Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/5

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ NĂM. Tin xuân

CHƯƠNG THỨ NĂM
Tin xuân

Dây tình dắt-díu, lối hận quanh-co. Lê-nương được thư của Mộng-Hà, chợt thì buồn, chợt thì mừng, chợt thì tỉnh, chợt thì mê, bối rối tơ lòng, gỡ ra không được. Lê-nương sao mà tự khổ như thế? Than ôi! có phải là nàng tự khổ đâu, chính là Mộng-Hà làm khổ nàng. Mông-Hà làm khổ nàng mà có phải chàng không tự khổ đâu! Ngay khi Bằng-lang cầm thư ra, mắt chàng trông theo mà hồn chàng cũng theo, trong lòng nơm-nớp, trong óc chập-chờn, thật đã chẳng khác như tên tù, bị đem ra xử ở trước tòa, mà án chưa tuyên, không rõ là số mệnh mình sẽ sống hay sẽ chết. Có lúc đứng ngây ở bên song như con gà-gỗ, có lúc ngồi thừ ở trước án như cái phỗng xành; có lúc đi quanh ở trong nhà như con chong-chóng, lòng chỉ chuyên chú vào bức thư Bằng-lang cầm đi, phấp-phỏng không biết Lê-nương nhận được thư này, sợ chăng? ngờ chăng? Mở xem thư này, mừng chăng? giận chăng? Nếu giận thì bức thư của ta bây giờ hẳn nàng đã xé vụn mà bỏ vào đống lửa rồi. Nếu mừng thì nàng đương nghĩ lời trong thư, tưởng người trong thư, rõ ý trong thư, mà cho người viết thư là đa-tình là tri-kỷ, một bức thư tình của mình bây giờ chắc đã được đầm-thấm bao nhiêu giọt lệ của khách tình rồi. Mộng-Hà nghĩ ngược nghĩ suôi, bao nhiêu bụng nghĩ của chàng đều như sương sớm, như mây chiều, thoắt chốc đều biến huyễn thành không hết cả; mà Lê-nương nhận bức thư ấy sẽ mừng hay sẽ giận, rút-cục chàng vẫn chưa đoán được ra sao. Tuy nhiên, há chàng lại thật không có lối nào mà đoán được ư? Nàng đã cầm tập thơ của chàng đi thì không phải là vô tình với chàng. Thư của chàng lại thừa ngay dịp ấy đưa vào thì kết quả tất tốt, không cần phải mơ-màng phấp-phỏng mà lo rằng không có hiệu lực. Song Mộng-Hà đã bị một mối tơ tình nó buộc chặt lấy, thần-kinh đã tê dại cả, bất-giác cứ bồn-chồn xôi-xốt, bàng-hoàng không định, ngờ sợ không yên. Suốt đêm hôm ấy hồn mộng lao-đao. Mộng-Hà cũng tự biết là chưa từng như thế bao giờ, trằn-trọc năm canh, chẳng khác như vượt qua mấy lần cửa ải.

Ngày hôm sau Mộng-Hà ở nhà trường dạy học xong về ngay, so với ngày thường thì sớm hơn một hai giờ đồng-hồ, người nhà đều không ai rõ tâm-sự chàng, chỉ biết là hơi khác mọi ngày một chút mà thôi. Biết đâu chàng lòng còn thắc-mắc về bức thư đêm qua, đương mong tiếp được thư trả lời, vậy nên bước chân ra ngoài là lại muốn về ngay cho chóng. Rồi mà chẳng mấy chốc ác vàng đã lặn, lại chẳng mấy chốc thỏ bạc đã lên, lòng mong đã chồn, mắt nhìn đã mỏi, thì Bằng-lang mới đến. Bấy giờ chàng lại phát ra một cái trạng-thái sửng-sốt kinh-hoàng rất lạ, chẳng khác như tên tù bị tội tử khi phải bước lên đoạn-đầu-đài, cái chết chỉ ở trong năm phút đồng-hồ sẽ biết.

