Bước tới nội dung

Nhà nho với quân chủ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Nhà nho với quân chủ  (1938) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Dương tạp chí, Hà Nội, số 36 (20 Janvier 1938), trang 9-11.

Bài này đáng lẽ chung một đầu đề với bài Nhà nho với dân chủ đăng trong Đông Dương tạp chí số 33, vì chỉ là một ý phụ dung của bài ấy. Nhưng trong bài ấy tôi vì muốn cho gọn nên đã lược bớt cái ý ấy đi. Nay nhân có xúc cảm bởi một cái thời sự, lại viết ra đây; không ưng có sự chắp nối lôi thôi, bèn cho nó đứng riêng dưới một đầu đề khác.

Sau khi Nhật Bản lấy Hoa Bắc và Nam Kinh xong, định rước người cháu bảy mươi hai đời của đức Khổng Tử tên là Khổng Đức Chương lập lên làm vua nước Trung Hoa. Ấy là tin có đăng trong các báo hàng ngày.

Đừng tưởng đó là một cái sáng kiến của người Nhật. Cái đề nghị ấy trước kia bên Tàu đã có. Lúc bấy giờ thấy Mãn Thanh đã đổ, Dân Quốc thành lập sáu bảy năm rồi mà mải lục đục chẳng yên, một tờ báo có xướng nghị thế này: Trung Quốc vốn không quen cái chế độ dân chủ, mà bây giờ muốn lập vua trở lại thì chẳng biết lập ai cho thiên hạ phục tình; duy có họ Khổng ở Khúc Phụ, một thế gia đã được toàn quốc chiêm ngưỡng hai ngàn năm nay, nếu chọn một người đích phái trong họ ấy mà lập làm cộng chủ thì chắc là êm chuyện. Nhưng tờ báo ấy bàn là bàn vậy thôi, một việc mới quá, mới còn hơn cái chế độ dân chủ nữa, thì không tài nào thực hành được. Ấy thế mà không ngờ đến ngày nay người Nhật lại toan đem ra thực hành.

Nếu quả vậy, thật họ đã đùa với đức Khổng Tử một cách rất cay độc. Họ xúi giục cho cháu bảy mươi hai đời của ngài nhè cái chỗ ngài kiêng kỵ nhất mà phạm tới, thật họ ác vô cùng.

Đức Khổng Tử có linh, tôi tưởng, khi nghe được tin này, ngài phải giật nẩy mình đánh thót một cái trên ban Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư mà vừa xua tay lia lịa vừa năn nỉ với người Nhật như vầy: Xin các ông đừng làm thế! Chúng tôi không dám! Một hai chúng tôi không dám!

Có lẽ bạn đọc còn chưa hiểu tại sao mà đức Khổng Tử không dám. Trong bài trước tôi mới nói đến một mặt của cái chủ nghĩa của ngài là “thờ vua”; nhưng còn một mặt nữa tôi chưa nói là ngài “cai ngôi vua”. Cai, nghĩa là chừa ra, không dám mó tới. Thật thế, điều này tuy không có chép rõ trong sách, chứ ta xét nhận cho kỹ rồi thấy ông tổ nhà nho như đã lập ra một cái tín điều là: ta cứ giữ phận làm tôi, còn vua, ai làm để mặc họ làm. Ấy chính vì cái tín điều ấy nên khi ngài nghe tin cháu ngài sắp được chọn làm Hoàng đế Trung Hoa mà ngài giật mình đánh thót vậy. Nên kèm vào chỗ này một câu cho rõ: Tôi viết bài này cốt để cắt nghĩa cái chủ nghĩa của nhà nho đối với quân chủ về một mặt sau.

*

* *

Ta nên biết nhà nho đối với quân chủ có một cái trung thành rất đặc biệt mà kẻ khác không thể có. Kẻ khác thờ vua thì họ vẫn thờ, nhưng gặp dịp có thể thì chính họ cũng nhảy lên ngôi vua mà không từ chối. Duy nhà nho thì không bao giờ có thế. Đó là một cái bí truyền mà chính đức Khổng Tử đã phát minh ra và lưu lại cho đời sau.

Tại sao đức Khổng đoạn tuyệt cái tư tưởng đế vương thì ta không hiểu được. Cứ theo sách thì ngài không khi nào có hy vọng làm vua mà chỉ hy vọng làm quan. Bình sinh ngài cứ than thở không ai dùng mình và ước ao nếu có ai dùng mình. Một cỗ xe với hai con ngựa, ngài đi hết nước chư hầu này tới nước chư hầu khác để tìm cho được vua mà thờ. Túng quá, có khi bọn loạn thần tặc đảng mời ngài mà ngài cũng toan đến. Mình đọc sách, nhiều khi thấy mà đâm tức, chừng như muốn bàn với ngài: Không thì Phu tử nổi cách mạng quách thử xem!

