Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/9
CHƯƠNG THỨ CHÍN
Đề ảnh
Ngày dài tựa tháng, người gầy như hoa; chàng tuy đã đuổi được ma-bệnh, xa được thần chết mặc dầu, song mấy ngày giường bệnh nấu-nung, thân-thể chỉ còn một nắm xương gầy rúm. Sau khi ốm khỏi, chàng lấy gương soi, thì thấy mất hẳn cái phong-thần ngày trước; chân tay chệnh-choạng, ngồi đứng cũng không được vững-vàng. Bởi vì lúc ốm lúc khỏi tuy đều bởi tình mà ra, nhưng thân thể phải chịu ảnh-hưởng rất nhiều. Mộng-Hà ngày nay đã không còn là Mộng-Hà béo tốt đẫy-đà ngày trước. Nàng biết chàng tuy khỏi nhưng còn cần phải điều-dưỡng, khuyên hãy nghỉ ngơi mấy buổi đừng ra trường vội, sợ rằng phải dùng sức mệt nhọc mà bệnh lại phát ra chăng; lại mời thầy thuốc đến bốc thuốc cho chàng để bổ-dưỡng nguyên-khí; đến như thức ăn thức uống, phàm cái gì có quan-hệ đến sự vệ-sinh đều chú ý một cách phi-thường. Nhân thế tấm lòng cảm-kích của Mộng-Hà lại càng ghi xương khắc dạ, nước mắt hòa tran, không biết nghĩ cách gì đền báo. Khói lò nghi ngút, phong thuốc chập-chồng, thuốc khi ốm như nước đổ tàu khoai, thuốc lúc khỏi như gió rung lá úa, hiệu-lực có không, không phải thuốc làm ra thế mà là tự tâm người khiến nên. Mộng-Hà nằm nhàn uống thuốc, xem sách làm vui. Có lúc lại ra hiên tập đi thì thấy gân xương cứng mạnh, đi đứng nhẹ-nhàng, biết là đã gần được như cũ. Nhưng hễ thấy gió thì sợ lắm, vậy nên không dám ra cửa mấy khi. Phòng không vắng-vẻ, lại cùng ngọn bút làm bạn bầu, hoặc làm câu thơ ngắn gửi ý xa xôi, hoặc viết bức thư dài tỏ lòng nhớ mến, mà Bằng-lang thì suốt ngày làm một anh loong-toong chạy đi chạy lại không lúc nào ngơi. Như thế trong khoảng hơn mười ngày, Lê-nương đãi Mộng-Hà càng thành, Mộng-Hà cảm Lê-nương càng thiết, cái nhiệt-độ của hai tình đến đó lại càng xôi nổi bồng lên.
Chàng vì ốm mà nghỉ việc nhà trường đã đến hai tuần; bấm đốt từ khi Thạch-Si đi, chắc đã tới chỗ mục-đích rồi, trời bể mông mênh, tin nhạn cá hãy còn vắng vẻ. Trong khi chàng ốm, ông thân-sinh ra Thạch-Si cũng thường sai người đến thăm hỏi. Nay bệnh đã khỏi, ở nhà mãi cũng sinh chán ngắt, chàng bèn quyết định ngày mai thì ra trường; và định trước hết đến thăm ông cụ sinh ra Thạch-Si, để một là tạ ơn thăm hỏi trong lúc yếu đau, hai là hỏi tin Thạch-Si sau khi đi vắng. Chàng định như thế, tối hôm ấy bèn đi ngủ sớm để dưỡng sức đến ngày mai.
Sáng hôm sau trở dậy, rửa mặt xong, thấy hãy còn sớm, sợ cảm lạnh không dám đi vội, thủng-thỉnh dạo quanh trong nhà, nhân nhớ đến mẹ già, bèn đến bên án viết thư, kể-lể về cái trạng-huống gần đây nhưng giấu việc ốm không nói đến, vì sợ, mẹ già nghe tin mà áy-náy. Thư phong lại rồi, sai thằng nhỏ đem đến nhà trạm bỏ thùng.
