng thái. Người nhà thấy thế, trông nhau thất sắc, thuốc thang lễ bái, đều chẳng thấy có công-hiệu gì. Đến bấy giờ Lê-nương đã hai tuần-lễ không ăn uống gì, xương gầy như que, mặt khô như ngói; gia-dĩ lại ho đờm rất dữ. Nàng tự biết là mình đã nguy ngập đến, trong bụng không còn nghĩ ngợi gì nữa, chỉ nằm nhắm mắt để đợi chết mà thôi. Người ốm thì không muốn cho khỏi chút nào, thế mà tấm lòng hy-vọng của người nhà thì theo bệnh cùng tăng, suốt ngày cuống quít chạy chữa nhưng cũng không hề bổ ích trong muôn một. Lê-nương trong khi ốm không thích cùng người nói chuyện, họ hàng làng xóm đến thăm đều tạ tuyệt hết; ngay đến những bọn vú già con đỏ, cũng không mấy lúc cho được trông thấy mặt mình. Gần-gặn ngày đêm, chỉ duy có một Bằng-lang và một Quân-Thiến. Quân-Thiến thấy Lê-nương bệnh tình nguy hiểm, hằng ngày quanh-quẩn luôn ở bên giường, phàm việc thuốc thang đều tự tay đun lấy và đổ rót cho nàng, tựa như muốn cùng cái bệnh-ma vạn-ác kia tranh lại lấy một người sắp bị bắt cướp. Lê-nương ý không muốn như thế, nói mọi việc hầu-hạ đã có Bằng-lang và con Thu, phiền cô như thế, làm cho chị càng thêm nặng tội. Quân-Thiến nghe nói càng khóc-lóc chứ không chịu ra. Lê-nương cũng thở dài mà không nói gì. Than ôi! Từ khi Lê-nương ốm nằm đến nay, trong lòng Quân-Thiến lúc nào cũng lo buồn, không hề có một ngày nào dời khỏi giường bệnh, vạt áo lúc nào cũng ướt đầm nước mắt, duy không dám để cho Lê-nương trông thấy mà thôi. Vậy mà Lê-nương đối lại, lại không được thân nhiệt như xưa; đã đành đương cơn ốm yếu, khó chịu trong mình, nhưng tưởng cũng không nên lạt-lẽo hững-hờ như thế mới phải. Quân-Thiến nhân thế lại nhớ đến trước đây vì vấn-đề hôn-nhân phát khởi mà hai người đã hơi có ý bất hài, nay nghe giọng nói của Lê-nương thì tựa như trong lòng hãy còn chứa chất. Hoặc-giả phen này chị ốm là gieo nhân từ độ ấy chăng? Quân-Thiến nghĩ đến như thế mà trong lòng hối-hận vô cùng, lại càng hết lòng mong mỏi cho Lê-nương được khỏi. Nàng nghĩ trong bụng: Nếu mà chị Lê qua khỏi thì ta còn có thể chuộc được lỗi trước; chẳng may mà chị Lê đến chết, thì thật là ta giết chết chị ta; mối hận xuốt đời dầu sám-hối còn sao kịp nữa! Quân-Thiến nghĩ như thế lại càng hết sức lo sự trông nom chạy chữa, để làm cái kế bù lỗi cho mình. Than ôi, có biết đâu rằng tấm lòng Lê-nương thực có mối không thể vội đem nói được với nàng, nay thấy nàng khẩn thiết khác thường, lại càng áy-náy không yên, trong lòng lại chỉ mong cho sớm chết đi được ngày nào để đỡ chịu những nỗi khổ tâm ngày ấy. Than ôi! thực là thảm thay!