À, không nói bỡn, theo thời thế và địa vị của ngài, việc ấy có thể được lắm đa! Ở vào thời buổi đã lâu lắm không có minh vương, Khổng Tử lại có đức lớn hơn Nghiêu Thuấn; gia dĩ trong tay có ba ngàn đồ đệ: tay chính trị có, tay quân sự có, nhà tư bản có, nhà ngoại giao có, đủ thế lực vận động một cuộc cách mạng dễ như chơi. Một cuộc cách mạng đưa ngài lên ngôi thiên tử, rồi tha hồ mà độ thế cứu dân; thế sao ngài không làm mà cứ mong kẻ khác dùng mình? Ngài từng nói: “Nếu có ai dùng ta, ta sẽ làm Đông Chu”; “Nếu có ai dùng ta, giáp năm đã thấy khá, ba năm thì nên việc”. Ngài đã quả quyết như thế, sao không làm quách cho mình, lại cứ chực làm cho người khác? Người khác là người, ngài cũng là người. Người khác làm được, ngài há không làm được? Có lẽ nào những kẻ xưng đế xưng vương từ xưa đến giờ đều là giống “siêu nhân” ở trên trời sa xuống hay sao?

Giá mình có bàn với ngài như vậy chắc ngài cũng không nghe. Tôi đã nói rồi, ngài giữ vững cái chủ nghĩa: Cái chủ nghĩa chỉ có làm tôi một người, chứ không dám làm chúa nhiều người. Đến đây, bạn đọc ắt phải tin như tôi rằng nếu đức Khổng không chính chuyên với chủ nghĩa thì ngài đã nổi cách mạng rồi mới phải.

*

* *

Cũng đồng là cái điều răn của tông giáo có nghĩa về tiêu cực, nhưng có cái khó giữ, có cái dễ giữ. Như cái điều răn “đừng uống rượu” của Phật giáo mà hoặc giả có ông thầy tu phạm phải; chứ cái điều răn “đừng làm vua” thì tôi biết chẳng hề có nhà nho nào phạm tới, từ xưa đến nay!

Sau đức Khổng, những người dám cầy cục tạo ra cái ngai vàng rồi nhảy lên mà ngồi, đều không phải nhà nho; còn hễ đã là nhà nho thì dù cho có muốn làm vua mấy đi nữa cũng kiêng kỵ mà không dám. Cho được chứng thực lời ấy, tôi xin trưng ra ít nhiều người trên lịch sử.

Lúc cơ nghiệp nhà Tần sắp đổ, những mặt anh hùng nào đã đuổi con hươu chốn trung nguyên? Người thứ nhất, ta phải kể là Trần Thiệp, dù y ở ngôi vương chỉ có mấy năm. Trước là một tên dân cày, sau là một tên lính thủ, cái đầu Thiệp chưa hề đội qua mũ chương phủ lần nào nên mới có thể đội ngay mũ miện.[1] Rồi đến Tây Sở Bá Vương, Hạng Vũ, người hồi nhỏ đi học chữ mới vừa biết “thủ ký” liền bỏ đi học gươm. Ai nữa? Lưu Bang. Một anh đình trưởng ở Tứ Thượng, từng chơi khăm đái vào mũ một anh nhà nho, trong chỉ có năm năm đã “ngảnh cái sang Hoàng đế” và tạo nên bốn trăm năm của nhà Hán! Hai người này có chí cướp lấy ngôi vua từ lúc còn thiếu niên bần tiện: Khi đi coi Tần Thuỷ Hoàng giá ngự, Hạng Vũ thì nói: “Hắn có thể cất đi mà thay vào!” Lưu Bang thì nói: “Trượng phu phải làm nên như thế chứ!” Giá Khổng thánh ở vào lúc đó, miệng ngài không ngớt tung hô vạn tuế, còn bụng dạ nào dám nghĩ đến hai câu nói oanh liệt kia?

Dòng dõi của Lưu Bang là Lưu Tú (Quang Vũ hoàng đế) và Lưu Bị (Chiêu Liệt hoàng đế) cũng chỉ nhờ thưở nhỏ nhà nghèo, đi học qua loa rồi bỏ, về sau mới đủ can đảm mà gây cái nghiệp phi thường. Hai ông tổ khai cơ của nhà Đường nhà Tống cũng vậy. Lý Uyên (Đường Cao tổ) là một viên lão tướng, bình nhật chỉ biết sai đâu đánh đó; Triệu Khuông Dẫn (Tống Thái tổ) cũng võ phu, “vị thường vi học”.

Hai ông vua đầu của nhà Nguyên và nhà Thanh, vốn ở Mông Cổ và Mãn Châu, cái xứ mà người Tàu kêu là di địch, chưa hề triêm nhiễm đến nho giáo, cố nhiên, chẳng nói làm gì. Vua Minh Thái tổ ở Trung Quốc dấy lên, nhưng cái lý lịch ngài hoặc là đầu trộm đuôi cướp, hoặc là thầy chùa, giá không làm vua để có dịp tế Thánh bằng lễ thái lao thì cả đời ngài quyết chẳng dám lấp ló đến bên ngoài cửa Khổng! Mà có thế, cái tên Chu Nguyên Chương mới trở nên Thái tổ Cao Hoàng đế của nhà Đại Minh!

