Bước tới nội dung

Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ TƯ. Duyên Văn

CHƯƠNG THỨ TƯ
Duyên Văn

Cổ-nhân có câu: « Được một người tri-kỷ, có thể một đời không phải oán hận », lời ấy có ý cảm khái về nỗi tri-kỷ khó tìm. Tri-kỷ là biết mình, hai người cùng biết rõ lòng nhau, mình lấy họ làm tri-kỷ, họ cũng lấy mình làm tri-kỷ. Hai người cùng biết nhau, cho nên cùng cảm nhau. Đã cùng cảm nhau thì sang hèn không biến chí, sống chết không đổi lòng, một lời mà trao, trọn đời vẫn giữ. Ấy tri-kỷ sở-dĩ khó là vì thế, mà nhất là đương lúc phong trần lận-đận, túng đất cùng đường, mà muốn tìm được một người tri-kỷ thì lại càng khó lắm. Khách văn-chương nặng lòng ôm nỗi bất bình, có tài không gặp, trôi giạt lênh-đênh, cảnh-ngộ éo-le, tâm-tình uất-ức, tháng ngày lần-lữa, chí-khí tiêu mòn, người đời thấy những lũ miệng vàng[1], đường thế gặp tinh phường mắt trắng, bể người man-mác, biết mình là ai? Bất-đắc-dĩ phải tìm bạn ở trong làng phấn son, gặp được thục-nữ tình sâu, giai-nhân mắt sáng, thương người lưu-lạc, trọng kẻ tài-hoa, một buổi hàn huyên, áo xanh đầm lệ; ba sinh nguyền ước, máu đỏ chiêu hồn, bên quần hồng, quốc-sĩ cúi đầu, cảm lòng luyến ái; trước gương ngọc mỹ-nhân chau mặt, xót bạn trầm-luân, nhiễu điều bọc lấy giá gương, đồng tâm đồng mệnh ta thương nhau cùng. Ấy Hầu-triều-Tôn chung tình với Lý-hương-Quân, Vi-si-Châu nghiêng lòng với Lưu-thu-Ngân là vì thế đó. Mộng-Hà với Lê-nương chính cũng như thế; chỉ khác là kẻ thì ngao du ở chốn phồn-hoa, người thì lưu-lạc đến nơi hoang quạnh, kẻ thì là cô đầu xóm nguyệt, người thì là gái góa buồng thu, tình kia cảnh nọ, cay đắng dường nào, cũng kiếp đắm chìm, chung lòng thương xót. Vậy thì Mộng-Hà với Lê-nương sự chung tình khuynh tâm với nhau so với bọn Hầu, Lý, Vi, Lưu, lại chẳng phải gấp lên mười lần ấy sao!

Thương biệt thương xuân, ta là Đỗ-Mục, đa sầu đa bệnh, mình giống Thôi-nương. Mộng-Hà tuy trộm liếc Lê-nương ở dưới trăng, Lê-nương cũng thừa biết Mộng-Hà ở trong cửa. Mộng-Hà không thể quên Lê-nương được, Lê-nương dễ có thể quên Mộng-Hà sao? Đã không quên nhau tất phải tìm cách để thông tình với nhau. Song hai người bấy giờ tuy mầm tình đã nẩy, sóng tình đã sôi, mà còn vì nhiều lẽ phải e-lệ giữ-dìn, chưa dám vội đưa nhau vào đường tình được. Chàng muốn tỏ lòng, nhưng e nước chảy vô tình, bẽ-bàng biết mấy; nàng toan ngỏ ý, nhưng ngại tường nhà có ngách, tăm-tiếng thì sao? Cờ lòng phất-phới, một lối như nhau; tơ tình vấn-vương, đôi nơi chẳng khác. Gác gấm bóng người, song thơ tiếng học, như liền như cách, trong gang tấc lại gấp mười quan-san. Rắp lên cung Quế, hãy chờ mượn búa Ngô-Cương; muốn đến non Bồng, còn đợi thuận buồm Vương-Bột. Dưa thong-thả tới mùa sẽ chín, mía dần-dà đến gốc mới ngon. Thế là hai tình do tan mà hợp, từ nông đến sâu, dần-dần đến cái lúc khăng-khít keo sơn, kể cũng phải tốn nhiều công lắm. Lá thắm cạn dòng, chim xanh dứt nẻo, mối-manh tin-tức, chỉ nhờ ở ngòi bút mảnh giấy mà thôi.