Thư phong phong kín mấy lần, lệ ai lấm-chấm in ngần chưa phai. Bằng-lang từ ngoài cửa lững-thững đi vào, thì có một cái vật gì hình hẹp mà dài, nằm giẹp ở trong tay Bằng-lang, chiếu thẳng vào khuôn mắt Mộng-Hà. Đó là vật gì? chẳng phải là cái vật mà Mộng-Hà vẫn suốt ngày mong-mỏi là một bức phúc-thư đấy ư? Mộng-Hà! Mộng-Hà! Mừng nào còn quá mừng này nữa! Bằng-lang đưa bức thư cho Mộng-Hà. Mộng-Hà vừa sợ vừa mừng, nhưng cũng gượng làm ra vẻ trấn tĩnh; đoán biết trong thư chắc không phải là tin xấu, nên cũng không muốn mở xem vội mà hẵng đặt lên đầu án, để dạy Bằng-lang học, làm như không chú ý lắm đến bức thư. Đợi sau khi Bằng-lang học xong ra rồi, bấy giờ mới mở ra đọc. Thư rằng:

« Mảnh giấy bay sang, ngọn đèn tối sập. Đọc thư thấy lời văn dẫu đẹp, nỗi cảm quá sâu. Buồng xuân vắng-vẻ, bể người mông-mênh, còn có người thương đến chiếc thân mệnh bạc mà trao một tờ chữ gấm ân-cần hỏi-han ở trong cơn tịch-mịch thê-lương, đó thật là may cho Lê-Ảnh lắm. Song may cho Lê-Ảnh lại chính là rất không may cho Lê-Ảnh. Lê-Ảnh xấu số, sinh ra đã ôm sẵn mầm sầu, vọc-vạch bút nghiên, trời càng ghen-ghét. Trong điện Thúy-vi, hơi dương chẳng thấu; trên lầu Yến-tử, trăng bạc nhìn xuông; nghìn xưa bạc mệnh một đời hồng-nhan. Tài cao số nặng, sắc đẹp mệnh cùng, đó là cái lệ của các bạn yếu-thơ cùng phải chịu chung, chứ cũng chẳng riêng gì Lê-Ảnh. Người ta ở đời gặp sự chẳng may, cứ nghĩ lùi xuống một tầng tự khắc là bình-tâm ngay được. Lê-Ảnh tự nghĩ mình sinh ra, nhan-sắc có đôi chút, thông-minh có ít nhiều, chính là đúng vào cái kiểu-mẫu con người bạc-mệnh, không phải đọa lạc phong-trần làm cái thân bèo dạt hoa trôi, lênh-đênh vô chủ, thực cũng còn may. Ngày nay phòng không vắng-vẻ, bóng chiếc hình đơn; mở gương soi ủ-rũ đôi mày, đặt mình xuống chập-chừng giấc mộng; vẽ mày trước gác, buồn tênh con yểng im hơi; nhìn bóng bên ao, thẹn với đôi uyên có bạn; nghĩ tình cảnh ấy, thực thương tâm không biết chừng nào! Thế nhưng nghĩ lại thì đa mang tài sắc, chẳng qua cũng là lỗi ở mình, trời kia không phạt nặng bắt phải chịu cái khổ đọa-đầy, thực đã là quá hậu với mình, sao còn nên phàn-nàn chi nữa! Hãy xem một người có tài có tình như Lâm-tần-Khanh, lại gặp được một người đa tình thứ nhất xưa nay là Giả-bảo-Ngọc, chỉ nguyền non nước, khăng-khít keo sơn; thế mà tình ý đương nồng, mưu gian đã mắc, trời ly-hận đường về mù-mịt, mồ mai-hương trăng chiếu lạnh-lùng, nợ tình chưa trả cho thanh, nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên-hương! Nhân-duyên như thế mà kết-quả còn đến dường kia, Lê-Ảnh là ai, đâu còn dám than mình mệnh bạc! Ví phỏng Lê-Ảnh không có một tấm lòng đạt quan, cũng bắt chước như Lâm-tần-Khanh ôm lấy cái oan-khổ vào mình, trước mắt đau lòng ly-biệt, đường xa xót nỗi bơ-vơ; giọt lệ mưa tuôn, bể hận cùng tung cơn sóng bạc; tiên thơ gấm dệt, suối vàng khôn tỏ nẻo chim xanh; bệnh