Nghề làm thơ rất khó là cái đề
Năm ngoái có một lần tôi phản đối người kia làm thơ mà đặt cái đề là khóc cha. Tôi cho là trong khi cha chết, không có thể làm thơ, cho nên cái đề ấy không thành lập được. Sự tôi phản đối đó, có người đã phản đối lại tôi. Tuy vậy, tôi vẫn tin lời tôi nói là trúng lý.
Mới đây lại thấy có người làm thơ vịnh mặt trời nữa. Cái đề nầy cũng làm cho gai con mắt tôi hết một chặp, vì tôi tưởng như cái mặt trời thì chẳng còn có cái thú vị gì mà ta hòng ngâm vịnh.
Cái lớn của nó, lớn quá; cái tròn của nó, tròn quá; cái nóng của nó, nóng quá; cái sáng của nó, sáng quá; như vậy ta còn đòi lấy cái gì hình dung nó, ca tụng nó mà ta dám làm bài thơ vịnh mặt trời?
Nhưng tôi có nói gì đi nữa là người ta đã ưa làm thơ, sính làm thơ, thì gặp cái đề nào làm cũng được cả, bất kỳ cái gì cũng a vào mà ngâm vịnh cho kỳ được cả, tài gì tôi ngăn cản họ được ư?
Nói vậy chớ chúng ta thử xem lại bao nhiêu thi nhân đời xưa họ trịnh trọng trong khi lựa một cái đề bài thơ là dường nào. Những thi nhân có giá trị, chẳng khi nào gặp đâu ngâm vịnh đó bao giờ.
Bởi thơ là thứ để tả tánh tình của người ta. Khi nào mình có cảm xúc mà nói ra bằng lời nói thường (tức là tản văn) nó không đạt được ý cho hết thì mới phải cần đến lời nói có điệu có vần; lời nói có điệu vần, ấy là thơ đó.
Đó là cái nguyên lý nguyên tắc của thơ và sự làm thơ. Vậy nếu gặp cái gì không cần làm thơ mà cũng làm, thì trái với cái nguyên lý nguyên tắc ấy rồi. Như cái mặt trời, nó lớn bao nhiêu, nó tròn cách nào, nó nóng và sáng đến mực nào, dùng tản văn mà giải ra thì đủ rõ. Nó là cái tri thức thuộc về khoa học, chẳng có chút hứng vị gì là cái hứng vị thơ trong nó hết, thì can gì mà vịnh nó?
Những thơ, cái đề đã trái với nguyên lý nguyên tắc của sự làm thơ, thì nó không thế nào hay được. Những thơ ấy, không ai bắt tội bắt vạ gì, có điều thế nào nó cũng phải dở, cái là chắc.
Nhưng ta phải biết, những thi nhân thì cái tánh tình họ có khác thường một chút, họ cảm xúc mạnh và lẹ hơn ta; ngoài những cái như cái mặt trời ra, có cái đối với ta không có thi vị mà đối với họ lại có thi vị. Bởi vậy, trong sự kiếm đề thơ, họ so với ta có dễ hơn.
Như tôi, chẳng phải là tuyệt nhiên không biết làm thơ, tôi làm ra, có khi lại còn nghe được hơn mấy ông thi nhân chánh hiệu đương thời đây nữa. Nhưng có khi cả năm tôi chẳng làm được một bài nào; ấy không phải là tôi làm không được, nhưng vì tôi kiếm đề không ra. Bởi đó tôi phải chịu là khó.
Để tôi kể thử ra đây một chuyện cho biết cái thi vị như thế nào, và khi nào là khi đáng lập lên một cái đề mà làm một bài thơ.
Ông Khương Hữu Vi, người Tàu, thầy của Lương Khải Siêu, chắc có nhiều người biết. Họ Khương chẳng những là một nhà chánh trị có tiếng cuối đời Mãn Thanh, mà cũng là một tay thi nhân bậc nhứt nữa. Ngày nay nhiều người Tàu công nhận rằng cả đời Thanh có ba thi nhân đại tài, mà Khương Hữu Vi là một; còn hai người kia: Kim Hòa và Hoàng Tuân Hiến.
Họ Khương ở đời vua Quang Tự, chủ trương giúp nhà vua để duy tân, ông ta đã thiệt hành được chí nguyện mình trong mấy tháng, rồi bị bọn quyền thần nó hãm hại, thành ra việc hư hết. ấy là cuộc chánh biến năm Mậu Tuất. Từ đó ông chạy ra ngoại quốc, làm không nên việc chi, cho đến hồi Dân quốc thành lập thì trở về cố hương.