Đó là mới lược kể qua dăm ba ông vua triều chánh thống mà thôi. Nếu cử ra cho hết các đế vương, đến những ông làm vua trong xó hoặc một thời thì còn nhiều lắm, mà thật, chẳng hề có một ông nào xuất thân từ nhà nho hết. Thân thế các ngài hoặc là kẻ vô lại, hoặc là tay võ tướng, hoặc là phường trộm cướp, không nữa, là mọi rợ, man di.

Ở nước ta, các vua sáng nghiệp Đinh, Lê, Lý cùng đức Thái tổ bản triều đều xuất thân từ võ tướng. Riêng có nhà Trần thì là một cậu công tử đẹp trai do từ tên lính hầu mà lên ngôi cửu ngũ. Còn đến anh em các ông Tây Sơn thì là các tay lái buôn trầu ở miệt nguồn Bình Định đổi nghề đi ăn cướp, rồi đến mỗi người làm chúa tể một phương.

Nào, hãy xem, có ông nghè, ông cống, ông cử, ông tú nào đã dám làm như các ông lái buôn Tây Sơn ấy không? Cố tìm lắm mới thấy một người là Tào Tháo, thì lại rụt rụt rè rè, chưa dám làm vua hẳn.

Các tay quyền thần tiếm thiết ở bên Tàu như Vương Mãng, ở bên ta như Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung, đều không phải nhà nho nên mới có gan ngồi lên ngai thiên tử. Tào Tháo cũng một loại người ấy, thế lực y lại còn lớn hơn nữa, mà chỉ vì cước vai hai chữ “hiếu liêm”, tức cử nhân hồi đời Hán, nhà nho ấy đã chịu cả đời làm tôi vua Hiến đế và để phần việc thoán đoạt lại cho con. Nghĩ va cũng muốn đích thân làm vua cho sung sướng chứ, nhưng vì trọng cái tín điều của nho giáo hơn, bần thần không dám.

Mới hồi Tự Đức đây có ông Cao Bá Quát cử binh ở đất Bắc, dám đề cờ rằng “Bình Dương Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn, Mục dã Minh điều hữu Võ Thang”. Ai không biết, tưởng ông nhà nho kiết, chân cử nhân được bổ đi giáo thụ ấy muốn làm như vua Thang vua Võ. Không phải đâu, ông Quát chỉ làm quân sư phò một người con cháu nhà Lê.

Thật, từ bấy đến giờ, nhà nho đã giữ trọn điều răn của đức Khổng Tử, ai nấy đối với quân chủ đã trung thành thì chớ, lại còn giữ được chữ “cai” của ngài nữa.

*

* *

Từ thế kỷ XIX giở về trước, cái phẩm trật giữa xã hội loài người, duy có vua là cao quý hơn hết. Đức Khổng có đức lớn, được thiên hạ tôn sùng mà ngài lại không làm vua, ấy là điều mà bọn tín đồ của nho giáo lấy làm bất mãn. Vì lẽ ấy, Hán nho bắt đầu xưng ngài là “Tố vương”, nghĩa là “ông vua không có ngôi”. Họ tưởng xưng như thế là xứng đáng lắm, không biết rằng cái huy hiệu ấy phản đối với cái chủ nghĩa của ngài, chắc ngài không chịu nhận.

Về sau có nhà vua phong đức Khổng làm Văn Tuyên vương, cũng làm trái ý ngài nữa. Nhưng có nhà vua khác hiểu chỗ bí truyền của nho giáo nên đã trừ khử cái tước hiệu ấy đi mà trên bài vị thờ ngài chỉ đề là “Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Khổng Tử”, và quen xưng như thế cho đến ngày nay.

Thế là phải. Thế là hợp với cái tín điều đức Khổng đã lập ra. Cũng bởi cái tín điều ấy mà xưa nay các vị đế vương vốn không phải nhà nho, nhưng lúc đã lên làm vua rồi thì đều quy y nho giáo và nhận nó làm quốc giáo. Phải, nho giáo đã dập tắt cái tư tưởng tranh vương tranh đế trong lòng mọi người, đỡ cho nhà vua nhiều lắm, thì tôn sùng là phải.

Tin cuối cùng: Khổng Đức Chương đưa thư cho người Nhật từ chối sự làm vua nước Trung Hoa.

À, có thế chứ! Lẽ đâu cả nhà nho bên Tàu lẫn bên An Nam đều vâng phục cái tín điều của đức Khổng mà một người cháu bảy mươi hai đời của ngài lại dám trái đi?

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Chương phủ là mũ của nhà nho; miện là mũ của vua (nguyên chú của Phan Khôi).