Bóng chiều phai nhạt, sương tối mịt-mờ; hoa rụng đầu cành, gió bay tràng áo. Non xuân xanh biếc, dòng nước trong veo, hình non đảo ngược dưới dòng sâu, sọng động rung-rinh, vẽ ra cái cảnh thật là kỳ-diệu. Mấy lớp nhà tranh, ngọn khói bốc lên nghi-ngút, làm trò múa rối trên từng không. Bên sườn núi, ngoài bãi sông, anh tiều gánh củi, cậu mục gõ sừng, vừa đi vừa hát nghêu-ngao, như điểm xuyết thêm cho phong-cảnh. Bên nhịp cầu mấy gốc cây già, cành cây như vẽ, chim hôm về đậu, xào-xạc kêu ran, tựa hồ như bảo ai rằng: « sương lạnh trời chiều, về đi kẻo tối », khách qua đường nghe tiếng, đố ai không trạnh lòng. Cảnh vật bốn bề, thật là một bức tranh « cảnh chiều nhà quê » tuyệt đẹp. Qua cái cầu đi sang phía tây, trên dậu hoa dâm-bụt, thấy lộ ra một góc tường vôi, nhà con một nếp, cây bọc bốn bề, cũng phảng-phất có cái thú rừng, suối, ấy là lớp nhà sau của họ Thôi đó. Đôi cánh kiền-khôn, song then suốt buổi. Bên trong cái cổng có một cái vườn nhỏ trồng rau, trông cũng tốt-tươi. Qua cái vườn thì đến lớp nhà con, ấy chính là phòng sách của Mộng-Hà. Bấy giờ ở trên cầu có một người đương đi, chân bước vội-vàng, vành mũ thỉnh-thoảng lại đụng vào cành cây lạt-chạt, trông lớp nhà nọ, mà giảo bước về. Ấy là ai? Ấy là ai? Chẳng phải là Mộng-Hà ư? Mộng-Hà đi đâu về? Chàng ở trường học về đó. Ở trường về sao chàng đi đứng vội-vã thế? mặt mũi ngơ-ngác thế? Chim hót sương sa, cảnh chiều đẹp thế, sao chàng lại chẳng hãy dừng bước lại ở dưới bóng tà-dương một lát mà ngắm trông phong-cảnh bốn bề? Số là chàng dạy học, suốt ngày mỏi-mệt, đương muốn nghỉ-ngơi; lại thêm tơ-tình vướng-vít, nỗi lòng ngổn-ngang, ba thu họp một ngày giằng-giặc; trước án nằm khàn, ngâm thơ, đọc sách, còn có thể giải sầu tiêu muộn, chứ những cỏ nội hoa ngàn, mọc bên đường cái, đã đâu khiến chàng phải động lòng.

Đẩy cổng bước vào, nhà không lẳng-lặng, thằng nhỏ đâu gọi cũng không thưa. Ngày thường Mộng-Hà đi ra trường vẫn khóa cửa nhà sách lại mà giao thìa-khóa cho thằng nhỏ; hôm nay chàng về đã thấy cánh cửa ngỏ sẵn là cớ làm sao? Bước chân vào nhà, trông thấy cái hiện-tượng trong nhà, càng làm cho chàng không thể không sinh lòng thác-ngạc. Sách vở trên án đều thấy thay đổi cả vị-trí, kiểm xem thì không mất gì mà duy có tập thơ « Hồng-lâu ảnh sự[2] » thì sớm đã không cánh mà bay, tìm lục mãi cũng không thấy đâu. Trông xuống dưới đất thì thấy một đóa hoa trà-my đã héo nhưng hãy còn thơm, cầm ngắm-nghía xem thì thấy ở cuống hoa có một lỗ nhỏ, nhận ra đích là vết trâm cài. Chàng giật mình nghĩ ra mà rằng: « Vào nhà này chắc là Lê-nương! Lê-nương biết thơ, cho nên mượn tập thơ của ta về đọc. Bông hoa rơi lại đó, hữu ý chăng? vô ý chăng? » Chàng nghĩ thế rồi vừa mừng vừa sợ lại vừa ngờ, trong quả tim sóng máu dập-dờn, lưới tình lại quấn chặt thêm vào lượt nữa.

