Bước tới nội dung

Nghị quyết số 779 NQ/HĐNN7

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nghị quyết số 779 NQ/HĐNN7 về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII  (1987) 
của Hội đồng Nhà nước Việt Nam

Nghị quyết được ban hành ngày 6 tháng 2 năm 1987.

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ vào Luật bầu cử đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ vào Nghị quyết ngày 28 tháng 12 năm 1985 của Quốc hội khóa VII (kỳ họp thứ 10) về việc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội khóa VII,

QUYẾT NGHỊ :

1. Tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII vào ngày Chủ nhật 19 tháng 4 năm 1987.

2. Tổng số đại biểu Quốc hội khóa VIII là 496 đại biểu. Số đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương giữ nguyên như trong Quốc hội khóa VII.

Quốc hội khóa VIII phải bao gồm đại biểu của các tầng lớp nhân dân, của các ngành, các cấp, những người tiêu biểu cho các ngành sản xuất, công tác, chiến đấu, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, v.v.. Số lượng đại biểu, tỷ lệ về thành phần xã hội và các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội khóa VIII theo bản hướng dẫn kèm theo Nghị quyết này.

3. Người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội phải có đủ tiêu chuẩn: trung thành với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội; có thành tích trong sản xuất, chiến đấu và công tác; có tinh thần đổi mới, đi sâu đi sát thực tế, hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, gương mẫu trong lối sống, trong việc chấp hành chính sách và pháp luật; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ quyền lợi của nhân dân, chống mọi hành vi sai trái, tiêu cực; thật sự có phẩm chất và năng lực để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội.

Tuyệt đối không để lọt vào Quốc hội những phần tử phản cách mạng, những kẻ cơ hội, thoái hóa, biến chất.

Phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn trên đây, không vì yêu cầu cấu tạo về thành phần mà hạ thấp tiêu chuẩn.

4. Để bảo đảm cho cử tri hiểu rõ người được giới thiệu ra ứng cử, nâng cao ý thức trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với cử tri trong đơn vị bầu cử, tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội tiếp xúc thuận lợi hơn với cử tri, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII cần tăng thêm đơn vị bầu cử, thực hiện mỗi đơn vị bầu cử 3 đại biểu.

Địa phương nào có khó khăn trong việc phân chia đơn vị bầu cử, thì có thể bầu 2 hoặc 4 đại biểu trong một đơn vị bầu cử.

5. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kết hợp việc lắng nghe ý kiến của nhân dân, các tập thể lao động ở nơi người được giới thiệu ra ứng cử cư trú và công tác với việc hiệp thương cùng các chính đảng, các đoàn thể để giới thiệu danh sách những người ra ứng cử.

Trong việc lựa chọn người để giới thiệu ra ứng cử, phải thật sự dựa vào cơ sở, vào các tập thể lao động, tin vào trình độ giác ngộ chính trị của nhân dân. Tuyệt đối không được áp đặt, gò ép, mệnh lệnh. Trong trường hợp cử tri ở nơi cư trú hoặc công tác của người được giới thiệu ra ứng cử có ý kiến khác với dự kiến của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, thì phải xem xét nghiêm túc những nhận xét và kiến nghị của cử tri; nếu xét thấy cần thiết, thì phải kịp thời thay đổi người được giới thiệu ra ứng cử.

Phải tạo điều kiện để quần chúng hiểu biết về người được giới thiệu ra ứng cử; tổ chức tốt việc báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ của Quốc hội khóa VII để cử tri đóng góp ý kiến với các đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ qua; tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc giữa cử tri và những người được giới thiệu ra ứng cử để ứng cử viên hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của cử tri và cử tri biết được ý định, chương trình hành động, năng lực, trình độ của ứng cử viên để có cơ sở lựa chọn bầu đại biểu mà mình tín nhiệm, hết sức tránh cách làm hình thức.

Số người được giới thiệu ra ứng cử trong một đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu; phải giới thiệu những người có năng lực, trình độ tương đương, có đủ tiêu chuẩn ra ứng cử để cử tri có thể tùy ý lựa chọn, bầu người nào cũng được.

6. Hội đồng bầu cử Trung ương do Hội đồng Nhà nước thành lập có nhiệm vụ giúp Hội đồng Nhà nước chủ trì cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, nghiên cứu và đề ra kế hoạch cụ thể về công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử Quốc hội; giúp Hội đồng Nhà nước giám sát việc tổ chức bầu cử Quốc hội, bảo đảm cho cuộc bầu cử được thật sự dân chủ và đúng pháp luật.

Ở mỗi đơn vị bầu cử, thành lập một Ban bầu cử: ở mỗi khu vực bỏ phiếu, thành lập một Tổ bầu cử. Tổ chức và hoạt động của các Ban bầu cử và các Tổ bầu cử phải theo đúng các điều quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội.

7. Cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương (nhiệm kỳ mới) được tổ chức vào ngày 19 tháng 4 năm 1987, cùng một ngày với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương phải căn cứ vào Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, vận dụng thích hợp những quyết định của Hội đồng Nhà nước đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII vào việc tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, xã và cấp tương đương.

Hội đồng Bộ trưởng quy định cụ thể những việc cần làm để tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

8. Hội đồng bầu cử Trung ương, Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các đoàn thể ở Trung ương cần có kế hoạch cụ thể thi hành nghiêm chỉnh Nghị quyết này.

Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, các Ban bầu cử và các Tổ bầu cử cần có kế hoạch chu đáo, định lịch công tác sít sao để chuẩn bị và tiến hành công tác bầu cử, bảo đảm hoàn thành mọi việc chuẩn bị cho bầu cử theo đúng hạn định của Luật.

9. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII phải đạt yêu cầu thật sự nâng cao vai trò của Quốc hội và chất lượng của đại biểu Quốc hội, có tác dụng giáo dục quần chúng xây dựng và củng cố chính quyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người công dân.

Từ nay đến ngày bầu cử chỉ còn ba tháng, thời gian chuẩn bị rất khẩn trương. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta nhiều cố gắng mới, nỗ lực mới. Cuộc bầu cử lại tiến hành trong tình hình kinh tế, xã hội chưa ổn định, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn và đối với một số địa phương lại vào lúc giáp hạt.

Để tiến hành công tác bầu cử đạt kết quả tốt, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương phải kết hợp chặt chẽ công tác bầu cử với việc động viên nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI và kế hoạch nhà nước năm 1987 ngay từ tháng đầu, quý đầu; đẩy mạnh các hoạt động sản xuất và phân phối, lưu thông, khắc phục có kết quả các hiện tượng tiêu cực, giảm bớt những khó khăn trong đời sống của nhân dân, trước hết đối với cán bộ, công nhân, viên chức, các lực lượng vũ trang, cán bộ hưu trí, nhằm tạo không khí phấn khởi trong nhân dân khi tiến hành bầu cử; phải hết sức tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí trong tổ chức bầu cử; có kế hoạch bảo vệ tốt cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử trong cả nước được tuyệt đối an toàn.

Hội đồng bầu cử Trung ương sẽ hướng dẫn cụ thể các ngành, các cấp, các Ban bầu cử thi hành Nghị quyết này.

BẢN HƯỚNG DẪN VỀ SỐ LƯỢNG, CƠ CẤU THÀNH PHẦN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA VIII

[sửa]

I- SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

[sửa]

a) Tổng số đại biểu Quốc hội khóa VIII: 496 đại biểu.

b) Số đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương :

STT Tỉnh thành phố Số lượng
1 Thành phố Hà Nội 31
2 Thành phố Hồ Chí Minh 35
3 Hải Phòng 13
4 Hà Tuyên 7
5 Cao Bằng 5
6 Lạng Sơn 5
7 Lai Châu 4
8 Hoàng Liên Sơn 7
9 Bắc Thái 8
10 Sơn La 4
11 Vĩnh Phú 13
12 Hà Bắc 15
13 Quảng Ninh 8
14 Hà Sơn Bình 15
15 Hải Hưng 20
16 Thái Bình 15
17 Hà Nam Ninh 26
18 Thanh Hóa 22
19 Nghệ Tĩnh 27
20 Bình Trị Thiên 19
21 Quảng Nam - Đà Nẵng 15
22 Nghĩa Bình 18
23 Phú Khánh 11
24 Thuận Hải 9
25 Gia Lai - Kon Tum 6
26 Đắc Lắc 5
27 Lâm Đồng 4
28 Sông Bé 6
29 Tây Ninh 6
30 Đồng Nai 13
31 Long An 8
32 Đồng Tháp 10
33 An Giang 14
34 Tiền Giang 11
35 Bến Tre 9
36 Cửu Long 13
37 Hậu Giang 19
38 Kiên Giang 8
39 Minh Hải 10
40 Vũng Tàu - Côn Đảo 2
Tổng cộng : 496

II- THÀNH PHẦN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

[sửa]
Khóa VII Khóa VIII tỷ lệ hướng dẫn
Thành phần xã hội :

- Công nhân

- Nông dân tập thể

- Thợ thủ công

- Cán bộ chính trị

- Quân đội

- Trí thức xã hội chủ nghĩa

- Nhân sĩ dân chủ, lãnh đạo tôn giáo

20,16%

18,55%

1,81%

24,40%

9,88%

22,18%

3,02%

22%

20%

5%

19%

10%

21%

3%

Thành phần các mặt :

- Dân tộc thiểu số

- Phụ nữ

- Đại biểu trẻ (từ 21 đến 35 tuổi)

- Trung ương

- Địa phương

- Cũ

- Mới

14,77%

21,77%

18,15%

34,07%

65,93%

34,07%

65,93%

15%

30%

30%

30%

70%

40%

60%

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".