Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ SÁU. Vắng bạn

CHƯƠNG THỨ SÁU
Vắng bạn

Nét chữ phun hoa, lời văn nhả ngọc. Chàng cầm bài từ của nàng, xem đi đọc lại, bất-giác trạnh mối thương tâm, thở dài mà than rằng: « Giai-nhân hiếm có, tạo-vật vô tình, tài cao mệnh mỏng, đến nỗi như thế! Nỗi lòng bực-tức, không có rượu mà tưới đi được, cũng phải lấy bút mà quét đi mới xong ». Chàng bèn rỏ lệ mài mực viết nên 8 bài thơ như sau này:

I — Nhiều sầu lắm bệnh ngán cho thân,
      Cợt ghẹo người chi oanh trước sân?
      Ánh-ỏi dường than xuân sắp hết,
      Hoa hương thôi đã nhạt phai dần.

II — Đã rõ cho nhau một tấm tình,
       Mộng hồn vơ-vất lúc tàn canh;
       Lòng gần xót nỗi người xa lắc,
       Thấp-thoáng này ai dưới bóng cành?

III — Một mảnh hồn thơ ốm võ-vàng,
        Qua cầu còn gượng bước tìm hương;
        Dạ sầu muốn gửi cho dương-liễu,
        Lảo-lướt cành xuân gió phũ-phàng.

IV — Gió quyến mùi hương mấy dặm xa,
         Đoạn-trường thay lúc ngắm bông hoa!
         Bẻ cành vâng biết lòng ai tặng,
         Truyện cũ mười năm lệ muốn sa.

V — Sống thừa mang lấy cái hư danh,
        Riêng cảm phong-trần cập mắt xanh;
        Lụy máu đòi phen rơi lã-chã,
        Thương ta mà cũng khóc cho mình.

VI — Đòi phen thảm biệt lại thương xuân,
         Bể cả bèo trôi một tấm thân;
         Chiếc bóng đèn tàn cam tịch-mịch,
         Vì đâu may-mắn gặp tình-nhân.

VII — Lần giở tờ mây dưới ngọn đèn,
          Rằng tài nên trọng dạ nên khen;
          Thương cho kiếp trước mình tu vụng,
          Trong sổ trăng già thiếu họ tên.

VIII — Tơ lòng bối-rối gỡ không ra,
           Lạnh ngắt hơi sương lọt thấu da;
           Mù-mịt phương trời mưa lách-tách,
           Mình ai ngồi nhẫn suốt canh tà.

Mộng-Hà viết xong lại lấy một mảnh giấy mùi xanh nhợt viết một bức thư ngắn, phong bì cẩn-thận, rồi giao cho Bằng-lang đem xuống nhà. Thư rằng:

« Đã gửi tờ hoa, lại ban lời ngọc, dòng chen vẻ gấm, chữ ngát mùi hương; tài-tử phong-lưu, xem đó đủ biết một phần; mà cái tình u-uất buồn rầu thường lưu lộ ra ở hàng chữ câu văn, bà chị thật là một người sầu vậy. Mộng-Hà phong-trần lận-đận hồ-hải linh-đinh, chìm nổi một đời, nào ai tri-kỷ? lòng hoài-hận khác gì Đỗ-Mục, tài văn-chương thẹn kém Giang-Yêm; kính đọc bài từ, cảm sầu vô hạn; tám bài góp lệ, đài gương rạng soi. »

Thư phong một bức, chữ thảo mấy hàng, phòng-văn kết mối nghĩa lan vàng, trướng gấm nối dây duyên hãn-mặc. Từ đó về sau, ngòi bút mảnh giấy, thường vì hai người mà hết sức bôn tẩu, tuy ít có khi họp mặt, vẫn không rứt nẻo tương-tư, cùng nhau khi xướng họa thơ từ, lúc đổi trao tình-ý, mà giấy má đi lại, đều nhờ ở Bằng-lang làm sứ chim xanh. Thước nào đo hết thơ tình, kéo nào cắt mối tơ mành cho ra. Miệt mài trong cuộc ngâm-nga, sầu riêng may cũng tiêu ma mấy phần. Ngày đi đêm lại lần-lần, tiết trời đã báo qua xuân sang hè.