Ngọn đèn xanh lét, gối lệ đỏ ngầu. Lê-nương rên-rỉ thâu đêm. Quân-Thiến chăm nom suốt sáng. Một đêm kia thế bệnh Lê-nương đột nhiên giảm bớt, ho cũng thưa đi nhiều lắm, thần chí tỉnh-táo như khi mạnh, Quân-Thiến thấy thế trong bụng mừng thầm. Chợt Lê-nương nói rằng: « Cô hậu-tình với tôi quá, tôi hận không biết lấy gì để đền báo lại. Cô cũng là người chất yếu, phỏng có được bao nhiêu tinh-thần, khó nhọc quá thế họa lỡ lại cũng ốm như tôi thì sao? đêm nay tôi thấy mỏi mệt muốn ngủ, vậy không cần phải người ngồi làm bầu bạn, cô cũng nên đi ngủ để dưỡng lấy sức khỏe. » Quân-Thiến còn trù-trừ không đi, Lê-Ảnh lại hai ba lần thúc dục, mới chịu trở về phòng nằm ngủ. Bấy giờ trong phòng Lê-nương còn có một mình Bằng-lang hầu-hạ. Bằng-lang từ sau khi nàng ốm, thì nghỉ học để hầu bệnh, suốt ngày quanh-quẩn bên giường, không dời ra lúc nào. Nó còn ít tuổi, nhưng rất có ý tinh, thấy mẹ ốm cũng biết chăm nom săn-sóc, mẹ buồn cũng buồn, mẹ khóc cũng khóc, đôi má thường hoen ngấn lệ châu. Đêm hôm ấy thấy bệnh mẹ đột-nhiên bớt đi, bất-giác cũng vui mừng lộ ra sắc mặt; bèn đến dưới đèn cầm cái thoa gõ, miệng thì nghê-nga hát-hổng để làm cho mẹ được vui lòng. Nàng gọi mà bảo rằng: « Con có mỏi không? Mỏi thì đi ngủ. » Bằng-lang vội nói rằng: « Con không mỏi. Con đợi mợ ngủ rồi con mới đi ngủ. » Nàng cười mà rằng: « Này con, thế hoặc mợ cứ thức mãi không ngủ, con cũng không ngủ ư? hoặc mợ lại ngủ mãi không tỉnh thì con sẽ thế nào? » Bằng-lang không hiểu ý nói, chỉ nhìn vào mặt mẹ. Khi nàng nói; mắt nhắm lim-rim tựa như muốn ngủ. Bằng-lang bèn im không nói nữa để cho mẹ được ngủ yên. Một lát nàng chợt gọi Bằng-lang bảo lấy cái hòm con ở đầu giường. Cái hòm ấy bằng đồi-mồi, nhỏ độ đẫy thước, làm rất tinh xảo, là một vật để trong chốn khuê-môn dùng đựng các đồ trang-sức. Bằng-lang lấy đến để ở cạnh gối. Lê-Ảnh bảo mở ra. Khi mở ra rồi thì trong đó có một bó thư từ, nàng kiểm xem một lượt. Kiểm xong bảo nhắc cái đèn để lại gần, rồi kề bó thư vào ngọn lửa mà đốt vèo đi cả. Bằng-lang kinh sợ toan rập tắt thì chỉ chớp mắt bó giấy đã thành ra tro tàn. Bằng-lang lại bưng cái hòm để vào chỗ cũ rồi quét sạch tàn giấy ở mặt đất. Bấy giờ đã đến nửa đêm, trông Lê-Ảnh thần sắc vẫn như thường, không thấy có gì biến thái, Bằng-lang mỏi mệt bèn mặc cả áo mà nằm ở cạnh giường.