Năm Nhâm Tuất (1922), sau cuộc chánh biến 25 năm, ông Khương nghỉ chơi tại Tây Hồ, thuộc về Hàng Châu. Vừa đêm 17 tháng giêng, trăng lên sáng rỡ, lại có sa tuyết nữa, ngó ra một vùng trắng phau như thế giới bằng bạc. Khi ấy ông ngồi trong nhà ngắm cảnh hứng tình, bèn thả thuyền chơi trên mặt hồ. Ngon dằm ông bảo chèo thuyền luôn lên thành xem hát.
Vào rạp, mới ngồi bỗng nghe trên sân khấu nói đến tên của ông! Ông lấy chương trình coi thì té ra hát tuồng Duy tân mộng, tức là chuyện chánh biến năm Mậu Tuất, mà ông là vai chủ động trong đó vậy.
Đêm hát ấy hay lắm. Những kép làm tuồng diễn ra được hết những cái lòng chí thành ưu quốc của ông Khương Hữu Vi, cái khí phách anh minh của vua Quang Tự, cái thủ đoạn âm hiểm của bà Tây Hậu, cả rạp đều vỗ tay khen, mà nhứt là ai nấy hết sức cảm động về ông Khương Hữu Vi trong tấn tuồng; còn ông Khương Hữu Vi thiệt ngồi đó có lẽ người ta không biết!
Một người nào trong chúng ta thử đặt mình vào cái cảnh ông Khương Hữu Vi trong lúc ngồi giữa rạp đó, coi thử có cảm xúc thế nào? Một người có hoài bão, tuổi đã già, sau khi làm không được việc gì rồi, kiếm nơi an nghỉ, gặp đêm có trăng có tuyết, thừa hứng dạo chơi, lại gặp người ta nhắc đến chuyện cũ của mình, thì tôi tưởng dầu không biết làm thơ trơn đi nữa cũng muốn làm chơi huống gì lại là tay thợ thơ.
Quả nhiên trong khi ngồi tại rạp hát đó, ông Khương Hữu Vi khẩu chiếm (đọc trong miệng, chớ không viết ra) được những 18 bài thơ, mà bài nào cũng hay hết. Tôi tưởng nếu sau đó mà ông cứ ngâm đi ngâm lại 18 bài nầy thì cái tình hoài của ông nó cứ lai láng hoài không thôi. Ấy thật là cái cảnh nên thơ, mà cũng là cái đề của ông đã xí được thình lình vậy.
Nguyên văn 18 bài nầy cố nhiên là bằng chữ Hán, tôi bạo gan lắm mới dịch thử ít bài ra đây chơi:
I
Vua tôi cá nước ngỡ minh lương
Mậu tuất duy tân việc chỉn thương!
Giấc mộng hăm lăm năm đã lửng,
Tình cờ đâu lại diễn nên tuồng!
II
Cửa trời lồng lộng bóng đèn sa,
Xiêm áo nhìn người mắt muốn hoa.
Không, có, nên, hư, qua mấy kiếp,
Rồi thôi, chuyện cũ khéo bày ra!
III
Chạnh niềm Tiên đế hãy còn đau!
Quan hệ thân già phải có nhau.
Áo mão trên sân, đua giắt mắt;
Dưới sân ta thật, có dè đâu?
IV
Thân già vào rạp cũng ngồi coi,
Coi chính mình ra đóng một vai.
Muôn cổ ngóng trông, tay chỉ trỏ;
Trỏ người bạch diện luống than dài.
V
Việc dầu thành bại cũng mây qua,
Tôi chúa trong tuồng thảy hóa ma!
Ngán nỗi mồ ai đã xanh cỏ.
Còn đây trời để một thân già!
Thấy nói 18 bài, mà người thuật chuyện trong một tờ báo Tàu kia chỉ nhớ có năm bài ấy thôi, là năm bài tôi đã làm hoanh dịch ra đó.
Những bài dịch đây tuy không truyền được tinh thần của nguyên văn cho mười phần cả mười song không đến nỗi mất hết; độc giả đọc qua cũng đủ thấy cái cảm tưởng của Khương tiên sanh trong lúc xem hát đó là thế nào!
Người hay làm thơ mà gặp được cái đề như vậy mới là xứng đáng. Nhưng cái hạng đề ấy, người thường có dễ chi mà gặp được? Bởi vậy trong những thi nhân xưa nay mà người nào có cái bổn sự phi thường một chút thì thơ mới được truyền, vì những người ấy thường gặp được đề hay, mà đề hay thì thơ mới hay, thơ hay thì mới truyền vậy.
Phan Khôi