Bước tới nội dung

Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/8

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ TÁM. Tặng lan

CHƯƠNG THỨ TÁM
Tặng lan

Mưa rầm gió bấc, rả-rích thâu canh, hơi lạnh qua khe cửa phào-phào, tựa như cùng với người sầu trò-chuyện. Lê-nương ngồi đợi Bằng-lang, Bằng-lang xông mưa đi xuống, nàng bèn hỏi gạn về tình-trạng chàng say thế nào. Bằng-lang nhất-nhất kể nàng nghe, và lại rút một tờ giấy ở trong túi áo đưa nàng mà rằng: « Đây tờ giấy này thầy con bảo cầm về đưa mợ xem đấy. » Nàng cầm lấy để lên trên mặt hộp gương, rồi cởi áo tháo giầy cho Bằng-lang đi ngủ trước đã. Bấy giờ đã đến nửa đêm, ngoài song càng mưa gió ầm-ầm, hơi lạnh lọt vào, khiến người phải ghê rùng da thịt. Nàng lúc ấy vẫn chưa cởi áo đi ngủ, ngồi tựa bên giường rút thoa gạt cái hoa đèn rồi giở tờ giấy của Mộng-Hà ra đọc. Thoạt trông từ đầu đến cuối tờ giấy, nét chữ chẳng khác như rồng bay rắn lộn, mà chữ nào cũng đều xiên-xẹo ngả-nghiêng, biết là chàng viết lúc đương say nên mới không được chỉnh-tề như thế. Kế xem đến lời văn thì nguồn sầu chan-chứa, lửa giận nồng-nàn, cái khí uất-ức ở trong lòng tuôn ra cả ở đầu ngòi bút, tự oán tự thương, lời lời phẫn-khích, thực có cái vẻ « Trời cao bể rộng xót thân giang hồ ». Tài học như thế, cảnh-ngộ dường kia, thực cũng đáng thương cảm vô cùng. Than ôi! từ xưa đến nay các bạn má-hồng vì một tấm lòng liên-tài nó làm lầm-lỡ cho đời mình phỏng biết bao nhiêu mà kể! Lê-nương từ thuở bóng chiếc buồng không, lòng như nước đứng; không biết cớ sao gặp một người không từng quen biết là Mộng-Hà mà lại đem lòng xót mướn thương vay! Từ phen gặp-gỡ, mấy độ lân-la, nợ trước đã không, duyên sau chẳng phải, muỗi nọ khéo đâm đầu vào lửa, tằm kia tự buộc chết lấy, mình, bể khổ cùng chìm, cất đầu chẳng được, đường mê đã lạc, tối mắt như bưng, đó chẳng phải là nghiệt oan đeo nặng những ngày nào, cho nên không thể tự-do giải-thoát được đấy ư? Song khuya mưa gió, hưu-quạnh một mình, chàng đã từ « làng say » vào « làng ngủ » rồi, mà nàng vẫn phơ-phất cờ lòng, tưởng nghĩ đến chàng, không sao mà bỏ quên đi được; canh tàn lạnh-lẽo, bóng chiếc lẻ-loi, giọt sầu rơi xuống ướt tờ hoa, đầy một sắc hồng, mà nàng vẫn không nỡ dời tay, dăn-dở mở phong không biết là bao nhiêu lượt. Chợt đọc đến câu: « Học-hành nọ kẻ đua chen, cớ sao nằm bẹp ở miền nhà quê? » sực nghĩ đến bức thư hôm trước của mình thực đã làm cho chàng phải đau lòng thân-thế. Lời nói trong bức ấy vốn là do ở một tấm nhiệt-thành đối với người tri-kỷ, không ngờ chàng xem lại sinh xúc-cảm mà động mối thương tâm. Nàng ngồi một mình nghĩ vơ nghĩ vẩn đến chàng, có biết đâu chàng ở bên phòng sách bấy giờ, cũng mơ-màng trong giấc chiêm-bao, hoảng-hốt như đương cùng đối diện với nàng mà cùng nhau kể lể nỗi niềm tâm sự.