Bằng-lang đã ngủ, tiếng ngáy kho-kho, ước hai giờ đồng-hồ thì Lê-nương nổi một trận ho rất dữ, Bằng-lang đương trong giấc ngủ, nghe tiếng vùng dậy trông thấy nàng hai mắt nhìn thẳng, đôi tay vuốt ngực, cơn đờm ngẹn cổ, tiếng thở ầm-ầm, hình trạng rất đáng ghê sợ. Liền gọi: « Mợ ơi! Mợ ơi! » Nhưng thấy lắc đầu không đáp. May ngọn đèn hãy còn chưa tắt, Bằng-lang vội ra mở cửa, chạy đến trước phòng ngủ Quân-Thiến, đập cửa gọi rằng: « Cô ơi! Cô ơi! Mời cô dậy mau!... Mợ cháu bệnh nguy đến nơi rồi!! » Tiếng to và gấp, hòa lẫn với tiếng khóc. Quân-Thiến giật mình tỉnh dậy, vội vàng khoác áo chạy ra, theo Bằng-lang đến thăm Lê-nương. Bấy giờ Lê-nương vẫn đương ho dữ, hơi thở phào-phào, tựa như tắt nghỉ chỉ ở trong chốc lát. Quân-Thiến thấy thế chân tay cuống-quít. Một lát thấy Lê-nương tắc nghẹn ở cổ, tựa như có cái vật gì muốn bựt nẩy ra. Quân-Thiến vội lấy cái ống nhổ đón lấy thì Lê-nương thổ ra một mẻ rất nhiều, mà sực lên những mùi tanh. Nàng thổ xong, Quân-Thiến cầm soi vào đèn thì thấy đầy ống đều những máu, sợ quá hầu tái mặt đi. Lại trông vào nàng thì thấy hơi thở yếu dần, sắc mặt bạc nhợt. Nàng sẽ nói: « Tôi thấy ở cổ có mùi tanh, chắc là trong ống thổ có vẻ gì lạ! » Quân-Thiến nói: « Không, chỉ có những đờm đấy thôi. » Lúc nói đưa mắt cho Bằng-lang, ý bảo giấu cái ống nhổ đi, lại lấy lưng chén nước chè nóng đưa cho nàng xúc miệng. Bấy giờ trời đã sáng bạch, người nhà dậy cả, đều đến hỏi thăm về bệnh-trạng đêm qua; thấy Quân-Thiến và Bằng-lang đều đã thành ra « người lệ » cả rồi, biết là có biến, ai nấy đều nhìn nhau ngơ-ngác. Quân-Thiến xua tay bảo đừng đánh tiếng, dặn Bằng-lang ngồi coi bên cạnh, mình thì đi ra tìm cha già. Bọn người nhà cũng đều theo ra. Quân-Thiến gạt lệ kể bệnh trạng cho mọi người nghe. Bọn người nhà ai nấy đều ngập-ngừng muốn khóc. Vừa bấy giờ Thôi-ông cũng đến, kíp sai đi mời thầy thuốc. Thầy thuốc đến xem bệnh xong, ra bảo rằng: « Máu tim đã kiệt, cơ nguy đã bày, rễ cỏ vỏ cây, còn làm gì được, Nên kíp liệu lý mọi việc sau đi thôi, bệnh-nhân khéo lắm chỉ còn được độ nửa ngày nữa. » Nói xong, không nhận món tiền bốc thuốc, lên xe ra về.

Đến bấy giờ người nhà đều biết là Lê-nương không thể cứu lại được nữa, ai nấy đều khóc thất thanh đi, Thôi-ông cũng dàn-dụa đôi hàng, trong nhà biến ra thành một cái thế-giới nước mắt. Một lát, Quân-Thiến lau mặt đứng dậy mà rằng: « Cứ ngồi mà khóc cũng vô ích. Nay người bệnh hãy còn tỉnh táo, lời thầy thuốc nói sao đã nên vội tin. Một hơi thoi-thóp hãy còn, may ra tôn tổ linh thiêng, nghĩ đến cái cảnh ông già cháu dại, rồi đây không ai thờ phụng chăn nuôi, trong cõi minh-minh sẽ vãn hồi thọ-mệnh cho chăng, thì bệnh có thể khỏi cũng chưa biết được. Nếu quả đã đến tuyệt vọng, thì việc sau chính nên dự bị. Cửa nhà suy sút, thân-thích có ai? nào ai người viếng thăm? nào ai người giúp đỡ sắm sửa y khâm quan-quách? Vậy đều phải liệu mua sẵn sàng mới được. Há phải cứ ngồi khóc mà xong việc được đâu! » Thôi-ông nói: « Quân-nhi nói phải đấy. Bây giờ nên vào thăm xem người bệnh có biến thái gì không. may ra mà có chuyển cơ thì thật là phúc lớn bằng trời bằng bể. » Nói xong, cùng Quân-Thiến vào, lũ người nhà cũng đều theo vào.

