Nghệ thuật Việt Nam ở ngoại quốc
I
Vài năm trở lại đây, trên con đường mỹ thuật, nước ta thường tỏ ra rằng mình không phải không có nhân tài, và do thế, đã khiến nhiều nước ngoài phải chú ý đến.
Tài nghệ của đào Năm Phỉ, trong dịp cô sang dự cuộc Đấu xảo thuộc địa Paris năm 1931, đã đem đến cho cô – và cũng cho chúng ta nữa – cái vinh dự được các báo Pháp hết sức khen ngợi. Gần đây lại có tin cô Hoàng Thị Thế, con gái ông Đề Thám, năm xưa đã có lần hiện trên màn bạc, nay sắp trở ra lãnh vai chính trong một phim quan trọng.
Không những sự quảng cáo cho nước nhà ấy chỉ riêng dành cho bạn gái, bên nam cũng có người đã đem nghệ thuật mình khoe bày trên các đô thị lớn nước ngoài. Tức như chuyện bác sĩ Nguyễn Văn Nhã dạo đàn tranh ở Âm nhạc Viện Đông Kinh cùng tài tử khiêu vũ Nguyễn Văn Chấp đã từng đặt chân trên các hí trường lớn Âu Mỹ mà chúng tôi theo các báo thuật lại cho bạn đọc nghe dưới đây vậy.
*
* *
Bác sĩ Nguyễn Văn Nhã không những chỉ tinh thông y học Âu châu, ông lại còn am hiểu cả nghề thuốc Bắc và rất để tâm nghiên cứu khoa châm cứu của phương Đông. Và không những chỉ là một vị y sĩ uyên thâm, ông lại còn là một nhà âm nhạc có tài nữa: bác sĩ Nhã vốn là một cây đờn tranh có tiếng ở Nam Kỳ.
Vừa rồi, nhân sang Nhật để đeo đuổi công cuộc nghiên cứu về khoa châm cứu, bác sĩ có cho cây đàn của mình lên tiếng tại Âm nhạc Viện Đông Kinh. Buổi hội đàn hôm ấy có đủ mặt các nhạc sĩ có tài Phù Tang, và giữa một cái không khí tao nhã đầy những cảm tình, tiếng du dương của cây đàn Việt Nam, nhờ hai tay mềm mại, uyển chuyển của nghệ sĩ, đã làm cho thính khách phải say sưa, ngơ ngẩn.
Trong một bài đề là "Annam no tranh" đăng ở tạp chí Chủ phụ chi hữu của người Nhật, ông Myagui có thuật lại cuộc hòa đàn ấy và hết sức ca tụng nghệ thuật của bác sĩ Nhã. Ông tỏ ý không ngờ rằng một cây đàn đơn sơ mộc mạc như thế mà lại trỗi lên được những tiếng réo rắt thâm trầm, nó làm cho bao nhiêu tơ lòng đều phải rung động.
Thật là một sự vẻ vang cho bác sĩ Nhã và cũng cho người Annam. Nghe đâu sau buổi tấu nhạc, bác sĩ có lưu tặng lại Âm nhạc Viện Đông Kinh cây đàn tranh của ông để làm vật kỷ niệm.
*
* *
Nói đến Nguyễn Văn Chấp tức là nói đến một thanh niên đa tài nghệ, đã từng phiêu lưu trên các nước Âu Mỹ.
Văn Chấp người tỉnh Trà Vinh (Nam Kỳ), bỏ nhà ra đi từ thuở 15 tuổi. Bắt đầu chàng ngụ tại Paris, và sau mấy năm dày công học tập, đỗ được bằng chính trị nghiên cứu. Nhưng óc Văn Chấp không phải là óc chính trị, mà là óc mỹ thuật. Chàng bèn chiều theo thiên bẩm của mình mà khuynh hướng hẳn về mỹ thuật. Thế rồi nay đây mai đó, khi Nữu Ước, khi Luân Đôn, chẳng bao lâu chàng trở nên một tay nghệ sĩ có tài và chiếm được một địa vị trong làng chiếu bóng và khiêu vũ Âu Mỹ.
Văn Chấp đã từng đóng nhiều phim trong có nhân vật Á Đông, do hãng Alban Pacific quay. Tonnerre sur le Mexique và L' âme de Manille là hai cuốn phim trong đó Văn Chấp đều đóng vai trọng yếu.
Ngoài tài đóng trò, Văn Chấp còn là một nhà chụp ảnh rất thiện nghệ. Công ty nói trên đã nhiều lần thuê chàng làm cameraman, và giả tiền công rất cao. Ấy là chưa nói đến Văn Chấp còn là một nhà hội họa, một nhà âm nhạc, và... một nhà hớt tóc khéo nữa.