Quê người lưu-lạc, sầu khổ muôn phần: thân-thích là ai, bạn-bè đâu tá? Giải muộn họa chăng nhờ rượu thánh, quên lo tìm đâu được cỏ thần? Lần gỡ không ra, lại tưới bằng rượu, rượu tưới không tắt, lại quét bằng thơ. Cho nên Mộng-Hà trong mấy hôm nay, những mệt vì thơ, những say vì rượu. Người xưa có câu: « Đất khách trông nhờ sức khỏe-khuân », ý nói người ta bước chân ra ngoài, trăm sự chỉ nhờ về sức khỏe. Vậy mà Mộng-Hà đêm trước vì say rượu quá, sáng hôm sau đến nỗi ốm không dậy được, kế nghĩ đến công việc nhà trường, bỏ khoáng không tiện, đành phải gượng bệnh trở dậy, khoác áo xuống giường, chân chưa đến đất, mình đã lao-đao, đầu nặng chìm-chìm, tựa như đeo đá, nỗi buồn đầy dạ, máu giận đầy tim, thân-thể Mộng-Hà, đã không còn có cái sức khỏe-mạnh nữa. Ánh sáng dòm song, bóng người qua cửa, thằng nhỏ đã bưng chậu nước rửa mặt vào. Chàng đương đứng rửa thì chợt cặp mắt hoa lên, trong ngực đau xói, ở cổ có cái gì vướng tức như muốn bật ra, ọe một tiếng, liền văng ra đất. Thằng nhỏ kinh sợ kêu lên rằng: « Trời ơi! Ghê quá! Cái gì mà đỏ đòng-đọc thế kia! Thầy làm sao mà thổ ra ghê thế? » Chàng thổ ra rồi thì thấy trong ngực như chống không, thân-thể như nhẹ bỗng, may tay còn giữ được cái bàn nên không đến nỗi ngã lăn ra. Nghe thấy thằng nhỏ hốt-hoảng, chàng trông xuống đất, thấy một đống rãi bừa-bãi và đỏ như gấc, chàng cũng phải giật mình. Chàng muốn cố gượng mà đứng, nhưng người đã mệt lử ra rồi; giá không có thằng nhỏ vội đỡ lấy chàng, thì chàng đã ngã lăn xuống đất.

Khi thằng nhỏ đặt chàng lên giường, thì sắc mặt chàng đã bạc nhợt ra không còn ra hồn người nữa. Chỉ còn hơi thở thoi-thóp, tiếng nói thì-thào, sẽ gọi thằng nhỏ mà bảo rằng: « Mày chạy đến trường, nói với thầy giáo Lý hôm nay ta ốm xin nghỉ nhé, mau lên kẻo quá giờ học, học-trò ngồi đợi đã lâu rồi. Thầy giáo Lý đó quê ở Dung-hồ, làm chức phụ-giáo trường ấy ». Thằng nhỏ vâng dạ ra rồi, trong phòng chỉ còn một mình chàng trằn-trọc rên-rỉ ở trên giường, vỗ ngực vật đầu, trăm chiều đau đớn; mà đống máu thổ ra ở dưới đất lúc nẫy, mầu càng đỏ sẫm, soi lồng vào trong mắt bệnh-nhân. Ngày dài đằng-đẵng, nhà vắng teo-teo, chẳng có ai là người lại qua thăm hỏi. Hồi lâu chàng chống tay xuống giường trỗi dậy, cầm mảnh gương soi than rằng: « Lòng ta đau lắm rồi! bệnh ta nặng lắm rồi! sầu ta dài lắm rồi! mệnh ta ngắn lắm rồi! Thương thay Mộng-Hà, bụi vàng giấc khách, tung chăn sắp tỉnh ra rồi, tóc bạc mẹ già, tựa cửa còn mong mỏi mãi. Thương thay Mộng-Hà, mà quả đến nỗi như thế ư! » Chàng nói đến đấy ruột đứt lòng đau, lại bỏ gương mà nằm vật xuống. Bóng nắng lồng cửa, gió lạnh qua song, xương bệnh kheo-khư, mộng hồn vơ-vẩn. Than ôi! Tuổi trẻ mà quê người lưu-lạc, là việc không may của người ta; quê người mà giường bệnh kêu rên, lại càng là việc rất không may lắm! Việc không may ấy, việc rất không may ấy, lại trồng điệp cả vào một thân Mộng-Hà; một đã là quá, lại đến hai ư? Xa quê đã khổ, xa quê mà ốm thì cái khổ lại càng gấp mười. Khổ thay Mộng-Hà! Ôm bệnh nhớ nhà; trước giường ba thước, như nghìn dặm xa. Nguy thay Mộng-Hà! Hận lấp sầu vùi; phòng không chiếc gối, than khóc cùng ai?