Quanh nhà xào-xạc, tiếng khách kêu ran, dường như báo tin mừng chi vậy. Đồng-hồ trên vách đã đánh 7 tiếng, chàng vừa khóa cửa toan đi thì chợt người phắc-tơ đem đến đưa cho hai phong thư. Chàng trông một phong trên mặt thấy có mấy chữ: « Thạch-Si gửi về mừng lắm liền bóc ra xem. Trong thư đại khái nói em đi học chuyến này, sóng bể êm-lặng, ăn ngủ như thường, xin báo tin để anh yên dạ. Duy sáng hôm nay, đến nơi dữa đường gặp mưa, hành-trang ướt hết, chịu đủ mọi nỗi khổ của khách xa nhà. Em định hãy ở lại nghỉ ngơi mấy ngày, cái kỳ đi học sa có lẽ vào khoảng tết Đoan-dương mới tới nơi được. Chàng đọc xong tạm để một bên, rồi lại trông vào mặt phong thư kia thì thấy có mấy chữ trạm vào mắt chàng, làm cho chàng mừng rỡ cuống-quít, vì bức thư ấy là của Kiếm-Thanh từ Phúc-kiến gửi lên. Kiếm-Thanh sang Phúc-kiến từ hồi mùa thu năm ngoái, đến nay đã được mười tháng trời. Lúc chàng đi, Kiếm-Thanh không biết. Chàng sang Dung-hồ, đã từng hai lần viết thư cho Kiếm-Thanh, nhưng vẫn chưa tiếp được thư trả lời. Nay thốt-nhiên bay đến một phong, đủ biết là chàng mừng rỡ lắm, xem thư mới biết Kiếm-Thanh hiện đương làm chức bí-thư ở tòa nọ, cận trạng cũng khá. Trong thư lại nói: Anh định đến hạ-tuần tháng năm sẽ trở về quê, bấy giờ chính là dịp em nghỉ hè, anh em có thể được cùng nhau xum họp trong vòng mấy tháng; đợi sang thu mát-mẻ, sẽ lại tính đến việc sau. Chàng xem thư trong dạ vui mừng, dự tính cái kỳ cùng Kiếm-Thanh xum họp chẳng cách bao xa, anh em cách biệt lâu ngày, mà được cùng họp mặt một nhà thì sung-sướng còn gì hơn nữa, nghĩ thế rồi thần-hồn bay bổng, dường như đã được cùng Kiếm-Thanh tay bắt mặt mừng, chuyện-trò vui-vẻ, cùng nhau kể-lể về những nỗi ly-biệt bấy lâu. Than ôi! vui tẻ không thường, mỗi khi mỗi khác. Những việc sẩy đến, thường hay cứ trùng điệp theo nhau mà đến, chứ không hay lẻ-loi. Lúc chàng ốm, không phải là không nhớ bạn nhớ anh, vậy mà tin tức vắng tanh, mảnh tờ không thấy; nay ốm vừa khỏi thì một lúc đến hai phong thư. Trong đó tựa hồ như có người cố ý bày trò ra vậy. Tin mừng đưa đến, gánh sầu nhẹ veo. Đường-quán-Hưu xưa có câu thơ: « Nỗi lòng man-mác nhớ người xa, tiếng quẹt đưa thư đến trước nhà », so với tình-cảnh của Mộng-Hà bấy giờ thực là đúng lắm.