Ngày trắng đương trưa, kê vàng đẫy giấc. Bấy giờ cả nhà đều họp tập ở trong phòng bệnh, vô số những con mắt rưng-rưng giọt lệ, nhìn cả vào khuôn mặt Lê-nương. Lê-nương lúc ấy đôi mắt buông rèm, hơi thở đứt nối, thần sắc trông đã mất hết. Một lát chợt thấy vẻ mặt đỏ hồng, trông như hoa đào, biết là bóng tàn phản chiếu, cả nhà ai nấy đều hoảng-hốt, mà cũng bó tay hết chước. Bằng-lang thấy sắc mặt mẹ hồng-hào, tưởng là bệnh có cơ bớt, lấy làm mừng rỡ, kế thấy mọi người lo sợ, mới biết như thế không phải là điềm tốt, liền khóc òa lên. Lê-Ảnh chợt giương mắt trông Thôi-ông mà sẽ nói rằng: « Bệnh con dễ không khỏi được nữa! Con xấu số không được sống lại để thay chồng con thờ cha cho trọn đạo hiếu, giữa đường lại bỏ cha mà đi, khiến cha trong lúc tuổi-già, lại phải trải cái cảnh thảm thương này nữa! Sau khi con chết xin cha cũng đừng quá thương xót mà càng nặng thêm cái tội nghiệt cho con. Có Quân-cô đấy thì việc thần hôn đã có người đỡ thay, con chết may còn nhắm mắt được. » Kế lại nhìn vào Quân-Thiến, như muốn nói mà lại im lặng, sau mới nói rằng: « Chị phụ em! Chị phụ em! Mong rằng em nghĩ đến cái tình thân ái mười năm, còn thằng cháu đó, sau này nhờ em nuôi dạy hộ ». Quân-Thiến nghe nói đau xót quá đỗi, chỉ gọi được một tiếng « Chị ơi! » thì nước mắt đã tràn-trụa ra. liền lấy vạt áo bưng mặt mà không nói được nữa, Lê-nương nói xong lại thở, một lúc mới gọi Bằng-lang đến trước mặt cầm tay mà dặn rằng: « Con ơi!.... Con yêu của mẹ ơi!..... Con đã không cha, nay lại không mẹ nữa. Mẹ bỏ con mà đi, con cũng đừng khóc nữa. Nay về sau thờ ông vẫn giữ như ngày thường, thờ cô nên cũng như thờ mẹ, thờ thầy nên cũng như thờ cha, ba lời ấy con nên ghi nhớ ». Bằng-lang khóc lóc vâng mệnh. Lê-nuơng dặn dò xong mọi việc, mỉm cười mà đi. Lúc nàng chết, có mùi hương lạ bay thoảng đầy nhà, trên không văng-vẳng tựa như có tiếng đàn tiếng sáo. Bấy giờ là lúc 4 giờ 1 khắc chiều ngày 30 tháng chạp năm Kỷ-dậu (1909); Lê-nương vừa 27 tuổi đầu. Than ôi! Trống chạp một hồi, hoa tàn tự rụng, giường lim ba thước, ngấn lệ còn hoen. Si tình khó chết hẳn đi, ngực còn âm-ấm; gia sự nói làm sao siết, trời hỡi xanh xanh. Một mảnh má hồng; hoa sung sớm rụng, nghìn thu máu đỏ, tiếng cuốc còn dài. Kiếp khác mập-mờ, hận này giằng-giặc. Chao ôi xót thay!