Viện sách vắng teo, không người qua lại, chỉ nghe thấy tiếng Mộng-Hà ở trong rên-rỉ, như vượn ốm hót trăng, ngựa già thét gió, khiến người nghe mà phải rợn tóc ghê mình. Trời đã gần trưa, mới có hai người vào thăm Mộng-Hà, thì là Thôi-ông với thằng nhỏ. Nguyên lúc nẫy thằng nhỏ lên nói với Thôi-ông là Mộng-Hà ốm, Thôi-ông cả kinh, liền sai một thằng nhỏ khác đến trường xin phép mà mình cùng với thằng nhỏ này đến thăm Mộng-Hà. Chàng thấy Thôi-ông đến, lấy tay chống gối toan gượng ngồi dậy. Thôi–ông vội ngăn lại, nhìn mặt Mộng-Hà mà hỏi rằng: « Ba ngày nay lão không giáp mặt, không ngờ cháu yếu người đã sút đi như thế kia! » Chàng vừa thở vừa đáp rằng: « Tấm thân yếu ớt, sớm chẳng chắc chiều; hơi yếu đau soàng, đã không dậy được. Làm phiền bác phải quá dời gót ngọc sang đây thăm hỏi, cháu lấy làm áy-náy vô cùng. » Thôi-ông nói: « Cháu đương tuổi xanh hơn-hớn, hy-vọng còn dài, chợt váng mình soàng, can gì sự ấy! Song đất khách yếu đau, bận mình lắm nỗi, ăn uống ra vào, hẳn cũng có nhiều điều không được vừa ý, lão là chủ nhà mà không hết cái chức-trách trông nom săn-sóc, tự biết là mang lỗi rất nhiều. Xem bệnh tình cháu có lẽ vì lo buồn mà nên thế chăng? Chứng bệnh thổ huyết không phải là chứng tầm thường, vậy cháu nên cười vui chuốc lấy, phiền não đổ đi, khiến cho trong lòng được thư-thái thanh-nhàn, tự khắc bệnh ma phải trốn-tránh. Thiên-hạ thiếu gì việc thất ý, bực rọc mà chi; thế-gian vô số nỗi bất-bình, căm hờn chỉ khổ; lo buồn phiền não, chẳng qua chỉ tiêu mòn chí-khí, ương gieo mầm bệnh đó mà thôi. Xuân xanh đương độ, ngày trắng còn dài, tự hại cho mình, thực là đáng tiếc. Đó là những cái ý nông-nổi của bác muốn khuyên cháu mấy lời. » Chàng nghe nói trong lòng rất cảm, đáp rằng: « Lời vàng ý ngọc, cháu xin tạc dạ ghi xương; từ đây đâu dám chẳng yêu tiếc lấy mình mà để phụ lòng bác ân-cần thương đến ». Thôi-ông lại nói: « Ngoài cửa Bắc có ông lang Phí, vốn là người chữa thuốc có tiếng ngày nay, để bác sai người đi mời ông ấy đến nhé ». Chàng vốn không muốn uống thuốc, nhưng không nỡ trái ý Thôi-ông, nên cũng vâng lời Thôi-ông liền sai thằng nhỏ đi mời ông lang. Một lúc ông lang Phí đến xem bệnh xong nói rằng: « Chứng này là chứng « tâm tật » e rằng uống thuốc cũng không ăn thua gì. Đã muốn uống thì tôi cũng xin kê một đơn, nhưng cần người bệnh phải biết tự bảo-dưỡng mà trừ bỏ những mối lo buồn thì uống vào mới có công-hiệu ». Lang Phí ngồi nói chuyện một lát, kê đơn rồi về. Bấy giờ bóng chiều đã nhạt, ánh sáng dần thu, Thôi-ông sợ ngồi nói chuyện lâu nhọc cho người ốm, bèn dặn Mộng-Hà nên khéo điều-dưỡng, dặn thằng nhỏ phải chăm hầu-hạ, nếu có cần gì thì sang nhà nói ngay; đinh-ninh dặn bảo hai ba lần rồi mới chống gậy đi ra cửa.