Mộng-Hà từ khi sang Dung-hồ đến bấy giờ đã hơn một tháng. Bên trời chiếc bóng, ai kẻ thân tình? May được một người bạn gái, xướng họa thơ từ, cũng được đỡ nỗi buồn rầu trong cơn đất khách. Ngoài ra chàng lại mới kết giao với một người bạn trai nữa, cảnh-ngộ tuy khác, nhưng tính-tình thì giống như nhau. Tương-tri đất lạ, há phải dễ đâu, đường bụi nghiêng ô, song tây nối sáp, chàng vẫn tự bảo là ba sinh thực cũng duyên trời. Người ấy họ Tần, tên Tâm, tự là Thạch-Si, tức là người sáng lập ra nhà trường mà chàng đến dạy. Thạch-Si lớn hơn Mộng-Hà hai tuổi, trước đã học mãi ở trường Nam-dương công-học, tài hoa khác chúng, khí vũ hơn người, chính là một người xuất-sắc ở trong làng ấy. Làng ấy ở miền cuối Dung-hồ, cách xa thành-thị, chu-vi mười dặm, chia ở hai bên bờ phía bắc phía nam, khuất-khúc vòng quanh, như hình trôn ốc. Đất ở hẻo lánh, người dân ngu ngoan, vì phong khí hãy còn bế-tắc. Thạch-Si nhiệt tâm về đường giáo-dục, nặng tình với chốn tử tang, muốn vì quê hương mưu sự khai thông phong-khí. Sau khi tốt-nghiệp, tự bỏ tiền túi dựng một cái trường học có hai lớp để tạo phúc cho người trong làng. Mộng-Hà khi đến dạy học thì trường ấy đã được ba niên-khóa. Người cha Thạch-Si tên là Quang-Hán, là một người tuổi cao vọng trọng ở trong làng. Nhà vốn hào phú mà chỉ sinh được một trai là Thạch-Si, yêu quý như vàng, Thạch-Si muốn gì được nấy. May Thạch-Si tính hay huy-hoắc; nhưng biết tự kiểm thúc, phàm những thứ rượu chè, những nơi hoa liễu, không hề bao giờ bước chân đến, chỉ khi gặp những việc công-ích thì hăng-hái giốc túi, không tiếc đồng tiền. Người cha cũng không phải tuồng biển-lận như ai, thấy con biết nghĩ cách làm ơn cho người làng thì cũng vui lòng mà cho được thỏa chí. Vì thế Thạch-Si bao biện cái trường học ấy mỗi năm tốn một khoản tiền lớn mà vẫn có tiền chi cấp cũng là nhờ ở một cái gia-đình lương-hảo sẵn lòng việc nghĩa cho nên chàng mới được vung tay.

Duyên ưa bèo sóng, mùi bén chi lan. Thạch-Si là một người tính trời hào-sảng, nết đất phong-lưu; khí-độ hơn người, vào bậc nhân-vật thứ nhất trong làng tân-học. Chàng cùng Mộng-Hà gặp-gỡ lần đầu đã thân-thiết ngay như bạn cũ; hai người chí-khí giống nhau, tài học ngang nhau, kẻ bắc người nam mà trở nên lan vàng gắn bó, sớm tối gần kề, thực cũng không phải là ngẫu-nhiên vậy. Trường học với nhà chàng chỉ cách có cái tường thì đến, ngày nào chàng cũng sang trường, vì chính chàng cũng nhận dạy hai khoa Anh-văn và Cách-trí. Mỗi buổi dạy học xong lại cùng Mộng-Hà đi dạo mát ở cánh đồng không, để hô hấp lấy cái không-khí trong lành và được rộng thêm trí-thức về đường thực-vật. Khí-vị hương-thôn khác hẳn với nơi thành-thị phồn-hoa náo-nhiệt; phong-cảnh chiều hôm, sóng vai đủng-đỉnh, vần thơ câu hát, ứng họa làm vui, ý khí thảnh-thơi, thật đã chẳng khác như mây ngàn hạc nội. Mãi đến lúc chim tối về rừng, bóng tà dục khách, bấy giờ mới chia tay ra về. Như thế hằng ngày kể cũng là một thú vui cho người lữ-thứ. Có lúc hai người lại đóng cửa ngồi trong phòng vắng, hoặc bình luận văn-chương, hoặc xướng họa thơ-từ, hoặc nói câu chuyện vui, hoặc kể điều thất ý. Khói chè nghi-ngút, điếu thuốc phì-phào, câu chuyện thưa dần, cùng ngồi lẳng-lặng. Rồi lại bàn rộng đến việc công danh sự-nghiệp thì ai nấy nước mắt tran hòa, máu tim xôi nổi, bởi vì hai chàng đều là có ý muốn lập công danh để lấy tiếng về sau cả. Cảnh-ngộ của Thạch-Si tuy có dễ chịu hơn Mộng-Hà, nhưng công-danh lỡ bước, tình tính ngược đời, thì cũng không khác gì nhau cả. Thân mình lận-đận, học vấn chưa thành, cùng là kẻ hữu tâm, cho nên càng ý hợp tình đầu, gặp nhau những tiếc muộn-màng, nam nhi một gánh bồng tang nặng-nề.