Cửa sổ tối mù, ngọn đèn sáng tỏ. Mộng-Hà đương cầm bông hoa tàn mân-mê nghĩ-ngợi, thì chợt thằng nhỏ bước vào phòng, Chàng hỏi rằng: « Mày đi đâu về thế? Mở cửa làm gì sao không khóa lại, lỡ có kẻ gian lén vào thì đồ-đạc trong này phỏng có còn được nữa không? » — Thàng nhỏ nói: « Con có mở cửa đâu! »

Chàng nói: « Lạ nhỉ! ta đi thì thìa-khóa ta giao cho mày, ta về đã thấy cửa ngỏ rồi, nếu mày không mở thì ai mở, mày có biết không? » — Thằng nhỏ nói: « Trưa hôm nay cụ sai con vào thành mua sắm, con giao thìa-khóa cho con Thu; lúc đi thấy cửa vẫn khóa chặt khăng-khăng, còn sau đó thì con không được biết ». Chàng lại hỏi: « Con Thu là ai? » — Thằng nhỏ nói: « Là con hầu của mợ Lê con. » Chàng không nói nữa rồi bảo thằng nhỏ lui ra. Chợt lại gọi mà dặn rằng: « Thôi mày đừng nói lôi-thôi gì với con Thu nữa nhé. » Thằng nhỏ vâng rồi đi ra. Vừa ra đến hiên trước, gặp con Thu, thằng nhỏ liền lại gặng hỏi về chuyện mở cửa. Con Thu nói: « Thìa-khóa mợ lấy đấy, ai mở cửa thì ta biết đâu! Hay là mợ mở cũng nên đấy. » Thằng nhỏ lại đem lời Mộng-Hà dặn đừng nói gì bảo với con Thu và bảo con Thu chớ có nói gì đến tai mợ nữa. Con Thu tai-quái, nghe thằng nhỏ dặn thì cũng ừ-ào, rồi lại vào nói hết cả với Lê-nương. Bấy giờ Lê-nương đương ngồi tựa song the, cầm quyển thơ của Mộng-Hà kề ở dưới đèn mà đọc, chợt nghe câu chuyện ấy, bất-giác sửng-sốt giật mình. Nguyên khi nàng mượn quyển thơ ra, cũng sợ chàng về thấy mất mà vặn hỏi thằng nhỏ, nên mới bỏ bông hoa lại đấy để chàng biết là nàng lấy mà im lặng đi, không ngờ chàng còn lôi-thôi thế. Nàng lại lo rằng không biết chàng đã nói chuyện mất sách với thằng nhỏ chửa; nếu đã nói mà thằng nhỏ nói với con Thu thì còn không ngại, chỉ sợ nó lại bép-sép mà đến tai ông cụ thì làm thế nào?..... Ta khờ quá rồi! Ta tưởng hắn là người có ý, chứ biết đâu lại thế? Đó rồi nàng bởi yêu mà nên giận, giận nên hối, hối nên sợ, chỉ trong chốc lát mà bể óc lô-xô không biết mấy đợt sóng, tấc lòng bối-rối không biết mấy vòng tơ, gập sách thở dài, nhìn đèn ngồi lặng. Một lúc nàng lại nghĩ rằng: « Điều đó thật ta lo xa quá! Mộng-Hà là một người đa tình, tất chàng thấy hoa mà hiểu ý, chắc chả còn nói với thằng nhỏ nhiều lời. » Bèn lại gọi con Thu hỏi rằng: « Thằng nhỏ nó có còn nói gì với mày nữa không? » — Con Thu nói: « Không ». Bấy giờ nàng mới yên lòng; bèn lại như lời Mộng-Hà dặn thằng nhỏ mà dặn con Thu rằng: « Thôi từ rầy mày chớ được bép-sép gì với thằng nhỏ, bảo không nghe thì phải đòn đấy. » Con Thu vâng lời.