Sương tối mịt-mù, non sông như chết, đó là cái cảnh-tượng thế nào? Chăn đơn gối chiếc, lăn-lóc một mình, ấy là cái cảnh-ngộ làm sao? Ấm chè siêu thuốc, bầu-bạn hôm mai, lại là cái trạng-huống thế nào? Một thân Mộng-Hà đương vào cả bấy nhiêu cái nông-nỗi thảm-thương thì còn gì là đời chàng nữa? Chàng ốm song không biết ốm tự đâu ra, cũng không biết ốm sao chóng thế! Chén men vừa cạn, siêu thuốc liền kề, dong-mạo võ-vàng, thịt xương rời-rạc. Chàng không khỏi tự mình lo sợ, quỷ bệnh nếu mà không khu-trục được, thần mồ ắt sẽ rủ-rê đi, suốt ngày trong dạ ưu-phiền, nhân thế mà bệnh càng thêm nặng. Đại phàm tâm tình người ốm, cần được thư-thái chứ không nên nghĩ-ngợi; sự sống thác của người ốm cầm ở tay người hầu bệnh, mà thuốc-thang chỉ là vật phụ mà thôi. Giường bệnh nằm co, dậy không dậy được; miệng khô cổ ráo, bực-rọc trăm chiều, trong những lúc ấy thường hay khêu nên đến hàng trăm mối nghĩ. Giá ốm ở nhà thì người hầu bệnh là người trong cốt-nhục, thuốc-thang ăn uống, để ý trông nom, trò-chuyện hỏi-han, tìm đường yên-úy; ăn-cần săn-sóc, cốt làm cho người bệnh được quên nỗi đau khổ trong mình. Đến như ốm ở nơi đất khách bơ-vơ, thì nỗi khổ thôi còn phải nói. Một bóng một đèn, nào ai thân-thích, ngoài bình thuốc đắng, không còn có chi là vật để chữa bệnh, dù cũng có người hầu-hạ, rũ chiếu buông màn, nấu thang dâng thuốc, nhưng không phải người trong xương thịt thì tình-ý vẫn không khỏi hững-hờ. Mộng-Hà trong cơn sầu muộn, thường thường vẫn nghĩ đến mẹ già, chắc hẳn mẹ ta bây giờ vẫn đinh-ninh ta được bình yên, sớm tối nương thềm mong-mỏi. Lại nghĩ đến anh là Kiếm-Thanh, bên trời lận-đận, tin-tức không thông, chắc hẳn bây giờ cũng không biết là ta giường bệnh kêu rên, hơi tàn thoi-thóp. Nếu chẳng may mà ta số tận mình cùng ở nơi đất khách, thì tấc dạ nhớ anh, tan-tác đã đau cho đàn nhạn; chút tình mớm mẹ, phụ-phàng lại thẹn với chim ô. Mộng-Hà suốt ngày mê-man, lo-lường trăm mối, khí sắc ngày càng thảm-đạm, bệnh thế ngày càng nặng-nề, thuốc uống vào như đá quăng xuống bể mất tăm mất hút. Chẳng bao lâu mà một người thiếu-niên, anh-tuấn, đã thành ra một cái du-hồn vơ-vẩn ở ngoài bãi tha-ma.

Cứ lấy cái tình-cảnh chàng ốm, nông nỗi chàng ốm m thì thật là khổ-cực nhân-gian, chưa ốm còn những kheo-khư, đã ốm mong gì sống-sót. Thế mà hay đâu sự thực thì lại khác hẳn: ba ngày trước thì bệnh ngày càng tăng, ba ngày sau thì bệnh càng giảm. Chẳng bao lâu mà chàng đã lìa giường dậy được, ma-bệnh đều lánh vết, hàng thuốc cũng hết duyên. Kỳ thay! Bệnh đến không có hình, bệnh đi không có bóng! Các bạn độc-giả xem đến chỗ Mộng-Hà ốm, chẳng hay có từng nhớ đến Lê-nương không? Ông lão già-nua nghe tin chàng ốm cũng còn săn-sóc hỏi-han, huống chi Lê-nương bình-nhật vẫn ngấm-ngầm làm một người khán-hộ cho chàng, nay nghe chàng ốm lẽ nào lại hờ-hững kẻ Việt người Tần, mà không tìm cách giải khổ chia sầu cho được! Sau khi nàng nghe được tin ấy, ruột nàng quặn đau, lòng nàng chua sót, vì phải tránh sự hiềm-nghi mà không thân đến thăm nom được, những lúc một mình vắng-vẻ không biết là đã tuôn rơi biết bao giọt lệ sầu, cho đến lúc chàng được khỏi bệnh rồi, máu tim của nàng thực cũng đã mấy phần hao cạn.