Bóng dương lồng-lộng dữa trời, bước chân ra cửa miệng cười như hoa. Gió bay phân-phất áo là, cành cây thưa nhặt một và tiếng chim. Non xa vẻ khéo ưa nhìn, đồng xa man-mác mấy nghìn dặm khơi. Long-lanh đáy nước in trời, bức tranh con tạo chiều người giở ra. Phong-Cảnh đi sớm riêng có vẻ thanh-tân. « Nắng chiếu sương tan người vắng tanh », nếu không phải kẻ ở nhà quê thì sao tưởng-tượng được cái thú thiên-nhiên ấy. Chàng từ nửa tháng lại đây, nằm bẹp trong nhà đã lâu không được hô-hấp cái không-khí trong sạch ở ngoài đồng, trong mình rất là bực dọc. Ngày nay một mình đi sớm, đường cái vắng thanh, việc mừng còn ở trong lòng, cảnh đẹp phô ra trước mắt, tâm thần thư-thái, tai mắt nhẹ-nhàng. Cùng một cảnh ấy, lúc thất ý nhìn ra thì thấy buồn tanh, khi đắc ý trông vào lại ra vui-vẻ, tâm-lý của người ta mỗi lức mỗi khác mà cảm-tình đối với vật ngoài nhân-thế mà cũng khác nhau xa. Chàng bước chân ra ngoài lần này nếu không phải là sau lúc có sự vui mừng thì người vừa yếu khỏi, đường có gần đâu, cảnh khéo thờ-ơ, chân đi thất-thểu, cái nông nỗi dọc đường, chửa biết là chàng sẽ buồn rầu như thế nào vậy.
Đã đến trường, người trong trường đều xúm lại hỏi han, học-trò thì ai nấy hớn-hở reo mừng, đủ biết cái cảm-tình của họ đối với chàng lúc ngày thường thân-thiết là thế nào vậy. Trường này tất cả có hai thầy giáo. Một thầy tức là người họ Lý kia. khi Thạch-Si còn ở nhà mỗi ngày cũng có dạy một hai giờ đồng-hồ; sau khi Trạch-Si đi thì phần việc ấy về chàng nhận cả. Đến khi chàng ốm, công việc nhà trường đều về một mình thầy giáo Lý đởm-đương, Lý là một người trong làng tân-học, hơi nhiễm thói đời, tính-tình không được hợp với chàng. Lại hay có tính khoe mình mà chê người, chàng cũng chẳng thèm chấp chi, chỉ khinh bỉ thầm ở trong bụng. Lý nghe chàng đến, vui vẻ đón chào. Chàng cảm ơn mà rằng: « Mấy ngày đau yếu, không ra được trường, để một mình ngài phải gánh vác công việc nặng-nề, lòng tôi lấy làm áy-náy quá. » Lý nhún-nhường rồi nói rằng: « Hôm nay may ngài đã khỏi. Dạo này gió mát trời quang, đi chơi rất tốt. Nghe nói các trường bên Nga-hồ học tấn tới lắm. Tôi muốn ngày mai chủ-nhật dẫn các học-trò sang chơi bên ấy, xét xem sự học hành hơn kém thế nào, tiện sự so sánh mà liệu đường dạy giỗ. Vả tiết gặp đầu hè, cỏ cây xanh tốt, nhân cuộc đi chơi, tiện đường xem xét, cũng có bổ ích cho trí-thức về đường thực-vật ít nhiều. Chỉ sợ ngài mới yếu khỏi, không tiện đi xa. Giá cùng đi được thì hay lắm. » Chàng nghe nói bằng lòng đi. Sau khi tan học, bèn bảo tất cả các học-trò ngày mai đến họp ở nhà trường để đi du-lịch.
Nga-hồ là một trấn lớn thuộc về Vô-tích; tuy là chỗ nhà quê nhưng bán buôn rộn-rịp, nhà cửa phong-quang, chẳng kém gì một nơi đô-hội nhỏ. Trong làng phần nhiều người họ « Hoa », Trong họ có nhiều người tài học nổi tiếng với đời, thật là một chốn địa linh nhân kiệt. Làng ấy phong-khí mở-mang sớm. Các trường học đã mở, có trường « Quả-dục », trường « Nữ-học » và những trường « Tiểu-học » dậy tư theo lối cải-lương. Có một làng nhỏ mà mở ra bao nhiêu trường, việc học, rất là phát-đạt. Vả chăng trường nào xếp đặt cũng rất chỉnh-tề, lớp nào học hành cũng rất tấn-tới, chẳng nói trong một hạt Vô-tích không có làng nào sánh kịp, mà ngay đến khắp nước cũng khó có được nơi nào bằng. Làng ấy cách làng Dung-hồ chừng vài mươi dặm đường, đi thuyền mất nửa ngày mới đến. Mộng-Hà từ khi sang Vô-tích vẫn định qua thăm phong-cảnh Nga-hồ một lần, nhưng vì chưa có dịp nào rỗi có thể đi được. Nay nhân việc đem học-trò đi chơi, tiện thể lại được thỏa lòng xưa. Vì vậy ngày thường tuy chàng với Lý vẫn không hợp ý nhau, nhưng nay thấy Lý đề nghị việc đi chơi thì cũng tán thành ngay ý ấy.