rập sầu vùi, mỗi ngày một nặng, thử hỏi một tấm thân yếu-ớt, chịu làm sao nổi, e chẳng bao lâu mà thịt gióc xương mòn, mình cùng số hết, đất vàng một nấm, làm người khổ mà làm ma lại càng khổ hơn. Ấy bởi thế mà Lê-Ảnh ngày thường, tuy vẫn xót về phận, giận về duyên, nhưng vẫn phải tìm đường tự giải. Mới đây, miền quê hưu quạnh, gót ngọc qua chơi, nghĩ tình má mơ, không nề dưa muối. Bằng-lang có phúc, đã được nhờ ơn; Lê-Ảnh vô duyên, còn chưa gặp mặt. Tự hổ bút nghiên võ-vẽ, thơ liễu dám khoe; trộm nghe tài học rộng xa, lòng quỳ vẫn mến. Tấc riêng yêu kính, những tự ngày nào. Đến khi dưới vầng nguyệt tỏ, nhìn chữ trong bia; bên ngọn đèn khuya, xem thơ đầy tập; càng rõ phun châu nhả gấm, đáng bậc tài hoa; đắm nguyệt say hương, siết bao tình tứ; những tưởng khách chính là hậu-thân của Giả-bảo-Ngọc ngày xưa. Làng văn mặc là nơi phong nhã, khách tài hoa vốn giống đa tình, lấy cái tài ông anh, đem tấm tình ông anh, đi đến đâu chẳng đắt, gửi vào đâu chẳng nên, cớ chi tìm đến chốn đoạn-trường mà quyến-luyến con người bạc-mệnh. Đọc thơ ông anh, lời lẽ ân-cần, hình như muốn nín nhịn không xong; Lê-nương dầu ngu, lẽ nào lại không biết cảm. Thế nhưng nghĩ lại, thì tơ duyên đã lỗi, lửa tình đã nguội, âu đành cam phận mà thôi. Song the vò-võ một mình, ngồi mà nhớ lại hồi trai trẻ ngày xưa, hăm tư trận gió, hoa rụng hết rồi; trăm sáu thiều-quang, xuân còn đâu nữa. Gương chót vỡ chắp làm sao được, trâm đã lìa nối có liền đâu! Lòng này đã như nước giếng thơi, can chi còn gây gợn phong ba để tự mở lấy đường chìm đắm; tấm thân bạc-mệnh, thực không còn muốn để lụy cho người quân-tử làm gì. Vụng tu những tự ngày xưa, duyên hương lửa hãy xin chờ kiếp sau. Nếu ta cùng thương nhau thì trên mây xanh dưới suối vàng sẽ còn gặp gỡ có ngày, cùng nhau xin với chị trăng già chua tên vào trong sổ vợ chồng để kiếp khác được tròn ước nguyện. Lê-Ảnh không phải kẻ vô tình mà dám phụ tình ông anh và không coi nhau làm tri-kỷ; chỉ e tơ tình đã vướng, gỡ ra không được, sau này sẽ phải trải những bước khó khăn, chịu những cơn khủng bố, và thêm lên những mối phiền não vô cùng vô tận, rút lại đến áo xanh đầm lệ, phấn đỏ thành tro, thực là không may cho Lê-Ảnh mà cũng là không may cho ông anh nữa. Đến như việc muốn xem tập thơ thì Lê-Ảnh ngâm nga mới học, lề-lối chưa tường, một đôi khi chắp-chảnh quàng xiên, chẳng bõ mua cười với các nhà tao-khách. Ông anh vốn là người yêu tài như cụ Tùy-Viên khi trước, nếu cho Lê-Ảnh là khó dạy mà đặt vào hạng đệ-tử, Lê-Ảnh sẽ sin trút trâm tháo xuyến, để dâng làm lễ nhập-môn. Sau này lui tới cửa thầy, rửa nghiên mài mực, không dám quản công, may cũng không đến nỗi cầm ngược đầu sách, để làm cho cửa thầy mang tiếng. Đó là điều rất mong muốn của Lê-Ảnh mà chắc ông anh cũng chẳng nỡ chối từ. Tấm tình nông nổi, bày tỏ rạch-ròi. Lệ thấm tờ hoa, nhập-nhòe nét chữ. Mong ông anh xét cho.