Tin ốm đưa sang, dạ sầu muốn đứt. Nàng biết bệnh chàng không có thể thuốc-thang mà chữa khỏi được; phàm những vật cần dùng cho người ốm như một chén thuốc, một chén nước, nàng cũng đều thân xem xét rồi mới giao cho thằng nhỏ bưng sang; vả thỉnh-thoảng lại sai Bằng-lang sang thăm bệnh-trạng. Mỗi lần Bằng-lang sang lại quyến-luyến không về, thường cứ quanh-quẩn bên giường mà giở các trò trẻ đú-đởn nô-đùa, làm cho chàng nhiều lúc cũng bật cười vì nó. Chàng ốm đến ngày thứ ba, Bằng-lang chợt cùng con Thu đều đến, hớn-hở vui cười, con Thu bưng hai chậu hoa lan để lên trên án. Bằng-lang nói: « Hoa này giồng ở đàng sau nhà con, mợ con vẫn thích chơi lắm. Nay thầy yếu nằm một mình vắng-vẻ, vậy con nói với mợ con, xin đem sang đây để bầu bạn với thầy cho vui. » Chàng cảm ơn, Bằng-lang trông con Thu đã ra, liền rút một phong thư trong túi ném xuống bên gối chàng, rồi vội quay mình chạy ra ngoài. Chàng gọi mà rằng: « Bằng-lang! Đừng chạy thế! Khéo chẳng vấp vào bậc cửa lại ngã đấy thôi... »

Gió thanh thoang-thoảng, hương xông ngạt-ngào. Mộng-Hà đương lúc buồn tanh, nghe thoảng mùi hương, thần chí bỗng thấy nhẹ-nhàng, thân-thể tự nhiên khoan-khoái, chẳng khác như uống một liều thuốc « Thanh hương ». Chàng nghĩ Lê-nương đem hoa này tặng ta, thật là biết rõ bệnh ta, thật là chữa được bệnh ta, tấm tình nàng đối với ta thâm trọng biết bao, ta ốm chuyến này, kể cũng không đến nỗi uổng hoài đau khổ. Tuy nhiên, ta ốm như thế, Lê-nương nghe tin ắt là lo sợ, trong mấy ngày nay chửa biết vì ta mà thêm lên biết bao nông nỗi đoạn-trường. Chàng bèn lấy phong thư bên gối bóc xem. Bấy giờ vì có hương thơm xông ướp cho chàng, tâm thần đã thư-thái nhẹ-nhàng, bệnh tật bớt đi quá nửa, chứ không còn mê mệt như trước nữa. Chàng nằm ngoảnh mặt ra ngoài cầm ghếch thư lên trên gối mà đọc. Thư rằng:

« Hơi men chưa nhạt, ma-bệnh đã theo. Buồng thắm hay tin, dao vàng cắt ruột. Chỉ vì phận cách trong ngoài, tình e dưa mận, thành ra không dám tới lui thăm hỏi, dâng chút công lao, trong dạ nổi xôi, không sao siết nói. Nghe nói ông anh, yếu vì say rượu; tuy nhiên, phát ra bệnh là vì say rượu, mà gây nên bệnh thực bởi thương tâm. Thổ huyết kia há phải là một chứng bỡn đâu, man-mác bể tình, ông anh há lẽ lại cam liều bỏ một tấm thân bảy thước! Than ôi! ông anh sao mà lẩn-thẩn thế! Ông anh trên mẹ thì già dưới con chưa có, đôi vai gánh nặng, định đổ cho ai? Lê-Ảnh thật không dám đem tấm thân bạc mệnh này để lụy đến ông anh đâu; ông anh nếu thực thương Lê-Ảnh thì nên trước tự thương lấy mình, liệu mà khuây khỏa làm vui, để lưu lại tấm thân có ích, trước mắt đó dẫu nhiều phiền-não, nữa mai rồi hoặc có cơ-duyên. Ngạn-ngữ có câu rằng: Miễn giữ được cánh rừng, lo gì không củi đốt ». Câu ấy tuy nói việc nhỏ nhưng có thể ví với việc to, xin ông anh nên ngẫm nghĩ. Thành sầu không phải cái chỗ sống lâu được, cớ sao lại chịu giam mình mãi chẳng tìm lấy đường lối mà ra? Bữa nọ nghe thầy lang cũng nói bệnh ông anh là chứng tâm-tật, uống thuốc sợ chẳng công-hiệu gì. Thiết nghĩ tâm-tật cần phải lấy tâm mà chữa thì mới ăn-thua, trong bụng buồn vui, thực có quan-hệ mật-thiết với sự sống chết. Miễn cứ tấc lòng khoan-khoái, lọ là chén thuốc đầy vơi, bớt sầu nén giận, để giập lửa phiền, yên dạ nguôi lòng, để trừ ma-bệnh, nói thế là hết, xin ông anh đừng quên. Hai chậu lan thơm, cắt yêu đưa tặng. Hoa này vốn không phải tục-phẩm, một thứ tên là « nhất-phẩm », một thứ tên là « tiểu-hà »; trong lúc yếu đau, được có nó bầu-bạn làm vui, may cũng được đỡ cơn sầm-tịch và có thể giúp sự di-dưỡng tâm thần được một đôi chút. Bàng-hoàng hạ bút, viết chẳng nên lời; giấy ngắn tình dài, cúi xin trân-trọng. »