Sáng hôm sau, chàng dậy sớm đến trường. Hơn năm mươi người học-trò đã đều mũ áo chỉnh-tề đứng đợi, giáo Lý thì đương bảo bồi trường sắm sửa các vật cần dùng trong lúc đi xa. Bấy giờ đồng-hồ đã đánh 8 giờ, sãi đò cũng đến nơi thúc-dục. Chàng nói: « Vừa đi vừa về hơn bốn mươi dặm đường, cũng tốn nhiều thì giờ lắm, đến nơi lại còn chơi bời chỗ này chỗ khác, nếu không đi sớm thì e lỡ mất độ về chăng. » Bèn cùng Lý dẫn học-trò ra sân thể-thao, dàn hàng đếm số, rồi đem những lề lối, những phép-tắc trong khi đi chơi mà diễn giảng cho học-trò nghe, bảo ai nấy đều phải ghi nhớ. Dặn bảo xong, sắp hàng đi ra. Bến đò cách trường chừng nửa dặm, đã bảo hai chiếc thuyền chờ sẵn ở đấy. Ra đến nơi, mỗi người dẫn hơn hai mươi tên học-trò xuống một chiếc thuyền. Thuyền rổ sào đi, may được gió thuận buồm suôi, thuyền đi rất chóng, độ 11 giờ đã đến bến Nga-hồ, các nhà trên bến đã đều đương nghi-ngút thổi cơm. Hai người dẫn học-trò lên bờ, định đến thăm trường « Quả-dực » trước, bèn hỏi thăm đường vào. Bấy giờ đương lúc gió nhẹ nắng cao, đường không vẩn bụi, tiếng giầy lạt-chạt, ngọn cờ phất-phơ, đi đứng dịu-dàng, tới lui đều-đặn, người xem bên đường đều chỉ trỏ mà tấm-tắc khen với nhau rằng: « Đấy là học-trò trường Dung-hồ đấy. Trông họ tinh-thần hoạt-bát, hàng lối chỉnh-tề, nếu không được ông thầy tốt dạy bảo sao được như thế! » Quả-dực là trường mở đầu tiên ở Nga-hồ, khai thiết lâu năm, thành công rõ-rệt. Những người coi việc trường ấy phần nhiều là người có tiếng trong học-giới, giầu về học-thức kinh-nghiệm cả. Mộng-Hà đi chơi chuyến này được cùng các sĩ-phu làng ấy cầm tay họp mặt, cũng lấy làm thỏa thích trong lòng. Khi đã đến trường ấy, học-trò trong trường sắp hàng ra đón rước vào. Thi lễ xong, một bên hát bài ca « đón tiếp », một bên hát bài ca « qua thăm » để tỏ lòng kính mến lẫn nhau, Xong rồi chia hàng vào trường xem. Bấy giờ đã gần trưa, nhà trường mời ở lại thết cơm. Cơm nước rất là tươm tất, học-trò ai nấy no-nê cả. Ăn xong nghỉ ngơi một lát, rồi do học-trò trường ấy sắp hàng đi trước dẫn đường đến thăm các trường kia. Tiếng ca uyển-chuyển, tiếng nhạc du-dương, dọc đường đi trông như một con rắn dài, qua mấy khúc đường chưa đứt. Người đi theo xem cũng đầy đường lấp lối, tựa hồ như một đám hội to. Qua thăm các trường xong, trời đã sế chiều, viên đốc-giáo trường « Quả-dực » lại mời ra đồng rộng đá cầu chơi. Mộng-Hà chối từ là đã gần tối cần phải về, các học-trò cũng đều cạn hứng muốn về cả. Học-trò các trường làng ấy bèn sắp hàng tiễn ra bờ sông. Chào nhau xong, kẻ trở lại, người xuống thuyền. Bóng xế thuyền về, dữa dòng lơ-lửng, cánh buồm thuận gió, con chèo như bay. Về đến trường, trời đã tối nhá-nhem, làng xóm đã lập-lòe bóng lửa.