Một bình nước nguội, nửa đỉnh hương tàn; quán khách ngồi nhàn, chẳng qua đến thế. Bấy giờ trăng mới dòm song, gió thanh lọt cửa, Mộng-Hà khêu ngọn đèn ngồi đợi Bằng-lang. Bằng-lang đến, chàng dạy học xong, lấy một phong-thư đưa cho Bằng-lang mà rằng: « Con cầm cái này về đưa mợ nhé; và nhắc với mợ: nợ cũ Hồng-lâu, liệu phải trả đi cho xong ». Bằng-lang không hiểu ý nói, đinh-ninh nhớ lời thầy dặn và cầm phong thư về nói với Lê-nương. Lê-nương tay tiếp phong thư, nỗi mừng khôn siết; tai nghe lời nói, ý hiểu đã thừa. Nàng bèn rút trâm bóc thư, khêu đèn ngồi đọc. Thư rằng:

« Mộng-Hà chẳng may, mười năm lắng-đắng, ba tháng long-đong; gió sớm trăng chiều, ném chén ngọc giã từ chốn cũ; sông xuân sóng biếc, thả thuyền lan giạt đến bên trời. Ơn trên lượng cả, đoái kẻ tài hèn; sừng gót muông lân, cháu bé giao cho dạy bảo; gió mưa cánh én, cành cao được chỗ nương nhờ; thấm-thoắt hai tuần, thù-tiếp những cảm lòng trưởng-giả, ê-a mấy chữ, báo đền chưa thỏa dạ thư-sinh; xem bề đãi khách, mỗi ngày càng một ân-cần; khiến kẻ cùng đường, đến chết hãy còn cảm kích. Kế nghe lời nói con hầu, riêng đội ơn lòng bà chị; gió bay bông liễu, khen thầm Đạo-Uẩn tài cao; mưa đập cành lê, xót nỗi Văn-quân mệnh mỏng. Cũng bởi thương con thơ-ấu, để ý chăm nom, cho nên vì kẻ bơ-vơ, đem lòng săn-sóc. Ra đâu tài mọn, nỗi lòng riêng thẹn cùng ai; lại khóc đêm nay, vạt áo mong gì ráo lệ; lạnh-lẽo nhìn trăng trước cửa, buồn phận ngửa nghiêng; ngậm-ngùi trông bóng trong gương, thương duyên lỡ dở; song thưa bóng chiếc, nỗi buồn ai có khác chi ai; bèo giạt mây trôi, đường thế nợ bao giờ hết nợ; trăng trong có ý, soi vào cảnh mộng bâng-khuâng; hoa rụng im hơi, lần khắp cành không trơ-trụi; gang tấc Bồng-sơn gần-gặn, nào dễ đâu giáp mặt hoa đào; nghìn trùng ma kiếp nặng-nề, mong gì được nối duyên hương-lửa. Than ôi, mấy trận khóc hoa hôm ấy, cùng chung nhau một tấm si tình; ba sinh tạc đá nguyền xưa, mong kiếp khác được tròn hảo-mộng. Ta vốn chôn không hết tủi, việc tủi càng thêm; ai đương tát chẳng vơi sầu, đường sầu lạc đến. Quạnh-quẽ sân không đêm trước, từng trộm xem mưa ướt hoa lê; lạnh-lùng quán vắng hôm nay, nào ngỡ được tiên dời gót ngọc; đâu tá trên yên cuốn sách, bạn cắp sầu về; này đây mặt đất bông hoa, ta thêm nhớ khổ. Tin-tức muốn khơi thông đôi ngả, tâm tình đã thấu rõ mười phân; mịt-mù chung đội trời sầu, đinh-ninh một hẹn; rầu rĩ cùng soi trăng tủi, gắn bó đôi nơi. Một nén hương lòng, xin cúi lạy thuyền-quyên vàn mớ; mấy hàng mực lệ, họa đền bù oan-nghiệt đôi ba; đừng lo con đỏ hay tình, dò ra tâm-sự; nên nghĩ má hồng quá lứa, khó gặp tri-âm; tài khách tầm-thường, tấc dạ thương tài đáng nén; phận ai mỏng-mảnh, tập thơ tủi phận đầy gang; sầu nước mây man-mác biết đâu bờ; câu cẩm-tú ước-ao cho được đọc. Ví được lòng ai chẳng hẹp, xa đưa thư ngọc trả lời; sẽ xin hòm xiểng giấu đi, thề quyết người vàng buộc miệng. Văn Lý-Bạch hùng-hồn vạn chữ, đành dẫu xin thua; thơ Liễu-nương ứng họa mươi bài, may còn đủ gắng; tờ hoa mỏng-mảnh, dâng tấm lòng đến trước đài trang; gác gấm thâm-nghiêm, mong được dịp hầu gần mặt ngọc. »