Cuối thư lại phụ hai bài thơ, mỗi bài vịnh một thứ hoa. Thơ rằng:

Nhất-phẩm!

Nhất-phẩm đừng mơ ước,
Nhà nghèo phận đắm sa;
Bạn vàng trong lúc ấy,
Âu cũng tiếc cho hoa;

Tiểu-hà!

Móc mưa nhuần tưới rội;
Hơn-hớn mấy bông hoa;
Nhờ nó cũng tình-chủng,
Vì ai đuổi bệnh-ma.

Tình sâu tựa bể, lời đẹp như hoa. Đọc hết bức thư, thần-hồn mê-mệt. Mộng-Hà chỉ vì thương tâm mà nên ốm, chàng cũng tự biết như thế mà không thể chữa đi được. Lời thư của Lê-Ảnh chẳng những thấu rõ nguồn bệnh, vả lại rất đúng với sự lý, chẳng khác như ông Gia-Cát đem 16 chữ mà chữa bệnh Chu-lang. Thư một phong công dụng chẳng gì hơn, hoa hai chậu lòng yêu xa gửi tới. Chàng ốm thật, cho nên nàng lấy tình thật chữa cho mà khỏi. Bệnh lạ, thuốc lạ, người lạ, truyện lạ, cái ái-tình nó chêu-ghẹo người ta, lại cảm hóa được mau, xoay vần được chóng đến như thế ư? Những lời khuyên nhủ của Thôi-ông tuy rằng tha-thiết ân-cần, nhưng chẳng qua chỉ biết được một mà chưa biết được hai vậy.

Lò thuốc khói bay, màn lan hương đượm, chàng mới ốm liệt giường bữa trước, mà nay đã ngồi dậy được rồi, cười nói như thường, tinh-thần hoàn cũ. Bấy giờ chàng đương ngồi cắm đầu mà viết. Viết gì? Viết trả lời Lê-nương.

« Hoa thơm đã tặng, lời ngọc lại ban, tình ấy bao quên, bệnh này đã khỏi. Vài chương kính đáp, cảm tạ tấm lòng:

Gửi tấm tình sâu đôi chậu lan,
Lòng ai thôi đã rõ muôn vàn;
Mầu tươi hơn-hớn hương còn đượm,
Dìu-dặt bên hoa lựa khúc đàn.

Biết mặt nhau khi đã muộn-mằn,
Buồn hoa mà lại tiếc cho xuân;
Phòng thêu viện sách chung nguồn cảm,
Giọt lệ thương tâm rỏ mấy lần.

Phụ vịnh tên hoa hai bài:

Nhất-phẩm!

Gió xuân hây-hẩy ngát hương trời,
Nhất-phẩm hoa còn chịu kém ai!
Điện ngọc thềm vàng sao chẳng đến?
Không duyên hồ dễ bạn hôm mai!

Tiểu-hà!

Hớn-hở hoa như mỉm miệng cười,
Đầm-đầm chưa ráo giọt sương rơi;
Yêu hoa riêng cảm lòng ai tặng,
Trong mộng tìm đâu thấy mặt người?