Các học-trò ai về nhà nấy, Mộng-Hà cũng mỏi mệt, cùng chàng Lý chia tay về nhà, Vừa về đến cổng, Bằng-lang trông thấy, mừng rỡ ra đón mà hỏi rằng: « Hôm nay chủ-nhật, thầy đi chơi đâu thế mà để ở nhà mong mãi? » Chàng nói chuyện đi chơi Nga-hồ. Bằng-lang không đợi nói hết. vội đã hoa chân múa tay mà chạy đi. Chàng vào trong nhà, không kịp kiểm-điểm gì, cứ mặc cả áo mà nằm kềnh xuống giường, vì đi cả ngày nhọc mệt, đương muốn được nghỉ cho lại sức. Hay đâu vừa nằm xuống, kéo cái chăn đắp thì thấy trong chăn có vật gì kềnh-kệnh, chạm vào trên ngực, lạnh giá như nước. Chàng cả kinh, vội lấy tay sờ, nhưng trong xó tối không biết là vật gì. Lấy đèn vào soi thì ra là một cái khung gương, trong có tấm ảnh. Nhìn người trong ảnh, bất giác ngực dồn như trống, bụng nở như hoa, vì người ấy chẳng phải là ai, mà chính là Lê-nương. Mộng-Hà mừng rỡ không biết chừng nào; nghĩ thầm hôm nay chắc hẳn Lê-nương đi một mình đến đây, để một bức tiểu-ảnh này lại cho ta, cốt muốn cho ta được khuây-khỏa tấm lòng thương nhớ, tình sâu thay mà ý cũng xa thay! Kế lại nghĩ: « Nàng đã lại đây mà cho ta vật này, ngoài ra tất cũng còn có cái di-tích gì khác nữa ». Bấy giờ chàng đã quên hết cả sự mệt nhọc, vội cầm cái đèn đến bên án, kiểm soát kỹ-càng, xem nghiên thì dấu mực chưa khô, mở bút thì đầu ngòi còn ướt, vậy mà tìm khắp mặt án không thấy một mảnh chữ nào. Chàng lại soi xuống dưới đất thì thấy tàn giấy bừa bãi khắp cả mặt đất. Tìm trong đống tàn, được một mảnh giấy cháy dở, trong còn 7 chữ rằng: « Người cũng đi như ngọn nước trào ». Lạ thay! Nàng đã đến bên án viết thư, cớ sao viết rồi mà lại đốt! Đã đốt mà trong đám tro tàn lại còn bớt lại 7 chữ ấy là ý thế nảo? Chàng ngẫm nghĩ hồi lâu mà một cái « bầu » nghi ngờ vẫn không sao đập vỡ ra được.