Nhưng cái nghệ thuật chính của Văn Chấp, cái nghệ thuật đã nuôi chàng sống một cách phong lưu đầy đủ là môn khiêu vũ theo lối Nam Dương quần đảo. Chàng thường đi đôi nhảy múa với cô đào Ấn Độ Nyota Inyoka trong các phim có khiêu vũ và trên các hí trường lớn ở Hoa Kỳ. Hai người lại nhiều lần cùng nhau sang trổ tài tại các thành phố lớn Pháp, Anh, Tây Ban Nha, đến đâu cũng được công chúng hoan nghênh.
Bao nhiêu năm sống cuộc đời phiêu bạt, hiện nay Văn Chấp đã về thăm quê hương. Chàng định ở nhà dưỡng sức một ít lâu, rồi sang sống trở lại cái đời tưng bừng, hoạt động của kinh đô chiếu bóng nước Mỹ.[1]
II
Cũng dưới cái đầu đề trên đây, trong một số trước chúng tôi có đem chuyện bác sĩ Nguyễn Văn Nhã dạo đàn tranh ở Âm nhạc Viện Đông Kinh và tài tử chiếu bóng kiêm khiêu vũ Nguyễn Văn Chấp có tiếng ở Âu Mỹ thuật cho bạn đọc nghe.
Như là tiếp theo với bài trước, hôm nay chúng tôi lại thuật chuyện một người Việt Nam khác hiện làm vẻ vang cho nước nhà ở bên kia trời Tây. Người ấy không phải là một nhạc sĩ hay một tài tử trên màn ảnh, mà là một nhà danh họa, một nhà danh họa có biệt tài đã làm cho làng mỹ thuật Âu phải kính nể: ông Lê Văn Đệ.
Quê quận Mỏ Cày, Nam Kỳ, ông Đệ trước vốn là một học sinh xuất sắc của trường Mỹ thuật Hà Nội, bạn đồng lớp với hai họa sĩ có tiếng hiện giờ là Lê Phổ và Tô Ngọc Vân. Vì chí muốn luyện thêm tài nghệ, ông sang Pháp cầu học. Sau khi ở Paris thọ giáo với họa sư Paul Laurens được ít lâu, ông phiêu lưu xuống miền Nam, rồi thẳng sang Ý, và hiện nay ông đang trú ngụ tại nước Ý, là nước mà nghệ thuật của ông đã cảm hóa, từ đám thanh niên đến các bậc cao như đức Giáo hoàng.
Cách đây không lâu, ông Đệ đã có mở một cuộc triển lãm những tác phẩm của mình. Ông được người Tây chú ý đến một cách đặc biệt. Một người Đức đã mua bức họa “Gia đình Annam” bằng một giá rất cao. Một bức họa khác của ông được chánh phủ Pháp mua bày tại Viện bảo tàng Le Louvre.
Những tin trên nầy trước đây các báo ta có đăng. Tuần báo Mai ở Sài Gòn, trong số mới rồi, vừa nhắc lại chuyện cũ, có cho chúng ta hay rằng ông Đệ, nhân cuộc "Đấu xảo thế giới Công giáo báo chương", được đức Giáo Hoàng Pie XI vời vào trông nom việc tô điểm điện Vatican.
Nói vời, nhưng thực ra vì ông đã chiếm giải nhất trong cuộc thi kiểu tô điểm mở ra trước cuộc đấu xảo, có đủ các nhà danh họa trên thế giới đến dự. Ông làm mỗi ngày 13 giờ, vừa vẽ, chạm, vừa trông coi 11 nhà kỹ sư và 20 thợ chuyên môn.
Hầu hết các báo Ý đều tán phục nghệ thuật ông Đệ mà họ gọi là "thiên tài Á Đông". Danh của ông lại vang lừng đến làng mỹ thuật các nước Âu châu nữa. Ông đã được phép vào bệ kiến đức Giáo hoàng; ngài hết sức ngợi khen và định ân thưởng ông một chiếc "Giáo hoàng bội tinh", nhưng hiện ông chưa đủ tuổi, phải chờ đến cuối năm.
Một người Việt Nam được cử vào trông nom việc tô điểm điện Vatican! Nếu có sự vinh dự thì còn cái vinh dự nào hơn nữa. Raphael và Michel Ange ngày xưa chẳng đã được hưởng cái vinh dự ấy là gì.
Chú thích
- ▲ Bài này không ký tên, nghĩa là tác quyền thuộc tòa soạn S.H., tức là của chủ bút Phan Khôi. Như có nói trong bài, người viết bài này chỉ thuật lại tài liệu của các báo khác, nên người trong tòa soạn – tức là chính chủ nhiệm Phan Khôi – thực hiện nhưng không ký tên.