Than ôi! Hoa tươi nở dữa trời mưa, đau lòng những kẻ nằm trơ só rừng. Thiên-hạ những việc đáng xót đáng thương còn gì hơn thế! Như cái tâm-tình cái chí-khí của Mộng-Hà và Thạch-Si kia chẳng phải là những tay có tài học đấy ư? Thế mà một người thì gửi thân đất khách, một người thì cuốn khúc trong làng! Vì vậy gặp nhau mà mến nhau, mến nhau mà thương nhau. Vì mến nhau thương nhau mà muốn được cùng nhau xum-họp lâu dài. Thạch-Si thường bảo Mộng-Hà rằng: « Nhà trường chật hẹp, không tiện chỗ cho anh ở, anh phải ở trọ đàng ấy, sớm tối đi về lận-đận, tôi không đành lòng. Nhà tôi cũng rộng, chi bằng anh dọn quách đến ở, với tôi, ngày thì cùng nhau ra trường dạy học, tối lại cùng nhau về ở một phòng, ấm trà điếu thuốc, đoạn sách vần thơ, đêm đêm kề vế chuyện-trò, được như thế thú gì hơn nữa! » Thạch-Si bảo hai ba lần, nhưng Mộng-Hà cứ kiếm lời từ chối, Thạch-Si cho là bạn còn câu nệ hình-tích, tình anh em chưa được thực hết lòng tin nhau. Biết đâu ngoài Thạch-Si ra, Mộng-Hà còn có một người bạn gái thâm tình, buồng văn ấm lạnh, ở trong còn lắm điều hay, sự tình ấy chàng không thể nào đem mà nói thực với bạn được.

Mưa mới ghẹo người, gió đông dục khách, Mộng-Hà dời bỏ quê nhà, tìm sang đất lạ, đem nghề nghiên bút, kiếm cách sinh-nhai, tự biết tính-tình của mình không hợp với đời, đi đến đâu tất cũng gặp phường khinh-bạc, mùi thế cay chua, đường đời hóc-hiểm, trải no nếm chán, hẳn ở phen này. Hay đâu tình cờ mà gặp được một người cân-quắc tri-âm, lại tình cờ mà gặp được một người phong-trần đồng-chí, ai bảo không phải là một sự may-mắn ở nơi đất khách, mà ai bảo không phải là một điều khoái ý trong một đời chàng. Tiếc thay! Song thu nối sắp, cuộc chuyện đương nồng, bến nước giương buồm, đường xa vội dục, giữa vào lúc mùa tằm vừa tới, chính là ngày cánh hộc cao bay, sang thượng-tuần tháng tư, Thạch-Si bỗng quyết chí đi du học xa. Thạch-Si đi chuyến này, chính là do Mộng-Hà khuyên bảo. Như chàng cửa nhà giầu có, cha mẹ song toàn, tuổi trẻ đầu xanh, tài cao chí cả, chính là cái dịp có thể lập được công danh; so với Mộng-Hà khốn-đốn về cảnh-ngộ, lẩn-quẩn về sinh-nhai, thì hai đàng khác nhau xa lắm. Vậy mà chàng từ sau khi tốt-nghiệp ở trường Nam-dương đến nay chỉ biết ra sức về hương thôn không hay sốt lòng về sự-nghiệp, khiến cho cái thì-giờ vàng ngọc, vùn-vụt luống qua. Mộng-Hà thấy thế, vẫn lấy làm tiếc, cho nên có ngỏ lời khuyên chàng.