Bóng ngọc nào đâu, hương thừa còn đó. Chàng cầm mảnh giấy cháy thừa, ngắm-nghía hồi lâu, lại nghĩ-ngẫm hồi lâu mà vẫn không hiểu là nàng dụng ý thế nào. Một cơn mừng rỡ, biến thành một mối nghi-ngờ, trong dạ băn-khoăn, không sao yên được. Cơm tối bưng lên, nhưng chàng không sao nuốt trôi cổ. Ăn xong lại hết sức ngẫm-nghĩ, hồi lâu chợt như nghĩ ra mà rằng: « Hôm nay ngày nghỉ, nàng biết ta không đến trường cho nên sang đây thăm ta, hoặc lại muốn nói chuyện câu gì, không ngờ mà ta lại đi vắng. Câu thơ bớt lại đó là có ý than thở về nỗi nhà gần người xa, tựa như oán ta sao đi vắng mà lại không báo tin cho biết. Ta thực khờ quá, cớ gì lại chiều ý học-trò, nghe lời lão Lý, lúc đi cũng cứ lùi-lũi chẳng hề báo tin cho nàng biết, khiến nàng phải uổng phí một chuyến sang thăm. » Nghĩ đến đấy, chàng đập án mà kêu lên rằng: « Hại quá! Bực quá! Không sau không trước, một đến một đi! Ngày xuân dễ mấy lúc tình cờ mà nỡ bỏ hoài đi mất! Hỡi các duyệt-giả! Như Lê-nương vốn giống con nhà, chẳng may góa-bụa, nào phải đâu những tuồng trăng gió vật-vờ! Tuy rằng cùng với Mộng-Hà cũng có dây-dướng họ-hàng, thì theo lễ mà đến thăm nhau cũng chẳng hề chi. Thế như trong ngoài ngăn cách, họ mạc xa xôi, lẽ đâu đang lúc ban mặt ban ngày, dám làm sự đi thầm đi vụng; dù không thẹn dẫn thân đến hiến, sao không e miệng thế chê cười. Lê-nương dù say đắm Mộng-Hà đến đâu cũng quyết không đến nỗi khinh xuất như thế. Chẳng qua nàng sang chơi đấy là đã biết rõ chàng không có ở nhà. Thế mà chàng lúc ấy như dại như ngây, vẫn đinh-ninh nàng định đến thăm mình, chỉ vì một cuộc đi chơi làm cho lỡ mất. Thở ngắn than dài, buồn ngơ tiếc ngẩn, nhân làm hai bài thơ để gửi ý rằng:
I — Nga-hồ phơi-phới cánh buồm cao,
Mình đến ta đi lỡ biết bao;
Bút thảo tiên thơ tình muốn gửi,
Tro thừa mảnh chữ ý làm sao?
Đầy nhà thoang-thoảng mùi hương đượm,
Tưởng mặt bâng-khuâng ngọn gió vào;
Ai rõ tình nhau trong cảnh ấy,
Thần-hồn khôn siết nỗi lao-đao!
II — Đào-nguyên lạc lối buổi hôm nay,
Mặt đất còn như vẽ dấu giầy;
Gửi ý dòng thơ người đã vắng,
Tìm hương đêm quạnh khách như ngây;
Thương cho chút phận bông bèo dạt,
Riêng cảm tình ai biển nước đầy;
Bạch-diện hồng-nhan chung một kiếp,
Mối sầu mang đến chết khôn khuây.
Chàng ngâm xong, lại cầm bức ảnh của nàng ngắm-nghía. Ảnh ấy nàng mặc quần áo đàn-bà phương Tây, mũ hoa quần dài, tay cầm một quyển sách tây, dáng-điệu rất thùy-mỵ. Chàng nhìn ngắm hồi lâu, không hề chớp mắt; yêu quá muốn gọi ra mà không thể được, bâng-khuâng như thể mất lạng vàng. Nhân mở khung kính lấy bức ảnh ra, lại đề hai bài thơ vào đàng sau ảnh.
Thơ rằng:
I — Trong gương nào phải khách đường xa,
Dưới ngọn đèn khuya ta với ta;
Cốt-cách thua đâu bông nhất-phẩm,
Dong-quang in với khách Hằng-nga;
Không cười bụng tiếc duyên kỳ-ngộ,
Chẳng nói xuân thêm vẻ đậm-đà;
Vạt áo đề thơ đâu đã dám,
Bụi trần e chửa sạch ngòi hoa.
II — Trông nhau chẳng nói cũng không cười,
Một mảnh gương lồng cách mấy mươi;
Vẻ thẹn dường in đôi má phấn,
Nét sầu như vẽ cập mày ngài;
Chăm điều gói-ghém hương chưa hả,
Án tuyết say-sưa bước chẳng dời;
Gặp mặt từ nay chưa dễ được,
Phụng thờ xin trọn bữa hôm mai.