Lê-Ảnh kính bạch, »

Ký-giả viết đến đây xin có một câu hỏi các bạn độc-giả: Mộng-Hà đọc bức thư của Lê-nương sẽ sinh ra cái cảm-tình thế nào? Bức thư của chàng chan-chứa đều những giọng tình. Đến như bức thư của nàng thì như hữu tình, như vô tình, lời không ra nghiêm mà nghiêm, giọng không ra oán mà oán; ngoài lời nói đã có ý tạ tuyệt; cứ thường tình ra, chàng xem thư ấy tất phải thất vọng mà oán Lê-nương là người vô tình. Thế nhưng không biết rằng, chàng nào phải là Tư-Mã, mà nàng lại nào phải Văn-Quân; hai người cảm nhau là xuất ở chí tình, chứ không phải căn ở nhục dục. Chàng viết thư cho nàng không phải là chêu ghẹo, chẳng qua tiếc vì tài mà thương vì mệnh, xót cho người lại giận cho mình, cùng phường luân-lạc, cũng kiếp lao-đao, vậy nên tấm lòng thương nhau nó phát ra một cách không cầm lại được. Bức phúc-thư của nàng nội dung như thế, chính là không hẹn mà hợp với ý chàng. Nàng vì biết rõ lòng chàng, nên mới chịu đem lời dãi hết can tràng thật là đã đôi lòng in một. Nàng duy có đối đãi với chàng như thế mới thực là tri-kỷ của chàng. Nếu không thế thì tiểu-thuyết giả-sử trăm bộ nghìn pho, tài-tử giai-nhân, thiếu gì kia chứ! Huống chi Mộng-Hà đi ở trọ mà giở trò chim gái, Lê-Ảnh đã góa chồng mà đem bụng tiếc xuân, thì cũng cùng phường với những kẻ hái lan tặng thược, trên bộc trong dâu, chẳng qua là một cái trò cười, ký-giả dù ngu dốt đến đâu cũng quyết không dám đem tả câu chuyện nhơ nhớp ấy làm bẩn ngòi bút quý báu này, và mua lấy tiếng trách mắng của các ngài độc-giả. Ấy là cái bản-ý của kẻ chép truyện này như thế. người đọc truyện cũng nên biết rõ cho.