Lê-nương đọc xong, vừa sợ vừa mừng, vừa buồn lại vừa thẹn, trước thì cầm thư mà nghĩ vẩn, kế đến đặt thư mà thở dài, sau đến nhìn thư mà ứa lệ, ruột mềm bối-rối, máu nóng sôn-sao, tro lòng nguội-ngắt từ bao, tơ-tình lại buộc nhau vào đây chăng. Một lúc nàng lại khêu ngọn đèn, cầm mảnh gương, nhìn bóng mà khóc rằng: « Người trong gương ơi, em có phải là bóng của Lê-Ảnh đó chăng? Gương vẫn sáng thủy không mờ, mà cảnh đoàn-viên của em đâu? Cớ sao lại chiếc bóng song the mà lúc nào nét mặt cũng âu-sầu như thế? Chao ôi Lê-nương! Em có sắc mà trời không cho em cái mệnh, em có tài mà trời bù cho em cái tai, sắc đẹp dường hoa, mệnh khinh như lá; tài thanh tựa nước, tai lớn tầy non! Rồi đây ngày trắng pha-phôi, khó được có kỳ mở mặt; tuổi xanh mòn-mỏi, còn nhiều những lúc đau lòng. Em tự lầm mình chưa đủ, lại còn muốn lầm người nữa sao? Em tự lụy mình chưa đủ, lại còn muốn lụy người nữa sao? Thôi đi! Thôi đi! Em há chẳng biết tơ-tình vướng-vít, đã buộc vào thì không thể gỡ ra được ư? Em há chẳng biết bể tình mông-mênh, đã sa xuống thì không thể ngoi lên được ư? Kiếp sống thừa như đám bông tàn, chót đã sa xuống đất thì thôi, còn bám chi lấy cái tơ trời mà mong nhờ sức nó đưa lên chốn nghìn trùng mây biếc. Chẳng may gặp phải cơn gió kép mưa đơn giập-vùi tan-tác, bấy giờ sẽ tầm-tã trong mưa, tơi-bời trước gió, chiếc thân vô chủ, cái tình-cảnh siêu-dạt, lại càng thảm biết bao nhiêu! Thôi đi thôi! lửa tình kia kíp giập tàn đi, mầm tình nọ nên đè lụi xuống, lối sầu não đừng tìm đến nữa, kiếp lạnh-lùng cam chịu cho xong; cách sông hỏi chú chăn trâu, khỏi sao lầm lạc; xuống dốc kìm dây cương ngựa, mới gọi khôn ngoan. Hoa tàn trăng khuyết, đã thế thì thôi. Hóa-nhi chêu-ghẹo đã thừa, mình còn tự chêu mình chi nữa! Duyên càng đẹp thì trời càng ghét, tình càng sâu thì nợ càng dầy, há chẳng biết sao! » Lê-nương suy nghĩ đắn đo, lòng hoa rối-loạn; mãi đến lúc ấy mà nét mặt mới tươ, giọt châu mới ráo, bỏ gương xuống thở dài một tiếng, đẩy đèn đi ngồi lặng giờ lâu, lòng như nước đứng, gió lặng sóng êm, đã không còn hai chữ Mộng-Hà vướng-vất ở trong óc nữa. Tấm lòng Lê-nương như thế, thì hai người từ đây sẽ rứt tình, mà kẻ chép truyện « Ngọc-Lê Hồn » đến đây sẽ phải gác bút sao? Nhưng mà chưa. Lòng nàng bấy giờ tuy mọi niềm rũ sạch, mảy bụi không vương, nhưng chẳng mấy chốc mà ruộng lòng lại dập-dềnh đợt sóng, bể óc lại lai-láng ngọn trào, dần-dần sóng càng cả trào càng cao, nàng không còn có thể cầm lòng, ruột rối như tươm, so với khi mới xem thư lại có phần tệ hơn lắm nữa. Vì sao thế? Vì rằng tuy nàng lúc ấy không lạc vào đường mê đắm, vẫn cầm được nết đoan-trinh, song tấc dạ thương tài hãy còn lận-bận ở bên trong, không sao tiêu-diệt hẳn đi được. Nhân đó mà câu cảm ngâm chơi, trăm mối tơ lòng vấn-vít, thơ tình giở đến, đôi hàng nước mắt lan-chan. Chợt sống chợt chết, bỗng tỉnh bỗng mê, chỉ trong thoắt chốc đã biến đổi vạn trạng thiên hình, mà chính nàng cũng không tự biết. Chao ôi thương thay!

  1. Miệng vàng là trẻ con
  2. Tập thơ vịnh những người trong truyện Hồng lâu mộng.