Thạch-Si nghe lời Mộng-Hà khuyên bảo ân-cần, xịch động tấm lòng du-học, bảo Mộng-Hà rằng: « Tôi không phải là kẻ không biết nghĩ. Chỉ vì chán nản việc đời, lửa lòng tắt lạnh, cuốn gói về quê, không còn có cái chí muốn ra gánh vác việc đời. Nay nghe bác nói, lòng này chẳng khác như chiêm-bao sực tỉnh, tro lạnh lại bừng, bác có lòng yêu mà khuyên tôi, tôi đâu lại dám chẳng tự yêu mình mà vâng nghe lời bác! Chí tôi đã quyết, hễ được hai thân đồng ý, thì tôi sẽ tức thời quẩy níp đi du-học. Nhưng sau khi tôi đi rồi, công việc nhà trường không thể còn kiêm cố được; cái trách-nhiệm nặng-nề để lại cả cho ông anh gánh vác, lòng tôi thực áy-náy không đành ». Mộng-Hà quả-quyết mà rằng: « Anh không cho lời tôi nói là phiếm mà quyết chí đi du-học như thế, tôi lấy làm cảm-động vô cùng. Công việc nhà trường từ nay tôi sẽ xin đem hết sức mọn để gánh vác cái trách-nhiệm anh đã phó cho. Anh không phụ tôi, khi nào tôi dám phụ anh được. » Thạch-Si cả mừng mà rằng: « Nếu vậy sinh ra tôi là cha mẹ, mà biết tôi thực là chỉ có ông anh. Cảm tấm lòng quá yêu của anh, chuyến này đi mà học-hành có được tấn-tới ít nào, đều là cái ơn của ông anh ban cho cả. Đá có thể mòn, bể có thể cạn, cái giao tình của đôi ta sẽ vĩnh viễn không bao giờ phai ».

Đoạn trường thay lúc phân kỳ! Cái việc tối khổ của người ta không gì bằng lúc biệt ly, mà nhất là đất khách tiễn người, lại là cái cảnh khổ thứ nhất trong bao nhiêu cảnh khổ. Thạch-Si về nhà đem việc du học nói với cha mẹ, thì cha mẹ đều mừng mà khuyên nên đi. Chợt có người bạn đồng học ở An-huy cũng gửi thư đến, nói định rủ một bọn anh em cùng đi với nhau. Thạch-Si có đặt rượu mời Mộng-Hà. Đêm ấy hai người ngồi thâu canh uống rượu, trò-chuyện xa gần, Mộng-Hà cũng lưu lại đấy mà không về nhà trọ. Rượu đã say, Thạch-Si động mối ly tình, ngậm-ngùi bảo Mộng-Hà rằng: « Tôi cùng anh biết nhau chưa bao, gần nhau chưa mấy, mới cùng thân-thiết, vội đã phân chia. Ngày nay từ giã quê nhà, đi du học xa, cùng anh xa cách, góc bể bên trời, không biết ngày nào lại cùng nhau một nhà xum họp? Nghĩ đến như thế, siết bao đau lòng ». Nói xong, chàng dàn-dụa đôi hàng nước mắt. Mộng-Hà nâng chén nói rằng: « Bọn mình chơi với nhau cốt ở tấm lòng, chứ cốt gì ở hình-tích đâu. Lấy hình-tích mà chơi với nhau, thì tuy họp mặt cầm tay, nhưng tình-ý vẫn ra lạt-lẽo; lấy tấm lòng mà chơi với nhau, thì dù bên trời góc bể, mà mộng hồn thường vẫn đi về. Người ta nào có phải đàn hươu mà có thể xum họp được mãi với nhau, bắt chước chi nhi-nữ thói thường, hoài nước mắt khóc khi ly biệt. Chỉ có một điều đáng buồn nhất là anh đi mà tôi không được theo đòi vó ký, trông người bay bổng, xót phận đắm chìm. Này lúc cánh buồm tung gió, bạn tiễn anh ra bến đò xuôi; mà khi áo gấm về làng, anh thấy bạn vẫn phường áo vá. Vượt sóng qua khơi, ngang tàng chí bác; ngậm sầu đưa gót, chua-chát lòng ai. Cuộc xum họp cùng nhau, chẳng qua còn mấy khắc đêm nay, sắt đá lòng nào, dễ mà không cảm! Hồn thơ lai-láng, chắp-chảnh tám bài, nửa để thương mình, nửa để tặng anh, nếu anh nhận cho thì xin cất vào cập da để lưu làm kỷ-niệm ». Mộng-Hà nói đến đấy, ngừng rượu không uống, chạy đến trước án, cầm bút ngúy-ngoáy; Thạch-Si cũng ngừng chén, đứng dậy đi tản bộ bên ngoài. Bấy giờ đêm đã hầu nửa, trăng sáng đầy sân, bốn bề lặng ngắt như tờ, đoái trông phong cảnh mà ngơ-ngẩn sầu. Đứng lặng lúc lâu, áo mỏng phong-phanh, hơi sương lạnh-ngắt, chàng bèn lại trở về trong nhà. Mộng-Hà lúc ấy đã viết xong tám bài thơ, cầm đưa cho Thạch-Si. Thạch-Si giở xem. Thơ rằng:

I. — Khen anh trời bể chí ngang-tàng,
       Sóng học đua ganh quyết chẳng nhường;
       Người thế thương mình sao thế thế!
       Hoa hèn tủi khóc gió xuân sang.

II. — Nguồn tình khôn cạn ý đương nồng,
        Cất chén ngâm-nga rậy một vùng;
        Tiệc rượu ngày nay nên nhớ mãi,
        Rồi ra non nước cách tây đông.

III. — Đường trần lận-đận khóc khan hơi,
         Tai mắt thương ta thẹn với đời;
         Tiễn bạn ra đi mình ở lại,
         Thương tâm khôn siết nói nên lời.

IV. — Còn dám nghe đâu tiếng hát nào,
         Đường cùng khôn siết lệ tuôn rào;
         Cánh hồng cưỡi gió qua ngoài biển,
         Sức yếu mình mong bám-bíu sao!

V. — Cánh buồm đè sóng vượt ra khơi,
         Ngoảnh lại mông-mênh nước với trời.
         Miễn được Bồng-lai thuyền thẳng đến,
         Quê hương chớ vội nhớ mong hoài.

VI. — Tiễn bạn ta không giọt lệ nào,
          Cười vui tay ném chén bồ-đào;
          Thanh gươm muốn tặng người tri-kỷ,
          Vượt bể khi dùng chém cá ngao.

VII. — Dịp cầu đưa khách biết bao quên,
           Bể rộng trời cao tiếp một miền;
           Ngày tối đầy thành cơn gió thổi;
           Mong anh trên bể được bình yên.

VIII. — Nước non bao bọc mấy gian nhà,
            Rừng suối ham vui cảnh đặm-đà;
            Anh vắng còn tôi trong cảnh ấy,
            Dung-hồ trăng gió bận vì ta.

Thạch-Si đọc xong tạ Mộng-Hà rằng: « Anh có lòng yêu tặng cho, khiến tôi vừa cảm lại vừa thẹn. Tôi muốn họa lại mấy bài để đáp lại cái nhã-ý ấy, nhưng vì lúc này trong lòng bối-rối, một chữ khó thành. Vậy về sau có rỗi sẽ họa gửi về anh coi vậy ». Mộng-Hà nói: « Viết nhăng mấy bài chẳng qua để tỏ tấm lòng của tôi, thẹn chưa xứng đáng là những lời thơ tiễn bạn, mong anh hiểu ý mà đừng chấp lời đã là may lắm, chứ nhọc lòng họa lại làm gì! Cổ-nhân có câu: « Ngồi rốn còn hơn sau viết thư »; lúc này một khắc nghìn vàng, ta sao nên ngồi xuông phí quá! » Hai người lại rót rượu uống tràn, mãi đến lúc canh tàn đèn lụn, gà gáy trăng mờ, thằng bồi đã quẩy níp đứng chờ, chú lái đã cởi thuyền ngồi đợi, Thạch-Si mới về nhà từ-biệt cha mẹ rồi lại ra từ biệt Mộng-Hà để xuống thuyền. Bấy giờ bóng sáng lờ-mờ, đường đi còn vắng, tiếng chim dục khách, ngọn cỏ đưa người: một người đứng trên bờ, một người đứng đầu thuyền, cùng chắp tay trân-trọng chào nhau mà đi. Mông-mênh mặt nước, thăm-thẳm con buồm, Mộng-Hà đứng bên sông thơ-thẩn hồi lâu rồi mới ngậm-ngùi trở lại.