Cái chân-tướng trong sự giao-cảm của hai người đã như trên ấy, vậy thì bây giờ Mộng-Hà đối với bức thư của Lê-nương có cái cảm-tình như thế nào? Thưa rằng cũng y như khi Lê-nương đọc bức thư của Mộng-Hà, trước thì cầm thư mà nghĩ vẩn, kế thì ném thư mà thở dài, sau đến nhìn thư mà tuôn đôi hàng lệ. Bởi vì chàng vốn biết nàng không phải là kẻ bạc-tình, lời nói trong thư, chẳng qua mượn cái giọng khoáng-đạt mà vẫn ngụ cái ý oán phận hờn duyên, lời văn dấm-dắt cay chua, mà cái tình không nỡ dời nhau, vẫn tràn lan ra ở ngoài lời nói; đến nỗi muốn rứt nghĩa lìa tình, chờ duyên kiếp khác, rửa nghiên mài mực, làm phận học-trò; lời nói tuy tựa như bạc tình mà chính là thâm tình, từ đó Mộng-Hà phỏng còn quên Lê-nương sao được! Lê-nương muốn gỡ thoát lưới tình, Mộng-Hà đã sa vào bể khổ; Mộng-Hà vì tình nó làm cho lầm-lạc, Lê-nương nào có khỏi được đâu! Than ôi! Phận sao phận bạc như vôi, duyên sao nước chảy hoa trôi thế mà? Gầm trời hỡi bạn tình ta, thương nhau cùng cất tiếng « oà » khóc lên!.

Hồng-nhạn trong mây, may đã đưa về hỷ-tín; Hằng-nga trên nguyệt, dễ mà gọi xuống nhân-gian. Ngày hôm sau, chàng từ trường học ra, lững-thững về nhà. xa xa trông thấy đàng sau nhà có thấp-thoáng bóng người, nước tóc mầu xiêm, ẩn hiện ở trong khoảng hoa tường cỏ rậu, trông giống Lê-nương lắm. « Trời sương manh áo mỏng, bên trúc một mình ai, » Lê-nương hẳn là có chờ đợi ai chăng? Đến lúc Mộng-Hà về đến trước sân nhìn ra thì gót ngọc đã dời, hương còn thơm nức người đà vắng tanh, chỉ còn thấy non xa in vẻ giận, nước chảy réo giọng sầu, một vệt bóng tà phai-nhạt dần đi, tựa như giúp thêm cho cái cảnh lạnh-lùng hưu-quạnh. Bóng hồng đã khuất, đứng ngẩn mà chi, chẳng bằng vào quách song thơ, mượn sách vở để làm duyên bàu-bạn. Vừa bước vào nhà, chợt thấy ở chiếc bình trên án có một cành hoa tươi, đóa hoa hớn-hở chào người, trông vào choáng mắt. Lạ thay! Bông hoa này từ đâu mà lại? Chắc là Lê-nương đem tặng cho. Nàng tặng hoa này là ý thế nào? Hoa này hình như cái ống kèn, sắc đỏ hơn hoa yên-chi, trong vẻ tươi đẹp lại có ngậm một cái vẻ kiêu quý. Hoa tên là gì, chàng tựa như đã có biết mà quên đi mất. Đợi Bằng-lang đến, hỏi xem, Bằng-lang nói rằng: « Đấy là hoa cập-đệ, ở đàng sau nhà con có hai khóm, mùa xuân này nở hoa rất nhiều; thầy có thích chơi để bảo con Thu hái thêm vài cành nữa ». Chàng nói: « Thôi một cành này cũng đủ. Vả thầy cũng không thích chơi hoa này ». Bằng-lang không nói gì nữa. Mộng-Hà nghe đến tên hoa cập-đệ, biết nàng tặng cho hoa ấy là có thâm ý, bất-giác khêu động đến mười năm việc trước, xót phận bơ-vơ, đau lòng luân-lạc, sầu xưa hận mới, dồn lại bên lòng. Chợt nhìn xuống dưới cái hộp nghiên thì thấy lộ ra một mảnh giấy thấp-thoáng có nét chữ, vội cầm lấy xem thì là một bài từ:

Ngẫu cảm

(Theo điệu Giá cô thiên)

Khéo phũ-phàng thay trận gió đông,
Chôn hoa để khách ngẩn-ngơ lòng!
Chiều hôm dạo gót vườn xuân vắng,
Man-mác sầu ai chửa dễ đong.

Tình một mối,
Lệ đôi dòng.

Đoạn trường sổ rút được tên không?

Buồn tênh nước chảy bông hoa rụng,
Lạnh ngắt song khuya bóng nguyệt lồng,